Opera là dòng nhạc khắt khe và khó tính nhất, với những tiêu chuẩn cao cấp cả về giọng hát, kỹ thuật lẫn người thể hiện. Dòng nhạc này vốn sinh ra để phục vụ tầng lớp quý tộc ở châu Âu trong những thế kỷ trước nên thường được xem là sân chơi của những nghệ sĩ da trắng. Trước thế kỷ XX, hầu như không có một ca sĩ da màu nào chen chân được vào sân khấu Opera và ngay trong suốt thế kỷ XX, nó vẫn thuộc về giới nghệ sĩ da trắng.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, bằng tài năng vượt trội của mình đã xoay chuyển lịch sử, vượt qua ranh giới màu da để trở thành một trong những ngôi sao Opera sáng nhất thế kỷ, khiến cả giới chuyên môn lẫn khán giả khó tính nhất cũng phải ngả mũ thán phục. Đó là Leontyne Price – ca sĩ Opera da màu thành công nhất lịch sử.
Sự nghiệp đầy kỳ tích của một huyền thoại Opera sống
Leontyne Price sinh năm 1927 tại Mississippi trong một gia đình lao động, cha làm thợ mộc còn mẹ là bà đỡ. Tuy không may mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc như nhiều đồng nghiệp cùng thời nhưng Leontyne vẫn thường được nghe mẹ mình hát trong dàn hợp xướng của nhà thờ St. Paul Methodist.
Nhờ đó, Leontyne tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm, mới 5 tuổi đã được tập chơi piano. Tới 6 tuổi, bà được trình diễn lần đầu trên một sân khấu nhỏ và ngay lập tức được khen ngợi là một giọng hát thiên phú.
10 tuổi, Leontyne được chỉ định là pianist của trường học. Việc chơi piano thành thạo giúp bà nâng cao khả năng cảm nhạc của mình. Ban đầu, Leontyne chỉ muốn trở thành cô giáo dạy nhạc nên đã theo học chương trình giáo dục âm nhạc tại Central State University, Wilberforce, Ohio. Tuy nhiên, trong một lần hát với dàn hợp xướng, bà đã để lộ giọng hát tuyệt vời của mình và được khuyên theo đuổi nghề ca hát hơn là dạy piano.
Nghe theo lời khuyên đó, Leontyne tìm đến học thanh nhạc tại những giảng viên uy tín và bắt đầu trình diễn trên sân khấu của trường. Nhạc trưởng, nhà phê bình âm nhạc Virgil Thomson trong một lần xem Leontyne trình diễn đã chú ý tới bà và mời bà đi diễn ở nhiều buổi hòa nhạc tại Mỹ cũng như các nước châu Âu.
Thời gian này, dưới sự mở đường của huyền thoại Marian Anderson, Leontyne Price cùng một số ca sĩ người Mỹ gốc Phi thường được mời hát tại các buổi hòa nhạc. Trong khi nhiều ca sĩ da màu khác bị lép vế hơn các ca sĩ da trắng thì Leontyne đã vươn lên trở thành ca sĩ concert nổi tiếng.
Nhưng Leontyne chưa bằng lòng với thành công bước đầu đó, bà muốn tiến sâu hơn vào thánh đường Opera, trở thành nữ chính trong những vở Opera kinh điển, chứ không đơn giản chỉ là một ca sĩ thính phòng. Ở thời điểm ấy, điều này là vô cùng khó khăn với một ca sĩ da màu như Leontyne nhưng bà vẫn không ngừng nỗ lực, lao vào tập luyện hát Opera (bao gồm cả học ngoại ngữ, diễn xuất, kỹ thuật…).
Huyền thoại Marian Anderson là thần tượng lớn ảnh hưởng tới Leontyne Price. Marian Anderson là ca sĩ da màu đầu tiên được đảm nhận một vai trên sân khấu Opera tại nhà hát Metropolitan (nhà hát Opera danh giá nhất nước Mỹ) vào năm 1955 – vai Ulrica (một vai phụ) trong vở Un ballo in maschera.
Tuy nhiên, vì là giọng nữ trầm và đã bước vào giai đoạn cuối sự nghiệp nên Marian Anderson không thể đảm nhiệm những vai nữ chính trong Opera (vốn viết ra cho nữ cao, nữ trung). Bởi vậy, những định kiến về việc ca sĩ da màu không thể hát Opera vẫn chưa thể xóa bỏ.
Chỉ tới khi Leontyne Price bước lên sân khấu Opera và đảm nhiệm vai nữ chính, những định kiến ấy mới bị phá vỡ. Ngay khi Leontyne hát Aida vào năm 1957, nhạc trưởng huyền thoại Herbert von Karajan siêu khó tính đã phải thốt lên: "Cô ấy chính là nghệ sĩ của tương lai".
Aida cũng chính là vai diễn để đời, gắn liền với sự nghiệp của Leotyne Price, giúp cô đánh bại những ca sĩ da trắng xuất sắc nhất để vươn lên hàng Prima Donna. Có khán giả còn nói đùa rằng, giọng nữ cao kịch tính đình đám Birgit Nilsson sau khi nghe Leontyne hát Aida xong đã không bao giờ động vào vai này nữa.
Bản thân Herbert von Karajan sau đó cũng mời Leontyne hát một số vở Opera do đích thân ông chỉ đạo. Nhà hát Metropolitan thì ngay lập tức ký hợp đồng với bà. Giọng tenor nổi tiếng Franco Corelli (người từng có nhiều trận battle giọng hát với Birgit Nilsson) cũng yêu thích và đồng ý kết hợp cùng Leontyne. Đây là một kỳ tích, khi ca sĩ da màu lại diễn cặp cùng ca sĩ da trắng trên sân khấu Opera.
Năm 1961, Leontyne Price và Franco Corelli cùng nhau diễn vở Il Trovatore trong lần debut của mình tại Metropolitan và khiến khán giả phải vỗ tay liên tục 42 phút sau khi vở diễn kết thúc. Đây cũng là màn vỗ tay lâu nhất lịch sử Metropolitan, cho thấy sức công phá của Leontyne khủng khiếp cỡ nào.
Tiếp đó, Leontyne Price hát thêm nhiều vai diễn khác nhau và liên tiếp gặt hái thành công. Tất nhiên, để một ca sĩ da màu đứng trên sân khấu của người da trắng vẫn là một điều khá vất vả. Khi Leontyne được mời hát mở màn cho mùa diễn 1961 – 1962, đêm diễn đó suýt phải hủy bỏ vì các nhạc công không muốn để ca sĩ da màu hát chính.
Nhưng vì Leontyne quá tài năng nên đích thân tổng thống Kennedy phải đứng ra làm trung gian hòa giải. Không để khán giả thất vọng, Leontyne đã trình diễn xuất sắc và được tung hô nồng nhiệt hơn bao giờ hết. Bà tự tin nói: "Tài năng không phụ thuộc vào màu da".
Không thể hoài nghi khi nói Leontyne Price là ca sĩ da màu thành công nhất lịch sử Opera, dù trước bà là huyền thoại Marian Anderson, sau bà cũng có nhiều ca sĩ da màu nổi tiếng khác. Ở thời điểm bấy giờ, chỉ một mình Leontyne mới thực sự đạt đến đẳng cấp ngôi sao và có khả năng chiếm lĩnh những vai chính tại mọi nhà hát nổi tiếng trong và ngoài nước Mỹ.
Bà cũng là ca sĩ da màu duy nhất được mệnh danh là Prima Donna Assoluta (Ngôi sao nữ chính toàn năng) của Metropolitan, sánh ngang với những tên tuổi lừng danh khác (đứng đầu giới Opera) như Marian Callas, Renata Tebaldi, Joan Sutherland hay Birgit Nillson.
Nói cách khác, Leontyne đã vượt qua hàng ngàn ca sĩ da trắng khác để vươn lên đứng top đầu giới Opera. Thậm chí, Leontyne còn được xếp thứ 4 trong danh sách 20 soprano vĩ đại nhất mọi thời đại (chỉ dưới Maria Callas, Joan Sutherland và Victoria De Los Angeles).
Thành công của Leontyne đã mở đường cho các ca sĩ da màu tiến vào sân khấu Opera, xóa bỏ ranh giới màu da, chủng tộc. Nhờ đó, Leontyne đã vượt khỏi âm nhạc để trở thành biểu tượng về văn hóa, đấu tranh xã hội, nhân quyền. Bà tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và dùng chính sự nghiệp của mình để minh chứng cho tiếng nói bình quyền.
Tuy nhiên, Leontyne vẫn luôn được giới chuyên môn học thuật đánh giá cao về nghề nghiệp chứ không chỉ liên quan tới các phong trào xã hội. Chính bản thân bà cũng có nhiều đóng góp, cống hiến với nền nghệ thuật cổ điển, trở thành một tượng đài để mọi thế hệ đàn em noi theo. Bà là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều giọng nữ cao nổi tiếng như Renee Fleming, Kiri Te Kanawa, Jessye Norman, Leona Mitchell, Barbara Bonney, Sondra Radvanovsky.
Leontyne cũng là nữ ca sĩ Opera nhận được nhiều giải Grammy nhất với tổng cộng 13 giải thưởng. Hiện tại, Leontyne đã 95 tuổi nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Bà được coi là huyền thoại sống của nước Mỹ.
Tiếng hát đặc biệt của một tượng đài
Trong giới Opera, Leontyne nổi bật hơn cả nhờ tiếng hát đặc biệt của mình. Bẩm sinh giọng hát của bà là spinto soprano nên có nội lực rất lớn, đẩy lên kịch tính ở những đoạn cao trào, theo như lời nhà phê bình Harold Schonberg ca ngợi trên tờ New York Times là "giọng hát của cô ấm áp và ngọt ngào với một âm lượng khỏe khoắn có thể dễ dàng lấp đầy bất cứ nhà hát nào" (Nguồn: Nhaccodien). Giọng nam cao kịch tính Franco Corelli vốn có giọng hát khổng lồ và không ít lần suýt đàn áp nữ cao kịch tính Birgit Nilsson nhưng Leontyne vẫn nổi bật khi song ca cùng ông.
Nhưng ở những đoạn trữ tình, giọng hát Leontyne Price lại trở nên mềm mại, mượt mà với những legato và pianissimo chau chuốt.
Giống như huyền thoại Maria Callas, Leontyne sở hữu một chất giọng vô cùng đặc biệt, đa dạng và giàu màu sắc, không thể lẫn với ai được. Chất giọng của bà có đặc trưng hơi khàn và ồm, có thể belt giọng ngực ở quãng trung rất dày, đanh như một nữ trung. Đây là điều ít thấy ở đa số các soprano khác. Âm khu trung của Leontyne ấm áp và đầy đặn, nhưng lên cao lại rất sáng, đẹp, chắc chắn.
Tuy là một spinto soprano, nhưng quãng giọng rộng giúp Leontyne vươn tới tận ngưỡng của coloratura soprano, đồng thời cũng thực hiện được nhiều kĩ thuật màu sắc, linh hoạt của loại giọng này. Bà có thể hát full voice lên tận E6 căng tràn và chính bà từng tiết lộ đã lên tới F6 trong nhà tắm. Trong cảnh 1 của vở Madam Butterfly, Leontyne là một trong số ít ca sĩ giữ được đúng C#6 gốc khi phiêu trường hơi dài mà không phải hạ xuống B5 như nhiều ca sĩ khác.
Điều này chứng tỏ Leontyne có một nền tảng kĩ thuật vô cùng điêu luyện và phong phú. Chính chất giọng đặc biệt kết hợp với kĩ thuật điêu luyện đã giúp Leontyne thực hiện một cách xuất sắc các vai diễn của nhà soạn nhạc Verdi, trở thành đại diện lớn nhất của trường phái Opera Verdian trong thế kỉ XX.
Về đóng góp của Leontyne với trường phái Verdian, nhà phê bình Anh JB Steane từng viết: "Người ta có thể kết luận từ các bản thu âm của Price rằng cô là thông dịch viên tốt nhất của Verdi trong thế kỉ này" (Nguồn: Nhaccodien).
Nam danh ca opera Domingo thì nhận định rằng: "Sức mạnh và cảm xúc trong giọng hát của Leontyne là một hiện tượng nữ cao Verdi đẹp nhất mà tôi từng nghe".
Có thể so sánh Leontyne Price với ngôi sao cùng loại giọng spinto soprano là Renata Tebaldi để thấy được tài năng của bà. Renata Tebaldi nổi bật với âm sắc giọng đẹp nhất giới Opera, tiếng hát như viên ngọc quý.
Leontyne Price không may mắn có được chất giọng đẹp như thế nhưng lại vượt trội hơn về kỹ thuật, quãng giọng. Nhờ đó, dù đi hát sau Renata Tebaldi, khi đồng nghiệp đã gây dựng được danh tiếng lớn lao trong kịch mục của spinto soprano nhưng Leontyne vẫn khẳng định được chỗ đứng cho mình.
Cũng nhờ kỹ thuật tốt và giọng hát đa dạng, Leontyne có sự nghiệp thu âm cũng như trình diễn sân khấu khá đa dạng, từ các aria kịch tính đến màu sắc, trữ tình, spinto. Bà cũng diễn xuất khá tốt.
Một trong những kỹ thuật độc đáo của Leontyne nằm ở việc thư giãn các cơ cằm, môi, khẩu hình để điều khiển độ vang của giọng hát và thay đổi tính chất âm thanh một cách tuyệt vời, đặc biệt ở các note C6. Nếu nghe kỹ Leontyne Price, khán giả sẽ thấy bà có cách khuếch đại độ vang của giọng hát rất đặc biệt, loang dần theo sóng âm thanh. Cụ thể, khi tung một note dài hơi cao trào, Leontyne sẽ bắn thẳng âm thanh ra phía trước ở vài giây đầu, sau đó di chuyển vị trí âm thanh, khẩu hình để tán độ vang tỏa ra 4 phía, cộng hưởng dội lại. Cách dứt hơi của bà cũng đặc biệt, dồn hết lực để bung giọng vào giây cuối cùng, tạo ra cơn bão cảm xúc cho khán giả.
Tất nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Leontyne Price ở giai đoạn sau này đã phát triển sai hướng kỹ thuật, dẫn đến những âm thanh không đẹp, nhiều sạn. Nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng, ở giai đoạn đầu sự nghiệp, bà là một tiếng hát hoàn thiện, không tỳ vết.
Đặc biệt hơn cả, vì sinh trưởng trong môi trường Gospel (dòng nhạc nhà thờ của người da màu) nên cách hát Opera của Leontyne cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ dòng nhạc bình dân này. Bà đã mang hơi thở của nó vào nền nhạc bác học Opera nhưng một chút gia vị độc đáo, đậm tính văn hóa.
Leontyne Price cũng là một trong số ít ca sĩ hát thành công nhất Opera của George Gershwin, thể hiện được màu sắc Jazz trong phong cách sáng tác Opera của ông. Đây là những đóng góp to lớn của Leontyne với nền Opera thế giới. Trong đó, Porgy and Bess là vở Opera hiếm hoi viết riêng về người da màu đã được Leontyne thể hiện thành công. Với những kỳ tích này, tiếng hát Leontyne Price đã trở thành tiếng hát của lịch sử, văn hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét