Vừa qua, tại chương trình The Jimmy Show, danh ca Khánh Ly đã kể lại về lần gặp gỡ đầu tiên giữa mình và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đi hát cùng ông.
Trịnh Công Sơn đẹp trai, nho nhã, dịu dàng, nhìn là tôi có cảm tình, nhưng không phải tà ý hay phải lòng
Tôi đi hát ở cả Đà Lạt và Sài Gòn. Tới năm 1967, tôi hát với ông Trịnh Công Sơn thì mới được người ta biết tới. Bài đầu tiên tôi thu âm là Còn tuổi nào cho em.
Cơ duyên khiến tôi gặp được ông Trịnh Công Sơn khá dài. Như đã nói, tôi từng sống tại Đà Lạt 5 năm, hát cho một Night Club và ở cùng các chị vũ nữ, được dân giang hồ bảo vệ.
Sau khi Night Club đó đóng cửa, bà chủ chuyển sang một địa điểm khác và tôi cũng đi theo. Tại đây, bà chủ mướn thêm một tiệm chụp làm nơi ở cho các chị vũ nữ. Đó là nơi đầu tiên tôi gặp ông Trịnh Công Sơn, vào khoảng đầu năm 1965.
Ông Trịnh Công Sơn ngày đó đẹp trai lắm, ở ngoài đẹp trai hơn trong hình nhiều. Ông còn nho nhã, dịu dàng, phong cách, nhìn một cái là có cảm tình, tin cậy được.
Nhưng đó là sự tin cậy trong sáng, chứ không phải có tà ý hay phải lòng gì. Đến tận sau này cũng không có chuyện tôi phải lòng ông Trịnh Công Sơn.
Ông Trịnh Công Sơn không phải người đầu tiên kêu tôi về Sài Gòn hát. Trước đó, có một thiếu tá đã từng bảo tôi về Sài Gòn.
Ông ấy từng nghe tôi hát ở một phòng trà cách đó vài năm, từ thời tôi còn là một con bé và rất thích. Ông ấy còn bảo tôi cứ giữ nguyên chất hát đó, làm gì thì làm nhưng phải giữ được nụ cười.
Để kêu tôi về Sài Gòn, ông ấy còn bảo ở Sài Gòn có cô Lệ Thu hát hay lắm. Nghe thấy tên Lệ Thu, tôi nhớ ra đây là người từng hát với mình hồi trước. Tôi quyết định không về.
Sau khi tôi gặp ông Trịnh Công Sơn, một lần nữa tôi lại được kêu về Sài Gòn, nhưng vẫn từ chối. Tôi bảo ông: "Em ở Đà Lạt yên ổn rồi, làm đủ tiền để sống và chỉ muốn như thế thôi, không muốn nhiều tiền hơn và cũng không nghĩ sẽ được ai biết đến".
Trịnh Công Sơn giận tôi lắm!
Tôi sinh hoạt với ông Trịnh Công Sơn trong khoảng 1 năm tại Đà Lạt thì ông đi mất tiêu. Tôi không tìm mà cũng không biết ông ở đâu. Tôi chỉ coi cuộc gặp gỡ đó là tình cờ, không níu kéo.
Đến năm 1967, tôi rời Đà Lạt, ra Nha Trang hát rồi về lại Sài Gòn, ở cùng bà nội. Một buổi chiều nọ, tôi đi dạo ở đường Lê Thánh Tông thì nghe có tiếng gọi "Mai, Mai!".
Tôi quay lại thì thấy một bầy con trai ngồi bên kia đường, trong đó có ông Trịnh Công Sơn. Tôi tình cờ gặp lại ông Trịnh Công Sơn như vậy.
Ông Trịnh Công Sơn lúc đó gọi tôi lại và bảo: "Mai, tới đây hát đi!". Lúc đó tôi chưa được ai mời đi hát, nên nghe ông Trịnh Công Sơn bảo vậy vui lắm. Anh kêu hát thì mình đi hát thôi.
Tôi chẳng biết mình hát cho ai, có tiền không, cứ nghe bảo là đồng ý đã. Đêm hát đầu tiên của tôi là năm 1967, trên sân cỏ của trường đại học Văn khoa. Tại đó, cỏ đá lởm chởm, ai đến thì ngồi xuống nghe, mỗi người một chỗ.
Tôi vừa đến nơi thì choáng ngợp vì quá đông người, khiến tôi sợ hãi. Chưa bao giờ tôi thấy đông người đến thế. Cái sợ đó đeo đuổi tôi tới tận bây giờ. Bây giờ, cứ mỗi lần ra sân khấu, tôi vẫn run và sợ như thường.
Lúc đó, vì run quá nên tôi quyết định bỏ giày ra để đứng cho đỡ chông chênh. Tôi nhớ về thời còn đi chân đất chạy lông nhông ở Đà Lạt để lấy lại bình tĩnh. Đó là hành động tình cờ, chứ không phải chủ đích của tôi là bỏ giày. Tôi đâu dám nghĩ chuyện làm dáng, làm màu, chỉ tìm cách để hát được thôi.
Tôi nhớ, lúc đó tôi còn không biết nhạc, không thuộc lời, hát trật lên trật xuống. Tôi sợ quá nên vịn vai ông Trịnh Công Sơn thì ông hất tay tôi ra nói: "Đứng hát cho đàng hoàng".
Còn một câu chuyện thế này, trước lúc đó tôi giận gia đình nên cắt tóc. Tôi cắt xong, ông Trịnh Công Sơn giận lắm, cứ gặp tôi là né. Tôi hỏi sao anh không gặp em thì ông nói: "Anh không muốn gặp người điên".
Ông Trịnh Công Sơn rất quý những người nào tóc dài, mặc áo dài. Nhưng lỡ cắt tóc rồi thì ông cũng phải chịu, chứ chẳng lẽ đuổi mình đi.
Từ lần hát tại đại học Văn khoa đó, tôi bắt đầu được mọi người chú ý đến nhiều hơn.
Tôi phải nói ra điều này để giải oan cho ông Ngọc Chánh
Sau đó, tôi tham gia làm quản lý tại phòng trà Queen Bee (phòng trà lớn nhất khi đó). Tôi quen danh ca Ngọc Minh nên kêu về hát ở phòng trà Queen Bee, rồi tiếp tục mời cô Thái Thanh về.
Tới năm 1969, tôi đi qua Pháp cùng Thanh Lan, Phương Oanh, Ngọc Dung để biểu diễn. Ông chủ phòng trà gọi điện sang nói hợp đồng tôi đã hết, hỏi có ký tiếp không.
Tôi quyết định không ký tiếp hợp đồng vì nếu cứ đi làm ăn như thế thì chẳng còn tâm trí nào ca hát. Tối ngày tôi phải đi chạy tiền, lo tiền trả cho nhân viên, ban nhạc, ca sĩ, nhạc sĩ..., không thể hát được. Tôi chỉ được chọn một trong hai nên quyết định từ bỏ công việc quản lý để đi hát.
Sau đó, nhạc sĩ Ngọc Chánh thay tôi làm quản lý phòng trà Queen Bee. Người ta thấy thế mới đồn ông Ngọc Chánh hất cẳng Khánh Ly để lấy việc. Tôi phải nói ra điều này để giải oan cho ông Ngọc Chánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét