Diva là một danh hiệu cao quý mà công chúng dành tặng cho một số ít nữ ca sĩ có tài năng xuất chúng trong thanh nhạc và âm nhạc.
Đối với hầu hết các nữ ca sĩ đã và đang hoạt động trong nghệ thuật âm nhạc, diva luôn là giấc mơ, khát khao tột bậc của họ, là nấc thang cao nhất mà họ muốn vươn tới để khẳng định sự nghiệp của mình.
Với công chúng, diva là một trong những thước đo để đánh giá, công nhận năng lực, cống hiến của người nghệ sĩ nữ.
Dù danh hiệu này thuộc về công chúng, không có bất cứ tổ chức nào đứng ra xếp hạng hay bình chọn, nhưng nó cũng có những quy chuẩn vô cùng khắt khe mà rất ít nữ ca sĩ có thể đạt được.
Thông thường, một nữ ca sĩ được gọi là Diva cần có giọng hát hiếm thấy, kỹ thuật thượng thừa và cống hiến to lớn với nền âm nhạc.
Rất nhiều ca sĩ từng gây ý kiến trái chiều khi tự nhận hoặc được gọi là Diva. Nhưng cũng có một số ít ca sĩ đóng đinh với chữ Diva, khiến công chúng luôn nhớ đến họ mỗi khi nhắc đến danh xưng này. Họ là những Diva huyền thoại và trác tuyệt, đúng nghĩa nhất, khiến ai cũng ngưỡng mộ.
Cần phải nhắc đến Diva Opera đầu tiên, vì họ là những Diva nguyên gốc, với đầy đủ mọi chuẩn mực cao quý nhất của nền âm nhạc bác học.
Monserrat Caballe – Giọng nữ cao trữ tình đẹp nhất thế kỷ
Nhiều người thường nghĩ rằng, trong Opera thì giọng nữ cao màu sắc (coloratura soprano) sở hữu nhiều kỹ thuật lẫn giọng hát đẳng cấp hơn nữ cao trữ tình (lirico soprano), nhưng Montserrat Caballe đã chứng minh rằng, nữ cao trữ tình cũng có thể đạt tới đỉnh cao kỹ thuật ít ai sánh kịp.
Trong những năm cuối đời, người ta đã từng hỏi Maria Callas xem ai có thể thay thế được vị trí của bà, và Montserrat Caballe chính là lựa chọn duy nhất của bà.
Tất nhiên, không một ai có thể thay thế được Callas, nhưng qua đánh giá của một người khó tính như bà, công chúng đủ hiểu được tài năng của Caballe vượt trội cỡ nào. Khi đánh giá về Caballe, giới chuyên môn thường đưa ra một công thức: Maria Callas (kĩ thuật và cảm xúc) + Renata Tebaldi (âm sắc giọng đẹp không ai bì kịp) = Caballe.
Caballe sở hữu một chất giọng đẹp thuần Ý, ấm áp, đầy đặn và mềm mại như pha lê. Bà là người có hơi thở vô địch trong giới Opera.
Một làn hơi của bà có thể kéo dài đến 1 phút 45 giây, đến mức nam danh ca Opera Placido Domingo đã phải thốt lên rằng: "Caballe đã từng giữ một hơi thở khi nhạc công chơi xong ba trang nhạc, và thậm chí có thể giữ lâu hơn thế" (Nguồn: Nhaccodien).
Lợi thế đó đã giúp Caballe có được những chuỗi note vô cùng dài hơi, mà vẫn mềm mại tựa hơi thở của gió. Theo nhiều tài liệu ghi nhận, bà đã từng giữ một chuỗi note dài 32 giây trong vở Don Carlos.
Caballe đặc biệt nổi tiếng ở mảng kĩ thuật pianissimo (vuốt nhỏ giọng - kĩ thuật đặc trưng của dòng Bel Canto) trên mọi note nhạc đạt được.
Danh ca Domingo kể rằng, ông đã từng choáng ngợp trước kĩ thuật pianissimo của Caballe trong lần diễn chung vở Don Carlos tại Arena di Verona năm 1969, khi bà tung ra những pianissimo nhỏ li ti nhưng vẫn bay khắp cả sân khấu. Ông nói:
"Khoảng cách có thể từ 20 đến 30 mét - không gì có thể chuyển tải được cảm giác chia cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn!" (Nguồn: Nhaccodien).
Điều này chứng tỏ, kỹ thuật cộng hưởng âm thanh của Caballe đã đạt tới mức thượng thừa nên dù hát với âm lượng rất nhỏ nhưng vẫn vang xa vài chục mét.
Về kĩ thuật, không ai có thể chuẩn mực và chính xác hơn Caballe, dù có thể không lấn sân sang những kĩ thuật phô diễn hoa mỹ màu sắc.
Có thể nói, ở mảng Opera Bel Canto dành cho loại giọng nữ cao trữ tình, không ai có thể qua mặt được Caballe bởi chất giọng quá đẹp tới mức long lanh, tráng lệ của bà với legato siêu mượt và cảm xúc lúc nào cũng căng tràn.
Không chỉ vậy, với kĩ thuật cô cùng siêu đẳng, bà có thể hát cả những vai vốn dành riêng cho giọng kịch tính như Turandot, Salome không thường xuyên mà không bị mất giọng.
Đây là điều hiếm thấy với giọng trữ tình, đồng thời cũng mở rộng kịch mục của bà đến mức tối đa mà ít ca sĩ nào sánh kịp. Cùng với Callas (kịch tính), Sutherland (màu sắc), Caballe (trữ tình) đã tạo ra trụ thứ ba trong thế kiềng ba chân để xây dựng nên đế chế Bel Canto vững mạnh tới tận ngày nay.
Một trong những aria đỉnh cao nhất của Caballe phải kể đến Signore ascolta (vai Liu trong vở Turandot). Một chuỗi note dài bắt đầu từ những pianissimo Bb5 nhỏ li ti mà không gợn, vẫn vang rền xuyên qua không gian, len lỏi vào mọi ngõ ngách của nhà hát, kéo dài đến những chuỗi cressendo to đều, căng tràn về cuối trong 21 giây là một kì tích mà ngoài Caballe ra, chưa có ca sĩ nào làm được.
Mirella Freni – Tiếng hát chuẩn mực và bền bỉ nhất
Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La (người tiên phong về giảng dạy thanh nhạc cổ điển tại Việt Nam) khi được hỏi yêu thích giọng hát Opera nước ngoài nào nhất đã đưa ra cái tên Mirella Freni.
So với những danh ca, huyền thoại khác, Freni không nổi tiếng vượt trội và được đông đảo khán giả thế giới biết tới. Nhưng với giới chuyên môn và những ai hay nghe Opera, Freni thực sự là một giọng hát đáng ngưỡng mộ.
Không hào nhoáng như Maria Callas, không dữ dội như Birgit Nilsson, không lộng lẫy như Montserrat Caballe, không giằng xé như Leontyne Price, không sang trọng như Kiri Te Kanawa, không hoa mĩ bóng bẩy như Joan Sutherland hay Beverly Sills, nhưng Mirella Freni vẫn là soprano được nhạc trưởng vĩ đại Herbert von Karajan yêu mến nhất. Ông từng nói:
"Lần đầu tiên tôi nghe Freni hát tôi đã thực sự kinh ngạc. Nếu tôi sinh ra để làm một ca sỹ thì tôi ước mình là Freni" (Nguồn: Nhaccodien).
Vào năm 1965, sau khi Freni diễn vở La Bohème tại nhà hát Metropolitan (New York), nhà phê bình âm nhạc Alan Rich đã viết trên tờ New York Herald Tribune rằng:
"Freni thật tuyệt vời, giọng hát của cô tỏa ra sức quyến rũ không thể cưỡng lại được. Khi nghe cô hát, ta thấy toát ra đơn giản là sự mộc mạc nhưng bên cạnh đó là một sự thông minh đến bất ngờ".
Freni bẩm sinh là một giọng full lirico soprano rất đẹp với biểu cảm giọng hát tinh tế, có thể thể hiện được nhiều trạng thái cảm xúc.
Kỹ thuật của bà có thể nói là gần như hoàn hảo, lại thêm sự nghiêm túc và cẩn trọng trong việc luyện kỹ thuật, nên khi chuyển từ repertoire full lirco (trữ tình) sang những vai dành cho spinto (trữ tình kịch tính) không hề bị phá giọng như nhiều đồng nghiệp khác.
Bởi vậy nên bà giữ được sự nghiệp lừng lẫy kéo dài 50 năm trên sàn diễn Opera, sau đó vẫn tiếp tục đi dạy học và master class khắp thế giới 15 năm tiếp theo cho tới khi mất ở tuổi 84. Bà luôn dạy học sinh của mình rằng:
"Phải hát bằng tất cả trái tim, phải cảm nhận được nghĩa của những lời mình hát và phải bộc lộ cảm xúc thật sự của mình tại bất kì thời điểm nào" (Nguồn: Nhaccodien).
Giọng hát của Freni đầy nội lực nhưng vẫn nữ tính, biểu cảm, ngọt ngào nên cho đến nay, bà vẫn là người thể hiện thành công nhất vai Mimi (vở La Bohème), với bản thu được cho là chuẩn mực nhất.
Có thể thấy, Mirella Freni hát Mimi quá xuất sắc, đầy nữ tính và giàu biểu cảm mà không bị phô diễn khoe giọng quá đà. Bà cũng là ca sĩ hiếm hoi chuyển loại giọng bẩm sinh từ lirico soprano sang spinto soprano thành công nhờ kỹ thuật tuyệt vời. Nghe Freni hát rất đã tai vì âm thanh dựng tròn đầy, mở khẩu hình bên trong cực thoáng và không hề có chút căng thẳng nào.
Đặc biệt, Freni có một "tuyệt chiêu" khiến cho giọng hát tuy có độ mở hàm ếch mềm bên trong rất lớn, âm thanh dựng sâu bên trong nhưng lại rất cân bằng sáng - tối (chiaro - scuro). Đó là kỹ thuật "inner smile" – cười bằng cách mở xoang má bên trong (chứ không phải mở miệng chiều ngang).
Kỹ thuật này giúp âm thanh sáng và cộng hưởng ở xoang mặt nhưng không ảnh hưởng đến việc dựng âm thanh bên trong. Nhờ đó, giọng hát cân bằng màu sắc và âm thanh vang xa.
Tháng 3 năm 1993, Freni được Pháp trao tặng danh hiệu Légion d'Honneur. Năm 2002, Đại học Pisa đã trao tặng bà học vị Tiến sĩ danh dự với lời đề tặng: "vì những đóng góp của bà cho văn hóa châu Âu".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét