Cuộc giao lưu văn hóa Việt - Ý qua âm nhạc nghệ thuật
Opera là loại hình âm nhạc nghệ thuật biểu diễn hàn lâm xuất phát ban đầu từ Ý nhưng lan ra cả thế giới và được đông đảo công chúng ở khắp các quốc gia ưa chuộng, theo đuổi. Trải qua hàng trăm năm phát triển, Opera được xem như kho tàng nghệ thuật đồ sộ, bao trùm văn hóa của nhiều dân tộc.
Opera được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX và chúng ta cũng có một số nghệ sĩ, tác phẩm opera nhất định. Tuy nhiên, nền nghệ thuật bác học này đến nay vẫn chưa thực sự tiếp cận được đông đảo công chúng Việt.
Nhận thấy điều đó, SPO đồng hành cùng Nhà hát nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Nhà hát lớn Hà Nội, dưới sự bảo trợ và tài trợ chính của Đại sứ quán Ý đã dàn dựng một vở Opera bất hủ là Cavalleria Rusticana để trình diễn cho khán giả Việt Nam. Đây được xem như một hình thức giao lưu văn hóa, giúp khán giả Việt tiếp cận gần hơn với âm nhạc, nghệ thuật nước Ý cũng như thế giới.
Vở Opera Cavalleria Rusticana được công diễn vào hai ngày vừa qua đã thu hút đông đảo khán giả tới xem. Ca sĩ Phạm Hà Linh, người phụ trách truyền thông cho đêm nhạc chia sẻ rằng, chị rất bất ngờ khi lượng vé bán ra lại nhanh chóng đến thế và khán giả đến chật kín Nhà hát Lớn Hà Nội trong cả hai đêm diễn. Đặc biệt, lượng khán giả trẻ đến xem đêm nhạc khá đông.
Điều đó chứng tỏ rằng, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm ở công chúng Việt là rất lớn và luôn tồn tại một bộ phận không nhỏ khán giả muốn được tiếp cận, tìm hiểu về opera, đặc biệt là các khán giả trẻ.
Không phụ lòng tin của khán giả, dàn nhạc giao hưởng và các nghệ sĩ đã lao động nghệ thuật nghiêm túc, nỗ lực trong nhiều tuần để dựng nên một vở opera đúng nghĩa, chuẩn mực từ âm nhạc tới biểu diễn, dàn dựng. Đây có thể xem là một trong số ít vở diễn opera được đầu tư chuyên nghiệp, công phu nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Các nghệ sĩ tham gia vở diễn đều là những người có kinh nghiệm, kiến thức và được đào tạo bài bản về opera cũng như âm nhạc cổ điển.
Trong đó, có rất nhiều nghệ sĩ thế giới đã tới Việt Nam để chung tay cùng SPO và Nhà hát nhạc Vũ Kịch. Người dàn dựng vở diễn kiêm vai Lola là Cindy Leung, một thạc sĩ nghệ thuật (âm nhạc). Cô từng có kinh nghiệm 10 năm dàn dựng, biểu diễn các vở opera kinh điển của thế giới.
Những nghệ sĩ nước ngoài khác như Michael Lam, Chisty Li, Helen Te, Vicky Vu… đều có bằng thạc sĩ về âm nhạc nghệ thuật và sở hữu kinh nghiệm biểu diễn nhiều năm trong nghề. Họ là những giọng hát đầy kỹ thuật.
Đặc biệt, trong vở diễn còn có sự góp mặt của Giovanni Maria Palmia - giọng tenor đến từ Ý, quê hương của opera.
Về phía Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Thu Quỳnh cũng được xem là một trong những mezzo soprano xuất sắc hiện nay, từng tham gia biểu diễn nhiều tác phẩm cổ điển và được đánh giá cao.
Đặc biệt, trong dàn hợp xướng còn có sự hiện diện của thạc sĩ Đào Tố Loan, giọng coloratura soprano hàng đầu nền opera Việt Nam ở thời điểm hiện tại, cùng nhiều giọng ca xuất sắc khác.
Dàn nhạc được chỉ huy bởi nhạc trưởng Fan Ting, hiện là giám đốc Nghệ thuật kiêm chỉ huy trưởng của In-heritage Philharmonic, giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy trưởng của Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn tại Việt Nam, đồng thời là chỉ huy trưởng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Vị nhạc trưởng tài hoa này từng theo học tại Nhạc viện danh giá Juilliard và là học trò của nhạc trưởng nổi tiếng Jorge Mester.
Tất cả các nghệ sĩ đã góp sức cùng nhau dựng nên vở diễn, với mong muốn đưa opera, một loại hình văn hóa nghệ thuật của thế giới tiếp cận gần gũi hơn tới khán giả Việt.
Bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn đến từ vẻ đẹp của âm thanh
Cavalleria Rusticana là vở opera thuộc trường phái Verismo (trường phái opera hiện thực của Ý). Đặc trưng của trường phái này là những nội dung chân thực, thế tục, xoay quanh cuộc sống con người thường ngày, với những tâm tư, hỉ nộ ái ố, mối quan hệ xã hội, đấu tranh nội tâm.
Vì vậy, khác với các vở opera thuộc trường phái Wagner hay Bel Canto, Verismo không có những nốt cao hoa mỹ, khổng lồ, các đoạn chạy nốt phức tạp hay sự hùng tráng, sử thi ở dàn nhạc. Thay vào đó là những lối hát, cách biểu hiện giọng hát chân thực, bộc lộ được nội tâm, cảm xúc của con người một cách gần gũi, tự nhiên nhất.
Thay vì những đoạn chạy nốt, nhào lộn giọng hát phức tạp ở các vở opera quen thuộc thường được công diễn tại Việt Nam trước đây như Cây sáo thần, lần này, khán giả Việt có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp giọng hát một cách chân thực, đầy xúc cảm.
Các nghệ sĩ không phô diễn quãng hát quá cao, cũng không thực hiện biến tấu cadenza hoa mỹ, không có những kỹ thuật phức tạp như trillo, staccato, diminuendo… Họ tìm đến vẻ đẹp âm thanh trong sự cộng hưởng, đầy đặn và ấm áp. Họ muốn đưa đến cho khán giả những thanh âm mạnh mẽ, linh hoạt, cuốn hút, những cơn bão cảm xúc đích thực, dữ dội, cuộn trào.
Từ đó, cảm xúc mà vở diễn đưa đến cho khán giả cũng chân thực, gần gũi và thăng hoa hơn. Đó là những giằng xé nội tâm, là những tiếng khóc than, đau khổ tột cùng của nhân vật trong số phận bi kịch khiến người xem phải rùng mình, là những đoạn nạt nộ, quát tháo bằng giọng hát đầy kịch tính. Ca sĩ sử dụng hát nói nhiều, chêm xen vào đó là những đọan cressendo bùng nổ, cộng hưởng âm thanh vang dội cả nhà hát, thổi tung không gian bằng những cơn bão cảm xúc đích thực.
Dù ngồi tại Việt Nam, ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng khán giả Việt vẫn có được cảm giác như sống lại thời hoàng kim của Opera thế kỷ XX, với những huyền thoại hàng đầu của trường phái Verismo như Mirella Freni, Leontyne Price, Renata Tebaldi, Montserrat Caballe…
Giọng nữ cao Vicki Wu (trong vai người vợ đau khổ Santuzza) đã có phần trình diễn thực sự xuất sắc dù cô phải diễn vai không thuộc loại giọng của mình (vai Santuzza vốn dành cho mezzo soprano). Cô liên tục đưa khán giả tới nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và khiến cả sân khấu như bùng cháy với những đoạn tung full voice cộng hưởng cao trào ở A5, B5, lấp đầy nhà hát. Tiếng khóc than trong đau khổ của nhân vật được Vicki Wu thể hiện trọn vẹn cả ở diễn xuất lẫn giọng hát, chiếm được sự đồng cảm từ khán giả. Vì vậy mà sau mỗi cảnh diễn của Vicky Wu, tiếng vỗ tay lại vang lên không ngớt. Cô cũng nhận được nhiều tràng vỗ tay nhất khi kết thúc vở diễn.
Giọng tenor người Ý Giovanni Maria Palmia không làm khán giả thất vọng với những nốt cao tráng lệ, cuộn trào, sáng rực và âm sắc ấm áp, đẹp chuẩn Ý. Anh cũng có phần thể hiện cảm xúc khá tốt với những đoạn gằn giọng, quát nạt dữ dội, thể hiện sự giận dữ, bùng nổ của nhân vật.
Dù đứng chung với nghệ sĩ thế giới, nhưng Nguyễn Thu Quỳnh (trong vai mẹ của Turiddu) không hề lép vế. Cô phát huy được thế mạnh của mình ở những đoạn chest voice quãng trung dày, tối nhưng vẫn lên cao trào dữ dội trên head voice.
Trong vở opera này, Đào Tố Loan không thủ vai chính mà chỉ tham gia ở dàn hợp xướng nhưng vẫn để lại dấu ấn sâu sắc. Dù hòa ca cùng dàn hợp xướng, nhưng Đào Tố Loan vẫn nổi bật hơn hẳn nhờ những nốt cao lộng lẫy, cộng hưởng rất đẹp, làm sáng rực cả sân khấu. Có đứng chung một sân khấu mới thấy, giọng hát xuất sắc như Đào Tố Loan không hề thua kém gì những ca sĩ nước bạn, với đầy đủ kỹ thuật, nội lực và âm sắc.
Dàn nhạc giao hưởng cũng chơi thực sự hay, phối hợp nhịp nhàng với ca sĩ, tạo nên bữa tiệc âm thanh thịnh soạn với đủ cung bậc sắc thái, khi thì du dương, lãng mạn, bay bổng, lúc lại dữ dội, cao trào. Các nhạc cụ từ đàn dây đến bộ gõ được hòa quyện, ăn khớp để cùng diễn đạt trọn vẹn câu chuyện qua thanh âm.
Qua sự thể hiện tuyệt vời của mình, các nghệ sĩ và dàn nhạc đã chiếm trọn cảm tình của khán giả. Kết thúc vở diễn là hàng loạt bông hoa hồng được tung lên sân khấu và tiếng vỗ tay không ngớt từ phía dưới. Ai cũng ở lại đến phút cuối để thưởng thức trọn vẹn nốt nhạc khép lại cánh gà.
Sự nhiệt tình, vui sướng của khán giả khi xem hết vở Opera cho thấy rõ, nền nghệ thuật hàn lâm này vẫn còn sức sống và sự lôi cuốn lớn. Nhu cầu thưởng thức của công chúng Việt với Opera luôn tồn tại. Rất mong các nghệ sĩ Opera Việt Nam giữ vững niềm tin với nghề để tiếp tục cho ra đời những vở diễn xuất sắc.
Long Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét