Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Hoàng Oanh, Hương Lan, Như Quỳnh: Bộ ba "nữ hoàng" nhạc trữ tình quê hương với kỹ thuật và giọng hát đỉnh cao

 Nhạc trữ tình quê hương và những đòi hỏi về kỹ thuật đặc trưng

Nhạc trữ tình quê hương là một dòng nhạc quen thuộc, phổ biến với công chúng nghe nhạc trên khắp mọi miền đất nước suốt hàng chục năm qua.

Bằng sự giản dị, mộc mạc trong giai điệu và vẻ đẹp thăng hoa trong ngôn từ, nhạc trữ tình quê hương đã len lỏi tới mọi ngóc ngách, chiếm lĩnh trái tim của hàng triệu khán giả.

Hoàng Oanh, Hương Lan, Như Quỳnh: Bộ ba nữ hoàng nhạc trữ tình quê hương với kỹ thuật và giọng hát đỉnh cao - Ảnh 1.

Hương Lan

Trong thời đại lên ngôi của các dòng nhạc thịnh hành có xuất xứ từ phương Tây, dòng nhạc quê hương ở Việt Nam vẫn có chỗ đứng vững chắc của mình nhờ vào sự thân quen, gần gũi với người nghe.

Đặc trưng của dòng nhạc này chính là sự chân thành, tình cảm, không quá "màu mè" để tạo cảm giác gần gũi và dễ gần với người nghe.

Không đòi hỏi những kĩ thuật khó của thanh nhạc cổ điển, hay những kĩ thuật hiện đại của âm nhạc phương Tây như melisma, run/riff, growling, scat singing... nhưng nhạc trữ tình quê hương vẫn luôn luôn đòi hỏi ở ca sĩ những kĩ thuật vững chắc để ca hát. Đó là lí do vì sao rất nhiều ca sĩ có kĩ thuật, chất giọng tốt lại khó hát hay được một ca khúc trữ tình quê hương.

Một trong những đòi hỏi lớn nhất với ca sĩ hát dòng nhạc trữ tình quê hương chính là khả năng điều khiển làn hơi. Những ca khúc thể loại này không chỉ yêu cầu một làn hơi dài để tránh ngắt câu nhiều, mà còn đòi hỏi ca sĩ phải biết dàn trải làn hơi một cách điêu luyện để có thể nhả những đường legato (kĩ thuật hát liền note) mượt, đẹp nhất.

Bên cạnh đó, khả năng điều khiển âm lượng giọng hát cũng rất quan trọng. Thẩm mĩ của những người nghe dòng nhạc này không phù hợp với những cú belt giọng ngực hay gằn giọng nhằm tạo kịch tính, mà ca sĩ phải biết điều chỉnh âm lượng to nhỏ sao cho mềm mại, mượt mà, không quá phô diễn mà vẫn giữ được tính trữ tình của những câu hát không bị mất đi.

Một điều quan trọng nữa là ca sĩ phải có kĩ thuật chuyển giọng giữa giọng ngực (chest voice) và giọng giả thanh (falsetto) thật tốt, thật khéo để người nghe không nhận ra được đoạn chuyển giọng của mình.

Như vậy, có thể thấy, mỗi dòng nhạc đều có những nữ hoàng của riêng nó, là những nữ ca sĩ có thể thực hiện đỉnh cao các kĩ thuật khó riêng có của dòng nhạc và sở hữu giọng hát, cách hát không thể thay thế.

Có những ca sĩ, nhờ khả năng sử dụng điêu luyện các kĩ thuật đặc trưng của dòng nhạc trữ tình quê hương, cùng giọng hát trời phú, đã trở thành nữ hoàng của dòng nhạc này. Đó chính là bộ ba Hoàng Oanh, Hương Lan, Như Quỳnh.

Hoàng Oanh, Hương Lan, Như Quỳnh: Bộ ba nữ hoàng nhạc trữ tình quê hương với kỹ thuật và giọng hát đỉnh cao - Ảnh 3.

Hoàng Oanh

Hoàng Oanh, Hương Lan, Như Quỳnh - Bộ ba "nữ hoàng" nhạc trữ tình quê hương nổi bật

Hoàng Oanh sở hữu một giọng hát rực rỡ nhưng vẫn ngọt dịu như ánh nắng buổi sớm mai. Ở quãng trung, âm sắc của cô sang sảng, tiếng vang xa như tiếng chuông vàng, rót vào tai người nghe những âm vang đẹp tuyệt vời.

Dù sở hữu một giọng hát đẹp rực rỡ và một làn hơi dài đặc trưng, Hoàng Oanh không dàn trải hơi thở tốt như những ca sĩ khác. Vì quá tập trung dồn sức vào những chỗ hát ngang ngang nên khi lên cao hay xuống thấp giọng cô mỏng hẳn đi. Bên cạnh đó, cô không tập chuyển giọng tốt, nên khi chuyển lên cao cô dùng giọng giả thanh một cách lộ liễu.

Tuy nhiên, những khuyết điểm đó được bù lại bởi một giọng hát đẹp rạng ngời, cùng khả năng truyền tải cảm xúc sâu sắc cộng với cách nhả chữ vô cùng chính xác và đặc sắc. Chính vì thế Hoàng Oanh vẫn luôn là một huyền thoại cho những thế hệ sau vươn tới.

Chỉ sau Hoàng Oanh vài năm, Hương Lan nổi lên như một trong những giọng ca trữ tình quê hương hàng đầu.

Hoàng Oanh, Hương Lan, Như Quỳnh: Bộ ba nữ hoàng nhạc trữ tình quê hương với kỹ thuật và giọng hát đỉnh cao - Ảnh 4.

Như Quỳnh

Không những sở hữu một giọng hát ngọt lịm, cực kì giàu âm sắc – Hương Lan là con của cố nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, nên ngay từ nhỏ cô đã được cha truyền nghề để có những kĩ thuật điêu luyện. Bằng chứng là khả năng điều khiển làn hơi của cô gần như vô địch. Những câu hát dài ngót nghét 20 giây điển hình của dòng nhạc cải lương không hề gây khó dễ cho cô.

Bên cạnh đó, Hương Lan chuyển giọng cũng rất tốt, không lộ liễu như Hoàng Oanh.

Một điều đáng nói nữa là những kĩ thuật luyến láy của cô cũng vô cùng đỉnh cao. Nếu trill (rung láy) là một kĩ thuật khó, hiếm gặp với cả những diva thế giới kĩ thuật thượng thừa, thì Hương Lan vẫn dư sức sử dụng mezzo-trillo (trillo ngắn) một cách nhẹ nhàng.

Có thể nói, Hương Lan sở hữu kĩ thuật xuất sắc, từ điều khiển làn hơi, chuyển giọng đến những kĩ thuật luyến láy. Từ đó có thể thấy, vì yêu cầu của dòng nhạc trữ tình quê hương là sự chân thành mộc mạc, người ca sĩ không nên lạm dụng những kĩ thuật màu mè làm cho mất chất nhạc chứ không phải dòng nhạc này không đòi hỏi kĩ thuật thượng thừa.

Là thế hệ đàn em của Hoàng Oanh và Hương Lan, Như Quỳnh cũng sở hữu một giọng hát trữ tình ngọt lịm đầy nữ tính.

Như Quỳnh điều khiển hơi rất lạ, nhiều chữ bị ngắt ra tưởng chừng như sắp đứt hơi, nhưng kì thực lại kéo dài vô tận.

Hoàng Oanh, Hương Lan, Như Quỳnh: Bộ ba nữ hoàng nhạc trữ tình quê hương với kỹ thuật và giọng hát đỉnh cao - Ảnh 5.

Với khả năng chuyển giọng rất khéo, nên dù kĩ thuật của Như Quỳnh không điêu luyện như Hương Lan nhưng cũng đủ để khán giả ngất ngây vì những đường legato mượt đẹp tuyệt diệu.

Điểm chung của ba ca sĩ là đều sở hữu chất giọng nữ trung. Nếu âm sắc của Hoàng Oanh kiêu sa, mềm mại dẻo dai nhưng lại chứa đựng một thứ tiềm lực bền bỉ như cành thùy dương, thì âm sắc của Hương Lan lại tối hơn và giống như cành lệ liễu đung đưa trong gió nhẹ.

Còn Như Quỳnh, tuy âm sắc chưa bằng hai đàn chị, nhưng cũng gợi đến một tấm lụa mỏng manh màu hồng phấn vô cùng quyến rũ. Hoàng Oanh, Hương Lan và Như Quỳnh chắc chắn là ba thế hệ giọng ca vàng nối tiếp nhau của dòng nhạc trữ tình quê hương.


Long Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét