Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Đạo diễn Lê Hoàng - Đại diện của một thế hệ cứng nhắc trong thẩm mỹ nghệ thuật

Nghệ thuật là biển cả, trăm ngàn dòng chảy, chảy ngày chảy đêm và đi tới mọi ngõ ngách của không gian tâm hồn, không bao giờ được phép gò bó, chảy chen vào một dòng. Ấy vậy mà có một số người không hiểu được điều đó, lại cứ thích "ăn mày dĩ vãng", lấy chuẩn mực của quá khứ để ép buộc nghệ thuật phải đánh mất tự do vốn có, dồn vào một dòng chảy cố định theo những định hướng cách đây cả nửa thế kỉ.

Cách đây không lâu, đạo diễn Lê Hoàng được mời đến chương trình Bài hát yêu thích (số tháng 9/2014) và được đưa mic để nhận xét về màn trình diễn ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long, do nam ca sĩ Long Nhật thể hiện. Tại đây, Lê Hoàng đã thẳng thừng chê Long Nhật rằng: "Bài hát mà tôi không thích nhất là bài hát của anh Long Nhật. Tôi nghĩ rằng giọng anh Long Nhật không truyền tải được ca khúc này. Tôi thấy hình minh họa và giọng anh Long Nhật không khớp với nhau. Hình minh họa rất hùng tráng và khỏe khoắn, trong khi giọng anh Long Nhật thì rất yếu. Tức là tôi nghĩ giọng anh Long Nhật không hợp với bài hát này". Khi bị nhà báo Trác thúy Miêu cự lại, anh tiếp tục bày tỏ một quan điểm nữa là: "Tinh thần người ta nghĩ về biển đảo là phải tự hào, khỏe khoắn".
Ca khúc 
Cần nói qua về ca khúc này, đây là một ca khúc thuộc dòng nhạc trữ tình quê hương được nhạc sĩ Huỳnh Phước Long viết nên từ những xúc động mạnh khi ông được chứng kiến "hình ảnh những người lính hải quân trở về từ Trường Sa với da dẻ đen sạm, cứ chiều chiều đi bộ hơn chục cây số đến Mỹ Kha để được nhìn những cô gái “đi lên đi xuống” cho thỏa lòng “nhung nhớ”. Đọc những dòng hồi kí của nhạc sĩ về quá trình thai nghén ca khúc, ai ai cũng cảm nhận được âm hưởng trữ tình, đong đầy yêu thương trong ca khúc, khi tác giả thai nghén từ hình ảnh cô gái đứng đăm chiêu bên biển, nhung nhớ người yêu nơi Trường Sa, và được gợi cảm hứng từ những lời hát ru của "Má" ông năm xưa. Ngay từ phần chú thích về âm hưởng/tempo trong bản kí âm ca khúc, tác giả đã ghi rõ là hát với âm hưởng tha thiết, sâu lắng. Cả Anh Đào (ca sĩ thể hiện đầu tiên) và Thanh Thúy (ca sĩ thể hiện thành công nhất) đều hát theo mạch cảm xúc vốn có của ca khúc, để làm nổi bật tính chất trữ tình, ngọt ngào trong giai điệu.
Quay trở lại màn trình diễn của Long Nhật, chúng ta thấy, anh thể hiện rất đúng với âm hưởng của bài hát, dù có nhiều chỗ phô, chênh, hụt hơi (do viêm họng). Long Nhật có thể nhiều scandal, hình ảnh không đẹp trong mắt khán giả, nhưng không thể phủ nhận rằng anh hát dòng nhạc trữ tình quê hương khá ổn. Bản thân anh cũng rất chịu khó học hỏi chuyên môn từ các danh ca hàng đầu của dòng nhạc này, mà điển hình là ca sĩ Bảo Yến. Nên khách quan mà nói, Long Nhật có đủ cảm nhận để biết nên hát thế nào cho đúng, và anh hoàn toàn hát đúng với tình thần bản nguyên của ca khúc này. Vậy mà đạo diễn Lê Hoàng lại đòi hỏi phải hát khỏe khoắn, hùng tráng chỉ vì cái phông nền nó "khỏe khoắn" theo cảm nhận của anh.  Một ca khúc mà từ ca từ tới giai điệu, đến cả dàn nhạc cũng chơi theo âm hưởng trữ tình, mà anh đòi phải hát hùng tráng, khỏe khoắn chỉ vì cái phông nền, chẳng hóa anh đánh đố ca sĩ sao? Anh đòi ca sĩ phải bẻ cong mọi giai điệu, thanh nhạc, hòa âm, tiết tấu, nhảy khỏi dàn nhạc để chạy theo phông nền chăng?
Dù sao đi nữa, câu nhận xét thứ nhất của Lê Hoàng cũng không có gì đáng nói, vì thích hay không thích là quyền của anh. Nhưng đến câu nói thứ hai, anh đã vô tình bộc lộ thẩm mỹ âm nhạc bảo thủ, quá cứng nhắc, mô thức của mình trước công chúng. Ai cũng phải thắc mắc là tại sao hát về biển đảo, nghĩ về biển đảo lại cứ phải hùng tráng, khỏe khoắn? Không lẽ ca khúc nào viết về biển đảo cũng là nhạc cổ động? Không lẽ con người nào hướng về biển đảo cũng chỉ mang một khí thế là xông lên, tiến lên? Con người chứ nào phải robot? Thế giới tâm hồn là cả một tiểu vũ trụ với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, và âm nhạc nghệ thuật sinh ra để phục vụ từng trạng thái cảm xúc, tâm tư đó. Có như vậy thì nghệ thuật mới đa dạng, muôn màu muôn vẻ và đi vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn con người được. Nếu cứ bắt nghệ thuật phải đi theo định hướng này, định hướng kia, theo những lối mòn tư tưởng cũ kĩ, thì chẳng khác nào trói chân ngựa bên nhà vệ sinh. Viết về biển đảo thì cũng không ít ca khúc hùng tráng cho Lê Hoàng nghe, tại sao anh không đi nghe những ca khúc đó mà lại cứ đòi hỏi phải hát hùng tráng một ca khúc vốn trữ tình, vốn sinh ra để phục vụ những mảnh tâm hồn lãng mạn? Nhà văn Nguyễn Minh Châu nói riêng và các văn nghệ sĩ thời kì Đổi mới (1986) đã nói rồi : ĐỪNG LẤY LỢI ÍCH CỦA CỘNG ĐỒNG MÀ CHÀ ĐẠP LÊN LỢI ÍCH CỦA CÁ NHÂN. Chúng ta có thể dẹp cái cá thể, đề cao cái cộng đồng trong một thời điểm nhất định để phục vụ những nhiệm vụ chính trị/dân tộc nào đó, nhưng không thể mãi mãi quên đi cá thể được. Mỗi cá nhân đều có những nhu cầu, cuộc sống, tâm tư của riêng họ, và nghệ thuật cần phải tìm đến mọi đề tài, chủ đề, đào sâu khai thác với nhiều hướn tư tưởng, cảm xúc khác nhau. Đó mới là nghệ thuật vị nhân sinh. Nếu không thì chẳng có công chúng nào tìm đến nghệ thuật nữa, và nó sẽ chết dần chết mòn thôi. Hát về biển đảo có hùng tráng, có khỏe khoắn, thì cũng phải có trữ tình, da diết, vì đó là nỗi nhớ, là tình yêu, là tâm hồn con người, chứ không phải cái gì quá xa lạ, anh Lê Hoàng ạ! Tư tưởng của anh nếu cách đây 50 năm thì còn chấp nhận được, chứ thời đại hội nhập ngày nay mà còn giữ những lề thói cổ hủ trong suy nghĩ đó, thì muôn đời không phát triển được.
Trong Giai điệu tự hào tháng 9 (lên sóng ngày 26/9/2014), ca sĩ Hà Trần tham gia trình diễn ca khúc Bài ca hy vọng. Đây đương nhiên là một ca khúc nhạc cách mạng mang âm hưởng thính phòng quá quen thuộc với công chúng. Chính vì quen thuộc như vậy, nên với cá tính âm nhạc đầy táo bạo, thẩm mỹ âm nhạc của một nghệ sĩ indie đẳng cấp, cùng tư duy âm nhạc luôn đổi mới, đào sâu không ngừng, Hà Trần không thể nào chấp nhận chuyện hát lại với cách hát quá quen thuộc như trước đây. Làm vậy là trái với phẩm chất nghệ sĩ của cô. Bởi thế, Hà Trần đã chọn một lối hát mới, thổi vào đó những luyến láy, nhả chữ, ngắt nhịp mang đậm chất dân gian đương đại, indie của cô, kết hợp cùng phần phối nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung cũng rất độc đáo, đem lại một cảm xúc rất khác. Về sự nghiêm túc và ý thức sáng tạo, Hà Trần cũng nói rằng: "Trước khi hát một bài hát tôi sẽ nghe phần hòa âm của nhạc sĩ và căn cứ theo đó để tìm cách thể hiện. Nhạc phẩm này với người yêu âm nhạc đã quá nổi tiếng, và chúng ta cũng quen nghe một Bài ca hi vọng lúc nào cũng phải rất hào hùng, vang dội. Tôi đã từng nghe nhiều người nam hát với chất vang dội, hào hùng đó. Nhưng tôi là một người nữ hát. Trước hết, tôi không muốn lặp lại người khác. Thứ hai, tôi nghĩ người nữ khi hát Bài ca hy vọng phải lột tả được nét tinh tế trong giai điệu, lời ca. Tôi muốn đem đến một bức tranh tương phản, một góc nhìn khác về bài hát này". Những tưởng sự cách tân, khai phá sẽ nhận được sự ủng hộ, nhưng một lần nữa Lê Hoàng thể hiện sự bảo thủ của mình khi cho rằng: "Vừa rồi nghe chị Hà hát, tôi không thấy hay. Theo tôi một bài hát cũng như bộ phim. Nó có tư tưởng chủ đạo là sự tha thiết, nhẹ nhàng, trong sáng. Vừa rồi chị Thu Hà hát lại thành ra là lão luyện, vui tươi, một chút mãnh liệt". Có vẻ rút kinh nghiệm "xương máu" từ những lần nhận xét trước đây, anh Lê Hoàng đã phải vừa đấm vừa xoa thêm: "Tôi không nói nó sai. Đây là cách cảm nhận của thế hệ ngày nay. Nó không cảm được với tôi. Tôi đã xem phim... và thấy động tác minh họa rất dịu dàng, bay, đắt. Cái hay của bài hát này là hát ra sự tha thiết trong hoàn cảnh đau đớn. Nếu chúng ta không trình bày trong hoàn cảnh ấy thì chúng ta sẽ trở nên một con bướm vui tươi, hoặc một cái gì đó tách ra...". Anh cũng phân tích rằng, trong sự chia cắt đất nước thì tình cảm cao hơn cá nhân, phải thể hiện được cái chung và cái riêng hòa quyện với nhau. Tức là anh vẫn đòi hỏi phải dẹp tình riêng vì tình chung, mọi tình cảm đều phải gắn với cộng đồng, dân tộc, không cần biết nó là thật lòng hay gượng ép, không cần thấu hiểu xem những đòi hỏi của anh có quá xa lạ với một con người trong xã hội hiện đại hay không. Ở quan điểm này, Lê Hoàng quá cứng nhắc khi đòi hỏi ca sĩ đương đại phải hát theo lối của ca sĩ cách mạng thế hệ trước, để giữ được cảm xúc vốn có từ bao thế hệ qua. Nếu thích, anh Lê Hoàng có thể vào nhà hát nghe lại các ca khúc cách mạng theo lối truyền thống. Hiện nay, chúng ta vẫn đào tạo rất nhiều ca sĩ thính phòng chuyên hát nhạc cách mạng theo lối đó, những ca sĩ đó sẽ có trách nhiệm đi theo chuẩn mực kinh điển và bảo tồn quá khứ. Còn ở vị trí của ca sĩ đương đại đi theo các dòng nhạc mới, họ không thể dập khuôn theo cái cũ, dù có thể đó là chuẩn mực kinh điển đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Lê Hoàng nên biết rằng, chương trình Giai điệu tự hào cũng hướng đến đối tượng khán giả trẻ, và các nhà sản xuất đang đi theo hướng khám phá, sáng tạo lại cái đã qua. Nếu không tạo tác lại, thì đây cũng chỉ là một chương trình bình thường như bao chương trình kỉ niệm khác, chẳng có gì đặc biệt, và nhà sản xuất cũng chẳng mất công dựng nên nó. 
Một lời khuyên cho anh Lê Hoàng là anh nên tìm nghe quốc ca Mỹ và học tập tinh thần của họ. Quốc ca Mỹ ra đời cách đây hai thế kỉ và được hàng ngàn ca sĩ Mỹ thể hiện, nhưng chẳng ai hát giống ai, ai cũng hát theo cảm nhận riêng, phong cách riêng của mình. Ví dụ:

- Whitney Houston thể hiện một cách hùng tráng, khỏe khoắn.
- Mariah Carey hát theo lối trữ tình, màu sắc.
- Beyonce phiêu melisma đậm chất r&b.
- Aretha Franklin nhả note đậm chất nhạc soul.
- Patti Labelle ngắt luyến đậm chất nhạc gospel.
- Taylor Swift vừa hát vừa chơi guitar theo phong cách nhạc country.
- Renee Fleming phiêu head voice theo lối opera/cổ điển.
...

Và còn rất nhiều ca sĩ khác như Toni Braxton, Jennifer Hudson, Cher, Christina Aguilera, Carrie Underwood... cũng đều thể hiện quốc ca theo phong cách riêng của chất giọng, dòng nhạc mà họ theo đuổi. Khán giả Mỹ chẳng mấy khi kêu ca, phàn nàn là cô này/anh này hát không đúng tinh thần bài hát, phá bài hát... Ngược lại, họ vẫn vỗ tay nồng nhiệt mỗi khi ca sĩ hát xong và coi như được thưởng thức một bản nhạc mới theo những phong cách mới. Tất nhiên, có người thích ca sĩ này hát, người khác lại thích ca sĩ kia hơn, vì mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau và họ sẽ tự tìm đến cái họ thích, chẳng ai chê bai gì ai. Có như vậy, quốc ca Mỹ mới trải qua tận hai thế kỉ mà vẫn sống trong lòng công chúng, vì nó được biến hóa vào các dòng nhạc khác nhau, như một cách tái sinh và sinh tồn. Quốc ca Mỹ thậm chí còn mang tính thương mại lớn khi nó phát hành được hàng triệu đĩa, leo lên vị trí cao ở các bảng xếp hạng âm nhạc, đem lại lợi ích về kinh tế.
Từ câu chuyện về quốc ca Mỹ, anh Lê Hoàng hãy thử nhìn lại thị trường âm nhạc Việt Nam xem có phải chính những tư tưởng cũ kĩ làm cho nó trở nên nhàm chán, bèo bọt, mãi không vươn ra thế giới được chăng? Nếu bây giờ có ca sĩ nào hát quốc ca Việt Nam mà luyến láy, run/riff liên tục, liệu anh có chê bai, bài xích họ?

Quay trở lại Bài ca hi vọng, sao anh Lê Hoàng không nghĩ rằng có thể sau chương trình, Hà Trần sẽ đưa ca khúc này vào một album mới của cô, phối nhạc khác hơn, độc đáo hơn. Khán giả sẽ mua về thưởng thức, và như vậy, một lần nữa ca khúc bất hủ lại được tái sinh trong các dòng nhạc khác nhau, được thể nghiệm những màu sắc độc đáo, được khoác lên mình những chiếc áo mới. Hay anh muốn tới 50 năm sau nhạc Việt vẫn y nguyên như cách đây 50 năm, khi người ta đã lên sao Hỏa thì mình vẫn đang làm ruộng? Đến nền âm nhạc chuẩn mực như opera/nhạc cổ điển cũng luôn đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ, huống hồ nhạc Việt.

Anh Lê Hoàng có lẽ là trường hợp điển hình của mộ thế hệ bảo thủ, già cỗi, hoài niệm dĩ vãng để trói buộc thẩm mỹ nghệ thuật của mình, kéo lùi cả một nền nghệ thuật dậm chân tại chỗ. Rất nhiều người lớn tuổi hiện nay cho rằng chỉ có âm nhạc của thế hệ họ mới là chất lượng, ý nghĩa, còn âm nhạc của thế hệ mới dù hay thế nào vẫn bị xếp ở chiếu dưới. Quan điểm này dễ dàng ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ thanh niên vốn thích nghe nhạc vàng, nhạc đỏ để rồi cho đó là thứ nhạc đẳng cấp cao hơn mọi thứ nhạc khác. Nếu cứ giữ mãi những thẩm mỹ, tư tưởng đó, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ có văn nghệ văn công chứ không bao giờ xây dựng được thị trường âm nhạc chuyên nghiệp như Anh, Mỹ, Pháp... được.

Anh Lê Hoàng rất đáng khen ở tỉnh thần phản biện, dám nói thẳng suy nghĩ của mình. Không chỉ âm nhạc mà đất nước hiện nay cần những người như anh, dám nói, dám bình luận, không sợ mất lòng người khác. Nhưng chỉ khuyên anh hãy cởi mở hơn với nghệ thuật và hãy nghĩ cho thị trường âm nhạc trong nước thay vì đặt cao ý thức thế hệ một cách quá mức. 

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 28 tháng 9 năm 2014

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Victoria de los Ángeles - sự giản dị và chuẩn mực

Nếu bạn không nắm vững kĩ thuật nền của thanh nhạc, thì dù bạn có  cố gắng phô diễn các kĩ thuật hoa mỹ, màu sắc thế nào cũng chỉ hấp dẫn được tai nghe đại chúng. Với các nhà chuyên môn, nếu không đánh giá thanh nhạc thì thôi, còn đã đánh giá thì cái đầu tiên vẫn là kĩ thuật nền, những kĩ thuật màu mè, hoa mỹ không thể che mắt được họ. 

Nhiều bạn vì quá ham mê kĩ thuật phô diễn mà quên đi điều đó, nên có những nhận định chưa đúng đắn như: Aretha, Patti kĩ thuật vẫn thua Mariah, Whitney, Beyonce vì họ chỉ được cái giọng kịch tính chứ không có sự phô diễn kĩ thuật hoa mỹ như run, trill, staccato, glissanso, pianissimo, fioritura, whistle, falsetto, head voice, vibrato, portamento, airy voice, chuyển giọng head/fal/whistle/chest... Cacs bạn ấy quên không xem kĩ lại rằng, liệu các ca sĩ đó khi thực hiện các kĩ thuật hoa mỹ trên đã đạt đến chuẩn của kĩ thuật nền (như chuẩn vị trí thanh quản, vị trí âm thanh chính xác, đạt đến độ ổn định, effortless cao nhất) chưa? 

Nói đơn giản, nếu bạn trill, run, melisma, staccato, fioritura, hát nhiều note trong một làn hơi, ở một âm vực siêu rộng... được, nhưng lại với một thanh quản cao, vị trí âm thanh chưa chuẩn xác, độ effortless chưa cao, thì vẫn khó mà bằng được một người tuy chỉ belt một cú F5 ngắn, không màu mè, nhưng lại hoàn hảo về kĩ thuật nền.
Để minh chứng cho điều mình nói, mời các bạn thưởng thức tiếng hát của diva Victoria de los Ángeles, một trong những tiếng hát giản dị nhưng kĩ thuật có thể xếp vào hàng bậc nhất thế kỉ XX.

https://www.youtube.com/watch?v=hc4QC35LfhU&feature=youtu.be

De los Ángeles là một trong những diva opera hiếm hoi ít phô trương giọng hát và luôn hát một cách giản dị nhất. Bà không bao giờ hát những note cao rực rỡ, không thể hiện một giọng hát nội lực, âm lượng lớn, hay những kĩ thuật phô diễn màu sắc, hoa mỹ. Nhưng kì thực, bà hát rất kĩ thuật, tinh tế, chuẩn mực đến mức khó mà tìm ra được "cọng" lỗi nào. Kỹ thuật của bà được sử dụng để ẩn giấu hoàn toàn vào giọng hát, biến nó trở thành thứ âm thanh đẹp nhất mà không cần phô diễn. Cách hát của bà vô cùng legato, khiến mọi ca sĩ Ý đỉnh cao nhất cũng phải ghen tị. Bel canto của bà được coi như một chuẩn mực, khiến ngay cả các đại diva như Maria Callas, Montserrat Caballe, Joan Sutherland cũng phải học hỏi, dù không hề có một biến tấu hoa mỹ, chạy note đặc sắc nào. Không phải ngẫu nhiên mà các giảng viên thanh nhạc danh tiếng tại Anh của tạp chí BBCMM đã xếp bà vào vị trí thứ 3 trong Top 20 Soprano vĩ đại nhất mọi thời đại (chỉ sau Maria Callas và Joan Sutherland và vượt qua rất nhiều các giọng ca hoa mỹ, phô diễn khác như Leontyne Price, Montserrat Caballe, Beverly Sills, Lucia Popp, Anna Moffo..., hay những giọng ca nội lực như Birgit Nilsson, Ghena Dimitrova, Kirsten Flagstad...).

Tất nhiên, trong thanh nhạc luôn có hai kiểu nghệ sĩ, kiểu thứ nhất giống như Victoria de los Ángeles, không phô diễn nhưng vẫn chuẩn mực, và kiểu thứ hai là các nghệ sĩ virtuoso (phô diễn hoa mỹ). Nói như vậy, không có nghĩa là các nghệ sĩ virtuoso không tài năng, cũng có những người dù phô diễn nhưng vẫn vô cùng chuẩn mực như Joan Sutherland, Monserrat Caballe. Nhưng ở vị trí của người nghe nhạc, chúng ta không nên bị các kĩ thuật phô diễn hoa mỹ đánh lừa tai nghe để rồi đưa ra những đánh giá sai lầm về nghệ sĩ.

_Đức Long_

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Montserrat Caballe tại Arena di Verona (nước Ý)

Trước mắt các bạn là Arena di Verona (nước Ý) - một trong những sân khấu ngoài trời cổ nhất vẫn được sử dụng đến ngày nay (ra đời khoảng năm 30 sau công nguyên), có sức chưa 30000 khán giả.
Bạn có tin không, các ca sĩ opera ngày trước có thể hát không mic tại cái sân khấu lớn thế này (còn bây giờ thì đã dùng mic). Nguyên nhân là do toàn bộ sân khấu lẫn khán đài được làm bằng đá tự nhiên, lại trải qua hàng ngàn năm bào mòn, cộng thêm thiết kế khép kín vòng cung khiến nó giữ được độ vang tự nhiên của âm thanh. Nhưng dù thế nào mà hát không mic ở một sân khấu ngoài trời khổng lồ thế này thì các ca sĩ như Callas, Tebaldi, Caballe... cũng thật phi thường.
Hát ở một sân khấu lớn như vậy thì ca sĩ phải hát to là chuyện thường tình, nhưng diva Caballe còn điêu luyện hơn nữa khi chơi những đường pianissimo nhỏ tí mà vẫn vang khắp không gian. Nam danh ca Domingo đã từng nói về sự "đáng sợ" của Caballe khi hát cùng ngoại ở sân khấu này như sau: "Bạn không thể tưởng tượng được cảm giác hát duet cuối cùng "Ma lassu ci vedremo" dưới sao lúc 1 giờ 30 phút sáng, khi Montserrat bắn những pianissimo ma thuật vào không khí, khi cô ấy và tôi rời xa nhau. Trong một không gian như Arena, nơi kích thước của sân khấu là rất lớn - khoảng cách có thể từ 20 đến 30 mét - không gì có thể chuyển tải được cảm giác chia cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn!".
Mời các bạn chứng kiến đoạn pianissimo ma thuật đó từ 5:30 clip sau. Và đừng quên thưởng thức cú đẩy cressendo B5 vang rền nội lực ở 10:03 nhé.
https://www.youtube.com/watch?v=g5rbTv5AHgY

_Đức Long_

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Ai là diva hàng đầu thế giới (Phần II - Những diva đại chúng)

Các diva opera luôn được xem là chuẩn mực cao nhất của mỹ từ này, nhưng sự thật là độ phủ sóng của họ không cao, và không ăn sâu vào đời sống của quần chúng được, từ đó mà tầm ảnh hưởng cũng bị giảm đi nhiều. Trong thế kỉ XX, nền âm nhạc hiện đại còn sản sinh ra những diva đại chúng, mà có lẽ về tài năng lẫn tầm ảnh hưởng không thua kém gì các diva opera. 

Phần II. Những diva đại chúng

1. Whitney Houston

Nếu Maria Callas là ca sĩ đầu tiên được gọi là diva, thì Whitney Houston chính là ca sĩ đầu tiên của nền âm nhạc đại chúng được vinh danh bằng mỹ từ cao quý này.

Whitney sở hữu một chất giọng đẹp bẩm sinh với âm sắc hiếm có trong giới nhạc pop, khiến cả ca sĩ opera cũng phải ghen tị. Âm sắc giọng của cô có sự pha trộn đặc biệt giữa chất to khỏe, đanh dày của ca sĩ da màu với chất ngọt ngào, bay bổng, mềm mại của ca sĩ da trắng, rất thích hợp để phô diễn vocal trong nhạc pop. Cô cũng là ca sĩ da màu có khả năng điều khiển âm lượng giọng hát và vận dụng các kĩ thuật hát đẹp của bel canto vào nhạc pop một cách thành công nhất. Chính cô cũng là người phổ biến lối hát melisma đầy ngẫu hứng vào pop/r&b trên những quãng head voice mà hầu như các nữ ca sĩ pop ngày nay khi sử dụng head voice đều chịu ảnh hưởng từ cô. Những quãng belt từ G4 đến E5 sở trường với kĩ thuật vibrato siêu đẳng, cùng với cách nhấn nhá, nhả chữ, phát âm, biến tấu giọng hát và cách đẩy âm thanh lên vòm tạo tiếng nổ đặc trưng của Whitney luôn được xem là nguồn cảm hứng bất tận với nhiều thế hệ ca sĩ.
Về mặt đại chúng, Whitney đã lập kỉ lục Guiness với danh hiệu ca sĩ nhận được nhiều giải thưởng nhất. Cô cũng là nữ ca sĩ da màu đầu tiên thành công trên MTV với kỉ lục 7 ca khúc đứng thứ nhất bảng xếp hạng Billboard hot 100 liên tiếp. Về lượng đĩa bán ra, Whitney đứng thứ ba trong danh sách những nữ nghệ sĩ có lượng tiêu thụ đĩa lớn nhất nước Mỹ với hơn 200 triệu đĩa được bán ra. Album The bodyguard do cô hát chính đạt kỉ lục album nhạc phim bán chạy nhất mọi thời đại.

Tầm ảnh hưởng lớn nhất của Whitney là đã khơi nguồn một lối hát mới, lối hát phô diễn giọng hát nội lực, khỏe khoắn dành riêng cho những giọng ca nữ nhạc pop, mở ra một thời kì âm nhạc mới, quyền lực mới cho mọi thế hệ ca sĩ nữ sau này. Ngay tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta sẽ không thể kể tên hết những ca sĩ từng thừa nhận mình chịu ảnh hưởng từ Whitney.

Nhược điểm của Whitney là kĩ thuật nền chưa đạt tới mức hoàn hảo, cô thường xuyên hát với thanh quản cao, dùng giọng ngực quá nhiều, ép giọng hơi mạnh, đây được coi là lối hát hại giọng. Nhiều vấn đề riêng tư cũng khiến Whitney mất giọng nhanh chóng và đi xuống quá sớm.

Một trong những màn trình diễn kinh điển nhất của Whitney phải kể đến One moment in time tại Grammy 1989 (cũng được chọn vào top 3 màn trình diễn hay nhất lịch sử Grammy). Tại đây, Whitney đã thể hiện một sự thăng hoa của giọng hát lẫn cảm xúc, với những note D5 đẹp nhất lịch sử nhạc đại chúng, vang rền, chắc nịch như tảng núi và bắn ra như tiếng đại bác, cộng thêm những cú đóng tiếng C#5 cộng minh hoàn hảo, tưởng chừng như bất tận.
https://www.youtube.com/watch?v=b68AkJtjdPs

2. Mariah Carey

Mariah và Whitney từ lâu đã trở thành cặp diva bài trùng, song hành cùng nhau chiếm lĩnh một mảng lớn trong nền nhạc pop đương đại. Mariah được coi là nữ diva có quãng giọng rộng nhất, 5 quãng 8, trải dài từ những note cực thấp đến cực cao trong âm vực của con người, điều mà hầu như không một ca sĩ nào làm được. Note G#7 tại MTV VMAs 1991 mà Mariah lên tới đã từng được ghi vào kỉ lục Guiness thế giới. Mariah là ca sĩ sử dụng whistle thành công nhất, cô có thể điều khiển whistle trên những quãng rất cao một cách linh hoạt, mềm mại với vô số những kĩ thuật màu sắc phức tạp như trills, run, staccato... Cách vận dụng whistle của Mariah là nguồn cảm hứng lớn nhất để các giọng màu sắc học hỏi và theo đuổi. Cô cũng chính là người phổ biến kĩ thuật melisma trên những quãng belt, khai phá lối hát falsetto kèm theo yodeling đầy tinh tế, phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều thế hệ ca sĩ sau này, nhưng hầu như chưa có ca sĩ nào vận dụng được nó như cô. Là một nữ cao màu sắc, nhưng Mariah có thể hát một cách mượt mà, thoải mái ở quãng trầm hệt như một nữ trầm đích thực, một điều kì lạ hiếm thấy trong nhạc pop. Cách điều khiển giọng hát lên xuống phức tạp, chuyển giọng vô cùng linh hoạt từ chest/mix sang head/fal liên tiếp trên các chuỗi note trong một legato, cộng với việc áp dụng những kĩ thuật đặc trưng riêng khiến các ca khúc của Mariah trở thành sự bức tử với giọng hát, nên hầu như không ai dám cover nhạc của cô.
Điểm đặc biệt nhất ở Mariah so với các diva còn lại là khả năng sáng tác cực tốt của cô. Hầu hết những hit lớn của Mariah (đặc biệt là 17 trong số 18 ca khúc no1 Billboard hot 100) đều do cô tham gia sáng tác. Cô cũng đứng thứ ba trong top những nữ nhạc sĩ có nhiều hit nhất Billboard hot 100.

Về mặt đại chúng, Mariah là ca sĩ đạt kỉ lục với 18 ca khúc đứng thứ nhất Billboard hot 100, cộng thêm ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng này lâu nhất với 16 tuần no1 cho One Sweetday. Cô cũng đứng thứ 2 trong top những nữ nghệ sĩ Mỹ có lượng tiêu thụ đĩa lớn nhất thế giới.

Nhược điểm của Mariah là lạm dụng các kĩ thuật phi chính thống như whistle, falsetto dẫn đến bị mất giọng quá sớm nên sau này thường hát với thanh quản cao, giọng hát yếu đi và không có được sự to khỏe cần thiết của một diva. Đôi khi sự lạm dụng phô diễn quãng cao quá nhiều khiến khả năng truyền tải cảm xúc của ca khúc tới khán giả bị giảm đi rất nhiều.

Một trong những ca khúc đỉnh cao nhất của Mariah phải kể đến If it's over tại Grammy 1992. Chỉ trong một màn live hơn ba phút, cô đã phô diễn quãng giọng trải dài hơn ba quãng (từ Eb3 đến A6) với quãng giọng của cả nữ trầm đến nữ cao màu sắc, và tất nhiên là note nào cũng đẹp một cách tự nhiên chứ không phải gượng ép, cố rít lên hay phải vào vocal fry, cái mà các ca sĩ khác dẫu có phấn đấu cả đời cũng chưa chắc đạt được. Cô có thể di chuyển những upper chest từ C#5, đến D5, Eb5, E5, F#5 một cách thoải mái với sự chuẩn mực khó tin của kĩ thuật trên cả những âm đóng (vốn cực kì khó hát lên cao), lại có thể gằn giọng và ngân rung hết sức tinh tế.
https://www.youtube.com/watch?v=3yJADYvjCzM

3. Aretha Franklin

Nếu Whitney, Mariah là người ảnh hưởng đến thế giới thì Aretha mới là người ảnh hưởng đến hai diva đó một cách nhiều nhất, cũng như tới vô số ca sĩ da màu sau này.

Aretha sở hữu một giọng hát đẹp, kịch tính và nội lực hiếm thấy với chất đanh thép, âm lượng lớn. Kĩ thuật của bà luôn được xếp vào bậc chuẩn mực nhất nền âm nhạc đại chúng, không hề có lỗi nào. Những note belt F5 của Aretha trở nên vô địch vì sự hoàn hảo tuyệt vời của nó, mà không có ca sĩ nào sánh kịp. Dù là giọng nữ trung nhưng bà lại có thể hát thường xuyên ở quãng âm của nữ cao (trên D5 tới tận B5) với sự chính xác tuyệt đối khiến mọi nữ cao phải ghen tị. Aretha được đánh giá là có khả năng cảm nhạc vượt trội hơn hẳn các ca sĩ đại chúng khác, là người tạo ra những giai điệu đầy ma mị, ngẫu hứng nhưng rất khó thực hiện bằng cả giọng hát lẫn tài năng chơi piano xuất thần mà đến cả những nghệ sĩ cổ điển phải trầm trồ thán phục. Nhiều người làm việc với Aretha từng nói rằng bà có thể cảm nhận được những giai điệu, tiết tấu mà ca sĩ thông thường khó mà nhận thấy và thể hiện nó vào âm nhạc. Các kĩ thuật mix voice, melisma, nhấn nhá, nhả chữ của bà ảnh hưởng không nhỏ tới các diva nhạc pop thế hệ sau.
Được mệnh danh là Queen of soul, Aretha là nữ ca sĩ vĩ đại đã đưa dòng nhạc da màu đến đỉnh cao nhất. Không chỉ ca hát, bà còn luôn dùng âm nhạc để đấu tranh nhân quyền, hoạt động xã hội tích cực. Bà cũng từng nhận tới hai bằng tiến sĩ danh dự tại hai đại học lớn của nước Mỹ. Tạp chí The Times đã xếp bà vào top 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX, đứng chung với hàng loạt vĩ nhân ở mọi lĩnh vực khác, cái mà các diva còn lại không thể làm được.

Nhược điểm của Aretha có lẽ ở mức độ phủ sóng không cao của bà, tên tuổi của bà chưa vượt được ra khỏi nước Mỹ để đến với đông đảo quần chúng trên thế giới.

Một trong những màn live đỉnh cao nhất của Aretha phải kể đến Don't play that song for me tại "The Cliff Richard Show" năm 1970. Tại màn trình diễn này, Aretha hát gần như toàn bộ ở các note treo rất cao nhưng chính xác tuyệt đối, không lệch đi một semitone nào. Các note D5, E5, F5, F#5 được phóng ra đầy kịch tính, chuẩn mực, ổn định một cách hoàn hảo, lại có thể nhả vào từng chữ ở rất nhiều âm tiết khác nhau từ ầm mở đến âm đóng mà không hề thiếu vang, strain hay mờ chữ. Kết hợp với giọng hát tuyệt đẹp là khả năng chơi piano đầy ngẫu hứng cùng đôi tay điêu luyện như một nhạc công thực thụ. Bà chơi một cách đầy ngẫu hứng đệm theo bài hát mà không hề cần đến một bản nhạc nào trước mắt, chỉ có một vòng hòa âm và giai điệu cụ thể cho trước, còn lại là tự nghĩ ra, nhưng vẫn rất thuần thục, chứng tỏ một khả năng cảm nhạc vượt trội. Hơn nữa, sự kết nối của những đôi tay chơi nhạc với cảm xúc rất nhuần nhuyễn, thể hiện xuất thần cá tính âm nhạc song hành cùng với giọng hát. Rất ít ca sĩ có thể vừa đàn vừa hát mà lại đạt đến chuẩn mực của cảm xúc, vocal, kĩ thuật như vậy. Mariah Carey trong thời kì hoàng kim đã từng cover lại ca khúc này, nhưng cũng không đủ sức tải nôi sự kịch tính, chuẩn mực, linh hoạt như Aretha từng làm, dù cô cũng là diva có giọng hát và kĩ thuật bậc thầy. 
https://www.youtube.com/watch?v=2ZVUVNJwQKI

4. Celine Dion

Khác với ba diva trên, Celine không may mắn được sinh ra ở cái nôi âm nhạc Mỹ, cũng không được nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh. Nhưng cô đã tự nỗ lực hết mình để có được kĩ thuật thanh nhạc chuẩn mực, phát huy hết chất giọng đẹp kiểu châu Âu của mình, khác với các chất giọng kiểu da màu đậm chất US. Celine là người sử dụng nasal voice thành công nhất nền âm nhạc đại chúng, với những đường legato mượt mà, ngọt lịm, những note cao chắc chắn, chuẩn xác. Dù là giọng trữ tình như Celine có khả năng đẩy âm thanh lên rất lớn, khỏe khoắn. Khác với các ca sĩ khác, nasal voice của Celine không làm cho giọng mỏng, nghẹt, yếu đi quá nhiều mà hỗ trợ rất nhiều cho việc tạo độ vang, lên note cao, to khỏe và giữ giọng bền bỉ. Khả năng giữ giọng của Celine khiến cho người khác phải kinh nhạc, đến mức một ca sĩ opera đã phải thốt lên: "Cô ấy có một cái cổ họng bê tông", dù phải đi hát rất nhiều với cường độ lớn nhưng giọng hát của cô vẫn giữ gần như nguyên vẹn suốt hơn hai mươi năm qua. Celine cũng tỏ ra khá tài năng khi hát nhiều thể loại nhạc khác nhau, nhiều hơn hẳn so với các diva khác.
Về mặt đại chúng, Celine nằm trong top những nữ nghệ sĩ có lượng tiêu thụ đĩa lớn nhất thế giới với khoảng 250 triệu đĩa được bán ra. Cô thành công nhiều hơn ở các bảng xếp hạng châu Âu, đạt được khá nhiều giải thưởng, và được trao tặng một bằng tiến sĩ danh dự tại đại học Laval (Cannada). Celine cũng là một trong những ca sĩ hát tiếng Pháp thành công nhất mọi thời đại. Cùng với Whitney, Mariah, Celine đã tạo nên kiềng thứ ba trong thế ba kiềng của các diva nhạc pop lớn nhất, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ ca sĩ sau này.

Nhược điểm của Celine là âm nhạc ít có sự đổi mới, phá cách, khả năng và thành công của cô chỉ được bộc lộ rõ nhất khi hát pop ballad/power ballad dù có thể cô đã hát rất nhiều loại nhạc khác nhau. Cách hát nasal voice của cô cũng khiến nhiều người không thích thú vì không đúng chuẩn mực thanh nhạc truyền thống và làm giọng bị mỏng đi.

Một trong những màn live đỉnh cao nhất của Celine phải kể đến Can't help falling in love, cover lại của huyền thoại Elvis Presley năm 1993. Ở màn trình diễn này, Celine đã biến một bài traditional pop thành một bản r&b/pop ngẫu hứng với những cú melisma điêu luyện từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao liên tục trong suốt ca khúc, những cú vocal runs/vibrato mang chất soul/jazz vang rền đầy nội lực, kết hợp việc rung với tốc độ cực nhanh đảo nhau lên xuống đầy ngẫu hứng, cách kéo vibrato ở đuôi long notes đầy tinh tế. Và tất nhiên, không thể thiếu những cú nhả nasal ngọt ngào đặc trưng. Quãng giọng của Celine trải dài từ quãng trầm, trung đến cao một cái thoải mái, ấm áp và dày dặn đúng nghĩa một full lirico. Đúng như người ta nói, Celine đã hát được note nào thì note đó sẽ rất đẹp. Những cú trượt note glissando và đẩy fortissimo từ thấp lên tận F5 rồi lại xuống thấp với tốc độ nhanh và âm lượng lớn vô cùng điêu luyện, khó nhằn với nhiều ca sĩ khác.
https://www.youtube.com/watch?v=-vo3x4KQG6w

Tất nhiên, nền âm nhạc đại chúng vẫn còn nhiều ca sĩ tài năng khác, nhưng trên đây là 4 diva hàng đầu, hội tụ đủ mọi yếu tố về giọng hát, kĩ thuật, tư duy, thẩm mỹ, thành công, sự nổi tiếng, và cống hiến, đóng góp, tầm ảnh hưởng lớn tới âm nhạc.



_Đức Long_
Hải Phòng ngày 13 tháng 8 năm 2014


Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Ai là diva hàng đầu thế giới? ( Phần I - Những diva opera)

Diva (trong tiếng Ý cổ là Nữ thần) là một danh hiệu cao quý mà công chúng dành tặng cho một số ít nữ ca sĩ có tài năng xuất chúng trong thanh nhạc và âm nhạc. Đối với hầu hết các nữ ca sĩ đã và đang hoạt động trong nghệ thuật âm nhạc, diva luôn là giấc mơ, khát khao tột bậc của họ, là nấc thang cao nhất mà họ muốn vươn tới để khẳng định sự nghiệp của mình. Còn với công chúng, diva là một trong những ranh giới rõ nhất để phân biệt đẳng cấp giữa ca sĩ (có thể là rất nổi tiếng hoặc tài năng) và một bậc thầy, huyền thoại âm nhạc. Dù danh hiệu này thuộc về công chúng, không có bất cứ tổ chức nào (có quyền) đứng ra xếp hạng hay bình chọn, nhưng nó cũng có những quy chuẩn vô cùng khắt khe mà rất ít nữ ca sĩ có thể đạt được. Để được đông đảo công chúng nghe nhạc công nhận là diva, nữ ca sĩ phải hội tụ đầy đủ những điều kiện sau đây:

- Phải có một giọng hát xuất chúng, có thể hiểu là một giọng hát quý hiếm, hoặc là rất đẹp, hoặc là vô cùng đặc biệt mà không thể tìm thấy ở các ca sĩ thông thường.

- Phải thực hiện được hàng loạt những kĩ thuật thanh nhạc tinh xảo ở mức điêu luyện mà ca sĩ thông thường không làm được.

- Phải có một tư duy, khả năng cảm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc xuất chúng.

- Phải có sự sáng tạo, cách tân to lớn với âm nhạc.

- Phải có cống hiến to lớn với lĩnh vực âm nhạc mình theo đuổi.

- Phải có ảnh hưởng lớn tới công chúng và các thế hệ ca sĩ sau đó.

Trong đó, hai điều kiện đầu tiên là hai điều kiện cần (điều kiện kiên quyết) để phân biệt diva với một nữ nghệ sĩ tài năng. Bởi trên thực tế, có những nữ nghệ sĩ/ca sĩ có tài năng, cống hiến ngang ngửa, thậm chí vượt trội hơn cả diva, nhưng không có thế mạnh về giọng hát và kĩ thuật thanh nhạc nên không thể gọi là diva. Các điều kiện còn lại là điều kiện đủ, để phân biệt diva với những nữ ca sĩ có giọng hát hay, kĩ thuật thanh nhạc vượt trội, nhưng tư duy và thẩm mỹ, sáng tạo, cống hiến, tầm ảnh hưởng trong âm nhạc hầu như không có nhiều. 

Có rất ít nữ ca sĩ hội tụ đủ những điều kiện trên để được trân trọng gọi là DIVA. Và một câu hỏi vẫn thường được công chúng đặt ra, liệu ai trong số đó sẽ là DIVA SỐ 1?

Phần I. Những diva opera

Cần phải nhắc đến những diva opera đầu tiên, vì họ là những diva nguyên gốc, với đầy đủ mọi chuẩn mực cao quý nhất.

1. Maria Callas

Nếu hỏi ai là diva số 1 thế giới, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ tới cái tên Callas đầu tiên, bà thực sự là một huyền thoại âm nhạc không ai sánh kịp. Callas sở hữu một giọng hát đa dạng bậc nhất, được gọi là giọng toàn năng (assoluta). Trong cùng một lúc, bà có thể hát với giọng nữ cao kịch tính đầy uy lực, âm lượng đanh thép, khổng lồ, lại có thể chuyển ngay sang nữ cao màu sắc với những biến tấu hoa mỹ trên các note cao vút, rồi đưa đẩy sang nữ cao trữ tình với làn hơi mượt mà, những note vuốt nhỏ mềm mại, thậm chí có thể hát cả vai của nữ trung với độ tối đầy đủ, xuống tận âm sắc của nữ trầm, âm vực của nam cao, nam trung. Không chỉ vậy, bà còn đạt tới cảnh giới của việc diễn bằng giọng hát, với khả năng tạo bão cảm xúc mà hầu như không một ca sĩ opera nào sánh kịp. Những người từng làm việc chung còn đánh giá bà có một khả năng cảm nhạc thiên tài và sự lao động vô cùng nghiêm túc. Bất cứ vai diễn nào Callas động vào cũng đều thành công xuất sắc, trở thành kinh điển cho các thế hệ sau này. Giới nghe opera thường xưng tụng bà bằng danh hiệu La Divina (Nữ thần).
Những đóng góp của Callas đối với nền opera quả thực vô cùng to lớn, bà là người làm sống lại nghệ thuật bel canto của opera Ý vốn đã bị ngủ quên từ lâu, để biến nó thành chuẩn mực lớn nhất của opera đương đại, cái mà đa số các ca sĩ opera đều theo đuổi. Thật khó để tìm được ca sĩ nào có kịch mục rộng lớn mà lại thành công như bà. Theo nhiều nguồn tin, từ diva ra đời kể từ lúc Callas trình diễn xuất thần Casta diva (một aria trong vở opera bel canto Norma của Bellini), gây tiếng vang rộng lớn, biến nó trở thành ca khúc huyền thoại mà mọi ca sĩ opera đều muốn thể hiện.

Callas được gọi là kinh thánh của opera, và cũng là ca sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu diva, dù chính bà cũng không biết được gọi là diva từ khi nào. BBC ưu ái xếp bà vào vị trí đầu tiên trong danh sách 20 soprano vĩ đại nhất thế kỉ XX.

Nhược điểm lớn nhất của Callas có lẽ chất giọng hơi thô, bị đánh giá là xấu so với chuẩn mực opera Ý. Ngoài ra bà còn có tính cách khá đồng bóng, sớm nắng chiều mưa, hay đòi hỏi quá mức, và nhiều vấn đề tiêu cực trong đời sống cá nhân, dẫn tới việc mất giọng khá sớm. Chính hai điều trên đã khiến nhiều người không thích Callas, thậm chí bà còn có cả anti fan.

Mời các bạn nghe bản thu aria Casta diva (trích từ vở opera Norma của Bellini) năm 1960, một trong những bản thu hoàn hảo nhất của Callas. Casta diva là aria kinh điển và có mức độ phổ biến cao, mà hầu như ca sĩ opera nào cũng muốn hát để thể hiện đẳng cấp bel canto của mình, nhưng có lẽ chưa ai vượt qua được Callas, người đã làm sống dậy nó. Cách hát của Callas thể hiện rõ chất kịch tính của aria này, đúng nghĩa một nữ cao kịch tính. Đoạn cao trào, bà chỉ hát với note A5 nhưng âm lượng to khủng khiếp, cho ra những âm thanh căng tràn đầy kịch tính. Bà đã đạt đến độ linh hoạt bậc thầy của giọng hát khi phiêu liền mạch một làn hơi bị cắt nhỏ chỉ bằng một sự chuyển động nhẹ của thanh quản, rất tinh tế, đúng nghĩa là NGHỆ THUẬT HÁT ĐẸP. Trong khi hầu hết các giọng nữ khác hát đoạn này đều bị ngắt hơi hoặc lộ rõ hơi thở, ngay cả đến những diva như Caballe, Sills cũng khó tránh khỏi việc ngắt hơi hoặc làm hơi bị chậm đi. Một điều nữa, là Callas khi hát aria này đã thực sự diễn bằng giọng hát, thể hiện rõ cảm xúc, nội tâm nhân vật qua biểu cảm và giọng hát. Trong khi các ca sĩ khác thường chỉ đứng và hát, chỉ quan tâm đến phần hát mà bỏ qua phần diễn.
https://www.youtube.com/watch?v=mnKocTbNwRs

2. Joan Sutherland

Được BBC xếp ngay thứ hai trong danh sách 20 soprano vĩ đại nhất mọi thời đại, Joan Sutherland luôn được coi là một đối thủ đáng gờm của Callas trong kịch mục bel canto. Thậm chí, chính Callas khó tính đã từng thốt lên rằng: "Cô ấy đã bỏ sự nghiệp của tôi lại phía sau những 100 năm".
Khác với Callas, Sutherland không phải một giọng toàn năng, cũng không phải một bậc thầy về diễn xuất, nhưng lại nắm trùm ở kịch mục dành cho nữ cao màu sắc, mà đến chính Callas cũng không thể bì kịp. Sở hữu chất giọng nữ cao kịch tính bẩm sinh, nhưng nhờ công sức luyện tập bền bỉ, Sutherland gần như chuyển hẳn sang loại giọng màu sắc của bel canto với sự mềm mại, ngọt ngào đến khó tin, cái mà các giọng thuần kịch tính khác (thậm chí ngay cả Callas) cũng không thể làm được. Ở mảng này, bà được cho là một bậc thầy với chất giọng đẹp, trong sáng, càng lên cao lại càng sáng đẹp một cách lạ lùng với những kĩ thuật vô cùng khó khăn nhưng chuẩn mực đến từng cm. Những note D6, Eb6 của bà gần như không có đối thủ vì nó quá đẹp, lúc thì phóng ra với âm lượng khổng lồ, chắn ngang cả dàn nhạc, lúc lại biến tấu hoa mĩ một cách siêu phức tạp. Nếu ở Callas, chúng ta đôi khi vẫn tìm ra một số lỗi kĩ thuật nhỏ thì ở Sutherland, dù có soi kĩ đến mấy cũng vẫn là một sự hoàn hảo đến không tưởng ở mọi note nhạc. Nếu Callas là người khai phá thành công bel canto thì Sutherland chính là người đưa nó đến đỉnh cao nhất trong opera. Giới opera cũng ưu ái ngợi ca bà bằng danh xưng La Stupenda (Tuyệt diệu).

Nhược điểm lớn nhất của Sutherland là hát không rõ lời, khả năng diễn xuất chưa thực sự xuất thần và đa dạng (nhưng cũng không hẳn là không tốt), và đôi khi sự trau chuốt quá mức chưa chắc đã gây hấp dẫn với người nghe.

Nếu Callas là người đưa Casta diva đến sự kịch tính và cảm xúc thì Joan là người mang lại cho nó vẻ đẹp của âm thanh. Có rất ít ca sĩ dám hát aria này ở tone gốc G nhưng chỉ có Joan mới đẩy lên cao trào mạnh mẽ và đẹp đến như thế, với những note D6 sáng rực, đẹp một cách chuẩn mực, kèm theo những cú trillo trang trí vào note nhạc hoa mỹ đúng chất màu sắc của bel canto.
https://www.youtube.com/watch?v=iK2LwLyZAlc

3. Birgit Nilsson

Birgit Nilsson xứng đáng với danh hiệu giọng hát khổng lồ của mọi thời đại, bà là nữ cao kịch tính xuất sắc và thành công nhất thế kỉ XX, người đại diện cho trường phái opera Wagner (dù trước bà đã có một tên tuổi cực lớn là Kirsten Flagstad). Khác với tất cả các giọng nữ cao kịch tính khác vốn có âm sắc hơi tối kiểu nữ trung, Nilsson sở hữu một âm sắc sáng rực như một nữ cao màu sắc. Đây là một điều vô cùng quý hiếm, vì dù sáng và cao vút nhưng lại không mảnh, nhẹ như như nữ cao màu sắc thông thường, mà lại chắc nịch, đanh thép, khổng lồ đúng nghĩa kịch tính thực sự. Theo nhiều tài liệu ghi nhận, Nilsson có thể lên tới note F6, một note thuộc ngưỡng rất cao của giọng màu sắc mà giọng kịch tính không thể lên tới được. Nilsson còn đặc biệt hơn nữa so với các giọng ca khác khi càng về già, giọng của bà lại càng sáng ra. Bà cũng là một trong số rất ít nữ cao kịch tính có thể giữ giọng lâu bền mà không hề có dấu hiệu mất giọng, dù phải hát thường xuyên những vai kịch tính nặng trong suốt sự nghiệp.
Về kĩ thuật, có thể nói, Nilsson nắm trùm ở mảng "project" âm thanh, với những note B5, C6 được phóng ra với âm lượng khổng lồ, đanh thép, xuyên thủng một dàn nhạc, mà lại vô cùng chuẩn mực, chính xác đến không ngờ. Gần như không có giọng nam nào dám đọ giọng với bà ở những note cao vì uy lực của bà quá lớn, sẵn sàng át hết các giọng ca hát chung. Và mặc dù đồ sộ như vậy, nhưng bà vẫn có đầy đủ kĩ thuật và khả năng làm cho giọng hát của mình trở nên mềm mại ở những chỗ cần thiết. Thậm chí, kĩ thuật vuốt nhỏ giọng (pianissimo) của bà còn tốt hơn người ta tưởng rất nhiều. Khả năng điều khiển hơi thở tốt, giữ hơi bậc thầy giúp bà tung được những chuỗi note kịch tính căng tràn trong suốt một làn hơi dài bất tận, điều được coi là khó khăn với giọng kịch tính vốn bị âm lượng quá to chèn mất hơi thở.

Với tất cả những điều đặc biệt trên, Nilsson là giọng kịch tính thành công nhất ở mảng opera kịch tính nói chung và trường phái opera Wagner nói riêng. Sự nghiệp của bà là cuốn giáo trình tuyệt vời nhất để các giọng kịch tính sau này học hỏi.

Hạn chế của Nilsson có lẽ ở chất giọng quá sáng và đanh của bà bị đánh giá là không đẹp theo chuẩn mực opera Ý. Hơn nữa, kịch mục của Nilsson chưa thực sự rộng lớn như các diva khác. Thời kì đầu mới đi hát, Nilsson thường bị chê là có nhạc cảm chưa tốt. Chất giọng quá lớn cũng khiến bà gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu âm. Ngoài ra, bà bị thiếu hụt ở âm khu trung, trầm, bà có thể làm chủ ở các quãng cao, nhưng quãng trung, trầm lại khá mờ, không dày, ấm như các nữ cao kịch tính khác.

Một trong những aria đỉnh cao nhất của Nilsson phải kể đến In questa reggia (trích từ vở opera Turandot của Puccini). Aria này thuộc vai diễn kịch tính nặng dành riêng cho nữ cao kịch tính, mà nhiều giọng spinto soprano chỉ dám thu trong phòng thu âm, chứ khó mà hát thường xuyên trên sân khấu được như Nilsson. Khác với các nữ cao kịch tính khác, Nilsson hát aria này với âm sắc sáng rực của giọng màu sắc, nhưng âm lượng áp đảo toàn bộ dàn nhạc, những note C6 của bà trong aria này đã trở thành huyền thoại với sự chuẩn mực đến khó tin. Và có lẽ, không một tenor nào dám "chọc giận" Nilsson nếu không muốn bị bà áp đảo hoàn toàn trong trận chiến của những note đô cao này.
https://www.youtube.com/watch?v=No7HztlaBJw

4. Montserrat Caballe

Trong những năm cuối đời, người ta đã từng hỏi Callas xem ai có thể thay thế được vị trí của bà, và Montserrat Caballe chính là lựa chọn duy nhất của bà. Tất nhiên, không một ai có thể thay thế được Callas, nhưng qua đánh giá của một người khó tính như bà, chúng ta đủ hiểu được tài năng của Caballe vượt trội cỡ nào. Khi đánh giá về Caballe, giới chuyên môn thường đưa ra một công thức: Callas (kĩ thuật và cảm xúc) + Teballdi (âm sắc giọng đẹp không ai bì kịp) = Caballe
Caballe sở hữu một chất giọng đẹp thuần Ý, ấm áp, đầy đặn và mềm mại như pha lê. Bà là người có hơi thở vô địch trong giới opera, một làn hơi của bà có thể kéo dài đến 1 phút 45 giây, đến mức nam danh ca opera Domingo đã phải thốt lên rằng: "Caballe đã từng giữ một hơi thở khi nhạc công chơi xong ba trang nhạc, và thậm chí có thể giữ lâu hơn thế". Lợi thế đó đã giúp Caballe có được những chuỗi note vô cùng dài hơi, mà vẫn mềm mại tựa hơi thở của gió. Theo nhiều tài liệu ghi nhận, bà đã từng giữ một chuỗi note dài 32 giây trong vở Don Carlos. Bà đặc biệt nổi tiếng ở mảng kĩ thuật pianissimo (vuốt nhỏ giọng - kĩ thuật đặc trưng của dòng bel canto) trên mọi note nhạc đạt được. Danh ca Domingo kể rằng, ông đã từng choáng ngợp trước kĩ thuật pianissimo của Caballe trong lần diễn chung vở Don Carlos tại Arena di Verona năm 1969, khi bà tung ra những pianissimo nhỏ li ti nhưng vẫn bay khắp cả sân khấu: "khoảng cách có thể từ 20 đến 30 mét - không gì có thể chuyển tải được cảm giác chia cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn!". Về kĩ thuật, không ai có thể chuẩn mực và chính xác hơn Caballe, dù có thể không lấn sân sang những kĩ thuật phô diễn hoa mỹ màu sắc. Có thể nói, ở mảng opera bel canto dành cho loại giọng nữ cao trữ tình, không ai có thể qua mặt được Caballe bởi chất giọng quá đẹp tới mức long lanh, tráng lệ của bà với legato siêu mượt và cảm xúc lúc nào cũng căng tràn. Không chỉ vậy, với kĩ thuật cô cùng siêu đẳng, bà có thể hát cả những vai vốn dành riêng cho giọng kịch tính như Turandot, Salome một cách không thường xuyên mà không bị mất giọng. Đây là điều hiếm thấy với giọng trữ tình, đồng thời cũng mở rộng kịch mục của bà đến mức tối đa mà ít ca sĩ nào sánh kịp. Cùng với Callas (kịch tính), Sutherland (màu sắc), Caballe (trữ tình) đã tạo ra trụ thứ ba trong thế kiềng ba chân để xây dựng nên đế chế bel canto vững mạnh tới tận ngày nay.

Hạn chế của Caballe nằm ở chính ngoại hình ngoại cỡ của bà, kéo theo khả năng diễn xuất bị hạn chế rất nhiều. Bà cũng ít khi thành công ở các kĩ thuật phô diễn màu sắc kiểu Virtousso, và thường bị đóng khuôn ở cách hát trữ tình vì lối hát quá an toàn. Các note trên C6 của Caballe cũng bị đánh giá là hơi gượng, không quá đẹp như Sutherland.

Một trong những aria đỉnh cao nhất của Caballe phải kể đến Signore ascolta (vai Liu trong vở Turandot). Một chuỗi note dài bắt đầu từ những pianissimo Bb5 nhỏ li ti mà không gợn, vẫn vang rền xuyên qua không gian, len lỏi vào mọi ngõ ngách của nhà hát, kéo dài đến những chuỗi cressendo to đều, căng tràn về cuối trong 21 giây là một kì tích mà ngoài Caballe ra, chưa có ca sĩ nào làm được.
https://www.youtube.com/watch?v=UL9WzAdVDzA

5. Leontyne Price

Có một nữ ca sĩ da màu đã đánh bại các ca sĩ da trắng tài năng khác để trở thành một trong những ngôi sao opera lớn nhất của nhà hát danh giá Metropolitan, nhận mức catse ngang ngửa với các Prima Donna tên tuổi lúc bấy giờ là Maria Callas, Renata Tebaldi, Joan Sutherland, có một giọng nữ cao da màu đã vượt qua mọi sự kì thị, phân biệt chủng tộc gay gắt những năm thập niên 60 (nhất là trong opera - nền nghệ thuật của người da trắng) để trở thành ca sĩ opera da màu đầu tiên thành công ở tầm cỡ thế giới, ghi tên mình vào hàng ngũ những Prima Donna huyền thoại, đó chính là Leontyne Price - Prima Donna da màu thành công nhất trong suốt lịch sử hàng trăm năm của opera.


Là một spinto soprano, giọng hát của Leontyne có nội lực rất lớn, có thể đẩy lên kịch tính ở những đoạn cao trào, mà nhà phê bình Harold Schonberg đã ca ngợi trên tờ New York Times là “giọng hát của cô ấm áp và ngọt ngào với một âm lượng khỏe khoắn có thể dễ dàng lấp đầy bất cứ nhà hát nào”. Nhưng ở những đoạn trữ tình, giọng hát ấy lại trở nên mềm mại, mượt mà với những legato và pianissimo chau chuốt. Giống như Callas, Leontyne sở hữu một chất giọng vô cùng đặc biệt, đa dạng và giàu màu sắc, không thể lẫn với ai được. Chất giọng của bà có đặc trưng hơi khàn (giống với hai ca sĩ họ hàng xa của mình là Cissy Houston và Whitney Houston) và ồm, có thể belt giọng ngực ở quãng trung rất dày, đanh như một nữ trung (điều hiếm thấy ở đa số các soprano khác), âm khu trung ấm áp và đầy đặn, nhưng lên cao lại rất sáng, đẹp, chắc chắn. Tuy là một spinto soprano, nhưng quãng giọng rộng giúp bà vươn tới tận ngưỡng của coloratura soprano, đồng thời cũng thực hiện được rất nhiều kĩ thuật màu sắc, linh hoạt của loại giọng này. Điều này chứng tỏ Leontyne có một nền tảng kĩ thuật vô cùng điêu luyện và phong phú. Chính chất giọng đặc biệt kết hợp với kĩ thuật điêu luyện đã giúp Leontyne thực hiện một cách xuất sắc các vai diễn của nhà soạn nhạc Verdi, trở thành đại diện lớn nhất của trường phái opera Verdian trong thế kỉ XX, mà nhà phê bình Anh JB Steane từng viết: "người ta có thể kết luận từ các bản thu âm của Price rằng cô là thông dịch viên tốt nhất của Verdi trong thế kỉ này", còn nam danh ca opera Domingo thì nhận định rằng: "sức mạnh và cảm xúc trong giọng hát của Leontyne là một hiện tượng nữ cao Verdi đẹp nhất mà tôi từng nghe". Sự nghiệp thu âm đa dạng từ các aria kịch tính đến màu sắc, trữ tình, spinto và khả năng thể hiện nhiều loại vai khác nhau đã giúp bà trở thành một trong những "Prima Donna Assoluta" của Met.

Sở trường lớn nhất của Leontyne có lẽ nằm ở việc thư giãn các cơ cằm, môi, khẩu hình để điều khiển độ vang của giọng hát và thay đổi tính chất âm thanh một cách tuyệt vời. Đặc biệt ở các note đô cao, không ai làm điều này tốt hơn bà.

Sự nghiệp của Leontyne đã mở đường cho nhiều thế hệ ca sĩ opera da màu sau này, trở thành cảm hứng bất tận cho nhiều giọng nữ cao nổi tiếng như Renee Fleming, Kiri Te Kanawa, Jessye Norman, Leona Mitchell, Barbara Bonney, Sondra Radvanovsky. Với những đóng góp lớn của mình, bà đã được tạp chí BBC xếp thứ 4 trong danh sách 20 soprano vĩ đại nhất thế kỉ XX. Leontyne cũng là nữ ca sĩ opera nhận được nhiều giải Grammy nhất với tổng cộng 13 giải thưởng. Buổi biểu diễn vở Il Trovatore trong lần debut của bà tại Met đã nhận được những tràng vỗ tay liên tục trong suốt 42 phút, một trong những màn vỗ tay dài nhất trong lịch sử nhà hát này.

Nhược điểm của Leontyne cũng nằm ở chất giọng khàn của bà, nó bị đánh giá là hơi khác so với chuẩn mực opera Ý, nhiều người nghe không quen sẽ cảm thấy hơi khó chịu. Leontyne hoàn toàn có khả năng mở rộng kịch mục sang bel canto, nhưng bà chỉ dừng lại ở các vai dành cho spinto soprano.

Một trong những aria đỉnh cao nhất của Leontyne phải kể đến O Patria Mia trong vở opera Aida của Verdi, đây cũng là vai diễn huyền thoại đem lại tên tuổi cho Leontyne mà chưa từng có ca sĩ nào thể hiện thành công hơn bà. Người ta thậm chí còn đồn rằng Birgit Nilsson sau khi nghe Leontyne thể hiện Aida thì không bao giờ dám động vào vai diễn này lần nữa. Trong buổi diễn opera cuối cùng vào năm 1985 tại Met, ở aria này, Leontyne đã một lần nữa làm khán giả sững sờ với màn vuốt note C6 16 giây bậc thầy không ai sánh kịp.
https://www.youtube.com/watch?v=xGfP38nd-U0

Tất nhiên, tòa lâu đài opera và nhạc cổ điển rộng lớn vẫn còn rất nhiều tên tuổi bậc thầy khác đáng chú ý, nhưng trên đây là 4 diva hàng đầu mà có lẽ khó ai có thể vượt qua họ.

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 12 tháng 8 năm 2014