I. Tính chân thật - phẩm chất quan trọng trong phản ánh thực tại
Văn học là một hình thức kiến trúc thượng tầng (ý thức xã hội, nằm trên bình diện nghệ thuật, cùng với chính trị, đạo đức, giáo dục...) phản ánh hiện thực xã hội (cơ sở hạ tầng/cơ sở kinh tế/ tồn tại xã hội) bằng nghệ thuật ngôn từ. Trong suốt lịch sử văn minh nhân loại, không một tác phẩm văn học giá trị nào ra đời mà lại không mang chức năng phản ánh hiện thực và là tấm gương phản ánh xã hội, từ văn học dân gian truyền miệng đến văn học bác học (văn học viết). Trong lí luận văn học, việc phản ánh đời sống được coi như một phẩm chất của tác phẩm văn học - tính chân thật, cái mà người nghiên cứu văn học luôn phải quan tâm đến đầu tiên.
Tính chân thật đòi hỏi tác phẩm văn học phải phản ánh đúng bản chất, hoặc một vài khía cạnh bản chất của hiện thực khách quan. Nhưng phản ánh trong văn học luôn phải đi liền với biểu hiện thế giới chủ quan của nhà văn (với văn học dân gian là các tác giả dân gian) bao gồm quan điểm, lập trường, phương pháp tư tưởng, cá tính, sở thích... Nói cách khác, văn học là hinh ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Chủ quan và khách quan ở đây không phải là dấu cộng mà là sự chuyển hóa lẫn nhau, chủ quan xét đến cùng cũng là xuất phát từ khách quan. Tính chân thật đòi hỏi nhà văn khi phản ánh hiện thực phải xuất phát từ đáy lòng, phải chân thành, không hời hợt, miễn cưỡng, nhợt nhạt. Và, phản ánh bao giờ cũng phải đi liền với sáng tạo, nói đến sáng tạo trong văn học là nói đến sự khách thể hóa bằng nhiều phương tiện ngôn ngữ những ước mơ và lí tưởng dưới dạng tư tưởng của người nghệ sĩ.
Là một trong những kho tàng đồ sộ nhất, đồng thời cũng là một mắt xích quan trọng đóng vai trò nền tảng, không thể thiếu trong tiến trình văn học nhân loại, văn học dân gian cũng có mối quan hệ mật thiết với thực tại xã hội, đảm bảo được tính chân thật trong phản ánh hiện thực một cách sâu sắc. Tuy nhiên, do những đặc thù riêng biệt, nó có cách phản ánh thực tại rất khác biệt với văn học viết, và càng khác biệt hơn nếu so với thẩm mỹ tiếp nhận của công chúng hiện đại. Trong viết này, tôi xin mạn phép tìm hiểu đôi nét về mối quan hệ giữa văn học dân gian (Folklore) với hiện thực xã hội.
II. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và thực tại
Như đã nói ở trên, mối quan hệ giữa văn học dân gian và thực tại xã hội là phản ánh một cách chân thật thực tại vào trong văn học. Nhưng, văn học chỉ là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan nên sự phản ánh trong văn học dân gian cũng khác với văn học viết, và sự phản ánh này phụ thuộc vào tư duy của con người thời xưa.
Văn học dân gian ra đời vào thời kì ấu thơ của lịch sử loài người, khi mà con người chưa có chữ viết và vẫn mang trong mình những tư duy non nớt trong việc nhận thức về thế giới tự nhiên cũng như xã hội. Khi con người vẫn còn yếu đuối, chưa đủ sức chiếm lĩnh tự nhiên và xã hội, cũng như chưa đủ hiểu biết để nhận thức rõ về các hiện tượng tự nhiên, chưa có tư duy khoa học khi nhìn nhận các hiện tượng diễn ra trong đời sống, thì họ thường có tư duy vạn vật hữu linh, khiếp sợ trước các hiện tượng tự nhiên, và quy rằng nó được tạo nên bởi những vị thần, hay ma quỷ. Vì vậy, ngay từ những trang thần thoại đầu tiên (chúng ta xem xét thần thoại đầu tiên, vì đây là thể loại ra đời sớm nhất trong các thể loại văn học dân gian), con người đã đồng hóa các hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội vào các vị thần, từ đó mà nảy sinh thần nước, thần lửa, thần đất, thần mưa, thần sét, thần tình yêu... Trong đó, mỗi vị thần đều có chức năng và nhiệm vụ riêng của mình, tất cả các chức năng đó đều gắn bó mật thiết và phục vụ cho đời sống con người, thể hiện một sự phản ánh toàn diện về đời sống con người nguyên thủy. Không chỉ vậy, người nguyên tthủy còn di chuyển những quan hệ công xã thị tộc vào tự nhiên, đồng hóa những quan hệ đó với tự nhiên trong một cách nhìn, một trí tưởng tượng, khái quát sinh động - nghĩa là không phải sự khái quát trừu tượng bằng khái niệm mà khái quát bằng hình ảnh, hình tượng. Tự nhiên và toàn bộ thế giới được thần thoại hóa bằng những hình ảnh, hình tượng con người, mang tính cách của con người. Đó chính là phương pháp đặc thù của thần thoại để phản ánh chân thật thực tại. Ngay trong tiếng Hi Lạp cổ, thần thoại được gọi là Mithologia, trong đó, Mithox là là lời nói của thơ ca, truyền thuyết, ảo tưởng, còn Logox là lời nói của lí chí và chân lí. Như vậy, thần thoại bao giờ cũng là phản ánh những điều có thực thông qua trí tưởng tượng phong phú. Chúng ta có thể lấy ví dụ qua hai nền thần thoại lớn nhất thế giới cổ đại là thần thoại Ấn Độ và thần thoại Hi Lạp.
Với thần thoại Ấn Độ, đó là bức tranh sinh động về cuộc sống, sinh hoạt của người Ấn Độ cổ đại, phản ánh việc chăn nuôi, thuần dưỡng súc vật, việc săn bắn, phát triển trồng trọt, những công việc khai phá đất đai, núi non, sông ngòi qua nhiều mẩu truyện chân thực và kì thú. Tư duy vạn vật hữu linh giúp thần thoại Ấn Độ trở nên giàu hình ảnh và sức phóng đại trong việc phản ánh, từ đó gia tăng chất văn học chứ không hề khô khan. Nhiều thủ lĩnh quân sự, tù trưởng, các bộ lạc, những dũng sĩ diệt ác thú, chống thù địch bảo vệ bộ lạc, những phụ nữ yêu đương sinh con đẻ cái, những hoàng tử, công chúa các vương quốc, các đạo sĩ ẩn dật sống trầm tư mặc tưởng... đều được thần thoại mô tả bằng những hình ảnh tượng trưng và phóng đại qua cuộc đấu tranh với thiên nhiên và xã hội.
Thần thoại cũng phản ánh rõ nét nhận thức của con người cổ đại về các hiện tượng tự nhiên qua việc cố gắng lí giải nguyên lí của các hiện tượng đó. Tất nhiên, với tư duy vạn vật hữu linh, việc lí giải được lồng ghép qua hình tượng các vị thần rất sinh động. Chẳng hạn trong câu chuyện về thần Gió Vayu có đoạn:
Thần bay vun vút. Thần là vua của vũ trụ bao la,
Lang thang khắp các nẻo đường trên tầng không
Thần không nghỉ cũng không ngủ tí nào
Thần linh thiêng sinh ra trước mọi loài;
Thần là bạn của các nguồn nước
Là mầm mống của thế gian, là hồn sống của các vị thần...
Qua đoạn mô tả trên có thể thấy tác giả dân gian đã cố gắng lí giải rằng không khí và nước là yếu tố đầu tiên của vũ trụ, luôn đi với nhau, là nguồn sống của mọi sinh vật. Đây là quan niệm duy vật tự phát về các thành tố của vũ trụ. Hay như câu chuyện về thần Lửa kể rằng thần do cha Trời và mẹ Đất sinh ra, sống trên trời, mưa xuống thì đi vào cây cối, đất đá. Rồi từ những cành cây hay đất đá cọ xát với nhau sinh lửa. Sau khi thần Lửa thoát ra lại trở về trời. Từ trên trời, thần Lửa gầm thét và rẽ sóng mây mà đi xuống đất ở với người. Cuộc phiêu lưu đường vòng của thần Lửa miêu tả như vậy chứng tỏ người xưa đã linh cảm được hoạt động bên ngoài của âm điện và dương điện, của nhiệt năng, nhưng họ không giải thích nổi.
Cũng trong thần thoại Ấn Độ, việc nảy sinh và tan rã các hình thái xã hội, các quan hệ cộng đồng, giữa người với người cũng được phản ánh một cách sâu sắc qua hình tượng các vị thần. Bởi tất cả những diễn biến trong cuộc sống con người đều được đồng hóa vào cuộc sống của các thần, nên nếu bóc tách lớp vỏ thần kì bên ngoài câu chuyện thần thoại, chúng ta sẽ thấy các mối quan hệ công xã thị tộc được hiện lên một cách rõ nét. Chẳng hạn, trong câu chuyện về cuộc chiến tranh giữa thần Visnu và các thần khác có đoạn kể rằng: "Ngày xưa các thần làm lễ Yajna để chia đều thức ăn cho nhau. Các thần ngày một đông thêm nên họ phải bầu ra một gia trưởng để giữ gìn của cải, và thần Visnu được cử vào chức vụ đó. Từ đó, Visnu không chịu làm lễ Yajna như cũ mà thay bằng lễ khác gọi là Satra, theo đó, của cải do các thần kiếm được đều thuộc về gia trưởng là Visnu. Kể từ khi có nhiều của cải, Visnu trở nên kiêu căng, khiến các thần khác oán ghét, muốn giành lại quyền lực như cũ nhưng bất lực vì không có vũ khí. Một hôm, các thần lập mưu lật đổ quyền lực của Visnu. Họ chặt xác Visnu làm ba phần rồi làm lễ hiến dâng cho thần Lửa Agni, thần Mưa Indra và các thần khác gọi chung là Visudeva". Câu chuyện trên miêu tả cuộc nội chiến giữa các thần, phản ánh sự tan rã của cộng đồng nguyên thủy trong bộ lạc Arian. Quan hệ dân chủ, bình đẳng không còn nữa, chế độ đẳng cấp khắc nghiệt ra đời. Agni đại diện cho đẳng cấp Bà la môn, Indra đại diện cho đẳng cấp võ sĩ quý tộc, Visudeva đại diện cho đẳng cấp trung lưu. Từ đó, vai trò thống trị xuất hiện, xã hội chia làm hai giai cấp, giai cấp thống trị hưởng thụ của cải và nắm mọi quyền lực, còn giai cấp bị trị thì chịu sự bóc lột và bất lực mặc dù có sự chống đối ban đầu. Visnu từ địa vị chinh chiến trong bộ lạc đã lên địa vị thống trị trong xã hội và trở thành vị thần độc tôn của tôn giáo nhất thần luận, đẳng cấp tối cao của đạo Hinđu.
Cũng liên quan tới việc phản ánh sự khắc nghiệt của chế độ phân biệt đẳng cấp của đạo Hinđu, còn có câu chuyện về Người khổng lồ Purusa. Theo đó, con người Ấn Độ cổ đại là do Người khổng lồ sinh ra, mồm của Người khổng lồ là đẳng cấp Bà la môn, tay là đẳng cấp vương công quý tộc, đùi là đẳng cấp trung lưu, còn bàn chân chính là đẳng cấp nô lệ.
Ngoài ra, thần thoại Ấn Độ còn phản ánh một thực tại là nền tảng tư duy triết học sâu sắc của người Ấn Độ cổ đại. Chẳng hạn qua hình tượng thần Siva vừa hiền vừa dữ, vừa thiện vừa ác, vừa xây dựng vừa phá hủy đồng nhất trong một nhiệm vụ, tác giả dân gian đã thể hiện triết lí duy vật biện chứng đơn sơ về sự thống nhất giữa các mặt đối lập trong một vấn đề, một bản thể. Xa hơn nữa là quan niệm sống vô thường, tuần hoàn của người Ấn Độ cổ, có sống thì có chết, có sinh thì có từ, sinh - trụ - diệt, cái chết là khởi nguồn cho sự sống, trong sự sống lại có cái đang chết dần... Bản chất mộ đạo của người Ấn Độ cổ cũng được thể hiện ngay ở phần tụng niệm mang nặng tính tôn giáo ở mỗi câu chuyện thần thoại.
Giống như thần thoại Ấn Độ, thần thoại Hi Lạp cũng phản ánh một cách sâu sắc đời sống, nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội thông qua hình tượng các vị thần, đồng hóa tâm tư, tình cảm, đời sống công xã thị tộc vào các vị thần. Khác với thần thoại Ấn Độ, việc phản ánh thực tại trong thần thoại Hi Lạp chịu sự chi phối của một nền tảng tư duy tiến bộ hơn. Do đó, trong thần thoại Hi Lạp, con người được lí tưởng hóa, được miêu tả một cách đẹp nhất, giàu khí thế nhất. Không phải ngẫu nhiên mà trong thần thoại Hi Lạp xuất hiện nhiều hình tượng các á thần, những anh hùng xuất thân từ người trần mắt thịt như Héc quyn, Asin, Uylix... Họ là những nhân vật tượng trưng cho ước mơ, cho vẻ đẹp lí tưởng của con người. Cũng với quan niệm đề cao vẻ đẹp tự nhiên, các vị thần đều được mô tả dưới hình dạng của con người, không cầu kì, bí hiểm, và đa số là khỏa thân hoặc bán khỏa thân. Đọc thần thoại Hi Lạp, chúng ta ghi nhận được nhiều chi tiết phù hợp, tương ứng với dữ kiện khoa học do khảo cổ học và sử học cung cấp. Như vậy, có thể thấy, thần thoại Hi Lạp cũng hoàn thành tốt việc phản ánh thực tại qua hình tượng văn học sinh động.
Nếu như thần thoại ra đời vào thời kì ấu thơ của lịch sử loài ngoài, khi con người còn sống trong công xã thị tộc, thì truyện cổ tích lại ra đời khi xã hội bắt đầu phân chia đẳng cấp (chế độ công xã nguyên thủy được thay bằng tư hữu), hay nói cách khác là bước sang xã hội phong kiến. Khi xã hội phân chia giai cấp, chắc chắn sẽ có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, mâu thuẫn giai cấp là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, truyện cổ tích ra đời như một thể loại văn học mang chức năng phản ánh và lí giải những mâu thuẫn đó. Nên có thể thấy được tính chân thật và quan hệ mật thiết với thực tại của truyện cổ tích ngay từ chức năng, nhiệm vụ và nguyên nhân ra đời của nó. Nội dung của truyện cổ tích là những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn trong những gia đình riêng lẻ sau khi công xã thị tộc tan rã. Lúc này, những vị thần không còn là trung tâm của truyện cổ tích mà là những con người hết sức bình thường, yếu đuối trong xã hội như người vợ, người đầy tớ, con riêng, người nông dân nghèo... nói chung là những người thuộc giai cấp bị trị. Trong quá trình phát triển của các hình thái xã hội có giai cấp, ta thấy xã hội xuất hiện những mâu thuẫn mang tính chất riêng tư nhưng phổ biển (mâu thuẫn giữu mẹ ghẻ và con chồng, giữa chủ và gia nhân, giữa anh với em, thiện với ác...). Khi phản ánh những xung đột đó thì truyện cổ tích thường bênh vực kẻ bề dưới, tố cáo kẻ bề trên, hướng về người lương thiện chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi trong gia đình và xã hội. Phương thức phản ánh thực tại của truyện cổ tích là qua những câu chuyện hoang đường, thần kì, không có thật để đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa rộng lớn và sâu xa về nhân sinh và xã hội. Vì cả truyện cổ tích lẫn tiểu thuyết đều ra đời từ những câu chuyện thường nhật trong đời sống sinh hoạt nên có thể so sánh giữa hai thể loại này để thấy sự khác nhau trong việc phản ánh thực tại của truyện cổ tích.
Về phạm vi phản ánh, tiểu thuyết có phạm vi phản ánh rộng lớn nhất, bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội từ thế giới bên ngoài đến thế giới bên trong con người, còn truyện cổ tích thường thì kể về nhưng câu chuyện xoay quanh cuộc đời của một số kiểu nhân vật nhất định như:
- Kiểu nhân vật kì tài và kiểu nhân vật bất hạnh;
- Kiểu nhân vật trí xảo và kiểu nhân vật khờ khạo;
- Kiểu nhân vật xấu xa và kiểu nhân vật đức hạnh;
- Kiểu nhân vật loài vật (ẩn dụ cho hình ảnh con người).
Do phạm vi phản ánh không rộng như tiểu thuyết và chủ yếu truyền tải các đạo lí giáo huấn nên nhân vật trong truyện cổ tích là loại nhân vật chức năng, tức là họ chỉ thực hiện đúng chức năng của mình. Trong đó chia rõ làm hai tuyến nhân vật, chính diện và phản diện. Nhân vật chính diện thường là những người thuộc giai cấp bị trị, bị áp bức, và bao giờ cũng tốt một cách toàn diện. Còn nhân vật phản diện luôn là tầng lớp thống trị, và xấu xa, độc ác tận cùng. Nhân vật phản diện thực hiện chức năng áp bức nhân vật chính diện, để nhân vật chính diện thực hiện chức năng vùng lên đấu tranh. Chính vì chỉ thực hiện chức năng được giao phó, nên nhân vật cổ tích chỉ được khắc họa ở ngôn ngữ, ngoại hinh và hành động chứ không được đi sâu vào thế giới nội tâm như tiểu thuyết. Do đó, phạm vi phản ánh của truyện cổ tích chỉ dừng lại ở thế giới bên ngoài, không đi được vào thế giới nội tâm, tâm linh con người như tiểu thuyết. Trong việc giải quyết các mâu thuẫn xã hội, tiểu thuyết thường đi đến ngọn ngành vấn đề, còn truyện cổ tích thường chỉ dựa vào các yếu tố kì ảo như phép màu, ông tiên, ông bụt đứng ra cứu giúp. Điều đó phản ánh sự bất lực của con người trong xã hội phong kiến, phải chịu đựng áp bức nhưng lại chưa đủ sức để tự mình đấu tranh chống lại nó.
Khác với thần thoại, truyện cổ tích, truyện cười lại khai thác những cái đáng cười trong cuộc sống thường nhật qua những vấn đề mâu thuẫn, đối lập, trào phúng, qua đó hiện lên một cách sinh động bức tranh sinh hoạt của nhân dân trong thời kì phong kiến. Ngoài ra, truyện cười còn có giá trị tố cáo sâu sắc khi đả kích một bộ phận không nhỏ quan lại, vua chúa phong kiến. Như vậy, có thể thấy truyện cười cũng phản ánh một cách chân thực đời sống qua việc phô bày những thói hư tật xấu của con người.
Đối với các thể loại trữ tình dân gian như ca dao, vè, dân ca thì việc phản ánh thực tại cũng vô cùng chân thực mà lại giàu chất thơ. Qua những giai điệu ca dao, chúng ta có thể thấy đời sống tâm tư, tình cảm của con người hiện lên một cách đầy thi vị. Còn đối với tục ngữ, đó là những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong đời sống đã được nhân dân đúc kết một các qua đọng, nên qua đó cũng phản ánh đời sống xã hội một cách tự nhiên nhất.
III. Kết luận
Văn học dân gian nảy sinh từ lời ăn tiếng nói của nhân dân, được con người truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, và cứ mỗi thế hệ lại bồi đắp thêm bằng kinh nghiệm sống của chính họ. Vậy nên, văn học dân gian dù ở thể loại nào cũng phản ánh chân thực thực tại một cách tự nhiên nhất theo những phương thức của riêng nó. Đi từ vô thức đến tự ý thức, các tác giả dân gian đã đưa hiện thực cuộc sống vào trong văn học một cách chân phương nhất, dùng trí tưởng tượng của mình để phản ánh thực tại đầy sinh động, phong phú.
Hải Phòng ngày 11 tháng 6 năm 2014
_Đức Long_
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét