Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

NSND Lê Dung và những kỹ thuật thượng thừa tiên phong trong thanh nhạc cổ điển Việt Nam

 Ca sĩ Mỹ Linh từng nói: "Ở Việt Nam chỉ có hai ca sĩ xứng đáng với danh xưng Diva, là Thanh Lam và Lê Dung".

Nếu Thanh Lam tiên phong ở mảng nhạc nhẹ, với nhiều lối hát ảnh hưởng tới thế hệ ca sĩ sau này thì NSND Lê Dung lại là cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển thính phòng Việt Nam, người thầy của nhiều nghệ sĩ gạo cội.

Về mặt chuyên môn thanh nhạc, NSND Lê Dung có thể xem là một trong những giọng nữ cao đầu tiên áp dụng nhiều kỹ thuật khó của thanh nhạc cổ điển thế giới vào trình diễn tại Việt Nam.

Lê Dung có một quãng giọng khá rộng, trải dài từ F3 tới C#6, phù hợp với quãng giọng của một giọng nữ cao trữ tình cổ điển (light lirico soprano). Hơn nữa, quãng giọng này cũng chính là quãng support của Lê Dung. Với nền tảng kỹ thuật cổ điển bài bản, Lê Dung hát tới note nào là đẹp và support note đó, không có sự căng thẳng, cao thanh quản hay mắc lỗi.

NSND Lê Dung và những kỹ thuật thượng thừa tiên phong trong thanh nhạc cổ điển Việt Nam - Ảnh 1.

NSND Lê Dung

Có thể thấy, khi biểu diễn trên sân khấu, mọi note Lê Dung hát ra đều hoàn thiện và đẹp. Bà không cố trưng trổ quãng giọng rộng hay vươn tới những note cao vút nhưng ngoài tầm kiểm soát như nhiều ca sĩ ngày này. Với cữ âm và chất giọng sáng mảnh của mình, Lê Dung hoàn toàn có thể lên tới những note cao hơn tâm D6, E6, nhưng cô chỉ dừng lại ở C#6 để đảm bảo độ đẹp và kiểm soát cho giọng hát.

C#6 dù là một note khá cao, nhưng Lê Dung kiểm soát nó khá tốt và thể hiện được nhiều kỹ thuật, sắc thái. Trong bài Cô gái vót chông, bà chạy staccato trên C#6 linh hoạt nhưng tới aria Caro nome, bà lại đẩy lên cressendo âm lượng lớn full voice một cách chắc chắn.

Ở thời điểm đó, Lê Dung có lẽ là giọng nữ hiếm hoi tại Việt Nam dùng head voice (full voice) để lên tới tận C#6 (hát không mic trong khán phòng lớn). Cũng ít ai dám hát live không mic những aria Opera phương Tây như bà. Để làm được điều này, Lê Dung đã tạo cộng hưởng vùng xoang mặt. Đây là kỹ thuật mà ca sĩ Ngọc Anh cho là bài học vô giá cô giáo Lê Dung để lại cho chị.

Và dù là giọng trữ tình, nhưng nhờ rèn luyện hơi thở và đặt đúng vị trí âm thanh, cộng hưởng tốt, Lê Dung có thể tạo ra những luồng âm lượng lớn, to, vang đầy bão táp trên head voice quãng cao. Đây là kỹ năng support dựng tiếng theo chuẩn cổ điển mà Lê Dung có được sau thời gian tu nghiệp tại nước ngoài.

Trong một lần song ca cùng NSND Quang Thọ ca khúc Đường chúng ta đi, Lê Dung đã tung một cú head voice Bb5 to tới rè cả loa, át toàn bộ tiếng Quang Thọ. Hay, khi hát aria Pace pace mio dio, bà cũng tung ra một cú head voice kết fortissimo Bb5 bùng cháy dữ dội.

Pace pace mio dio là aria kinh điển nằm trong vở Opera La forza del destino của nhà soạn nhạc Verdi, dành riêng cho các giọng spinto soprano (nữ cao trữ tình kịch tính) với âm lượng lớn, đanh dày kiểu phương Tây. Lê Dung dù là giọng light lirico soprano nhưng vẫn dũng cảm hát aria này. Ở thời điểm bấy giờ, đây là sự tiên phong lớn lao trong việc đem nhạc cổ điển phương Tây vào trình diễn tại Việt Nam. Và cho đến giờ, cũng không nhiều giọng nữ cao dám hát aria này.

NSND Lê Dung và những kỹ thuật thượng thừa tiên phong trong thanh nhạc cổ điển Việt Nam - Ảnh 3.

Nội lực trong giọng hát Lê Dung rất lớn, khiến nhạc sĩ Phú Quang phải thốt lên: "Ngay từ những ngày đầu tiên anh em chúng tôi hợp tác làm âm nhạc với nhau, tôi đã nhận xét: Vấn đề lớn nhất đối với giọng hát của em khi trình bày bất kỳ một ca khúc nào không phải chuyện thêm vào mà là bớt đi. Em giống như một người con gái đẹp đeo quá nhiều dây chuyền. Em phải bỏ bớt đi hoặc là em đeo lần lượt thì tốt hơn".

Dù vậy, Lê Dung rất ít khi phô diễn giọng hát. Trừ những aria cổ điển và ca khúc bán cổ điển đòi hỏi sự hùng tráng, dữ dội, bà thường chọn lối hát mềm mại, trữ tình để phát huy tối đa vẻ đẹp giọng hát được đào tạo theo chuẩn Bel Canto (trường phái hát đẹp của Opera Ý).

Lê Dung hát legato rất đẹp, mịn màng và trôi như một dòng suối. Các đoạn piano, pianissimo, mezza di voce được bà áp dụng vào câu hát một cách điêu luyện, thoải mái.

Khả năng điều khiển âm lượng của Lê Dung rất tốt, hát lúc to lúc nhỏ, lúc bùng cháy, lúc mềm mại, đem lại biết bao sắc thái cảm xúc trong một câu hát, diễn đạt trọn vẹn tinh thần, nội dung bài hát. Làn hơi của bà rất dài, cột hơi vững vàng, có thể chạy vibrato đều và tròn trịa đến bất tận.


Long Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét