Trong opera và nhạc cổ điển, nữ cao trữ tình (lirico soprano) được định nghĩa là một loại giọng nữ cao ấm áp, có độ sáng, giàu âm sắc, âm khu trung đầy đặn, bay bổng, mềm mại, thường thể hiện vai những người phụ nữ hiền lành, yếu mềm.
Có hai loại nữ cao trữ tình là full lirico soprano (nữ cao trữ tình đầy đặn) và light lirico soprano (nữ cao trữ tình mảnh).
Đặc trưng của full lirico soprano là âm sắc đầy đặn, có độ dày, khỏe, legato (hát liền note) phát triển với full voice (hát toàn giọng), có khả năng điều chỉnh âm lượng vừa phải trên quãng cao, âm lượng chắc chắn ở những quãng hát dài hơi. Điển hình cho loại giọng này là Lara Fabian, Celine Dion, Montserrat Caballe, Renee Fleming.
Đặc trưng của light lirico soprano là âm sắc mảnh, sáng, có khả năng chuyển giọng và pha giọng nhanh chóng, thực hiện kĩ thuật hoa mĩ dễ dàng hơn. Điển hình cho loại giọng này là Cyndi Lauper, Christina Aguilera, SoHyang, Kathleen Battle, Leona Lewis, Mirella Freni.
Kathleen Battle là giọng light lirico soprano điển hình ở opera
Nữ cao trữ tình là loại giọng phổ biến thường thấy ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam, có vô số giọng nữ cao trữ tình, nhưng sau đây là một số ca sĩ điển hình nhất.
Ngọc Lan
Trong nền âm nhạc Việt Nam, hiếm có ca sĩ nào dù đã qua đời hơn chục năm mà vẫn thu hút được nhiều người hâm mộ như Ngọc Lan. Fanclub của cô vẫn tồn tại trong rất nhiều năm qua, hoạt động một cách lặng lẽ nhưng bền vững.
Xuất hiện và nổi tiếng trên sân khấu ca nhạc ngay từ những năm đầu thập niên 80, đi qua suốt hai mươi năm chặng đường ca hát, với một gia tài đồ sộ chừng 800 ca khúc thu âm, Ngọc Lan đã thực sự ghi dấu ấn sâu đậm lên nền nhạc trữ tình đương đại Việt Nam. Không màu mè, không khoa trương, cô giống như một bóng hồng lướt qua lâu đài âm nhạc, tặng lại cho đời một thanh sắc khó phai, cái mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã từng nói: "Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan", ảnh hưởng tới nhiều thế hệ ca sĩ sau này.
Chất buồn là một trong những khuynh hướng riêng mà Ngọc Lan phát triển cho âm nhạc của mình, đúng với phong cách "Tiểu thư buồn" cô mang. Ngọc Lan hát rất buồn, cái buồn trở thành bản chất cố hữu trong giọng hát, cách hát của cô, nên dù có hát những giai điệu uptempo vui tươi, nhanh mạnh thế nào thì vẫn cứ man mác buồn. Và, để cái buồn không bị sến, mà vẫn sang, Ngọc Lan đã khéo léo nhả chữ nhẹ nhàng, ấm áp, luyến vô cùng nhẹ, tạo nên sự mong manh, yếu đuối, cần được chở che.
Chất buồn trong giọng hát Ngọc Lan
Ngọc Lan là một trong số ít nghệ sĩ nữ biết phát huy phẩm chất giới tính của mình vào nghệ thuật, dùng nó để phát triển lối hát mới - lối "hát điệu", rất phù hợp với những giọng light lirico soprano sáng nhẹ. Quả thực mà nói, hiếm có ca sĩ nào hát điệu đà như Ngọc Lan, ngọt như rót mật vào tai, mềm đến tận xương tủy.
Lối hát điệu sang trọng của Ngọc Lan
Ca sĩ nữ ai cũng có thể hát điệu, nhưng không phải ai cũng điệu một cách hấp dẫn và văn minh như Ngọc Lan. Điệu mà làm quá mức, hoặc không biết kiểm soát giọng hát của mình, không biết cân bằng liều lượng của cái điệu ấy, không biết để nó vào chỗ nào thì dễ dàng bị lố, phản cảm, nói một cách dân giã là "điệu chảy nước". Nhưng Ngọc Lan thì không thế, cái điệu của cô được kiểm soát kĩ trong giọng hát và dồn nhiều kĩ thuật, giúp cho giọng hát của cô tự nhiên hơn, ngọt ngào hơn, cảm xúc hơn, như đang tự sự một câu chuyện tình vậy. Thậm chí, lối hát điệu này còn giúp cô bật được chất sáng trong âm sắc giọng nữ cao trữ tình của mình lên.
Cách hát này giúp cô tạo ra nhưng lối nhả chữ riêng biệt, phù hợp với đặc trưng giọng hát của mình, khiến bài hát trở nên mềm mại, bay bổng, mượt mà như những dòng suối, lại phù hợp với mọi tai nghe, lứa tuổi. Bởi vậy, dù là light lirico soprano, nhưng giọng hát của Ngọc Lan lại rất ấm áp, đầy đặn, không quá chói sáng như nhiều ca sĩ khác cùng loại giọng.
Dù là một giọng soprano, nhưng khả năng bẩm sinh giúp Ngọc Lan có thể xuống được quãng trầm một cách thoải mái mà không cần dựa nhiều vào kĩ thuật, cô có thể hát liên tục quãng trầm trong một đoạn dài với sự hỗ trợ tốt, đặc biệt là các note F3, B3, vì thế giọng hát của cô dù thanh mảnh nhưng vẫn có sức nặng và sâu chứ không hời hợt.
Ở quãng trầm, Ngọc Lan có thể hát note trầm trên các từ có thanh 2 (thanh sắc) vốn là thanh điệu mang âm điệu cao, bổng trong tiếng Việt, đây là một điều hiếm thấy với một soprano. Không những thế, khả năng chuyển giọng của cô cũng đáng kinh ngạc, trong ca khúc Revoir, cô có thể hát đều đặn ở quãng trầm trong suốt một đoạn dài để rồi đột ngột nhảy lên quãng cao với đúng âm sắc soprano như đang hát ở hai giọng khác nhau vậy.
Hà Trần có thể được coi là một tấm gương về sự nỗ lực học hỏi, rèn luyện, khi bằng sự miệt mài luyện thanh, cô đã biến giọng hát yếu, mỏng bẩm sinh của mình thành một trong những giọng nữ cao đẳng cấp của Việt Nam.
Về kĩ thuật thanh nhạc, có lẽ không một giọng nữ nào ở nhạc nhẹ Việt Nam dám qua mặt Hà Trần, khi cô được đào tạo liên tục hàng chục năm trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật với bố là nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, mẹ là nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Hiền (nguyên trưởng khoa Thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội), chú là nhạc sĩ Trần Tiến và tốt nghiệp hệ đại học khoa Thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội.
Hà Trần thực hiện scat singing – một kĩ thuật khó của Jazz và còn mới mẻ ở Việt Nam
Với sự kết hợp tuyệt vời giữa cổ điển và hiện đại, cô có thể hát pianissimo (kĩ thuật hát nhỏ tiếng) trên những legato (hát liền nốt) rất mượt mà, chuẩn mực, lại vừa có thể scat singing (một loại kĩ thuật khó của dòng nhạc Jazz) và cũng belt được những nốt cao vút. Dù rất hiếm khi phô diễn giọng hát, nhưng đã có lần, Hà Trần belt và giữ nốt Fa thăng (F#5) căng tràn, thoải mái, cộng hưởng vang rền đầy nội lực trong màn trình diễn ca khúc Dệt tầm gai tại Monsoon 2014.
Hà Trần mixed voice F#5 đẳng cấp
Ngoài ra, Hà Trần cũng là giọng nữ cao hiếm hoi ở Việt Nam có thể hát đẹp và thoải mái trên quãng trầm, không thua kém gì một giọng nữ trung trầm nào.
Hà Trần hát quãng trầm một cách điêu luyện
Hà Trần hát quãng trầm một cách điêu luyện
Nhưng với tư duy âm nhạc sâu sắc, Hà Trần hiếm khi sử dụng kĩ thuật để trưng trổ nốt này nốt kia, mà dùng nó để biến giọng hát thành một thứ nhạc cụ đặc biệt, biến hóa hư ảo, để hòa cùng nhạc và tôn nhạc sĩ lên, đúng với tinh thần của một nghệ sĩ indie (các nghệ sĩ dòng indie phải tự thân vận động trong tất cả các khâu từ sáng tác, hòa âm, sản xuất, quảng bá và phát hành)
.
Về giọng hát của mình, Hà Trần đã từng một lần chia sẻ trên Fanpage Hội những người thích nghe nhạc Divas rằng: “Bình thường mình xuống E (Mi) thoải mái, nhưng lúc ko bị căng dây thanh có thể xuống Rê. Quãng giọng của mình bắt đầu từ Rê (thấp nhất) đến La quãng trên nữa (giả thanh) là đẹp và an toàn. Tuy nhiên, trong các bài aria cổ điển có khi chạy lướt lên B, C (Si, Đô giả thanh) vẫn được.
Giong mình khoảng gần 3 quãng tám, nhưng khoảng đẹp là 2 quãng 8 rưỡi. Chất giọng là nữ cao và nhẹ (rất hiếm) nên có thể chạy note chùm, note lướt rất nhanh”.
Hà Phạm Thăng Long
Dù là cái tên còn xa lạ với khán giả nhưng Hà Phạm Thăng Long vẫn xứng đáng là một trong những giọng nữ cao trữ tình tiêu biểu ở Việt Nam hiện nay.
Thăng Long sở hữu một chất giọng full lirico soprano vô cùng đầy đặn, chắc khỏe, quãng trung phát triển, âm lượng giọng hát lớn. Với những năng lực tiềm ẩn riêng của giọng hát, nếu chịu khó khổ luyện, cô hoàn toàn có khả năng phát triển thành spinto soprano – một loại giọng vô cùng hiếm ở Việt Nam cũng như châu Á.
Giọng hát nội lực, khỏe khoắn của Thăng Long
Một số khán giả nghe Thăng Long hát không mic ở Nhà hát lớn Hà Nội từng nói đùa rằng giọng hát của cô rất lớn, khiến họ có cảm giác như đang nghe Birgit Nilsson (một giọng nữ cao kịch tính huyền thoại với giọng hát khổng lồ) vậy.
Tất nhiên, Thăng Long vẫn còn rất nhiều hạn chế trong giọng hát, đặc biệt về vấn đề legato, chuyển giọng và điều khiển giọng hát sao cho linh hoạt, nhưng cô vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.
Long Phạm
11/09/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét