Liên trịnh trạc bước vào lớp, giọng dõng
dạc:
-
Cả lớp trật tự nghe tớ thông báo!
Chẳng ai thèm ngoái lại, ai
cũng bận bịu việc riêng của mình, đứa đan, đứa thêu tranh, đứa xoen xoét mồm
chửi "con đĩ" ất ơ nào đó đêm qua đi nhà nghỉ với bồ nó, đứa cay cú "bà giáo" dám
cho nó cho điểm 0 chuyên cần chỉ vì không đọc giáo trình, đứa mếu máo, mặt cắt không hạt máu vì lo dính bầu… Gần một trăm cái mồm cùng hoạt động trong cái
phòng chật chội cho bốn mươi người thì cứ phải to như mồm cô chủ nhiệm lúc
thông báo tiền học mới át nổi. Đáng lẽ lớp có năm mươi người thôi, nhưng khoa
năm nay bỗng dưng thương các em bị trượt trên thủ đô, thành thử nhận thêm hơn
bốn mươi nguyện vọng hai vào nữa, mỗi em chỉ cần mất tầm chục triệu thôi, Quá rẻ với giá thị trường! Ngặt nỗi, phòng to bị các lớp khác (cũng đông chẳng kém miếng) chiếm hết rồi. Nhưng
không sao! Đại học là phải học đông như thế mới xứng tầm, mới đúng chữ ĐẠI in
hoa. Nhiều đứa về quê kể cho thầy u nó nghe lớp đại học đông lắm, đông như cái
tổ mối, mỗi đứa chỉ được ngồi nửa cái đít thôi, khiến ai cũng phải tấm tắc, há
hốc mồm trầm trồ: “Đúng là đại học có khác!”.
Mic hỏng, quỹ lớp cạn, xin
trường thì sống chết mặc bay. Nói không ai nghe, bực mình, Liên dùng hết sức bình
sinh đập rầm xuống bàn, khiến ai nấy cũng giật thót cả tim.
- Các bạn buồn cười nhỉ? Ngồi trong lớp mà cứ ầm ầm lên?
- Đang ra chơi, không nói chuyện thì ngồi cạnh khóe nhau như các cô dưới văn phòng khoa hả lớp trưởng? –
Giọng cái Hằng choen choét phía dưới. Nó là đứa đanh đá và phản động nhất lớp,
nhà cầm đề, có "số má" nên ăn nói giang hồ lắm. Hồi đầu năm nó tự
ứng cử cán bộ lớp nhưng không ai bầu, đâm ra cay cú đội ngũ cán bộ lớp, hạch
sách từng tí một. Thế mà về sau nó lại được nhiều đứa quý. Nhờ có nó mà bọn cán
bộ lớp phải dè chừng, tiền nong mà loằng ngoằng nó chửi cho tái mặt. Giá mà cơ
quan nhà nước nào cũng có vài đứa như nó thì xã hội tốt đẹp hơn nhiều.
- Tớ có chuyện quan trọng muốn thông báo. Vì mic hỏng nên các bạn trật tự nghe!
- Mẹ, đổ cả đống tiền vào mua mic mà hỏng lên hỏng xuống, chúng mày ăn bớt quỹ
mua đồ Tàu chứ gì? – Cái Hằng vẫn cố đế thêm vào. Nhi bí thư phải gàn mãi nó
mới chịu yên.
Đợi cả lớp yên ắng, Liên còn cẩn thận đóng kín các cửa lại rồi mới trịnh chạc
thông báo:
- Như các bạn đã biết, lớp mình sắp học xong học kì một. Ngoài việc đi ngày 20
tháng 11, chúng ta phải đi thêm học phần nữa.
- Đi học phần là cái qué gì thế lớp trưởng ơi? – Tiếng cái Hòa chao chao lên,
nó là chúa lanh chanh.
- Tớ vừa đi họp về nên cũng vừa mới biết thôi. Đi học phần tức là kết thúc mỗi
học phần thì phải đi cảm ơn thầy cô dạy học phần đó. Học bao nhiêu học phần
trong một học kì thì cuối kì phải đi bấy nhiêu học phần.
- Vẽ, đã đi 20 tháng 11 rồi lại còn ị ra cái cảm ơn học phần, cảm ơn gì
lắm thế? Cảm ơn có mài ra mà hốc được không? – Cái Hằng vẫn còn lẩm bẩm.
Liên bực mình cái Hằng lắm, nó cứ làm như Liên vẽ hươu vẽ vượn ra để ăn tiền
của nó không bằng. Liên đáp thẳng vào Hằng:
- Không phải tớ vẽ ra mà thông lệ ở các trường và các khoa đều thế bạn ạ! Bạn
nào không tin thì cứ đi hỏi.
- Thế không đi có làm sao không lớp trưởng ơi? – Tiếng cái Loan the thé.
- Không đi, thi lại ráng chịu. Toàn bộ điểm chuyên cần, điểm điều kiện, điểm
thi và giới hạn đề thi phụ thuộc hết vào lần đi học phần này đấy. Đi 20 tháng
11 chỉ là phụ.
- Thế đi như thế nào hả lớp trưởng? – Lại thêm tiếng cái Chi vọng lên.
- Theo thông lệ thì mình sẽ đi tiền theo số học trình. Môn nào ít học trình thì
đi ít, nhiều học trình thì đi nhiều. Mọi năm là một trăm năm mươi nghìn một học
trình, nhưng năm nay tiền mất giá, giá cả tăng thì phải hai trăm nghìn các thầy
cô mới chịu.
- Sao nhiều thế? Đào đâu ra tiền mà đi?... – Cả lớp lại nhốn nháo nhộn nhạo như
cháy chợ. Bàn tán, chửi mắng, nói xấu, xỉ vả, cãi nhau, xô bồ, như một bát nộm
tạp nham. Mỗi người một giọng. Những lúc như vậy lớp vui đáo để, không còn cái
không khí tẻ nhạt của những bài giảng cơm nguội, nhạt như nước ốc nữa.
- Lớp trưởng ơi, tớ có ý kiến. Cả lớp nghe tớ bảu này! – Cái Phèng đứng lên,
nhau nháu cái giọng đặc sệt vùng quê – Theo tớ chúng mình không nên đi xiền tốn
kém lắm mà lại mất hết lòng nhau. Như ở quê tớ người ta chỉ biếu thầy cô chai
mắm với gói mì chính thôi là quý lắm rồi. Đi thế cho tình cảm. Tình cảm là
chính. Thầy trò với nhau mà quy hết ra tiền nong thì còn gì là tình nghĩa nữa?
Liên gạt phăng ý kiến của cái Phèng:
- Dở hơi à! Ai lại làm thế, bôi bác chết! Các cô ở thành phố chứ có ở quê đâu
mà đi mấy cái đấy. Thời buổi hiện đại bây giờ tiền là trên hết. Cậu cứ đem cái
thói ở quê ra thành phố họ cười cho thối mặt.
- Thật, đi mấy cái đấy các cô lại chẳng hất mẹ ra đường cả lũ. Các cô bây giờ
chỉ thèm tiền thôi! Tình với chả nghĩa, có mua được cái băng vệ sinh cho các cô
không? – Vẫn là tiếng cái Hằng, cái giọng nặng trình trịch của nó
không lẫn đâu được.
Liên
tiếp tục phân trần:
- Giờ có tốn cũng phải chịu chứ biết làm sao. Đi mấy cái thứ vớ vẩn rồi các cô
trù, cho thi lại, học lại còn khổ hơn. Mà lớp mình đông chia ra cũng còn đỡ,
lớp người ta có hai mấy mạng cũng phải đi bằng tiền kia kìa.
Thấy lớp vẫn ồn, Nhi đứng ra ổn định:
- Thôi được rồi, bây giờ lớp mình thống nhất là đi như thế nhé. Lớp trưởng tính
luôn tiền đi cho nhanh!
- Kì này lớp mình học bảy môn: môn thống kê xã hội học ba học trình, môn triết
học Mác – Lênin ba học trình, môn tư tưởng Hồ Chí Minh ba học trình, môn tiếng
Anh năm học trình, môn đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam bốn học
trình, môn cơ sở văn hóa Việt Nam bốn học trình, còn môn thể dục không có số
học trình nên tạm tính là hai học trình. Như vậy chúng ta có tận ba môn chuyên
ngành đấy nhé.
- Sao không tính một học trình cho rẻ? – Cái La ngồi dưới hỏi vắt vẻo.
- Không được, một học trình ít quá thầy trả lại hàng đấy, thầy đi coi thi một
buổi tại chức cũng được đút nửa triệu rồi.
Nói rồi, Liên lôi điện thoại ra tính.
- Như vậy tổng cộng là hai tư học trình, nhân với hai trăm nghìn là bốn triệu
tám trăm nghìn. Cộng thêm tiền bánh mỗi hộp năm mươi nghìn là ba tăm năm mươi
nghìn nữa. Tổng cộng là năm triệu một trăm năm mươi nghìn.
- Thế không mua bánh không được à? – Lại một đứa nữa hỏi vọng, bọn này cứ quen
thói tiếc tiền không phải lối.
- Ai lại làm thế? Đưa tiền không trơ lắm, các cô trả lại đấy. Tiền thì các cô
thích thật nhưng vẫn phải làm cao nó mới duy mỹ, đúng chất sư phạm cấp cao. –
Liên lại phải gàn – Tóm lại, chia ra chín mươi hai người là khoảng năm mươi sáu
nghìn một người nhé. Trong ba ngày các bạn đóng đủ cho Nguyệt lớp phó đời sống.
Đi sớm thì có đề sớm mà ôn.
Phía cuối lớp, bọn cái Hương cái Trang đang bàn kế hoạch đi tiền riêng. Hương
nói thầm vào tai Trang:
- Mày chuẩn bị tiền đi riêng cho điểm cao nhá. Chứ có mấy môn khó vãi đái, tao
sợ trượt lắm mày ạ.
-
Ơ, tao tưởng đi học phần thì không bị trượt? – Trang ngạc nhiên.
- Mày ngu lắm! Nói bé thôi không bọn nó nghe thấy! Đi học phần chỉ là để
có đề cương cho lớp thôi chứ vẫn trượt như thường. Đi riêng thì các cô mới nhớ
mặt mình mà nâng điểm lên chứ.
- Nhưng tao chưa đi kiểu này bao giờ mày ạ. Sợ các cô không lấy.
Hương huých nhẹ vào sườn Trang.
- Ui giời, lấy mạnh! Mày không nghe cô Chín vừa nói oang oang trên lớp đấy à? –
Nó nhại lại cái giọng ngọt choét của cô Chín dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh khi
nãy: – “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại, không học được thì biết đường đi cửa
sau đi. Các em năm nhất không biết gì nên cô mới nói, coi như dạy các em thêm
một bài học…”
***
- Thầy Ích thống kê bốn trăm nghìn, cô Chín tư tưởng sáu trăm nghìn, cô Ngoan
triết học sáu trăm nghìn, cô Phòng đường lối tám trăm nghìn, thầy Đãng thể dục
bốn trăm nghìn, cô Thi cơ sở văn hóa tám trăm nghìn, thầy Mạnh tiếng Anh một
triệu. Các cậu nhìn kĩ phong bì nhá, niêm phong rồi không mở ra đâu đấy. –
Nguyệt giơ phong bì ra giữa mặt cho cả bốn đứa cán bộ lớp xem.
Tiền thì đủ rồi, nhưng cái Linh ngứa mắt cái phong bì thế không biết. Nó là lớp
phó văn thể mỹ, nên tính cũng duy mỹ, hình thức lắm, cái gì cũng phải đẹp, phải
sang. Nó lên giọng hạch sách:
- Này, sao không mua cái phong bì đẹp đẹp tí, trông bẩn bẩn nhìn mất cảm tình
lắm Nguyệt ơi.
- Tiền đâu mà mua? Quan trọng
là bên trong chứ hình thức làm gì cho mệt. Phong bì có đẹp thì các cô cũng xé
toác toàng toạc ra thôi! – Nguyệt gạt đi, tính nó kiệt lắm. Nhưng làm cán bộ
thì kiệt cho cả lớp nữa, nên cũng tốt.
Kiểm tra xong tiền nong, Liên
đứng lên chốt:
- Vậy là xong hết rồi nhé. Hôm nay mình đi bốn người, ba người để mai đi. Đi
luôn chiều nay cho nhanh không thì không kịp! Hẹn nhau sáu giờ tối nay ở cổng
trường. Rõ khổ, đi thầy đi cô mà như chạy xô chạy chậu.
- Còn xe pháo thì sao hả Liên?
- Ờ đấy, quên mất. Thế ở đây những ai có xe?
- Chỉ có mỗi Linh có xe thôi. Nhà bạn ấy ở trong thành phố mà. – Giọng cái Thắm
chọc ngoáy, nhà nó nghèo nên ghét mấy đứa thành phố lắm. Nó biết thừa cái Linh
được bầu vào cán bộ lớp vì cả lớp có mỗi mình nó ở thành phố chứ có tài cán gì đâu. Ngay cả điểm đầu vào nó còn thiếu, chạy mất gần trăm triệu cho thầy
hiệu trưởng mới được vào trường.
- Để tớ cho bạn đi nhờ nhé! Không thì bạn định làm "gà móng đỏ"[1]
lượn vỉa hè chắc? – Linh cũng chẳng vừa, nó vẫn tự hào là gái Hải Phòng thì ghê
gớm nên không chịu ai bao giờ. Đời có nhiều người thích lấy cái xấu xa để tự
hào vì họ chẳng thể tốt đẹp được.
- Tớ thì mượn được xe của ông anh họ rồi. – Nhi nói.
- Thế còn Nguyệt?
- Tớ không có.
- Tớ cũng không có xe. Như vậy thì tớ với Nguyệt sẽ thuê xe đi chung. Thắm có
thể đi chung xe với Nhi hoặc Linh. Thống nhất thế đi, sáu giờ có mặt ở cổng
trường. Các bạn có thể về được rồi!
Lúc ra cửa lớp, Nguyệt níu tay Liên lại.
- Tớ quên mất, khi nãy không nói, bánh chỉ có hai lăm nghìn một hộp thôi, còn
thừa một trăm bảy lăm nghìn.
- Sao cậu mua bánh rẻ thế?
- Tiền là được rồi, cần gì mua bánh ngon. Tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy.
Lần này Liên nể cái Nguyệt thật, tiền chùa mà nó cũng tiếc. Đúng là đại kiệt.
Liên nghiêm giọng:
- Vậy đưa chỗ tiền thừa cho tớ trả tiền thuê xe. Thừa thiếu thế nào tớ bảo cậu
sau.
Nguyệt móc ví, đưa đúng một
trăm bảy năm nghìn không thừa không thiếu, còn dặn Liên phải lấy hóa đơn về.
Nhưng dại gì Liên lấy hóa đơn, nó cũng muốn tranh thủ ăn bớt tiền thuê xe, ít
nhiều cũng được bữa cơm trưa. Làm cán bộ dễ lắm, cứ ăn từ cái nhỏ nhất mà to
dần lên, làm càng to ăn càng dày.
***
- Tới giờ ăn cơm mà mày còn đi đâu đấy
con?
- Con với mấy đứa cán bộ lớp đi cảm ơn học phần bố ạ.
- Cảm ơn học phần là cái gì?
- Là đi cảm ơn giáo viên bộ môn đấy bố.
- Thế không có quà cáp gì cho người ta à?
- Thời buổi này ai quà cáp hả bố, tiền thôi! – Linh lên giọng với bố, ra vẻ lõi
đời. Vào đại học nó khôn ra được bao nhiêu, cứ đà này đến khi ra trường đứa nào
cũng từ cừu mà hóa cáo, hoặc hóa thành những giống quái thai nào đó cũng nên.
Ông Hùng đang đọc báo cũng phải ngoái lại đế thêm một câu:
- Đấy, tao đã bảo mà, công an, giáo viên, bác sĩ, ba hạng người này mà chê tiền
thì chó chê cứt!
Câu này ông nhai đi nhai lại dễ đến con số nghìn tỷ lần rồi. Kể ra ông cũng hợp thời, bây giờ cái gì chẳng lên đến nghìn tỷ, có ai dùng trăm tỷ, chục tỷ nữa đâu.
Câu này ông nhai đi nhai lại dễ đến con số nghìn tỷ lần rồi. Kể ra ông cũng hợp thời, bây giờ cái gì chẳng lên đến nghìn tỷ, có ai dùng trăm tỷ, chục tỷ nữa đâu.
Trời tháng mười hai rét cứa da cứa thịt, từng cơn gió lạnh tanh, khô không khốc
cứ hùa nhau tát thẳng vào mặt người đi đường để lại những vết đỏ hằn trên da
thịt. Cái rét miền Bắc là cái rét độc, độc như chính con người nơi này, không cẩn thận là bỏng lạnh như chơi. Sống ở nơi khắc nghiệt nên con người nơi đây cũng
ác nghiệt lắm.
- Làm cái gì mà lâu thế? Mọi người đợi mỗi mình bạn thôi đấy. – Vừa nhìn thấy
Linh, Liên đã rau rảu cái mồm.
- Nhà tớ xa, các bạn phải thông cảm chứ!
Năm đứa đến nhà cô Ngoan dạy triết - trưởng khoa đầu tiên, nhà cô ở gần trường
nhất.
- Ê dừng lại! Phải nhà này không? – Thắm chỉ vào gian nhà màu vàng cũ kĩ bên
đường – 143a phố Cam Ranh nhé.
- Nhà cô Ngoan là 143b cơ mà Thắm, bên này nè!
Cả bọn nhìn theo hướng tay Linh chỉ, đứa nào cũng phải hoác mồm. Số nhà 143b là
căn biệt thự ba tầng xây theo kiểu đời mới, vườn tược rộng rãi đến vài chục mét
với đầy đủ non bộ, cây cảnh, bể bơi, cổng sắt cao vút như Dinh Độc lập. Căn
biệt thực mọc sừng sững như cái điện thờ, đối nghịch với những dãy nhà ụp xụp,
cũ kĩ xung quanh như một trò đùa kệch cỡm của không gian.
Nguyệt thì thầm:
- Liên ơi… bạn có nhầm không, hay là 143a? Chứ trông cô Ngoan giản dị lắm mà,
sao nhà lại to thế được?
- Nhầm thế nào được, tờ danh sách địa chỉ này tớ xin ở khoa mà!
Cả bọn còn bán tín bán nghi thì Linh chen
vào:
- Các bạn chẳng biết gì, xu
hướng của người giàu bây giờ là càng giản dị càng tốt, nhất là tầng lớp công
chức, quan lại, họ còn phải che mắt thiên hạ chứ. Mà cô là trưởng khoa, giàu là
đúng rồi, thắc mắc thừa.
- Thì bọn tớ ở quê ra, có biết
gì về người giàu ở thành phố đâu. – Cái Thắm vẫn trả treo.
- Không biết thì học dần đi bạn
ạ! Không thể cứ sống ở quê mãi được đâu! – Linh nguýt giọng.
Cả bọn tiến đến căn biệt thự, nhưng chẳng đứa nào dám bấm chuông, cứ đùn đẩy
nhau. Hình như hồn vía của chúng quá nhỏ bé so với căn biệt thự "đồng
cốt" này? Cuối cùng, cái Linh phải ra bấm chuông, đi với bọn nhà quê phát
bực.
Ring… Ring…
Một
hồi, hai hồi, ba hồi… đến hồi thứ n mới có một em chã lót nhót chạy ra, chẳng
biết tại nhà rộng quá không ai nghe thấy hay tại bệnh kiêu của người giàu nữa?
- Các chị gặp ai ạ?
Nhìn thằng bé chắc chắn là con cô, béo nhũm nhĩm, hai mắt híp sệt vào,
hệt như thằng em chã nhà bà Phó Đoan.
- Mẹ có nhà không em?
- Mẹ em đi vắng chưa về chị ạ!
Thằng bé làm Liên ngớ cả người, rõ ràng lúc trưa nó gọi điện cô hẹn nó tối đến,
giờ lại đi vắng. Nó vẫn gặng hỏi.
- Thế em có biết khi nào mẹ về không?
- Dạ hông, cái này chị phải hỏi mẹ em.
- Ừ được rồi, em đi vào đi! Chị chào em!
- Thế là sao hả Liên? Tớ tưởng bạn hẹn cô rồi? – Cái Nhi có vẻ bực mình.
- Rõ ràng buổi trưa tớ hẹn cô, cô bảo tối đến mà! – Liên vừa phân trần vừa rút
điện thoại ra gọi, giọng quay ngoắt 180 độ, dẻo như mật – A lô, em chào cô ạ!
Cô ơi, em với các bạn cán bộ lớp đang ở trước cửa nhà cô, mấy giờ thì cô về ạ?
- Ôi chết! thế à? – Giọng cô có vẻ thửng thốt, lẻo lẹo – Chết, giờ cô lại bận
chút việc ở bên ngoài, chắc tầm tám giờ cô về, em với các bạn cứ đi các thầy cô
khác rồi quay lại nhà cô sau cũng được!
- Dạ vầng! Em chào cô ạ! – Liên tắt máy, quay sang mấy đứa kia – Cô bảo giờ cô
đang bận ở ngoài, mình cứ đi các thầy cô khác, tí quay lại cũng được. Giờ mình
đi thầy Lợi thống kê đi!
Nghe tiếng xe máy nhỏ dần, cô Ngoan mới khẽ bảo con:
- Ngó ra xem các chị về chưa con!
- Sao em không để chúng nó vào nhà, giời lạnh thế này bắt đi lại nhiều tội ra?
- Kệ đi
anh! Ai bảo chúng nó đến đúng giờ nhà người ta đang cơm nước, tiếp sao được.
– Giọng cô vẫn nhẹ nhàng, ấm áp một cách tự nhiên - Với lại, em còn đang băn
khoăn chuyện thu tiền mở mã ngành của bọn cao đẳng. Anh bảo
em nên thu chúng nó bao nhiêu?
Chú
Hùng lướt lưỡi liếm nhẹ chỗ cà phê cuối cùng trong tách, trầm ngâm một lúc rồi mới cất
giọng đều đều, như nói một điều gì đó rất quen thuộc.
- Thu
ba triệu rưỡi mỗi đứa đi! Ba triệu mình cầm, còn năm trăm hoa hồng lại cho bà Hoa chủ nhiệm lớp đó.
-
Có sợ nhiều quá không anh?
-
Mở nguyên một mã ngành chứ đâu phải chuyện nhỏ? Thế là ít rồi. Em cứ bảo bà Hoa khi thu tiền đừng có ghi hóa đơn gì hết. Rủi sau này có đứa nào kiện cũng không
sợ. Vụ này làm kín kẽ thôi, đừng để cho con Chín và con Phòng nó biết!
***
Nhà thầy Ích ở đường Nguyễn Văn Lan, con đường duy nhất dẫn ra các khu công nghiệp, giờ tan tầm container đi lại như mắc cửi,
từng đàn, từng đàn, xe này ấn đít xe kia mà đi, nhìn phát hãi. Chúng là những
con quái vật nghiến thịt người của các khu công nghiệp đang mọc lên như cỏ dại. Trừ cái Linh ra, bốn
đứa kia lần đầu tiên đi giữa hàng container đông nghẹt như thế này, nên đứa nào
cũng sợ vón linh hồn.
- Sao cái đường này khiếp thế hả Linh? – Giọng cái Nhi run run.
- Đi nhiều thì quen thôi. Đi tầm này còn an toàn chán vì đông nên nó mới đi
chậm, chứ tầm tối muộn đường quang, nó lại chẳng phóng bạt mạng ấy chứ. – Linh
vẫn thản nhiên, nó đi quá quen cái đường này rồi. Đúng là người thành phố thì
tim to hơn người nhà quê.
Nhà thầy Ích giản dị hơn nhà cô Ngoan, chỉ là cái nhà ống ba tầng trong một
con ngõ nhỏ, đúng kiểu kiến trúc đặc trưng của đô thị Việt hiện đại. Nhưng bên
trong cũng bày biện đủ thứ một cách hữu ý, lại toàn đồ dễ vỡ, làm mấy đứa cứ
phải đi lần từng bước một, vỡ một cái thì chết tiền đền. Mấy năm trước, có đứa
sinh viên vô tình làm vỡ của thầy con ngựa ngọc bích đời Minh, thầy về tận quê bắt bán
đất đi để đền. Nhà thầy cứ như cái động màn tơ giăng bẫy học sinh.
Người ta bảo miếng trầu là đầu câu chuyện, không chí ít cũng phải có miếng
nước. Nhưng chúng nó vừa kịp ngồi xuống thầy đã vào chuyện luôn, không thèm mời
nước mời nôi gì sất. Thầy đánh thuê nhiều trường, ngày nào cũng phải tiếp vài
đám sinh viên, nên dẹp luôn khoản nước nôi cho nhanh.
- Lớp mình là học kém môn của thầy lắm! Thầy gọi mấy đứa lên bảng mà mù tịt
chẳng biết gì.
- Dạ, thầy thông cảm ạ! Lớp
chúng em là lớp xã hội nên tính toán kém lắm ạ. – Liên cười trừ vớt vát.
- Thầy cũng biết thế nhưng cứ học hành thế này thì chẳng ai qua nổi đâu. Môn
này thầy ra nhiều bài tập đấy chứ không có lí thuyết mà tụng thuộc lòng như mấy
cái môn nhồi sọ của khoa các em đâu.
Thầy nói nhẹ nhưng chắc chắn từng chữ một, làm cả bọn sốt vó, nhất là cái Thắm,
nó dốt đặc về tính toán.
- Nhưng mà không sao. Không học được thì thầy có cách giúp. – Nói rồi thầy chỉ
vào túi quà, rất điềm đạm – Thế trong phong bì này là bao nhiêu tiền?
Thầy hỏi thẳng thừng quá, làm đứa nào cũng chết đứng người, tim chúng nó mà có
mồm chắc cũng phải há hốc ra mà thở. Chỉ có Liên lanh lẹ hiểu ý thầy, đã hỏi
vậy thì cứ trả lời thẳng luôn cho nhanh.
- Dạ… bọn em đi theo số học trình như đúng quy định, môn của thầy có hai học
trình nên chỉ có bốn trăm nghìn thôi ạ.
- Thế lớp em có bao nhiêu người?
- Dạ, chín mươi hai người ạ.
- Thế thì thầy chỉ chắc là khoảng chục người qua được thôi. - Thầy ngồi tính
nhẩm một lúc rồi nói tiếp, giọng trùng xuống, nghe rất bé – Nếu muốn qua hết mà
điểm lại cao thì cứ đưa thầy tầm bốn triệu sáu nữa.
Cả năm đứa cùng há hốc não, mắt mở to nhìn nhau, không nói được câu gì. Lặng đi
một lúc, nhằn nhứ mãi Liên mới dám nói tiếp:
- Dạ em biết rồi. Để em về nói với các bạn ạ. – Nó ngập ngừng một lúc rồi chốt
thêm câu cuối – Thế có chắc là điểm cao không hả thầy?
Thầy chẹp lưỡi, nhẹ nhàng nói tiếp:
- Chắc chắn là tám chín hết. Các em cứ yên tâm!
- Thế không làm được bài thì sao hả thầy? – Cái Thắm nhanh nhảu.
- Chỉ cần không để giấy trắng thì kiểu gì cũng tám chín. Cứ yên tâm! À, lần sau
đến thì mang theo két bia nữa! Thầy thích uống bia. – Nói rồi thầy bật cười hơ
hớ, để lộ ra hàm răng vàng ố trông đê tiện hết mức.
Cả bọn ra khỏi nhà thầy, vẫn không hết bàng hoàng. Đi được một quãng dài, Linh
mới dám nói:
- Cả đời tớ chưa từng gặp giáo viên nào như thế!
- Thầy đòi những bốn triệu sáu!
– Liên thốt lên, vẫn chưa hết bàng hoàng, chỗ tiền đó thậm chí còn hơn cả hai tháng lương
của bố nó cộng vào.
Nguyệt ngồi sau tính nhẩm một
lúc, mặt bỗng sáng rỡ.
- Bốn triệu sáu chia cho chín mươi hai người thì là năm mươi nghìn một người.
Bỏ ra năm mươi nghìn mà được tám chín, lại không phải học hành gì, tớ thấy được
đấy các cậu à!
- Nhưng có chắc thầy cho tám chín hết không hay lại vẫn trượt thì bỏ mẹ? – Cái
Thắm vẫn tiu nghỉu – Với lại còn tính thêm cả két bia nữa đấy.
- Được rồi, các cậu dừng ở đây đi để tớ hỏi chị tớ cho chắc.
Liên ra hiệu cho cả bọn dừng ở
vỉa hè rồi rút máy gọi cho chị họ nó đang học khóa trên. Một lúc sau, nó hớn hở
quay lại khẳng định với cả bọn:
- Tớ vừa hỏi chị tớ rồi, năm
ngoái chị ấy cũng học môn thống kê xã hội học của thầy. Chị ấy bảo cứ yên tâm,
thầy nói là làm. Lớp chị ấy năm ngoái nhiều đứa không làm được cứ chép lại đề
mấy lần cho đầy hai mặt giấy, chín hết. Yên tâm đi, thầy có nguyên một đường
dây ở phòng khảo thí mà! Mà á, khác khoa nên thầy mới lấy rẻ thế chứ hôm nọ chị
ấy đi hộ mấy đứa ở khoa thầy bị học lại, những hai triệu một đứa cơ.
- Thế thì yên tâm rồi. Hôm nào
thi cứ chép lại đề cho đầy hai mặt giấy. – Cái Thắm thở phào nhẹ nhõm.
- Chị tớ bảo thầy sòng phẳng
thế là sướng ấy, mất có tí tiền mà điểm cao chót vót. Chứ lắm cô khoa mình tiền
thì vẫn nhận mà trượt thì vẫn trượt như thường, còn làm kiêu cho đẳng cấp cao
cơ.
***
Trời càng về tối càng lạnh, bầu
trời thở ra những làn hơi đầy khói bụi, khô khốc như con bệnh hen sắp chết. Nhi
với Nguyệt không chịu được lạnh đã bắt đầu ho khụ khụ. Chỉ khổ cái Linh, nó
quên khẩu trang, da mặt lại mỏng nên đi gió lạnh xót như bôi cồn.
Trước cô Chín khá lắm, nhưng có thằng con nghiện, nó "đốt" gần hết.
Nghe bảo năm sau cô về hưu nên năm nay “ăn” tích cực lắm, chẳng nể nang gì ai.
Nghe cô oang oang trên lớp cũng đủ biết.
Cả bọn vừa đến đầu ngõ thì láng
tháng thấy bóng cái Hương với cái Trang ở trước cửa nhà cô. Hình như chúng nó
đang chuẩn bị về.
- Này, đi chậm lại tí đi! Kia
có phải cái Hương với cái Trang không các cậu? – Liên ra hiệu cho cả bọn đi
chậm lại.
- Ừ đúng rồi, là chúng nó đấy! Chúng nó đến nhà cô làm gì nhỉ? – Nhi tò mò.
- Đêm hôm mò đến nhà cô, không
đi tiền thì còn làm gì? – Thắm nói giọng khinh khỉnh – Mà lớp mình chắc chẳng
riêng gì chúng nó đâu. Cô đã nói thế cơ mà.
Để tránh mặt, Liên bảo cả bọn
tắt máy, dắt xe vào bụi cây đầu ngõ. Chiếc SH đỏ phóng vụt ra, chúng nó nghe loáng thoáng tiếng cái Hương hỏi:
- Vừa nãy cô dặn gì ấy nhỉ, tao quên mẹ mất rồi?
- Có thế mà cũng không nhớ. Cô bảo làm xong cứ đánh dấu x vào hai dòng cuối
trang nhất, thế thôi. Hồi tao thi đại học cũng được người chạy hộ chỉ cho cách
này.
Đợi hai đứa kia đi khỏi cả bọn mới dám lò dò vào. Nhà cô Chín trông hơi bề bộn,
đồ đạc không có gì nhiều. Cô Chín thuộc tuýt người văn vẻ, lễ nghĩa, hỏi han
nhà cửa từng đứa một. Sau khi thu hết thông tin, cô mới khuyên nhủ:
- Chúng mày vừa chân ướt chân ráo lên đại học, nhìn đứa nào cũng trong sáng, cô
thương lắm. Thương nên cô mới nói. Chốn này là chốn cheo leo. Trông ngoài thì
lịch sự thế thôi chứ chẳng thua gì hàng tôm hàng cá ngoài chợ, đấu đá, chửi rủa
nhau tí một, từ thằng hiệu trưởng đến con giảng viên, cho đến cả sinh viên. Chúng
mày cứ học đi rồi sẽ thấy hết. Cô là cô nói thẳng, cái khoa này dột từ nóc dột
xuống rồi. Mà chẳng riêng cái khoa này, đâu cũng thế thôi. Trước đây cô cũng
phấn đấu lắm, nhưng nghĩ bè cánh không có, tiền cũng không nên thôi, chẳng bon
chen, cứ dạy đến khi nào về hưu là được. Ơ kìa, uống nước đi các em! – Cô nhấp
ngụm nước cho dẻo giọng rồi nói tiếp – Cái này trên lớp cô nói rồi, giờ nói lại
không thừa. Đứa nào học được thì cô vẫn cho điểm cao, còn không học được thì cứ
đến cô, cô bày cho cách mà qua. Cô nói rất thật, coi như cô dạy các em bài học
đầu đời, ở cương vị của thầy trưởng khoa hay cô chủ nhiệm các em thì không nói
được nhưng cô thì nói được. Hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Nhà có cửa trước, cửa
sau. Sau này các em có đi làm cũng nên nhớ như thế. Đấy là cách sống khôn ngoan
ở đời đấy các em ạ!
Thấy cô nói thế, cái Linh vươn tới hỏi
nhỏ:
- Cô ơi, thi môn của cô có khó không ạ?
Cô
cười tế nhị:
- Khó thì không khó mà dễ cũng không dễ. Cứ học đi, nếu thấy khó quá thì mấy
đứa lại đến đây cô bày cách cho. – Nói rồi cô nhìn đồng hồ rồi đuổi khéo - Ừ
thế cám ơn lớp đã quan tâm tới cô. Thôi muộn rồi, về không lạnh!
Đi khỏi nhà cô, cả năm đứa vẫn còn bồi hồi nhiều cảm xúc khó tả. “Chốn này
là chốn cheo leo”, câu nói này chúng nó sẽ nhớ mãi về sau, để còn dạy lại
cho con chúng, cho học trò của chúng, lớp này đến lớp khác. Học đại học là
những bài học không nằm trên sách vở.
***
Chúng nó tiếp tục quay về nhà cô Ngoan. Trời
càng về đêm càng lạnh, Nhi với Nguyệt đã chuyển từ ho sang sổ mũi, đứa nào cũng
sụt sùi, tay chân lạnh ngắt. Cái Linh phải vừa đi vừa lấy tay che mặt. Chỉ
có cái Thắm là vui, được đi ngắm phố phường nó thích lắm. Nhà nó ở tận Cao
Bằng, đường đất gập ghề không có đèn, xung quanh là rừng núi bạt ngàn, cứ đến
tối là như chìm vào cõi chết đen nghịt. Xuống thành phố, nó như bước vào một
thế giới khác hẳn, chỗ nào cũng tràn ngập ánh sáng. Ở đây người ta sống về đêm, nên trái tim họ cũng tồn tại trong bóng đêm nhiều hơn.
Nhà cô Ngoan đúng chất biệt thự hạng sang, đi đến đâu cũng thấy tiền đắp
đến đấy, đắp từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, dễ đến cái ổ chó cũng còn
đẹp hơn bàn thờ nhà chúng nó ở quê. Nhà lát tường bằng gỗ sồi, nền và trần cũng
là gỗ sồi nên mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Đi đường lạnh, vào nhà cô chỉ muốn ngồi mãi không rời. Nhà cô cái gì cũng đẹp, lại sạch bóng vì thường
xuyên có người lau dọn. Nghe đâu cô thuê một đứa sinh viên ở trong khoa tới dọn
nhà hộ, hai ngày một lần, nhưng không chịu trả tiền. Thay vào đó, điểm của nó
lúc nào cũng cao chót vót, không bao giờ trượt môn nào. Bộ đồng kị cô mua hơn
trăm triệu chạm trổ rồng phượng tinh xảo đến từng cọng gỗ. Trên chiếc đôn gỗ
đen kịt bày con sư tử xanh bằng đá cẩm thạch bóng nhoáng cộng hưởng với bộ ấm
chén pha lê phản chiếu ánh sáng các đèn màu, lấp lánh, bóng lộn như cửa hàng
trang sức. Cái Thắm càng nhìn càng thích, đến nhà các cô cứ như đi tham quan
vườn thú, toàn những cái lạ, những con thú lạ mà nó chưa thấy bao giờ.
- Các em ngồi đi! Cô cũng vừa về xong. Đợt này cô phải gấp rút làm cho xong cái
luận án tiến sĩ nên bận tù cả mặt.
Cô vừa nói vừa ân cần pha trà, bóc bánh mời mấy đứa. Nhà cô lúc nào cũng đề huề
bánh kẹo, trái cây. Toàn đồ người ta biếu cả, lớp này lớp nọ, học sinh này học
sinh kia, ai đến cũng vác theo hộp bánh, hộp kẹo, ăn không hết lại đổ ra mời
khách cho đỡ phí, không thì cho chó ăn. Khổ thân chúng nó, lúc đầu còn e dè, về
sau ăn nhau nháu như bò vớ được cỏ. Đói quá mà! Đi từ chiều kịp ăn uống gì đâu! Vừa đói vừa rét, lại mệt đến lả cả người. Ai nói đi thầy cô là sung sướng?
- Thế đã đi được những ai rồi? – Giọng cô ân cần.
- Bọn em vừa ở nhà cô Chín về cô ạ. – Liên đáp, mồm vẫn ăn ngon lành.
Nghe nhắc đến cô Chín, cô Ngoan cười mỉm,
giọng từ tốn:
- Cô bảo này, cô Chín mà nói gì
chúng mày đừng có nghe, bẩn tai ra!
- Sao lại thế hả cô? – Linh tò
mò.
- Cô còn lạ gì cô Chín nhà
chúng mày. Xin lỗi, cô nói bậy tí, chứ cô Chín sắp về hưu rồi nên có nể nang ai đâu, dạy lớp nào chẳng gạ đi tiền
như phò già gạ khách. Cô chúa ghét cái kiểu kiếm tiền tỏn mọn ấy, người khôn
còn đầy cách kiếm tiền đẳng cấp hơn. – Cô nhấp giọng – Thế kì này cô ấy có bắt chúng
mày mua sách vở gì không?
- Dạ, bọn em mua hai quyển giáo
trình do cô ấy viết ạ.
- Đấy, cô biết ngay mà! – Cô đánh đét vào đùi vang bốp một cái, như chó vớ được
xương – Năm nào mà cô Chín chẳng bán sách cho học sinh. Mấy cái sách vớ vẩn cóp
nhặt mỗi chỗ một tí rồi chép lại, bán một lãi ba. Mà khổ, không đăng kí mua thì
cô ấy trù, hạ điểm chuyên cần xuống phải biết. Thôi chúng mày cứ cố học nốt,
năm sau cô ấy về hưu rồi.
- Em thấy sách cô Chín viết cũng được cô ạ. – Nguyệt rụt rè nói đỡ cho cô Chín.
- Mẹ! Được cái gì! – Cô gạt phắt - Ngữ như cô Chín chỉ đi lòe học sinh chứ lòe
được ai. Cô ấy mới dạy đại học được có chục năm nay thôi, trước đấy toàn dạy
cấp ba, chạy cả đống tiền mới lên được đấy. Hồi đi thi đại học thì cũng trượt
năm bảy lần. Nói thật, cô ấy còn ngu hơn cả sinh viên ấy chứ. Chúng mày làm bài
thi môn cô ấy chỉ cần chữ đẹp, với lại càng dài càng tốt, cô ấy chẳng biết gì
mà chấm đâu. Cái loại không biết gì thì chỉ thích dài với đẹp thôi, bệnh hình
thức mà. Cô Chín ngày trước cũng vênh vẻ lắm, phe của thằng cha hiệu trưởng cũ,
từ hồi hắn về hưu thì cũng cúp đuôi như chó, chẳng ho he gì nữa. Ở khoa này có
cô Chín với cô Phòng là hai con chó sói già. Chừng nào hai cô này về hưu thì
khoa mới đi lên được. Ấy, các em uống nước đi! – Cô lại rót trà đưa từng đứa
một, vẻ tâm đắc như kiếm được đồng minh. Ở chốn này, việc nói xấu người mình
ghét với học sinh để kéo bè kéo phái vốn không còn xa lạ.
Cái Thắm vẫn ngắm nhà cô nãy giờ và tự hỏi, không biết chồng cô làm gì. Ừ
thì cô làm trưởng khoa, nhưng trưởng khoa thì làm gì giàu đến vậy. Chắc chồng
cô phải làm giám đốc công ty lớn lắm. Nghĩ vậy, nó buột mồm:
- Cô ơi, chú nhà cô hiện đang làm gì ạ?
Cô cười khẩy nửa miệng:
- Con bé này quan tâm nhà cô
gớm. Chú nhà cô cũng làm ở trường mình đấy thôi, là thầy Hùng trưởng phòng đào
tạo đấy. Chúng mày cứ lên phòng đào tạo kiểu gì chẳng thấy.
Nghe cô nói cái Thắm lại càng ngạc nhiên, làm trưởng phòng đào tạo của một
trường đại học thôi mà cũng giàu chẳng kém gì chủ tịch một công ty lớn. Nó cứ
tưởng làm công chức nhà nước thì lương ba cọc ba đồng, ai dè cũng làm ăn kinh
doanh lớn thế.
Mấy đứa ngồi đến hơn tám rưỡi thì xin phép cô về. Trời lạnh nên cô chỉ tiễn
chúng nó đến cửa, còn từ cửa ra cổng là bà giúp việc tiễn hộ. Cô không quên dặn
nhỏ chúng nó sau này có thắc mắc gì về điểm giả hay công việc thì cứ đến gặp
cô. Năm nào cô chẳng giữ vài sinh viên ở lại khoa, đều qua tay cô hết. Trước
khi về cô còn nhắc Liên thu thêm tiền đưa cho cô. Năm nay quán triệt đi hết các
thầy cô trong khoa, không dạy cũng phải đi, chỉ có điều đi thông qua cô chứ
không cần đến tận nhà.
***
Đã gần chín giờ, chúng nó còn phải đến nhà thầy Mạnh dạy tiếng Anh cho kịp, đến
muộn là thầy đuổi về chứ không thèm tiếp. Làm công việc “chạy sô” giáo viên
cũng cực lắm.
Nhà thầy Mạnh ở tận huyện Thái An, xa tắp mù khơi. Đường quê không đèn, tối
hun hút. Hai bên đường vắng tả vắng tơi, không một bóng người, không một bóng
nhà, chỉ có tiếng quạ, tiếng chim lợn ăn đêm kêu rả riết đến rợn cả người. Trời
về đêm nhiệt độ càng xuống thấp, lạnh đến tím da tái thịt. Sương giăng xuống
như mẻ lưới bạc bọc lấy không gian một màu trắng xóa mù mịt. Đứa nào cũng rét
run cầm cập, tay chân loạng xoạng, mắt lồi hết gân xanh gân đỏ. Có nhiều đoạn
phải đi qua bãi tha ma, mùi tử khí bốc lên ẩm ướt từ những ngôi mộ mới cất, kèm theo những ánh lửa ma trơi lập lòe làm chúng nó dại cả sống lưng, chỉ biết cắn môi
mà phóng cho nhanh. Đi thầy đi cô mà như đi vào động dạ xoa, nhơ nhớp, nhầy nhụa
và đáng sợ đến ghê người.
Đang đi thì xe Liên hết xăng, tắt ngúm giữa đường. Cái bọn cho thuê xe chó đểu! Không hiểu nó chỉnh kim xăng kiểu gì mà lúc đi thì đầy, bây giờ đã không còn
vạch xăng nào. Giữa đồng không mông quạnh, khốn nạn cho chúng nó, dắt bộ cả cây
số cũng chẳng thấy trạm xăng nào.
Dắt qua một góc tối, bỗng một đám thanh niên từ đâu nhảy ra chặn đường, điệu bộ
rất cà chớn. Bọn này chắc là trẻ trâu trai làng đi tụ vạ ăn đêm về. Thằng nào
cũng gầy teo xương teo thịt, đen nhẻm đen nhèm, đầu tóc lộn sòng như đầu tôm, quần áo tân thời nhưng rẻ tiền, lâu ngày không giặt đánh bết vào
nhau, chẳng khác gì mớ rẻ rách lót ổ chó đẻ. Người chúng bé cỏn con như cái kẹo
mút dở, nhưng lại thích tỏ vẻ hổ báo đàn anh đàn chị, đúng chất thanh niên Việt
Nam thế hệ hội nhập, đói ăn, vô công rồi nghề. Một thằng tiến đến gần cái
Nguyệt, giọng lấc cấc.
- Mấy em đi đâu đêm hôm thế này? Xe hỏng à? Dắt vào đây bọn anh sửa cho!
Nói rồi, nó đưa tay mân mê cổ cái Nguyệt làm con bé sợ khóc thét. Mấy thằng còn
lại đang định sấn vào... May quá, có một bác đi xe máy tới, quát to:
- Mấy thằng mất dạy kia. Lại đi trêu gái. Về mau không tao gọi công an đến gô
cổ chúng mày lại bây giờ! Lũ mất dạy!
Bọn kia nghe vậy chạy lủi mất, để lại mấy đứa con gái đang sợ chết đứng người,
không cử động nổi. Cái Nguyệt vẫn khóc rưng rức, chưa bao giờ nó sợ và kinh hãi đến thế.
Người đàn ông phóng xe tới chỗ chúng nó hỏi han:
- Các cháu đừng sợ! Mấy thằng này bác biết cả, nhà chúng nó ở trong xã, cái bọn
thất bại của xã hội núp sau tre làng ấy mà. Bọn này bác đe suốt. Mà đi đứng làm
sao lại lẩn thẩn vào đây thế này?
- Xe hai bạn này bị hết xăng giữa đường nên chúng cháu phải dắt bộ ạ. – Nhi
bình tâm một lúc mới dám nói.
- Ở gần đây có trạm xăng nào không bác ơi? – Cái Thắm nhanh nhẹn.
- Gần đây thì không có, phải đi tiếp hai cây nữa mới có. Mà giờ này chắc gì họ
còn bán.
Người đàn ông ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo Liên mở bình xăng ra. Lập tức, ông lấy
vòi hút bia cho vào mồm hút xăng từ xe mình sang xe Liên. Chẳng mấy chốc đã đầy
hơn nửa bình.
Có xăng, xe nổ máy ngon ơ. Cả lũ mừng quýnh, cảm ơn rối rít.
- Bác bán bia ở gần đây, giờ
mới hết khách. May cho các con là xe bác mới đổ đầy bình xong đấy. Tối muộn thế
này còn đi đâu lang thang ngoài đường thế?
- Dạ chúng cháu đến nhà thầy ạ. – Nhi lễ phép trả lời.
- Nhà thầy ở đâu?
- Dạ ở xã Tính Phong ạ? – Liên đáp.
- Trời đất, xa vậy mà cũng bắt học sinh tới, lại đêm hôm thế này! Sao thầy mày
khốn nạn thế? – Người đàn ông thốt lên ngạc nhiên, vẻ bất bình.
- Dạ không bác ơi, tại chúng cháu phải đi nhiều người quá nên đến muộn. –
Nguyệt thanh minh – Để cháu trả bác tiền xăng ạ.
- Cái con bé này dở hơi à? Có tí xăng đáng bao nhiêu. Thôi đi đi không muộn!
Cả lũ tíu tít cảm ơn người đàn ông rồi tiếp tục hành trình xa xôi, trời vẫn
lạnh nhưng lòng người đã sưởi ấm cho nhau. Ở giai tầng dưới của xã hội đâu đó
vẫn còn người tốt, tốt hơn nhiều so với những kẻ được coi là văn minh, lịch sự,
đẳng cấp cao, mà não chỉ để trồng hoa xuyến chi.
Nhà thầy Mạnh ở quê, đúng kiểu “nhà không số phố không tên” nên rất khó tìm, dù
có địa chỉ vẫn không thể lần ra nếu không có chủ nhà ra đón. Đã vậy, ở quê nhà nào
cũng tắt đèn ngủ sớm, chẳng hỏi thăm ai được. Trời lại đương đổ cơn mưa phùn như hàng
trăm mũi kim xát vào người chúng nó. Cái Nhi bắt đầu ho lạc giọng, còn Nguyệt sụt sùi đến
khổ với đám nước mũi cứ chực chảy ròng ròng. Bí quá, Liên đành phải gọi cho
thầy.
- A lô thầy Mạnh ạ? Em là Liên đây ạ. Thầy ơi, cán bộ lớp chúng em đến cảm ơn
học phần thầy, bọn em đang ở gần nhà thầy nhưng không tìm được nhà. Thầy có thể
ra đón bọn em được không ạ!
Ở đầu dây bên kia, giọng đàn ông lè nhè:
- Thôi chết! Thầy phải đi ăn cưới bạn trên Hà Nội, với lại phải lo công chuyện
trên này nên hai ba ngày nữa mới về. Thầy vừa đi chiều nay xong, vội quá nên
quên không báo cho em. Thôi các em cứ về đi, khi khác đến cũng được. Cơm không
ăn gạo còn đó, lo gì em!
Nói rồi thầy cúp máy cái rụp, không một lời xin lỗi. Liên thững cả người, không
nói được câu gì, nước mắt cứ chảy ra, ấm ức đến nghẹn cả họng, tức mà không dám
tức. Cả bọn buộc phải lủi thủi đi về, đói và rét đến mệt lả cả người đi, mắt
nhòa đi vì nước mưa và nước mắt, vừa giận lại vừa sợ nên phóng bạt mạng chẳng
còn thiết gì nữa. Đời chúng nó chưa bao giờ khổ và nhục như hôm nay.
Ở Việt Nam, đa số những người làm nghề ngồi trên đầu người khác thường mắc phải
bệnh điệu, điệu đến chảy hết mọi thứ nước từ mọi bộ phận từ trên xuống dưới ra,
tiền thì thèm đến nhỏ dãi nhưng cũng phải để người khác khốn khổ đã thì mới
chịu nhận, không thì không đành lòng.
***
Đến hôm sau, chỉ còn Thắm với Liên trụ được. Nguyệt sốt nặng đêm đó, Nhi thì viêm họng, ho đến nổ phổi, phải xin nghỉ học. Còn cái Linh bị bỏng lạnh đóng
vẩy ở quanh mồm, trông phát ghê, chẳng dám ló mặt ra ngoài đường. Hôm nay Liên
bực mình lắm nên đã sạc cho cái Hằng một trận. Nó dám bảo cán bộ lớp lợi dụng
việc đi học phần cho lớp để làm thân với các thầy cô mới tức. Nó nghĩ ai làm cán
bộ thì cũng lươn lẹo hết sao? Đến lúc Liên đi xuống bảo nó đi nốt bốn thầy cô hôm
nay thì nó rụt vòi vào. Đúng là cái bọn ghen ăn tức ở, rảnh rỗi kiếm chuyện để
cào bằng. Không gì nhỏ nhen và phức tạp hơn thế giới đàn bà trong một đất nước đàn bà.
Chiều nay Liên đã mua sẵn két bia, định đến nhà thầy Ích trước tiên. Nhưng vừa vào
đến thành phố, thầy gọi điện bảo phải đi ăn tiệc, hẹn tối muộn hẵng đến, làm
Liên với cái Thắm phải lóc cóc vác két bia nặng trịch diễu đi khắp phố phường.
Trời hôm nay vẫn mưa phùn, nước mưa bắn vào làm chỗ bìa giấy bên ngoài két bia
nhão ra. Đi đến đoạn Gốc Chuối, Liên tránh không kịp một bà đang sang đường nên
bị đổ xe, may mà quần áo dày nên không bị xước xát gì. Chỉ phải nỗi, két bia
bất trị vừa rơi xuống đường đã bục tung, từng lon bia lăn lông lốc trên đường
như gà sổ chuồng. Đường chiều đông, bình thường đã tắc, lại càng thêm tắc.
Chẳng ai thèm đỡ chúng nó dậy, cũng chẳng ai nhặt bia cho chúng nó, nhưng chửi
mắng thì xôm lắm, mỗi người một câu nhảy vào. Người này thấy người kia chửi thì
cũng chửi góp vui. Người Việt Nam có tính sống bầy đàn quen rồi, cứ người này làm thì người kia cũng phải hùa theo cho
có miếng, để còn biết mình đang tồn tại.
Loay hoay mãi, cuối cùng cũng nhặt được chỗ bia, nhưng nhìn vào thùng chỉ còn
lại phân nửa, Liên thấy lạ quay sang hỏi Thắm:
- Thắm ơi sao chỉ còn có nửa
già thùng bia nhở? Bạn nhìn quanh xem còn lon nào bị ở đường không?
Thắm đảo mắt một lượt, soi kĩ
từng ngóc ngách quanh đó nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một lon bia
nào. Nó ngây người một lúc rồi cũng hiểu ra, quay sang nhìn Liên mà than:
- Thôi rồi Liên ơi! Nửa chỗ bia
còn lại chắc bị chúng nó hôi hết rồi, nãy đường đông mình không để ý.
Nghe Thắm nói vậy, Liên tức
lắm, hai mắt đỏ ngầu mà không làm gì được, chỉ biết lầm bẩm chửi:
- Tức quá đi mất! Mang tiếng
thành phố trung tâm mà vẫn còn lắm đứa đói ăn, ăn bẩn như thế. Để xem, chúng
mày nuốt không trôi nổi lon bia đâu! Đái ra máu cho mà xem! Một lũ mạt vận!
Cũng may còn được nửa
thùng bia, nhưng lon thì méo, lon thì bẩn, lại có lon dính cả cứt chó nữa. Nhìn
đến là tởm. Cái Thắm bắt đầu sợ, nó khóc rưng rức.
- Làm sao bây giờ, còn có nửa
thùng bia mà lại bẩn thế này thầy mắng chết?
- Mắng gì mà mắng, đằng nào
thầy chẳng uống vào mồm, có dính cứt vẫn uống ngon lành. Mà thầy cần tiền là
chủ yếu, bia chỉ là phụ thôi, cũng là thứ nước vàng khè như nước đái chứ báu gì
mà phải thèm thuồng.
Chưa bao giờ Liên mạnh mồm và nói bậy như hôm nay, không giống nó mọi khi chút nào, khiến cái Thắm cũng phải sợ. Nhưng quả thực, từ bé tới giờ, nó chưa từng va phải những hoàn cảnh trớ trêu, nhục nhã và đáng giận đến thế này. Nhà nó dưới quê nghèo thì nghèo thật đấy, nhưng ít ra cái tình người vẫn còn bao bọc được nhau mà sống. Còn giữa cái nơi phồn hoa rẻ mạt này, mọi thứ thối tha bị văng hết ra, đập vào mặt nó chan chát, rát đến tận xương.
***
Nhà cô Phòng bốn tầng, sơn màu
hổng nổi bật nhất khu Linh Tràng. Chồng cô mới mất năm ngoài, nghe đồn bị xã hội
đen thanh toán lẫn nhau. Trước nhà cô là sới bạc to nhất nhì quận, nhưng giờ chẳng ai lui tới nữa. Cô
không có con nên ở một mình, nhà cửa cũng bề bộn. Liên bấm chuông nhưng cô không
ra, gọi điện thì cô bảo đứng đợi cô một chút, cô đang dở việc nhà. Đợi những
nửa tiếng sau cô mới lò dò bước ra, mặt mày cau có.
- Đã bảo cứ đưa luôn ở trường
cho xong lại còn đến nhà làm gì cho bẩn nhà tôi ra? Thôi, đến rồi thì vào đây!
Chưa kịp ngồi, cô đã sa sả:
- Mà đừng ngồi lâu để xin tôi
rút đề đấy.
Cầm túi
quà, mở ra xem thì thấy có hộp bánh và phong bì, cô lạnh lùng.
- Lần sau có quà giá trị thì
hãy để kèm vào, còn không thì cứ phong bì mà đưa, tôi ăn gì bánh mà để vào đây? Toàn bánh rẻ tiền mà cũng đem đi biếu.
- Nói rồi cô vất toẹt túi quà sang một bên làm hai đứa sượng cả người. Cô chẳng
thèm mời nước, nhưng cũng giả bộ hỏi han cho có lệ.
- Thế đi những ai rồi?
- Dạ, hôm qua thì bọn em mới đi được thầy Lợi, cô Chín và cô Ngoan ạ. – Liên lễ
phép.
Thấy nhắc đến cô Ngoan, cô cười nhếch mép
kiểu khinh thị:
- Từ nhà cô Ngoan mà sang nhà
tôi như kiểu từ nhà Nghị Quế sang nhà chị Dậu ấy nhỉ?
- Nhà cô cũng đẹp mà cô. – Thắm
nói đỡ, giọng thảo mai.
- Nhà tôi thì sao dám so với
nhà cô Ngoan. “Ăn” bao nhiêu mới có được cái nhà ấy đấy.
- Làm trưởng khoa giàu vậy hả cô? – Thắm hỏi hồn nhiên, tiếp xúc với các thầy
cô nhiều nên nó cũng bạo dần.
- Lương thì cũng như chúng tôi, nhưng cô Ngoan được cái thủ đoạn có thừa.
Các bạn tưởng tự nhiên cô ấy được làm trưởng khoa ấy à? Tiền tỷ đấy nhé. Thời
buổi này cần gì năng lực, tiền thôi.
- Nhưng... em thấy cô Ngoan cũng
là tiến sĩ nên chắc cũng giỏi chứ cô nhỉ?
- Giỏi cái đếch gì, dốt như bò
tót! Ban đầu cô ấy thi nghiên cứu sinh ở trường sư phạm trượt thẳng cẳng đấy,
về trường tổng hợp thi mà vẫn còn trượt. Cuối cùng chạy sang viện, đút cho
lắm tiền vào để được cái bằng tiến sĩ. Có mà tiến sĩ giấy. Gần nửa tỷ cái bằng
tiến sĩ của cô ấy đấy, học hành gì. Cái loại ấy thùng rỗng kêu to, dốt mà lại
tưởng mình giỏi, huênh hoang khắp nơi. Đợt này cô ấy còn đang rục rịch chạy lên
phó giáo sư nữa cơ. Chắc định sau khi về hưu vẫn bám lại trường vơ vét thêm
chục năm nữa cho đã cái lỗ mồm đây mà [2]. Tôi còn lạ gì cái loại người mượn
danh khoa học để nốc tiền vào họng. Nghiên cứu gì cái ngữ ấy. Các bạn mà muốn ở
lại khoa thì cứ xác định mất riêng cho cô ấy gần trăm triệu nhé, còn các vị
khác chưa tính.
Thấy cô nói hăng quá, Thắm nổi tính tò mò,
nó giả vờ hỏi dò:
- Thế còn chồng cô Ngoan thì
sao hả cô?
- Thế các bạn không biết à,
thằng cha Hùng trưởng phòng đào tạo đấy. Tôi còn lạ gì cái phòng đấy. Chạy
điểm, chạy bằng, chạy môn, cứ vào đấy. Mà các bạn ít vào đấy thôi. Ở cái phòng
ấy cái gỉ cái gi, cái gì cũng quy ra tiền được. Vợ chồng cô Ngoan "đi
đêm" với thằng hiệu trường, làm vương làm tướng với ai chứ tôi là tôi
đếch sợ, tôi còn biết đầy cái thối của nhà cô ấy. Chẳng qua tôi chưa thèm nói
thôi. Mà các bạn thì tôi khuyên thật, nếu có tiền thì cứ chạy vào mấy cái phòng
ban trường mình, sang cắp ô đi tối cắp ô về nhưng tha hồ kiếm tiền, phòng nào
cũng kiếm được hết. Cứ đè đầu lũ sinh viên ra để mài tiền thì không bao giờ lo
đói. Chứ đừng đi dạy như chúng tôi, vất vả ra mà tiền chẳng có là bao.
Nói xấu các cô chán chê xong, cô Phòng lôi ra một tờ catalog, giọng chào hàng
dẻo như kẹo kéo. Thì ra cô bán hàng cho một công ty đa cấp. Chẳng hiểu
cô gạ gẫm thế nào mà Liên với Thắm cũng mất gần trăm nghìn mua sản phẩm cho cô.
Cái mồm giáo viên mà đi bán đa cấp thì dẻo phải biết.
***
Chuyến ghé thăm nhà cô Phòng
làm cho cả Liên và Thắm gần như mất hết niềm tin vào sự cao quý, thanh bình của
nghề giáo mà chúng nó vẫn nghĩ trước kia. Đúng như cô Chín nói, chốn này như
chốn chợ búa, người ta nói xấu, dìm hàng, dẫm đạp lên nhau nhoay nhoáy như
giống thú vật.
Rời khỏi nhà cô Phòng, hai đứa lại tiếp tục đến nhà thầy Đãng. Thầy còn trẻ,
chưa có vợ, trước cũng là sinh viên của trường nhưng được “giữ lại”. Thầy giỏi
lắm, mới về trường được hơn ba năm mà đã mua được nhà riêng, dù chỉ dạy thể
dục. Thầy đẹp trai, lại có vẻ phong tình nên con gái đứa nào cũng có cảm tình
với thầy. Cứ thi thoảng thầy lại mời được một vài em nữ đi cà phê cà pháo. Vừa
nghe thấy tiếng Liên gọi ngoài cổng, thầy đã đon đả chạy ra. Quả là thầy vẫn
còn chất đàn ông nên không làm kiêu như các cô và một số thầy khác.
- Các em vào nhà đi, đừng ngại!
Thầy đón tiếp chúng nó rất nhiệt tình, mời nước nôi chu đáo.
- Các em uống gì? Nước ngọt, cà phê, hay bia? Hay… rượu nhé!
- Dạ thôi bọn em uống nước lọc cũng được thầy ạ. Thầy chu đáo quá ạ! Cô nào mà
lấy được thầy là hết ý đấy ạ! - Cái Thắm lại tiếp giọng thảo mai. Đi thầy
cô nhiều, tiếp xúc với giới trí thức nhiều làm nó bạo hơn và cũng lươn lẹo hơn.
Thầy tiếp chuyện chúng nó, mắt liếc nhìn khắp cơ thể từ đầu đến chân, nhìn
không sót chỗ nào rồi mới đả đưa hỏi:
- Thế các em nhà ở đâu?
- Dạ, em ở Ninh Bình, còn bạn Thắm ở Cao Bằng ạ. - Liên đáp.
- Các em gái quê mà xinh nhỉ, còn hơn cả con gái thành phố! – Thầy bắt đầu
buông giọng tình tứ, mắt vẫn nhìn không thôi. – À, Thắm cho thầy xin số điện
thoại, Liên thì thầy có rồi.
Rồi thấy rút máy để lưu số, nhưng không hiểu sao lại lóe lên ánh flash.
- Ồ, thầy xin lỗi! Thầy ấn nhầm nút chụp ảnh. – Thầy cười nhẹ, thản nhiên như
không. Hình như thầy làm những việc này quá quen rồi.
Ánh đèn flash nhóe lên đột ngột như một cơn điện xẹt làm Liên giật mình nhớ tới
lời dặn của bà chị họ mấy hôm trước: “Mày đến nhà ông Đãng phải cẩn thận đấy! Ông ấy mà xin địa chỉ hay gạ giới thiệu với người này người nọ thì cứ bơ đi.
Ông này cầm đầu đường dây gái gọi sinh viên ở trường mình, toàn chăn sinh viên
làm “rau” cho bọn thành phố thôi. Cán bộ, quan chức, dân kinh doanh, đủ cả. Kí túc xá chị ở có
mấy con bé bị ông ấy chăn rồi, tối nào cũng thấy có ô tô đến rước, đến tận sáng
mới mò về. Bọn này nó chê gái thành phố, thích gái quê như mình, mộc mộc tí
nhưng hàng sạch. Mày liệu mà cẩn thận không hỏng đời!”
Liên còn đang bần thần chưa
biết làm gì, thầy đã nhanh mồm quay ra hỏi Thắm:
- Nếu chưa có người yêu thì để thầy giới thiệu cho, thầy có mấy anh bạn làm
công an giao thông cũng khá lắm, mỗi tháng các anh ấy bét nhất cũng phải kiếm
được chục triệu.
- Làm công an giàu vậy cơ hả thầy? – Thắm ngạc nhiên.
- Ừ thì cũng đủ ăn, nhưng được cái không lo thiếu thốn. Khi nào bí tiền thì mặc
bộ quân phục vào, ra đứng đại ở một góc nào đấy làm “anh hùng Núp”, chừng nửa
tiếng là đủ tiêu bét nhè. Haha…
Chưa để thầy nói hết câu, Liên đã ngắt
lời:
- Thầy ơi, bây giờ muộn rồi, bọn em còn phải đi mấy cô nữa cho kịp thầy ạ. Bọn
em xin phép thầy ạ!
Rồi nó dắt tay cái Thắm đi thẳng, chẳng dám ngoái lại. Lúc ra đến cửa, thầy vẫn
ới theo:
-
Lúc nào khó khăn mà cần tiền thì cứ đến gặp thầy, thầy sẽ giúp!
Chẳng biết sau hôm nay thầy có
mồi được em nào không, chỉ biết cái Thắm đang mở cờ trong bụng với những con số
hàng triệu mà thầy đưa ra.
***
Gần tám giờ, hai đứa mới đến nhà cô Thi. Nhà cô nằm sâu trong một con ngõ
nhỏ gồ ghề những lát gạch đỏ bàng bạc qua những vết người đi. Chúng nó có phần
ngạc nhiên, vì nhà cô Thi không đồ sộ như những thầy cô khác, chỉ là một căn nhà
nhỏ lợp tôn xi măng, tường rêu quét ve đã sỉn màu và có nhiều đường nứt bao
quanh. Trước nhà có một mảnh vườn nhỏ xinh trồng mấy cây rau quả, trông cũng
bình dị như ở quê chúng nó.
Cô mở cửa, nhẹ nhàng mời hai đứa vào nhà, lại còn cẩn thận lấy dép cho chúng đi
khỏi lạnh chân. Vừa vào nhà, cô sờ tay chúng nó, trách:
- Rõ khổ chưa, đi ngoài đường mà không chịu đeo găng, để tay chân lạnh cóng thế
này.
Rồi cô lấy hai cốc nước vối nóng giúi vào tay chúng nó. Đang lạnh mà được cầm
cốc nước nóng cho mềm tay thì sảng khoái phải biết. Thấy hai đứa có vẻ mệt, cô
hỏi ân cần:
- Thế ăn uống gì chưa?
- Dạ… chưa cô ạ. – Liên rụt rè.
- Khổ, chắc đi nhiều thầy cô quá chứ gì? Thôi vào đây ăn luôn với cô cho vui!
Nói rồi cô kéo tay hai đứa vào nhà trong, mặc cho chúng nó từ chối đây đẩy.
Tính cô thế, đã mời ai thì phải mời bằng được. Bữa cơm tối nay giản mộc như
chính con người cô, chỉ có đĩa đậu rim cà chua và củ cải luộc chấm mắm cáy.
Nhưng không biết vì đói, vì rét hay vì tấm lòng chân thành của cô mà chúng nó
ăn lấy ăn để. Ngon lắm! Bình thường Liên chỉ ăn có hai bát cơm, hôm nay ăn tận
ba bát, chẳng ngại ngùng, cũng chẳng làm khách, cứ tự nhiên như ở nhà. Đây là
bữa cơm ngon nhất mà Liên được ăn từ hồi lên thành phố nhập học tới giờ, món đậu rim ngọt mướt và
thơm phức, càng ăn lại càng thèm. Chắc nó sẽ nhớ mãi món đậu rim này, không thể nào quên.
Đang ăn
thì Liên ngẩng lên, thấy cô đang nhìn hai đứa nó, thỉnh thoảng lại lấy đũa gắp
từng miếng đậu béo núc vào bát chúng. Chưa bao giờ nó ngồi gần cô đến thế, mái
tóc lấm tấm bạc và những vết đồi mồi chớm xuất hiện đằng sau nếp nhăn nơi khóe
mắt của cô làm nó nhớ đến mẹ. Chắc cô cũng như mẹ nó, cũng phải nhịn ăn nhịn
uống, chắt chiu từng đồng để nuôi con học đại học. Cùng là giảng viên đại học
mà sao nó thấy cuộc sống của cô khác với những con người kia quá. Nghĩ đến đây,
nó thấy cay mắt, chỉ muốn ôm chầm lấy cô.
Cơm nước no nê xong cô lại mời chúng nó lên nhà uống nước, nhất quyết không cho
rửa bát kẻo lạnh tay. Nhà cô chỉ có gian phòng khách, gian bếp và một căn gác
lửng để ngủ và soạn giáo án. Cô có một chị đã lấy chồng, còn chồng cô vẫn đang
làm bảo vệ, hôm nay chú phải làm ca đêm nên không về. Cô mở túi quà đưa lại hộp
bánh cho Liên rồi bảo:
- Cầm về mà ăn với nhau! Cô nói chân tình, cô chẳng muốn nhận mấy cái này đâu.
Cô đi dạy chúng mày thì nhà nước trả lương cho cô rồi chứ tiền nong gì nữa.
Nhưng, mình sống trong xã hội, trong tập thể như cái nan hoa ở bánh xe, xe đi
thì mình phải đi, xe dừng thì mình phải dừng, không đi lệch ra khỏi trục của nó
được, nó nghiến mình chết ngay! – Cô lại nhìn chúng nó trân trân một lúc rồi
mới nói tiếp - Nếu không phải đi ai nữa thì ở đây ngủ với cô, mai về! Thân con
gái mà đêm hôm cứ lao ầm ầm ra đường thế cho khổ ra. Không hiểu cái lũ khốn nạn
ấy nó nghĩ gì mà năm nào cũng hành con người ta thế này?
- Bọn em phải đi thầy Lợi dạy thống kê nữa cô à... – Liên ậm ừ một chút trong
lòng rồi cũng bật ra – Cô ơi… sao… sao em thấy cô không giống những cô khác?
Dù biết hỏi như thế là vô duyên lắm, nhưng Liên bỗng thấy thương cô, và càng
thương thì mối băn khoăn càng lớn. Nó không thể hiểu vì sao, vì sao cùng là
giáo viên, cùng đi dạy học, cùng ăn lương nhà nước mà lại có sự cách biệt lớn
trong cuộc sống của những con người ấy đến như thế. Trong cùng một nghề mà cũng
có sự tách biệt về đẳng cấp sao? Cuộc sống của họ như hai tầng thế giới cách xa
nhau cả ngàn cây số. Họ khác nhau về kinh tế, lối sống và khác cả về nhân cách.
Cô cũng biết ý của nó, cười trừ:
- Ừ thì mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà
mỗi cảnh em ạ!
- Em cứ tưởng làm giáo viên, công chức thì đồng lương phải như nhau chứ cô? Như
thế thì bất công quá! – Cái Thắm nói chen vào, nó cũng bức xúc như Liên.
Cô nhìn chúng nó trìu mến, cười nhẹ:
- Các em đừng vội trách các cô ấy. Đồng lương nhà nước cho là đồng lương chết
đói, chẳng đủ sống. Chỉ có làm trong công an, quân đội thì may ra lương cao vì
nhà nước cần nuôi quân để bảo vệ, chứ như các cô thì nghèo lắm. Mà có gia đình
rồi thì các em mới hiểu, bao nhiêu thứ phải lo toan, bộn bề, chỉ trông vào đồng
lương còm cõi thì không thể đầy đủ được em ạ. Làm người ai cũng có tham vọng,
ai cũng muốn đi lên, chẳng ai muốn dậm chân tại chỗ. Còn những kẻ như cô, người
ta gọi là người của thời bao cấp, thuộc về dĩ vãng rồi, ăn mày quá khứ để mà
sống thôi. Vả chăng, cô cũng tự thấy mình không có khả năng bon chen, dẫm đạp
lên người khác, lương tâm mình nó không cho phép em ạ. Thôi, cụ Nguyễn cũng
nói rồi, “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao”. Họ
khôn thì họ giàu có, mình dại cũng không nên trách họ. Dù sao, sống tiết
kiệm hết mức thì cũng đủ tiêu, không phải nợ nần là may lắm rồi. Nhìn lên thì
không bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình, đời còn nhiều người khổ hơn mình
lắm. – Rồi cô lại nhìn trân trân vào hai đứa cho đôi mắt thêm sâu - Cô chỉ
khuyên các em rằng, sau này có đi dạy cũng gắng kiếm tiền bằng chính mồ hôi nước mắt
của mình, đừng chà đạp lên người khác! Mình làm trong môi trường giáo dục thì
dẫu ít dẫu nhiều cũng nên sống sao cho nhân văn một chút, cho đúng là con
người. Nghề giáo là nghề cao quý. Nhục nhất là cái nhục bị nhân dân khinh rẻ,
bị người đời chửi rủa. Ở trường đại học họ chỉ dạy các em kiến thức chứ không
dạy nhân cách, môi trường giáo dục này nó cũng xô bồ như chốn chợ búa thôi.
Nhưng các em cũng đừng vì thế mà mất niềm tin vào nghề, bởi các em chính là
người tạo ra nghề mà!
Những lời tâm sự chân thật của
cô, cả Liên và Thắm đều thấm thía đến từng hơi từng chữ. Đúng là trong cái xã
hội ti tiện, nhỏ nhen, tanh tưởi này vẫn còn đâu đó những nhân cách đáng để làm
người, dù chỉ như ánh nến lóe lên trong đêm tối thôi cũng đủ soi đường cho
người ta đi. Cứ đi theo ánh sáng đó, không cần phải nhìn vào màn đêm xung quanh
để làm tối bản ngã của mình đi.
Lúc ra về, cô còn ấn cho mỗi
đứa một đôi găng tay cô tự đan, còn dặn đi thầy Lợi xong thì về nhà cô mà ngủ
cho gần. Cô đứng trông hai đứa ra đến tận ngõ, đợi chúng nó đi khuất mới vào
nhà. Hơi ấm của cô vẫn đi theo chúng nó suốt con đường lạnh buốt.
***
Hai đứa vừa kịp dừng xe ở cửa
nhà thầy Ích thì bị kéo giật lại. Một đứa con gái nhảy ra hỏi, giọng đành hanh:
- Bạn cũng đi thầy hả?
- Ừ, thế còn bạn? – Liên ngạc nhiên.
- Bọn tớ cũng đi thầy! Bạn ra góc kia đứng đợi đến lượt đi! Bọn tớ chờ ở
đây từ tối tới giờ mà còn chưa được vào đây này.
Lúc ấy Liên mới để ý quay lại
thì thấy còn vài tốp nữa cũng đang đứng đợi. Đã gần mười giờ mà ngõ nhà thầy
vẫn đông kín người, cứ hết tốp này lại đến tốp kia, tấp nập ra vào, nói cười
rôm rả như người ta đi lễ. Hôm nay đi thầy đông vui như trảy hội.
Liên và Thắm là tốp cuối cùng
nên phải đợi đến gần mười một giờ mới tới lượt. Trông thầy cũng thấm mệt nhưng
có vẻ hả hê bên cạnh chiếc bàn bày la liệt hoa quả, bánh kẹo, và phong bì bóc nham
nhở. Thầy chẳng nói gì, chỉ bóc phong bì xem tiền. Sau một hồi kiểm tra, thầy
quay ra bảo Liên:
- Đủ rồi đấy. Em cứ về bảo lớp là yên tâm học hành, vào phòng thi mà không làm
được bài thì cứ chép lại đề cho đầy mặt giấy. Kiểu gì cũng tám chín hết, miễn
không để giấy trắng là được. Thôi muộn rồi, về đi! – Thầy vừa nói vừa bật lon
bia tu ừng ực, từng dòng bia vàng ố chảy cả xuống áo. Hình như lon bia thầy
đang uống có dính cứt chó?
***
Đường Nguyễn Văn Lan tầm khuya
vắng người nên container phóng bạt mạng như chó đêm giữa lảng vảng sương rêu.
Đi đến đoạn ngã tư Bắc Đẩu thì gặp đèn vàng, đáng lẽ Liên định vượt quá một
chút nhưng cái Thắm sợ các chú công an áo vàng vẫn đang trong giờ cần tiền nên bắt phải dừng. Con bé không biết rằng container thường không dừng
đèn vàng cho đỡ tốn nhiên liệu, chỉ đèn đỏ hẳn mới dừng. Liên phanh gấp khựng
lại khiến chiếc container đang phê thuốc phía sau không kịp xử lí…
- Á!...
Một tiếng thét thảm thiết vang
lên giữa đêm tối mù mịt…cứ thế…chiếc container lao tới như máy nghiến kéo lê
chiếc xe máy và hai đứa con gái xa tận vài chục mét. Liên càng đau đớn kêu cứu
thì nó càng cố tình nghiến mạnh hơn cho chết hẳn mới thôi. Phải chết hẳn thì
bảo hiểm mới đền bù chứ dở sống giở chết thì báo hại nó chết mệt. Chiếc xe máy
nát bét, còn hai đứa thì không nhìn ra hình người nữa, máu chảy lênh láng khắp
đường, thịt dính chặt vào gầm xe, người ta phải dùng cả cần cẩu để nhấc chiếc
container lên mới lôi được chúng nó ra. Hai đứa con gái nhà quê phải chết tức
tưởi trên con đường thành phố, liệu đây là sự hủy diệt hay cái kết có hậu cho
tâm hồn chúng nó?
Cả đêm hôm ấy cô Thi thao thức
không ngủ được, cô đợi hai đứa mãi, nhưng chúng nó không về.
***
Sáng hôm sau tin mới báo về
khoa, trong lúc cô Phòng và các cô khác còn đang oang oang với nhau: “Cái Liên
làm lớp trưởng vẫn kém lắm, đi mỗi hộp bánh với tiền không. Cô nào cũng béo đẫy
thì bánh kẹo làm gì không biết? Mà đề nghị cô Ngoan thông qua ý kiến đi tiền
tất cả các thầy cô trong khoa mỗi dịp lễ tết nhé! Chứ bây giờ lớp nào cũng chỉ
chăm chăm đi mỗi thầy cô dạy chúng nó là không được. Khoa có vài chục giảng
viên cơ mà? Phải đi cả chứ? Dù không dạy cũng phải đi!”.
Hải Phòng ngày 23 tháng 7 năm
2013
_Đức Long_
[1] Tếng lóng ám chỉ những cô
gái giang hồ, làm nghề mại dâm.
[2] Theo Nghị định số
141/2013/NĐ-CP, người mang chức danh phó giáo sư được phép ở lại công tác thêm
7 năm, nhưng không được tham gia quản lí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét