Trong đêm nhạc Trịnh ca – Lời ca huyền thoại, Tùng Dương đã chạm tới đẳng cấp mới cho nhạc Trịnh khi truyền hơi thở thời đại vào tượng đài sừng sững lâu nay mang tên Trịnh Công Sơn.
Đem lên sân khấu một cây vĩ cầm chắc tay để hòa âm cùng mình, Tùng Dương đã tạo nên không gian âm nhạc sang trọng nhưng gần gũi, đúng chất cần có của nhạc Trịnh đương đại, chứ không phải kiểu hát quen thuộc trong quá khứ.
Mở màn phần diễn bằng ca khúc Phôi pha, Tùng Dương vừa cất giọng đã thể hiện đẳng cấp khác biệt trong cách nhấn nhá, nhả chữ, rất tình và vô cùng nội lực.
Mỗi âm thanh chắc nịch được phóng thẳng, tạo vang trong từng nốt nhưng không hề phô diễn mà vẫn mềm mại, cảm xúc. Từ ngân rung, đến cách ngắt nghỉ và luyến láy, đưa đẩy của anh đều khiến người nghe cảm nhận rõ sự khắc khoải, da diết chứ không phải sự phô diễn kĩ thuật cho có.
Tùng Dương hát Phôi pha
Sau vài câu hát mở đầu, Tùng Dương tài tình đưa chữ “gió thoảng” lên airy voice (âm hơi) falsetto, khiến nó nhẹ và bay đi như khói, diễn tả đúng nghĩa ca từ bằng giọng hát. Khán giả có lẽ không kìm nén được sự thán phục nên đã vỗ tay rào rào ngay lúc đó, dù ca sĩ mới chỉ vừa bắt đầu.
Tới chữ “mưa bay”, Tùng Dương bỗng thổi bùng cả sân khấu khi cộng minh G4 F#4 vang rền đầy nội lực và rất dày. Các chữ “làn mây trôi” sau đó cũng được belt trên G4 cộng hưởng full resonance, đẩy vào xoang mặt nguyên âm giữa /ô/, nhưng lại đóng ở nguyên âm cuối /i/, nghe đanh dày, rất sảng khoái, bùng cháy.
Truyền được cái bùng cháy tới khán giả, cứ mỗi lần Tùng Dương belt xong G4 lại có một tràng pháo tay rào rào vỗ lên.
Sẽ nhiều người thắc mắc tại sao hát nhạc Trịnh mà lại bùng cháy trong khi lẽ ra phải giữ nguyên tính thiền tịnh nguyên sơ của nó? Nhưng xin thưa, tác phẩm âm nhạc là sự sáng tạo của người ca sĩ dựa trên sáng tác của người nhạc sĩ. Đó là một quá trình kiến tạo lâu dài theo từng thời đại, từng dấu ấn cá nhân chứ không phải sự chết lặng mãi mãi.
Nhạc sĩ sáng tác ra bài hát, đó mới chỉ là giai đoạn phôi thai chưa thành hình. Ca sĩ đồng sáng tạo ở giai đoạn thứ hai (giai đoạn biểu diễn). Giai đoạn cuối cùng là khán giả nghe và tự sáng tạo lại trong cảm nhận của mình. Trải qua đủ ba bước đó tác phẩm âm nhạc mới được xem là đã ra đời.
Bởi vậy, mỗi ca sĩ khi thể hiện ca khúc đều có quyền và nghĩa vụ làm mới nó, miễn sao khiến người nghe thấy hay. Và Tùng Dương đã làm trọn vẹn được điều đó. Bằng chứng là những tràng vỗ tay không nghỉ của khán giả cùng niềm thích thú trên đôi mắt họ.
Đến gần cuối, sau những đoạn belt cao trào, anh kết thúc bằng câu phiêu mezza voce (nửa giọng trên C4, D#4) nhè nhẹ. Tới liên khúc khúc Ru ta ngậm ngùi – Tình xa, Tùng Dương ngồi xuống sân khấu để gần khán giả hơn.
Tùng Dương hát Ru ta ngậm ngùi – Tình xa
Ở hai bài hát này, Tùng Dương nhả chữ có phần ma mị, đãi chữ hơi bè ra, mang đúng dấu ấn riêng của mình nhưng vẫn giữ vững cách hát nội lực, cao trào trong từng đoạn, đặc biệt ở đoạn nhả chữ “khi” đóng trên G#4 và liên tục hát treo ở các đoạn sau đó.
Có lẽ anh đã học được ở thần tượng của mình là Whitney Houston cách hát nguyên âm đóng trên quãng trung nên anh xử lí rất tốt, cộng hưởng mà đanh chắc, nội lực. Bởi vậy, cứ mỗi lần nghe anh hát âm /i/, người nghe tưởng như đang thấy Whitney hát nhạc Trịnh.
Nhưng khán giả không bị bội thực trước kỹ thuật bởi Tùng Dương luôn nhấn nhá rất tinh tế, bỏ nhỏ và luyến đúng chỗ. Các chữ “thành phố hoang vu”, “ngày tháng nào”… diễn đạt đúng sự chất chứa, khổ đau của một người đang muốn vươn lên trong tuyệt vọng, da diết và cảm xúc vô cùng.
Từ sự khổ đau, khắc khoải ở ba ca khúc đầu, Tùng Dương dồn nén cảm xúc để dữ dội, quyết liệt hơn trong ca khúc Xin cho tôi, với cách nhấn mạnh đầy quyết tâm vào từng chữ một. Khán giả cảm nhận rõ một bản thể đang muốn thoát khổ vùng lên, để “xin cho tôi” với những chuỗi G4 belt mạnh lên dữ dội nhấn mạnh liên tục. Cùng với đó, sân khấu mở dần, để lộ ra không gian rộng hơn phía sau.
Tùng Dương hát Xin cho tôi
Đây mới là cái sâu của một nghệ sĩ có tư duy. Các ca khúc trình diễn được sắp xếp theo một mạch cảm xúc, có chủ đề, ý tưởng rõ ràng chứ không phải thích hát bài nào trước bài nào sau, hát như thế nào cũng được. Ngay cả kĩ thuật sử dụng cũng phải có mục đích, ý thức, dùng kĩ thuật truyền tải câu chuyện, không dùng bừa phứa.
Đặc biệt ở hai lần hát chữ “rồi từ đâu”, Tùng Dương chạy vocal runs rất khớp nhịp nhạc đang dồn lên, lại kết hợp với độc chiêu cộng minh tích hợp hai vị trí, từ xoang mặt chạy lên đỉnh trán, tạo nên thứ âm thanh vang rền đầy sử thi và thể hiện một sự cảm nhạc chắc chắn. Đây là kĩ thuật khó, phải rèn luyện rất lâu. Tiếp đó, anh thực hiện run/riff trên giả thanh (loại kĩ thuật đặc trưng của R&B) và “lên đồng” đầy bão tố.
Từ các đoạn cộng hưởng vocal runs và luyến láy run/riff này, người nghe thấy đâu đó một bóng dáng Whitney Houston đang hát nhạc Trịnh, bởi chỉ Whitney mới có lối hát R&B sử thi, ngẫu hứng, lên đồng thế này.
Thậm chí, đến chữ “em” cuối cùng, để kết lại bài hát, Tùng Dương cũng chọn đúng cách belt vibrato kéo dài trên quãng trung E4 để đẩy độ rền lên, giống như Whitney những lúc hát chữ “love” kết thúc ca khúc The greatest love of all. Cách làm này khiến ca khúc trở nên thật mạnh mẽ, đam mê. Tùng Dương từng chia sẻ, anh yêu Whitney vì chất mạnh mẽ, nồng nhiệt đó, nên việc thẩm thấu và áp dụng vào nhạc Trịnh là sự sáng tạo rất tâm huyết của anh.
Whitney Houston
Nhưng liệu có quá lố khi đang hát nhạc Trịnh mà lại có R&B, có vocal runs, có Whitney Houston ở đây?
Không hề lố chút nào! Vì như đã nói, tác phẩm âm nhạc là quyền và nghĩa vụ phải sáng tạo của người ca sĩ khi hát theo cảm nhận của mình, nhất là với nhạc Trịnh – thứ nhạc vạn lối mở, vạn người hát.
Bản thân Tùng Dương vẫn luôn tâm niệm rằng: “Hãy đón nghe nhạc Trịnh với tinh thần mới, cảm xúc mới của thế hệ những người nghệ sĩ đương đại. Họ có thể không hát theo lối cũ, có cách hát mới mẻ hơn… để nó có thêm hơi thở của thời đại, tư duy mới mẻ và suy nghĩ của con người ngày hôm nay”. Quan điểm này rất giống với huyền thoại Nina Simone khi bà cho rằng “nghệ sĩ có bổn phận phản chiếu thời đại của mình”.
Bởi vậy, việc Tùng Dương “hóa” Whitney khi hát nhạc Trịnh cũng là một cách phản ánh thời đại hội nhập âm nhạc – lối sống văn hóa của thế giới vào Việt Nam. Nhưng không hề hòa tan, anh vẫn sáng tạo nhạc Trịnh theo đúng phong cách, dấu ấn, cảm nhận riêng của mình, chứ không đơn giản chỉ là học theo Whitney.
Phải nói rằng Tùng Dương đã rất dũng cảm khi phá bỏ chất trầm mặc vốn có của nhạc Trịnh để “lên đồng” đầy đam mê, bão tố. Đó là bản lĩnh của một cái tôi nghệ sĩ lớn. Không sợ thế gian dị nghị mà cứ phải sống với đam mê, sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật trước đã.
Vừa thổi hồn thời đại đang sống, lại vừa giữ được dấu ấn cá nhân, Tùng Dương trước mắt đã thành công khi làm cho khán giả ngồi dưới vô cùng thích thú, dù đa số họ là người lớn tuổi, đã quen với nhạc Trịnh của quá khứ. Và cũng có lẽ, Trịnh Công Sơn hay Whitney Houston có nghe thấy cũng sẽ hài lòng.
Thời đại hội nhập nhưng vẫn phải giữ được cội nguồn. Tùng Dương đã ngầm nhắc nhủ mọi người khi hát accapella ca khúc Tiến thoái lưỡng nan theo cách hát ru dân ca.
Tùng Dương hát "Tiến thoái lưỡng nan"
Anh hát ru ngọt và mùi mẫn, các luyến láy, đổ hột đậm hồn dân tộc, vừa là hát ru, lại vừa có màu sắc ả đào nhưng cũng pha một chút học thuật vào đó. Đây là chất hát riêng có của Tùng Dương, giúp anh dệt nên chiếc áo mới cho nhạc Trịnh.
Tuy chỉ hát accapella một đoạn nhỏ, nhưng Tùng Dương đã thể hiện được sự sáng tạo và ngẫu hứng đẳng cấp của mình.
Tùng Dương yêu nhạc của những diva da màu, yêu kĩ thuật và sự mạnh mẽ, nồng cháy nhưng cũng tinh tế của họ, đặc biệt là Whitney Houston. Những đam mê đó đi từ thời thơ ấu, ăn sâu và máu tạo nên bản thể cá tính, độc đạo của anh khác hẳn với mọi ca sĩ tại Việt Nam.
Và anh đã dùng cái tôi nghệ sĩ đó để cảm và sáng tạo nhạc Trịnh, kết hợp với lối hát đậm hồn dân tộc trong nhạc dân gian, vừa phản ánh thời đại lại vừa truyền niềm đam mê, khao khát cuộc sống của mình vào.
Đó chính là tinh thần nhạc Trịnh của Tùng Dương, không âm tính như Khánh Ly, thiền tịnh như Hồng Nhung hay buồn như Ngọc Lan mà là niềm khát sống mãnh liệt trong sự ngẫu hứng mạnh mẽ.
Long Phạm
3/5/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét