Từ nỗi đau đến thành quả của kẻ tiên phong
Cách đây 3 năm, Hoàng Thùy Linh từng gây nhiều ý kiến trái chiều khi ra mắt MV Bánh trôi nước. Tại thời điểm đó, cách làm nhạc và MV của Hoàng Thùy Linh khá mới với thói quen tiếp nhận thưởng thức của công chúng Việt, khiến cô vấp phải nhiều chỉ trích, phủ nhận. Người ta gọi đó là "nỗi đau của kẻ tiên phong".
Trải qua gần 3 năm im hơi lặng tiếng, Hoàng Thùy Linh bất ngờ trở lại với album Hoàng trong năm 2019, gây tiếng vang rực rỡ và khiến công chúng cũng như giới showbiz phải "ngoái nhìn".
Cuộc trở lại này được đánh giá là "cú giậm chân trác tuyệt", đánh dấu một bước chuyển mình lớn trong sự nghiệp 10 năm của Hoàng Thùy Linh.
Sau chừng ấy năm, Hoàng Thùy Linh vẫn kiên định với con đường mình chọn, sử dụng World Music và chất liệu dân gian truyền thống trong văn hóa đương đại, nhưng lại thực hiện được cú lội ngược dòng khi chiếm cảm tình của đa số công chúng.
Để Mị nói cho mà nghe, MV đầu tiên trong dự án Hoàng đã nhanh chóng trở thành siêu phẩm âm nhạc, khi liên tục gây bão thị trường, đạt tới hơn 100 triệu views chỉ sau vài tháng và nhận được vô vàn phản hồi tích cực từ công chúng lẫn giới chuyên môn.
Không những vậy, Để Mị nói cho mà nghe còn tạo ra cả một trường xu hướng, với hàng loạt bản cover, meme, ảnh chế… Nó thực sự trở thành một mã văn hóa đại chúng trong thời hiện đại.
Thừa thắng xông lên, Hoàng Thùy Linh tiếp tục tung các MV tiếp theo như Tứ phủ, Duyên âm và cũng được đón nhận.
Nhờ những thành công liên tiếp này, Hoàng Thùy Linh đã đại thắng với 4 giải Cống Hiến, 6 giải Làn Sóng Xanh, 2 giải Mai Vàng. Đây là thành quả cho tài năng và sự tiên phong của Hoàng Thùy Linh.
Trong những tháng đầu 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến toàn thể showbiz bị đóng băng. Không ai dám liều mình hoạt động tại thời gian này.
MV Kẻ cắp gặp bà già của Hoàng Thùy Linh
Vậy nhưng, cách đây ít hôm, Hoàng Thùy Linh đã gây bất ngờ khi tung MV Kẻ cắp gặp bà già (một sản phẩm tiếp theo trong album Hoàng). Và một lần nữa, cô khiến công chúng và giới chuyên môn phải nể phục trước đẳng cấp khác biệt trong cá tính, sáng tạo của mình.
So với các MV trước của Hoàng Thùy Linh và nhiều nghệ sĩ khác, Kẻ cắp gặp bà già thực sự đạt tới một đẳng cấp khác biệt.
Xây dựng MV giả tưởng giữa văn hóa dân gian và nghệ thuật Tây phương – Chỉ duy nhất Hoàng Thùy Linh làm được
Ấn tượng đầu tiên mà ai cũng thấy khi xem MV Kẻ cắp gặp bà già là dấu ấn sắc nét của những điển tích, hình tượng văn hóa dân gian thuần Việt như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, thần thoại, truyện cổ tích, Truyện Kiều, đạo Mẫu…
Nhưng ít ai nhận thấy, cái tài của Hoàng Thùy Linh không chỉ nằm ở việc sử dụng văn hóa dân gian, mà còn kết hợp khéo léo với nhiều xu hướng âm nhạc đương đại trên thế giới.
Kẻ cắp gặp bà già khác hoàn toàn với những MV sử dụng văn hóa dân gian của các nghệ sĩ trước đây ở chỗ, nó không mang màu sắc cổ kính, cũ kĩ, hoài niệm thường thấy. Nói cách khác, Hoàng Thùy Linh không làm MV phục cổ hay MV tài liệu về văn hóa dân gian.
Thay vào đó, cô kết hợp văn hóa dân gian với chất liệu, màu sắc, tạo hình, mỹ thuật của những xu hướng nghệ thuật đương đại Tây phương.
Tổng thể Kẻ cắp gặp bà già được xây dựng theo dạng thức Fantastical Music Video (tạm gọi là MV giả tưởng, viễn tưởng) mang dấu ấn "Futuristic" (vị lai), một loại hình MV được ưa chuộng trên thế giới trong thời hậu hiện đại, với các nghệ sĩ lớn như Bjork, Lady Gaga, Spice Girls, Madonna, Aqua, Backstreet Boys...
Có thể thấy đôi nét tương đồng giữa Kẻ cắp gặp bà già và MV Utopia của bậc thầy Indie Bjork.
Loại hình Fantastical Music Video vốn đã được một số nghệ sĩ thực hiện trước đây như Hồng Nhung, Bích Phương, Tóc Tiên… Nhưng chưa ai kết hợp được chất Futuristic với văn hóa dân gian thuần Việt như Hoàng Thùy Linh.
Ở loại hình MV này, Hoàng Thùy Linh sử dụng những mảng màu sắc, ánh sáng, tạo hình, bối cảnh, mỹ thuật mang nhiều dấu ấn của nghệ thuật đại chúng Tây phương như Pop Art, Punk Rock, Futurisme (chủ nghĩa vị lai), Nouvelle Figuration, Futuristic Style.
Chúng được thể hiện qua trang phục, màu tóc, móng tay, miếng trầu têm cánh phượng, nồi cơm điện in hoa văn bát hương… Tất cả đều nhất quán ở dấu ấn "Futuristic" (vị lai).
Chẳng hạn, Hoàng Thùy Linh sử dụng những trang phục mang tính lịch sử từ thời Lê sơ, nhưng lại thiết kế cách tân, phối nhiều màu sắc sinh động, hay in tranh dân gian lên trang phục (một phong cách thường thấy ở dòng thời trang Futuristic Style). Điều này tạo nên một cảm hứng tươi mới, không nặng nề.
Ngược lại, ở trang phục của Mẫu Thượng Ngàn, cô lại tối giản về họa tiết, màu sắc, tạo nên nét thanh thoát.
Chất trào phúng, tấn phong và hạ bệ (thủ pháp của nghệ thuật phương Tây) được Hoàng Thùy Linh sử dụng triệt để trong MV Kẻ cắp gặp bà già, khi cô tự tay bẻ vỡ những điển tích, điển cố để thể hiện nội dung, hàm ý riêng của mình.
Chẳng hạn, chi tiết Chức Nữ đợi Ngưu Lang suốt một năm trời nhưng lại bị tình nhân phản bội thể hiện một góc nhìn mới của Hoàng Thùy Linh về tình yêu thời hiện đại. Theo đó, phụ nữ không cần sống chết ở với một người đàn ông bội bạc chỉ vì định kiến xã hội. Hãy mạnh dạn tung cánh bay đi tìm tình yêu tốt hơn cho mình.
Hay, chi tiết cô dâu Chuột gài bẫy vua Mèo thể hiện sự vùng dậy của phụ nữ trong cuộc đấu tranh nhân quyền, nữ quyền. Nếu bức tranh dân gian Đám cưới chuột chỉ phản ánh hiện thực bất công giai cấp trong xã hội thì Hoàng Thùy Linh đã viết thêm một trang mới là sự vùng lên của con người.
Bản thân Hoàng Thùy Linh không cố tỏ ra huyền bí, ma mị theo lối phục cổ truyền thống, mà diễn với những biểu cảm sinh động, đậm chất trào phúng, ngụ ngôn (một nét châm biếm thường thấy ở nghệ thuật đại chúng Tây phương). Việc cô mời Hậu Hoàng (nhân vật châm biếm đang hot trên mạng xã hội) vào đóng MV cũng nằm trong ý đồ này.
Cách bài trí, lồng ghép phông chữ, màu sắc, bối cảnh trong MV cũng đậm chất hài hước, trào phúng, chứ không hề gồng gánh để tỏ ra quyền lực, liêu trai như người ta thường làm với đạo Mẫu, văn hóa dân gian.
Việc kết hợp giữa văn hóa dân gian thuần Việt và nghệ thuật đại chúng Tây phương trong thổng thể Fantastical Music Video đậm nét "Futuristic" (vị lai) đã giúp Kẻ cắp gặp bà già trở nên mới lạ, độc đáo, vừa hiện đại, bắt trend, bắt mắt, lại vừa sâu sắc, giàu giá trị nội dung.
Đây là điều chỉ duy nhất Hoàng Thùy Linh làm được tính đến thời điểm hiện tại. Nó thể hiện một sự cách tân mới trong nghệ thuật, mở ra hướng đi khá hấp dẫn cho các thế hệ ca sĩ tiếp theo.
Những khai phá độc đáo, tiên phong về nữ quyền từ đạo Mẫu
Trong các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, chỉ duy nhất đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa thuần Việt của cha ông ta từng hàng trăm năm trước. Nó chứa đựng trong mình những bản sắc văn hóa, bức tranh lịch sử đầy vẻ vang của dân tộc.
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm viết trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, đất nước ta là một điển hình của văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước.
Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào trời đất, đặc biệt là mưa và thủy lợi. Chưa kể, nước ta là nước có bờ biển dài, nên càng phải dựa vào sông biển để phát triển nghề chài lưới. Bởi vậy, nền văn hóa của chúng ta là văn hóa trọng âm, tức trọng đất, trọng nước hơn trọng mây, trọng trời; trọng mẫu hơn trọng phụ.
Từ đó, cha ông ta sinh ra đạo Mẫu, thờ Mẫu đứng đầu để hàm ý về sự sinh sôi, nảy nở. Điều đó cho thấy, văn hóa bản địa của người Việt vốn trọng nữ giới, trọng giống cái. Bởi vậy mới có chuyện những gì lớn, đứng đầu thường gắn với từ "cái" như ngón cái, đường cái, đũa cái…
Nói cách khác, đạo Mẫu của người Việt từ thưở sơ khai đã mang đậm chất nữ quyền (thờ người đứng đầu là phụ nữ). Hoàng Thùy Linh vì hiểu được điều này nên đã mượn đạo Mẫu để thể hiện tinh thần nữ quyền trong âm nhạc của mình, điển hình qua MV Kẻ cắp gặp bà già.
Ở cuối MV là cảnh Hoàng Thùy Linh hóa thân làm Mẫu Thượng Ngàn. Cô ngồi chính giữa một cách đầy quyền lực, xung quanh là mây trời, rồng rắn, muôn loài tụ họp.
Hình ảnh các vũ công cuộn tròn vào nhau vẽ nên biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở đến từ giống cái (chính là hình ảnh trăm trứng trong văn hóa dân gian).
Nó khẳng định một lần nữa giá trị và vai trò quan trọng của người phụ nữ trong xã hội, giống như câu hát của nhạc sĩ Sa Huỳnh mà Tùng Dương từng hát: "Đàn ông mang thai cuộc đời, đàn bà mang thai đàn ông".
Việc hô hào nữ quyền không mới trong âm nhạc, nhưng Hoàng Thùy Linh lại là người đầu tiên khai thác chính văn hóa bản địa của người Việt trong đạo Mẫu để tìm ra chất nữ quyền và phát triển vào nhạc Việt. Đây là nét tiên phong khiến cô nổi bật trong thị trường âm nhạc.
Nhưng tâm lý học nữ giới đã chỉ ra, dù quyền lực thế nào thì người phụ nữ vẫn cần có tình yêu. Đó cũng chính là quan điểm nhất quán được Hoàng Thùy Linh thể hiện qua đoạn cuối MV. Sau khi chiến thắng đức vua, cô vẫn chấp nhận dựa vào chàng.
Hoàng Thùy Linh nói: "Người phụ nữ có mạnh mẽ đến mấy, cũng là để được ở cạnh người họ thương".
Có thể thấy, quan điểm về nữ quyền của Hoàng Thùy Linh không cực đoan, cứng nhắc mà rất mềm mại, đánh trúng tâm lý nữ giới, nói lên tiếng lòng người phụ nữ.
Đối với Hoàng Thùy Linh, mọi đấu tranh chỉ để giành lấy hạnh phúc, còn bản thân người phụ nữ vẫn luôn cần một bờ vai bên cạnh. Đó cũng là chân lý tình yêu được đúc kết qua MV.
Tiến bộ về giọng hát
Hoàng Thùy Linh chưa bao giờ được đánh giá cao về giọng hát. Tuy nhiên, trong ca khúc Kẻ cắp gặp bà già, cô đã thể hiện được sự phấn đấu, nỗ lực của mình về thanh nhạc.
Cụ thể, nếu so với Bánh trôi nước cách đây 3 năm, Hoàng Thùy Linh đã hát rõ lời hơn. Giọng hát của cô cũng sáng và bay hơn, nhả chữ ma mị và hơi hướm chầu văn.
Đối với một ca sĩ thiên về tư duy, làm nhạc, làm MV và trình diễn, khán giả thường không yêu cầu khắt khe về giọng hát, kỹ thuật. Nhưng dẫu sao, Hoàng Thùy Linh cũng cần cố gắng nhiều hơn để hoàn thiện giọng hát của mình. Từ đó vươn đến một đẳng cấp cao hơn.
Tất nhiên, trong MV Kẻ cắp gặp bà già vẫn có những thiếu sót về trang phục, quảng cáo lộ liễu, một số góc quay chưa đẹp và hậu kỳ chưa thực sự kỹ càng. Nhưng xét trên tổng thể, nó vẫn là một MV xuất sắc trong thời điểm hiện tại.
Long Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét