Táo Quân không tấu hài vô thưởng vô phạt. Đó là một chương trình nghệ thuật với nhiều giá trị phản ánh sâu sắc. Liệu công chúng có bất công và khắt khe quá mức mà quên đi những kì tích Táo Quân đã làm được?
Cứ mỗi năm phát sóng, Táo Quân lại phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều, từ khen ngợi đến phê phán. Nhưng chưa năm nào búa rìu dư luận lại chĩa trực diện vào chương trình như năm nay.
Hàng loạt ý kiến chỉ trích, chê bai đổ dồn vào Táo quân với thái độ gay gắt. Người ta phản đối từ kịch bản, ngôn từ tới hình tượng, dàn dựng, rồi cả chuyện kì thị giới tính…
Thậm chí, trong dư luận đang có xu hướng kêu gọi Táo Quân không nên tiếp tục. Công chúng mặc sức chê bai mà không nhận ra rằng, thái độ đó là quá khắt khe với những thành quả, cống hiến mà Táo Quân đã đạt được trong suốt 15 năm qua.
Kì tích về nét văn hóa thưởng thức ngày Tết
Làm một chương trình giải trí không khó, nhưng để biến nó thành cả một thứ văn hóa, gắn với thời đại, xã hội là điều không tưởng. Trong số các chương trình truyền hình tại Việt Nam, chỉ duy nhất Táo Quân đã tự biến mình thành trào lưu văn hóa, đi cùng thế hệ.
Cội nguồn của Táo Quân vốn nảy mầm từ phong tục – tập quán lâu đời của người Việt (văn hóa cúng ông Táo lên chầu trời ngày 23 tháng Chạp), gắn với các tích truyện cổ về đạo lí con người.
Vì vậy, bản thân Táo Quân đã là hiện thân cho văn hóa Á Đông – xuất phát từ vị trí địa lí, khí hậu, loại hình văn hóa nông nghiệp lúa nước. Nó thực sự là chương trình thuần Việt và mang đậm bản sắc Việt, từ trang phục, hình tượng tới nội dung, chủ đề.
Táo Quân gắn liền với văn hóa Việt Nam
Chẳng cần quảng cáo, dẫn dắt này nọ, chỉ cần Táo Quân xuất hiện cũng đủ khiến người xem cảm thức rõ về văn hóa đón tết của người Việt rồi.
Nhưng điều đó chưa đủ, bằng sự sáng tạo, cảm thức và hấp dẫn riêng có của mình, Táo Quân đã tạo nên thói quen riêng trong văn hóa thưởng thức của người Việt (ít nhất là với bộ phận công chúng phía Bắc). Đó là thói quen quây quần trước màn hình mỗi tối giao thừa.
Thói quen này giúp gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau hơn, duy trì không khí ấm cúng, thân mật của ngày tết truyền thống. Từ đó, nó góp phần giữ gìn tập quán dân tộc.
Thực tế cho thấy, nhờ tiếng cười hài hước mà Táo Quân đem lại, nhà nhà đều trở nên vui vẻ. Người ta có thể tạm gác lại muộn phiền, lo toan năm cũ để thả mình vào chút thư giãn, thoải mái năm mới.
Chẳng còn nét văn hóa nào đẹp hơn khung cảnh gia đình già trẻ lớn bé quây quần bên chiếc ti vi dịp cuối năm để hào hứng xem Táo Quân. Ít ra, trong thời đại mạng xã hội, smart phone nở rộ như ngày nay, Táo Quân vẫn là chương trình đủ sức nặng để kéo mọi người chịu ngồi lại cùng nhau. Tiếng cười Táo Quân tạo ra thực sự là nét văn hóa đẹp.
Táo Quân từ lâu đã trở thành một phần không thể tách rời của Tết truyền thống. Ngày Tết có đào quất, kẹo mứt, bánh chưng, pháo hoa… thì ắt phải có Táo Quân.
Mọi người chắc chắn sẽ cảm thấy trống vắng và kém vui hơn nếu không có Táo Quân, vì nó đã gắn liền với không gian sống của chúng ta. Đây chính là kì tích văn hóa mà Táo Quân đã làm được.
Kì tích về hình tượng nghệ thuật đại chúng
Tuy xuất phát điểm là một chương trình giải trí tạp kĩ, nhưng Táo Quân từ lâu đã đạt tới đẳng cấp của một show nghệ thuật, với những giá trị, hình tượng nghệ thuật mang tính đại chúng, điển hình và sâu sắc.
Tiếng cười Táo Quân tạo ra không phải tiếng cười vô thưởng vô phạt. Đằng sau đó là hàng loạt sự châm biếm, đả kích, được dựng lên từ nghệ thuật trào phúng sâu cay.
Với giá trị này, Táo Quân không chỉ là "hề", mà đạt tới đúng nghĩa "hài kịch" đích thực của Moliere, William Shakespears… Cách Táo Quân dùng trào phúng để phê phán xã hội là sự tiếp nối thành công chủ nghĩa hiện thực phê phán của các tiền bối như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…
Các nhân vật mà Táo Quân dựng lên như Ngọc Hoàng, Táo Giáo Dục, Táo Y Tế, Táo Giao Thông… không đơn thuần để tấu hài, mà đã trở thành hình tượng nghệ thuật đích thực, giàu giá trị hiện thực, phê phán.
Xét từ góc độ văn học, nó cũng tương đương những hình tượng như ông Tham, ông Phán, bà Chánh Tiền… trong các tác phẩm của văn học hiện thực phê phán. Nó hội tụ đủ cái lố, cái dơ, cái thô bỉ, kệch cỡm và in hằn bộ mặt xã hội lên mình, để phê phán một cách sâu cay nhất.
Người ta thường nói, Táo Quân mang lại tiếng cười "chảy ra nước mắt" cho khán giả. Điều này có nghĩa rằng, đó là tiếng cười mang tính nhận thức, giáo dục, khiến công chúng phải suy ngẫm, rồi tự thấy đúng với xã hội xung quanh, đúng với chính mình, đúng tới mức đau đớn, chua xót mà vẫn phải cười.
Như vậy, đâu dễ dàng gì kiếm được một chương trình giải trí nào lại đậm giá trị nghệ thuật như Táo Quân.
Kì tích về bức tranh phản ánh xã hội
Táo Quân xứng đáng là chương trình giải trí bản lĩnh nhất từng lên sóng tại Việt Nam. Dù chỉ là một show hài tạp kĩ, nhưng nó không ngần ngại để cập đến mọi vấn đề nhức nhối trong xã hội, từ thượng tầng đến hạ tầng, từ nhà nước tới người dân.
Không chỉ tổng kết thực trạng trong một năm dưới góc nhìn khách quan, đầy đủ, Táo Quân còn đả kích một cách thâm sâu, sắc sảo và trực diện, toàn diện nhất, nhưng vẫn mang được dấu ấn cá nhân.
Để làm được điều này, đội ngũ sản xuất Táo Quân đã phải tư duy, sáng tạo rất nhiều. Họ phải đau đáu để làm sao phản ánh được hiện thực xã hội thông qua lắng kính tư duy, nhận thức của mình, đúng như lời Vân Dung nói: "Trước lúc diễn, chúng tôi đều phải lên báo đọc rất nhiều để hiểu sâu sắc cái mình sẽ diễn.
Chứ chỉ đọc thoại không thì làm sao diễn và truyền đạt tới khán giả được. Bản thân khán giả đã quá rõ sự việc trong năm rồi, họ đợi Táo Quân chỉ để xem chúng tôi diễn thâm thúy, hóm hỉnh, đả kích sâu sắc thế nào thôi".
Để phản ánh được xã hội một cách toàn diện, Táo Quân đã dựng lên cả một hệ thống Táo đại diện cho các ban ngành. Táo nào cũng nói thật, diễn đúng về thực trạng của ngành đó, vừa bóc trần sự thật, vừa tạo nên tiếng cười hóm hỉnh cho khán giả.
Không chỉ bằng lời thoại và diễn xuất, các nghệ sĩ Táo Quân còn dùng toàn bộ ngôn ngữ cơ thể, kết hợp cùng vô vàn loại hình nghệ thuật khác như chèo, tuồng, cải lương, hát văn, vũ đạo… để phản ánh xã hội.
Họ lăn xả vào vai diễn để vẽ nên những bức tranh chân thực, hình tượng nhất, với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố, bát nháo, điên đảo, quay cuồng. Và rồi, họ đã tạo nên hàng loạt trào lưu, hiệu ứng sau đó. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa Táo Quân và các chương trình truyền hình khác.
Chẳng hạn, trong Táo Quân 2018, ấn tượng nhất phải kể tới cảnh các Táo tranh giành ghế một cách sống chết và đua nhau leo lên chiếc ghế cao vút được Nam Tào bày ra.
Ở phân cảnh này, các nghệ sĩ đã diễn rất khéo, tạo nên bức tranh bát nháo, hổ lốn đến kệch cỡm trong việc tranh ghế giành quyền. Người trèo, người tụt, người bò, người hò hét, lôi kéo… Sự sinh động đến từng chi tiết này khiến khán giả cười ra nước mắt.
Không những vậy, đi kèm diễn xuất còn là hàng loạt phát ngôn mang tính đúc kết, răn dạy một cách thâm sâu.
Nói để bóc trần bộ mặt xã hội đã khó, nhưng vẽ bộ mặt xã hội bằng cả cơ thể mình thì đúng là một kì tích mà các nghệ sĩ Táo Quân đã làm được.
Kì tích về xóa bỏ giới tính
Táo Quân 2018 vấp phải nhiều ý kiến phản bác về vấn đề kì thị giới tính. Nhiều người vin vào lí do này để tẩy chay Táo Quân.
Nhưng ít ai biết rằng, nếu bỏ qua một số tình tiết nhỏ nhặt gây cười mà chương trình hài nào cũng dễ dàng mắc phải, Táo Quân đã tạo ra tiền lệ tốt trong việc xóa nhòa ranh giới giới tính.
Ở ngoài hiện thực, chưa từng có người chuyển giới nào làm đến chức cao như cô Đẩu. Trên thiên đình, quyền lực của cô chỉ sau Ngọc Hoàng, ngang Nam Tào và trên tất cả các Táo. Bởi vậy, cô có quyền đứng ra phán xét cái xấu của xã hội, từ bộ máy chính quyền tới dân chúng, không chừa một ai.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, cô còn thay Ngọc Hoàng phán xử tội trạng của Táo.
Trong phân vai của Táo Quân, cô Đẩu chiếm khá nhiều đất diễn, lời thoại và đóng mắt xích không thể thiếu. Điều này cho thấy, nhà sản xuất rất coi trọng vị trí của cô.
Thậm chí, ngay cả những chi tiết đồng bóng, mê trai, đanh đá của cô Đẩu cũng được diễn giải một cách tự nhiên, hài hòa. Cô được tự do bộc lộ cá tính của mình mà không gặp phải sự kì thị của các nhân vật xung quanh.
Nhìn một cách toàn diện, môi trường Táo Quân hoàn toàn cởi mở, thoải mái với giới tính của cô Đẩu và coi đó là chuyện bình thường. Bởi vậy mới có chuyện các Táo khác cùng nhau trò chuyện về làm đẹp, yêu đương với cô Đẩu.
Nhờ đó, cô Đẩu không còn là "hề" mua vui đơn thuần như các vai giả gái trước đây, mà đã trở thành hình tượng hài kịch đặc sắc, có tính phản ánh, mang giá trị hiện thực và giáo dục sâu sắc.
Kì tích về trào lưu
Từ lúc mạng xã hội chưa phát triển, Táo Quân đã luôn tự tạo được các trào lưu hot và khiến cả cộng đồng hưởng ứng, ăn theo.
Đó là những bài hát chế với ca từ thâm thúy về hiện trạng xã hội, hay những câu chân ngôn, tuyên ngôn "chuẩn không cần chỉnh", khiến ai cũng phải gật gù. Điều này cho thấy sự dụng công về ngôn từ của các nghệ sĩ dành cho Táo Quân.
Tới tận 2018, Táo Quân vẫn giữ vững phong độ khi đưa ra hàng loạt phát ngôn "chất lừ" như: "Ghế là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác, có hay không không quan trọng"; "Bi kịch của người ngu là ở chỗ khôn đấy"; "Hãy chọn người tài, đừng chọn người nhà"; "Lên là một chuyện, xuống là chuyện khác"; "Ngày còn đương chức đương quyền, nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có đứa không dám đòi"; "Lãnh đạo rút lui, cuộc vui giờ mới bắt đầu"…
Điểm đặc biệt là, các phát ngôn trào lưu này đều có giá trị phản ánh và châm biếm, không phải chỉ là sự kết hợp ngôn từ cho có vần có điệu.
Điều đáng suy ngẫm
Người ta thường nói, "Nếu bạn cho một ai đó viên kẹo nhiều lần, nó sẽ thành thói quen. Tới khi bạn không cho nữa, họ sẽ quay ngoắt lại với bạn". Điều này có lẽ đúng với Táo Quân.
Rõ ràng, Táo Quân suốt 15 năm qua đã đem lại nhiều tiếng cười, giải trí và giá trị nhận thức, phản ánh cho khán giả, góp phần tạo nên văn hóa tết Việt. Vậy nhưng, công chúng thường chỉ nhìn vào những khuyết điểm để chê bai, đả kích và thậm chí là đòi dẹp bỏ.
Vì các món ăn Táo Quân dọn đến đã quá quen thuộc nên người ta cứ nghĩ đó là chuyện hiển nhiên, cần phải có. Bởi thế, họ sẽ khắt khe hơn, chỉ cần có chút sai sót là lên án.
Công chúng không nhận ra rằng, chương trình nào cũng có hạn chế, không thứ gì hoàn hảo. Quan trọng là, đằng sau những khiếm khuyết đó, Táo Quân vẫn còn nhiều giá trị khác và là chương trình đáng để xem mỗi dịp xuân về.
Nếu Táo Quân không tiếp tục, chắc chắn sẽ để lại khoảng trống lớn trong công chúng và ngày tết sẽ mất đi một phần thú vị. Hơn nữa, đến giờ vẫn chưa có chương trình nào xứng đáng thay thế Táo Quân về mọi mặt.
Bởi vậy, công chúng nên có cái nhìn bao dung và cởi mở hơn với Táo Quân, đừng nên quá khắt khe với một chương trình đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt.
Long Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét