Didn't we almost have it all là single thứ hai trong album thứ hai của Whitney, được sáng tác bởi Michael Masser và Will Jenning. Nó đã nhanh chóng đạt vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng BillBoard hot 100 và được đề cử giải Grammy 1988 cho hạng mục Bài hát của năm.
https://www.youtube.com/
Dwayne Johnson (The Rock) - một đấu sĩ đô vật, diễn viên cơ bắp nổi tiếng Hollywood đã từng bật khóc khi nghe Didn't we almost have it all. Đủ để thấy cơn bão cảm xúc ca khúc này tạo ra dạt dào tới chừng nào, dù nó không hề ủy mị, bi thương.
Dù toàn bộ ca khúc chỉ chạy quanh một quãng giọng, không quá rộng. Nhưng, Whitney đã dùng giọng hát thiên bẩm của mình để tạo ra cơn bão cảm xúc kịch tính, mạnh mẽ tới mức bất cứ ca sĩ nào, dù giọng to hay nhỏ, cao hay thấp, kịch tính hay trữ tình cũng sẽ thất bại nếu cố gắng hát theo bản thu âm ca khúc này.
Những điều tuyệt vời kiến tạo nên sự đồ sộ của ca khúc này có thể tóm gọn trong bốn từ: âm sắc, kĩ thuật, cảm xúc và cảm nhạc.
Về âm sắc, 1987 là giai đoạn giọng Whitney ở thời kì đẹp nhất trong sự nghiệp của cô. Cô vẫn giữ đúng chất một spinto soprano (nữ cao trữ tình kịch tính) có âm sắc pha lê, sáng như ngọc trai, mềm như suối chảy của giai đoạn 1985 - 1986, nhưng lại giảm bớt được tính kim, đanh sắc để phú thêm độ soft (mềm), ấm, dày dặn hơn mà không quá đanh, quánh, tối như 1992 trở về sau.
Và, ai cũng biết Whitney có một âm sắc giọng hiếm hoi pha trộn giữa da màu và da trắng, khỏe khoắn nhưng đậm đà trữ tình, vang bẩm sinh, khiến ca sĩ opera cũng phải ngưỡng mộ. Tất cả những thứ trên tạo nên một âm sắc giọng hoàn hảo, đẹp lộng lẫy trong bản thu âm Didn't we almost have it all, rào cản mà chính Whitney trong giai đoạn sau này cũng không thể làm lại được, chứ đừng nói tới ca sĩ khác.
Về kĩ thuật, vì ca khúc này được giới hạn trong quãng giọng thuận lợi của Whitney (từ C4 tới Eb5) nên cô giữ vị trí thanh quản hoàn toàn chuẩn mực. Whitney chủ yếu sử dụng cộng minh, lối hát vòm hộp và đẩy âm thanh lên xoang, cộng hưởng độ vang ở đó, tạo nên thứ âm thanh sử thi, rền và nổ, vững chãi, chắc khỏe nhưng không tung tóe note như các giọng nữ da màu "xôi thịt" khác.
Mở đầu ca khúc là những dòng trải lòng về quá khứ tươi đẹp "Remember when we held on in the rain..." nên Whitney sử dụng soft voice (hát mềm) trên chest voice (giọng ngực) và falsetto (giả thanh) rất mềm mại, nhẹ nhàng. Whitney nắm rõ thế mạnh của mình là âm sắc giọng đẹp nên cô không quá phô trương luyến láy, chuyển giọng màu mè, phức tạp như nhiều ca sĩ dòng R&B khác, dù cô thừa sức làm điều đó, chỉ hát một cách tự nhiên nhất để phát huy hết độ sáng của chất crystal (pha lê) trong giọng.
Chữ "tomorrow" được nhấn nhẹ và kéo piano (hát nhỏ tiếng một nửa) trên falsetto rất đẹp. Trong khi đó, chữ "into" trước đấy lại được nhấn trên head voice đặc trưng, sáng và ấm.
Whitney bao giờ cũng vậy, cô hát đoạn mở đầu nhẹ nhàng để cuộn sóng cảm xúc bùng cháy trong các đoạn về sau.
Ở chữ "again" đầu tiên trong "I feel it all again", Whitney cộng minh Bb4 chắc nịch kèm theo kĩ thuật glissando (vuốt tốc độ nhanh) để đẩy giọng cuốn theo beat nhạc, tạo nên sự hòa hợp tuyệt vời, giống như cơn sóng đang cuộn lên.
Không những vậy, Whitney còn tinh tế khi phân nửa âm tiết "gain" đầu không dùng vibrato (ngân rung) nhưng lại kéo vibrato vào ở phân nửa sau, đầy tốc độ nhanh cùng nhạc, nên nghe rất cao trào, phóng đãng. Đây là lối hát rất văn minh được nhiều vocalist học tập. Nhiều ca sĩ ngày nay quá lạm dụng vibrato, họ rung mọi lúc mọi nơi khiến toàn ca khúc trở nên mệt mỏi, buồn ngủ và thừa mứa.
Tất cả các chữ "again" sau đó đều được nhấn Bb4 hòa với nhạc theo cách như vậy.
Chữ "my friend" trong "the fall my friend" cộng minh ở A4, G4 rất hoàn hảo, khiến âm lượng dù không lớn, cách hát khá thư giãn ở tầm trung, không dùng sức quá nhiều nhưng âm thanh vẫn rền đến bất ngờ và độ tỏa lớn từ trên xuống dưới, bền chặt.
Chữ "living" nhả đều đặn ở note trung A4. Có thể thấy một điều đặc biệt là giai đoạn này giọng Whitney rất nữ tính, hát nhẹ nhàng thì trong vắt như pha lê, nhưng lại có thể hát âm đóng ở quãng trung thấp rền và chắc nịch như một nữ trung nội lực.
Nhưng điều làm ca khúc trở nên khó hát chính là những note quãng 5 được bắn ra liên tục với sức nổ lớn, độ rền mạnh nhờ cộng minh theo lối hát vòm hộp mà không bị tung tóe ra.
Nhiều ca sĩ có thể mixed chuẩn tới F5, G5, thậm chí tới tận C6, nhưng hiếm ai có thể phrase C5, D5, Eb5 rõ ràng, tròn vành, chắc chữ, thoát chữ, vang rền, bắn âm lớn mà âm sắc vẫn sáng đẹp lộng lẫy như Whitney như trong Didn't we almost have it all.
Delissa Huner, một giảng viên thanh nhạc da màu từng thừa nhận rằng việc mixed (hát pha) F5, G5 với cô dễ như ăn kẹo, nhưng cô lại không thể belt C5 như Whitney được, dù đã nghiên cứu rất nhiều kĩ thuật khác nhau.
Chữ "loving" trong "loving you make life worth living" phrase ở C5 rất sáng, lực.
Tới "the night" trong "the night we held on till the morning", Whitney phrase đẩy lên Eb5 căng tràn, bật rất mạnh mà vẫn đẹp. Hát Eb5 không khó nhưng nhả vào phát âm với lực lớn mà đẹp lộng lẫy lại là điều khó nhằn.
Cũng trong câu hát trên, Whitney đã kéo dài chữ "held" không vibrato theo một lối cộng minh, đẩy vào một vị trí âm thanh rất đặc biệt, cộng với cách mở khẩu hình rộng, lan tỏa độ vang trên đỉnh rộng lúc đầu nhưng hút lại về khoang miệng phía sau, tạo nên thứ âm thanh khoáng đạt, thoải mái, chuyển động tự nhiên.
Thực ra kĩ thuật hát này không khó, nhưng khó ở lối xử lí trong nhả chữ và biến tấu. Đây là minh chứng cho lối hát của Whitney, mà theo lời ca sĩ Tùng Dương là một "lối hát văn minh bậc nhất", khiến anh ngưỡng mộ và học hỏi.
Vẫn là lối hát đó, Whitney nhấn D5 vào chữ "morning" thật sảng khoái rồi kéo dần vibrato xuống Bb4 cho người nghe được thư giãn thính giác, không quá ngợp trong note cao.
Chữ "all" trong "didn't we almost have it all" tiếp tục kéo vibrato cộng minh rất sử thi.
Chữ "forever" trong "can last forever" lại được nhấn D5 ở âm đóng /e/ rất hào phóng, chắc chắn. Đây là cách trang trí, thêm note rất cảm xúc và văn minh, Rõ ràng là phô diễn mà lại không hề có cảm giác là phô diễn, vẫn dạt dào cảm xúc.
Chữ "again" tiếp theo ở "back again" vẫn là Bb4, nhưng có vẻ dồn nhiều lực hơn do nhạc mạnh hơn. Đặc biệt hơn cả, cách Whitney dùng vibrato và glissando để tạo ra giai điệu hùng tráng, bão tố như cơn sóng trào theo đúng tone nhạc thể hiện khả năng cảm nhạc vô cùng sâu sắc của cô, hát để khán giả say mê trong giai điệu mình tạo ra.
Đang trong lúc hát mạnh mẽ, cao trào, bỗng dưng Whitney lại nhả falsetto rất nhẹ nhàng, trữ tình vào chữ "keep us", khiến khán giả lại một lần nữa được thư giãn thính giác cho bớt ngợp. Đây là cách xử lí khá tinh tế, khiến Whitney trở nên khác biệt hoàn toàn với nhiều ca sĩ da màu khi ấy, vốn hát to khỏe nhưng lại khó khăn khi tiết chế.
Ở đoạn cao trào nhất của điệp khúc, Whitney gằn giọng đầy nội lực trên Eb5 vào chữ "didn't" giúp đẩy cảm xúc lên cao trào nhất, kịch tính nhất, phát huy thế mạnh spinto của cô. Chỉ cần gằn một lần làm điểm nhấn cho toàn bài, không gằn vô tội vạ để thành làm dụng, phô diễn, đó là cách Whitney sử lí ca khúc văn minh và cảm xúc khiến nhiều ca sĩ cần học hỏi.
Kể từ lúc tiếng gằn giọng đánh đấu khúc cao trào cất lên, Whitney liên tục bắn C5, D5 vào các âm đóng liên tiếp, nhanh, mạnh theo nhịp nhạc dồn dập như: "new" D5 (young and new), "you" D5 (me and you), "is" c#5 (love is). "end" C#5 ( let it end).
Hát âm đóng vốn đã khó, nhưng Whitney đặc biệt hơn cả, dù là giọng nữ cao, lại có chất trữ tình, và không cần sử dụng kĩ thuật đóng tiếng, nhưng âm đóng của cô vẫn rất rền, nổ, kéo dài vào không gian, mà lại không bị chói, tung tóe, sắc tai, bung ra nhưng cảm giác vẫn có sự tiết chế. Nó đầy đặn, sử thi, nội lực, đanh dày mà vẫn đẹp, sáng long lanh dù lựa chọn chesty.
Kết thúc đoạn cao trào, Whitney nhả một chuỗi faletto vào câu "didn't we almost have it all" mềm mại, ngọt ngào, du dương với piano (hát nhỏ tiếng) ở "all" như tiếng ru tình, để khép lại một câu chuyện, một giấc mơ của quá khứ xa xăm.
Xuyên suốt toàn thể ca khúc, có thể thấy điều khó nhất chỉ Whitney mới làm được là cách nhả chữ đậm nét dấu ấn của cô, tròn vành, rõ chữ, chắc chữ, bắn note vang rền, nội lực, chắc nịch ở từng chữ trên quãng trung và cận cao một cách nổ, đanh, dày mà vẫn tách bạch từng tiếng, không hề bị dính chữ, nối chữ, nuốt chữ, tung tóe chữ như hầu hết ca sĩ khác. Đây là điều khiến người ta ngưỡng mộ Whitney, chứ không phải ở kĩ thuật chuẩn mực, lên note cao vun vút.
Một điều khó khăn hơn cả là ở cách xử lí ca khúc tinh tế của Whitney. Rõ ràng Whitney ngân rung rất nhiều, lên giọng rất nhiều, nhưng không hề khiến khán giả cảm thấy thừa thãi, ứ đọng, ngột ngạt hay chói tai, mệt mỏi mà vẫn tạo ra cảm giác sảng khoái, hào hứng, cảm xúc ngập tràn. Dù hát nhẹ nhàng hay cao trào Whitney cũng không tạo ra cảm giác sến súa hay xôi thịt. Điều này thuộc về khả năng tư duy thiên bẩm của cô, chứ không chỉ đơn giản ở chất giọng đẹp hay kĩ thuật tốt.
Hãy cùng nghe một số bản cover sau đây của ca khúc, bạn sẽ thấy những điều trên là đúng.
https://www.youtube.com/
Aicelle Santos cố gắng hát theo bản gốc nhưng cách nhả chữ khiến cô bị sến quá mức ở các đoạn trữ tình, những đoạn lên giọng hoàn toàn thiếu nội lực, yếu ớt, sai vị trí âm thanh, nasal, đánh vật.
https://www.youtube.com/
Glennis Grace thể hiện khá hơn Santos nhưng âm sắc giọng vẫn khiến cô bị thô, các đoạn lên giọng thiếu độ rền, độ lực, không hát được các note cao, âm đóng yếu ớt.
https://www.youtube.com/
Regine Velasquez nổi tiếng với những note cao to khỏe tận A5 nhưng không thể nhả bất cứ một chữ nào trên D5 ở ca khúc này, trong khi Sarah Geromino phải đánh vật với nó.
https://www.youtube.com/
Rachelle Ann Go hát như những hạt cơm nguội.
Whitney bao giờ cũng vậy, hát dù buồn đến mấy cũng luôn khiến người nghe cảm thấy nghị lực mạnh mẽ, sự vui tươi trong đó, lúc nào cũng xen lẫn giữa cao trào và nhẹ nhàng để thư giãn khán giả. Cách làm này khiến cô trở thành một hiện tượng đặc biệt ở thời điểm bấy giờ, nổi bật hơn các giọng ca nội lực khác và giữ cô trở thành tượng đài được nhiều nghệ sĩ da màu mến mộ.
Long Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét