Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Mỹ Anh, Miu Lê và Hà Lê: Pop hóa, rock hóa nhạc Trịnh

 

Nếu Miu Lê và Mỹ Anh hát nhạc Trịnh với tinh thần pop hóa triệt để thì Hà Lê lại thổi chất underground vào nhạc Trịnh rất rõ.

Miu Lê và Mỹ Anh - pop hóa triệt để

Trong thế hệ ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh theo phong cách mới thì Miu Lê chiếm được nhiều cảm tình từ khán giả. Cô không hát nhiều nhạc Trịnh, chỉ thể hiện hai ca khúc Còn tuổi nào cho em và Diễm xưa dưới tư cách nhạc phim Em là bà nội của anh.

Ở thời điểm phát hành, hai ca khúc này được khán giả đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là khán giả trẻ. Cho đến hiện tại, bản thu Còn tuổi nào cho em trên YouTube đã đạt gần 8 triệu view. Đây là một thành tích đáng nể, không phải ca sĩ trẻ nào cũng làm được khi hát nhạc Trịnh, đến chính bản thân nữ ca sĩ cũng bất ngờ.

Miu Lê lôi cuốn được khán giả trẻ vì cô hát nhạc Trịnh với màu sắc, tinh thần hoàn toàn mới, không bị lệ thuộc vào cái bóng của những tượng đài đi trước, dù bản phối cô sử dụng vẫn là acoustic đơn giản, không cầu kỳ.

Mỹ Anh, Miu Lê và Hà Lê: Pop hóa, rock hóa nhạc Trịnh - Ảnh 1.

Ca sĩ Mỹ Anh

C2 FREEZE HƯƠNG DÂU ANH ĐÀO
shopee.vn
Tìm Hiểu Thêm

Tinh thần chung cho hai ca khúc nhạc Trịnh mà Miu Lê thể hiện vẫn mang màu sắc đượm buồn và chiêm nghiệm, đánh sâu vào cảm xúc; không phá cách, không đòi hỏi làm mới hay trưng trổ quá nhiều nhưng cô vẫn thành công khi thổi vào chất riêng của mình. Cô hát nức nở, hơi run rẩy với airy voice, nhấn nhá hơi "sến" theo đúng lối hát của giới trẻ, đượm màu pop ballad hiện đại và pha vào một chút R&B nhẹ.

Bản thân Miu Lê cũng ý thức được mình phải làm mới nhạc Trịnh, không được lệ thuộc vào người đi trước. Cô hiểu rõ những nghệ sĩ thành công với nhạc Trịnh đều là những tên tuổi kỳ cựu, và cô khó với tới tầm cao ấy. Tuy nhiên, cô vẫn mạnh dạn hát vì hiểu khán giả luôn để đường cho các giọng ca trẻ. "Phiên bản xưa thì ai cũng biết đến rồi nên "thay áo mới" cũng là một ý hay chứ", Miu Lê nói.

Tất nhiên, cách hát pop hóa triệt để nhạc Trịnh của Miu Lê không khỏi vướng phải chê bai. Nhiều người cho rằng nữ ca sĩ hát quá yếu và hời hợt, chưa đủ tầm thể hiện nhạc Trịnh. Nhưng không thể phủ nhận, cô đã đưa nhạc Trịnh đến gần khán giả trẻ ngày nay hơn.

Thời gian gần đây, Mỹ Anh cũng là cái tên được nhắc đến nhiều. Dù là con gái ruột diva Mỹ Linh nhưng cô ca sĩ gen Z này lại không hề chọn lối hát phô diễn vocal, tròn vành rõ chữ như mẹ mà tìm tới những phong cách trẻ trung, hội nhập. Mỹ Anh hát nhạc Trịnh không nhiều, chỉ một ca khúc Nhìn những mùa thu đi trong dự án "Gen Z và Trịnh". Tên gọi của dự án này cho thấy rõ, cô hát ca khúc Nhìn những mùa thu đi có chủ đích rõ ràng, là thể hiện nhạc Trịnh dưới tinh thần, tư tưởng của thế hệ gen Z. Nữ ca sĩ trẻ cũng gặt hái được thành công nhất định, khi MV ca khúc này đạt hơn 1 triệu view trên YouTube.

Mỹ Anh hát nhạc Trịnh theo nhịp phách ngẫu hứng và nhanh hơn, nhả chữ và lơi nhịp theo màu R&B/pop hiện đại.

Mỹ Anh, Miu Lê và Hà Lê: Pop hóa, rock hóa nhạc Trịnh - Ảnh 2.

Ca sĩ Hà Lê

TL

Hà Lê - sự đầu tư nghiêm túc và hoành tráng về chất nhạc

Trong các trường hợp làm mới nhạc Trịnh thì Hà Lê được khen ngợi nhiều hơn cả. Anh cũng là một trong số ít nghệ sĩ trẻ nghiêm túc với nhạc Trịnh nhất khi sử dụng nhiều nhạc cụ hòa âm phối khí (cả hiện đại lẫn cổ truyền), tạo nên những thanh âm mới mẻ, bắt tai. Rất ít nghệ sĩ làm mới nhạc Trịnh lại sử dụng nhiều nhạc cụ cùng lúc như Hà Lê, tạo nên nhiều lớp lang, biến hóa khó lường.

Dù kết hợp cả rap vào nhạc Trịnh nhưng Hà Lê rất đúng mực, tiết chế và có điểm nhấn, điểm dừng rõ ràng, không bị sa đà, quá lố. Các bản nhạc Trịnh được anh thổi hồn đương đại với màu world music, EDM, R&B, hip hop… Điểm đặc biệt ở Hà Lê là anh không chú trọng quá nhiều vào phần thể hiện vocal, lấy giọng át nhạc như những ca sĩ trước đây mà chỉ dùng giọng hát như một nhạc cụ nhỏ trong rất nhiều nhạc cụ tạo nên bản hòa âm. Anh đẩy mạnh hơn vào hòa khí. Đây mới là tư duy của người làm nhạc hiện đại.

Đặc biệt, việc kết hợp giữa nhạc Trịnh và một số thanh âm hiện đại có nguồn gốc từ nhạc châu Phi, Mỹ Latin như reggae, salsa khiến bản hòa âm của Hà Lê trở nên sôi động, hứng khởi và lạ tai, như một thứ hương vị mới mang màu đa sắc tộc, hội nhập với thế giới hiện đại, thoát hoàn toàn khỏi màu buồn truyền thống của điệu blues xưa cũ, chầm chậm, đều đều. Bên cạnh đó, anh còn kết hợp cả những nhạc cụ dân tộc đậm màu Á Đông như đàn bầu với nhạc cụ điện tử. Có thể thấy, anh là một trong những nghệ sĩ mở rộng biên giới nhiều nhất cho nhạc Trịnh, với những biến ảo khó lường và ít ai ngờ tới, giúp khán giả như đang khám phá thế giới mới.

Ngay cả cách hát của Hà Lê cũng đa dạng và biến hóa theo từng điệu nhạc. Có những đoạn anh nhả chữ lên tới tận C5 mixed voice (nốt khá cao với giọng nam), hay ở một số đoạn hát khác lại thực hiện những cú run/riff với tốc độ nhanh, nhưng không với chủ đích khoe giọng mà chỉ để hòa cùng nhạc. Tinh thần chung trong cách thể hiện vocal của anh là phóng khoáng, tự do và trải nghiệm, thể hiện những màu sắc riêng trong cái tôi âm nhạc mới, hứng khởi và nhiều sức sống.

Ở Hà Lê, vocal như hòa làm một với nhạc khí, biến hóa đa dạng theo nhiều cung bậc âm thanh, lúc nhanh lúc chậm, lúc to lúc nhỏ, lúc lại ngẫu hứng với run/riff… Anh đã thổi chất underground của mình vào nhạc Trịnh một cách độc đáo.


Long Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét