Tối qua (18/11/), MV Chị ngả em nâng của Bích Phương đã chính thức ra mắt công chúng. Chỉ sau vài giờ phát hành, MV này đã thu hút gần nửa triệu lượt xem và thu hút bình luận rôm rả của công chúng.
Đa số các ý kiến đều cho rằng, cả phần nhạc, ca từ lẫn MV đều là sự mạo hiểm mang tính đột phá của Bích Phương.
MV Chị ngả em nâng của Bích Phương
Một góc nhìn khác về Bích Phương: Mộc và thật
Nhắc đến Bích Phương, khán giả thường nghĩ tới một cô ca sĩ ủy mị chuyên hát Ballad buồn và những bài tình yêu tuổi teen. Bởi vậy, Bích Phương đã chọn Chị ngả em nâng để làm mới và thể hiện góc nhìn khác về mình. Cô chia sẻ:
"Chị ngả em nâng chính là một phần rõ nét trong tính cách và con người của Bích Phương. Không còn những lời ca ủ rũ não nề, thông qua ca khúc này, Bích Phương mong muốn sẽ làm được điều gì đó khác biệt, truyền đi những thông điệp tích cực hơn, và có ý nghĩa hơn tới những khán giả yêu âm nhạc".
Trong ca khúc, Bích Phương không chọn chủ đề tình yêu như mọi khi mà hướng sang tình chị - em, một dạng chủ đề ít thấy trong nhạc Việt đương đại.
Về phần thể loại, Bích Phương chọn loại nhạc quen thuộc là Pop EDM, nhưng phần bass dày và lan tỏa. Các đoạn builds tỏ ra hưng phấn, được phối hợp cùng nhịp trống two-step, với phần fills nhanh, tạo nên sự sôi động, tươi mới và khá bắt trend.
Bích Phương tỏ ra thức thời khi bắt kịp xu hướng sử dụng ca từ thông tục, mộc và chêm xen ngôn ngữ nói của giới underground ngày nay như Đen, Ngọt, Dalad…
Trong Chị ngả yêu em có nhiều câu hát khá suồng sã, chất phác và tận dụng sự giản đơn, để làm điểm nhấn như: "Em ở đây bên cạnh chị, khóc mất xinh", "Nghe hơi văn mẫu cách đây mười năm", "Nhưng mà em đang thật lòng đấy biết không?"…
Ngay ở tiêu đề ca khúc, Bích Phương cũng chọn cách cải biến thành ngữ "chị ngã em nâng" thành "chị ngả em nâng", làm điểm nhấn khiến người nghe phải chú ý. Cách cải biến này khá giống với lối viết tiêu đề của Khắc Hưng, Dalab, Đen…, kích thích người nghe bằng một sự bất thường.
Câu chuyện xã hội về trọng nam khinh nữ và bạo hành gia đình
Đúng với lời tuyên thệ của mình, Bích Phương không hướng chủ đề MV tới câu chuyện tình yêu như trước đây mà đã mạnh dạn, đổi mới hơn khi quay sang chủ đề xã hội – vốn rất ít xuất hiện ở Vpop.
Theo đó, nội dung MV kể về câu chuyện một cô gái bị chồng bạo hành, hãm hiếp và bắt phải phá thai khi biết đứa trẻ trong bụng không phải con trai.
Bích Phương đã khá tinh tế khi sử dụng bối cảnh và hóa trang vào những phụ nữ Ấn Độ, Đến diễn viên nam cũng được hóa thân vào hình ảnh một người đàn ông Ấn Độ.
Ai cũng biết Ấn Độ là nước có tỷ lệ hiếp dâm và bạo hành phụ nữ cao nhất thế giới, với những vụ việc gây chấn động, khiến thân phận người phụ nữ bi coi rẻ.
Bởi vậy, việc sử dụng hình ảnh và tạo hình Ấn Độ của Bích Phương đã nhấn mạnh vào nạn bạo hành, cưỡng bức phụ nữ và trọng nam khinh nữ. Hành động hóa ma sói của người chồng ở cuối MV như một lời phê phán sự đáng sợ của đàn ông.
Xuyên suốt MV là sự dũng cảm đứng lên đấu tranh chống lại người đàn ông bạo hành, tệ bạc và cuối cùng cũng giành được chiến thắng. Chi tiết người vợ cố tình đâm trượt người chồng thể hiện sự bao dung, tình thương lớn của người phụ nữ.
Nhưng cách giải quyết vấn đề của Bích Phương tỏ ra khá triệt để. Chính tay cô đã thủ tiêu người chồng tệ bạc đó thay chị mình.
Đụng chạm tôn giáo: Liều lĩnh hay chơi trội?
Có thể nói, Chị ngả em nâng là một MV vô cùng đặc biệt, táo bạo và liều lĩnh tính đến thời điểm hiện tại. Nói cách khác, trong cả trăm năm qua, chưa một ca sĩ Việt nào dám làm như Bích Phương.
Sự liều lĩnh và mạo hiểm của Bích Phương thể hiện ở việc, cô là ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam dáng đưa hàng loạt biểu tượng của tôn giáo (cụ thể là Kito giáo) vào MV với mức độ đụng chạm khá cao.
Ai cũng biết trứng phục sinh là vật phẩm linh thiêng của Kito giáo, thể hiện sự hồi sinh của Chúa Jesus. Nhưng trong MV này, Bích Phương đã giám cầm búa đập vỡ hàng loạt quả.
Tiếp đó, cô còn bắn thẳng mũi tên vào giữa ngực để đốt cháy những con hình nhân có hình dạng giống hệt cây thánh giá, tạo nên khung cảnh thánh giá bốc cháy đầy dữ dội.
Không ai biết rõ ý đồ của Bích Phương đằng sau những hành động này. Rất có thể, cô muốn thể hiện sự phẫn nộ của người phụ nữ khi phải sống trong kìm kẹp của giáo điều, phong hóa và muốn phá tung tất cả.
Không những vậy, Bích Phương còn nhiều lần đưa biểu tượng và hình ảnh quỷ Satan trong Kinh thánh vào MV, khiến người xem liên tưởng đến dạng phim kinh dị như Insidious, The Conjuring… Có thể hình ảnh này ám chỉ sự độc ác của đàn ông, hoặc mang một ý nghĩa khác.
Trong Kinh Thánh, rồng là một quái vật, là sức mạnh của ma quỷ. Sách Khải Huyền mô tả sự xuất hiện của nó như một sức mạnh khủng khiếp, ích kỷ và bạo lực vô cùng. Quan niệm này khác với hình ảnh rồng của người phương Đông.
Và hình ảnh con rồng "đặc sệt Tây phương" đã xuất hiện 2 lần trong MV của Bích Phương, với những ý nghĩa khó hiểu. Thậm chí, ở cuối MV, chị gái Bích Phương còn đẻ ra một quái vật rồng, còn Bích Phương lại hóa thân vào Đức mẹ Maria để ẵm nó. Đây thực sự là hình ảnh đối lập và khó hiểu với người Kito giáo.
Nhưng nhìn một cách tích cực hơn, hình ảnh "ẵm rồng" này thể hiện sức mạnh của người phụ nữ. Bằng lòng yêu thương, họ có thể cảm hóa tất cả, kể cả quái vật đen tối nhất. Bởi vậy, nhìn con rồng ở cuối MV khá hiền lành và ngoan ngoãn trong tay Nhã Phương.
Ngoài ra, các hình ảnh tôn giáo trong Kinh thánh cũng được tái hiện lại trong MV của Bích Phương như người sói, nữ ác quỷ Lilith, Đức mẹ Maria.
Sự xuất hiện của người sói khá dễ hiểu, nhưng không ai lí giải được vì sao Bích Phương lại mặc đồ đen và hóa thân vào một nhân vật có ngoại hình giống với ác quỷ Lilith (kẻ tội đồ của Kito giáo). Và hình ảnh Đức mẹ bốc cháy ở đầu MV càng khiến người xem hoang mang hơn nữa. Rất có thể đó là những dụng ý nghệ thuật riêng của cô.
Việc sử dụng hình ảnh tôn giáo để đả kích hoặc diễn đạt nội dung sâu xa đã không còn mới trên thế giới. Hàng loạt ngôi sao như Madonna, Lady Gaga đã sử dụng triệt để nó. Tuy nhiên, ở Việt Nam hàng trăm năm nay, chưa một ai dám làm như Bích Phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét