Karl Lagerfeld là một nhà thiết kế huyền thoại, với tài năng xuất chúng. Trong giới thời trang, ông như một người thầy, một tượng đài – vĩ nhân có tầm kiến tạo lớn, ảnh hưởng sâu sắc tới nền thời trang đương đại.
Karl Lagerfeld được xếp vào top 4 nhà thiết kế có ảnh hưởng lớn nhất thế kỉ XX, cùng với Coco Chanel, Christian Dior và Yves Saint Laurent.
Tuy nhiên, đi cùng với tài năng chói sáng ấy là một Karl Lagerfeld cực đoan và lập dị, khiến không ít người phải nể sợ.
Dám lớn tiếng chê bai phu nhân tổng thống Obama
Karl Lagerfeld được biết đến là một nhà thiết kế thẳng tính và cực đoan trong vấn đề đánh giá cái đẹp, sẵn sàng đi ngược dư luận, chê bai, đả kích mọi thứ không vừa mắt mình, dù kẻ đó là ai.
Karl Lagerfeld nhiều lần thể hiện quan điểm thẩm mỹ của mình một cách thẳng thắn.
Khi được hỏi về việc luôn đeo kính râm, ông nói thẳng: "Tôi bị cận thị nhẹ, mà khi những người bị cận thị bỏ cặp kính cận của họ ra thì trông mặt họ giống những con chó dễ thương đang mong chờ được nhận nuôi vậy.
Vì thế chiếc kính râm là tấm mạng che mặt của tôi. Tấm mạng che mặt dành cho những người đàn ông".
Trong thời gian tổng thống Obama đương nhiệm, đệ nhất phu nhân Michelle Obama luôn được báo giới khen ngợi về phong cách thời trang của bà.
Chỉ duy nhất Karl Lagerfeld dám phê bình: "Thành thật mà nói thì cắt tóc mái bằng đối với Michelle Obama là một thất bại. Nó khiến bà ấy trông như một chiếc mỏ neo vậy".
Người thuộc hoàng gia cũng không khiến Karl nể nang, ông từng chê bai chị gái của công nương Anh Kate Middleton: "Kate có một vóc dáng đẹp, tôi thích vẻ đẹp lãng mạn. Mặt khác, tôi không ưa gương mặt chị gái của Kate. Cô ấy chỉ nên khoe lưng mà thôi".
Và tất nhiên, ngay cả những siêu mẫu nóng bỏng hàng đầu, khiến công chúng mê mẩn cũng bị Karl chê xối xả, Heidi Klum từng bị ông nói thẳng rằng: "Heidi Klum là siêu mẫu ư? Tôi còn chẳng biết cô ta là ai. Cô ta chưa bao giờ nổi tiếng ở Pháp".
Karl Lagerfeld còn cực đoan tới mức độ ghét người lùn và người béo. Ông nói: "Tôi ghét những người xấu xí có tính cách tồi. Tệ nhất là những người đàn ông đã xấu lại lùn", hay "Tôi thích Adele. Một ca sỹ hiện đại như cô ấy thì không xấu nhưng lại quá béo".
Đỉnh điểm nhất trong các phát ngôn của Karl là dám đụng chạm tới vấn đề chủng tộc, chê bai đàn ông Nga: "Nếu tôi là một người phụ nữ Nga thì thà tôi làm đồng tính nữ còn hơn, vì những người đàn ông nước đó rất xấu xí.
Chỉ có một vài trường hợp hiếm có ngoại hình đẹp trai như người yêu của Naomi Campbell, còn lại toàn là câu chuyện giữa những người đàn ông kinh khủng nhất với những người phụ nữ xinh đẹp nhất".
Không ai tin rằng, một kẻ cực đoan, bảo thủ như Karl Lagerfeld lại đứng đầu ngành thời trang, vốn luôn phải đổi mới. Thế nhưng, xét trên một phương diện nào đó, thái độ của Karl chỉ xuất phát từ sự tôn thờ cái đẹp, yêu phụ nữ hết mình.
Karl Lagerfeld tự nhận mình là kẻ "cuồng dâm" trong thời trang, tức là một tín đồ của phụ nữ và cái đẹp. Ông sinh ra và làm việc để phụng sự phụ nữ và giúp họ tìm đến được cái đẹp tuyệt hảo nhất, đẳng cấp nhất cho mình. Cái đẹp cho phụ nữ là điều người đàn ông độc thân này theo đuổi suốt cuộc đời mình.
Karl luôn là người đi tìm kiếm cái đẹp. Cùng với Gianni Versace, ông đã góp phần lăng xê, kiến tạo nên đế chế quyền lực cho thế hệ người mẫu nữ trong thập niên 90 và tạo ra khái niệm Siêu mẫu.
Nói cách khác, nếu không có Karl Lagerfeld, chưa chắc thế giới đã có Claudia Schiffer, Naomi Campbell, Linda Evangelista hay Kate Moss.
Khi Karl tìm thấy Claudia Schiffer, nhiều người đã nói rằng, cô nàng này không có vẻ mặt high fashion, không có sự lạnh lùng đúng nghĩa của một người mẫu và dáng đi không thích hợp với sàn catwalk, chỉ hợp với làm mẫu ảnh.
Nhưng ông đã cự tuyệt và nói: "Tôi không thích những người mẫu đi trên sàn catwalk như đang đi dự đám tang. Tôi cần năng lượng, sự tươi tắn của Claudia và tôi chắc chắc cô ấy sẽ thành công".
Sau đó, Claudia đã được chọn làm nàng thơ của Karl, luôn được đứng vào vị trí vedette trong Chanel show và một bước trở thành siêu mẫu hàng đầu thế giới. Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa tìm thấy người mẫu nào có phong cách trình diễn sôi nổi, rạng rỡ mà vẫn đậm tính fashion như Claudia.
Naomi Campbell khi ấy cũng được Karl nâng đỡ rất nhiều, dù cô là một người mẫu da màu, ít được trọng dụng. Karl cũng từng khen ngợi Linda Evangelista giữa lúc cô bị chê là chảnh chọe, khó ưa: "Linda là một trong những người mẫu chuyên nghiệp nhất mà tôi được biết. Dù cô ấy có đòi hỏi thì cũng là cái giá xứng đáng".
Gần đây, trong lúc phong trào Me too đang lan rộng, Karl là người duy nhất dám nói thẳng: "Nếu bạn không muốn quần lót của mình bị kéo xuống thì đừng làm người mẫu nữa. Hãy vào tu viện mà sống, luôn có chỗ cho bạn ở trong đó. Họ thậm chí cũng đang tuyển người đấy".
Quan điểm này của Karl găp phải nhiều chỉ trích, nhưng nó không hề sai với nghề người mẫu.
Bất cứ một người mẫu nào muốn đạt tới sự chuyên nghiệp cũng phải sẵn sàng khỏa thân hay mặc bất cứ bộ trang phục được nhà thiết kế yêu cầu. Nghề người mẫu không có chỗ cho sự ngại ngùng hay kín đáo.
Bản thân siêu mẫu Claudia Schiffer từng nói: "Tôi sinh ra trong một gia đình gia giáo và được định hướng theo nghề luật sư. Nhưng khi làm người mẫu, tôi sẵn sàng khỏa thân và làm những trò khiêu gợi nhẩt. Tôi không ngại gia đình hay người thân đánh giá mình vì tôi đang làm việc".
Siêu mẫu Kate Moss từng không ít lần khỏa thân trên sàn catwalk. Khi được hỏi, cô trả lời thẳng: "Công việc yêu cầu thế nào thì làm thế đó. Ngại thì đừng làm người mẫu".
Những táo bạo kì lạ ảnh hưởng mạnh mẽ tới thời trang
Nhà thiết kế thiên tài Yves Saint Laurent từng phải rời bỏ Chanel sau một thời gian làm việc, nhưng Karl Lagerfeld lại trụ vững tới gần 40 năm qua và biến nó thành đế chế thời trang lớn mạnh nhất.
Để làm được điều này, Karl phải vô cùng tài năng và khôn ngoan. Các bộ sưu tập trong suốt hơn 30 năm qua của ông luôn giữ được linh hồn của Coco Chanel, nhưng lại táo bạo, phá cách và đi trước thời đại. Ông từng nói:
"Những gì tôi đang làm, Chanel không thích. Tôi đang làm những gì bà ấy chưa làm. Tôi phải tạo ra dấu ấn".
Quả nhiên, Karl luôn khiến công chúng phải bất ngờ trước những mẫu thiết kế của mình. Ông sử dụng triệt để những gì Coco Chanel đã tạo ra như chất liệu vải tweed, áo jacket, dây xích luồn da, túi quả trám, các chuỗi dây ngọc trai, đầm black… để tạo nên những mẫu mã hiện đại, trẻ trung.
Chẳng hạn, chuỗi ngọc trai cổ điển của Coco được ông biến thành chuỗi dây đậm chất hip hop theo phong cách urban, sử dụng phụ kiện đậm tính bạo dâm (S&M), trình diễn những chiếc quần lót lọt khe đầu tiên, kết hợp phụ kiện đậm chất đường phố với áo tweed sang trọng, tạo ra những bộ jump suit hiện đại, sử dụng cả chất liệu tôn giáo…
Và hiển nhiên, tất cả các mẫu thiết kế của Karl Lagerfeld đều được ưa chuộng rộng rãi và trở thành cảm hứng bất tận với giới mộ điệu thời trang. Các mẫu thiết kế của ông luôn đắt giá và là mơ ước của nhiều phụ nữ.
Lý Nhã Kỳ từng gây xôn xao khi bỏ 2 tỷ để được sở hữu một chiếc đầm của Karl. Đó là cái giá cô chấp nhận trả cho đẳng cấp và cái đẹp hoàn mỹ.
Ở Karl Lagerfeld là một gã đàn ông cực đoan, khó tính, thẳng thắn nhưng tôn thờ cái đẹp và phụng sự hết mình cho phụ nữ.
Long Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét