NSND Phùng Há (1911-2009) được xem là vị Tổ nghề của cải lương Việt Nam với nhiều đóng góp, cống hiến to lớn và tầm ảnh hưởng vĩ đại tới nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này.
Cuộc đời, sự nghiệp của NSND Phùng Há được rất nhiều người chú ý và ngưỡng mộ.
Là một trong những học trò từng được làm việc, tiếp xúc trực tiếp và được NSND Phùng Há dạy dỗ. NSƯT Hữu Quốc đã chia sẻ đôi điều về bà trong chương trình Ngôi sao đương thời mới đây.
Tôi xin tiết lộ lần đầu về một bí mật
Vào giai đoạn cải lương trở lại thời kỳ hưng thịnh, phát triển rực rỡ, tôi mới 10 tuổi và đang học lớp 5. Ngay từ lúc đó, tôi đã được đưa đi học tại lò cổ nhạc.
Học ở đó được vài năm, tới khi tôi lên 13 tuổi thì nhà hát cải lương Trần Hữu Trang có tuyển học sinh khóa ba. Tôi biết đến khóa tuyển sinh này vì những khóa trước toàn nghệ sĩ thành danh.
Chẳng hạn, khóa đầu tiên có chị Thanh Thanh Tâm, anh Chí Linh, chị Vân Hà, anh Linh Trung. Khóa thứ hai có chị Thoại Mỹ, chị Ngọc Huyền, anh Kim Tử Long.
Lực lượng đào tạo của nhà hát Trần Hữu Trang lúc bấy giờ đều là những cây đa, cây đề của làng sân khấu cải lương.
Vì thế nên khi được các anh chị, bạn bè rủ đi thi vào nhà hát Trần Hữu Trang, tôi cũng thi. Dù tôi còn rất nhỏ tuổi, nhưng thầy tôi ngày ấy đồng ý cho tôi đi thi. Thầy mà đã cho đứa nào đi thi là kiểu gì cũng đậu.
Hồi đó, tôi chưa bể tiếng nên đi thi phải hát giọng đào (giọng nữ) cao vút chứ không phải giọng kép (giọng nam). Tôi đam mê quá nên về nhà cũng lấy chăn màn cuốn lên người để ca hát.
Nhân đây, tôi xin tiết lộ lần đầu về một bí mật. Ngày xưa, tôi nghĩ mình sẽ làm đào hát, tức là vào vai nữ chính cải lương chứ không phải làm kép hát, vào vai nam như bây giờ. Tôi cứ nghĩ mình hát giọng nữ thì sẽ thành nữ, làm đào hát giống các anh chị đi trước.
Nhờ nghệ sĩ ưu tú Đoàn Bá mà tôi mới chuyển sang làm kép hát. Thầy bảo tôi phải làm kép chứ không được làm đào. Vì thế nên tôi mới sửa để hát nam tính hơn.
Tôi ngồi nghe cô Phùng Há dạy mà khóc lúc nào không biết
Trong cuộc đời mình, tôi rất biết ơn NSND Phùng Há, vị Tổ nghề có công rất lớn với nền cải lương Việt Nam. Cô Phùng Há dạy tôi từ khi mới 13 tuổi. Chính cô là người đã giao cho tôi vai diễn đầu tiên, là bé Tấn Lực trong vở Phạm Công – Cúc Hoa.
Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há.
Đầu tiên, cô thấy tôi nhỏ quá, không biết phải giao vai gì. Cuối cùng thì cô chọn vai này cho tôi. Lúc nhận vai đó, tôi không biết khóc là gì, diễn cảnh khóc ra sao, trong khi vai diễn lại đòi hỏi phải khóc.
Cô Phùng Há thấy vậy mới chỉ cho tôi: "Con đừng nghĩ mình là thằng Hữu Quốc mà hãy nghĩ mình là bé Tấn Lực". Tôi nghe theo lời cô dạy và diễn được.
Cô Phùng Há là một người rất tuyệt vời. Cô không phải người chỉ biết dạy bằng giáo trình, lý thuyết cứng nhắc mà dạy bằng kinh nghiệm thực tế từ chính sân khấu.
Tôi ngồi nghe cô Phùng Há dạy mà khóc lúc nào không biết. Cô bảo tôi: "Con phải nghĩ mình là thằng Tấn Lực có mẹ mất, cha đi chiến tranh, ở nhà bị mẹ ghẻ ức hiếp…".
Cách dạy của cô Phùng Há rất tâm lý, thấu hiểu và truyền đạt đầy cảm xúc. Cô thấu hiểu cải lương và sống hết mình với nó. Tôi may mắn khi được cô Phùng Há dạy dỗ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét