Trong làng nhạc Việt, đa số các vocalist thành danh đều có lợi thế về giọng hát bẩm sinh. Họ sở hữu những chất giọng đặc biệt, hiếm thấy hoặc rất đẹp. Chẳng hạn, một số ca sĩ có giọng trầm, lạ như Thu Phương, Thanh Thúy, Khánh Ly. Một số khác lại có giọng khàn độc đáo như Ngọc Anh, Khánh Hà. Nhiều ca sĩ giọng tự nhiên rất đẹp như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Ngọc Lan, Hồ Quỳnh Hương… Đây là những lợi thế giúp họ thành công trong ca hát. Với những ca sĩ này, chỉ cần họ cất giọng lên cũng đủ khiến khán giả mê mẩn.
Hà Trần lại là một trường hợp đặc biệt không giống những ca sĩ khác. Giọng bẩm sinh của cô ngày xưa từng bị chê là mỏng, xấu và không có âm sắc riêng. Đó là giọng light lirico soprano – loại giọng phổ biến nhất tại Việt Nam.
Thậm chí, Hà Trần suýt nữa đã đi một con đường khác chứ không phải ca hát. Bố ruột Hà Trần là NSND Trần Hiếu cho rằng cô không có chất giọng bẩm sinh xuất sắc. Giọng hát của cô ngày đó bị đánh giá là thiếu cá tính, khó định hình, và thường bị phô. Do đó cô không được định hướng để trở thành ca sĩ.
Được biết, Hà Trần vốn dĩ đã được định hướng để làm giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện. Nhưng rất may, NSND Trần Hiếu sau đó đã nhận ra cá tính âm nhạc mạnh mẽ, sự nổi loạn và khao khát nghệ thuật cháy bỏng bên trong con gái mình nên đã tìm cách giúp cô luyện tập, khắc phục những yếu điểm trong giọng hát.
Bản thân Hà Trần cũng nhận rõ mình bất lợi hơn các đồng nghiệp về giọng hát nên rất chịu khó, nỗ lực và khổ luyện. Thời sinh viên, cô phải nhịn đói để đạp xe tới Nhạc viện học tập. Nhiều hôm, Hà Trần đói tới mức suýt ngất khi luyện thanh, nhưng vẫn không bỏ cuộc.
Ở những bản thu đầu tiên, có thể thấy, Hà Trần có thế mạnh về cổ điển. Cô hát bán cổ điển rất đẹp, với những đường head voice tròn trịa, mượt mà. Nhưng các tính âm nhạc của Hà Trần không bó buộc cô với dòng nhạc chính thống, mô phạm này. Hà Trần vẫn khát khao được hát nhạc nhẹ và trải nghiệm những dòng nhạc mới mẻ, hiện đại.
Cứ như vậy, Hà Trần ngày một tiến bộ về giọng hát. Cô mài dũa cho giọng hát phát huy được đúng thế mạnh bẩm sinh là sự trong sáng, nhẹ nhàng, trữ tình và tinh khôi. Theo đó, Hà Trần không cố khoe giọng nội lực như các Diva còn lại. Cô chịu khó hát legato mềm mại, chuyển giọng tinh tế.
Năm 20 tuổi, Hà Trần thu ca khúc Cho đời chút ơn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ mở đĩa nhạc và ngồi lặng nghe, vẻ rất xúc động và bảo cô: "Nhạc của mình rất nhiều người hát nhưng chưa bao giờ mình được nghe một giọng hát trong trẻo, tinh khôi như thế này, như tiếng hát từ một thiên thần".
Suốt cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn đã nghe, làm việc với nhiều ca sĩ trong nước và quốc tế, đều là những tượng đài với giọng hát đặc biệt. Vậy nhưng đến cuối đời, Trịnh Công Sơn lại vẫn ấn tượng tới mức ngồi lặng đi khi nghe tiếng hát Hà Trần, chứng tỏ giọng hát này có sức hút và dấu ấn rất lớn.
Những nhận định ban đầu của Trịnh Công Sơn đã khái quát rõ về giọng hát của Hà Trần, gói gọn trong một chữ "tinh khôi". Chính Hà Trần cũng thừa nhận: "Trong thời gian đầu sự nghiệp, từ "tinh khôi" cũng gắn liền với hình ảnh của tôi. Thứ nhất vì tôi nổi tiếng với bài Em về tinh khôi. Thứ hai vì cách hát của tôi gợi lên cho người nghe sự trong trẻo, tinh khôi, thiên thần".
Trịnh Công Sơn nghe đi nghe lại bài Cho đời chút ơn rồi lấy bút ra vẽ bức chân dung cho Hà Trần. Trịnh Công Sơn chỉ vẽ những giai nhân mà ông có ấn tượng sâu đậm, thường là các nhan sắc diễm lệ. Nhưng Trịnh Công Sơn vẽ Hà Trần vì giọng hát của cô quá đẹp. Nói cách khác, Hà Trần đích thực là một giai nhân trong âm nhạc.
Có thể thấy, Hà Trần rất khôn ngoan khi biết biến điểm yếu thành thế mạnh trong giọng hát của mình, thổi vào nó màu sáng rực, tinh khôi (thế mạnh của light lirico soprano) mà không hề bị chói gắt. Nhờ đó, cô dần chiếm được cảm tình của khán giả qua những bản nhạc phim Ballad tình cảm.
Từ Ballad, Hà Trần lấn sân sang nhiều dòng nhạc khác nhau và ngày một tôi luyện giọng hát trưởng thành, điêu luyện hơn. Thay vì tập trung phô diễn nội lực như các Diva khác, Hà Trần thử nghiệm những cách hát mới, biến hóa giọng hát trên những tiết tấu, xử lý khác nhau.
Cô cũng tập luyện để mở rộng quãng giọng của mình, để thoát khỏi định kiến về "giọng mỏng, xấu". Nhờ đó, Hà Trần hát trầm ngày càng hay và hiện tại là một trong những giọng nữ cao hát trầm tốt nhất Việt Nam. Cô cũng rèn cho quãng trung đầy đặn, ấm áp hơn.
Ở thời điểm hiện tại, giọng hát Hà Trần bước vào giai đoạn chín muồi, trưởng thành và đậm chất "phụ nữ". Cô dư sức thể hiện những ca khúc khắc khoải, sâu sắc trên những quãng âm trầm, ấm, nhưng vẫn giữ được độ sáng trong giọng để thổi bừng sân khấu mỗi khi xuất hiện.
Đặc biệt, Hà Trần còn luyện cho quãng giọng của mình mở rộng tối đa. Cô có thể mixed tới C6 và xuống tới A2. Những cú belting E5 của Hà Trần thực sự đẹp lộng lẫy và thoải mái, căng tràn, vừa không chói gắt lại vừa có độ sáng, vang. Rất ít giọng nữ có thể belt E5 mixed head – dominant đẹp như Hà Trần.
Và ở thời điểm hiện tại, Hà Trần đã tự tin thể hiện một số ca khúc của Divas quốc tế, vốn đòi hỏi giọng hát nội lực, kỹ thuật khó, điều mà trước đây cô ít làm. Hà Trần hát I will always love you không hề kém cạnh các vocalist khác. Và có thể khẳng định, Hà Trần vẫn xứng đáng là một vocalist đáng nể trong bản đồ nhạc Việt.
Long Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét