“Giọng to thì ắt hẳn là giọng kịch tính. Cô này lên note này to nhất thì là kịch tính, hơn cô kia mang tiếng giọng kịch tính mà không lên được note đó”.
Đúng là giọng kịch tính thì phải có một mức âm lượng lớn bẩm sinh để hát được kịch mục kịch tính, nổi trên dàn nhạc đồ sộ. Nhưng điều đó không có nghĩa những loại giọng khác thì âm lượng phải nhỏ hơn giọng kịch tính.
Giọng to hay nhỏ phụ thuộc vào cơ địa và kỹ thuật. Thông thường, các giọng trữ tình âm lượng nhỏ hơn giọng kịch tính nhưng vẫn có những ca sĩ cơ địa đặc biệt hoặc nhờ luyện tập mà vươn đến mức âm lượng lớn hơn. Regine Crespin là một spinto soprano nhưng sở hữu giọng hát đồ sộ với mức âm lượng không hề kém giọng kịch tính nào. Hay, Cindy Lauper là một light lirico soprano nhưng khi song ca với Patti Labelle cũng không hề lép vế. Celine Dion là một giọng full lirico soprano nhưng chưa hề bị át bởi bất cứ ca sĩ nào, kể cả khi song ca cùng falcon soprano Aretha Franklin hay dramatic mezzo soprano như Anastacia.
Vậy, sự khác nhau giữa giọng kịch tính thuần với các loại giọng khác ở đâu?
1. Âm sắc giọng là sự khác biệt rõ nhất. Giọng kịch tính thuần có âm sắc hơi lạnh, tối, dày, nặng, chắc, đanh và đậm tính sử thi, hùng tráng, thích hợp để thể hiện các vai nữ anh hùng, nữ thần trong thần thoại, khác với kiểu vai phu nhân, góa phụ, thiếu nữ…
Hơn nữa, âm lượng của giọng kịch tính là sự nhất quán, bao trùm và xuyên suốt. Đó là giọng hát to tự nhiên, nhất quán với âm sắc giọng, bao trùm ở các quãng âm họ hát, không phải kiểu cố gồng lên cho thật to trong chớp nhoáng rồi tắt.
Có thể so sánh Eb6 “được cho” là to nhất lịch sử Opera của Maria Callas với B5 hoặc A5 “được cho” là to nhất lịch sử của Kirsten Flagstad để thấy sự khác nhau giữa một bên dùng hết sức để tung ra một note đầy nội lực và một bên hát tà tà giữ sức, dù hát to khổng lồ nhưng vẫn bình thản.
2. Sự khác biệt lớn nhất ở giọng kịch tính thuần so với những loại giọng khác là sức bền, sức chịu đựng lâu dài của giọng.
Opera của Wagner thường diễn ra trong thời gian rất dài, trung bình 4 giờ đồng hồ cho một vở. Điển hình như bộ 4 vở opera Der Ring des Nibelungen nếu hoàn thành phải mất 15 giờ đồng hồ. Chỉ riêng vở Gotterdammerung đã kéo dài tới 5 giờ đồng hồ, trong đó, lượng thời gian nhân vật Brunhilde (vai nữ chính dành cho nữ cao kịch tính) xuất hiện chiếm không nhỏ, và càng về cuối lại càng cần đẩy lên kịch tính. Hay như vai Gurnemanz trong vở Parsifal, phải hết nửa già màn I (tầm gần 1 tiếng) nhân vật nữ chính đứng trên sân khấu để chống chọi dàn nhạc. Thêm một điều nữa, Wagner có quan niệm rất tiêu cực khi coi giọng hát chỉ như một loại nhạc cụ, phải khai thác triệt để. Bởi thế, opera của Wagner thường được ví như "cỗ máy chém" với giọng hát, vì biên chế dàn nhạc của ông khá đồ sộ, trên dưới 100 nhạc công, với nhiều bộ nhạc cụ bằng đồng (loại nhạc cụ cho âm lượng lớn), ca sĩ buộc phải hát thật to nếu không muốn bị áp đảo bởi dàn nhạc.
Những giọng kịch tính xịn xò và được đào tạo đúng cách như Nilsson hay Flagstad được khâm phục ở việc hát Wagner trong suốt sự nghiệp vài chục năm mà không hề hỏng giọng. Nilsson gần 60 tuổi vẫn hát Wagner ầm ầm. Trong khi đó, nhiều ca sĩ cũng hát Wagner nhưng chỉ vài năm là hư giọng. Giọng hát của họ không đủ sức bền để theo đuổi kịch mục này. Đó là sự khác nhau giữa một bên “hát to” cả sự nghiệp và một bên “hát to” trong một vài khoảnh khắc nhất định bằng việc dùng hết sức bình sinh.
3. Trong tổng phổ nhạc ở kịch mục của giọng kịch tính như Wagner hay Strauss không có note nào là note Eb6 nên đừng bắt giọng kịch tính phải lên tới tận Eb6 to đùng để nhạc trưởng gõ cho to đầu nhé các bạn.
Long Phạm
Trang web âm nhạc cộng đồng. Hỗ trợ chúng tôi qua tài khoản: 178204122, ngân hàng VP Bank. Rất biết ơn nếu được hỗ trợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét