Thời gian qua, mạng xã hội xôn xao về một ca khúc có giai
điệu lẫn nội dung khá rùng rợn, kinh dị, với tên gọi Đừng bỏ em một mình.
Đây không phải bài hát mới mà đã có tuổi đời hơi nửa
thế kỷ, lại là một trong những tình khúc của cố nhạc sĩ tài ba Phạm Duy, được
phổ thơ từ bài thơ cùng tên của nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh.
Về hoàn cảnh ra đời bài thơ có nội dung độc đáo này, nữ
thi sĩ cho biết, trong lần thăm bảᴏ tàng ở Pháp, bà chú ý đến xác ướp một phụ nữ
qua đời khoảng 900 năm. Bà nói:
"Tôi chợt nghĩ đến con người này thời xuân trẻ với
mái tóc dài buông xuống lưng. Mớ tóc còn đó, khá nguyên vẹn nhưng liệu được bao
lâu?". (Nguồn: Vnexpress).
Về nhà, bà bắt đầu sáng tác bài thơ, đặt mình vào hoàn
cảnh giả tưởng, kể nỗi lòng một cô gái từ giã cõi đời nhưng linh hồn vẫn vất vưởng
vì cô đơn.
"Đừng
bỏ em một mình
Khi
trăng về lạnh lẽo
Khi
chuông chùa u minh
Chậm
rãi tiếng cầu kinh
Đừng
bỏ em một mình
Khi
mưa chiều rào rạt
Lũ
chim buồn xơ xác
Tìm
nhau gục vào mình"
Lời thơ vẽ ra khung cảnh đám tang của một cô gái giữa
nghĩa trang hoang vu. Thi sĩ sử dụng những vần thơ với cấu trúc lặp lại, gợi cảm
giác bi thương, ai oán. Dưới huyệt mộ, âm thanh của lời cầu kinh, tiếng chuông
chùa, búa nện đinh... là những điều cuối cùng nàng cảm nhận sau một kiếp sống.
Giữa không gian đầy gió lạnh, mưa dầm, nàng cô đơn đến khắc khoải trong lời cầu
xin: "Đừng bỏ em một mình/ Đừng bắt em làm thinh...".
Theo Minh Đức Hoài Trinh, dù tiếng lòng của chủ thể trữ
tình là một cô gái nói với chàng trai, nhưng tác phẩm không chỉ là lời tâm sự
chuyện yêu đương. Bà nói:
"Đây còn là lời nói của con người bé nhỏ với vũ
trụ khi đứng trước đại dương mông mênh".
Bài thơ do đó còn mang thông điệp tích cực: Hãy trân
quý cuộc đời, sống trọn vẹn với tình yêu, những người mình yêu thương để khi ra
đi không còn gì nuối tiếc.
Vì quá ấn tượng với lời thơ độc đáo nên nhạc sĩ tài ba
Phạm Duy đã quyết định phổ nhạc cho nó năm 1969, giữ lại một phần tứ thơ.
Danh ca Lệ Thu là người đầu tiên thu âm ca khúc này và
gây tiếng vang ngay lập tức. Lệ Thu chọn lối trình bày bạch thanh, ít luyến láy
nhưng chất chứa nỗi đau. Trong giai điệu slow-rock, chất giọng danh ca được tôn
thêm bởi bản phối hoài cổ, kết hợp giữa tiếng kèn trumpet và tiếng trống.
Sau đó, nhiều danh ca, ca sĩ cũng thu âm ca khúc này
như Thái Thanh, Thanh Lan. Mỗi người chọn cho mình một lối thể hiện khác nhau,
nhưng bản thu của Lệ Thu vẫn được chọn nghe nhiều nhất vì lột tả được chất u tịch,
liêu trai.
Sau một thời gian dài chìm lắng, năm 2022, Đừng bỏ em
một mình bất ngờ gây sốt trở lại khi được chọn làm nhạc phim kinh dị Chuyện ma
gần nhà của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Bộ phim này có doanh thu lên đến 53 tỷ đồng.
Nhiều khán giả cho rằng, ngoài nội dung phim thì chính ca khúc nhạc phim này cũng
là yếu tố kéo khách đến phòng vé, hấp dẫn người xem.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết tâm đắc với nhạc phẩm từ
lần đầu nghe cách đây nhiều năm. Khi thực hiện phim, anh nghĩ ngay đến ca khúc.
Ca từ bài hát cũng là một phần cảm hứng giúp ê kíp hoàn thành kịch bản. Thay vì
sử dụng bản thu kinh điển của các giọng ca gạo cội, đạo diễn mời ca sĩ Thúy Huyền
hát, nhạc sĩ Seth Tsui hòa âm. Anh chọn bản phối đậm chất cổ điển, hoài niệm, cộng
hưởng với hiệu ứng âm thanh trong phim để gợi cảm giác ma mị, ám ảnh.
Trong phim, ca khúc vang lên ba lần, thông điệp tương ứng
với ba câu chuyện chính: nỗi cô đơn của một minh tinh luôn muốn kéo dài tuổi
xuân, sự cô độc của một nghệ sĩ già sắp qua đời, cảm giác lẻ loi của một linh hồn
không hay biết mình đã chết. Hữu Tấn nói: "Nếu không phải Đừng bỏ em một
mình, sẽ rất khó tìm ca khúc nào phù hợp hơn".
Mới đây nhất, diva Mỹ Linh lại khiến cộng đồng mạng tò
mò khi tiết lộ tại một show nhạc rằng cô từng được mời đóng MV cho ca khúc này nhưng
vội từ chối vì sợ bị vận vào người. Cô nói:
“Sau này có một bên mời tôi quay MV cho một bài hát về
người phụ nữ đã mất, nằm dưới mộ than khóc: Đừng bỏ em một mình. Tôi bảo không,
nhất định không hát bài đó. Tự nhiên đang yên đang lành lại "bỏ em một
mình". Cuối cùng người ta phải nhờ người khác và sau đó tôi chưa cập nhật
tình tình, chưa hỏi lại xem người đó như thế nào".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét