Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Tùng Dương dạo chơi cùng nhạc Trịnh: Khôn ngoan và nhã nhặn

Với nhạc Trịnh, Tùng Dương rất khôn khéo, tôn trọng tác giả và hiểu khán giả. Anh biết cái hay, cái đẹp của nhạc Trịnh ở đâu để khai thác với sự chừng mực, nhã nhặn.

Tùng Dương sở hữu đầy đủ mọi yếu tố cấu thành nên một nghệ sĩ toàn diện, bao gồm giọng hát, kỹ thuật, cá tính, tư duy, thẩm mỹ âm nhạc.

Trên chặng đường sự nghiệp dài hơi của mình, Tùng Dương đã đi qua rất nhiều thể loại, dòng nhạc khác nhau. Hiếm có nghệ sĩ nào giàu năng lượng, nhiệt huyết và sáng tạo như anh, khi không ngại phá vỡ rào cản, thử sức ở những dòng nhạc mới.

Với một nghệ sĩ toàn diện như Tùng Dương, nhạc Trịnh chắc chắn không phải nấc thang duy nhất để tạo dựng tên tuổi, mà là một trải nghiệm âm nhạc. Vậy nhưng anh vẫn để lại những dấu ấn nhất định với nhạc Trịnh, điều mà nhiều ca sĩ khác loay hoay tìm kiếm.

Cuộc dạo chơi khôn ngoan

Là con nhà nòi, Tùng Dương được tiếp xúc với nhạc Trịnh từ rất sớm. Khi mới 11, 12 tuổi, anh đã nghe nhạc Trịnh qua tiếng hát Khánh Ly trên radio, băng catsette và bị ám ảnh bởi những giai điệu quá khứ ấy.

Tùng Dương dạo chơi cùng nhạc Trịnh: Khôn ngoan và nhã nhặn - Ảnh 1.

Ca sĩ Tùng Dương thổi nguồn năng lượng mới vào nhạc Trịnh

NVCC

C2 FREEZE HƯƠNG DÂU ANH ĐÀO
shopee.vn
Tìm Hiểu Thêm

Những ám ảnh đó cứ thế theo Tùng Dương lớn dần và đi vào bản ngã âm nhạc của anh, cùng lúc với các dòng nhạc Âu Mỹ hiện đại anh tiếp cận được và cả nhạc cổ điển anh học tại nhạc viện. Sự hòa trộn này tạo nên một lối hát nhạc Trịnh khá riêng ở Tùng Dương, vừa truyền thống lại vừa cách tân.

Sau khi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, Tùng Dương vẫn thường xuyên hát nhạc Trịnh tại các buổi diễn, sân khấu lớn nhỏ, song song với những dòng nhạc khác. Bởi vậy, Tùng Dương chắc chắn có sự tìm tòi và am hiểu về nhạc Trịnh, dù chưa được làm việc trực tiếp với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Điểm giao hòa lớn nhất giữa Tùng Dương và nhạc Trịnh là triết lý Phật giáo, về lẽ vô thường, sinh - diệt… cấu thành nên tư tưởng âm nhạc của cả hai. Đó là lý do vì sao Tùng Dương lại đồng cảm và mê nhạc Trịnh đến vậy, đặc biệt ở những ca khúc như Tiến thoái lưỡng nan, Tôi ơi đừng tuyệt vọng… Anh nói: "Nghe một tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta tìm kiếm được những giá trị cho chính mình, tìm thấy sự đồng cảm".

Và hiển nhiên, với cá tính nghệ sĩ mạnh mẽ và bản ngã riêng có, Tùng Dương không bao giờ lặp lại bất cứ danh ca nào khi hát nhạc Trịnh mà luôn tìm tòi lối thể hiện mới, mang đậm dấu ấn cá nhân. Anh từng nói: "Tôi không thể hát với một tâm thế của một người có quá nhiều trải nghiệm với nhạc Trịnh, quá nhiều sự kết nối trực tiếp ở thời điểm lịch sử như của ông và cô Khánh Ly".

Tùng Dương cũng quyết định hát nhạc Trịnh với tâm thế con người của ngày hôm nay, đương nhiên có chút phá cách. Anh cũng từng tâm sự: "Màu sắc trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi tôi hát sẽ vẫn giữ nguyên như vậy, vẫn đầy chất thơ, đầy chất văn. Tôi cũng sẽ không hát theo lối mà các đàn anh, đàn chị đi trước. Tôi hát với sự khác biệt của riêng tôi".

Nhiều người nghĩ rằng với cá tính mạnh và "quái" của Tùng Dương, anh sẽ "lên đồng" với nhạc Trịnh. Nhưng Tùng Dương lại nhận thức rõ cái hay của nhạc Trịnh nằm ở triết lý, ca từ và sự mộc mạc, giản đơn. Anh tôn trọng linh hồn bản nguyên của nhạc Trịnh, nên hát nó với tinh thần suy tư, trải nghiệm, không phải phô diễn, trưng trổ. Nam ca sĩ nhận định rõ với nhạc Trịnh Công Sơn, không phải lúc nào cũng "lên đồng", không phải lúc nào cũng phức tạp hóa lên.

Hiện đại, linh hoạt, giàu sức sống

Như đã nói, Tùng Dương hát nhạc Trịnh tiết chế và tôn trọng nguyên tác, nhưng cũng thổi được dấu ấn cá nhân và hơi thở thời đại vào đó, với sự hòa trộn của các phong cách hát Âu Mỹ mà anh học hỏi được từ jazz, soul, R&B… Nổi bật trong đó là những luyến láy, chuyển giọng mà anh học được từ thần tượng lớn nhất của mình - diva Whitney Houston.

Tùng Dương áp dụng melisma (một kỹ thuật hát chạy note độc đáo của dòng gospel/R&B người da màu) vào nhiều bài nhạc Trịnh. Chẳng hạn, trong một lần trình diễn ca khúc Xin cho tôi, Tùng Dương đã mạo hiểm sử dụng luyến láy. Ở hai lần hát chữ "rồi từ đó", anh chạy vocal runs rất khớp nhịp nhạc đang dồn lên, lại kết hợp với độc chiêu cộng minh tích hợp hai vị trí, từ xoang mặt chạy lên đỉnh trán, tạo nên thứ âm thanh vang rền và thể hiện một sự cảm nhạc chắc chắn. Đây là kỹ thuật khó, phải rèn luyện rất lâu. Tiếp đó, anh thực hiện run/riff trên giả thanh và "lên đồng" đầy bão tố…

Từ các đoạn cộng hưởng vocal runs và luyến láy run/riff này, người nghe thấy đâu đó một bóng dáng Whitney Houston đang hát nhạc Trịnh, bởi chỉ Whitney mới có lối hát R&B ngẫu hứng đến thế.

Như vậy, Tùng Dương có lẽ là nam ca sĩ sử dụng melisma/run/riff vào nhạc Trịnh tốt nhất VN từ trước tới nay. Đây là thành quả của việc học hỏi từ các nghệ sĩ quốc tế, chứ không chỉ dựa vào kiến thức trường lớp.

Ngoài ra, anh còn áp dụng được nhiều kỹ thuật bài bản vào nhạc Trịnh, tận dụng cộng minh các khoảng vang quãng trung để tạo nên những đoạn cao trào hấp dẫn, đạt hiệu quả sân khấu cao.

Có thể thấy, dù là một giọng tenor 2 với âm sắc dày và ấm, nhưng Tùng Dương hát nhạc Trịnh không đi theo lối nam tính, lãng tử, trải đời như Tuấn Ngọc, Sĩ Phú, Quang Dũng… mà thể hiện được cách hát đa dạng, linh hoạt, tràn ngập màu sắc. Anh thổi được nguồn sức sống, năng lượng mới vào nhạc Trịnh. Như vậy, dù chỉ như một cuộc "dạo chơi" nhưng Tùng Dương đã để lại dấu ấn sắc nét trong dòng chảy nhạc Trịnh.


Long Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét