Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

SỰ THẬT VỀ CÂU CHUYỆN FULL RES, LOA PHƯỜNG, GIỌNG TO, GIỌNG VANG, KÉO MIC TỚI RỐN…



Bấy lâu nay, các fan diva vẫn hay ca tụng ca sĩ này ca sĩ kia full res, giọng khỏe quá, vang quá, kéo mic tận rốn, tận háng hay tận mây xanh vẫn rõ tiếng lồng lộng.

Ít ai biết rằng, việc kéo mic ra xa, vang lồng lộng hay không cũng phụ thuộc không nhỏ vào mic, quá trình thu chứ không phải ở ca sĩ. Tức là, chưa chắc việc kéo mic ra xa tít đã thể hiện ca sĩ đó giọng to quá, khỏe quá, vang quá hay một thứ gì đó vi diệu quá như nhiều page vẫn ngợi ca.

Khi hát live, bộ phận âm thanh sân khấu sẽ chỉnh độ vang cho mic tùy theo yêu cầu của ca sĩ, hiệu ứng sân khấu và từng loại giọng cho thích hợp.

Đa số da màu xôi thịt đều sử dụng mic đặc, là loại mic để reverb (vang giả) tỉ lệ mix vào vocal rất ít, chỉ xuất hiện ở đuôi của chữ nhằm tạo độ hoà quyện với nhạc, độ bắt của mic không xa, để qua mồm cỡ 30 40 cm là tiếng hụt đi một nửa.

Nguyên nhân vì giọng da màu rất đanh, âm lượng lớn, nếu chèn quá nhiều reverb vào mic sẽ khiến âm thanh không hay và khi để gần mic, lực âm thanh bắn ra mạnh khiếc mic bị rè. Hơn nữa, việc dùng mic đặc sẽ giúp âm thanh giọng hát truyền đi một cách tự nhiên, chân thật hơn. 

Đó là lí do vì sao các da màu xôi thịt toàn giọng spinto, kịch tính âm lượng khủng long, kỹ thuật cũng thượng thừa nhưng khi hát đều phải dí sát mic vào mồm, chỉ cần kéo xa một chút là tắt tiếng ngay.

Ở 5:05 live sau, Whitney hát với mic đặc nên dù đang gồng hết âm lượng nhưng chỉ cần kéo ra xa một chút là mất tiếng, phải vội kéo lại. Trong khi đó, nhiều ca sĩ hát rất bình thường nhưng lại kéo xa tít thò lò vẫn rõ mồn một. 

https://www.youtube.com/watch?v=pQ741nVcYzc

Ngay cả giọng kịch tính khủng long với nhiều lần kéo mic ra xa nhưng khi đụng vào mic đặc cũng bị nhỏ âm lượng lại khi kéo mic ra xa ở 5:33.

https://www.youtube.com/watch?v=-kpE6K9L0T4

Ad đã từng nghe nhiều người chê, sao Whitney, Aretha, Jennifer Holliday… giọng nhỏ thế, hát cứ dí sát mic vào mồm, kéo ra tí là tịt, thua ca sĩ này ca sĩ kia kéo mic tận rốn vẫn lồng lộng =)))

Ngược lại, mic đẫy vang giả là mic 1 nùi reverb, delay, decay để thông số rất cao, blend rất mạnh vào vocal, nhằm tăng độ ảo diệu, độ bắt mic rất xa, thường được dùng cho các giọng nhỏ nhẹ và góp phần tạo hiệu ứng âm thanh khi trình diễn. Loại mic này dù kéo đến rốn alo vẫn bắt mic. 

Ai không tin cứ thử tự kiểm chứng bằng việc chỉnh decay thật cao khi hát karaoke. Lúc đó, bạn để mic ở đầu phòng và đứng ở cuối phòng hát vẫn vọng được giọng vào mic.

Sự thật là đa số ca sĩ châu Á và ca sĩ Việt hiện nay đều dùng mic có nhiều vang giả. Ad đã từng nghe cô Khánh Ly (một giọng hát không hề phô diễn âm lượng) hát tại Nhà hát Lớn, dù khi đó giọng cô không còn khỏe do tuổi cao, nhưng cô vẫn kéo được mic ra xa tít mà vẫn giữ được âm lượng. Vì vậy, việc một ca sĩ kéo mic ra xa không chứng minh được rằng giọng họ khỏe quá, to quá. 

Ví dụ, trong live này, Thu Minh và Thanh Lam dùng mic cực nhiều vang giả, tới mức nghe kĩ sẽ thấy có tiếng loa bị rít (y hệt lúc hát karaoke loa bị rít do để âm thanh to quá). Có vẻ như cả hai ca sĩ đều nhận ra điều này nên phải để mic rất xa chứ dí sát mic quá lâu loa rít lên một cái thì toi =)))

https://www.youtube.com/watch?v=EkJt7ELoXK0

Tiếp theo, nhiều người thắc mắc tại sao live fancam nghe luôn vang lộng mà cứ hễ lên hình lại mất hết vang. Đó là khái niệm live mixing và post mixing. Lúc hát live, ca sĩ phải blend verb vào cho khán giả nghe ở dưới cho ảo diệu, có như vậy giọng hát mới tỏa được khắp sân khấu. 

Nhưng khi thu vocal  hát vào thì phải để nguyên giọng mộc để về còn edit thêm các hiệu ứng âm thanh cho hay hơn. Lúc này, các kỹ sư âm thanh sẽ làm việc, thêm thắt, gia giảm tỷ lệ reveb, tùy mục đích phát hành. Vocal thu về ở dạng mộc có thể chỉnh phô, thêm vang tuỳ ý, chứ không thu như fan cam. Đó cũng chính là dub =))) 

Trên thực tế, các bạn nghe fancam  thấy đã tai do hiệu ứng từ echo tạo vang nhưng flat chênh phô đầy vì chưa qua chỉnh sửa.

Đa số nhà đài ở Việt Nam rất lười edit âm thanh và cũng không có nhân lực tốt làm việc này  nên khi lên sóng, giọng ca sĩ tịt hết, âm thanh thậm thụt, nghe cực kỳ chán, và đó cũng là giọng mộc của ca sĩ. Hay như ở USUK thời 90s đổ về trước, âm thanh cũng ít khi được edit nên giọng ca sĩ đều là giọng mộc, thậm thụt, nghe rất chán do không có hiệu ứng âm thanh. Đó là thiệt thòi của những ca sĩ thế hệ trước. 

Ngược lại ở Hàn, Trung hiện nay các chương trình đều có bộ phận kỹ sư âm thanh làm việc chỉn chu, sau khi thu vocal mộc của ca sĩ về sẽ chỉnh lại hết, thêm thắt vang giả hay điều chỉnh tùy ý, nên khi phát hành âm thanh rất hay, tuyệt hảo. Một số show ở Việt Nam cũng bắt đầu học theo nên gần đây các show nhạc khi phát hành thường có chất lượng âm thanh tốt hơn trước.

Long Phạm

Trang web âm nhạc cộng đồng. Hỗ trợ chúng tôi qua tài khoản: 178204122, ngân hàng VP Bank. Rất biết ơn nếu được hỗ trợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét