Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Nữ NSND qua đời tuổi 50 vì tai biến: Đám tang đông nghẹt người, xe xếp tràn một con phố Hà Nội

 

Nữ nghệ sĩ tài ba, có tầm ảnh hưởng cực lớn tới công chúng, đám tang đông nghẹt người tới viếng

NSND Lê Dung tên thật là Đoàn Lê Dung, sinh năm 1951 tại Quảng Ninh, trong một gia đình bình dân, nhưng từ nhỏ đã sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát.

 - Ảnh 1.

NSND Lê Dung

Tài năng của Lê Dung được nhạc sĩ Đức Huyên phát hiện từ bé, khi ông xuống ngôi trường bà học làm công tác đoàn. Vị nhạc sĩ này lập tức đưa Lê Dung vào Câu lạc bộ Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đi hát phục vụ các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mỗi khi đến Hạ Long.

Trong thời gian đó, Lê Dung được đào tạo về ca hát, thanh nhạc. Cho tới năm 17 tuổi, bà bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp khi đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn.

Năm đó, Lê Dung thi đỗ đại học ngành y nhưng lại bỏ không học, quyết tâm theo con đường ca hát. Bà đi diễn khắp nơi, phục vụ ở thao trường, dưới hầm mỏ, và hát cho các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ miền Bắc.

Năm 1976, Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục chính trị và một năm theo học thanh nhạc tại Nhạc viện từ 1977. Bà đã theo học nhiều giảng viên hàng đầu, đặt nền móng cho thanh nhạc cổ điển tại Việt Nam như NSND Trung Kiên, Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La và đã có một thời gian thụ giáo NSND Thương Huyền.

Năm 1982, Lê Dung tốt nghiệp hạng Thủ khoa và chỉ hai năm sau đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 1986, bà được trường gửi theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô. Tại đây, nữ nghệ sĩ được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu về thanh nhạc cổ điển.

4 năm sau, Lê Dung về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Chỉ 3 năm sau đó, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi mới 42 tuổi. Có thể nói, Lê Dung là một trong những nghệ sĩ được phong danh hiệu khi còn khá trẻ.

 - Ảnh 2.

NSND Lê Dung từng trải qua 2 lần kết hôn. Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, bà có một người con trai, nhưng họ sớm chia tay.

Năm 1991, bà tái hôn với nhà thơ nổi tiếng Hồng Thanh Quang. Tuy nhiên, sau 6 năm chung sống, cả hai cũng đường ai nấy đi. Cuộc đổ vỡ này để lại nhiều vết thương trong lòng Lê Dung, nhưng bà hầu như không chia sẻ trên báo chí.

Mãi tới sau này, ca sĩ Ngọc Anh mới tiết lộ: "Cuộc đời cô Lê Dung có nhiều nỗi đau và trắc trở. Cô là người đã cho tôi một bài học đáng nhớ. Tôi nhìn vào cuộc đời cô để tự rút ra bài học cho mình, không giẫm chân vào vết xe đổ của cô.

Cô Lê Dung là người yêu say đắm, yêu là để chết. Còn tôi yêu là để sống. Nói cách khác, tình yêu với cô Lê Dung quá tha thiết, dốc hết tâm sức nên dẫn tới đau tim, đau não và ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cô Lê Dung qua đời do huyết áp tăng dẫn tới đột quỵ. Nhưng tôi biết, cô bị như vậy vì đau đớn quá nhiều trong tình yêu, tình yêu của cô trao đi nhiều quá.

Tôi cũng đau đớn trong tình yêu nhưng vì nhìn thấy tấm gương từ cô Lê Dung nên tự dặn lòng không được để bản thân bị như thầy mình. Tôi học cách dừng lại đúng lúc, không để sự đau đớn trong tình yêu ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của mình".

Ngày 29/1/2001 (tức mùng 6 Tết Tân Tỵ), NSND Lê Dung qua đời đột ngột do tai biến mạch máu não.

 - Ảnh 3.

Theo lời kể của bác sĩ Trần Quốc Thắng (công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô), hôm đó đúng mùng 2 Tết, trời chuyển gió lạnh từ 32 độ xuống dưới 10 độ, anh đang trực hành chính tại bệnh viện thì nhận tin NSND Lê Dung nhập viện vì bị tai biến sau khi đi diễn về và tắm khuya, các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng mấy ngày sau thì không qua khỏi.

Cũng theo bác sĩ này và nhiều người ái mộ cùng thời, đám tang NSND Lê Dung được diễn ra tại Nhà tang lễ bệnh viện Hữu nghị Việt Xô và đông nghẹt người tới viếng, có thể nói là một trong những đám tang nghệ sĩ có đông người tới viếng nhất, khiến ai từng chứng kiến cũng phải ấn tượng, nhớ mãi không quên.

Bác sĩ Trần Quốc Thắng kể lại, suốt dọc con phố Trần Khánh Dư (nơi có nhà tang lễ) tràn ngập xe của người đến viếng.

Dù khi đó truyền thông không mạnh, mạng xã hội chưa có nhưng người dân khắp cả nước đều bàng hoàng và thương tiếc NSND Lê Dung, cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của bà trong lòng công chúng.

Cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển Việt Nam

Trước Lê Dung, nhạc cổ điển đã được du nhập vào Việt Nam nhờ người Pháp và những trí thức Tây học, nhưng chưa thực sự phát triển. Nhạc cổ điển chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ giới tri thức, ít tiếp cận được công chúng bình dân. Người Việt có biết tới nhạc cổ điển nhưng không nhiều, cũng không quen với cách hát bằng head voice thuần phương Tây.

 - Ảnh 4.

Lê Dung trong suốt thập niên 90 đã đi diễn ở khắp các sân khấu lớn nhỏ. Không chỉ trên sân khấu lớn, sang trọng như Nhà hát Lớn hay các dinh, tòa đại sứ, bà còn diễn ở nhiều sân khấu bình dân và lên sóng phát thanh, truyền hình, phủ khắp mọi ngõ ngách.

Đặc biệt, Lê Dung không chỉ hát nhạc cổ điển mà còn dùng lối hát cổ điển để hát những bài nhạc dân ca, cách mạng vốn đã quen thuộc với công chúng. Nhờ Lê Dung, lần đầu tiên khán giả Việt được nghe những bài nhạc cách mạng qua một lối hát mới đầy học thuật (trình diễn trên head voice dựng tiếng) nhưng cũng dung dị, mộc mạc, không quá phô diễn.

Từ đó, Lê Dung đã phổ biến nhạc cổ điển đến khắp khán giả trong nước, ở mọi tầng lớp. Những ca khúc cách mạng bán cổ điển như Mẹ yêu con, Người Hà Nội, Bài ca hy vọng… qua giọng hát Lê Dung đã chiếm trọn trái tim nhân dân, khiến ai cũng xao xuyến, không thể quên.

Về công lao của NSND Lê Dung với nhạc cổ điển Việt Nam, NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định:

"Chị Lê Dung là một trường hợp vô cùng đặc biệt của nền ca hát Việt Nam. Đã lâu lắm rồi chúng ta mới có một nghệ sĩ như vậy.

 - Ảnh 6.

Chị Lê Dung là người có công rất lớn trong việc đem giá trị của nên văn hóa, âm nhạc thế giới đến với Việt Nam. Chị hát rất nhiều, ở rất nhiều sân khấu trên thế giới và Việt Nam. Chị hát một cách chọn lọc để đưa dòng âm nhạc cổ điển thế giới đến với công chúng Việt Nam".

Không chỉ có công lớn về mặt trình diễn, NSND Lê Dung còn đóng góp nhiều trên công tác giảng dạy. Bà là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường âm nhạc, nhạc viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.

Trong quá trình giảng dạy, NSND Lê Dung đã đào tạo được nhiều ca sĩ, giọng hát tài năng, xuất sắc như Ngọc Anh, Tạ Minh Tâm, Thái Bảo, Ngọc Hoàn…

Long Phạm

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2025

NSND ÚT TRÀ ÔN: BỊ NÓI KHÔNG BIẾT CHỮ NHƯNG CÓ NĂNG LỰC ĐẶC BIỆT KHÔNG AI LÀM LẠI

NSND Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1919 tại Vĩnh Long, trong một gia đình bình dân nhưng từ nhỏ đã đam mê ca hát, đặc biệt là cải lương. Được biết, làng Đông Hậu quê ông ngày đó cũng là vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương nên từ sớm, nam nghệ sĩ đã được theo học cải lương.


Năm 1937, Út Trà Ôn được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và bắt đầu thu âm. Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông ngay lập tức đã nhanh chóng được đông đảo khán giả yêu thích.
Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, Út Trà Ôn thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, thu âm cho các hãng băng đĩa.
Suốt thời tuổi trẻ, Út Trà Ôn đi hát cho nhiều gánh hát tại khắp miền Nam, vào đủ từ kép phụ tới kép chính. Sau khi góp đủ kinh nghiệm, vốn liếng, ông lập ra gánh hát của tiêng mình, quy tụ đông đảo nghệ sĩ danh tiếng.
Tại gánh hát của mình, NSND Út Trà Ôn đã nuôi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh sau này. Ông được coi như người thầy của các người thầy.
Tới năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương.
Năng lực đặc biệt, không cần tập tuồng trước khi lên sân khấu
Nghệ sĩ Diệu Hiền coi NSND Út Trà Ôn là sư phụ. Từ nhỏ, khi mới chập chững biết hát vọng cổ, bà đã mê làn hơi của NSND Út Trà Ôn và nghệ sĩ Minh Trí. Theo bà, NSND Út Trà Ôn sở hữu giọng ca tuyệt vời, ai cũng mê.
Cụ thể, giọng ca của NSND Út Trà Ôn rất đặc biệt, ca đoạn giữa câu vọng cổ rất dài. Diệu Hiền học chính cách ca đó rồi rút ngắn lại, làm thành cách ca của riêng mình. Ai nghe Út Trà Ôn kỹ sẽ thấy được tiếng thở dài trong từng câu ca, dù câu ca chỉ có vài chữ nhưng vẫn rất dài. Điều này khiến nhiều người rất thích và mê nghe Út Trà Ôn.
Được biết, NSND Út Trà Ôn là sư phụ, người thầy đào tạo và trao cơ hội biểu diễn cho rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng như Bạch Tuyết, Hồng Nga, Kim Ngọc, Diệu Hiền...
Diệu Hiền kể lại, nghệ sĩ Út Hậu chồng bà cũng là đệ tử của Út Trà Ôn. Khi bà rời khỏi đoàn Hoa Sen, anh hai và mẹ đem bà tới gửi gắm cho NSND Út Trà Ôn.
NSND Út Trà Ôn sinh thời nổi tiếng khó tính và chỉn chu. Trong tủ của ông đặt thứ gì là phải đủ thứ ấy, đủ 5 cái kẹp, 5 cái kim tay, 5 cái ghim, mất một món là không được.
Nhưng NSND Út Trà Ôn cũng là người rất tốt. Khi Diệu Hiền về đoàn của ông, ông biết bà không được học nhiều nên cũng nói: "Con à, hồi đó mình không có điều kiện học. Giờ có điều kiện rồi, để chú mướn cô giáo về dạy thêm cho con.
Con phải ráng chịu khó học, tích lũy kiến thức mới nghiên cứu được tuồng, chứ học ít quá thì đâu nghiên cứu được. Con học đi rồi chú cũng phải học cùng nữa".
Nói rồi, NSND Út Trà Ông huê cô giáo về dạy cho Diệu Hiền rồi cũng học cùng học trò luôn. Dù rất nổi tiếng và đứng đầu một đoàn cải lương lớn, nhưng NSND Út Trà Ôn vẫn rất ham học.
Nhiều người nói NSND Út Trà Ôn không biết chữ, nhưng sự thật là ông có biết chữ. Chỉ là cố nghệ sĩ không thích tự cầm vở tuồng lên đọc mà muốn có người khác đọc cho ông nghe rồi ông mới nhép miệng theo.
Đó cũng là cái tài của ông, không cần phải tập trước bài mỗi khi ra diễn. Trước khi ra sân khấu, ông chỉ cầm tập tuồng lên lướt một mạch rồi ra ca. Vậy mà khán giả bên dưới nghe phải trầm trồ, giống như ông đã tập đi tập lại kỹ càng.
Dù không cần tập nhiều nhưng NSND Út Trà Ôn ca vẫn chỉn chu, sắp đặt câu chữ đâu ra đó, chuẩn mực. Đó là tài năng bẩm sinh của ông.
Long Phạm

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

ĐÂU LÀ BỘ BA NHẠC POP KHUYNH ĐẢO NHẠC VIỆT SAU THẾ HỆ 4 DIVAS?

 Nền nhạc Pop Việt Nam đã được 4 Diva là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần củng cố vững chắc trong suốt thập niên 1990. Tới thập niên 2000 và nhiều năm sau này, nó càng nở rộ và phát triển, thăng hoa mạnh mẽ nhờ sự đóng góp của bộ ba ca sĩ Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh. Họ đều là những ngôi sao nhạc Pop nổi tiếng bậc nhất và có tài năng đáng nể.



Mỹ Tâm – Siêu sao nhạc Pop số 1 hiện tại


Mỹ Tâm là một trường hợp đặc biệt xưa nay hiếm của nền âm nhạc Việt Nam từ trước đến nay. Có thể nói, cô là ca sĩ hiếm hoi đạt được cả hai vị thế, chuyên môn và danh tiếng.


Về chuyên môn, người ta có thể nói Mỹ Tâm chưa đạt tới đẳng cấp này đẳng cấp kia nhưng cũng không ai đánh giá thấp cô.



Một nhạc sĩ lừng lẫy đứng sau loạt chương trình đình đám tại hải ngoại khi được hỏi đã thừa nhận, trong các ca sĩ trong nước, anh thích Mỹ Tâm nhất. Mỹ Tâm là ca sĩ biết tôn trọng tác phẩm, tôn trọng khán giả, hiểu khán giả và hát cho khán giả.


Tên tuổi của Mỹ Tâm và những bài hát của cô len lỏi vào mọi ngõ ngách tại Việt Nam. Khán giả ở khắp mọi độ tuổi, không ai là không biết tới cô. Mỹ Tâm cũng là một trong số ít ca sĩ có lượng fan hùng hậu nhất, kéo dài nhiều độ tuổi từ trẻ tới già và ngày càng mở rộng biên độ, thế hệ.


Các fan gắn bó với Mỹ Tâm rất trung thành. Dù trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời, họ vẫn giữ nguyên lòng hâm mộ với Mỹ Tâm.


Mỹ Tâm là ca sĩ hiếm hoi duy trì được sức nóng của mình trong cả sự nghiệp. Suốt hàng chục năm qua, cái tên Mỹ Tâm chưa bao giờ hạ nhiệt mà vẫn duy trì được sức hút lớn, vượt qua bất cứ ca sĩ trẻ nào đang lên.


Cô cũng là trường hợp đặc biệt cân bằng được hai yếu tố, lượt view trên mạng xã hội và lượng khán giả chịu bỏ tiền mua vé. Lượt view của Mỹ Tâm luôn cao ngất ngưởng, áp đảo các ca sĩ trẻ. Vừa qua, cô còn thực hiện liveshow tại sân vận động và kín chỗ. Đây là điều gần như hiếm ca sĩ nào làm được ở thời điểm hiện tại.


Về giọng hát, Mỹ Tâm sở hữu một chất giọng rất đặc biệt, không lẫn với ai. Đó là giọng nữ trung trầm (mezzo alto) to khỏe, nội lực bẩm sinh và có độ vang tự nhiên. Giọng hát của cô rất dày, bắt mic, có thể nổi bật trong mọi môi trường và khi hát live thì rất ép phê.


Về âm sắc, giọng Mỹ Tâm là thổ pha kim, nên rền và dày như tiếng đại hồng chung, nhưng lại vang xa, có một chút kim khí, khi hát hết tốc lực có thể cho ra luồng âm thanh lớn, xuyên thấu.


Âm lượng bẩm sinh của Mỹ Tâm rất lớn. Chỉ cần cô nói bình thường cũng bật tới G#4, A4 đanh dày, nghe rõ tiếng đập vào mic với lực mạnh. Khi lên cao, tính kim trong giọng Mỹ Tâm được bộc lộ khá rõ.


Không những vậy, Mỹ Tâm còn có lợi thế đặc biệt khi hát ở sân khấu lớn ngoài trời. Nhiều ca sĩ ngại hát ở sân khấu ngoài trời vì không gian rộng sẽ khiến giọng họ bị loãng, mỏng đi.


Nhưng với Mỹ Tâm thì ngược lại, càng hát ở không gian rộng, cô càng được bung sức. Đó là lí do vì sao Mỹ Tâm thường thích làm show ở sân vận động.


Mỹ Tâm có thể một mình cầm mic đứng giữa sân vận động để lấp đầy tứ phía và truyền đi nguồn năng lượng căng tràn nhất. Một khi cô đã vào được quãng belt thuận lợi của mình thì không gì cản nổi.


Nhiều khán giả từng xem Mỹ Tâm biểu diễn ngoài trời đều phải thừa nhận rằng, cô quá đặc biệt và lôi cuốn, chỉ cần cất giọng lên cũng đủ chiếm trọn tất cả.


Khác với những đàn chị đi trước, Mỹ Tâm có đầy đủ tố chất và lợi thế của một ngôi sao nhạc Pop đích thực. Không chỉ đứng một chỗ ôm cột mic, Mỹ Tâm còn biết sáng tác, vũ đạo, chơi nhạc cụ và ăn nói tự tin, lôi cuốn.


Nhờ đó, Mỹ Tâm dễ dàng chiếm lĩnh thị trường âm nhạc. Cô là nữ ca sĩ Việt đạt tới đỉnh cao về mặt giải trí và đại chúng.


Hơn ai hết, Mỹ Tâm có được một bản lĩnh sân khấu lớn ít người có được. Khi đứng trên sân khấu, Mỹ Tâm vô cùng tự tin. Cách cô nói, cười, hát và giao lưu với khán giả đều cho người ta thấy một sự thân thiện, tự nhiên và đầy bản lĩnh. Ở Mỹ Tâm là bản lĩnh sân khấu vững vàng, làm chủ tình huống và điều khiển được khán giả.


Ánh mắt của Mỹ Tâm nhìn về khán giả rất tự tin và duyên dáng, nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi để đem đến luồng không khí thoải mái, tích cực.


Mỹ Tâm rất biết cách giao lưu với khán giả bằng ánh mắt và nụ cười. Ngoài ra, cô còn làm chủ sân khấu khá tốt, biết diễn bằng điệu bộ, cử chỉ và biểu cảm duyên dáng, đáng yêu.


Điểm đáng quý ở Mỹ Tâm là cô luôn năng động, tràn đầy sức sống trên sân khấu và truyền đi được năng lượng tích cực cho người nghe, người xem. Ở vai trò người truyền cảm hứng, Mỹ Tâm đã quá thành công. Khán giả luôn cảm thấy vui tươi, thoải mái mỗi khi cô xuất hiện.


Hồ Quỳnh Hương – ca sĩ Pop với kỹ thuật của Diva


Hồ Quỳnh Hương được xem là ca sĩ Pop hiếm hoi sở hữu kỹ thuật điêu luyện không thua kém bất cứ Diva nào tại Việt Nam, đặc biệt dung hòa được kỹ thuật và cảm xúc, đại chúng để tiếp cận đông đảo khán giả.


Hồ Quỳnh Hương từng tốt nghiệp thủ khoa Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, với điểm số cao chót vót. Trong thời gian học tại trường, cô luôn được các thầy cô và bạn bè khen ngợi, đánh giá là một sinh viên xuất sắc, có năng khiếu vượt trội. Cố nhạc sĩ An Thuyên yêu quý cô như con mình.


Hồ Quỳnh Hương còn được mệnh danh là "Cô gái của các giải thưởng", với một bộ sưu tập giải thưởng đồ sộ từ trong ra ngoài nước. Cô sở hữu gần như tất cả giải thưởng từ Mai Vàng, Cống Hiến, Làn sóng xanh, Nghệ sĩ châu Á xuất sắc (2014)… khiến bất cứ ca sĩ nào cũng phải ngưỡng mộ.


Hồ Quỳnh Hương cũng là ca sĩ Việt Nam được mời tham dự Liên hoan nhạc Pop châu Á lần thứ 2 tại Hàn Quốc, tham gia biểu diễn tại Asian Night Bắc Kinh, Trung Quốc…


Không chỉ giới chuyên môn hay công chúng, mà ngay cả nhà nước cũng đánh giá cao năng lực cũng như cống hiến của Hồ Quỳnh Hương. Cô từng hai lần được trao tặng bằng khen của Bộ Văn hóa và Thủ tướng Chính phủ. Đây là vinh dự không phải ca sĩ Vpop nào cũng đạt được.


Ở thời hoàng kim của mình, Hồ Quỳnh Hương là nữ ca sĩ duy nhất được xem là đối thủ có khả năng vượt Mỹ Tâm.


Nếu Mỹ Tâm được thừa hưởng khá nhiều lợi thế bẩm sinh về giọng hát, còn Hồ Quỳnh Hương lại là một sự khổ luyện trường kỳ, để có được kĩ thuật tốt như vậy.


Nhờ đó, ngoài nhạc nhẹ, Hồ Quỳnh Hương còn có thể hát được cả cổ điển, thính phòng, dân ca và nhiều loại nhạc khó khác.


Dù được đào tạo bài bản về thanh nhạc cổ điển, nhưng Hồ Quỳnh Hương lại chuyển mình hát Pop rất tự nhiên, trẻ trung và hiện đại để tiếp cận được khán giả trẻ. Đây là hướng đi vô cùng thông minh của cô, đồng thể hiện sự đang dạng không phải ai cũng có.


Hồ Quỳnh Hương có quãng mixed khá rộng (từ C5 tới Bb5) và support tốt trong khoảng mixed C5 tới tận E5, hát liên tục ở F5. D5 của Hồ Quỳnh Hương rất sáng, bay và nhẹ bẫng, khiến người nghe cảm thấy dễ chịu như không cảm nhận được một chút gắng gượng nào.


Cô biết tận dụng điểm mạnh của mình trên những đoạn chuyển giọng ngắn rất mượt, đi từ belt cao trên âm lượng to (forte) đổ nhỏ dần về dần âm lượng nửa giọng (mezza voce) không một chút gợn.


Thậm chí, cô có thể di chuyển nhẹ nhàng xuống pianissimo – alnient – pianissimo khi đang belt F5. Hoặc, cô còn belt E5 nhỏ dần trên pianissimo một cách dễ dàng mà placement không hề thay đổi.


Khả năng dựng tiếng tốt và lối hát nhẹ nhàng điêu luyện cho phép Hồ Quỳnh Hương dựng được những âm rất khó như /ơ/, /i/, thậm chí cả âm mở /a/ trên những đoạn belting rất cao.


Không những thế, cô còn vuốt nhỏ được âm lượng ngay trên những đoạn belting đó, khiến nó vô cùng lộng lẫy. Nói cách khác, dù hát nhỏ nhưng rất vang vọng. Khoảng vang được cô dựng lên hoàn toàn và giữ ổn định một vị trí.


Vì được đào tạo bài bản về thanh nhạc cổ điển nên head voice của Hồ Quỳnh Hương vô cùng phát triển. Cô là một trong những nữ ca sĩ nhạc nhẹ sử dụng head voice tốt nhất Việt Nam.


Thu Minh – Nữ hoàng nhạc Dance với lối hát "điên" độc đáo


Thu Minh vượt trội hơn hẳn ở phong thái trình diễn và bản lĩnh sân khấu. Rất ít nữ ca sĩ Việt Nam hiện nay có phong cách trình diễn tự tin, "điên" một cách táo bạo, nhiệt huyết và căng tràn như cô.


Sự tự nhiên và cá tính độc đáo trong lối trình diễn của cô đã truyền cảm hứng cho nhiều ca sĩ.


Thu Minh cũng tự định hướng được cho mình một phong cách, dòng nhạc và lối đi rõ ràng. Cô sở trường nhạc Dance và R&B nên dù hát Ballad hay bất cứ thể loại nào cũng đều có dấu ấn R&B trong đó, thể hiện qua các câu phiêu và cách xử lí ca khúc.


Đối với nhiều người, có thể Thu Minh đang làm lố. Nhưng nhìn tổng thể, đó lại là sự định hình phong cách và bản lĩnh nghệ sĩ. Cũng giống Patti Labelle, Aretha Franklin, hay Thanh Lam… Thu Minh "phá" nhạc bằng cách riêng của mình, để tạo nên bản ngã riêng cho âm nhạc của cô.


Về cống hiến và tầm ảnh hưởng, Thu Minh hoàn toàn có một di sản riêng của mình trong dòng chảy nhạc Việt. Đó không đơn giản là cái gọi là "nữ hoàng nhạc Dance", mà sâu hơn là dấu ấn riêng về một lối hát, kĩ thuật hát trong Pop Việt.


Ở giai đoạn cách đây chục năm, Thu Minh được xem là người tiên phong trong việc phổ biến lối phô diễn giọng hát trên những quãng cao trào theo xu hướng Âu Mỹ. Cô tạo được sự kịch tính bằng cách gằn giọng nổ (growl) và belt mạnh crescendo, mang tính dynamic cao.


Sự bùng nổ trong giọng hát Thu Minh là một điểm khá mới mẻ với nhạc Việt khi ấy. Cũng có một số nữ ca sĩ belt cao tốt như Hồ Quỳnh Hương, Hà Trần, nhưng họ không dùng nhiều lực dynamic nên không đem lại cảm giác bùng nổ, căng tràn khí thế như cô.


Thu Minh đem đến một làn gió mới hơn theo dòng nhạc của mình, cùng trào lưu cover nhạc Diva Âu Mỹ với nhiều kĩ thuật khó hơn mức thông thường của ca sĩ Việt.


Nói tóm lại, Thu Minh thổi vào nhạc Việt cơn gió mới của sự dương tính, phô diễn chứ không đi theo những cái được gọi là "tinh tế", "sâu lắng" thông thường kiểu nhạc nhẹ Việt Nam.


Có thể nhiều khán giả sẽ chưa quen được cách hát của Thu Minh nên cho rằng cô đang phá bài, phô diễn quá mức, nhưng không phải ai cũng "phá bài" một cách bùng cháy, quyện theo dấu ấn riêng được như vậy.


Long Phạm