Một trong số ít nghệ sĩ được phong danh hiệu từ rất sớm, khi còn khá trẻ
NSND Lê Dung tên thật là Đoàn Lê Dung, sinh năm 1951 tại Quảng Ninh, trong một gia đình bình dân, nhưng từ nhỏ đã sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát.
Tài năng của Lê Dung được nhạc sĩ Đức Huyên phát hiện từ bé, khi ông xuống ngôi trường bà học làm công tác đoàn. Vị nhạc sĩ này lập tức đưa Lê Dung vào Câu lạc bộ Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đi hát phục vụ các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mỗi khi đến Hạ Long.
Trong thời gian đó, Lê Dung được đào tạo về ca hát, thanh nhạc. Cho tới năm 17 tuổi, bà bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp khi đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn.
Năm đó, Lê Dung thi đỗ đại học ngành y nhưng lại bỏ không học, quyết tâm theo con đường ca hát. Bà đi diễn khắp nơi, phục vụ ở thao trường, dưới hầm mỏ, và hát cho các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ miền Bắc.
Năm 1976, Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục chính trị và một năm theo học thanh nhạc tại Nhạc viện từ 1977. Bà đã theo học nhiều giảng viên hàng đầu, đặt nền móng cho thanh nhạc cổ điển tại Việt Nam như NSND Trung Kiên, Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La và đã có một thời gian thụ giáo NSND Thương Huyền.
Năm 1982, Lê Dung tốt nghiệp hạng Thủ khoa và chỉ hai năm sau đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 1986, bà được trường gửi theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô. Tại đây, nữ nghệ sĩ được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu về thanh nhạc cổ điển.
4 năm sau, Lê Dung về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Chỉ 3 năm sau đó, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi mới 42 tuổi. Có thể nói, Lê Dung là một trong những nghệ sĩ được phong danh hiệu khi còn khá trẻ.
Những nỗ lực trong chuyên môn, giảng dạy khiến ai cũng nể phục
Trong các nhà sư phạm thanh nhạc thế hệ trước tại Nhạc viện Hà Nội, NSND Lê Dung luôn được coi trọng và xếp top đầu về chuyên môn cũng như năng lực giảng dạy. Bà là tấm gương cho sự nỗ lực, rèn luyện, dùng khổ luyện kỹ thuật để bù đắp cho giọng hát.
Bản thân NSND Lê Dung ngày trước từng bị nhiều người chê là giọng mỏng, thô, hát thiếu cảm xúc. Nhưng bà chưa bao giờ nản chí, vẫn luôn miệt mài rèn luyện.
NSND Trung Kiên, người phát hiện và đào tạo Lê Dung từng chia sẻ: "Trong 5 năm học tại Nhạc viện Hà Nội, Lê Dung đã có bước trưởng thành rất lớn, thể hiện bước đi của một ca sĩ lớn trong tương lai".
Năm 1982, Lê Dung tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện và tiến bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Với tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, rộng mở, lãng mạn và trẻ trung, bà tạm rời nhạc Cách mạng để bén duyên với nhạc nhẹ. Bà hát rất nhiều nhạc của những nhạc sĩ danh tiếng như Văn Cao, Phạm Duy, Phú Quang, Dương Thụ…
Nhờ những năm tháng hát nhạc nhẹ, Lê Dung đã tự nâng cao khả năng cảm thụ, thẩm mỹ âm nhạc và cách xử lý ca khúc đầy tinh tế, điêu luyện, không bị cứng nhắc, một màu. Nhưng bà chưa bao giờ ngừng học hỏi và khát khao vươn lên những tầm cao mới. Dù đã nổi tiếng, nhưng Lê Dung vẫn quyết định tạm gác lại sự nghiệp để theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Nga.
Tại đây, bà được tiếp xúc với nền nhạc cổ điển đồ sộ của phương Tây, học hỏi những danh ca lớn và được những giảng viên có kinh nghiệm rèn dũa. Nhờ đó, Lê Dung tiếp thu nền học thuật thanh nhạc cổ điển và dần ngấm vào máu lúc nào không hay, khiến bà quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc đầy chông gai, kén người nghe này.
Ở cương vị người thầy, NSND Lê Dung đã phát hiện và đào tạo được rất nhiều tài năng lớn cho nền âm nhạc nước nhà. Một trong số đó là ca sĩ nhạc nhẹ Ngọc Anh.
Ngọc Anh tâm sự, NSND Lê Dung có kỹ năng sư phạm rất tốt, dạy cho cô nhiều kỹ thuật ca hát chuẩn mực, từ giữ cột hơi tới cách chọn vị trí âm thanh để tạo cộng hưởng.
Cô nói: "Cách tạo vang vùng hốc xoang là thứ giá trị nhất cô Lê Dung để lại cho tôi". Nhờ đó, tuy hát nhạc nhẹ nhưng Ngọc Anh vẫn cộng hưởng âm thanh rất tốt, tạo được khoảng vang lớn trong giọng hát vốn trầm khàn, nổi bần bật trên sân khấu.
Người thầy có đạo đức, tâm huyết
Không chỉ dạy giỏi, NSND Lê Dung còn là một người thầy rất có tâm với nghề và hết lòng vì học trò. Học trò của bà có thể kể đến NSND Tạ Minh Tâm, NSND Thái Bảo, NSƯT Hà Thủy, ca sĩ Phương Nga, NSƯT Việt Hoàn… Lê Dung được ví như thầy của các người thầy.
NSƯT Việt Hoàn kể lại rằng, những năm tháng đầu tiên đến với nghề hát của anh rất khó khăn vì không có tiền đi học hay sinh hoạt tại thành phố. NSND Lê Dung sau khi nghe Việt Hoàn hát tại một cuộc thi đã chủ động tìm đến, động viên anh lên Hà Nội, không được bỏ phí giọng hát của mình. Chính vì một câu nói mà Việt Hoàn quyết định theo NSND Lê Dung lên Hà Nội.
NSND Lê Dung không lấy của Việt Hoàn một đồng học phí nào nhưng vẫn dạy anh đầy đủ tại trường lớp, cho anh ăn sáng mỗi ngày. Không chỉ đưa Việt Hoàn vào Nhạc viện, bà còn dẫn anh tới phòng trà Aladdin của NSND Thanh Hoa để anh có cơ hội đi hát kiếm tiền.
NSND Lê Dung còn dặn Thanh Hoa: "Hoa phải cho Việt Hoàn hát để nó còn kiếm sống, có tiền đi học". Nhờ đó, Việt Hoàn mới tồn tại được ở Hà Nội và ngày càng đi lên trong sự nghiệp.
NSND Tạ Minh Tâm cũng từng nói về cô giáo: "Với tôi, NSND Lê Dung là người thầy rất tận tụy và chân tình. Tôi may mắn và hạnh phúc nằm trong số ít người được sắp xếp học thanh nhạc hệ cao học với cô Lê Dung. Từ Hà Nội, cô vào tận TP.HCM, mang đến tinh thần làm việc sôi nổi, say mê cùng nhiều lời dạy bổ ích".
Nhờ đạo đức làm nghề và sự tận tâm trong việc truyền dạy kiến thức, đa số học trò của NSND Lê Dung đều thành công. Trong đó, nhiều người tiếp bước bà đi theo con đường giảng dạy, ươm mầm tài năng cho đất nước. Nhắc về cô giáo cũ, ai cũng trân trọng, kính nể nhân cách của bà.
Tình duyên trắc trở, qua đời trong niềm tiếc nuối của công chúng
NSND Lê Dung từng trải qua 2 lần kết hôn. Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, bà có một người con trai, nhưng họ sớm chia tay.
Năm 1991, bà tái hôn với một nhà thơ nổi tiếng. Tuy nhiên, sau 6 năm chung sống, cả hai cũng đường ai nấy đi. Cuộc đổ vỡ này để lại nhiều vết thương trong lòng Lê Dung, nhưng bà hầu như không chia sẻ trên báo chí.
Mãi tới sau này, ca sĩ Ngọc Anh mới tiết lộ: "Cuộc đời cô Lê Dung có nhiều nỗi đau và trắc trở. Cô là người đã cho tôi một bài học đáng nhớ. Tôi nhìn vào cuộc đời cô để tự rút ra bài học cho mình, không giẫm chân vào vết xe đổ của cô.
Cô Lê Dung là người yêu say đắm, yêu là để chết. Còn tôi yêu là để sống. Nói cách khác, tình yêu với cô Lê Dung quá tha thiết, dốc hết tâm sức nên dẫn tới đau tim, đau não và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cô Lê Dung qua đời do huyết áp tăng dẫn tới đột quỵ. Nhưng tôi biết, cô bị như vậy vì đau đớn quá nhiều trong tình yêu, tình yêu của cô trao đi nhiều quá.
Tôi cũng đau đớn trong tình yêu nhưng vì nhìn thấy tấm gương từ cô Lê Dung nên tự dặn lòng không được để bản thân bị như thầy mình. Tôi học cách dừng lại đúng lúc, không để sự đau đớn trong tình yêu ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của mình".
Ngày 29/1/2001, NSND Lê Dung qua đời đột ngột do tai biến mạch máu não, để lại nhiều tiếc thương trong lòng công chúng và đồng nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét