Hương giang sống là một dòng sông kiên cường. Bao nhiêu năm
làm kiếp hạt sóng trôi trên chốn ngự hoa đã giúp nó tu thiền từ nguồn, từ cội.
Dù có chảy từ phía bão táp, dữ dội thế nào, nó vẫn luôn giữ được sự thanh thản
và nhẹ nhàng mỗi khi đong mình về đất cố đô. Có thể nó đã từng thô giáp, từng
đớn đau vì phải hứng chịu những cái tát của đời giông tố, nhưng nghị lực ẩn kín
trong khát khao một tâm hồn đã giúp nó vượt qua ngàn sỏi đá, để vươn tới đài
các xứ ngự, nhận lấy sự ngưỡng mộ, yêu dấu trong suốt bốn kiếp người. Nhìn dòng Hương giang lấp lánh những hạt nắng trời chảy mềm quanh chân Thiên Mụ, người ta
không khỏi trầm trồ về sự nữ tính, dịu dàng đến kì lạ của nó, uốn cong như tấm
lưng ong đầy đặn của người thiếu nữ độ xuân thì. Nhưng ít ai hiểu, để có được
những đường cong quyến rũ đến tan chảy đất trời ấy, Hương giang đã phải gian
truân biết nhường nào nơi thượng nguồn, mới thoát thai được một tân hình hài
khi trôi về Huế thương. Sỏi đá dẫu bạc đến nhường nào, cũng chỉ chà đạp được
tới nước da lững lờ của nó mà thôi, còn phẩm chất nữ tính thăm thẳm tận đáy
sông, là bản thể vĩnh viễn trường tồn, thì không ai có thể xoay vần được. Cái
bản thể ấy mới là linh hồn đi cùng hương giang từ lúc lọt lòng tới khi hóa
thành cát bụi, còn hình hài chẳng qua chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài, có thể đổi
thay để hòa hợp với cái cốt lõi vốn có bên trong mà thôi. Chính phẩm chất nữ
tính được nuôi dưỡng kiên định từng ngày đã giúp nó thực hiện thành công cuộc
hóa thân ngoạn mục, trở thành biểu tượng của cái đẹp xứ Huế trong lòng mọi
người. Hương giang đời xưa đã vậy, đến đời sau vẫn mãi như thế.
***
Chiều nay mưa trên phố
Huế
Kiếp giang hồ không bến
đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi
hoài
cho lòng nhớ ai
Ngày chia tay hôm nao còn
đây
Nước trên sông Hương còn
đầy
Tình đã xa gió mưa u hoài
mắt lệ ngắn dài
...
Tiếng hát người ca nữ ấy bồng bềnh theo từng giọt sóng nhỏ
của Hương giang mát rượi, thoang thoảng theo mái gió tạt qua cánh thuyền nhấp
nhô, thổi đơn côi vào tuổi đời của từng khách nhân. Nàng đứng hát làm mây bay
ngang trời cũng phải đọng lại mà đổ lệ thay đôi mắt xanh xao ấy.
Lần đầu tiên Criss được thưởng
thức một loại hình nghệ thuật độc đáo đến thế, khác xa nền nhạc nghệ Tây phương
mà anh vẫn hằng nghe bên trời Canada. Ca Huế giản dị lắm, chỉ cần một chiếc
phách, đàn nguyệt, đàn bầu và hai đôi chén sứ, hòa lẫn cùng giọng hát con gái
xứ Huế là đủ dựng nên tòa nghệ thuật độc đáo, say đắm lòng người rồi. Ai vô xứ
Huế mà nghe ca Huế trên sông Hương cũng chỉ muốn ở mãi không rời, say mãi không
thôi.
- Dạ, kính thưa quý khách, làn điệu Hò giã gạo đã kết thúc
tiết mục ngày hôm nay của chúng tôi. Kính chúc quý khách gặp nhiều điều tốt
đẹp, may mắn và có những kỉ niệm đẹp về xứ Huế!
Tiếng nói nhè nhẹ, thanh ngọt như nắng rạng đông của người
ca nữ cất lên cắt đứt cơn mê của Criss, giữa lúc anh vẫn đang say lòng trong
sóng và nhạc của những giai điệu bồng bềnh. Chỉ mới nửa giờ đồng hồ mà như ngàn
đời đã trôi qua trên anh. Nhẹ hé mở đôi mắt còn lim dim, Criss cố tìm trong đám
áo dài ấy người ca nữ hát chính, bóng hồng đã ru anh xao xuyến suốt cơn mê này.
Mái tóc đen tuyền đầy đặn trôi dài mềm mại như nước sông Hương rớt xuống đời,
làn da trắng gọi nắng trời xứ Huế, tà áo tím mảnh mai dệt từ mây chiều như nét
chấm phá tinh tế trong bức tranh thủy mặc, và một giọng hát thanh ngọt đài các
nhưng buồn lịm như vùi mấy kiếp người nơi ấy, đó là những mảng kí ức sâu nặng
nhất anh còn nhớ về người thiếu nữ trong suốt nhiều năm sau này. Cơn bâng
khuâng giữa thực và ảo, trong làn khói trắng mênh mang khiến Criss vẫn còn bất
động toàn thân, như kẻ nghiện đang say thuốc. Chỉ đến khi người thiếu nữ bước
rời khỏi thuyền, anh mới sực tỉnh, mới nhớ rằng cuộc đời vẫn đang trôi thật
buồn bã, và anh cần phải làm điều gì đó để được tha thiết hơn. Nghĩ vậy, Criss
chạy lẹ về phía người thiếu nữ, vội nắm lấy đôi tay ngà trắng muốt của nàng.
Nàng quay lại, khẽ mỉm cười, cất giọng nhè nhẹ như sương tối phất phơ:
- Có việc răng rứa anh?
Sự đường đột khiến Criss trở nên ngượng ngùng, lắp bắp mãi
cho đặng một câu.
- Em... em có thể cho anh biết tên được không?
Nàng lại cười.
- Em là Hương Giang.
- Liệu anh
có thể được gặp em bây giờ không?
- Giờ em
phải đi ra tê có chút công chuyện mất rồi.
- Vậy khi
nào em rảnh? Anh sẽ tìm em!
- Anh yên
tâm! Nước sông Hương còn đầy, nếu có duyên mình sẽ gặp lại nhau!
Nói rồi,
nàng bước lẹ trên những phiến đá bờ sông, nhịp nhàng như đi trên những phím
đàn, đánh nhịp vào lòng Criss nhiều cơn bâng khuâng đến khó tả.
***
Mắng nhiếc và chửi rủa. Đánh đập. Xa lánh. Khinh rẻ. Trêu
chọc. Đày đọa. Máu và nước mắt. Gào thét. Đớn đau. Nhục nhã. Đơn độc.
- Tao không có loại con như mày! Cút khỏi nhà tao!
- Em phải sống bình thường như các bạn nam khác!
- Em là con trai! Không phải con gái!
- Mày là thứ tởm lợm, hạ cấp!
- Trường này, phố này làm gì có ai như mày!
- Mày khác người quá!
- Nhìn mày ngứa mắt lắm!
- Trông nó mà ghê cả người!
- Đứng chạm vào người tao!
- Tránh xa tao ra!
- Sao mày lại đẻ ra được?
- Sao mày thích làm con gái? Bệnh hoạn vậy?
- Mày nên chết đi cho mọi người đỡ khổ!
Cứ đánh! Cứ chửi! Cứ xa lánh! Nhưng đừng hòng chạm được vào
sợi tóc của tôi! Tôi sẽ đứng dậy! Tóc tôi sẽ mọc nhanh thôi! Không thể quật
ngã, không thể cắt được mái tóc của tôi đâu! Vì tôi là Hương Giang!
***
Lúa trăng thơm, câu hò làng mẹ
thanh bình
“Nước non ngàn dặm” lung linh
Cờ sao thắm, thắm trên kinh
thành...
Trẻ lại rồi Huế ơi!
Khúc Nam Bình em dạo
Rộn lòng anh...
Chiều lộng vang ngân
Lòng đi giữa mùa xuân
Huế ca khúc Nam Bình
...
Vẫn câu hò nâng nâng, vẫn những giai điệu ngũ cung ru tình
ấy, mà sao không thấy bóng người xưa?
Đây là lần thứ hai Criss đến Huế và được nghe ca Huế trên
sông Hương. Sau lần gặp đầu tiên cách đây ba năm, anh phải trở về Canada để
tiếp tục công việc của mình, không còn đủ thời gian để tìm người thiếu nữ ấy. Ở
trời Tây, anh cũng quen một vài cô gái gốc Việt cho thỏa nỗi nhớ quê nhà. Nhưng
các mối tình của Criss đều chóng tàn lụi, vì anh và họ không tìm thấy chút giao
cảm nào với nhau. Những cô gái ấy, họ chưa bao giờ đi qua những miền mưa nắng,
chưa bao giờ chịu nhìn thấu vào đôi mắt anh, nên chỉ biết chạy theo những hời
hợt tạm bợ của cõi trần trụi, không mang sự tha thiết anh cần. Mới cách đây vài
hôm, Criss chủ động chia tay cô bạn gái thứ sáu và nhanh chóng thu dọn hành lý
để về thăm lại phố Huế. Chốn ấy quá xô bồ và nhạt nhẽo, nó bào mòn tâm hồn anh
đến xanh xao hao gầy, chỉ có nước sông Hương bình lặng mới đủ tưới cho nó nảy
mầm trở lại. Và, anh vẫn không thể quên được người con gái năm ấy, không thể
quên được tiếng hát đã ru anh mê man suốt ba năm qua.
- Chúng tôi xin kết thúc chương trình tại đây. Kính chúc
quý khách một buổi tối tốt lành và có những kỉ niệm đẹp về Huế!
Một lần nữa, câu nói tạm biệt của người ca nữ kéo Criss
khỏi cơn say nhạc. Như ba năm trước, Criss chạy về phía người ca nữ ấy, với
niềm hy vọng dạt dào.
- Thưa cô, cô có thể cho tôi hỏi chút chuyện được không?
- Anh hỏi răng?
- Chẳng là cách đây ba năm, tôi có được lên thuyền nghe ca
Huế tại đây. Tôi nhớ trong đoàn ca nữ có một cô gái mảnh mai, tóc dài, hát rất
hay tên là Hương Giang. Liệu cô có biết cô ấy hiện đang ở đâu không?
Người ca nữ ngẫm nghĩ một hồi, rồi lấy làm tiếc.
- Xin lỗi anh! Tui vô chỗ ni được gần ba năm nay rồi, nhưng
chưa bao giờ nghe thấy cái tên Hương Giang nào rứa.
- Vậy... vậy à, cám ơn cô!
Criss hơi thẫn thờ, nhưng vẫn tiếp tục hỏi han những người
còn lại trong đoàn ca Huế, hỏi cả nhạc công và chủ thuyền. Thậm chí, anh còn
lân la hỏi những người bán rong quanh bờ sông Hương, nhưng chẳng ai biết người
ca nữ nào tên là Hương Giang.
Không nản chí, ngày hôm sau, Criss tìm tới các trung tâm,
tổ chức đào tạo, biểu diễn ca Huế, nhưng cũng không tìm thấy chút tin tức nào
của người ca nữ tên Hương Giang. Chỉ tới lúc bước đến Câu lạc bộ ca Huế Nguyễn
Thị Lợi, Criss mới gặp được mệ Mẫn, người mẹ cố đô đã từng dạy ca Huế cho biết
bao thế hệ ca nữ nơi đây. Mệ Mẫn năm nay đã ngoài tám mươi, mái tóc bạc trắng
như lá vôi rụng đầy, dáng hơi khom theo bóng hình miền Trung, nhưng đôi mắt vẫn
còn đong đầy, chiếc phách vẫn thoăn thoắt trên tay một cách khéo léo. Hương
Giang là một trong những học trò mệ yêu quý nhất, nên khi Criss hỏi về nàng, mệ
nhận ra liền.
- O gái đó thông minh lắm, lại cảm nhạc tốt nữa! Tui dạy
tới mô là thành thục tới đó liền à, không phải dạy tới lần thứ hai. Tui dạy ở
ni gần cả cuộc đời rồi mà chưa thấy ai có giọng hát đặc biệt như rứa, lúc thì
ấm áp đầy đặn như nước sông Hương, lúc lại cao vút như mây qua núi Ngự, nghe mà
như nghiện bàn đèn rứa. Người đâu mà hiền thục nết na, lại khéo léo, lanh lợi,
nhan sắc dễ đến o Kiều ngoài tê cũng phải chạy dài. Chỉ tiếc là đời con bé khổ
quá! Không biết bây giờ đã bớt khổ hơn chưa?
- Cô ấy khổ sao hả mệ?
- Nó là con gái thiệt, tui tin như rứa! Nhưng trước đây nó
phải mang hình hài con trai. Người ta chửi rủa, hành hạ nó ghê lắm. Nó xin đi
học ca Huế mà nào có ai nhận. Gặp tui mà nó khóc như mưa tháng mười. Tui dạy nó
được chừng vài tháng rồi nó đi đâu mất tiêu. Hơn năm sau nó quay về, chẳng ai
nhận ra, đẹp quá trời quá đất, làm mấy đứa ca nữ ở ni cứ ghen tị với nhan sắc
của nó hoài. Nó không nói ra thì tui cũng chẳng biết. Rồi nó cũng theo chân mấy
chị lớn xuống thuyền hát cho khách nghe, ai ai cũng quý. Chẳng hiểu sao cách
đây ba năm nó xin thôi không hát nữa, tui hỏi mà nó không nói.
- Giờ mệ có biết cô ấy đang ở đâu không ạ?
- Nó thôi hát là biến mất luôn, chẳng để lại gì rứa. Ba năm
trôi qua rồi, giờ ở ni cũng chẳng ai rõ nó đi mô nữa. Thế cậu tìm nó mần chi?
Criss ngập ngừng một chút, rồi cười nhẹ, hai mắt sáng lên
như ngộ ra điều gì.
- Cháu muốn tìm lại một mảnh vỡ trong đời cháu mệ ạ. Đúng
là, chỉ có xứ Huế mới sinh ra được những người con gái còn hơn con gái như vậy!
- Vậy cố mà tìm nó đi! Nó chẳng đi khỏi xứ Huế này đâu!
Tạm biệt mệ Mẫn, Criss lại tiếp tục lên đường đi tìm bóng hồng
trong miền kí ức của mình. Sự thực về Hương Giang không làm anh thôi nhớ nhung
về nàng, mà còn khiến nỗi hoài niệm ngày một căng tràn đến bức bối khắp người.
Anh phục và thương cô thiếu nữ ấy vô cùng, người con gái đã bằng sức mạnh bản
thể chiến thắng sự áp đặt cay nghiệt của số phận, để hóa thân thành loài hoa
đẹp nhất trong mọi loài hoa. Bản năng nữ giới của nàng hẳn phải lớn hơn mọi phụ
nữ trên khắp thế gian này, mới tạo tác được kì tích lớn đến thế.
Đã quá giờ bóng đổ mà Criss vẫn chưa ăn uống gì, ngồi mệt
lả bên khung cửa sổ tầng hai, hai mắt xanh xao bắc lên từng lán tím bằng lăng.
Nến hạ đổ qua bóng lá, in xuống nền đường những đốm sáng tim tím xao động, đung
đưa theo gió. Đương lúc còn đang thẫn thờ trong không gian vô định, bỗng bước
qua mắt anh sâu thẳm một bóng áo trắng mềm mại, khiến ô cửa sổ tung mở mênh
mang, chếnh choáng trong ánh nắng mờ.
Tóc ngân hà em bước giữa mùa
thu
Thả vào trời một rừng sao từ
mệnh
Áo địa đàng em đánh rớt bên đời
Cho lòng ai mặc vừa nỗi nhớ
nhung?
Em bước đi mà thời gian chết
lặng
Để thu tàn còn đọng trong mắt
anh.
Chính là người thiếu nữ ấy!
Criss lao nhanh xuống đường, gọi thật to tên
nàng:
- Hương Giang!
Như vẫn còn cách trở bởi tầng tầng lá rụng, nàng dường
không nghe thấy, vẫn bước một cách bình thản.
- Hương Giang! Là anh đây! Nếu còn nhớ anh, xin em hãy dừng
lại!
Cứ sau mỗi tiếng gọi của Criss, nắng lại đổ to hơn, đổ ngập
cả hai vai anh. Nắng càng đổ to, bóng nàng thiếu nữ càng in dài hơn trên nền
gạch đường, cho đến lúc chiếc bóng ấy chạm tới gót chân anh thì nàng quay lại.
Gọi nắng! Tình đã gọi nắng thành nhân!
_Đức Long_
Hải Phòng ngày 18 tháng 10
năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét