Vào ngày 1/3 vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mở tiệc chiêu đãi chào mừng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thăm chính thức Việt Nam.
Tại đây, ngoài việc giới thiệu những tiết mục văn nghệ và âm nhạc truyền thống của dân tộc, chúng ta còn "thiết đãi" ông Kim Jong Un các ca khúc nhạc Trịnh, qua phần thể hiện của diva Hồng Nhung.
Vậy, tại sao giữa hàng trăm nhạc sĩ tài năng của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, chỉ mình nhạc Trịnh được chọn để "thiết đãi" ông Kim Jong Un trong một nghi thức ngoại giao mang đậm tính quốc gia, dân tộc và quốc tế?
Nhạc Trịnh, thứ nhạc bình dân cho mọi tầng lớp
Từng có nhiều ý kiến cho rằng, nhạc Trịnh là thứ nhạc được overrate, tức là được tôn vinh quá mức so với giá trị thực của nó.
Một số chuyên gia âm nhạc và những người am hiểu học thuật cho rằng, nhạc Trịnh có giai điệu, kết cấu đơn giản, lặp đi lặp lại trong vài vòng hòa thanh cơ bản, không biến chuyển, không mới mẻ.
Với họ, nhạc Trịnh quá sơ sài, bình dân và dễ nghe, dễ hát, không đủ sự đồ sộ về học thuật để tôn vinh. Họ còn nói, nhạc Trịnh "thua kém" nếu so với nhạc của Văn Cao, Phạm Duy, Vũ Thành An, Lam Phương…
Tuy nhiên, họ đã quên mất rằng, thành công của nhạc Trịnh nằm chính ở sự giản đơn, bình dân của nó.
Bản thân Trịnh Công Sơn không thuộc tuýp nhạc sĩ được đào tạo bài bản để sáng tác trong thính phòng hay nhà hát, cho những người thiên về cảm thụ. Ông xuất thân là một nhạc sĩ du mục, nay đây mai đó chốn giang hồ. Cả gia sản của ông chỉ có một cây guitar mang theo và sáng tác một cách tùy hứng như là "móc túi là có chữ đầy ắp để viết".
Bởi vậy, nhạc Trịnh cũng là nhạc du mục, thứ nhạc bình dân cho tất cả quần chúng, kể cả những tầng lớp thấp kém, bị "nguyền rủa" trong xã hội.
Lối sáng tác và lưu truyền âm nhạc của Trịnh Công Sơn giống với trào lưu nhạc Folk của những nghệ sĩ du mục Hippes những năm 50, 60 bên trời Tây. Những nghệ sĩ kiểu này thường ít chú trọng học thuật, không sáng tác các ca khúc phức tạp, lắt léo, đòi hỏi hòa thanh, phối khí cao cấp.
Có thể kể đến một số tên tuổi lớn đại diện cho lối nhạc này như Bob Dylan, Sandy Denny, Joan Baez…
Nhạc của họ được thiết kế đơn giản, dễ hát, dễ nghe để dễ tiếp cận quần chúng. Họ muốn tất cả quần chúng dù ở tầng lớp nào, xã hội nào cũng đều nghe và hát được nhạc của họ một cách dễ dàng.
Và đó là phương thức lưu truyền tốt nhất cho âm nhạc của họ, chứ không phải trên giấy tờ hay nhạc cụ. Tất nhiên, đơn giản nhưng vẫn có tính giá trị, sâu sắc về ca từ, giai điệu, chứ không hề hỗn tạp, nông cạn.
Có như vậy, âm nhạc của họ mới đi sâu vào đám đông, tạo nên tính thế hệ, tính văn hóa và tính khuấy động. Những ca khúc của họ không đơn thuần là nhạc, mà còn là văn hóa, là xã hội, là tiếng nói của quần chúng.
Trịnh Công Sơn cũng vậy, ông không cần sân khấu lớn hay những nhà hát sang trọng. Ông chọn cho mình những quán hát nhỏ ai cũng vào được, hay đơn giản chỉ là một bãi đất trống, nơi khán giả ngồi bệt nghe ca sĩ hát.
Nhạc Trịnh không đòi hỏi phải có cả một dàn nhạc đồ sộ phía sau, mà chỉ cần độc một chiếc guitar cùng một giọng hát chính (không cần hát bè) là đủ.
Mục đích sáng tác của Trịnh Công Sơn không phải để lưu danh sử sách hay tạo ra những ca khúc kinh điển, hào nhoáng. Ông chỉ đơn giản sáng tác vì cuộc sống, vì cộng đồng để nói lên tiếng nói của nhân loại.
Bởi vậy, nhạc Trịnh không quá phức tạp để ai cũng hát được, nhưng cũng đủ sâu sắc để càng nghe càng thấm và chiêm nghiệm được nhiều thứ đằng sau nó. Trịnh Công Sơn từng nói với Hồng Nhung rằng, ông hạnh phúc khi nhạc của mình được mọi người hát lên, nên ai hát ông cũng thấy hay.
Trên thực tế, người Việt ai cũng nghe được nhạc Trịnh, dù ở bất cứ độ tuổi, tầng lớp nào. Nó bao trùm và phủ sóng khắp đời sống của người Việt ở mọi lĩnh vực. Nhưng càng nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm sống, người ta lại càng hiểu nhạc Trịnh ở một chiều sâu hơn.
Mặt khác, sự bình lặng, ít cao trào, khúc khuỷu trong giai điệu nhạc Trịnh phù hợp với tinh thần tĩnh tâm, thiền tịnh của Phật Giáo, thứ tôn giáo không chỉ riêng Trịnh, mà phần lớn người Việt đang học theo.
Nói cách khác, giai điệu nhạc Trịnh mang đậm tính bình yên, tĩnh tại và ru hồn người vào cõi thiền, không kích động những cảm xúc tiêu cực trong người nghe.
Hơn nữa, việc viết nhạc theo điệu Blues giúp Trịnh Công Sơn khai thác được tính "da vàng" trong âm nhạc của mình.
Bởi vậy, việc chọn nhạc Trịnh "thiết đãi" ông Kim Jong Un đã thể hiện tinh thần của người Việt, không cầu kì, phức tạp mà chân thành, mộc mạc, gắn kết, hiền hòa, yêu sự bình yên. Tinh thần này hợp với không khí của Hội nghị Thượng đỉnh.
Những khúc ca của hòa bình
Ai cũng biết nhạc Trịnh là nhạc phản chiến, nhưng bản thân Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đặt nặng tính chính trị lên âm nhạc của mình. Ông sáng tác theo trái tim và khát vọng của mình.
Bởi vậy, dù là nhạc phản chiến, nhưng nhạc Trịnh không hề quá gai góc, mà vẫn giữ được sự nhẹ nhàng vốn có, đủ để đi sâu vào lòng người, đúng như nhà văn Nhật Tiến từng phát biểu:
"Nói về tác phẩm văn nghệ mà ảnh hưởng rõ nét nhất, tôi nghĩ có lẽ mình chỉ có nhạc Trịnh Công Sơn, nó gây cái tâm lý phản chiến. Còn tác phẩm văn thơ của chúng ta nó chỉ bàng bạc thôi". Anh còn khẳng định : "nó đi thẳng vào đời sống". Nhà văn Hoàng Khởi Phong vùa vào: "Riêng với nhạc Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ có đi thẳng vào lòng người.
Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả làm theo mệnh lệnh của con tim mình.
Trái tim nhân ái, nhạy cảm, chỉ biết nói lên những cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương, dân tộc, dù thiếu vắng một thái độ chính trị, nhưng trung thực. Nghĩa là tự đáy lòng mình thì mình nói".
Ở những ca khúc tố cáo chiến tranh, kêu gọi hoà bình của Trịnh Công Sơn còn là khát vọng thống nhất đất nước, tình tự dân tộc, tình yêu nhân loại, niềm tin vào cuộc đời, tình người và hạnh phúc lứa đôi.
Những tình cảm này đan quyện vào nhau. Hơn nữa, nhờ tính quần chúng cao độ nên một số nhạc tình thuần tuý, nội dung không quan hệ gì đến chiến tranh, khi nghe trong đám đông, cũng tạo nên một cảm giác thời thế, từ một thời phản chiến. Đó là giá trị của tính giản đơn, chân thành trong nhạc Trịnh.
Tinh thần yêu chuộng, đấu tranh vì hòa bình chung và màu sắc bình an, yên lành của nhạc Trịnh Công Sơn là điều cần được đề cao trong giai đoạn hiện nay. Đó là lí do vì sao, nhạc Trịnh cần được đem ra giới thiệu với bạn bè thế giới.
Long Phạm |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét