Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu

 Mới đây, ca sĩ Chi Pu đã ra mắt MV mới nhất của mình mang tên Cung đàn vỡ đôi, đánh dấu sự trở lại của cô sau quãng thời gian im hơi lặng tiếng. Ngay lập tức, MV này đã nhận được sự chú ý và nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả.

Chỉ sau một ngày lên sóng, MV đã nhanh chóng vượt mốc 3 triệu lượt xem trên Youtube và thu hút hàng ngàn bình luận, chia sẻ. Hầu hết các bình luận đều khen ngợi và đánh giá cao Chi Pu khi thực hiện MV này.

Nhiều người còn cho rằng, Cung đàn vỡ đôi là một trong những MV ca nhạc đáng xem nhất ở thời điểm hiện tại, đồng thời là MV giá trị nhất, đánh dấu nấc thang mới trong sự nghiệp của Chi Pu.

00:07:51

MV Cung đàn vỡ đôi của Chi Pu

MV đậm chất nghệ thuật văn hóa, lịch sử, giàu giá trị xã hội

Sau sự bùng nổ hội nhập văn hóa đại chúng Tây phương, nghệ sĩ Việt giai đoạn gần đây đang có xu hướng quay lại lịch sử dân tộc, làm MV lịch sử, remake tác phẩm cũ. Chi Pu chính là một trong những nghệ sĩ dẫn đầu cho xu hướng này.

Cách đây một năm, Chi Pu đã khiến dư luận xôn xao khi ra mắt MV Anh ơi ở lại, remake lại tác phẩm Tấm Cám, lấy bối cảnh lịch sử Bắc Bộ. MV này được đánh giá cao về nội dung, giá trị truyền bá văn hóa cổ.

Tới MV Cung đàn vỡ đôi, Chi Pu vẫn giữ được tinh thần, ý chí nghệ thuật của mình, với việc tiếp tục sử dụng văn hóa nghệ thuật cổ làm chất liệu âm nhạc. MV này như một sự tiếp nối cho Anh ơi ở lại, khi chuyển từ văn hóa cổ Bắc Bộ vào văn hóa cổ Nam Bộ.

Trong đó, Chi Pu sử dụng bối cảnh cải lương, tân cổ (loại hình văn hóa cổ truyền đặc trưng vùng Nam Bộ) và hóa thân vào một cô đào cải lương.

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu - Ảnh 3.

Có thể thấy, Chi Pu đã phải tự vượt qua khó khăn riêng, đầu tư rất tâm huyết và mất nhiều công sức để phục dựng lại bối cảnh cải lương vào MV, chứ không chỉ đơn giản là dựng lên cho có. Cô chia sẻ:

"Tôi đã phải cố gắng nhiều để thực hiện được MV này. Tôi là người miền Bắc nên không biết nhiều về cải lương. Bởi vậy, khi được ekip đề xuất sử dụng bối cảnh cải lương, hát tân cổ trong MV này, tôi đã phải tập luyện, tìm hiểu rất nhiều.

Tôi phải nghe rất nhiều và ngồi trò chuyện mất một buổi với NSND Bạch Tuyết để hiểu sâu sắc về cải lương".

Không chỉ tìm đến tiến sĩ cải lương, NSND Bạch Tuyết để tham vấn, Chi Pu còn mời cả nghệ sĩ cải lương Thanh Tòng tới để chỉ dẫn, rèn dũa. Cả hai nghệ sĩ này đều là bậc thầy về cải lương. Họ am hiểu tường tận và nắm giữ những tinh hoa của loại hình nghệ thuật cổ, từ đó truyền đạt lại cho Chi Pu để giúp cô dựng nên MV.

Nhờ đó, MV Cung đàn vỡ đôi được thực hiện rất chỉn chu, nghiêm túc và đậm màu văn hóa cổ. Từ trang phục, hóa trang tới bối cảnh diễn đều đẹp và thể hiện đúng tinh thần cải lương.

Bản thân Chi Pu cũng đã cố gắng hết mình dễ diễn sao cho trọn vẹn tinh thần cải lương, từ biểu cảm tới hành động.

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu - Ảnh 4.

Chưa kể, các góc quay, kĩ thuật quay đều rất đẹp. Nhiều cảnh quay trong MV mang đậm chất điện ảnh, nghệ thuật, không khác nào phiên bản thu nhỏ của một bộ phim điện ảnh thực thụ. Điển hình như cảnh Chi Pu tập diễn cải lương trên cánh đồng xanh mướt ở cuối MV, khiến khán giả phải rùng mình.

Chi Pu cũng thể hiện được tinh thần thượng tôn văn hóa nghệ thuật của mình, khi trân trọng để hai câu cải lương trong vở tuồng kinh điển Tình anh bán chiếu (do NSND Út Trà Ôn - người thầy của mọi thế hệ danh ca cải lương thể hiện) vào ngay đầu MV.

Cách làm này vừa bày tỏ thái độ trân trọng với nghệ thuật cổ, vừa giúp người xem cảm nhận được tinh thần, màu sắc mà MV hướng đến, khi dẫn dắt họ vào bối cảnh sông nước miền Tây Nam Bộ tự do tự tại. Từ đó, người xem sẽ cảm nhận được MV một cách đúng đắn, rõ ràng hơn.

Chưa dừng lại ở đó, việc khéo léo lồng ghép hai vở cải lương kinh điển là vở Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga và vở Thái hậu Dương Vân Nga vào MV (do chính Chi Pu tham gia đóng) cũng thể hiện ý đồ nghệ thuật sâu sắc.

Được biết, cả hai vở cải lương này đều đậm hồn Việt, đề cao tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Trong đó, Thái hậu Dương Văn Nga là nhân vật có thật trong lịch sử, còn Lục Vân Tiên là nhân vật tâm huyết, thể hiện ý chí của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Qua đó, Chi Pu cũng muốn góp tiếng nói của mình vào việc khơi dậy lòng tự hào, yêu nước, tinh thần quật khởi trong lòng công chúng Việt. Đây là một trong những giá trị đáng được khen ngợi của MV.

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu - Ảnh 5.

Nhưng Chi Pu không hề nhai lại cải lương một cách khô cứng. Cô khéo léo lồng ghép vào một câu chuyện tình yêu đầy xúc động, chạm đến trái tim người xem. Nhờ đó, khán giả xem MV không cảm thấy cứng nhắc, gượng ép, mà vẫn dạt dào cảm xúc.

Người ta thường nói, không cách nào truyền bá văn hóa, nghệ thuật và lịch sử tốt hơn hình tượng. Phải có hình tượng nhân vật với cuộc sống, sinh mệnh của riêng nó, người xem mới tiếp cận được văn hóa, nghệ thuật và lịch sử một cách dễ dàng, thấm sâu nhất.

Chi Pu đã làm được điều này. Cô dựng lên những hình tượng nhân vật sinh động trong MV của mình, với đầy đủ hỉ nộ ái ố để qua đó truyền bá nghệ thuật văn hóa cổ Nam Bộ tới công chúng một cách tốt nhất. Đây là giá trị lớn nhất của MV Cung đàn vỡ đôi, như lời cô nói:

"Bản thân tôi là nghệ sĩ trẻ, đối tượng khán giả cũng toàn người trẻ, nên tôi muốn qua dự án MV này để giới thiệu cải lương tới công chúng. Từ đó, tôi mong người trẻ sẽ yêu cải lương hơn để tiếp nối về sau".

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu - Ảnh 6.

Bối cảnh cải lương đầy niềm tự hào dân tộc

Âm nhạc thông minh, đánh trúng thị hiếu khán giả

Công bằng mà nói, phần âm nhạc của Cung đàn vỡ đôi không có nhiều đặc biệt và đổi mới, nên không gây được ấn tượng sâu sắc với người nghe. Tuy nhiên, xét ở bình diện thị trường, nó vẫn là một bước đi thông minh, đánh trúng thị hiếu khán giả.

Công chúng dễ dàng nhận thấy, tuy MV Cung đàn vỡ đôi lấy bối cảnh từ cải lương Nam Bộ và ở đoạn đầu có sử dụng câu hát tân cổ (do NSND Út Trà Ôn) thể hiện, nhưng toàn bộ phần âm nhạc sau đó đều rẽ sang hướng khác, ít liên quan.

Điều này là hoàn toàn hợp lí, vì bản thân Chi Pu không phải một đào cải lương, cũng chưa từng hát hay được đào tạo về cải lương, nên cô không thể và cũng không dại gì thể hiện sở đoản khi liều mình hát tân cổ để gây tranh cãi.

Nhiều người thắc mắc tại sao Chi Pu không cố gắng rèn luyện để hát một đoạn cải lương hay thể hiện một ca khúc mang màu sắc tân cổ cho hợp bối cảnh MV. Điều này là không cần thiết.

Bản thân Chi Pu là một ca sĩ nhạc Pop. Điều này đã được định hướng rõ ràng ngay từ khi cô bước chân vào ca hát. Nói cách khác, nhạc Pop là công cụ, phong cách mà Chi Pu sử dụng, theo đuổi, để gây dựng sự nghiệp.

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu - Ảnh 7.

Vì vậy, mọi chất liệu âm nhạc hay văn hóa được sử dụng trong mỗi dự án đều chỉ là gia vị giúp tôn chất Pop của Chi Pu và giúp cô trải nghiệm, thể hiện sự đa dạng trong mỗi chặng đường của mình.

Không thể bắt một ca sĩ nhạc Pop phải hát được cải lương, tân cổ khi họ chỉ dùng cải lương, tân cổ như một chất liệu cho âm nhạc của họ (trong một giai đoạn, dự án nhất định). Có thể ở những dự án sau này, Chi Pu sẽ không làm về cải lương nữa, mà chuyển sang những loại hình văn hóa, nghệ thuật khác.

Trên thế giới, rất nhiều ca sĩ Pop sử dụng các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác nhau vào âm nhạc, nhưng không nhất thiết phải thể hiện được nó.

Chẳng hạn, Madonna từng sử dụng Parkour (một loại hình thể thao đường phố sử dụng nhảy, chạy, leo, vượt chướng ngại vật) trong album Confessions on a Dance Floor, nhưng chỉ để vũ công thực hiện.

Hơn nữa, nếu quá sa đà vào cải lương, tân cổ, Chi Pu sẽ tự biến mình thành nhà phục cổ, làm tư liệu lịch sử chứ không phải sản phẩm âm nhạc hiện đại nữa. Cải lương chỉ nên được sử dụng vừa đủ, như một gia vị cho món ăn âm nhạc được phong phú hơn, cho nhiều quá sẽ thành mặn, khó nuốt.

Quay trở lại phần âm nhạc của Cung đàn vỡ đôi, Chi Pu khá thông minh khi sử dụng Mandopop, một thể loại quá quen thuộc với khán giả Việt Nam qua hàng loạt ca khúc nhạc Hoa kinh điển trải dài suốt từ thập niên 80, 90 tới nay.

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu - Ảnh 8.

Lợi thế của loại nhạc này là dễ nghe, dễ thấm, dễ hát, lại phù hợp thị hiếu đại đa số khán giả Việt, nên chỉ nghe lần một đã vào tai. Điều này tạo nên sự dễ dàng cho cả ca sĩ lẫn khán giả, phù hợp với không khí một bản Ballad buồn về tình yêu.

Mandopop ở Cung đàn vỡ đôi lại được kết hợp thêm với yếu tố nhạc Trung Quốc Phong.

Trung Quốc Phong là loại nhạc Hoa ngữ, pha trộn giữa âm nhạc truyền thống Trung Hoa với giai điệu Tây phương, sử dụng một số nhạc cụ dân tộc kết hợp cùng nhạc cụ hiện đại. Loại nhạc này phổ biến từ thập niên 2000, gắn với làn sóng thần tượng Cpop và ảnh hưởng mạnh mẽ vào Pop Việt, đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ khán giả.

Vì vậy, chỉ cần nghe giai điệu Cung đàn vỡ đôi cất lên, công chúng đã cảm thấy quen thuộc, dễ chịu và dễ nảy sinh cảm tình, giống như được nghe lại những bản Pop Ballad từng làm mưa làm gió của thế hệ Vpop thập niên 2000 như Ưng Hoàng Phúc, Đan Trường, Mây Trắng, HAT...

Bản thân ca sĩ cũng không mất quá nhiều công sức để tìm tòi cách thể hiện vì loại nhạc này đã quá quen mặt.

Rõ ràng, việc sử dụng chất liệu âm nhạc như vậy vừa hợp bối cảnh MV, lại vừa trẻ trung, dễ nghe, dễ lấy cảm xúc.

Đây là cách kết hợp khá thông minh của Chi Pu, giúp cô khơi dậy văn hóa cải lương Nam Bộ một cách nhẹ nhàng qua hình tượng âm nhạc, đến từ cảm xúc tự nhiên của khán giả, không bị nặng nề việc truyền bá văn hóa theo lối giáo điều, gượng ép.

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu - Ảnh 9.

Một vài nhược điểm cần khắc phục

Dù MV Cung đàn vỡ đôi được thực hiện rất nghiêm túc, chỉn chu và đẹp, nhưng vẫn mắc phải lỗi cố hữu của nhiều MV ca nhạc hiện nay là quảng cáo lộ liễu, quá đà.

Việc nhân vật Ba Trà (Chi Pu) ngồi giặt quần áo trên thuyền, khoe trọn chai nước xả vải của một thương hiệu đã vô tình phá vỡ toàn bộ bối cảnh, không khí của MV, khiến người xem cảm thấy hơi tụt cảm xúc.

Ngọc Trinh được xem là điểm nhấn kéo khách cho MV nhờ tên tuổi, sức hút truyền thông của mình. Tạo hình Ngọc Trinh trong MV rất đẹp và thích hợp, đúng chất con gái miền Tây Nam Bộ. Đôi mắt của cô vô cùng hút hồn, lôi cuốn.

Mời Ngọc Trinh vào MV mới: Giải mã sự khôn ngoan và đầy toan tính của Chi Pu - Ảnh 10.

Tuy nhiên, diễn xuất của Ngọc Trinh lại không hề tốt, khá đơ, gượng gạo và thiếu cảm xúc, có phần hơi lép vế so với Chi Pu.

Giọng hát của Chi Pu trong ca khúc này đã tiến bộ hơn trước đây, nhưng vẫn còn vài nhược điểm. Dù là nữ trung, nhưng Chi Pu hát quãng trầm vẫn hơi mờ và yếu. Nếu Chi Pu khắc phục được nhược điểm này, cô sẽ tiến xa hơn trên con đường ca hát.


Long Phạm

5/6/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét