Thanh nhạc Opera và cổ điển là một kho tàng âm nhạc hàn lâm,
đồ sộ về cả lượng lẫn chất, trải dài suốt nhiều thế kỷ, với sự đóng góp của
hàng ngàn nhà soạn nhạc, nhạc công, nhạc trưởng và nghệ sĩ trình diễn tài năng,
tinh túy nhất.
Đối với người đang học thanh nhạc, nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn
khán giả, thanh nhạc Opera và cổ điển được xem như đỉnh cao nhất của thanh nhạc
được khai thác từ giọng hát của con người, cả về mặt trình diễn lẫn thưởng thức.
Hệ thống thanh nhạc của Opera và nhạc cổ điển được kiến tạo,
bồi đắp qua nhiều thế kỷ để trở thành một thư viện khổng lồ, được ví như thách
thức và những cửa ải mà người học hát phải vượt qua để chinh phục được kho tàng
âm nhạc hàn lâm này, thành danh trước công chúng (bao gồm cả kỹ thuật, cách xử
lý và biểu đạt cảm xúc).
Tuy nhiên, trong hệ thống ấy, cũng có những cấp độ khác nhau
mà người học thanh nhạc nên biết để từng bước chinh phục Opera và nhạc cổ điển.
Khán giả cũng cần quan tâm để mở rộng quá trình thưởng thức.
1. Cấp độ đầu tiên: Thanh nhạc thời kỳ Baroque
(1600-1750)
Ở các nhạc viện phương Tây, âm nhạc thời kỳ
Baroque được xem là cơ bản và “dễ” hát nhất trong các giai đoạn Opera và nhạc cổ
điển. Từ đó sinh ra thông lệ là ca sĩ trẻ hoặc non kỹ thuật thường chọn hát
Baroque trước để luyện giọng và dễ xử lý.
Sở dĩ như vậy vì âm nhạc thời Baroque có cấu
trúc tác phẩm đơn giản hơn, giai điệu cũng thuận chứ không đòi hỏi nhiều chuyển
giọng, đặc biệt không yêu cầu thể hiện giọng hát ở mức âm lượng lớn, về biểu cảm
cũng đơn giản hơn vì đa số là chủ đề ca ngợi tôn giáo.
Phần lớn âm nhạc thời kỳ Baroque là các art
song (ca khúc nghệ thuật, thính phòng), Opera cũng có nhưng không quá nhiều và
cũng không phức tạp, đòi hỏi cao về mặt thể hiện, không khó như Opera giai đoạn
sau này.
Ai đi học thanh nhạc cổ điển đều biết, càng
ở các giai đoạn sau lại càng khó hát nên mọi người thường bắt đầu bằng âm nhạc
thời kỳ Baroque.
Tất nhiên, dễ ở đây là so với các giai đoạn
sau chứ không phải Baroque thì dễ hát. Bởi vậy, vẫn có những ca sĩ chuyên hát
Baroque.
Nhưng rõ ràng, các diva nổi tiếng bậc thầy
hầu như ít hát Baroque hơn vì họ từng hát nó ở thời đầu sự nghiệp hay thậm chí
khi còn là sinh viên. Và những người chuyên về Baroque thường giọng hát khá mảnh,
âm lượng trung bình hoặc hơi nhỏ (thường là các light lirico soprano hay mezzo),
không đủ sức cân được Opera thời sau, đòi hỏi giọng hát dày, lớn như full
lirico, spinto hay dramatic.
Baroque nguyên bản vốn không có quá nhiều nốt
cao vì nhà soạn nhạc không viết cao nhiều. Nó chỉ cao khi hát lại lần hai, người
ta thêm ornaments, nên các danh ca sau đó tới nay thường hát cao hơn để khoe giọng.
Đặc trưng của âm nhạc thời Baroque là hát thẳng, hạn chế vibrato, không cộng hưởng,
đẩy âm lượng quá mạnh, bắn lực dữ dội.
Vì vậy, Baroque đôi khi khó hát hơn với một
số giọng hát âm lượng lớn, dày và nội lực nhiều. Khi hát, họ thường phải tiết
chế rất nhiều, hát pianissimo chủ yếu. Nhưng nhìn chung, Baroque vẫn dễ hát hơn
với giọng nữ cao nói chung.
2. Cấp độ thứ hai: Thanh nhạc thời kỳ Classic
(khoảng 1730-1820) – với đại diện tiêu biểu nhất là Mozart
Nếu đọc concours của Việt Nam, sẽ thấy ở
các kỳ thi thính phòng, thi tốt nghiệp Nhạc viện thường yêu cầu hát một bài thời
Classic trở về trước và 1 bài sau thời Classic. Lý do vì âm nhạc thời Baroque
và Classic nhìn chung dễ thể hiện hơn và âm nhạc của Mozart thường được dùng
làm điểm tính giai đoạn.
Bản thân nhạc của Mozart mặt bằng chung
không quá khó hát. Nếu khó là nằm ở các vai Opera ông viết riêng cho những giọng
hát đặc biệt, chẳng hạn như vai Nữ hoàng bóng đêm hay vai Konstanze (dành cho
các dramatic coloratura soprano).
Sở dĩ có những vai Opera khó đột xuất ở
Mozart thời đó vì ông thường viết nhạc theo đặt hàng từ cung điện và viết riêng
cho những ca sĩ có giọng hát đặc biệt.
Chẳng hạn, ở thời Mozart có một giọng
coloratura soprano đặc biệt, nổi danh khắp Vienna vì quãng giọng siêu rộng, cữ
âm cao bất thường, chạy note nhanh. Và ông viết vai Nữ hoàng bóng đêm trong vở
Cây sáo thần cho người ca sĩ này hát, nên sinh ra các đoạn staccato trên tận E6
(sau này nâng lên thành F6).
3. Cấp độ khó nhất: Thanh nhạc thời kỳ Lãng mạn
(1815-1910)
Thanh nhạc cổ điển vào thời kỳ này, từ
Schubert trở đi bắt đầu khó dần tới cực khó.
Đây là thời kỳ nở rộ của Opera, với sự đa dạng,
phong phú về nội dung, kỹ thuật. Ở thời kỳ này xuất hiện nhiều trường phái
Opera khác nhau như Bel Canto, Wagner, Verdi, Verismo… Mỗi trường phái lại đòi
hỏi kỹ thuật, cách thể hiện riêng cho từng loại giọng hát.
Bel Canto là giai đoạn thanh nhạc Ý phát
triển mạnh, được gọi là nghệ thuật hát đẹp. Bel Canto thường dành cho các nữ
cao, đòi hỏi loạt kỹ thuật khó về điều khiển hơi thở, âm lượng giọng, biến tấu
hoa mỹ như trillo, staccat, legato…, rất phức tạp.
Bel canto còn có đặc điểm là nội dung cốt
truyện khá kỳ lạ, nhiều khi vô lý, chứ không có cốt truyện hay như Verismo. Vì
thế nên để đưa cảm xúc vào ca khúc không hề dễ vì các nhân vật không phải lúc
nào cũng dc xây dựng với đủ chiều sâu. Có lẽ điều này cũng khiến nhiều soprano
khi hát Bel Canto thường quan tâm nhiều đến phô diễn kỹ thuật hơn là cảm xúc, sử
dụng Bel Canto để khoe giọng là chính.
Verdi phát triển Bel Canto sang giao thoa với
Verismo, tức sử dụng nền tàng của Bel Canto để phát triển thành Verismo.
Bel Canto không đòi hỏi âm lượng quá lớn từ
giọng hát nhưng lại là tiền đề phát triển những kỹ thuật mới của Verdi và
Verismo. Các trường phái này đòi hỏi những giọng hát lớn, dày như spinto và
dramatic để control volume từ nhỏ tới to, rất to và khuếch trương cực đại,
nhưng vẫn dày, ấm, giữ được âm sắc, vô cùng khó hát.
Verdi là trường phái riêng nằm giữa Bel
Canto và Versimo. Ông viết nhiều vở Opera chịu ảnh hưởng Bel Canto như Forza
del destino, Ernani và La Traviata. Nhưng sau đó, ông viết theo hướng Verismo
nhiều hơn.
Wagner là một trường phái cùng thời với
Verdi nhưng hoàn toàn khác, là một hướng phát triển sau thời Bel Canto.
Cụ thể, sau Bel Canto thì ở Ý, Verdi giao
thoa làm cầu nối sang trường phái hiện thực Verismo còn tại Đức thì có Opera thần
thoại, sử thi của Wagner. Opera Wagner như cỗ máy chém giọng, dành riêng cho
các giọng kịch tính, siêu kịch tính âm lượng lớn, đanh thép, sức bền trường kỳ,
thể lực mạnh để cân được dàn nhạc đồ sộ, hát ầm ầm trong 4 tiếng đồng hồ không
mệt, tung những note cao khổng lồ. Loại giọng này vốn chưa xuất hiện ở châu Á.
Nếu so sánh sẽ thấy, ở Bel Canto, phần đệm
dàn nhạc khi hát sẽ kiểu đệm rải nhẹ nhàng để tôn giọng hát lên. Verdi ban đầu
cũng như vậy vì chịu ảnh hưởng của Bel Canto nhưng tới giai đoạn chuyển mình
sang Verismo lại chú trọng vào hiệu ứng của dàn nhạc và giọng hát.
Opera Verismo không yêu cầu hát kiểu phô kĩ
thuật nữa mà coi giọng hát là 1 phần của dàn nhạc ên thường hát sustain dài, âm
lượng lớn, hoành tráng.
Ở Đức, Wagner cũng chú trọng dàn nhạc, thậm
chí còn hơn cả Verismo, nên biên chế dàn nhạc rất lớn, lên tới cả trăm người, sử
dụng nhiều nhạc khí kim loại, âm lượng lớn nên giọng hát cũng phải lớn mới
không bị chìm nghỉm trước dàn nhạc.
Nếu không tính thời hiện đại giai điệu trúc
trắc éo le thì đa số người hát đều công nhận Opera Verdi và Verismo rất khó hát
vì phần biểu cảm. Ví dụ, Opera của Puccini (thuộc trường phái Verismo) có phần
tempo được xem là khá đáng sợ vì không đếm được nhịp, lơi tự do hơn. Nếu ca sĩ
hát mà đếm nhịp thì cứng đơ toàn bài hát. Muốn hát Verismo hay thì phải phải ngấm
nhịp vào người và thả theo biểu cảm bài hát luôn
Lưu ý, trong một giai đoạn thì Opera luôn khó
hát hơn art song.
Long Phạm - Thu Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét