Nghệ thuật là biển cả, trăm ngàn dòng chảy, chảy ngày chảy đêm và đi tới mọi ngõ ngách của không gian tâm hồn, không bao giờ được phép gò bó, chảy chen vào một dòng. Ấy vậy mà có một số người không hiểu được điều đó, lại cứ thích "ăn mày dĩ vãng", lấy chuẩn mực của quá khứ để ép buộc nghệ thuật phải đánh mất tự do vốn có, dồn vào một dòng chảy cố định theo những định hướng cách đây cả nửa thế kỉ.
Cách đây không lâu, đạo diễn Lê Hoàng được mời đến chương trình Bài hát yêu thích (số tháng 9/2014) và được đưa mic để nhận xét về màn trình diễn ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long, do nam ca sĩ Long Nhật thể hiện. Tại đây, Lê Hoàng đã thẳng thừng chê Long Nhật rằng: "Bài hát mà tôi không thích nhất là bài hát của anh Long Nhật. Tôi nghĩ rằng giọng anh Long Nhật không truyền tải được ca khúc này. Tôi thấy hình minh họa và giọng anh Long Nhật không khớp với nhau. Hình minh họa rất hùng tráng và khỏe khoắn, trong khi giọng anh Long Nhật thì rất yếu. Tức là tôi nghĩ giọng anh Long Nhật không hợp với bài hát này". Khi bị nhà báo Trác thúy Miêu cự lại, anh tiếp tục bày tỏ một quan điểm nữa là: "Tinh thần người ta nghĩ về biển đảo là phải tự hào, khỏe khoắn".
Cần nói qua về ca khúc này, đây là một ca khúc thuộc dòng nhạc trữ tình quê hương được nhạc sĩ Huỳnh Phước Long viết nên từ những xúc động mạnh khi ông được chứng kiến "hình ảnh những người lính hải quân trở về từ Trường Sa với da dẻ đen sạm, cứ chiều chiều đi bộ hơn chục cây số đến Mỹ Kha để được nhìn những cô gái “đi lên đi xuống” cho thỏa lòng “nhung nhớ”. Đọc những dòng hồi kí của nhạc sĩ về quá trình thai nghén ca khúc, ai ai cũng cảm nhận được âm hưởng trữ tình, đong đầy yêu thương trong ca khúc, khi tác giả thai nghén từ hình ảnh cô gái đứng đăm chiêu bên biển, nhung nhớ người yêu nơi Trường Sa, và được gợi cảm hứng từ những lời hát ru của "Má" ông năm xưa. Ngay từ phần chú thích về âm hưởng/tempo trong bản kí âm ca khúc, tác giả đã ghi rõ là hát với âm hưởng tha thiết, sâu lắng. Cả Anh Đào (ca sĩ thể hiện đầu tiên) và Thanh Thúy (ca sĩ thể hiện thành công nhất) đều hát theo mạch cảm xúc vốn có của ca khúc, để làm nổi bật tính chất trữ tình, ngọt ngào trong giai điệu.
Quay trở lại màn trình diễn của Long Nhật, chúng ta thấy, anh thể hiện rất đúng với âm hưởng của bài hát, dù có nhiều chỗ phô, chênh, hụt hơi (do viêm họng). Long Nhật có thể nhiều scandal, hình ảnh không đẹp trong mắt khán giả, nhưng không thể phủ nhận rằng anh hát dòng nhạc trữ tình quê hương khá ổn. Bản thân anh cũng rất chịu khó học hỏi chuyên môn từ các danh ca hàng đầu của dòng nhạc này, mà điển hình là ca sĩ Bảo Yến. Nên khách quan mà nói, Long Nhật có đủ cảm nhận để biết nên hát thế nào cho đúng, và anh hoàn toàn hát đúng với tình thần bản nguyên của ca khúc này. Vậy mà đạo diễn Lê Hoàng lại đòi hỏi phải hát khỏe khoắn, hùng tráng chỉ vì cái phông nền nó "khỏe khoắn" theo cảm nhận của anh. Một ca khúc mà từ ca từ tới giai điệu, đến cả dàn nhạc cũng chơi theo âm hưởng trữ tình, mà anh đòi phải hát hùng tráng, khỏe khoắn chỉ vì cái phông nền, chẳng hóa anh đánh đố ca sĩ sao? Anh đòi ca sĩ phải bẻ cong mọi giai điệu, thanh nhạc, hòa âm, tiết tấu, nhảy khỏi dàn nhạc để chạy theo phông nền chăng?
Dù sao đi nữa, câu nhận xét thứ nhất của Lê Hoàng cũng không có gì đáng nói, vì thích hay không thích là quyền của anh. Nhưng đến câu nói thứ hai, anh đã vô tình bộc lộ thẩm mỹ âm nhạc bảo thủ, quá cứng nhắc, mô thức của mình trước công chúng. Ai cũng phải thắc mắc là tại sao hát về biển đảo, nghĩ về biển đảo lại cứ phải hùng tráng, khỏe khoắn? Không lẽ ca khúc nào viết về biển đảo cũng là nhạc cổ động? Không lẽ con người nào hướng về biển đảo cũng chỉ mang một khí thế là xông lên, tiến lên? Con người chứ nào phải robot? Thế giới tâm hồn là cả một tiểu vũ trụ với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, và âm nhạc nghệ thuật sinh ra để phục vụ từng trạng thái cảm xúc, tâm tư đó. Có như vậy thì nghệ thuật mới đa dạng, muôn màu muôn vẻ và đi vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn con người được. Nếu cứ bắt nghệ thuật phải đi theo định hướng này, định hướng kia, theo những lối mòn tư tưởng cũ kĩ, thì chẳng khác nào trói chân ngựa bên nhà vệ sinh. Viết về biển đảo thì cũng không ít ca khúc hùng tráng cho Lê Hoàng nghe, tại sao anh không đi nghe những ca khúc đó mà lại cứ đòi hỏi phải hát hùng tráng một ca khúc vốn trữ tình, vốn sinh ra để phục vụ những mảnh tâm hồn lãng mạn? Nhà văn Nguyễn Minh Châu nói riêng và các văn nghệ sĩ thời kì Đổi mới (1986) đã nói rồi : ĐỪNG LẤY LỢI ÍCH CỦA CỘNG ĐỒNG MÀ CHÀ ĐẠP LÊN LỢI ÍCH CỦA CÁ NHÂN. Chúng ta có thể dẹp cái cá thể, đề cao cái cộng đồng trong một thời điểm nhất định để phục vụ những nhiệm vụ chính trị/dân tộc nào đó, nhưng không thể mãi mãi quên đi cá thể được. Mỗi cá nhân đều có những nhu cầu, cuộc sống, tâm tư của riêng họ, và nghệ thuật cần phải tìm đến mọi đề tài, chủ đề, đào sâu khai thác với nhiều hướn tư tưởng, cảm xúc khác nhau. Đó mới là nghệ thuật vị nhân sinh. Nếu không thì chẳng có công chúng nào tìm đến nghệ thuật nữa, và nó sẽ chết dần chết mòn thôi. Hát về biển đảo có hùng tráng, có khỏe khoắn, thì cũng phải có trữ tình, da diết, vì đó là nỗi nhớ, là tình yêu, là tâm hồn con người, chứ không phải cái gì quá xa lạ, anh Lê Hoàng ạ! Tư tưởng của anh nếu cách đây 50 năm thì còn chấp nhận được, chứ thời đại hội nhập ngày nay mà còn giữ những lề thói cổ hủ trong suy nghĩ đó, thì muôn đời không phát triển được.
Trong Giai điệu tự hào tháng 9 (lên sóng ngày 26/9/2014), ca sĩ Hà Trần tham gia trình diễn ca khúc Bài ca hy vọng. Đây đương nhiên là một ca khúc nhạc cách mạng mang âm hưởng thính phòng quá quen thuộc với công chúng. Chính vì quen thuộc như vậy, nên với cá tính âm nhạc đầy táo bạo, thẩm mỹ âm nhạc của một nghệ sĩ indie đẳng cấp, cùng tư duy âm nhạc luôn đổi mới, đào sâu không ngừng, Hà Trần không thể nào chấp nhận chuyện hát lại với cách hát quá quen thuộc như trước đây. Làm vậy là trái với phẩm chất nghệ sĩ của cô. Bởi thế, Hà Trần đã chọn một lối hát mới, thổi vào đó những luyến láy, nhả chữ, ngắt nhịp mang đậm chất dân gian đương đại, indie của cô, kết hợp cùng phần phối nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung cũng rất độc đáo, đem lại một cảm xúc rất khác. Về sự nghiêm túc và ý thức sáng tạo, Hà Trần cũng nói rằng: "Trước khi hát một bài hát tôi sẽ nghe phần hòa âm của nhạc sĩ và căn cứ theo đó để tìm cách thể hiện. Nhạc phẩm này với người yêu âm nhạc đã quá nổi tiếng, và chúng ta cũng quen nghe một Bài ca hi vọng lúc nào cũng phải rất hào hùng, vang dội. Tôi đã từng nghe nhiều người nam hát với chất vang dội, hào hùng đó. Nhưng tôi là một người nữ hát. Trước hết, tôi không muốn lặp lại người khác. Thứ hai, tôi nghĩ người nữ khi hát Bài ca hy vọng phải lột tả được nét tinh tế trong giai điệu, lời ca. Tôi muốn đem đến một bức tranh tương phản, một góc nhìn khác về bài hát này". Những tưởng sự cách tân, khai phá sẽ nhận được sự ủng hộ, nhưng một lần nữa Lê Hoàng thể hiện sự bảo thủ của mình khi cho rằng: "Vừa rồi nghe chị Hà hát, tôi không thấy hay. Theo tôi một bài hát cũng như bộ phim. Nó có tư tưởng chủ đạo là sự tha thiết, nhẹ nhàng, trong sáng. Vừa rồi chị Thu Hà hát lại thành ra là lão luyện, vui tươi, một chút mãnh liệt". Có vẻ rút kinh nghiệm "xương máu" từ những lần nhận xét trước đây, anh Lê Hoàng đã phải vừa đấm vừa xoa thêm: "Tôi không nói nó sai. Đây là cách cảm nhận của thế hệ ngày nay. Nó không cảm được với tôi. Tôi đã xem phim... và thấy động tác minh họa rất dịu dàng, bay, đắt. Cái hay của bài hát này là hát ra sự tha thiết trong hoàn cảnh đau đớn. Nếu chúng ta không trình bày trong hoàn cảnh ấy thì chúng ta sẽ trở nên một con bướm vui tươi, hoặc một cái gì đó tách ra...". Anh cũng phân tích rằng, trong sự chia cắt đất nước thì tình cảm cao hơn cá nhân, phải thể hiện được cái chung và cái riêng hòa quyện với nhau. Tức là anh vẫn đòi hỏi phải dẹp tình riêng vì tình chung, mọi tình cảm đều phải gắn với cộng đồng, dân tộc, không cần biết nó là thật lòng hay gượng ép, không cần thấu hiểu xem những đòi hỏi của anh có quá xa lạ với một con người trong xã hội hiện đại hay không. Ở quan điểm này, Lê Hoàng quá cứng nhắc khi đòi hỏi ca sĩ đương đại phải hát theo lối của ca sĩ cách mạng thế hệ trước, để giữ được cảm xúc vốn có từ bao thế hệ qua. Nếu thích, anh Lê Hoàng có thể vào nhà hát nghe lại các ca khúc cách mạng theo lối truyền thống. Hiện nay, chúng ta vẫn đào tạo rất nhiều ca sĩ thính phòng chuyên hát nhạc cách mạng theo lối đó, những ca sĩ đó sẽ có trách nhiệm đi theo chuẩn mực kinh điển và bảo tồn quá khứ. Còn ở vị trí của ca sĩ đương đại đi theo các dòng nhạc mới, họ không thể dập khuôn theo cái cũ, dù có thể đó là chuẩn mực kinh điển đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Lê Hoàng nên biết rằng, chương trình Giai điệu tự hào cũng hướng đến đối tượng khán giả trẻ, và các nhà sản xuất đang đi theo hướng khám phá, sáng tạo lại cái đã qua. Nếu không tạo tác lại, thì đây cũng chỉ là một chương trình bình thường như bao chương trình kỉ niệm khác, chẳng có gì đặc biệt, và nhà sản xuất cũng chẳng mất công dựng nên nó.
Một lời khuyên cho anh Lê Hoàng là anh nên tìm nghe quốc ca Mỹ và học tập tinh thần của họ. Quốc ca Mỹ ra đời cách đây hai thế kỉ và được hàng ngàn ca sĩ Mỹ thể hiện, nhưng chẳng ai hát giống ai, ai cũng hát theo cảm nhận riêng, phong cách riêng của mình. Ví dụ:
- Whitney Houston thể hiện một cách hùng tráng, khỏe khoắn.
- Mariah Carey hát theo lối trữ tình, màu sắc.
- Beyonce phiêu melisma đậm chất r&b.
- Aretha Franklin nhả note đậm chất nhạc soul.
- Patti Labelle ngắt luyến đậm chất nhạc gospel.
- Taylor Swift vừa hát vừa chơi guitar theo phong cách nhạc country.
- Renee Fleming phiêu head voice theo lối opera/cổ điển.
...
Và còn rất nhiều ca sĩ khác như Toni Braxton, Jennifer Hudson, Cher, Christina Aguilera, Carrie Underwood... cũng đều thể hiện quốc ca theo phong cách riêng của chất giọng, dòng nhạc mà họ theo đuổi. Khán giả Mỹ chẳng mấy khi kêu ca, phàn nàn là cô này/anh này hát không đúng tinh thần bài hát, phá bài hát... Ngược lại, họ vẫn vỗ tay nồng nhiệt mỗi khi ca sĩ hát xong và coi như được thưởng thức một bản nhạc mới theo những phong cách mới. Tất nhiên, có người thích ca sĩ này hát, người khác lại thích ca sĩ kia hơn, vì mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau và họ sẽ tự tìm đến cái họ thích, chẳng ai chê bai gì ai. Có như vậy, quốc ca Mỹ mới trải qua tận hai thế kỉ mà vẫn sống trong lòng công chúng, vì nó được biến hóa vào các dòng nhạc khác nhau, như một cách tái sinh và sinh tồn. Quốc ca Mỹ thậm chí còn mang tính thương mại lớn khi nó phát hành được hàng triệu đĩa, leo lên vị trí cao ở các bảng xếp hạng âm nhạc, đem lại lợi ích về kinh tế.
Từ câu chuyện về quốc ca Mỹ, anh Lê Hoàng hãy thử nhìn lại thị trường âm nhạc Việt Nam xem có phải chính những tư tưởng cũ kĩ làm cho nó trở nên nhàm chán, bèo bọt, mãi không vươn ra thế giới được chăng? Nếu bây giờ có ca sĩ nào hát quốc ca Việt Nam mà luyến láy, run/riff liên tục, liệu anh có chê bai, bài xích họ?
Quay trở lại Bài ca hi vọng, sao anh Lê Hoàng không nghĩ rằng có thể sau chương trình, Hà Trần sẽ đưa ca khúc này vào một album mới của cô, phối nhạc khác hơn, độc đáo hơn. Khán giả sẽ mua về thưởng thức, và như vậy, một lần nữa ca khúc bất hủ lại được tái sinh trong các dòng nhạc khác nhau, được thể nghiệm những màu sắc độc đáo, được khoác lên mình những chiếc áo mới. Hay anh muốn tới 50 năm sau nhạc Việt vẫn y nguyên như cách đây 50 năm, khi người ta đã lên sao Hỏa thì mình vẫn đang làm ruộng? Đến nền âm nhạc chuẩn mực như opera/nhạc cổ điển cũng luôn đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ, huống hồ nhạc Việt.
Quay trở lại Bài ca hi vọng, sao anh Lê Hoàng không nghĩ rằng có thể sau chương trình, Hà Trần sẽ đưa ca khúc này vào một album mới của cô, phối nhạc khác hơn, độc đáo hơn. Khán giả sẽ mua về thưởng thức, và như vậy, một lần nữa ca khúc bất hủ lại được tái sinh trong các dòng nhạc khác nhau, được thể nghiệm những màu sắc độc đáo, được khoác lên mình những chiếc áo mới. Hay anh muốn tới 50 năm sau nhạc Việt vẫn y nguyên như cách đây 50 năm, khi người ta đã lên sao Hỏa thì mình vẫn đang làm ruộng? Đến nền âm nhạc chuẩn mực như opera/nhạc cổ điển cũng luôn đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ, huống hồ nhạc Việt.
Anh Lê Hoàng có lẽ là trường hợp điển hình của mộ thế hệ bảo thủ, già cỗi, hoài niệm dĩ vãng để trói buộc thẩm mỹ nghệ thuật của mình, kéo lùi cả một nền nghệ thuật dậm chân tại chỗ. Rất nhiều người lớn tuổi hiện nay cho rằng chỉ có âm nhạc của thế hệ họ mới là chất lượng, ý nghĩa, còn âm nhạc của thế hệ mới dù hay thế nào vẫn bị xếp ở chiếu dưới. Quan điểm này dễ dàng ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ thanh niên vốn thích nghe nhạc vàng, nhạc đỏ để rồi cho đó là thứ nhạc đẳng cấp cao hơn mọi thứ nhạc khác. Nếu cứ giữ mãi những thẩm mỹ, tư tưởng đó, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ có văn nghệ văn công chứ không bao giờ xây dựng được thị trường âm nhạc chuyên nghiệp như Anh, Mỹ, Pháp... được.
Anh Lê Hoàng rất đáng khen ở tỉnh thần phản biện, dám nói thẳng suy nghĩ của mình. Không chỉ âm nhạc mà đất nước hiện nay cần những người như anh, dám nói, dám bình luận, không sợ mất lòng người khác. Nhưng chỉ khuyên anh hãy cởi mở hơn với nghệ thuật và hãy nghĩ cho thị trường âm nhạc trong nước thay vì đặt cao ý thức thế hệ một cách quá mức.
_Đức Long_
Hải Phòng ngày 28 tháng 9 năm 2014
Những góc nhìn "open mind" , xin cảm ơn anh Đức Long
Trả lờiXóa