Tại chương trình Jimmy Show, danh ca Khánh Ly đã nghẹn ngào tới suýt khóc khi tâm sự về tuổi thơ, quá khứ đầy khó khăn, mất mát của mình.
Tự nhiên cái buồn đó vận vào sự nghiệp, cuộc đời tôi
Ngày đó, mẹ tôi đẹp lắm, chỉ tiếc là tôi chẳng được thừa hưởng cái gì từ mẹ. Tôi không được đẹp, cũng không tài giỏi như mẹ mình. Tôi giống bố nhiều hơn. Tính tôi rất đàn ông. Nhưng dù sao, hình hài này cũng là bố mẹ cho tôi, dù xấu hay đẹp cũng xin tạ ơn.
Tôi không hiểu bố mình làm cái gì, chỉ biết ông là người rất thương con. Nhà tôi có 4 anh chị em, bà chị cả đã mất sau khi sinh vài tháng nên còn ba người. Tôi là út nên được bố thương nhiều hơn.
Bố tôi thường gọi tôi là "hòn ngọc đen của bố", tức là tôi đã đen từ nhỏ, không phải sau này mới đen. Bố tôi mẩt sớm, nên dù lúc đó còn nhỏ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của ông.
Tôi nhớ, những năm tháng loạn lạc, dù mới 3 tuổi, tôi đã phải theo bố chạy khắp nơi, từ thành phố vào trong rừng, suốt mấy năm trời. Tôi được người ta gánh trên hai cái gánh, cứ đi như thế qua rừng, qua núi, qua suối.
Trong thời gian đó, cứ mỗi sáng, bố tôi lại chạy vào trại gà, lấy trứng gà mới đẻ chọc thủng hai đầu cho tôi hút. Ông còn mua cho tôi từng cái kẹo bột ở những làng xóm chúng đi qua rồi đàn hát cho tôi nghe. Bài đầu tiên tôi nghe ông hát là bài Chiều vàng.
Từ những ngày tháng đó, âm nhạc trong tiếng hát của bố đã gây tượng mạnh với tôi, đi theo tôi suốt cuộc đời.
Có thể nói, tôi yêu nhạc từ nhỏ. Trong thời gian loạn lạc, tôi đâu được mẹ hát ru. Chỉ có bố tôi hát cho tôi nghe, nhưng lại là những bài quá buồn, mang theo tâm sự của ông. Tự nhiên cái buồn đó vận vào sự nghiệp, cuộc đời tôi.
Bố tôi mất sớm, khi mới chỉ 36 tuổi. Với một đời người, tuổi 36 là quá trẻ để mất đi, chưa kịp làm gì đã phải ra đi. Chính vì thế, tôi nhớ về bố nhiều và đặt tất cả tình yêu vào ông. Tôi mơ ước tìm được một người có thể thay thế bố mình.
Mãi đến sau này, khi gặp được Trịnh Công Sơn, ông ấy mang theo hình ảnh một người cha, khiến tôi yêu mến vô cùng.
Trịnh Công Sơn với tôi là bạn, là anh em, là cha con. Điều này thật may mắn, vì nếu là tình nhân thì sẽ không giữ được lâu dài.
Bố tôi vẫn là một ẩn số với chính tôi
Sau những ngày tháng lăn lộn rừng núi, mẹ tôi đưa tôi và anh chị về lại Hà Nội, ở với bà nội số nhà 106 phố Hàng Bông. Một buổi chiều, mẹ đeo kính đen, tới nhà nói với chúng tôi: "Bố các con chết rồi".
Tôi chỉ biết đến như thế thôi. Cho đến sau này, tôi vẫn tiếc mãi vì đã không hỏi mẹ về bố nhiều hơn, xem bố là ai, bố làm gì mà phải vất vả như thế. Tôi không dám hỏi, mà mẹ lại không chịu nói. Bố tôi vẫn là một ẩn số với chính tôi. Tôi không biết vì sao bố mình lại chết.
Cái chết của bố khiến tôi buồn mẹ, giận mẹ. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu người lớn làm gì cũng có lí do của họ, mình không có quyền phê bình, chê trách vì mình không ở trong hoàn cảnh đó.
Mẹ tôi không sai. Chỉ vì tôi còn quá nhỏ, lại thèm khát tình yêu của một người cha, nên mới giận hờn tất cả mọi người. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn ân hận mãi.
Chỉ một mình Lệ Mai này không biết trời cao đất dày, cứ đâm đầu, đòi hát cho bằng được
Thời gian ở Hà Nội, chị em tôi được mẹ gửi vào trường nội trú, cứ đến cuối tuần thì đón ra. Nhưng không phải tuần nào cũng được đón vì mẹ tôi còn bận buôn bán dưới Hải Phòng, Khi nào mẹ rảnh, chúng tôi mới được đón.
Những ngày cuối tuần đó, trong lúc bạn bè được bố mẹ đón về, thì chị em tôi lại cứ phải ngồi ngóng xem mẹ có đến không. Nếu mẹ không đến, chúng tôi lại quay vào sân trường với vài đứa trẻ nữa. Tôi buồn lắm, thèm lắm cảnh được mẹ đón về.
Tuần nào được đón về là tôi vui lắm, chạy quanh nhà bà nội ở Hàng Bông rồi chạy ra cả ngoài phố, nghe người ta bật nhạc Phạm Duy. Tôi mê mẩn, cứ dán tai vào nghe. Nhà tôi hồi ấy không có máy nghe nhạc, nên luôn phải đi nghe ké.
Lúc đó, tôi mới 6 tuổi, nhưng nhạc Phạm Duy đã đi vào đầu tôi. Thời đó là thời của danh ca Ngọc Bảo, Thái Thanh. Nhưng tôi chỉ nghe nhạc để đi vào lòng mình, chứ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện hát hò.
Năm tôi 9 tuổi, Hà Nội có một hội chợ. Trong hội chợ có một sân khấu. Nó lôi cuốn tôi tới mức chẳng hiểu sao tôi phải leo lên hát bằng được. Ca khúc tôi hát lúc đó là Thơ ngây.
Năm 2016, tôi về lại Hàng Bông thì gặp được 2 người bạn vẫn còn nhớ tôi. Họ nhớ như in tôi hát xong thì được giải thưởng là một cây son.
Tôi kể lại như vậy để thấy rằng, những ca khúc tôi nghe bố hát và các đĩa nhạc Phạm Duy nghe trên phố Hàng Bông chính là kim chỉ nam, là định mệnh dẫn dắt tôi sau này.
Hầu hết các anh chị em trong nhà tôi, từ họ hàng tới ruột thịt đều biết hát và trở thành ca sĩ như chị Kim Loan, Kim Oanh, Mộng Tuyết. Nhưng không ai theo đuổi nghề hát, chỉ một mình Lệ Mai (tên thật của Khánh Ly) này không biết trời cao đất dày, cứ đâm đầu, đòi hát cho bằng được và theo đuổi đến giờ đã được 60 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét