Thời gian qua, Nguyễn Trọng Tài và ban nhạc The 20th Century – XX đã gây bão cộng đồng mạng với đoạn clip ghi lại cảnh anh hát ca khúc HongKong 1do mình tự sáng tác, trong cơn say bí tỉ. Đoạn clip lập tức đạt hơn 2 triệu view trên trang Facebook chia sẻ đầu tiên.
Tới đêm 12/10, Tài và ban nhạc đã tung ra MV chính thức cho HongKong 1 trên Youtube và nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Chỉ sau hơn chục giờ lên sóng, MV đã gần đạt tới nửa triệu view. Tốc độ tăng trường này được đánh giá ngang ngửa với bất cứ ca sĩ hàng đầu nào của Vpop hiện nay.
MV HongKong 1
Với cái tên lạ lùng, chất nhạc mới mẻ và phong cách dựng MV khác biệt của mình, HongKong1 đã từ một bài hát vu vơ trong cơn say trở thành hiện tượng gây bão cộng đồng nghe nhạc. Nhìn một cách xa hơn, đây không chỉ là một bài hát, mà đang dần tạo thành cả một xu hướng trong nhạc Việt thời gian tới, sau Bolero và Hà Anh Tuấn.
Vì sao Bolero và Hà Anh Tuấn lên ngôi?
Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung là tấm gương phản ánh xã hội. Nói cách khác, hiện thực xã hội thế nào thì âm nhạc và nghệ thuật cũng chịu tác động để chuyển mình như thế.
Có thể thấy những trường hợp tiêu biểu như nhạc phản chiến, nhạc hiện sinh, nhạc vàng, nhạc đỏ… tại Việt Nam trong thập niên 60, 70.
Vào cuối thập niên 90, đầu những năm 2000, Việt Nam vẫn đang sống trong dư âm bao cấp, chưa thực sự bước vào hội nhập. Bởi vậy, đời sống con người phần nhiều vẫn bình lặng, ít vồn vã, xô bồ.
Khi ấy, nhạc Việt vẫn còn giản đơn, thuần Pop và tồn tại một bộ phận không nhỏ nhạc ngoại phổ lời Việt một cách sướt mướt.
Vì thế, những nhân tố mới như Hà Trần, Tùng Dương… dễ dàng được chú ý, yêu thích vì sự dấn thân thể nghiệm những chất liệu âm thanh mới, phức tạp và đa chiều, nhiều tầng nghĩa.
Chất nhạc của họ mang tính dự báo cho sự chuyển mình trong nhạc Việt, theo chiều hiện đại, điện tử.
Nhưng sau đó, không khí hội nhập đã dẫn tới sự nở rộ của các dòng nhạc, xu hướng nhạc hiện đại.
Việc du nhập Kpop, EDM và sự nở rộ của giới Underground đã khiến nhạc Việt trở nên đa dạng, nhiều màu sắc, loại thể hơn. Giới nghệ sĩ ngày nay cũng phát triển phong phú, đa phong cách hơn, không thuần nhất như trước đây.
Cùng với đó là sự bộn bề, phức tạp ngày càng gia tăng trong cuộc sống công nghiệp thị trường đầy khói bụi, bon chen.
Bởi vậy, tâm lí và xu hướng của công chúng là tìm về những thứ mộc mạc, giản dị để giải tỏa căng thẳng và xoa dịu đầu óc.
Sau những giờ làm việc mệt mỏi, khán giả ít có hứng thú tìm đến những loại hình thưởng thức phức tạp, nhiều chiều sâu, đòi hỏi họ phải suy nghĩ thêm. Đó là lí do vì sao Vintage và Bolero lên ngôi.
Bolero lôi cuốn công chúng bởi sự giản đơn, dễ nghe, dễ thấm và độ mùi mẫn, hơi sến của nó. Âm hưởng quê hương, dân tộc của Bolero dễ dàng "ru" người nghe quên đi hiện tại xô bồ.
Về phía Hà Anh Tuấn, nắm bắt được dòng tâm lí thưởng thức này, anh đã mau chóng thực hiện loạt chương trình See Sing Share, lấy Acoustic và hát mộc làm chủ đạo.
Âm hưởng chung của See Sing Share là lãng mạn, dịu nhẹ, với bộ phối mềm, giai điệu không quá dồn dập, cầu kì, như một li cocktail ngọt dành cho phụ nữ.
Chưa kể, nó còn được thực hiện ở những không gian mang tính thư giãn cao như quán cà phê mộc theo kiểu Vintage, sân khấu ngoài trời (trên Đà Lạt), với sự hiện hữu cao của thiên nhiên…
Trong đó, Hà Anh Tuấn xuất hiện dưới hình tượng lãng tử, không cầu kì, màu mè nhưng mang tính cổ điển, giống với các nghệ sĩ ngày xưa, từ mái tóc tới chiếc áo măng tô dài.
Tất cả các nhân tố trên đã đánh trúng thị hiếu khán giả đương đại, khiến họ dễ dàng xiêu lòng. Đặc biệt với khán giả nữ, họ mê mẩn trước hình tượng soái ca cổ điển hát nhạc trữ tình, theo một kiểu cách rất phiêu lãng, ngẫu hứng.
Không những vậy, Hà Anh Tuấn còn khôn ngoan hơn khi cover lại hàng loạt bài hit thanh xuân từ cuối thập niên 90, đầu 2000. Đặc điểm chung của những ca khúc này là dễ nghe, dễ thấm, chủ yếu là giai điệu Ballad với tiết tấu ít phức tạp nên khiến khán giả bị mê hoặc.
Những yếu tố trên đã tạo nên thành công của Hà Anh Tuấn trong năm 2017, khiến anh trở thành hiện tượng âm nhạc đặc biệt.
Sau Bolero và Hà Anh Tuấn, HongKong 1 sẽ dẫn đầu cơn sốt mới mang hơi thở Trương Quốc Vinh
Từ cuối 2017, khi được hỏi về xu hướng nào sẽ lên ngôi trong 2018, nhạc sĩ Giáng Son đã trả lời: "Tôi nghĩ là Underground".
Giáng Son nói không sai, 2018 dường như là thời kì nở rộ thành công của những nghệ sĩ Underground như Ngọt, Thái Vũ, Lộn Xộn Band… Từ giới nghệ sĩ đứng sau hậu trường, họ đã được biết đến rộng rãi, lên sóng khắp các phương tiện truyền thông đại chúng.
Cùng với điều đó, Bolero bắt đầu đi xuống. Trong năm nay, chưa có một hiện tượng hay ca khúc Bolero nổi bật nào ra đời. Đến Đàm Vĩnh Hưng vốn từng thành công với Bolero cũng chia sẻ: "Dòng nhạc Bolero hiện nay đã được khai thác quá nhiều rồi, không còn gì mới nữa.
Bolero sẽ chỉ thăng hoa khoảng 3 năm nữa thôi, rồi sẽ ngủ đông từ từ để bùng nổ vào một thời điểm khác".
Underground thành công vì nó đề cao sự tự do, phóng khoáng, nghịch và bất quy tắc. Đây là điều mà công chúng (đặc biệt là giới trẻ) cần trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa có ca khúc Underground nào thực sự trở thành hiện tượng vào tạo được xu hướng, cho tới khi HongKong 1 ra đời.
Theo Nguyễn Trọng Tài chia sẻ, HongKong 1 là điển hình của dòng nhạc Lofi (Low fidelity – tức là một bài hát được tạo nên từ những âm thanh chất lượng thấp, ít chau chuốt).
Lofi có nhịp điệu chậm rãi, mang hơi hướm của Jazz và Soul. Sự thô mộc, ít chải chuốt của Lofi khiến nó trở nên gần gũi, chân thành và dễ bộc bạch nhất.
Với người nghe, họ cảm nhận được ca sĩ không hát, mà đang tâm sự, giãi bày câu chuyện, cảm xúc của mình theo giai điệu. Nhờ đó, người nghe sẽ dễ dàng đồng cảm tâm trạng của mình cùng âm nhạc.
Với chất nhạc chậm rãi, "lừ đừ" như vậy, phần ca từ của Lofi (điển hình là HongKong 1) thường hướng vào nội tâm con người, để giãi bày những cảm giác, tâm sự mà ai cũng gặp, ai cũng có.
Trong giai đoạn công nghệ số xô bồ, gấp gáp với guồng quay của công việc hiện nay, Lofi được dự đoán sẽ trở thành dòng nhạc được ưa chuộng thời gian tới. Nó giúp người nghe được thư thái, lắng động tâm hồn sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Mặt khác, Lofi (hay HongKong 1) cũng giống một loại chất gây nghiện, tạo ảo giác lơ thơ, lững lờ, thậm chí bất cần với người nghe. Nó khiến họ rơi vào một không gian, thực tại khác, trong ảo mộng, hư vô.
Thứ ảo giác âm nhạc này vô hình chung lại hợp với thị hiếu, nhu cầu của giới trẻ ngày nay, gắn với những không gian như quán bar, quán cà phê Vintage…
Giờ đây, thay vì nghe EDM sôi nổi, một bộ phận giới trẻ lại tìm đến Lofi trong những buổi gặp mặt tại quán xá, bên rượu say.
Về phần MV của HongKong 1, Nguyễn Trọng Tài đã khá khôn ngoan khi sử dụng những thước phim mang âm hưởng Hong Kong những năm 90, với màu điện ảnh giả lập như trong những bộ phim của Vương Gia Vệ.
Không những thế, bối cảnh sử dụng để quay MV cũng được set up với không gian, đạo cụ mang tính Vintage đúng chất HongKong hoài niệm.
MV khiến người xem như đang thưởng thức một bộ phim HongKong của Trương Vệ Kiện, còn các nhân vật trong MV cũng gợi hình ảnh về Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc…
Bản thân Nguyễn Trọng Tài trong MV cũng để kiểu tóc rẽ ngôi bồng bềnh lãng tử của Trương Quốc Vinh. Không rõ anh có ý đồ hóa thân làm Trương Quốc Vinh hay không, nhưng hình ảnh này dễ dàng gợi nên một nỗi buồn man mác đầy hoài niệm xa xôi, tách rời hiện tại.
Điều đáng nói là rất nhiều nhân vật trong phim HongKong giai đoạn thập niên 90 và bản thân Trương Quốc Vinh đã phải sống trong bế tắc, khắc khoải, vô định, dẫn đến những nỗi trầm cảm xa hoa. Trương Quốc Vinh tự sát cũng một phần vì nỗi trầm cảm ấy.
Bởi vậy, hình ảnh MV và chất nhạc của HongKong 1 dường như đang thấu hiểu và đồng cảm với hiện thực sống, tâm trạng u buồn của giới trẻ ngày nay (với tỷ lệ trầm cảm tăng vọt do áp lực cuộc sống).
Điều này lí giải sức hút lạ lùng của HongKong 1 và dự báo nó sẽ tạo nên cả một xu hướng trong thời gian tới.
Nói cách khác, cả HongKong 1 và Bolero, Hà Anh Tuấn đều thành công nhờ sự hoài niệm, khơi gợi quá khứ, nhằm đưa người nghe thoát khỏi hiện thực ồn ã, xô bồ của thực tại.
Tuy nhiên, nếu Bolero và Hà Anh Tuấn chọn cách hát lại nhạc cũ, ít sáng tạo thì Nguyễn Trọng Tài cùng HongKong 1 lại tạo ra sự khác biệt mới lạ khi chọn chất liệu là thể loại Lofi chậm rãi, lơ thơ, ảo mộng như làn khói thuốc.
Đi kèm với nó là bối cảnh hoài niệm, khắc khoải, lãng mạn của HongKong thập niên 90. Những yếu tố này đã khiến nó vụt sáng thành hiện tượng mới và dự báo được xu hướng thời gian tới.
Long Phạm |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét