Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Cách sử dụng giọng pha (mixed voice) ở một số diva nổi tiếng

Giọng pha (mixed voice) là một kĩ thuật thanh nhạc cơ bản mà hầu như mọi ca sĩ đại chúng đều phải biết, đặc biệt là các ca sĩ đi theo hướng vocalist. Thuật ngữ này tương đương với passagio trong thanh nhạc cổ điển.

Mixed voice thực chất có liên quan tới nhiều kĩ thuật khác, mấu chốt của nó là cách vận dụng hơi thở (breath control) và đặt đúng vị trí âm thanh (placement). Nói một cách đơn giản nhất, đây là việc sử dụng hợp lí và cân bằng sự chi phối, ảnh hưởng (domination) giữa các tỷ lệ (ratio) head voice (giọng đầu) và chest voice (giọng ngực) để tạo lên những quãng hát giọng thật hoàn hảo nhất. Đi sâu hơn, nó bao gồm rất nhiều công đoạn phức tạp như luyện thở, luyện cơ hoành, luyện trụ âm, chọn vùng cộng hưởng, vị trí thanh quản, khẩu hình, cách đặt lưỡi...



Với mixed voice, ca sĩ sẽ kết hợp được sự cộng hưởng, vị trí âm thanh an toàn của head voice và uy lực, sức rền, mạnh, full của chest voice.

Một ca sĩ mixed voice tốt có thể hát rất đẹp, rất hay ở quãng trung, cận cao và cao. Đồng thời, ca sĩ đó cũng có thể dễ dàng kiểm soát ca khúc và thực hiện nhiều kĩ thuật hoa mĩ khác. Nếu không sử dụng mixed voice sẽ dễ dàng đánh mất cộng hưởng (lack resonance), strain (căng thẳng), sharp, flat, crack note...

Đa số các vocalist và diva trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều sử dụng mixed voice trong ca hát. 

Để hiểu mixed voice là gì, trước hết hãy nghe clip sau. Toàn bộ các note cao trong clip là mixed voice.

https://www.youtube.com/watch?v=0MBIK7F7QYk

Nhiều người cho rằng mixed voice và chest voice voice rất khó phân biệt ở quãng trung và cận cao, nhưng chúng có sự khác nhau khá lớn. Hãy nghe màn song ca giữa Uyên Linh và Văn Mai Hương dưới đây.

https://www.youtube.com/watch?v=oW49e3I16L8

Bắt đầu từ 3:54, Văn Mai Hương sử dụng mixed voice để belting, hiệu quả là những note cận cao chắc chắn, vang, nội lực, bắn âm ra ngoài để nổi trên dàn nhạc. Trong khi đó, ở 4:05, Uyên Linh lại sử dụng chest voice hoàn toàn để belting, hậu quả là note không vang, crack và yếu hơn hẳn. Đến 4:25, khi cả hai người cùng belt lên thì Văn Mai Hương hoàn toàn đàn áp Uyên Linh tới mất tiếng nhờ sử dụng mixed voice. Trên thực tế giọng của Uyên Linh có âm lượng lớn hơn và nội lực bẩm sinh hơn Văn Mai Hương, nhưng do không biết cách mixed voice nên cô đã bị Văn Mai Hương lấn lướt.



Để tạo uy lực lớn nhất, độ vang rền, powerful nhất khi sử dụng full mixed voice, các ca sĩ thường chọn mask resonance (vang mặt). Nhiều quan điểm cho rằng, chỉ có mask resonance mới là cách chuẩn nhất để tạo độ rền cho giọng. Vì khi đặt vị trí âm thanh ở vùng mặt nạ (mask), ca sĩ mới có thể belt những note rất cao mà không phải chuyển lên đỉnh trán, tạo nên âm thanh hào sảng, vững chãi như tảng núi. Một số ví dụ về mask resonance như sau.

https://www.youtube.com/watch?v=FTyslKbndvw
(7:06) 

https://www.youtube.com/watch?v=STKkWj2WpWM
(2:55)

Điểm chung ở cả hai ca sĩ trên là sử dụng mask resonance. Bởi vậy, dù ở note cận cao (C5) như Whitney hay cao (F#5) như Aretha cũng đều có uy lực, độ rền và tỏa âm thanh rất lớn. Đặc biệt, mask resonance giúp âm thanh của họ trở nên đầy đặn, tròn trịa dù vẫn đang bắn ra ở note cao.

Nhược điểm của vang mặt là chỉ thuận lợi ở quãng trung và cận cao, lên high note khó khăn hơn, nó đòi hỏi ca sĩ phải có kĩ thuật và sự điều khiển bậc thầy mới lên cao tốt và chuẩn được. Đó là lí do vì sao cùng sử dụng vang mặt nhưng Whitney chỉ thoải mái tới D5 trong khi Patti Labelle có thể vươn tới tận B5 một cách dễ dàng hay Aretha vươn tới F#5 đẹp lỗng lẫy như trong clip trên. Xem clip sau, bạn sẽ thấy Patti dù lên rất cao nhưng vẫn chuẩn xác, uy lực, căng, rền, thoải mái, support nhờ dùng vang mặt.

https://www.youtube.com/watch?v=-kpE6K9L0T4

Cùng đẳng cấp với Patti là Cissy Houston, lên rất cao, tận F#5, G#5 vẫn dùng vang mặt một cách chuẩn mực.

https://www.youtube.com/watch?v=ySZNLzo9Mew

Vang trán sẽ giúp lên cao dễ dàng hơn, nghe bay hơn và đôi khi là thoát hơn nhờ tận dụng điểm vang ở đỉnh trán, nhưng lại khiến giọng bạn mỏng đi, thiếu uy lực và độ dày. Điển hình cho vang trán là Mariah Carey, những note F5, G5 được cô sử dụng rất nhẹ nhàng, êm ái, thanh thoát.

https://www.youtube.com/watch?v=wDLFjWM9GrQ

Tuy nhiên, các note quãng trung của cô lại hơi mỏng, thiếu uy lực, dù đã dùng mic có vang giả lớn. Ví dụ như các note quãng 4 trong clip sau.

https://www.youtube.com/watch?v=NQ1jkC4mvEE

Hay Hồ Quỳnh Hương ở Việt Nam.

https://www.youtube.com/watch?v=SlQaLEWkz0Y

Tôi không cho rằng vang mặt thì rền hơn hay chuẩn hơn vang trán. Sử dụng vị trí vang nào tùy thuộc vào cách hát, dòng nhạc mà ca sĩ lựa chọn. 

Khi nói về mixed voice, người ta thường dùng từ "heady" và "chesty" để nói về cách đặt vị trí âm thanh chưa đúng, cân bằng tỷ lệ chưa chuẩn. Heady là dùng quá nhiều head voice, còn chesty là dùng quá nhiều chest voice. Tôi cho rằng quan điểm này chưa chính xác, việc sử dụng heady hay chesty còn phụ thuộc ở quãng hát của ca sĩ và con đường mà ca sĩ đó lựa chọn, chưa chắc đã là lỗi kĩ thuật. Chẳng hạn, nếu bạn lên một note rất cao tận G5 thì heady là chuyện đương nhiên. Tất nhiên, chesty và heady chắc chắn không phải cách mixed hoàn hảo như việc cân bằng đúng 50/50 nhưng có thể chấp nhận trong tùy trường hợp.



Khi hát chesty, tức là tỷ lệ chest voice chiếm ưu thế quá lớn, bạn sẽ đánh mất độ vang và thoải mái do không tận dụng được sự cộng hưởng từ head voice nhiều hơn. Đặc biệt, nó dễ dẫn tới hiện tượng cao thanh quản, dễ crack, flat. Ví dụ điển hình nhất là Christina Aguilera, dù là một nữ cao và cũng từng mixed tới F5, nhưng do đẩy chest voice quá nhiều mà không cân bằng được với head voice nên đa số F5 của cô bị crack, mất vang, bí và khó kiểm soát, thậm chí bóp nghẹt thanh quản, dẫn tới mất giọng.

https://www.youtube.com/watch?v=cjejJvTI0Dc
(2:33)

Cùng một note F5 với Christina, nhưng Thu Minh nhờ tận dụng được sự cộng hưởng ở head voice nên sustain một cách đầy chắc chắn, vang và âm thanh rất đẹp.

https://www.youtube.com/watch?v=cwCkp_36tgc
3:06

Bản thân Whitney Houston hay Mariah Carey cũng không ít lần bị strain, cao thanh quản, căng thanh quản, mất vang do đẩy chest không quá nhiều.

https://www.youtube.com/watch?v=G2OAnzDAcc4

https://www.youtube.com/watch?v=AwRJOUCvkOM

Tuy nhiên, nếu đẩy nhiều chest trong mức vừa phải, vẫn nằm trong comfort zone (vùng quãng giọng thoải mái), và có sự cân bằng thanh quản, support hơi thở tốt, khẩu hình chính xác, bạn vẫn có thể hát đẹp, vang, rền, open throat. Ngoài một số ít lần bị strain, Whitney và Mariah vẫn hát rất tuyệt và thoải mái dù phần chest voice ở hai người này pha nhiều hơn các ca sĩ khác.

https://www.youtube.com/watch?v=684YKa3W34g



Nhưng nếu pha head voice vào quá nhiều (head domination), bạn sẽ đánh mất đi uy lực và độ dày, chắc chắn ở giọng ngực, khiến âm thanh bị mỏng đi, nghe có cảm giác chói, eo éo, tạm gọi là heady. Chẳng hạn như SoHyang, do pha head quá nhiều dẫn tới heady ở các note trung và cận cao, khiến âm thanh dù có chút vang, không strain, nhưng lại xấu vì mỏng, chói, độ cộng hưởng giảm xuống. Quãng 4 của SoHyang thiếu lực hoàn toàn so với quãng 5, nghe khá nhạt và yếu, trong khi các note C5, D5, Eb5 của cô dù mạnh hơn nhưng lại như có gì đó bọc lại ở âm thanh, khiến nó bị tù lại, không bắn và tỏa ra được nhiều như F5, G5. Người nghe phải thật tinh ý mới nhận ra được điều này nếu không sẽ bị dàn âm thanh với độ vang lớn đánh lừa.

https://www.youtube.com/watch?v=FAfZxlP7TYk

Ở các note từ A4 đến D5 clip trên, Whitney nhờ tận dụng được sức rền của chest voice nên uy lực và hào sảng, powerful hơn SoHyang rất nhiều. Trong khi đó, SoHyang do heady nên âm thanh bị bọc lại, tù lại, thiếu độ rền.

Thậm chí, do việc thiếu support chest voice nên C5 của SoHyang ở 2:42 của clip bị bí lại, không tỏa được ra. Đó là lí do vì sao cô hay bị chê là hát nasal voice nhưng thực tế không phải. SoHyang không hát nasal nhưng việc thiếu support chest voice ở quãng trung và cận cao khiến âm thanh có cảm giác như đang bị bọc lại. dù vẫn vang, ổn định, không strain, chuẩn vị trí thanh quản nhưng độ rền, tỏa và hỗ trợ lực của chest voice không lớn.



Một ví dụ điển hình nhất về việc dùng quá nhiều head voice trong mixed nằm ở 3:21 clip sau. SoHyang belt C#5 như đang lạc tone, nasal (tất nhiên cô không hát nasal), âm thanh bị nghẹt lại, đó là do cô đẩy phần head quá nhiều.

https://www.youtube.com/watch?v=CFtRUSPxcas

Tiếp tục, bắt đầu từ 1:00 tới 1:30, đoạn:

"I don't really need to look

Very much further

I don't want to have to go
Where you don't follow
I will hold it back again
This passion inside
Can't run from myself
There's nowhere to hide"


Tất cả các phần nhả chữ của SoHyang đều thiếu lực, không thoát ra, do cô cố nhiều head để hát mạnh hơn chest voice vốn có của cô, vô tình làm phản tác dụng.

Cũng đoạn đó, hãy nghe thử Whitney từ 1:02 clip sau, bạn sẽ thấy nội lực, rền và chắc, tự nhiên hơn do có sự support chest voice nhiều hơn.

https://www.youtube.com/watch?v=ipQ0fE0MRWQ

Để ý cách bắn note khi nhả chữ của Whitney ở clip sau, bạn sẽ thấy rõ ưu điểm của việc dùng chest domination với một ca sĩ giọng đẹp, khỏe tự nhiên để tạo ra lực hát, độ hào sảng, mạnh nhưng không quá sắc cạnh (không tính giọng xấu, yếu). Việc nhả chữ như vậy giúp người nghe cảm thấy sảng khoái, dễ chịu hơn.

https://www.youtube.com/watch?v=GPejzCKziUU
2:02 (know), 2:10 (know), 3:13 (know)

Nếu bạn nghe quen SoHyang và các vocalist khác, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt lớn giữa cô với họ. Tôi không không rõ điểm khác biệt này do âm sắc giọng bẩm sinh hay cách lựa chọn kĩ thuật, nhưng tôi thấy được điều đó. Ở nhiều nữ vocalist như Patti Lablle, Aretha Franklin, Whitney Houston, Lara Fabian, Celine Dion, Mariah Carey..., các note quãng trung và cận cao của họ dù phóng ra rất mạnh nhưng vẫn có sự dàn đều, tràn đầy, như tấm vải lớn phủ quanh tai bạn. Còn ở SoHyang, cũng một kĩ thuật như vậy, chất lượng note tương đương nhau, đều cộng hưởng, chuẩn vị trí âm thanh, nhưng các note đó lại sắc cạnh, nhọn như dao đâm thủng không khí dù có khi cô lên giọng rất nhẹ nhàng, không cần gồng gánh, gân cốt. Tôi vẫn chưa lí giải được điều này, có thể do chest không đủ mạnh nên SoHyang đẩy head domination lớn hơn, cộng thêm âm sắc sáng làm cho các note belt sắc nhọn chứ không tràn đầy? Để mường tượng, hãy cùng nghe note D5 của Celine Dion, Patti Labelle, Lara Fabian và SoHyang trong các clip sau để thấy sự khác biệt.

https://www.youtube.com/watch?v=7OZ5MoUXKgc
4:29

https://www.youtube.com/watch?v=-kpE6K9L0T4
2:42

https://www.youtube.com/watch?v=eHXpNUVEH1U
4:16

https://www.youtube.com/watch?v=5RI-SrFJ2KU
2:32

Ngược lại, do từ F5 trở lên head resonance bắt đầu phát huy uy lực, vào đúng quãng thoải mái, nhất là với giọng nữ, nên việc đẩy vào vị trí head voice dường như có lợi hơn với ca sĩ. Nhờ đó, từ F5 trở nên trong clip sau, SoHyang lại trội hơn hẳn Whitney do cô biết tận dụng lợi thế cộng hưởng của head voice. Whitney do đẩy quá nhiều chest voice nên yếu hơn hẳn và khó khăn trong việc kiểm soát G5, G#5 còn SoHyang lại như hổ mọc cánh. Trái với các note dưới đó, từ G5, SoHyang hát rất rền, vang, độ thoát, tỏa lớn còn Whitney lại như bị nghẹt lại.

https://www.youtube.com/watch?v=FAfZxlP7TYk

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, SoHyang hát chưa đẹp không hẳn vì giọng cô xấu, mà còn do cách hát cô lựa chọn khiến âm thanh hát ra khó mà đẹp được. Rõ ràng, nếu lên từ G5 trở đi, SoHyang hát rất đẹp, đến Whitney cũng không bằng, vì cô hoàn toàn hát đúng cách ở quãng này (bằng cách vận dụng head domination, đẩy mạnh head voice thích hợp cho quãng cao). Nhưng dưới G5, đặc biệt ở quãng trung, cô bắt đầu hát xấu vì cách đẩy head domination không thích hợp với quãng trung và cận cao.



Ngược lại, Whitney hát rất đẹp, vang sảng ở quãng trung và cận cao do chest domination chiếm ưu thế và cô tận dụng được nó. Nhưng từ G5 trở đi, chest domination đi vào bất lợi, không còn thích hợp nên cô lộ rõ nhược điểm.






Chẳng hạn như SoHyang, cô vẫn là một vocalist tuyệt vời và có kĩ thuật tốt. Nhưng, do bẩm sinh là người châu Á, lại gầy yếu và bị bệnh nên chest voice của cô không khỏe, mạnh. Bởi vậy, không thể đòi hỏi cô phải cân bằng đúng chest/head domination ở mọi note. Nếu cân bằng đúng chest/head domination ở quãng cao, chưa chắc SoHyang đã có được những note cao trên G5 uy lực và cũng chưa chắc hát tốt ở quãng trung, cận cao như thế. Có lẽ SoHyang hiểu được lợi thế, nhược điểm của mình nên chọn cách hát head domination ở mọi note để bảo vệ giọng hát và phát triển quãng cao. Đôi khi, chỉ cần mạnh về một thứ là đủ để người khác nhớ đến bạn, không ai là hoàn hảo. SoHyang từng nói cô ngưỡng mộ các ca sĩ hát trầm tốt như Ailee, Hyorin, nhưng họ lại ngưỡng mộ quãng cao của cô. Bởi vậy cô nhận ra mình nên quý trọng những gì mình đang có.

Trong thanh nhạc chính thống, mặc dù cân bằng head/chest domination là chuẩn mực, nhưng đa số mọi người vẫn hướng tới head domination nhiều hơn. Head domination gần với head voice (trong opera) nên nó giúp giữ giọng lâu hơn nhiều so với chest domination. Đa số ca sĩ dùng head domination giữ giọng rất lâu, trong khi các ca sĩ dùng chest domination như Whitney Houston, Mariah Carey, Lara Fabian, Mary.J.Blige... đều mất giọng sớm dù có những người kĩ thuật rất chuẩn mực. Từ đây, ta hiểu thêm vì sao SoHyang lại chọn cách hát head domination (heady) ở mọi note để bảo vệ giọng hát với thể lực không khỏe, bất chấp việc quãng trung và cận cao bị tù lại, xấu đi.



Vậy, tại sao có những người kĩ thuật chuẩn mực như Lara Fabian lại vẫn hướng đến chest domination để rồi mất giọng sớm? Lara được học hàng chục năm theo thanh nhạc chính thống tại nhạc viện Hoàng gia, là một tên tuổi lớn với người nghe nhạc bán cổ điển. Không thể có chuyện cô không biết cách cân bằng chest/head domination khiến chính cô lại bị một số người chê là kĩ thuật chưa chuẩn.

Đơn giản như đã nói, vì chest domination giúp tạo thêm lực, độ rền và chắc khỏe cho giọng hát. Nhờ đó mà Lara dù là một nữ cao trữ tình nhưng lại sở hữu các note belt quãng trung và cận cao dày, uy lực, mạnh mẽ hơn hẳn các nữ cao trữ tình khác, không thua giọng spinto soprano nào, đến mức nó trở thành thương hiệu, dấu ấn riêng của cô. Hẳn là Lara hiểu được cái giá phải trả cho cách hát này là mất giọng sớm, nhưng cô bất chấp để đánh đổi lấy một dấu ấn riêng trong sự nghiệp của mình. 

https://www.youtube.com/watch?v=7ON0iKXVUPw

Giống với Lara, Whitney chắc chắn thừa hiểu tác hại của việc dùng chest domination, vì mẹ cô là Cissy Houston đã giữ giọng rất lâu nhờ cân bằng tốt head/chest domination. Nhưng Whitney vẫn bất chấp việc mất giọng để đổi lấy một dấu ấn tên tuổi riêng. Giờ đây, nhắc tới Whitney là nhắc tới quãng giọng ngực khỏe khoắn, đẹp và dày của cô, cái mà rất ít ca sĩ có được.

Chẳng hạn, nhờ cách hát chest domination nên vị trí âm thanh của Whitney vô cùng đặc biệt, nó được phát ra trong lúc hát gần như lúc nói, mang lại thứ âm sắc tự nhiên nhất. Đó chính là điều làm cho các bậc thầy kĩ thuật dù cố gắng đến đâu cũng không thể nhái lại giọng cô. 


Whitney có thể belt lên cao mà không cần chuyển vị trí âm thanh sang khoang khác để lên note như các ca sĩ khác, cảm tưởng như cô đang nói lyric chứ ko phải hát, Làm được điều này là cực kì khó. Hãy thử xem những ca sĩ đã từng hát I will always love you, chỗ "and I will..." là chest voice mà chữ "love" đã phải chuyển lên vòm trên để hát, nhưng Whitney thì không cần làm điều đó.


https://www.youtube.com/watch?v=D8M4lVOdWww



Một ví dụ khác là trong ca khúc Run to you, để hát được đoạn "cant you see what hurting me" (0:52), ca sĩ Leanna Michelle đã phải đồi vị trí âm thanh và dùng hơi để phóng ra, trong khi Whitney hát một câu đó không hề đổi ví trí âm thanh mà vẫn rõ ràng sắc nét, nghe ngỡ như là không có gì.



Có thể nói, với Whitney, hát một bài từ đầu đến cuối mà phải đổi vị trí âm thanh rất ít. Thông thường, nếu muốn âm thanh sâu thì phải đổi vị trí âm thanh lên khoang trên, nghe sẽ dày và hút hơn, nhưng với chest domination, Whitney hoàn toàn làm được mà không cần đổi lên. Các ca sĩ cover nhạc Whitney, một là hát gống gánh cho dày lên (kiểu các ca sĩ da màu), hai là dùng bạch thanh. Nếu hát gồng gánh thì nghe mệt mỏi, nặng nề, còn nếu bạch thanh thì chua, mỏng, thiếu lực. Còn Whitney nhờ chest domination lại hát tự nhiên, không gồng gánh, cũng không bạch thanh. Hãy để ý kĩ, Whitney belting đoạn "and I" cao trào đầu tiên hoàn toàn bằng giọng ngực, đoạn đầu còn không hề có ngân rung, nhưng vô cùng dày, vang và mượt. Để giữ một legato không có ngân rung dài như thế cần một làn hơi khỏe và khả năng kiểm soát tốt, lại có độ vang lớn, độ sâu thẳm thì không còn là vấn đề của kĩ thuật nữa, mà phụ thuộc rất nhiều vào tố chất bẩm sinh.





Nhưng tất nhiên, không phải ai cũng có thể đánh đổi để có được dấu ấn đó, cần phải dựa vào chính tố chất bẩm sinh, hiểu những gì mình có để phát huy. Lara Fabian phải có sẵn màu giọng tối, Whitney Houston phải có sẵn chất giọng vàng, dày bẩm sinh thì họ mới dựa vào đó để phát huy chest domination. Ngược lại, giọng mỏng quãng trung và yếu chest voice như SoHyang mà cố đẩy chest domination sẽ càng xấu, yếu và hại giọng nhưng lại phát huy được ở head domination trên quãng cao nên đẩy head domination là lựa chọn hoàn hảo với cô. 

Từ tất cả những dẫn chứng, phân tích trên, chúng ta hiểu vì sao cùng một nền tảng kĩ thuật, nhưng ca sĩ này chọn cách hát này, có ưu/nhược điểm này, ca sĩ kia lại chọn cách hát kia, có ưu/nhược điểm kia, Đơn giản vì mỗi ca sĩ có một tố chất bẩm sinh khác nhau và họ sẽ tự tìm lấy con đường riêng để phát huy được tố chất đó cũng như hạn chế nhược điểm của mình. Một ca sĩ thành công là người biết hiểu chính giọng hát của mình để tìm cách phát triển nó. Đây là vấn đề thuộc tư duy và cách nhận thức của ca sĩ, chứ không phải so xem ai chuẩn kĩ thuật hơn.



Bởi vậy khi học thanh nhạc, người giảng viên giỏi trước khi giảng dạy sẽ tìm hiểu kĩ về học viên của họ qua các bài luyện thanh, xướng âm, rồi sau đó mới áp dụng phương pháp cho từng học viên, chứ không phải bê nguyên một giáo án cho hàng chục học viên. Đó là lí do vì sao nhiều ca sĩ thành công là những ca sĩ tìm học với huấn luyện viên riêng của họ chứ không phải tới trường lớp để học theo mẫu chung.




_Đức Long_
Hải Phòng ngày 21 tháng 11 năm 2015









Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

SoHyang và kĩ thuật điêu luyện trong Never ending story

SoHyang được biết đến như một giọng nữ có khả năng bất tận ở những quãng cao vượt cữ âm thông thường cùng bộ "bí kíp" kĩ thuật điêu luyện. Chính điều này khiến nhiều người hoài nghi về khả năng biểu đạt cảm xúc của cô. Người ta nói SoHyang có giọng xấu, hay cô đánh tuột cảm xúc chỉ để cố gắng phô diễn quãng cao vút của mình. Nhưng hãy thử một lần sống trong câu chuyện tình của SoHyang, bạn sẽ cảm nhận được những điều diệu kì - Never ending story.

Never ending story là một trong những bản tình ca bất hủ xứ Hàn, được sáng tác và trình diễn bởi ban nhạc rock gạo cội Boohwal. Ca sĩ Lee Seung Chul là người hát nó đầu tiên, khi anh còn là vocal chính của ban nhạc này.

https://www.youtube.com/watch?v=_in9g-AyASM
Lee Sung Chul

Tới khi Jung Dong Ha thay Lee Sung Chul đảm nhiệm vị trí vocal chính, anh vẫn thường xuyên hát ca khúc này cùng nhóm.

https://www.youtube.com/watch?v=3G68sWs1JjA
Jung Dong Ha

https://www.youtube.com/watch?v=HZ82w2SF5CY
Hai thành viên của nhóm Got7 là JB và JR hát ca khúc trong lúc thư giãn

Dù ra đời khá muộn (vào 2002), nhưng Never ending story đã sớm trở nên phổ biến với khán giả nhờ giai điệu rock du dương, thấu tận trong tim. Phần phối hơi hướm rock, mạnh mẽ nhưng ngọt ngào, kết hợp giữa piano và guitar bass. Đặc biệt, tiếng violin trong đoạn cao trào đã mang lại cho người nghe một cảm giác vô cùng bâng khuâng. Với người Hàn Quốc, đây là một trong những ca khúc họ thường nghe và hát nhiều nhất những lúc tâm tư, hoài niệm.

Không chỉ hay về phần nhạc, lời của ca khúc cũng vô cùng ý nghĩa và đầy trải nghiệm, Với những ai đã từng trải qua thăng trầm, mất mát trong tình yêu, đây hẳn sẽ là những lời tâm tình chạm sâu tới trái tim họ.

"Một nơi nào đó mà tôi chẳng thể đến
Hơi thở của anh vẫn còn đến ngày hôm nay
Trên những hàng ghế chúng ta vẫn ngồi cùng nhau
Làn gió nhẹ từ những ngày đã qua
Anh rời xa tôi, bỏ mặc tất cả phía sau
Vẫy tay chào tôi từ phía xa
Đến một ngày nào đó, tất cả sẽ chỉ còn là kí ức sâu đậm
Như điều kì diệu trong những thước phim, đôi ta lại bên nhau
Nhớ về anh, tôi lại mong điều đó thành sự thật
Thật đớn đau khi tôi chẳng thể bảo vệ anh qua những khó khăn
Tất cả vẫn là của anh những ngày đẹp tươi"



Là một ca khúc bất hủ, Never ending story đã được rất nhiều ca sĩ ở Hàn Quốc hát lại. Từ những vocalist gạo cội tới các ca sĩ idol non trẻ như Lee Sung Gi, Shin YongJae, Yoon Sang Hyun, Im Jeong Hui, Kim Bum Soo, Hyorin, Kwill…

https://www.youtube.com/watch?v=GA_ayEB6UjM
Lee Seung Gi

https://www.youtube.com/watch?v=Ql4Hf38XEEs
Shin YongJae

https://www.youtube.com/watch?v=bZJ4Y1EUxUM
Yoon Sang Hyun

https://www.youtube.com/watch?v=Nacc-Bhe72Y
Im Jeong Hui

https://www.youtube.com/watch?v=CKE3eOjriYM
Kim Bum Soo

https://www.youtube.com/watch?v=BTKq-73Yp7k
Hyorin

https://www.youtube.com/watch?v=M6vFXpIACHo
Kwill

Cần thiết phải dẫn ra những bản cover khác nhau để thấy được sự tài tình của SoHyang khi sáng tạo lại ca khúc này.

https://www.youtube.com/watch?v=OLaWBx5q_Oo
Bản cover của SoHyang

Dù chỉ là một trong những người hát lại ca khúc, nhưng đây có lẽ là một trong những màn trình diễn thành công nhất trong sự nghiệp của SoHyang. Cô hát nó duy nhất 1 lần trong chương trình I am singer mùa thứ 2 của Hàn Quốc, diễn ra vào năm 2012, tại vòng loại tháng 8, lượt đấu thứ 2 của top an toàn. Nhờ ca khúc này, SoHyang đã nghiễm nhiên được đi thẳng vào top 3. Do vấn đề bản quyền nên màn trình diễn này đã không được phát trên Youtube, và cũng không được SoHyang hát lại thêm lần nào nữa, khiến nó bị thất sủng với công chúng sau này, không được biết rộng rãi như Arirang alone hay Where are you.



SoHyang bước lên sân khấu giản dị với một bộ váy ngắn màu trắng và mái tóc buộc xõa, khiến cô trở nên trẻ hơn nhiều so với tuổi thật. Âu cũng nhờ vóc dáng mảnh mai, nhỏ nhắn của cô. Một vóc dáng đối lập hoàn toàn với giọng hát đầy nội lực, khỏe khoắn.

Nhiều người nghĩ rằng SoHyang chỉ biết hit note cao, thì cần xem xét lại. Vì cả ca khúc này, chỉ duy nhất một lần cô belt lên G5, không hề có A5, B5 hay C6. Tất cả các đoạn còn lại được tiết chế từ E5 trở xuống, phù hợp với cữ âm tự nhiên của cô. Với một ca sĩ có cữ âm tự nhiên rất cao, có thể head voice tận A6 và mixed voice tận C6, thì việc dừng ở G5, chủ yếu hát ở C#5 đã là một sự tiết chế lớn. Và tất nhiên, việc tiết chế này hoàn toàn để phục vụ cho việc biểu đạt trọn vẹn cảm xúc ca khúc, điều mà chưa ca sĩ nào làm được trước đó.

Bản cover được phối với tempo chậm hơn bản gốc, để ca sĩ có thể hát chậm rãi và kéo dài các note, thuận lợi cho việc biểu đạt cảm xúc cũng như phô diễn vocal.

Đoạn đầu ca khúc được SoHyang hát vô cùng nhẹ nhàng trên quãng trung và trầm. Ai cũng biết nhược điểm của SoHyang là yếu ở quãng trầm, cữ âm của cô không cho phép xuống trầm tốt. Nhưng trong màn trình diễn này, cô đã xuống được tận E3, một note khá trầm với giọng nữ cao. Với kĩ thuật điêu luyện, SoHyang chẳng cần phải hạ thanh quản hay gắng sức để xuống trầm, E3 của cô vẫn tự nhiên và được support đầy đủ, kiểm soát tốt, hoàn toàn chuẩn tone nhạc. Tất nhiên, những note trầm E3 hay B3 ở đoạn đầu này vẫn còn nhẹ và chưa đủ sâu. 



Một note trầm đẹp thường được đánh giá về sức nặng, ấm, man tone và độ tối, độ sâu. Nhưng xét cho cùng, chính sức nhẹ và sáng của note trầm này lại phù hợp với tổng thể giai điệu ca khúc, hòa quyện nhịp nhàng cùng các đoạn hát sau đó. Vì ca khúc này được phối lại với tone rất cao và giọng hát của SoHyang trong toàn bài rất sáng, lấp lánh như ánh đèn Seoul, nên nếu đưa một note E3 dày và tối đúng chuẩn của Toni Braxton hay Aretha Fraklin vào, sẽ chỉ đẹp duy nhất một chỗ đó mà không thể đẹp cả bài hát được. 

ảnh 2
SoHyang trình diễn ca khúc Never ending story

Rõ ràng, SoHyang không hề cố gắng khoe mẽ hay làm mọi thứ trở nên phức tạp, cô tư duy rất tốt trên cả một tổng thể. Hơn thế nữa, SoHyang đã hát rất trôi chảy và liền mạch trên quãng trầm. Điều này chứng tỏ cô có khả năng kiểm soát giọng tốt ngay cả ở những note khó khăn nhất với chính cô. 

Nhưng nếu toàn bộ bài hát nằm ở quãng cao, vậy tại sao lại có một vài note trầm duy nhất ở đầu? Việc này không hẳn để tạo điểm nhấn, vì cả hai note E3 và B3 ở đoạn đầu đều không đủ nặng và dày để nhấn, nghe qua thì khó mà nhận thấy được. Bản thân SoHyang cũng thừa hiểu cô chưa có khả năng tạo điểm nhấn trên quãng trầm. Ở đây, cần dựa vào lời bài hát để xác định mục đích hành động của ca sĩ. Toàn bộ quãng trầm được hát trên đoạn mở đầu là "Một nơi nào đó mà tôi chẳng thể đế. Hơi thở của anh vẫn còn đến ngày hôm nay. Trên những hàng ghế chúng ta vẫn ngồi cùng nhau". Dựa vào những câu hát trên, có thể thấy, SoHyang chủ đích hát trầm hơn để hồi tưởng về một giấc mơ sâu thẳm trong quá khứ, từ đó mở cánh cửa kí ức ở những đoạn sau. 



Note trầm có lợi thế đặc biệt để diễn tả những gì "sâu" và "kín" trong nội tâm con người, trái với note cao thường thích hợp để diễn tả bão tố và vỡ òa. Không phải ai cũng nhận ra điều này như SoHyang khi cô dùng quãng trầm để kéo không gian âm nhạc trùng xuống, từ đó hoài niệm về những mảng kí ức xưa cũ. Tư duy của một ca sĩ nằm ở chính những điều nhỏ bé như vậy, và người nghe cũng cần tinh tế hơn để cảm nhận được nó, chứ không chỉ quá chú ý vào kĩ thuật hay quãng cao.

Ở các câu hát tiếp theo, SoHyang tiếp tục hát nhẹ nhàng bằng chest voice và light mixed trên các note quãng trung như C#4, D4, E4, nhả chữ nhẹ tới cao hơn một chút là F#4, G#4, A4. Nhờ sử dụng tốt kĩ thuật light mixed, SoHyang đã làm giọng hát của mình sáng rực ở những note quãng trung với âm lượng nhỏ, khiến bài hát trở nên tươi sáng, thuần khiết theo đúng chủ đề xuyên suốt bản phối. Điểm đặc biệt ở SoHyang là dù lên cao có màu kịch tính của spinto soprano, nhưng cô lại hát nhẹ và sáng như một giọng light lirico soprano, khác với đa số giọng spinto soprano khác. Các note cao đanh, sắc, kịch tính, to, khỏe không cản trở SoHyang hát trữ tình rất ngọt ngào, mùi mẫn.

Tới 1:20, SoHyang đẩy head voice xuống tận quãng trung F#4 âm đóng /u/ để kéo dài, kèm theo piano (hát nhỏ tiếng) đầy điêu luyện, tạo ra âm thanh giống như hơi thở nhẹ nhàng, giúp lắng đọng cảm xúc. Thật bất ngờ khi một nữ cao spinto với âm cữ rất cao và to như SoHyang lại có thể đẩy head voice xuống thấp và nhỏ nhẹ tới vậy. Có thể nói, khả năng kiểm soát giọng hát của cô vô cùng điêu luyện.



Đoạn điệp khúc đầu tiên, SoHyang hát nhẹ nhàng, ngọt ngào trên quãng trung. Dù chêm thêm một số note cao C#5, D#5, nhưng cô vẫn khiến giọng hát nhỏ nhẹ, trữ tình, không hề chói hay gắt. Đoạn hát này rất cảm xúc, lắng đọng, có chút gì đó run rẩy, mềm mại để thủ thỉ, tâm tình. SoHyang bẩm sinh giọng rất xấu, nhưng nhờ kĩ thuật điêu luyện và tư duy tốt, cô đã hát rất đẹp trong ca khúc này, tới mức có khán giả phải thốt lên sao lại có ca sĩ giọng đẹp như vậy?

Đến đoạn điệp khúc thứ hai, SoHyang bắt đầu đẩy lên cao trào để tạo bão cảm xúc. Âm đóng /ư/ đầu tiên ở 2:58 được cô nhấn mạnh trên E4, mạnh hơn nhiều so với đoạn điệp khúc đầu tiên. Nhấn mạnh âm tiết nhưng vẫn dừng ở quãng trung là cách hát khôn khéo nhất giúp giữ trọn cảm xúc mà vẫn biểu cảm được sự dữ dội.

Tới 3:30, SoHyang nhấn lại âm /ư/ để hát thêm lần nữa điệp khúc, nhưng thả nhẹ hơn một chút để diễn đạt trạng thái bâng khuâng, tuyệt vọng, giống như người con gái đang tìm kiếm bóng hình cũ với đôi mắt nhòa đi vì lệ. 

Toàn bộ đoạn điệp khúc được SoHyang hát từ D5 đổ về C#5, G#4, A4, F#5, có một chỗ nhấn tới E5. Những chỗ nhả chữ được cô tính toán để lên note và kéo note rất vừa văn, thể hiện sự đau khổ, níu kéo vẫn dạt dào trong bão tố cảm xúc. Ở đoạn này, nếu gắng sức hát hoặc thiếu tinh tế, sẽ dễ đang đánh tuột cảm xúc, chỉ còn lại note cao. Nhưng với kĩ thuật điêu luyện, SoHyang hát rất thoải mái và còn dư sức để truyền tải cảm xúc. 

Ở 3:26, SoHyang bật lên D5 âm đóng /ư/ rất chắc chắn, khỏe khoắn mà vẫn da diết. Hát âm đóng đã khó, hát ở note cao D5 càng khó hơn, chứ chưa nói tới việc truyền tải cảm xúc. Nếu ở đoạn đầu, SoHyang hát mềm mại, nhẹ nhàng đúng chất trữ tình, thì đến đây, cô đã lột xác thành spinto soprano với khả năng hát âm đóng đầy nội lực, chính xác của mình. Vẫn trên D5, cô chuyển từ âm đóng /ư/ sang âm /ô/ trên một hơi mà vẫn duy trì được vibrato, không thay đổi độ cao hay âm lượng. 

Ở 4:02, giữa lúc đoạn điệp khúc đang cao trào, tiếng beat ngày càng dồn dập và lời nhạc tuôn ra rất nhiều khiến không gian âm nhạc trở nên kịch tính hơn bao giờ hết, SoHyang bỗng đưa vào một đoạn belt dài C5. Ở đoạn belt này, SoHyang đã không sử dụng vibrato trong suốt thời gian đầu và còn hát theo lối bẹt tiếng, khác hoàn toàn với lối belt thông thường của cô. Tất cả những cách hát này đều có chủ đích, nhằm diễn đạt tiếng khóc, tiếng kêu gào trong tuyệt vọng và đau khổ. Nó giống như âm thanh của một đứa bé khóc òa lên "òa òa òa" khi nó bị đau đớn.

Đến 4:18, lại thêm một tiếng khóc nữa xuất hiện và được nâng lên thành E5, cao hơn 2 note so với tiếng khóc lúc trước. Việc nâng thêm 2 note giúp SoHyang đẩy kịch tính lên cao hơn nữa, khiến tiếng khóc bị vỡ òa ra, cuốn theo vô vàn bão tố của cảm xúc, của đớn đau trong tình yêu và tan vỡ. SoHyang đã rất thông minh khi cô chạy vocal runs rất nhanh và ngắn ở khúc E5 này, khiến đoạn belt càng giống tiếng khóc hơn bao giờ hết. Người nghe lúc này có thể cảm nhận rõ một người phụ nữ đang khóc nấc lên, cả cơ thể giật từng hồi trong đau đớn. 



Giới chuyên môn đánh giá rất cao 2 đoạn belt giả tiếng khóc này của SoHyang. Đây là sáng tạo rất mới, chưa từng có trong tất cả các bản cover trước đây, thể hiện tư duy nhạy bén và khả năng cảm nhận ca khúc vô cùng sâu sắc. 

Bởi vì bản gốc của ca khúc dành vốn dành cho người nam hát, cần có chút mạnh mẽ, nên hầu như không xuất hiện tiếng khóc than nào cả, cách hát cũng "dửng dưng" hơn. Mọi nữ ca sĩ khi cover lại đều không làm mới được nó ngoài việc hát yếu đuối, ủy mị hơn giọng nam do giọng của họ vốn mỏng và yếu hơn. Riêng SoHyang thì khác, cô đã cảm nhận rất sâu ca khúc bằng bản năng giới tính của mình, đưa hành công phẩm chất nữ giới vào bản cover, thoát hoàn toàn khỏi bản gốc, nên đoạn đầu thì mềm mại, thủ thỉ, thánh thót một cách êm dịu, đến đoạn sau lại vỡ òa đầy bão tố với những tiếng gào thét, khóc than, đúng với bản chất phụ nữ mà thi sĩ Xuân Quỳnh đã khái quát: "Dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ". Tất nhiên, ở đây cần xét tới yếu tố chất giọng và kĩ thuật, vì không phải ai cũng đủ nội lực để hát kịch tính chuẩn mực như SoHyang. Nhưng, xét đến cùng, tư duy âm nhạc vẫn là thứ quan trọng nhất giúp SoHyang làm nên những sáng tạo tuyệt vời này, vượt xa khỏi mọi ca sĩ khác từng cover trước đây.

Trở lại 4:10, SoHyang belt note G5 duy nhất trong toàn bài. Nhiều người cho rằng, lên tới G5 ở đây là không cần thiết, vì nó quá cao để biểu đạt cảm xúc. Nhưng nếu nghĩ khác đi, ta sẽ thấy đây là thành công của SoHyang. Tất nhiên, thành công này không nằm ở vấn đề kĩ thuật, vì ai cũng hiểu G5 belting là sở trường của SoHyang. Cách belt G5 này của SoHyang rất quen, vì đó chính là cách hát Gospel, vốn thường thấy ở các ca sĩ Gospel da màu như Aretha Franklin, Patti Labelle, Tiffany Mosley, Tina Watson... Bằng việc vận dụng cách hát Gospel vào một bản ballad như vậy, SoHyang đã thành công trong việc pha trộn giữa Gospel và Pop/Rock, thổi một luồng gió mới vào nhạc đại chúng Hàn Quốc, vốn đang bị nhạt hóa chất lượng từ Kpop. Không nghi ngờ gì nữa, nhạc Hàn cần những ca sĩ như SoHyang, biết tư duy, sáng tạo và đổi mới.

Tới 4:14, nếu xem clip live, bạn có thể thấy cận cảnh một khán giả đứng tuổi ngồi dưới đang khóc rất nhiều. Chắc hẳn ca khúc và tiếng hát của SoHyang đã chạm tới trái tim bà để khơi dậy mảng kí ức nào đó.

Đến 4:30, SoHyang cất tiếng khóc một lần nữa ở âm đóng /ư/ trên D5 đầy đanh thép, vang rền, kéo dài cùng vibrato dồn dập theo tiếng beat. Bằng cách hát này, cô đã bật tiếng khóc nức nở lên một lần nữa, để tạo thành cơn ám ảnh không bao giờ dứt trong nỗi nhung nhớ cay đắng về một tình yêu đẹp đã tan vỡ. Nỗi nhớ ấy theo tiếng hát cuộn trào mãi mãi, bất tử như tình yêu cô gái từng dành cho chàng trai. 

Âm /ư/ vốn là nguyên âm đóng rất khó hát, thường dễ bị đẩy lên khoang mũi, tạo thành nasal voice và làm giọng mỏng, yếu, mất vang, khó kiểm soát, không hiểu sao SoHyang lại có thể kéo dài nó trên note cao một cách nội lực, khỏe khoắn và bất tận đến như thế? Đặc biệt hơn cả, nếu xem clip live trên sân khấu, bạn sẽ thấy, dù hát ở âm /ư/, nhưng SoHyang vẫn giữ được khẩu hình mở rất to và tròn như đang hát âm mở /a/, không bị đóng và dẹp lại như mọi ca sĩ khác. Đây thực sự là điều kì lạ về SoHyang mà không thấy lại ở bất cứ ca sĩ nào.

Đoạn cuối cùng, sau khi đã belt cao trào đầy kịch tính, dữ dội, SoHyang trở về làm người phụ nữ dịu dàng, chung thủy với câu hát nhẹ nhàng, bay bổng bằng light mixed, kết thúc bằng làn falsetto nhỏ dần trên B4 và C5. Quả nhiên, cữ âm của SoHyang rất cao, dù hát trên quãng cao C5, nhưng vẫn nhỏ nhẹ, mượt mà như đang hát ở quãng trung vậy. Âm lượng giọng hát nhỏ dần trên câu hát "Vẫn là anh của những ngày đẹp tươi" nhưng vẫn vang xa, khuất dần theo tiếng nhạc. Với cách hát này, đến phút cuối, SoHyang vẫn ngầm khẳng định đó là những kí ức đẹp, tươi sáng trong tâm hồn, dẫu có đau thương, mất mát. Việc làm sáng giọng bằng light mixed giúp khép lại trọn vẹn giấc mơ trong sáng, khiến người nghe cảm thấy thanh thản và được gợi mở tới nhiều miền xa xăm hơn.

Bằng việc làm mới lại bản tình ca bất hủ bằng những kĩ thuật hát điêu luyện, chất giọng thiên phú và cách cảm nhận sâu sắc hơn, SoHyang đã tạo nên một ca khúc vô cùng khó hát, mà sẽ rất lâu nữa mới có người dám hát lại theo cách của cô.


Đức Long

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Bản chất của người Trung Quốc qua "AQ chính truyện" và giải oan cho Chí Phèo

“Chí Phèo” và “AQ chính truyện” là hai tác phẩm xuất sắc trong nền văn học hiện đại của Việt Nam và Trung Quốc. Mặc dù sinh ra không cùng thời điểm và “hai người cha” của “những đứa con tinh thần” ấy thậm chí chưa hề quen biết hay gặp nhau dẫu chỉ một lần, nhưng sự giống nhau về cốt truyện và kiểu nhân vật đã khiến dư luận văn chương (đặc biệt là người Trung Quốc) không khỏi đem ra so sánh. Và tất nhiên, Chí Phèo “sinh muộn” hơn những hai mươi năm nên phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Người Trung Quốc với bản tính bảo thủ và “bành trướng văn hóa”, luôn một mực cho rằng Nam Cao đã mượn ý tưởng từ “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn để viết nên “Chí Phèo”.  Mặc dù chúng ta đã khẳng định rằng Nam Cao không hề biết tiếng Trung để đọc được “AQ chính truyện”, nhưng họ vẫn ra sức bảo vệ luận điệu của mình với lí do Nam Cao là một trí thức Tây học, có thông thạo tiếng Pháp, mà “AQ chính truyện” lại có bản dịch tiếng Pháp từ trước khi “Chí Phèo” ra đời. Từ đó, họ khẳng định chắc nịch rằng Nam Cao hẳn đã đọc được “AQ chính truyện” trước khi viết Chí Phèo. Cuộc tranh luận vô lí này kéo dài suốt hơn nửa thế kỉ qua, tưởng chừng như đã lắng xuống, thì hiện nay, cùng với tình hình chính sự phức tạp ở biển Đông, nó đã quay trở lại và trở thành đề tài tranh luận nóng hổi trên các diễn đàn mạng, cũng như giới nghiên cứu ở Trung Quốc và Việt Nam.
          Về việc Nam Cao khi sáng tác “Chí Phèo” có chịu ảnh hưởng từ “AQ chính truyện” hay không, lớp con cháu chúng ta không thể “gọi hồn” người đã khuất mà làm “ba mặt một lời”. Nhưng dẫu sao, người đọc cũng là người đồng sáng tạo với nhà văn,  chúng ta vẫn có thể dựa vào những giá trị suy diễn có căn cứ trong tác phẩm (chữ dùng của giáo sư Diệp Quang Ban) để mổ xẻ nó, sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Dựa vào phương pháp so sánh lịch sử (một phương pháp trong lí luận văn học hiện đại), chúng ta có thể từ những đặc điểm xã hội, lịch sử của Trung Quốc để chỉ ra sự khác nhau hoàn toàn giữa hai tác phẩm. Từ đó có thể “giải oan” cho Chí Phèo, và hiểu hơn bản chất tính cách của người Trung Quốc.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi4NfAjGhu4Txf6Z_POAh2gCUUz6vFG9UkQy1e7Qq1RnkURcRVwqezH2SB5QpWhZ7JSIcFY6paCGIa8H8uso8GhBQsigvMoT0Sl-UM1bu2Y3D4gbBf0nKNnGPZ1LuSMuMDV_Oe6dVhiWuc/s291/hgrgvbd.jpeg
Nhà văn Lỗ Tấn
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEghu69S6ZEDSLmhJwX82OWsSb96EvkizJ4T2deBtJ6fQN1ma4JSVTTnx1jU4YbAR70DRyXhkgsHB00DFEkHEiiy2-jD8QQh5Ve0fVDp-6mWWU2Q-HZBTd1HA4sxjl0tRXY9c7gTZDW7piI/s269/tryhtrgte.jpeg
Nhà văn Nam Cao
     
1. Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm
Trước hết, cần chỉ ra sự giống nhau giữa hai tác phẩm, chính những điểm giống nhau đã gây ra tranh cãi bấy lâu nay, là cái cớ để người Trung Quốc cho rằng Nam Cao đã “copy” từ Lỗ Tấn của họ.
          - Cốt truyện xoay quanh một nhân vật chính là một tên “cùng khổ” sống bên lề xã hội, bị mọi người xa lánh, coi khinh, cả AQ và Chí Phèo đều thuộc dạng “người không ra người, ngợm không ra ngợm”. Đây là một dạng nhân vật đặc biệt trong văn học (thế giới) và cũng là điển hình cho kiếp sống tận cùng của người nông dân trong xã hội cũ (chứ không phải kiểu nhân vật của riêng Lỗ Tấn). Có thể thấy kiểu nhân vật này trong tác phẩm của các nhà văn Nga và phương Tây như Victor Hugo, Balzac, Sekhop…
          - Cả AQ và Chí Phèo đều không có nhà cửa (AQ ngủ trong cái ngách nhỏ trong đền Thổ Cốc còn Chí Phèo thì ở trong cái lều bên vườn chuối), không quê quán, không người thân thích, đến tên họ cũng mập mờ, thể hiện sự bần cùng hóa đến tận cùng của người nông dân trong xã hội cũ.
          - Nhân vật chính bị bọn địa chủ phong kiến áp bức tới cùng cực, bị đẩy vào con đường lưu manh hóa và kết thúc số phận bằng cái chết.
          - Không gian diễn ra chỉ trong một làng quê nghèo.
          - “Chí Phèo”  AQ chính truyện” đều tố cáo bọn địa chủ phong kiến áp bức bóc lột người nông dân về vật chất lẫn tinh thần.
          - AQ và Chí Phèo đều bị địa chủ lợi dụng (Chí Phèo bị Bá Kiến lợi dụng làm tay đòi nợ thuê còn AQ bị Cố Triệu lợi dụng để mua đồ ăn cắp).
          - Cả AQ và Chí Phèo đều bị áp bức, đẩy vào con đường lưu manh hóa nhưng lại không hiểu được nguyên nhân cũng như biết chính xác kẻ thù của mình, không nhận ra những người cũng bị áp bức như mình mà lại nhận nhầm kẻ thù (AQ nhầm kẻ cướp việc của mình là cu D còn Chí Phèo thì định cầm dao chém bà cô Thị Nở).
          Tất cả những điểm giống nhau trên đây đều có thể giải thích dựa vào sự giống nhau về điều kiện lịch sử - xã hội của hai nước láng giềng. Khi Lỗ Tấn viết “AQ” và Nam Cao viết “Chí Phèo” thì xã hội Việt Nam và Trung Quốc đều rơi vào thời kì đen tối nhất, đặc biệt là vùng nông thôn. Ở Việt Nam là xã hội phong kiến nửa thực dân thời kì tiền cách mạng. Còn ở Trung Quốc, tuy cách mạng Tân Hợi đã diễn ra nhưng đây là cuộc cách mạng dân chủ tư sản nửa vời, không “cách được cái mạng” cho người dân mà còn đẩy họ vào cảnh lầm than hơn trước. Vì vậy, cuộc sống của người nông dân ở hai nước đều vô cùng khổ cực, phải chịu nhiều tầng áp bức. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa làm nảy sinh một dạng người mới, là những người nông dân nhưng bị mất hết tư liệu sản xuất, họ trở thành kẻ trắng tay và phải bán sức lao động cho người khác, thân phận của họ bị coi rẻ, bị áp bức nặng nề từ phía giai cấp địa chủ. Những con người đó sẽ đi vào văn học và trở thành hình mẫu của AQ và Chí Phèo. Vì vậy, sự xuất hiện hai hình tượng AQ và Chí Phèo có những điểm giống nhau như trên rất có thể do sự tương đồng về điều kiện lịch sử xã hội của hai đất nước đã đập vào mắt hai nhà văn lỗi lạc để cùng hình thành một kiểu nhân vật, chứ không phải là do ai “copy” của ai.
          2. Điểm dị biệt giữa hai tác phẩm
          Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều sự khác biệt về văn hóa, xã hội cũng như điều kiện lịch sử hình thành và phát triển, đặc trưng tư duy, tâm lý dân tộc… Những khác biệt này sẽ quy định sự khác nhau giữa hai tác phẩm, và dù có từng được tiếp xúc với “AQ chính truyện” đi chăng nữa, thì sự sáng tạo của Nam Cao là hoàn toàn dựa trên những đặc điểm riêng có của mảnh đất quê hương và một tâm thức đậm chất “hồn Việt”, chứ không phải sự “góp nhặt” từ một tác phẩm xa xôi nào đó.
          Nếu như Chí Phèo được Bá Kiến nhận làm bà con: “Anh với nó còn có họ đấy”, thì AQ bị ăn một cái tát từ Cố Triệu vì dám nhận họ hàng với nhà lão. Từ điều này có thể thấy sự khác nhau về tính chất của giai cấp địa chủ hai nước. Ở Việt Nam, giai cấp địa chủ ở nông thôn vẫn còn nhỏ lẻ, phải núp dưới bóng nhiều quan lớn, quan bé, quan ta, như quan tây nên mới phải quan hệ với bọn cùng đinh như Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức. Thậm chí, Bá Kiến còn sợ việc Chí Phèo ăn vạ ở nhà mình sẽ gây tiếng xấu với hàng xóm (tức là vẫn còn có chút coi trọng thể diện người nông dân) nên mới làm ngọt với Chí. Còn ở nông thôn Trung Quốc, bọn địa chủ trở thành một thế lực mạnh có quan hệ với nhau thành một hệ thống như Cố Triệu, Cố Tiền, cụ Cử. Sự áp bức của bọn địa chủ nặng nề tới mức độ người dân làng Mùi trở nên mê muội đến mức chỉ biết phụ họa cho giai cấp địa chủ: “Nhưng có dính dáng đến một nhân vật “xù” như là cụ Cố nhà họ Triệu chẳng hạn, thì mới có tiếng đồn. Lúc đó có tiếng đồn thì không những người đánh đã có danh có giá mà luôn cả người bị đánh cũng nhờ đó mà lẫy lừng”. Hay như việc AQ bị nhà Cố Triệu cấm cửa mà khắp làng cũng đều tẩy chay. Cái bệnh u mê, bạc nhược, “ngủ say trong một chiếc hộp sắt” là căn bệnh cố hữu của người nông dân Trung Quốc mà Lỗ Tấn muốn đặt ra trong “AQ chính truyện”, điều này không có ở “Chí Phèo”. Căn bệnh “u mê” này, cho đến ngày nay vẫn còn bám rễ trong mỗi người dân Trung Quốc, họ vẫn bị chính quyền “mị dân” một cách trắng trợn, đến mức tin chắc rằng toàn bộ biển Đông, hay Hoàng Sa, Trường Sa là của người Trung Quốc, và người Việt Nam đang lấn chiếm của họ (tổng hợp quan điểm từ các diễn đàn mạng ở Trung Quốc). Tuy người nông dân Việt Nam không đến nỗi mê muội như vậy nhưng cũng chưa dám đứng lên, điều đó được thể hiện qua sự hờ hững của dân làng Vũ Đại, lúc nào họ cũng chỉ như con bù nhìn đến xem chuyện rồi lại bỏ đi. Hầu như mọi chuyện xảy ra ở nhà Bá Kiến đều không có sự can thiệp của họ, họ chỉ đứng xem như những chiếc bóng.
          Cũng qua chi tiết trên, có thể thấy ở nông thôn Trung Quốc, quan hệ họ hàng rất được coi trọng, AQ chỉ cần nói có họ với Cố Triệu là ngay lập tức được mọi người kiêng nể. Nhưng ở nông thôn Việt Nam mà cụ thể là ở làng Vũ Đại, quan hệ làng - họ dường như yếu ớt, chỉ thấp thoáng một chút khi Bá Kiến đánh lừa Chí Phèo rằng Lý Cường và Chí Phèo còn có họ, cốt để trấn an tinh thần của Chí. Sự đánh lừa này cũng thu được chút ít kết quả. Song đó cũng là một lần một đi không trở lại trong mối quan hệ này và cũng chỉ xuất hiện một lần với ý nghĩa dùng nó (quan hệ họ hàng) làm phương tiện.
          Chí Phèo là một tên chuyên ăn vạ, hắn chẳng nể nang gì mọi người dù là bọn địa chủ như Bá Kiến hay những tên đòi nợ thuê máu mặt như Đội Tảo. Thế nhưng AQ lại có tính cách khác, hắn thích bắt nạt kẻ yếu nhưng lại run sợ trước kẻ mạnh, kẻ giàu, bành trướng và vô cùng tự phụ. AQ thích gây sự với mọi người nhưng bao giờ cũng là kẻ thua trước: “kẻ ít mồm ít miệng là y chửi, kẻ sức yếu là y đánh. Nhưng chẳng biết thế quái nào, AQ vẫn thường thua nhiều hơn là được. Do đó y thay đổi dần chính sách, về sau chỉ lườm kẻ thù bằng một cặp mắt giận dữ  nữa mà thôi”. Đó cũng chính là tính cách đặc trưng của phong kiến Trung Quốc nói riêng và chính quyền Trung Quốc trong mọi thời đại nói chung mà Lỗ Tấn muốn đả kích. Nếu nhìn ra chính trường hiện nay, có thể thấy Trung Quốc y hệt một AQ đang lên, ra sức bắt nạt các nước yếu như Việt Nam, Lào, Campuchia nhưng lại run sợ, không dám ho he trước Nhật Bản, Nga, Mỹ. Tính cách này, dường như Chí Phèo không có.
          Phép thắng lợi tinh thần cũng là một đặc trưng tính cách của AQ mà Chí Phèo không có. Chỉ một mình AQ là không tỏ ra sùng bái Cố Triệu, Cố Tiền vì cho rằng: “Con tớ sau này lại không làm nên, to bằng năm, bằng mười lũ ấy à”. Mỗi khi đánh nhau mà thua trận, y thường tự bảo rằng: “Nó đánh mình thì khác gì đánh bố nó”. Bất cứ việc gì AQ cũng cho mình là nhất, ngay cả việc nhịn nhục: “Y nhận thấy y là người giỏi nhịn nhục bậc nhất”. Qua phép thắng lợi tinh thần này, Lỗ Tấn muốn chế giễu dân tộc Trung Quốc vốn chỉ giỏi “thủ dâm tinh thần”, lúc nào cũng tự hào về văn hiến, văn hóa của dân tộc, cho mình là trung tâm của vũ trụ, các dân tộc khác chỉ là man di mọi rợ mà không hề biết thực lực cũng như vị trí thực tại của mình.
          AQ cũng thường chê bai người khác vì không hợp với những chuẩn mực cố hữu của y. Ở làng Mùi gọi cái ghế dài ba thước, rộng ba tấc là cái ghế dài, còn ở huyện họ gọi là tràng kỉ, AQ phản đối, hắn cho rằng: “Gọi thế là sai! Là đáng cười!”. Đến những chuyện nhỏ nhặt như chuyện rán cá, y cũng đem cái “chuẩn” rán cá ở làng Mùi ra để chê bai cách rán cá của người trên huyện. Lúc nào cũng u mê trong tập tục của mình, lấy văn hóa, truyền thống cố hủ của mình ra để chê bai, khinh thị người khác cũng là một đặc trưng tính cách rất Trung Quốc.
          AQ còn hội tụ rất nhiều những thói xấu của giai cấp phong kiến Trung Quốc như mạnh mồm, khinh thị cái mới (biểu hiện chủ nghĩa phục cổ của phong kiến Trung Quốc), cổ hủ và lạc hậu, coi thường phụ nữ (ảnh hưởng từ Nho gia). “Với cái đạo nam nữ hữu biệt thì xưa nay y giữ nghiêm lắm”, y cho rằng: “phàm là tiểu thì nhất định có tư tình với sư cụ, và phàm là đàn bà con gái mà đi ra đường thì nhất định là đi ve trai; người đàn ông đang trò chuyện cùng người đàn bà kia thì nhất định là có tằng tịu rồi chứ chẳng không”, y coi đàn bà chỉ là “lũ đạo đức giả”, thấy cậu cả nhà họ Tiền cắt cái đuôi sam, y cho đó là “Hán gian”, “thằng Tây giả”.
          Rõ ràng, AQ không chỉ là một điển hình nông dân bần cùng hóa, lưu manh hóa giống Chí Phèo mà là một dạng nhân vật giễu nhại giống Đônki Hôtê, có đầy đủ mọi tật xấu của cả giai cấp phong kiến và người nông dân Trung Quốc mà Lỗ Tấn muốn qua đó để đả kích một cách thâm sâu. Cho đến ngày nay, mọi tật xấu đó dường như vẫn còn tồn tại đâu đó ở đất nước Trung Quốc. Trong khi đó, Nam Cao chỉ đơn thuần xây dựng Chí Phèo như một điển hình của người nông dân bần cùng hóa để qua đó thương xót cho số phận của họ và tố cáo tội ác của bọn địa chủ phong kiến.
          Tính chất hai trong một làm cho hình tượng AQ có sự  khái quát rộng hơn Chí Phèo, nhưng cũng vì thế mà thiếu chất nhân văn hơn. Cả AQ và Chí Phèo đều từng khao khát một cuộc sống lứa đôi, nhưng chỉ riêng Nam Cao là để cho nhân vật của mình yêu và được yêu thật sự, được hưởng sự chăm sóc của bản tay phụ nữ, để từ đó mà về lại lốt người, còn anh AQ thì không những không có mà còn bị vùi dập bởi chính khát khao của mình. Nhìn sâu hơn nữa, có thể thấy tình yêu đến với Chí Phèo rất đỗi tự nhiên, chân thật, đến từ chính rung cảm trong tâm hồn khi Chí đón nhận bát cháo hành của Thị Nở, còn AQ sở dĩ muốn có một người phụ nữ cũng là vì “đàn ông thì phải có một người vợ. Tuyệt tự rồi thì ai cúng cơm cho. Phải có một người vợ”, tư tưởng này rõ ràng vẫn còn mang nặng chất phong kiến và những hủ tục lạc hậu, bị ràng buộc bởi xã hội. Vì thế mà hình tượng Chí Phèo cho chúng ta một cảm giác tự nhiên, chân thật hơn. Liệu có phải vì người Việt ta vốn nhân văn hơn người Trung Quốc?

          Dựa vào phương pháp so sánh – lịch sử, chúng ta có thể vận dụng những đặc điểm khác biệt về văn hóa, xã hội, lịch sử, tính cách dân tộc giữa Trung Quốc và Việt Nam để phân tích sự giống và khác nhau giữa “AQ chính truyện” và “Chí Phèo”. Qua đó thấy được đây là sản phẩm sáng tạo riêng có của hai nhà văn lỗi lạc thuộc hai dân tộc khác nhau, đập tan luận điệu phản động của giới nghiên cứu Trung Quốc khi cho rằng Nam Cao “mượn ý tưởng” từ Lỗ Tấn. Và trên hết, chúng ta có thể nhìn rõ hơn bản chất tính cách khác nhau giữa người Trung Quốc với người Việt Nam, hiểu rõ hơn về người Trung Quốc, để lựa chọn những cách ứng xử thích hợp, khéo léo trong giai đoạn hiện nay.

_Đức Long_