Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Madonna - Biểu tượng của nền âm nhạc hậu hiện đại (Phần cuối)

4. Biểu tượng của nền nghệ thuật hậu hiện đại

Hậu hiện đại (tiếng Anh là Postmodernity) là một thuật ngữ do các nhà triết học, xã hội học, phê bình nghệ thuật dùng để nói về các khía cạnh của điều kiện nghệ thuật, văn hóa, kinh tế và xã hội hiện đại, tổng hòa thành đời sống của con người giai đoạn cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI với những đặc trưng cơ bản như sự toàn cầu hóa, tiêu thụ đại chúng, sự phân tán quyền lực, công nghệ hình ảnh, phổ cập kiến thức dễ dàng hơn... Hậu hiện đại là sự tiếp nối của hiện đại, kế thừa các chủ nghĩa như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa trừu tượng, chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa hiện sinh... Khi các quan điểm sáng tác, thể hiện nghệ thuật được đồng nhất thành những phạm trù ý thức nhất định, nó được gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong hậu hiện đại gồm có triết học hậu hiện đại, văn học hậu hiện đại, âm nhạc hậu hiện đại, học thuyết phê phán, toàn cầu hóa, chủ nghĩa cực giản, âm nhạc cực giản, chủ nghĩa tiêu thụ, mà có lẽ, Madonna nổi lên như một nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong nền âm nhạc hậu hiện đại. Do không có điều kiện tìm hiểu sâu xa, tôi chỉ nói qua một số ý cơ bản như sau:
- Hậu hiện đại là một dạng kiến trúc thượng tầng nảy sinh trên cơ sở hạ tầng là thời kì hậu công nghiệp, tiêu thụ đại chúng với nền văn minh kĩ trị, nơi người ta bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất, tiêu dùng. Nếu như các nghệ sĩ hậu hiện đại như Becket, Haler, Hassan... chọn chủ nghĩa hư vô, ảo mộng về nhân sinh, diễn đạt trạng thái cô đơn, phi lí, sầu não để ngầm phê phán xã hội, thì Madonna trong thời gian đầu sự nghiệp lại chọn hướng đi ngược lại, phi lí hóa bản thân để chống lại cái phi lí. Trong ca khúc Material Girl' (cô gái vật chất), Madonna đã biến mình thành biểu tượng vật chất, khi dùng vật chất để gia tăng quyền lực cho phụ nữ, tự nâng mình lên trong thế giới vật chất, lấy giá trị của mình chà đạp lên vật chất, coi nó chỉ là thứ phục vụ mình, chứ mình không phải nô lệ cho nó: "Vì chúng ta đang sống trong một thế giới vật chất. Và tôi là một cô gái vật chất". Nhưng khi đã ở tuổi tứ tuần, Madonna lại trở nên suy tư hơn, trong ca khúc American life, cô phô bày hiện thực về cái gọi là "giấc mơ Mỹ", sự giả tạo, ảo mộng của cái gọi là "đỉnh cao của thế giới hiện đại", cái đã khiến người ta phải đánh đổi tên họ, tự do để lao vào như con thiêu thân. Câu hỏi xuyên suốt bài hát từ đầu đến cuối "Liệu tôi có phải thay đổi tên của tôi?" chính là câu hỏi dành cho thái độ của con người trong cuộc sống hậu hiện đại.
- Madonna là một trường hợp đặc biệt của nền nghệ thuật hậu hiện đại. Nếu ở chủ nghĩa hiện đại (mà chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh), ý thức về cái tôi, về bản thể rất mãnh liệt, các nghệ sĩ thường cố thể hiện rõ nhất cái tôi của mình, trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại lại hoài nghi về nó, dẫn đến sự phân tán bản thể phi trung tâm, vô định và không rõ ràng, thì Madonna lại chọn cách trải nghiệm thật nhiều bản thể khác nhau, sống và hóa thân vào nhiều cái tôi. Dù thể hiện cái tôi khá rõ nét, nhưng không phải một cái tôi mà là vô vàn cái tôi, đó là cách mà Madonna phân tán bản thể vào nhiều trạng thái, dạng thức khác nhau, nhiều trung tâm nhưng chia làm nhiều ngả khác nhau, phi trung tâm chính, nên ta vẫn xếp cô vào chủ nghĩa hậu hiện đại. Thật khó có thể tìm thấy một ca sĩ nào có sự đa dạng phong cách và hình tượng như Madonna, cô có thể hóa thân vào một quý bà, một mệnh phụ, một minh tinh, một người mẫu, một nữ chiến binh, một cô gái nổi loạn, hư hỏng, một khách làng chơi, một tomboy, cô gái mới lớn..., lúc thì ma quái biến ảo, lúc thì dữ dằn, đanh thép, lúc lại hiền lành, ngây thơ... Khó mà kể hết được những hình tượng mà cô đã hóa thân trong suốt sự nghiệp của mình. Ngay cả đến giới tính là cái khó thay đổi, thì Madonna cũng biến hóa được thành trạng thái phi giới tính, phi tình dục, hỗn độn và mờ ảo, khi phô bày việc quan hệ tình dục với cả nam và nữ, thậm chí là người đồng tính, rồi lúc thì ngọt ngào nữ tính, lúc nào theo phong cách tomboy như một nàng les chuyển giới... Đặc biệt hơn cả, dù ở vai diễn nào, cô cũng hóa thân một cách xuất sắc, biến nó thành một bản thể không tách rời của mình, khiến người xem tin chắc đó là con người thật của cô. Để rồi đến cuối cùng, người ta chẳng thể biết nổi Madonna thật đang nằm ở đâu, rằng liệu cô đã bộc lộ nó ra chưa, hay vẫn giấu kín ở ngõ ngách nào đó. Liệu có phải đó là cách để Madonna biến thành tắc kè hoa, thích nghi ở mọi thời điểm của thế giới giải trí, cũng như cái cách mà con người cần học để tồn tại được trong xã hội hậu hiện đại đầy khắc nghiệt này? Chỉ cần biết rằng, đó là một cách tồn tại khôn ngoan, tìm thấy bản thể và trở nên nổi bật ở mọi môi trường, nhưng vẫn luôn đổi mới và biến chuyển, không bị chững lại một chỗ, tránh để bản thân rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng vì giữ mãi một bản thể khó thích nghi. Đúng như những gì Madonna từng nói, "Phong cách của tôi đại diện cho tự do, tôi làm những gì mình tin và không ngừng mơ ước để đạt được những gì mình muốn", cô biến hóa vào tất cả mọi phong cách, hình tượng để tìm lấy tự do, đạt được những ước mơ, ảo mộng của mình. Nhưng cũng cần nói rằng, biến thân vào nhiều hình tượng không có nghĩa là đa nhân cách, là vô thức mà vẫn có ý thức rõ ràng, từ sâu bên trong mỗi hình tượng trải nghiệm, Madonna vẫn giữ những móc xích nhất định, ngầm trong đó bản thể của cô, giấu kín đi nhưng vẫn đang tồn tại. Sự hóa thân của Madonna thành công tới mức, dù trải qua nhiều phong cách như thế, nhưng ở bất cứ phong cách nào, người ta vẫn biết ngay đó là Madonna, không phải một ca sĩ nào khác, đúng như lời cô nói: "Tôi có phong cách nghệ thuật của riêng mình, không lẫn với ai được". Dù tự do tới đâu, nhiều bản thể đến đâu, thì Madonna vẫn luôn là chính mình, không bao giờ phải ngả nghiêng hay che đậy bất cứ điều gì. Nếu người ta có đánh giá rằng Madonna "không có tính cách thật, không có cách thức tồn tại xác thực vì cô đã thay thế nó bằng một dòng bất tận các tính cách lừa dối", thì đây cũng chỉ là cách mà cô học được từ chủ nghĩa hiện sinh mà thôi, tức là dùng cái phi lí của bản thân để chống lại cái phi lí của cuộc đời. Tôi đánh giá đây là một cách thể hiện tồn thể rất mới của Madonna, chưa từng có trong chủ nghĩa hiện đại cũng như chủ nghĩa hậu hiện đại.
- Về giọng hát và kĩ thuật, đối với tôi giọng hát của Madonna không sự nổi trội nhiều trong âm sắc, kĩ thuật dừng lại ở mức khá, chưa đạt đến độ siêu đẳng như các diva khác. Tất nhiên, sẽ nhiều fan của Madonna phản đối ý kiến này vì cho rằng Madonna phải có giọng hát đa dạng và kĩ thuật cực tốt mới hát được nhiều thể loại nhạc, nhiều phong cách nhạc đến thế, từ house, dance, đến jazz, nhạc kịch... cô đều làm rất tốt, điều mà các diva khác không làm được. Nhưng theo tôi, cái đó thuộc về tư duy và thẩm mỹ âm nhạc vượt trội của Madonna, chứ không phải giọng hát. Vì trên thực tế, Madonna hát tốt trong phòng thu, nhưng khi live trên sân khấu lại thường phô, yếu, điều khiển vocal chưa thực sự tốt, đặc biệt là việc xuống note trầm khá mờ và lên những note quá cao thì thiếu vang, thiếu lực, không ổn định. Các fan của Madonna nên biết rằng, ở phòng thu và liveshow đã qua chỉnh sửa khác với live trực tiếp không chỉnh sửa trên sân khấu vì có máy móc hỗ trợ. Chẳng hạn như máy compressor (giống như cái ổn áp), khi hát nhỏ quá máy sẽ làm lớn lên, còn hát lớn quá sẽ được làm nhỏ bớt lại. Compressor là nén lại, giọng mỏng có thể trở nên dày. Ca sĩ muốn thu âm không cần quá lo ngại vấn đề giọng mỏng. Vì giọng mỏng hát sân khấu có thể thất bại nhưng khi thu âm giọng vẫn có thể được nâng lên. Chưa kể, khi thu âm, bạn có thể chỉ cần hát vài câu rồi lại nghỉ lấy sức, không cần phải hát liền một mạch như khi live trên sân khấu. Nhiều ca sĩ có vocal tốt, khỏe  lại thường muốn bớt tiếng echo để tự lột tả những sắc thái tinh tế. Và trong phòng thu thường cũng để ít echo nên nghe rõ chữ hơn hát live. Ngay cả ở những album được coi là sự tiến bộ lớn, đỉnh cao trong giọng hát, cũng như kĩ thuật của Madonna là Evita, I'm breathless, thì cũng khó đem ra so sánh với các diva khác được, vẫn có sự chênh lệch không nhỏ. Nhưng tư duy âm nhạc đã bù đắp vào những phần thiếu hụt vocal của Madonna, cô biết cách hát trong khoảng an toàn của giọng, để làm cho giọng hát trở nên tự nhiên, mượt mà hơn, không quá gắng gượng trong việc phô diễn vocal, kĩ thuật khó, vì biết đó không phải sở trường của mình. Và dù sao đi nữa, Madonna cũng đã hoàn thành khá tốt các bản nhạc trong phòng thu với những tiết tấu, giai điệu không đơn giản. Chúng ta cũng không nên coi thường ca sĩ phòng thu, vì phòng thu dù tài đến mấy cũng không thể giúp ca sĩ phát âm rõ lời, hát đúng nhịp, đúng tone nếu bản thân ca sĩ không có sự vững vàng trong cảm nhạc. Trên thực tế, có những ca sĩ hát live không ổn trên sân khấu, nhưng thu âm rất hay, và ngược lại, có những ca sĩ live khá bốc nhưng thu âm lại không hay. Vì vậy, việc hát tốt trong phòng thu cũng là một minh chứng cho năng lực và sự nỗ lực rèn luyện của Madonna. Hoặc nếu so sánh giọng hát của Madonna qua các thời kì, có thể thấy cô hát ngày càng tốt hơn, sự thể hiện vocal ngày càng sâu sắc, có chất lượng hơn, chứng tỏ cô đã phải phấn đấu rất nhiều trong việc rèn luyện thanh nhạc. Jazz và nhạc kịch là hai dòng nhạc đòi hỏi ở ca sĩ một thẩm mỹ âm nhạc cao, cũng như những đặc trưng riêng khác với các dòng nhạc khác, việc Madonna hát thành công hai dòng nhạc này (trong hai album Evita và I'm breathless) đủ để thấy rằng cô có một tư duy âm nhạc lớn, biết thích nghi với từng loại nhạc, và quan trọng hơn cả, cô đã có một quá trình lao động nghiêm túc thì mới tìm hiểu, khám phá ra những đặc trưng riêng của các dòng nhạc, để áp dụng vào giọng hát, cách hát của mình. Nếu một số diva với chất lượng và cá tính giọng hát quá mạnh, thường khó thoát khỏi cái bóng lớn của chính mình để vươn ra nhiều thể loại, (như Whitney hát Jazz thường vibrato belt quá đà, Celine thì hát thể loại nào cũng dùng nasal voice), thì Madonna với sự khiêm tốn trong giọng hát, lại biết cách biến hóa vào nhiều thể loại khác nhau. Nên, nếu nói Madonna có vocal và kĩ thuật vượt trội thì không đúng, nhưng nếu nói cô chẳng có kĩ thuật gì lại là sai lầm. Chính xác, cô là một ca sĩ có giọng hát và kĩ thuật ở mức khá ổn, được bù đắp bởi tư duy, thẩm mỹ âm nhạc vượt trội.
Nhưng tất cả những điều trên chỉ là ngoài lề, cái mà tôi muốn nói đến ở đây là, chính chất giọng không có gì đặc biệt đó đã giúp Madonna thích nghi với nhiều loại nhạc khác nhau. Nó giống như một tờ giấy trắng vậy, nếu bạn không có gì, bạn sẽ viết lên đó được nhiều cái hơn là có những dòng chữ quá đậm nét, đến mức không thể tẩy nó đi để viết lên những dòng chữ mới được. Madonna không thể melisma, không thể run&riff, không thể vibrato theo kiểu pop/r&b của người da màu, không thể gào thét, gằn giọng dữ dội như các ca sĩ rock, không thể phô diễn vocal theo kiểu pop standard truyền thống, cũng chẳng mấy khi dùng head voice, falsetto, belt cao trào, thay vào đó, cô làm cho mọi loại nhạc mình thử nghiệm trở nên bằng phẳng, dễ hát hơn, gia tăng tiếng đọc chậm, cách hát ngắn trên lời nhạc, dùng giọng thật như nói, không cầu kì hoa mỹ ở phần thể hiện vocal. Bằng cách làm này, cô đưa tất cả vào pop đại chúng, từ Jazz, Gospel, Latin, House, Electro, Punk, Disco, Rock, đến những dòng underground, indie mang tính văn hóa vùng miền với những bộ nhạc cụ, hòa âm khác lạ. Và, với giọng hát không có gì nổi trội, Madonna chú trọng, đào sâu hơn vào hòa âm, phối khí, khám phá nhiều cách phối lạ, nhiều tầng vỉa, kết hợp phối nhiều dòng nhạc vào nhau trong một ca khúc. Nếu các diva khác có vẻ ít quan trọng hóa kĩ thuật thu âm, vì họ tự tin rằng vocal và kĩ thuật của họ là quá đủ để làm nên một bản nhạc chất lượng rồi (thậm chí nhiều diva còn thu trực tiếp trên sân khấu một số bài hát thay vì vào phòng thu), thì Madonna lại tận dụng triệt để công nghệ phòng thu và sáng tạo rất nhiều thứ mới lạ từ đó. Chẳng hạn, trong một ca khúc, Madonna có thể hòa âm hai giọng, ba giọng, giọng cao, giọng trầm, giọng chậm, giọng nhanh, co giãn, biến dạng giọng hát, giọng này chồng nên giọng khác, kéo thắt, tăng giảm nhịp beat, bè, thiết lập cấu trúc đa diện, lập thể trong tiết tấu, giai điệu... Với những cách phối này, mỗi lần nghe lại một ca khúc của Madonna, hoặc nghe kĩ hơn, bạn sẽ khám phá ra nhiều thứ. Giống như văn học có những tác phẩm có thể đọc lại nhiều lần, thì nhạc của Madonna thuộc loại nhạc dùng để nghe nhiều lần, chứ không phải loại nhạc ăn liền, nghe một lần là hết ý. Bằng việc đưa tất cả vào pop như thế, Madonna đã thiết lập nên những màu sắc mới cho pop đại chúng, mở rộng biên giới của pop đến mọi loại nhạc, biến tất cả các loại nhạc trở nên đại chúng hóa với công chúng. Rõ ràng, Madonna đã thiết lập nên nhạc pop hậu hiện đại với đúng nghĩa của nó, mờ ảo, không biên giới, vô định hình, không tính xác định, phi tiêu chuẩn. Nhiều người cho rằng, làm như vậy sẽ hỗn độn âm nhạc, khó xác định thể loại, nhưng đó là điều cần thiết để đại chúng hóa âm nhạc hậu hiện đại.
- Ở chủ nghĩa hậu hiện đại, văn hóa đã thực sự được đại chúng hóa, không còn phân biệt giữa cao nhã và thông tục. Về điểm này, Madonna đã làm rất thành công, mà điển hình nhất là sự kết hợp giữa tình dục và nghệ thuật trong sự nghiệp của cô, từ âm nhạc đến tạo hình. Những ý nghĩa, chiều sâu trong nghệ thuật thuật sử dụng tình dục, dục tính, phô bày cơ thể, ngôn từ thông tục vào âm nhạc, tôi đã nói ở phần 3 (Biểu tượng sex vĩ đại nhất), ở đây chỉ khẳng định lại rằng, chưa có ca sĩ nào thăng hoa và thành công trong việc kết hợp tình dục và âm nhạc như Madonna. Bằng những gì đã làm, Madonna đã xóa nhòa ranh giới giữa cao cấp và đại chúng, sang trọng và thông tục trong nghệ thuật, mở đường cho hầu hết các nghệ sĩ sau này, tạo nên một diện mạo mới cho nền văn hóa pop.

- Ở chủ nghĩa hậu hiện đại, ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống không còn rõ ràng như trước. Ngoài việc đưa một hoạt động bình thường trong đời sống là hoạt động tình dục lên tầm nghệ thuật, Madonna còn luôn dẫn đầu về thời trang, trở thành một trong những fashion icon có tầm ảnh hưởng nhất. Ngay từ những năm đầu debut, Madonna đã tự ý thức rằng thời trang cần phải được nâng tầm thành nghệ thuật chứ không phải những bộ trang phục để mặc trong cuộc sống, và trong nền âm nhạc đại chúng, thời trang không tách rời mà trở thành một thể thống nhất để tôn lên giá trị âm nhạc. Đây là một tư tưởng đi trước thời đại. Trong suốt sự nghiệp của mình, Madonna luôn luôn biến đổi, tiên phong trong các phong cách thời trang, các kiểu trang phục, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ, mà trong mỗi xu hướng thời trang cô sử dụng đều chứa đựng những ý nghĩa nhất định, chứ không hời hợt. Chẳng hạn như việc sử dụng trang sức có hình thánh giá để hạ bệ tôn giáo, đưa tôn giáo về mặt đất, việc cắt ngắn chiếc váy cưới để giải phóng sự gò bó trong nghi thức hôn nhân, việc đeo chiếc thắt lưng in dòng chữ "Boy Toy", việc dùng các trang phục lập dị, khiêu dâm như bộ corset chóp nón, các mẫu thiết kế hở ngực của Jean Paul Gaultier để nổi loạn, cởi mở tình dục, việc cách tân những bộ kimono Nhật Bản để đưa văn hóa vào thời trang, việc hóa thân vào hình ảnh Marylin Monroe để tiên phong xu hướng Retro, lăng xê nền văn hóa Mỹ... tất cả đều được giới trẻ hưởng ứng nhiệt liệt và áp dụng vào đời sống của họ. Với Madonna, thời trang chính là nghệ thuật, và cô đã đưa điều này vào giới trẻ, tức là khi bạn mặc gì, chọn gì, phối hợp trang phục gì để làm bạn trở nên nổi bật, thể hiện được cá tính của bạn, thì chính bạn cũng là một nghệ sĩ.
- Ở chủ nghĩa hậu hiện đại, con người đã không còn là trung tâm của ngôn ngữ, đã không thể làm chủ được ngôn ngữ, và ngôn ngữ cũng không đủ sức biểu đạt thế giới nội tâm phức tạp của con người. Chính Madonna đã từng hát trong ca khúc Bedtime stories rằng: “Đây là ngày cuối cùng tôi dùng đến ngôn từ. Chúng đã chết rồi! Chúng mất ý nghĩa!...”. Thay vì dùng ngôn ngữ để biểu đạt ý tượng của mình, Madonna đã phát triển hai loại hình nghệ thuật mới là music video, short clip và trình diễn sân khấu (ngoài vũ đạo và nhạc tính như đã nói).

Việc đầu tư công phu vào music video, coi nó như một khía cạnh không thể thiếu của âm nhạc vốn đã được Michael Jackson tiên phong ở đầu những năm 80, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của MTV, nhưng người phát huy nó đến đỉnh cao về cả số lượng lẫn chất lượng, gia tăng giá trị nghệ thuật chính là Madonna. Hai nghệ sĩ này đều chung nhau một tư tưởng, là đoán trước được sự bùng nổ của công nghệ hình ảnh trong nền văn minh hậu công nghiệp, khi mà người ta chú trọng nhiều hơn tới màn ảnh động, thay vì sách báo, tranh ảnh và các loại hình nghệ thuật truyền thống. Có thể so với Michael Jackson, mv của Madonna ít gây được tiếng tăm vang dội hơn, nhưng số lượng và sự đào sâu hình thức, ý nghĩa lớn hơn hẳn. Trong mv của Madonna thường có sự chuyển dịch văn hóa, vũ đạo, các ngành, các loại hình nghệ thuật khác vào. Thậm chí, có nhiều mv mang tính indie rất cao, phải xem nhiều lần, và mỗi lần xem lại phải suy tư, bóc tách từng mảng, từng khung cảnh, rồi móc nối lại với nhau, tự cảm nhận theo vốn hiểu biết kiểu mình thì mới hiểu được phần nào những gì Madonna muốn truyền tải, điển hình như mv của các ca khúc Human nature, Paradise, Die another day... Các mv của Madonna đa phần đều được thực hiện theo kết cấu hoàn chỉnh, chứ không chỉ đơn giản là dựng lên một mv cho ca sĩ đứng hát như các diva khác, với nhiều mã nghệ thuật phức tạp, truyền tải nhiều ý nghĩa, thông điệp (ví dụ như tôi đã từng phân tích hai mv của ca khúc Like a prayer và American life ở các phần trước). Nhưng mv không phải lúc nào cũng đầy đủ các phần đầu kết theo kiểu câu chuyện như Like a prayer, American life..., nó có thể chỉ có một phân khúc, một dòng chảy khó đoán bắt, đôi khi lại đứt đoạn, mơ hồ, lặp lại, chồng chất... Rất đơn giản, nếu phim ảnh là tiểu thuyết, thì mv là truyện ngắn, chỉ là một lát cắt của cuộc sống, nên nhiệm vụ truyền tải của nó cũng khác, và Madonna đang đi đúng hướng hậu hiện đại, khi thể hiện mv dưới nhiều dạng thức khác nhau đến khó đoán, khó hiểu, khó hình dung, để biểu đạt ý đồ nghệ thuật và trạng thái suy tư, cảm nhận của mình. Cũng như muôn hình vạn dạng các thể loại truyện ngắn mới ra đời, người ta nhìn vào các dạng thức biến hóa trong mv của Madonna để thấy được sự phản ánh nghệ thuật về thế giới hậu hiện đại. Có thể nói, Madonna là bậc thầy và cũng là một trong những người tiên phong trong việc làm mv, nâng tầm nó thành một phạm trù nghệ thuật mới, gắn kết không thể tách rời với âm nhạc, đúng như nhà nghiên cứu văn hóa Mark C. Taylor đã từng nói: “Video ca nhạc chính là một trong những hình thức nghệ thuật xuất sắc hậu hiện đại và Madonna nổi lên như là “Nữ hoàng của video ca nhạc”. Ngày nay, đa số ca sĩ pop dòng mainstream đều chú trọng vào việc làm mv như một phương thức để thu hút công chúng, đẩy cao giá trị âm nhạc của họ, trong đó có nhiều ca sĩ đang loay hoay, cố gắng thể hiện ý đồ nghệ thuật vào mv, biến nó thành vũ khí nghệ thuật thứ hai, mà điển hình là Lady Gaga. Nhưng có vẻ họ vẫn cần học hỏi bậc thầy Madonna trong việc biến hóa các ý tưởng nghệ thuật của mình.
Ngoài mv, hình thức nghệ thuật thứ hai được Madonna đặt nền móng trong nền nghệ thuật hậu hiện đại chính là việc dàn dựng, tổ chức show diễn, hay còn gọi là nghệ thuật trình diễn. Về việc tổ chức show diễn, Madonna luôn luôn đi tiên phong trong mọi mặt. Cô là người đầu tiên sử microphone trên sân khấu để nghệ sĩ có thể rảnh tay biểu diễn, thể hiện vũ đạo trong Blond Ambition Tour, cũng là người mở màn việc sử dụng backdrop (các video clip ngắn được phát trên màn hình lớn phía sau sân khấu) trong Drowned World Tour, để mọi ca sĩ trên thế giới thực hiện theo. Cũng nên nhớ rằng, việc sử dụng backdrop không hề đơn giản, ca sĩ thường phải mất khá nhiều thời gian để lên ý tưởng, đầu tư nhiều cho việc quay những đoạn clip ngắn sao cho công phu và nghệ thuật, phải làm sao để backdrop phối hợp chặt chẽ cùng ca sĩ và vũ công trên sân khấu, tạo hiệu ứng lớn với khán giả và thể hiện được ý đồ nghệ thuật, thông điệp mà ca sĩ muốn gửi gắm. Nhiều ca sĩ khá coi nhẹ việc làm backdrop vì cho rằng nó không đem lại lợi nhuận cao, vì suy cho cùng cũng không được phát hành như một mv chính thức. Nhưng Madonna từ trước đến nay vẫn là một người khá chịu chơi và đầu tư, sẵn sàng làm mọi thứ để show diễn được hoàn hảo nhất, với nhận thức đi trước thời đại, cô luôn dồn nhiều công sức vào việc dàn dựng backdrop rất công phu, tỉ mỉ. Không những vậy, Madonna còn rất chú trọng vào trang phục, cô không mặc một cách bừa bãi, mà tìm đến những nhà thiết kế nổi tiếng nhất (như Jean Paul Gaultier, Karl Lagerfeld) để thiết kế trang phục, sao cho phải kết hợp hài hòa cùng vũ đạo, ý tưởng show diễn. Kể từ Blond Ambition Tour mà Madonna tiên phong, rất nhiều ca sĩ đã chú ý hơn tới trang phục biểu diễn của họ, thuê nhà thiết kế để thiết kế chỉnh chu, chứ không chỉ đơn giản là khoác lên những bộ cánh đắt tiền, đẹp mắt mà không theo một chủ đích nào như trước kia. Ngoài ra, Madonna còn dẫn đầu trong việc sử dụng sân khấu động, sử dụng nhiều loại đạo cụ đa dạng, phức tạp, áp dụng những công nghệ ánh sáng tiên tiến nhất, sử dụng đèn led, laser... Đúng như lời Madonna từng nói, "Show diễn của tôi không phải là những show thông thường mà là sự phác họa tạo hình âm nhạc của tôi. Cũng như điện ảnh, nó làm cho bạn phải đặt câu hỏi, phải suy nghĩ và đưa bạn vào các cung bậc tình cảm thăng trầm khác nhau, phác họa được cái tốt và xấu, sáng và tối, niềm vui và nỗi buồn, đền tội và cứu sinh”, không chỉ hình thức, cô còn luôn chú trọng vào nội dung mỗi show diễn của mình. Các show diễn của Madonna luôn có đầy đủ bố cục các phần, với nội dung rõ ràng, được gắn kết trong từng bài hát, từng màn trình diễn (mà backdrop hỗ trợ rất nhiều cho việc thể hiện), các phần này được móc nối với nhau trong chỉnh thể toàn show diễn một cách logic, tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh, chứ không đơn giản là việc lên hát hết bài này đến bài khác rồi kết thúc. Ví dụ, các show diễn trong MDNA Tour được chia làm bốn cảnh. Trong đó, cảnh một được mở ra bằng ca khúc Girl gone wild trên nền backdrop nhà thờ với nội dung kêu gọi mọi người hãy thoát khỏi tôn giáo, tận hưởng những thú vui trong cuộc sống trần thế bằng cách đến xem show diễn của Madonna, nhảy múa, hát ca cùng Madonna, để mở màn cho các cảnh tiếp theo. Ở ba cảnh còn lại, Madonna tiếp tục trình diễn các câu chuyện về nữ quyền, tự do, chính trị, tôn giáo, đồng tính, chiêm nghiệm về nhân sinh, để rồi kết thúc bằng những vũ điệu nhảy múa vui nhộn trên nền âm thanh điện tử như muốn gửi gắm thông điệp: "Dù bạn là ai, ở tầng lớp, giới tính nào, dù bạn đang bị cầm tù, đày ải, hay phải hứng chịu sự kì thị, chèn ép của xã hội, tôn giáo, phong hóa, nhân quần, dù bạn đang chịu đựng hay đấu tranh, thì cách duy nhất để tự do là lạc quan yêu đời. Hãy nhảy múa, cháy hết mình, sống cùng âm nhạc và sống với chính mình để tận hưởng giá trị của cuộc sống!". Nhà báo Chris Nelson từng nói rằng: “Madonna đã xác lập ra những tiêu chuẩn mới cho nghệ thuật trình diễn, với những đêm nhạc không chỉ tập trung vào trang phục tỉ mỉ và những hiệu ứng sân khấu chính xác mà còn cả vũ đạo nóng bỏng". Quả đúng vậy, kể từ khi Madonna xuất hiện, nền âm nhạc thế giới hậu hiện đại đã hoàn toàn thay đổi, các show diễn không còn là một sân khấu đơn thuần cho ca sĩ lên hát, mà sự kết hợp các hình thức nghệ thuật, trình diễn như vậy khiến người xem được thỏa mãn mọi giác quan thẩm mỹ, về cả phần nghe lẫn phần nhìn, được kích thích các xúc cảm trong cơ thể để tạo nên sự phấn khích tột độ, cảm giác như được tham gia cùng một lúc vào một vở kịch, một bộ phim, một đêm hòa nhạc, hay đêm hội của ánh sáng, âm thanh, vũ đạo, với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau vậy. Cũng giống như trong nhạc học mà tôi đã nói ở trên, việc kết hợp nhiều dạng thức khác nhau vào một chỉnh thể đã biến một buổi trình diễn của Madonna không còn đơn giản là một show nhạc nữa, mà đã mở rộng biên giới đến mờ ảo, phi định hình, phi thể loại, phi tiêu chuẩn, có cả nghệ thuật trình diễn ánh sáng, nghệ thuật âm thanh, rồi giọng hát, phim ảnh, tạo hình, kịch, múa, nhảy... rất nhiều các hình thức biểu diễn mà không ai có thể liệt kê hết được. Bằng cách làm này, một lần nữa, Madonna tiếp tục đem các thể loại trình diễn vào nhạc pop đại chúng, đại chúng hóa các thể loại đó, tạo nên một tinh thần hậu hiện đại đúng nghĩa.

Với một số phân tích nhỏ trên, có thể thấy, Madonna hoàn toàn xứng đáng là một biểu tượng nền văn hóa - nghệ thuật hậu hiện đại, từ âm nhạc đến hình ảnh. Ca sĩ hiện sinh Nina Simone đã từng nói: "Bổn phận của người nghệ sĩ là phản ánh thời đại mình sống", còn với Madonna, cô không chỉ phản ánh chân thực, mà còn kiến tạo nên thời đại, biến những giá trị vô hình từ ý tưởng, giấc mơ thành hiện thực, mở màn cho một nền nghệ thuật mới.
Tạm kết

Madonna thực sự là một nghệ sĩ tài năng, vĩ đại và có cống hiến lớn lao không chỉ với riêng nền âm nhạc, mà còn với cả nền văn hóa, xã hội ngày nay. Với sự nghiệp trải dài hơn ba thập kỉ, cô đã sáng tạo và để lại một di sản nghệ thuật to lớn cho nhân loại. Cho đến tận bây giờ, chưa có ai đủ khả năng để hiểu hết giá trị nghệ thuật mà Madonna đã tạo ra để đánh giá và phân tích nó. Tôi nghĩ rằng, Madonna xứng đáng được đưa thành một môn học, được viết thành một cuốn giáo trình lớn để nghiên cứu và giảng dạy. Với tài hèn sức mọn, tôi không đủ sức để tìm hiểu, cũng như phân tích mọi giá trị trong sự nghiệp của Madonna, nhưng cũng xin được đan giỏ giữa đường, trình bày qua một số ý hiểu của riêng cá nhân tôi về cô, mong lí giải được phần nào di sản đồ sộ mà cô để lại. Bài viết có sử dụng nhiều nguồn tư liệu trên mạng, cũng như kiến thức từ bạn bè gần xa.

Thiết nghĩ, chúng ta nên đẩy mạnh việc nghiên cứu về các nghệ sĩ đại chúng trong nước và thế giới, để bồi đắp sự năng động, đổi mới trong tư duy, nhận thức của thế hệ trẻ nước nhà, mau chóng theo kịp thế giới, đặc biệt là những người học văn hóa - nghệ thuật, thay vì cứ quanh đi quẩn lại vài cố nhân xưa cũ, vài tác phẩm đã được cày nát, với những đường lối, nền tảng tư tưởng cổ điển, cứng nhắc.

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 19 tháng 8 năm 2014




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét