Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Madonna - Biểu tượng của nền âm nhạc hậu hiện đại (Phần II)

2. Người nghệ sĩ bản lĩnh

Năm 2006, tại lễ hội âm nhạc Coachella California, Madonna trong khi trình diễn đã tự sửa lời ca khúc I love New York thành: "Hãy tới Texas và bú cu Bush!" để thể hiện sự đối lập về quan điểm chính trị với đương kim tổng thống Mỹ lúc bây giờ là Geogre Bush. Chỉ cần một câu hát này cũng đủ để thấy được bản lĩnh gai góc trong người phụ nữ ấy, khác hẳn với các nghệ sĩ khác. Quả thực, với trái tim và tâm hồn lớn của một người nghệ sĩ đích thực, Madonna luôn dám làm những điều mà các ca sĩ khác không dám làm, chỉ để đấu tranh đến cùng cho những cái mà lương tâm cô tin là đúng.
Tiếp tục trên phương diện chính trị, video clip ca khúc American life trong album cùng tên (2003) đã gây tranh cãi trong dư luận nước Mỹ khi đề cập đến nhiều hình ảnh của chiến tranh (trong đó có chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến tại Iraq của nước Mỹ) với đầy rẫy bom đạn, súng ống, xe tăng, máy bay phun chất độc da cam, nhà tù, thương tích, chết chóc, vũ khí hạt nhân, bắt bớ, giết chóc... Theo tôi, bằng việc dựng lên một sàn catwalk với những người mẫu mặc quân phục, thương tích đầy mình đang quằn quại, cùng những đứa bé ngây thơ phải đeo trên người cả tá vũ khí trong sự hò reo, vui thú của khán giả và cánh phóng viên, Madonna đã chỉ trích sự bàng quan, thờ ơ của người dân Mỹ trước những cuộc chiến tranh mà chính đất nước họ gây ra, đồng thời đả kích, bóc trần bộ mặt thật của chính quyền Mỹ khi mượn danh dân chủ đem quân đánh chiếm nước khác, gây tội ác tày đình chỉ để vơ vét cho đầy túi tham của mình. Xuyên suốt ca khúc là rất nhiều từ "fuck you" thể hiện sự phẫn nộ, căm ghét của Madonna với chính quyền Mỹ. Càng về cuối clip, những hình ảnh chết chóc, thương tích, đau đớn được chụp từ các cuộc chiến càng dồn dập với tốc độ nhanh, đối lập với nó là sự thích thú, reo hò của đám đông bên dưới để phô bày bản chất máu lạnh, vô tâm của đa số người Mỹ. Quả lựu đạn mà Madonna ném vào giữa sàn catwalk ở cuối clip chính là câu hỏi về thái độ, sự lựa chọn của người Mỹ trước thời cuộc.
https://www.youtube.com/watch?v=sNAw3f5VXA8

Madonna có lẽ là nghệ sĩ tiên phong mở màn cho việc dùng âm nhạc để đụng chạm tới tôn giáo thông qua công nghệ hình ảnh và nghệ thuật trình diễn. Chúng ta đều biết rằng, ở phương Tây, Thiên Chúa giáo có quyền lực rất lớn, chi phối không nhỏ đến tinh thần con người. Dù ở thời hiện đại, xã hội phương Tây vẫn còn vô số người u mê mà tin theo những lời dạy từ vài ngàn năm trước của tôn giáo, mà không hề nhận ra nó cổ hủ, lỗi thời đến mức nào. Và cũng bởi thần quyền quá lớn của tôn giáo, mà hầu như không có nghệ sĩ nào dám động chạm tới nó, nếu không muốn gánh chịu những tai họa khó lường. Nhưng Madonna thì khác, cô sớm nhận thấy những phi lí, nhẫn tâm trong tôn giáo và quyết tâm đưa nó vào âm nhạc để lên án, dù biết rằng việc làm đó vô cùng nguy hiểm, vì chưa từng có tiền lệ nào trước cô. 
Cũng như những người nghệ sĩ có trái tim lớn, Madonna thừa hiểu tính kìm hãm, cổ hủ của Thiên Chúa giáo khi nó tiếp tay cho hệ tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ, vùi dập tự do trong tình yêu, tình dục. Nhưng hơn thế nữa, một trong những điều nhẫn tâm hơn mà cô nhận thấy chính là sự kì thị với người đồng tính, khi Kinh Thánh cho rằng đồng tính luyến ái là một tội lỗi, và cố dựng lên câu chuyện Adam và Eva để thay đổi quan điểm của loài người về tình yêu, hôn nhân, che đậy đi những giá trị nhân văn từ thời cổ đại. Là một người sống gần gũi và có tình cảm thân thiết với nhiều người bạn đồng tính, Madonna thấu hiểu được nỗi đau của họ, và nhận thấy chính tôn giáo là kẻ gieo giắc lên loài người những chuẩn mực đạo đức giả tạo, ác độ. Không thể chịu được điều đó, lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, cô ca sĩ nhỏ bé đem đủ những cây thánh giá lên đốt cháy trong video clip ca khúc Like a Prayer, thể hiện sự phẫn nộ của mình (dù nội dung ca khúc lại không hề đả kích tôn giáo). Dù clip quay không toàn cảnh, nhưng tôi dám chắc số cây thánh giá bị đem ra đốt cháy là 13, tượng trưng cho Chúa Jesus và 12 tông đồ, rằng 13 kẻ đó đã đến lúc cần đi vào tro bụi. Trong clip còn có đủ 5 dấu thánh, tượng trưng cho những vết thương trên người Chúa Jesus khi bị đóng đinh trên cây thánh giá. Những bức tượng khóc ra máu và hành động hôn Chúa da màu trong clip là những biểu tượng không những đem sự thế tục vào tôn giáo mà còn đả kích sự chết chóc, ma quỷ, hút máu người của nó.
https://www.youtube.com/watch?v=rDnUIXF2ly8
Hành động này đã làm Giáo hội tức giận vô cùng, khiến Tòa Thánh Vantican kết tội cô đã báng bổ Chúa. Năm 1988, khi văn phòng thị trấn Pacentro, Ý cho khánh thành bức tượng cao 13 ft hình Madonna mặc một chiếc áo ngực, Giáo hoàng đã cố ngăn cản việc dựng tượng vì cho rằng bức tượng này sẽ làm vấy bẩn đạo đức của thanh niên Pacentro. Tiếp đến, năm 1990, khi Madonna bắt đầu Blond Ambition Tour tại Ý, John Paul II đã kêu gọi người hâm mộ không đến xem cô biểu diễn. Nhưng áp lực từ phía Giáo hội không làm cho Madonna sợ hãi, trong màn trình diễn ca khúc Live to tell tại Confession Tour, cô tiếp tục treo mình lên cây thánh giá để hát, như một sự phỉ báng tôn giáo. Trong một lần được phỏng vấn, Madonna nói rằng cô đang thôi dần việc học đạo, vì "đạo Thiên Chúa dường như cấm đoán tình dục, ngoại trừ việc...sinh đẻ". Việc sử dụng nghệ danh Madonna (cái tên gợi đến Đức mẹ đồng trinh Maria), theo tôi, ngay từ đầu Madonna đã xác định việc xây dựng hình tượng của mình là gợi dục và nổi loạn, và cô muốn cái tên có vẻ trinh bạch, cao quý kia luôn đi kèm hình ảnh của mình để mỉa mai, giễu cợt sự giả tạo của tôn giáo. Không những vậy, từ "papa" trong ca khúc Papa don't preach (nội dung là lời thú tội của một cô gái trót đi theo tiếng gọi của tình yêu mà trót mang thai, cô cố gắng thuyết phục cha mình cho giữ cái thai đó) trong tiếng Ý lại chỉ Giáo hoàng. Lợi dụng sự trùng hợp này, Madonna đã gửi tặng ca khúc cho Giáo hoàng như một sự khiêu khích về sự cổ hủ, lỗi thời của Giáo hội.

Trong những năm đầu sự nghiệp, Madonna còn sử dụng thánh giá như một thứ trang sức. Bằng việc làm này, cô đã biến những biểu tượng tôn giáo trở nên bình dân hơn, mở màn một phong cách thời trang mới gây sốt trong giới trẻ khi ấy, và phổ biến đến tận ngày nay.
Madonna chưa bao giờ ngưng việc đấu tranh với tôn giáo, dù ở tuổi xế chiều. Đến tận năm 2012, tại MDNA tour, trong màn trình diễn ca khúc Girl gone wild (ca khúc có nội dung kêu gọi mọi người tới sàn nhảy) mở màn, cô tiếp tục đả kích tôn giáo bằng việc dựng lên cả một nhà thờ trên nền backdrop rồi bước ra từ đó, nhảy những điệu nhảy sôi động, khiêu gợi. Bằng hành động này, theo tôi, Madonna không chỉ phê phán tôn giáo như một chiếc hộp ngủ cầm tù con người trong u mê, mà còn đem cái thế tục vào tôn giáo, kêu gọi mọi người hãy từ bỏ tôn giáo mà tận hưởng những vui thú của cuộc sống nơi trần thế, rằng nhà thờ cũng chỉ ngang một cái sàn nhảy, và thiên đường ở chính mặt đất này chứ không phải trong vài trang Kinh Thánh lỗi thời nào đó. Việc sử dụng những vũ công nam mặc áo khoác của thầy tu rồi sau đó cởi bỏ tất cả, chỉ mặc chiếc quần bó, đi guốc cao nhảy những vũ điệu khiêu gợi, nữ tính ám chỉ sự giả tạo của nhà thờ, rằng họ đang cố dùng sự tôn nghiêm để che đậy một sự thật là có vô số tu sĩ đồng tính đang khát khao được sống thật với chính mình. Từ đó, Madonna thúc giục những tu sĩ đó hãy từ bỏ tôn giáo mà quay về với đời sống thực, tôn giáo chỉ là nhà tù với họ mà thôi. Thậm chí, hành động bỏ lớp mạng che mặt màu đen của Madonna cũng thể hiện chính bản thân cô đang dần rời bỏ thứ tôn giáo đen tối ấy. Màn trình diễn này làm tôi liên hệ tới tác phẩm kinh điển thời kì Phục hưng - 10 ngày của nhà văn Ý Bocaxio, và thấy có nhiều tư tưởng rất tương đồng với nhau.
https://www.youtube.com/watch?v=QZtP7pK3lVo
Nói qua về việc dàn dựng sân khấu trong màn trình diễn này, tôi vô cùng nể phục Madonna ở sự sâu sắc của cô. Màu sắc được sử dụng đều là gam màu tối, kết hợp với tiếng chuông nhà thờ, làn khói mờ ảo tạo nên sự u ám, nhằm nhấn mạnh vào sự đen tối, ma quái của tôn giáo. Nhìn hình ảnh nhà thờ trên backdrop, ta không khỏi rợn người khi liên tưởng tới một cái nhà mồ ma quái, chết chóc chứ không phải nơi cầu nguyện, gửi gắm niềm tin. Thậm chí, ngay cả trang phục của Madonna cũng là màu đen, và vì thế, việc bỏ lớp mạng che mặt có ý nghĩa hơn rất nhiều. Không gian gothic kết hợp với vũ đạo và âm nhạc hiện đại là một sự sáng tạo rất mới lạ, gây hấp dẫn thị giác của người xem.

Việc đả kích, phê phán tôn giáo vốn đã được các nghệ sĩ thời Phục hưng hoàn thành một cách xuất sắc, tiếp đó là các nghệ sĩ hiện sinh chủ nghĩa những năm 60 của thế kỉ XX. Nhưng, ở nền nghệ thuật hậu hiện đại - đương đại, thì có lẽ Madonna chính là nữ nghệ sĩ duy nhất dám đứng lên chống lại tôn giáo một cách mạnh mẽ nhất bằng âm nhạc. Người mở màn bao giờ cũng là người bản lĩnh nhất, vì họ chẳng thể biết điều gì sẽ xảy đến với mình mà vẫn dấn thân vào. Ngày nay, chúng ta có thể thấy nhiều ca sĩ sử dụng tôn giáo làm chất liệu âm nhạc, mà điển hình là Lady Gaga. Tất nhiên, những ca sĩ này đều chịu ảnh hưởng từ Madonna và được cô dẫn lối, nhưng nếu so với cô, cách sử dụng tôn giáo của họ thật ngô nghê, hời hợt, và thiếu bản lĩnh, chẳng có gì sâu sắc, ấn tượng.

Với những đấu tranh không ngừng nghỉ trong suốt sự nghiệp, Madonna xứng đáng là người nghệ sĩ bản lĩnh nhất nền âm nhạc đại chúng ngày nay.


Tobe Continued...

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 15 tháng 8 năm 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét