Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

CHEST VOICE, HEAD VOICE, BELTING, MIX VOICE, FALSETTO... LÀ GÌ VẬY? CÁCH SỬ DỤNG CHÚNG TRONG CA HÁT Ở CÁC DIVA LỚN VÀ NGƯỜI MỚI HỌC HÁT RA SAO?

 Dạo qua nhiều topic và debate về giọng hát của các ca sỹ, mình thấy chủ để giọng chest, head, belt v.v... luôn nóng hổi và cũng có nhiều thông tin sai lệch nhất, khiến cho nhiều bạn mang những định kiến nhầm lẫn về các khái niệm này. Mình sẽ cố gắng giải thích để các bạn có thể hiểu hơn cơ chế sản sinh ra những loại “voice” này.



Mình cũng cáo lỗi trước là bài viết có giữ nguyên nhiều thuật ngữ tiếng Anh (mình sẽ cố gắng giải thích ở mức tốt nhất có thể), lý do là những kiến thức này mình chủ yếu học khi đã sống ở nước ngoài gần chục năm nay, đọc tài liệu tiếng Anh nên thật sự cũng ko biết thuật ngữ đó trong tiếng Việt là gì.
Những thuật ngữ như chest voice (giọng ngực), head voice (giọng óc?), belting (tiếng Việt hình như ko có), mix voice (giọng pha), falsetto... còn có khá nhiều tranh cãi về định nghĩa, nhưng nhìn chung đó là những từ chỉ các “vị trí của giọng” (vocal registers). Mình sẽ ko bàn quá sâu về vocal registers mà chỉ đi thẳng vào các loại “voice” này.
Cần phải nhớ là về mặt vật lý, mọi âm thanh đều được tạo ra từ thanh quản (vocal cord) khi luồng hơi đi qua thanh quản. Âm sắc của âm thanh phát ra, độ to nhỏ, cao thấp đều được điều chỉnh bởi thanh quản và sự điều tiết luồng hơi này. Cơ quan phát âm của người bao gồm các xương, sụn và các nhóm cơ ở thanh quản. Các nhóm cơ này chuyển động, co lại và kéo giãn sẽ di chuyển các sụn, tạo ra các âm thanh khác nhau. Các cơ này chịu trách nhiệm cho việc giọng hát sẽ là chest, mix, head, falsetto v.v... Những từ như “head”, “chest” ở đây là để miêu tả cảm giác (sensation) của khoảng vang khi giọng hát ở các vị trí này: nó như thể giọng hát đang vang ở ngực hay ở óc đó. Tuy nhiên, vị trí âm thanh phát ra thì luôn từ thanh quản.
1. CHEST VOICE VÀ HEAD VOICE
Ở đây mình ko đi sâu vào giải phẫu học (vì mình cũng ko phải bác sĩ...) nhưng có thể giải thích ngắn gọn thế này: có 2 cơ ở thanh quản chịu trách nhiệm cho chest voice và head voice.
- Thyroarytenoids (TA): nằm dọc dây thanh (vocal cord) khi được sử dụng sẽ làm dây thanh co lại và dày lên, tạo nên chest voice (lower vocal register: vị trí giọng thấp). Khi kích hoạt cơ TA thì 2 dây thanh cũng khép chặt vào nhau, cho phép làn hơi đi qua dây thanh rất ít, khiến giọng hát ko bị airy. Cơ TA được kích hoạt ở các âm thanh thấp.
- Cricothyroids (CT): khi được sử dụng sẽ kéo dài và làm mỏng dây thanh để có dây thanh có thể rung ở tần số cao, tạo nên những nốt cao head voice (upper vocal register: vị trí giọng cao). Cơ CT ko tác động đến việc khép thanh quản. Cơ CT được kích hoạt tự nhiên khi một người nói hoặc hát các âm rất cao.
Việc tập hát, mở rộng âm vực, tập chest voice, mix voice, head voice về bản chất là sử dụng và điều khiển cơ TA và CT.
Khi một người nói chuyện bình thường, cơ TA được sử dụng là chính. Vì thế, một người ko luyện tập giọng hát, chưa mở rộng âm vực thì một cách tự nhiên, cơ TA sẽ phát triển hơn (vì được dùng cả đời), khỏe hơn so với CT, hay thậm chí ko chủ động sử dụng và điều khiển được CT khi hát. Những ca sỹ hát chủ yếu bằng giọng ngực khi hát lên cao tiếp tục kéo giọng ngực sẽ bị “strained” là vì cơ TA khi kích hoạt sẽ làm cho dây thanh dày lên, và như vậy sẽ khó tạo ra âm thanh cao (các bạn cứ nhìn dây đàn guitar xem có phải dây trầm thì to hơn các dây cao không? Dây thanh quản cũng như vậy), vì thế sẽ hát ko tới được đúng cao độ, gây chênh phô, căng thẳng cho giọng hát.
Thêm nữa, khi kích hoạt mỗi TA, và kéo chest voice lên cao, thì cơ thể sẽ có xu hướng chống lại việc “trái tự nhiên” đó bằng cách thả lỏng cơ TA và dùng cơ CT thay thế. Khi chuyện này xảy ra, bạn sẽ nghe được ca sỹ bị “oét” vì chuyển đột ngột giữa 2 cơ chế âm thanh này, đang âm sắc giọng ngực bỗng xịt thành giọng léo nhéo 😃, hay còn gọi là vocal break (passagio: nốt chuyển giọng). Khi cơ TA bị thả lỏng như thế này thì thanh quảng cũng mở tung, ko còn khép chặt nữa. Do đó, ở vocal break, chúng ta có thể nghe rõ sự chuyển đổi âm sắc từ âm thanh “nét” sang mờ ảo airy yếu ớt, do luồng hơi đi qua thanh quản tăng đột biến.
2. MIX VOICE và BELTING
“Belting” là một khái niệm còn gây nhiều tranh cãi trong sư phạm thanh nhạc, phần lớn giới thanh nhạc phương Tây chấp nhận khái niệm belting để chỉ việc hát một số nốt cao hơn âm vực thông thường của chest voice, nhưng vẫn giữ những đặc tính âm sắc của chest voice. Thậm chí có những người quan điểm belting là kéo giọng ngực lên cao – tuy nhiên rất nhiều người cho rằng cách làm này ko tốt và về lâu dài sẽ phá thanh quảnh và phá giọng.
Mình theo quan điểm đa số, đó là coi belting (đúng cách) là một trong những loại mix voice. Nếu các bạn đã đọc một số bài viết trước đây của mình sẽ thấy mình tránh dùng thuật ngữ belting mà chỉ dùng: chest dominant mix (mix thiên ngực), balanced mix (mix cân bằng) và head dominant mix (mix thiên giọng óc). Mình cho rằng 3 tên gọi này nói lên đúng bản chất của mix voice. Âm thanh có tính chất “belting” đối với mình là chest dominant mix hoặc balanced mix tùy ca sỹ.
Luyện tập mix voice về bản chất chính là luyện tập cách sử dụng hiệu quả cả cơ TA và cơ CT, để 2 cơ này khỏe như nhau, và có thể được dùng cùng lúc một cách linh hoạt với mức độ theo ý ca sĩ điều khiển. Mix voice 3 loại kể trên thực ra là sử dụng cơ TA và CT với mức độ khác nhau: càng lên cao thì càng kích hoạt (engage) CT trong khi vẫn duy trì kích hoạt TA. Tỉ lệ dùng TA và CT sẽ thay đổi tùy loại mix. Vì vậy, tập mix voice không hề đơn giản, và rất tốn thời gian, vì thật ra ca sỹ đang phải tập cơ, và bạn nào đi gym tập tạ thường xuyên sẽ biết tập để cho cơ bắp khỏe lên và phát triển ko phải chuyện ngày một ngày hai.
3. HEAD VOICE và FALSETTO
Head voice là khi giọng hát hầu như chỉ còn dùng cơ CT nhưng vẫn kích hoạt TA đủ để duy trì thanh quản đóng, hạn chế luồng hơi thoát ra (tạo sức nén về hơi: air compression). Head voice chuẩn sẽ nén hơi, đồng thời có support từ cơ thể (cơ hoành, và ở nhiều ca sỹ opera có support chuẩn thì họ sẽ dùng cả cơ lườn, cơ lưng trên và lưng dưới, và thậm chí glutes) nên âm thanh vẫn rất sắc nét, dày dặn và có thể cộng hưởng vang xa ko cần microphone nếu kết hợp các kỹ thuật cổ điển.
Falsetto cũng được tạo ra bằng việc dùng cơ CT nhưng ko kích hoạt đủ TA để đóng thanh quản, và ít support từ cơ thể. Lúc này, vì luồng hơi thoát ra qua thanh quản nhiều, nên âm thanh thường sẽ mờ (airy) và yếu do thiếu support.
4. KHI NÀO DÙNG GIỌNG GÌ?
Việc dùng loại nào trong những loại “voice” kể trên do nhiều yếu tố:
- phong cách âm nhạc
- dụng ý xử lý tác phẩm và hiệu ứng ca sỹ muốn tạo ra
- quan trọng nhất là ca sỹ đó phù hợp với loại nào
Yếu tố thứ 3 này là quan trọng nhất. Mỗi người hát có một âm sắc khác nhau, và ở một ca sỹ thì âm sắc trên từng vocal register cũng khác nhau, dẫn đến việc có người âm sắc “chest” hay hơn âm sắc “head” và ngược lại. Ví dụ đơn giản thế này: âm sắc trung trầm (chest) của Mỹ Tâm hay hơn head của bả, và ngược lại âm sắc cao (head) của Khánh Linh hay hơn chest voice của bà 😊 Ca sỹ hiểu giọng mình sẽ biết lựa chọn dùng giọng nào cho phù hợp, thế nên chúng ta ko thấy Mỹ Tâm hát Họa Mi hót trong mưa tone cao bằng head voice, và ko thấy Khánh Linh hát Tình lỡ cách xa ở tone thấp của Mỹ Tâm...
Trong nhạc đương đại không có chuyện belting (hay nhiều người gọi là chesty mix) là auto hay hơn và đỉnh cao hơn head voice hoặc head dominant mix. Quan trọng là dùng giọng nào cho phù hợp, và lúc chuyển giữa các giọng phải thật mượt mà chứ ko được thô và lộ liễu, khiến khán giả như ăn cơm nhai phải sạn 😊
Những ca sỹ với kỹ thuật tốt, dù là cổ điển opera hay pop, đều có đặc điểm chung là họ sẽ ko bao giờ dùng 100% chest (chỉ xài cơ TA) hoặc 100% head (chì xài cơ CT) dù hát cao hay thấp, vì dùng kiểu đó màu giọng sẽ không đẹp, hoặc sẽ thiếu lực trong giọng hát. Chỉ có ngoại lệ là khi họ dùng falsetto, nhưng falsetto cũng chỉ để làm điểm nhấn chứ hát từ đầu tới cuối falsetto ko ai nghe nổi. Giọng hát có kỹ thuật tốt là giọng hát luôn luôn mix, còn mix nhiều ít tùy nốt đó cao hay thấp, và do dụng ý thể hiện tác phẩm mà thôi.
Phần sau sẽ phân tích một chút về một ca sỹ mà mình hay dùng làm ví dụ cho việc sử dụng các vocal register rất thuần thục và đẹp, đồng thời sẽ nói một chút về việc luyện tập mix voice. 

Thu Dương

Trang web âm nhạc cộng đồng. Hỗ trợ chúng tôi qua tài khoản: 178204122, ngân hàng VP Bank. Rất biết ơn nếu được hỗ trợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét