Cho đến hiện tại, Giang Trang vẫn thư thả trong cõi nhạc Trịnh của riêng mình, đứng ngoài thị trường. Cô đơn giản là người kể nhạc Trịnh trong sự thấu hiểu, chân phương nhất.
Trong hơn 15 năm trở lại đây, Giang Trang có lẽ là cái tên nổi bật và được nhắc đến nhiều hơn cả trong dòng chảy nhạc Trịnh. Nói cách khác, nữ ca sĩ này được xem như một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho thế hệ nhạc Trịnh đương đại. Những đêm Trịnh ca của cô ở Viện Pháp (Hà Nội) cho thấy giọng ca này được người Pháp coi trọng.
Trường hợp đặc biệt trong dòng chảy nhạc Trịnh đương đại
So với những nghệ sĩ khác, sự hiện diện của Giang Trang trong dòng chảy nhạc Trịnh thật đặc biệt, như một cơn gió lạ. Đơn giản vì cô đến với nhạc Trịnh chỉ như cuộc rong chơi, không đặt nặng việc biểu diễn chuyên nghiệp theo hướng mainstream hay làm thương mại.
Thậm chí, Giang Trang còn "lười" ra album, "ngại" đi diễn show và không mặn mà với truyền thông. Dù gắn bó sinh mệnh âm nhạc của mình chỉ duy nhất với nhạc Trịnh nhưng ca sĩ này không lấy nhạc Trịnh làm công cụ sinh tồn, xây dựng hình ảnh. Cô thích được tự do phiêu du trong nhạc Trịnh với tư cách một nghệ sĩ underground hơn. Cô khiêm tốn: "Tôi chưa bao giờ cho rằng mình hát xuất sắc nhạc Trịnh. Bản thân, vì mê âm nhạc mà thành ra một người hát tình cờ. Chưa bao giờ nghĩ mình là ca sĩ, và biết rằng còn phải cố gắng rất nhiều".
Cũng như bao nghệ sĩ khác, Giang Trang tiếp xúc với nhạc Trịnh đầy tự nhiên từ thuở nhỏ, qua tiếng hát Khánh Ly trong băng đĩa. Những giai điệu nhạc Trịnh cứ thế ngấm vào máu thịt cô một cách bản năng, say mê. Giang Trang yêu nhạc Trịnh trước khi đến với Trịnh Công Sơn, coi nó là bạn tri kỷ, như lời cô nói: "Tôi đến đó, trước tiên bằng chính những giai điệu, bằng chính những ca từ, bằng chính đời sống riêng của từng ca khúc. Đối với tôi, âm nhạc Trịnh Công Sơn là một người bạn, từ tình cờ gặp đến quen biết hơn rồi thành thân yêu".
Giang Trang có khiếu âm nhạc, lớn lên với rock, guitar cổ điển và trong thời gian đi học cũng tham gia một số chương trình, cuộc thi, nhưng cô chưa bao giờ xác định trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Thậm chí, thời sinh viên, Giang Trang rất ít khi nghe nhạc Việt. Chỉ khi nhạc Trịnh chạm vào sâu sắc đời sống tinh thần, cô mới tìm được hứng khởi ca hát và quyết gắn bó sinh mệnh âm nhạc với nó, coi nhạc Trịnh như ánh sáng dẫn đường cho mình để hòa làm một.
Điều đặc biệt ở Giang Trang là sự chung thủy, bền bỉ và một lòng một dạ với nhạc Trịnh. Trong suốt mười mấy năm qua vẫn gắn mình với duy nhất nhạc Trịnh như con đường độc đạo.
Không đặt mình vào vòng xoáy thị trường để chạy theo áp lực của các dòng chảy khác, tự Giang Trang đã là một dòng chảy riêng trong đương đại. Giang Trang không mưu cầu khán giả rộng lớn mà chỉ muốn được hát theo tình yêu chân phương nhất với thứ nhạc cô trót đam mê, để rồi khán giả tự tìm đến cô trong sự giao cảm tiềm thức, tâm hồn.
Nhạc Trịnh với cả người ca sĩ và khán giả lúc này thật bình yên, chân thành và nhẹ nhàng. Người ca sĩ không còn là người trình diễn với cái tôi cuộn trào, chi phối sân khấu, chỉ như người kể chuyện bằng âm nhạc, ca từ, dắt người nghe vào thế giới Trịnh ca.
Tương đồng và khác biệt với Khánh Ly
Giang Trang bắt đầu hát nhạc Trịnh từ khi còn là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, tại quán Nhạc Tranh (một tụ điểm âm nhạc bình dân dành cho giới học sinh, sinh viên Hà Nội ngày ấy) và trở thành một hiện tượng với tiếng hát gợi nhắc tới Khánh Ly. Những nhạc cụ trình diễn cũng đơn sơ.
Chính xuất phát điểm này đã hình thành nên phong cách hát của Giang Trang là mộc mạc, chân phương và dung dị, mang âm hưởng đồng dao, folky, gần gũi với quần chúng, đặc biệt tầng lớp sinh viên trẻ tuổi. Lối hát này cũng chính là sự giao cảm tư tưởng Giang Trang tìm thấy ở nhạc Trịnh, như lời cô nói: "Tôi còn đồng cảm với âm nhạc Trịnh ở sự dung dị, chân thành, ở những nét tối giản rất duy mỹ được chắt lọc từ một đời sống với đầy rẫy những điều phức tạp, đời sống của con người".
Xuất phát điểm của Giang Trang có nhiều nét khá tương đồng với Khánh Ly trong những năm đi hát "chân đất" cùng Trịnh Công Sơn tại Quán Văn và các trường đại học tại Sài Gòn. Vì vậy, nữ ca sĩ thẩm thấu rõ nhất tính đồng dao, du ca trong nhạc Trịnh. Nhưng cũng bởi thế mà nhiều người cho rằng Giang Trang hát giống Khánh Ly, như một phiên bản thứ hai của bà.
Quả thực, do chịu ảnh hưởng sâu sắc nên lối hát của Giang Trang có nhiều tương đồng, nhưng cũng mang nét riêng khác biệt so với Khánh Ly, chứ không hoàn toàn giống như nhiều người nhận định.
Cũng như Khánh Ly, Giang Trang sở hữu giọng nữ trung nhưng nhẹ nhàng, mảnh và sáng hơn khi còn trẻ. Nhờ đó, Giang Trang dễ dàng hòa giọng cùng nhiều nhạc cụ trong không gian âm nhạc. Giang Trang chủ yếu hát mộc, không dùng nhiều kỹ thuật, cũng không ngân hay chuyển giọng. Cô chọn cho mình lối hát bạch thanh, bẹt chữ, hơi nasal và đẩy âm thanh thẳng ở cổ họng, phát âm hơi níu lại, không bộc phát hết ra ngoài.
Trong những năm sau này, giọng Giang Trang trầm và dày hơn, xuống trầm rất tốt (tới tận C3 một cách dễ dàng), rõ ràng, lại có airy voice tựa như hơi thở. Cô hát lơi nhịp, lơi chữ, ngẫu hứng và rung khẽ với tiết tấu nhanh, nhảy nhịp nhiều hơn, thổi vào nhạc Trịnh chút năng lượng mới, tươi vui hơn, lại có bộ bay chứ không nặng và quá tối.
Bằng tiếng hát độc đáo ấy, Giang Trang luôn được khán giả nhớ đến là một hiện tượng nhạc Trịnh đặc biệt trong nhiều năm qua, để lại dấu ấn sắc nét. Cho đến hiện tại, Giang Trang vẫn thư thả trong cõi nhạc Trịnh của riêng mình, đứng ngoài thị trường. Cô chỉ đơn giản là người kể nhạc Trịnh trong sự thấu hiểu, chân phương nhất.
Long Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét