Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Hai hồn thơ (Truyện ngắn mới chỉnh sửa)


          Húp vội bát mỳ Hảo Hảo nóng hổi còn cay nồng ở cuống họng, Toàn vẫn còn thòm thèm, gắng đưa lưỡi liếm nốt chỗ cấn mỳ đen ngòm dưới đáy tô để hứng từng giọt mỡ mỳ thơm phức. Từ sáng chưa ăn gì nên nó đói meo, chẳng mấy khi nó được ăn sáng. Ai chê thì chê chứ đánh một bữa trưa bằng mỳ Hảo Hảo là ngon nhất đời. No nê rồi, nó mới sực nhớ hôm nay là hạn cuối đóng tiền học, cô giáo nhắc cả tỷ lần rồi, cô dọa hôm nay không có tiền, cô đuổi học. Không phải nó quên nhưng dạo này mưa lụt, ngập úng, rau hỏng hết, mẹ nó không có rau mà bán. Nhìn những nếp nhăn cay cay nơi khóe mắt mẹ khắc khổ, nó chẳng dám mở miệng xin tiền. Tính nó nhát lắm, mấy lần ú ớ định nói nhưng lại thôi, thành ra cứ phải khất cô hết lần này đến lần khác. Cô giáo bực nó lắm, tháng nào cũng vì nó mà cô bị khiển trách. Biết nhà nó nghèo cô cũng thông cảm, nhưng thực tâm cô chỉ muốn tống nó đi lớp khác cho rảnh.
          Nỗi lo toan thường trực đầu tiên của một đứa trẻ là phải làm thế nào cất lời xin tiền học mà không làm tổn thương mẹ nó, nó nghĩ vậy đấy. Nhùng nhằng mãi, rồi cũng phải quyết định dứt khoát. Thương mẹ lắm, nhưng càng không muốn bị đuổi học, nó xách cặp, chạy tót ra chợ.
          - Mua rau đi bác! Mua đi bác ơi! Rau nhà trồng ngon lắm, mà không thuốc thang gì đâu.
Tiếng rao khàn úa vang khắp chợ. Chẳng ai thèm ngó.
- Rau gì mà úng thế này, ăn sao được?
- Dạo này mưa nhiều nên nó bị thế, nhưng không thuốc thang gì hết, chị mua em bán rẻ cho!
-Thôi, úng thế này cho lợn nó cũng chẳng ăn.
Người đàn bà ngúng nguấy đánh đít lên con AirBlade phóng tuốt đi sau một hồi càu cọ bới nát sọt rau của chị Lần. Cả buổi sáng nay, chị chỉ bán được ba mớ rau muống. Đã quá ngọ, chợ đã tàn, nắng trưa lên đỉnh điểm đổ ụp như thiêu như đốt, nhưng chị vẫn phải cố ngồi lại bán cho hết đống rau rách. Không bán được thì cũng đổ đi, chứ chẳng mang về được. Vừa đói vừa mệt, khát khô kiệt cổ, lại thêm cái nắng gay gắt tạt thẳng xuống chỗ ngồi làm chị lả cả người đi. Mồ hôi chảy qua mắt rớt xuống đời mặn chát. Đã vài tuần nay chị định làm một cái bạt che nắng nhưng góp mãi vẫn không đủ tiền.
Nhác trông thấy mẹ, nó đã muốn bỏ về ngay. Nhưng nghĩ đến cô giáo, nó lại sợ, cố dằn lòng mà bước tới. Mỗi bước đi là một tấn đá đè lên đôi chân bé nhỏ. Trong đầu nó đang hỗn loạn giữa hàng tá suy nghĩ. “Đừng đi nữa, mẹ đang bận và mệt, hãy để tối mẹ về, đợi lúc nào mẹ thư thả rồi hãy xin!”, “Nhưng hôm nay mà không có tiền đóng học thì cô giáo đuổi học, các bạn cười, xấu hổ lắm!”.
Sau một hồi đánh vật trong lòng, nó cũng quyết đi tới. Trong đời một cậu bé con cũng có lúc phải làm anh hùng.
Thấy bóng con, chị Lần hơi ngạc nhiên, nhưng chợt thấy nhẹ người. Kể từ khi bố nó bỏ đi, nó là chỗ dựa duy nhất của chị, dù nghèo chị vẫn cố gắng cho nó được ăn học đàng hoàng. Chị xoa đầu thằng bé con kháu khỉnh, âu yếm.
- Không đi học hả con?
          Tiếng mẹ ấm áp làm bao nhiêu quyết tâm trong nó tan biến hết. Giờ, nó chỉ muốn chạy thật xa, thật xa để không phải nói ra cái câu đó. Câu nói mà nó biết sẽ làm mẹ nó lúng túng. Nó không muốn mẹ buồn, không muốn mẹ tổn thương. Chính nó cũng sẽ bị tổn thương khi nói ra. Như thể nó đang chuẩn bị làm một việc rất ác là cầm hàng ngàn mũi kim đâm vào mẹ nó vậy. Lại phải đấu tranh một lần nữa. Nó ấp a ấp úng, líu díu vào nhau, chẳng nghe ra câu nào.
- Mẹ… ơi! Mẹ… mẹ… cho… con…
          Nhưng nỗi sợ bị cô giáo mắng chửi, bị đuổi học còn lớn hơn, khủng khiếp hơn nữa kia. Khuôn mặt đanh ác của cô giáo như đang hiện hữu trước mặt nó. Nó đánh liều hít một hơi thật dài rồi hất mạnh ra như hất một gáo nước.
- Mẹ cho con xin tiền học! Hôm nay là hạn cuối rồi.
- Tiền học à? Sao không nói mẹ sớm. Bao nhiêu tiền hả con?
- Hai trăm ngàn mẹ ạ.
          Chị Lần vét hết túi nọ túi chai mới được có hơn trăm nghìn. Cả gia sản của chị chỉ có thế. Nhìn mẹ loay hoay trong mớ tiền lẻ nhàu rách, vừa thương mẹ, vừa tủi thân, nó rưng rức nước mắt rồi tự nhiên khóc òa lên giữa chợ. Ai đi qua cũng phải ngoái lại. Bác Tính thấy cảnh mẹ con nheo nhóc, thương quá, vội kéo tay chị Lần.
- Đây, tôi cho vay tạm một trăm, khi nào có thì trả.
Chị Lần cầm tờ một trăm nghìn mới cứng, mắt rơm rớm. Nhìn đứa con gầy rạc, đen đúa thút thít, chính chị cũng cảm thấy tủi thân.
Đúng lúc ấy, thằng cha Tư, bố thằng Hùng đi qua. Hắn giật ngay chỗ tiền, bĩu môi, giọng lè nhè hơi rượu.
- Thế mà kêu là không có tiền đâu.
          - Em xin anh! Đây là tiền học của con cháu, vừa phải đi vay chị Tính về xong, chứ nhà em làm gì còn đồng nào. – Chị Lần van nài, cố giằng lại chỗ tiền mà không được.
          - Thế tiền thuế chỗ ngồi tháng trước chị không định trả à? – Hắn vừa hất hàm vừa lườm thằng bé, ý như đã nhận ra mặt nhau.
          - Anh cho em thư thả mấy hôm nữa. Dạo này hàng họ ế ẩm quá.
          - Không được! Chị ngồi ở đây bao nhiêu tháng rồi mà không chịu trả cho phường đồng nào. Ối người muốn cái chỗ này mà không được. Phường thương, mới cho chị ngồi mà chị cứ thích bầy nhẩy. Dân buôn bán các chị là chúa chày bửa.
          - Thế để lát em đi vay nóng đưa cho anh. Chứ tiền này, phải để con em đóng học đã.
          - Chuyện thuế má mà chị cứ làm như trò đùa ấy nhỉ. Lát nữa chị bỏ về thì tôi đòi ai?
          Bác Tính đứng trông nãy giờ, ngứa hết cả mắt, chỉ muốn sút cho thằng cha này một phát. Tức mình, bác quát lớn:
          - Thuế nào của các ông? Đây là vỉa hè nhà tôi, tôi bỏ tiền mua, bỏ tiền làm vỉa hè. Nó ngồi nhà tôi chứ ngồi gì của phường mà các ông đòi như đòi nợ thế? Mà cái phường này để cho thằng công an đi thu thuế từ khi nào thế?
          - Không phải chuyện của chị thì đừng tham gia. Đất nào cũng là đất của phường. Kể cả cái nhà chị ở cũng là của phường. Thích thì phường thu. Thời đại xã hội chủ nghĩa, tất cả là của công hết, làm gì có của tư mà chị nhận vơ.
          - Nhà nào của chúng mày? Luật đâu ra thế? – Bác Tính sấn tới định chửi ụp mặt thằng cha này.
          - Luật là bố, bố là luật. Miễn ý kiến! – Nó gào lên.
          Nói rồi hắn đi thẳng, mặc cho chị Lần van nài đủ kiểu, mặc cho thằng bé gào khóc inh chợ. Toàn chơi thân với thằng Hùng, thi thoảng cũng hay qua nhà nó chơi. Bố nó cũng biết mặt Toàn, không ngờ lại cạn tàu ráo máng thế. Nó không thể hiểu được, không lẽ người lớn ai cũng là con ác quỷ?
- Mẹ nó chứ! Thuế chỗ ngồi là cái chó gì? Đang yên đang lành cũng mọc ra cái thuế nhảm cứt.
          Thương hai mẹ con, bác Tính lại giúi vào tay chị Lần tờ hai trăm nghìn.
          - Ấy, đây là tiền thuê chỗ em đưa chị lúc sáng mà.
- Thôi cứ cầm lấy, khi nào có thì trả. Còn ngồi lâu ngồi dài cơ mà. Năm nay đói ăn nên nó tận thu ấy mà. Phận mình con buôn thấp bé thì chịu vậy.
Toàn chỉ còn biết đút chặt tờ hai trăm nghìn vào túi, nuốt nước mắt chạy thẳng đến trường. Trên đường nó gặp thằng Hùng cũng đang hớt hơ hớt hải. Kì này chỉ còn nó với thằng Hùng còn nợ tiền học.
- Mày có tiền đóng học chưa?
- Rồi, tao vừa qua chỗ bố tao lấy xong, đúng hai trăm ngàn mày ạ.

***

Cô Thanh hầm hầm bước vào lớp, mặt tối sầm như tảng nhựa đường đanh đét, chắc vừa bị khiển trách xong. Năm nay cô phấn đấu vào Đảng để còn leo lên hiệu phó mà cứ bị nhiễu bởi mấy chuyện cỏn con này, bực mình thật. Vừa vào lớp cô đã quát như sấm.
- Toàn, đứng dậy! Ra ngoài!
          Có tiền trong tay nên cũng bớt sợ, Toàn hiên ngang bước ra ngoài như một người hùng chuẩn bị xuất trận chinh chiến với loài cầm thú ác ôn.
- Tiền đâu? Hôm nay mà không có tiền thì về nhé!
- Cô ơi… bạn Hùng cũng chưa đóng tiền sao không bị gọi ạ? – Toàn lí nhí.
- Kệ bạn ấy, tiền của em đâu?
          Toàn hùng dũng móc tờ hai trăm ngàn đưa cho cô, mặt phổng phao vì có tiền. Phen này thoát cái nợ với cô rồi.
- Sao có hai trăm thế này?
- Thì tiền học là hai trăm nghìn mà cô?
- Ơ cái thằng này, không nghe ti vi thông báo à. Kể từ năm nay tiền học tăng gấp năm lần nhé.
Lời cô nói như sét đánh ngang tai, Toàn há hốc mắt nhìn mái tóc rối như thời cục đất nước của cô. Nó run rẩy hỏi lại:
- Sao… sao em không nghe thấy cô nhắc ạ?
          - Ô hay, nhà em không có ti vi chắc. Tin này cả nước đều biết, mỗi mình em không biết là sao? Thôi em cầm tiền đi về đi! Khi nào đủ tiền thì đến học.
          Chẳng lẽ cô không biết nhà nó không có tivi? Vừa tủi vừa sợ, nó khóc thét lên.
- Em xin cô! Cô cho em ngồi ở lớp, mai em đem tiền đến cho cô!
          Lần này cô đã quyết, không lằng nhằng. Không có tiền thì đừng hòng vào học. Cô dắt nó ra chỗ bảo vệ cho họ muốn xử thế nào thì xử. Mấy người bảo vệ giữ nó trong phòng, cũng không dám cho ra ngoài, sợ có làm sao thì lại vạ lây, rách việc. Nó ngồi chết lặng một chỗ, tay chân run lên bần bật, mắt rưng rức, không muốn khóc mà nước mắt cứ nhòa đi. Trong mắt một đứa bé mười tuổi, cô giáo hệt như con quái thú hung dữ lúc nào cũng chực giơ vuốt cắn xé nó.           
          Những một triệu thì mẹ lấy đâu ra tiền? Chắc nó sẽ phải nghỉ học mất thôi. Càng nghĩ nó chỉ càng thương mẹ.
          Tan trường, thằng Hùng chạy đến chỗ nó, mặt hồ hởi. Nhác trông thấy thằng Hùng, nó vồ vập ngay.
- Sao mày không bị cô đuổi? Tao thấy mày bảo mày cũng mang hai trăm ngàn mà?
- Tao cũng không biết mày ạ. Lúc tao lên đóng tiền thì cô bảo bắt đầu từ năm nay miễn học phí cho con em công an. Bố tao vẫn bảo, làm công an phải vì Đảng còn mình, nên mới được ưu ái thế đấy. Thế là tao được cầm tiền về. Hôm nay có tiền, tao khao mày một chầu.
- Mày không đem tiền trả lại bố mày à?
- Ui dào. Lâu lắm rồi tao không được cầm nhiều tiền thế này, tội gì. Với lại chỗ tiền này đáng gì với bố tao. Có lúc bố tao chơi bạc ăn cả chục triệu ấy chứ. Đi mày, tao khao!
Ra đến cổng trường, thằng Hùng móc túi mua bim bim, ra vẻ đại gia lắm. Lúc nó trả tiền, Toàn mới nhìn thấy... Đúng rồi, là chỗ tiền lẻ nhàu nát mà bố thằng Hùng cướp của mẹ nó lúc trưa, còn nhìn rõ tờ năm mươi nghìn nhằng nhịt vết bút bi. Trong thoáng chốc, nó thấy rõ chỗ tiền ấy vẫn còn dính cả máu và nước mắt của mẹ nó. Chân nó như khuỵu xuống, miệng lắp bắp.
- Thôi, mày đi chơi một mình đi!
Lạnh lùng, nó lẳng lặng đi thẳng không thèm nhìn lại. Thằng Hùng thấy lạ chạy theo gọi với:
- Mày sao thế? Sao không đi nữa?
- Tao không thích nữa. – Giọng nó run run, nước mắt chực ứa ra.
          Nó không đi, thằng Hùng cũng mất hứng, lủi thủi về theo nó. Hai đứa lặng lẽ bước đi bên hồ nước đục ngầu và hôi thối mùi cống rãnh. Trời oi bức ru mặt nước lặng như xác người đã chết. Nó đi phía sau, mắt nhìn chằm chằm không dứt vào cái túi quần cộm tiền bên hông thằng Hùng. Đống tiền sứt mẻ đó với nó là lớn lắm, là mồ hôi, là biết bao tế bào sống của mẹ nó đã chết đi từng ngày để nhịn ăn nhịn mặc, cực nhọc chắt chiu. Mà đến quá nửa chỗ đó là đi vay. Trong những ngày tới mẹ nó sẽ phải oặt cổ trả nợ. Máu mẹ sẽ phải chảy đến khô kiệt xương tủy mới thôi. Vậy mà thằng Hùng có thể sẽ đốt sạch như giấy vụn chỉ trong vài ván điện tử, vài món đồ chơi cổng trường. Càng nghĩ nó càng hận, nó nhìn thấy trong thằng Hùng dáng đi của thằng cha Tư, kẻ đã, đang và sẽ tiếp tục cướp của mẹ con nó. Nghĩ rồi, nó chạy nhanh tới, móc sạch chỗ tiền và đẩy mạnh thằng Hùng xuống hồ. Bị bất ngờ, thằng Hùng chới với lăn tõm xuống nước. Chưa biết bơi, nó hoảng loạn đạp nước quẫy loạn xạ, cố ngoi lên gào cứu thảm thiết.
- Cứu tao với! Toàn ơi! Cứu tao với!...
Nó đứng trên bờ, nhìn trân trân vào mặt thằng Hùng với ánh mắt cô hồn không chớp, mồm nguyền rủa.
- Chúng mày chết đi cho mẹ con tao sống!

***

            Trong vô thức nó nghĩ vậy, nhưng nó vẫn chỉ là đứa bé nhút nhát, chẳng phải người hùng thay đổi hoàn cảnh trong thứ tiểu thuyết hão huyền của đệ tử Lenin. Việc duy nhất nó làm được lúc này chỉ là bước đi một cách vô định trên con đường bụi tù mặt mũi.
          Qua ngã tư phố…
          …Rầm!...
          Một chiếc ô tô biển đỏ vượt đèn đỏ phóng thẳng vào cả hai đứa. Cũng may đường đông nên nó không phóng nhanh được, nhưng chừng ấy cũng đủ làm chúng rách toạc chân, nhiều mảng thịt li ti còn bám xuống đường. Người ta đưa chúng nó vào bệnh viện, nhưng chỉ gọi được cho mẹ Hùng, còn nhà nó chẳng có lấy nổi điện thoại mà gọi.
          - Con ngoan của mẹ, đừng khóc nữa! Lát về mẹ mua đồ chơi cho. Uống sữa đi con! Ăn bánh này nữa! Chịu khó ăn cho nhiều vào con nhé!
          Thấy con mếu máo vì đau, cô Kim xót lắm, dỗ dành, âu yếm đủ điều, lại còn mang bao la bánh kẹo, trái cây vào viện. Cũng nhờ cô nhanh tay đút phong bì cho bác sĩ nên thằng Hùng được khâu rất mau lẹ. Toàn nằm ngay sát giường bên, vết thương vẫn đang rỉ máu từng đợt và giật liên hồi, nhưng chưa được khâu. Nếu không có tiền thì cứ nằm đó đến chục ngày cũng chẳng ai đoái hoài. Đau, xót, mệt, đói, khát, mà chẳng có cái gì vào bụng, nhìn cái bánh thằng Hùng gặm dở khiến nó thèm mờ cả mắt. Mùi sữa quện với trứng và bơ nóng bốc lên béo ngậy, thơm nức cả phòng như trêu ngươi cái dạ dày tóp teo của nó. Giá mà được cắn một miếng thôi thì sung sướng biết bao.
          Lát sau, cô Kim ra ngoài. Lén nhìn thấy thằng Hùng nằm quay mặt vào trong, nó đánh bạo với tay lấy cái bánh dở trên bàn. Lần này thì cơn đói đã vượt qua mọi giới hạn nhút nhát của nó. Mỗi nhúc nhích như một mũi dao cứa vào vết thương, đau nhói xương, nhưng nó vẫn cố với cho kì được, mùi bơ sữa làm nó không chịu nổi. Gần với được tới thì cô Kim vào phòng, lẳng lặng như một bóng ma, cô đánh đét vào tay nó một cái đau điếng, mồm đay nghiến:
          - Thằng này gian nhỉ, muốn ăn thì bảo một câu, lại còn giở thói táy máy. Mẹ mày không dạy mày à? Đúng là nghèo hèn có khác. Cầm lấy, đớp đi!
Nói rồi cô vất cho nó mẩu bánh đang cắn dở, rớt dãi của thằng Hùng vẫn còn dính trên miếng bột. Nó ăn ngấu nghiến như một con ngạ quỷ, vị thơm ngọt của chiếc bánh xịn bị thằng Hùng chê ỏng eo khiến nó tan cả cơn đau. Không dám nhìn cô Kim, vừa ăn nó vừa cố ém nước mắc, ngước lên trời. Trời đêm nay sao sáng nhẹ, từng ngôi sao lấp lánh như đang kết thành dung ảnh mẹ nó, nhưng ánh sao mộng mơ không gột được sự miệt nhoài và khắc khổ trên khuôn mặt ấy. Không biết bây giờ mẹ đang làm gì? Đã về nhà chưa hay vẫn đang chạy nợ, chạy thuế, chạy công an, chạy quản lí thị trường?
Một đứa bé đang khóc
Lại cười ngay sung sướng
Vỗ về và chở che
Một đứa bé cũng khóc
Và khóc mãi, khóc mãi…


Hải Phòng ngày 10 tháng 8 năm 2013
_Đức Long_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét