Danh ca Bạch Yến được biết đến là ca sĩ Việt Nam đầu tiên thành danh tại Mỹ. Cô là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình Ed Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ năm 1965.
Đồng thời, cô cũng là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất trình diễn cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng của Mỹ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon… và là ca sĩ Việt đầu tiên cũng như duy nhất hát nhạc phim Hollywood The Green Berets.
Vừa qua, tại chương trình The Jimmy Show, danh ca Bạch Yến đã trải lòng về quá khứ của mình.
Hồi nhỏ, tôi sống tại Campuchia và đi hát cho cộng đồng người Việt
Tôi sinh ra ở Sóc Trăng, nhưng chỉ sống tại đó mấy tháng thôi. Khi tôi ra đời, mẹ tôi thường xuyên đi về quê ngoại rồi sinh tôi ở đó.
Sau này, cha mẹ tôi hay làm ăn ở Nam Vang (một tên gọi khác của thủ đô Phnom Penh, Campuchia) nên tôi lớn lên tại đó. Tới năm 8, 9 tuổi tôi mới theo cha mẹ về lại Việt Nam. Từ đó, tôi sống tại Cần Thơ.
Hồi tôi còn nhỏ sống bên Campuchia, mẹ tôi hay bật nhạc Việt Nam phát qua radio. Tôi nghe đi nghe lại những ca khúc Việt Nam đó rồi thuộc.
Cũng tại bên đó, tôi thường đi hát cho cộng đồng người Việt nghe, dù khi ấy còn rất nhỏ. Người Việt mình bên Campuchia thương yêu nhau lắm, thấy một cô bé hát được tiếng Việt, họ rất thích và bảo cha mẹ cho tôi đi hát.
Lần đầu mới lên sân khấu, tôi sợ lắm, nhưng sau đó mới bạo dạn hơn, làm chủ được mình.
Nhưng phải từ lúc về Cần Thơ tôi mới gia nhập ca đoàn. Lúc đó tôi còn nhỏ tí nhưng giọng rất to, lớn, hát khỏe nên nhanh chóng được đưa lên làm ca sĩ solo.
Vì tôi nhỏ quá nên lần nào ra hát cũng phải đứng trên một cái bục rất cao mới hát được.
Sau này, tôi có tham gia các cuộc thi ca hát. Ở cuộc thi đầu tiên vào năm 1953, mẹ tôi dắt đi và gặp được nhạc sĩ Lê Thương rồi được ông ấy chỉ cho vài điều.
Lần đó, tôi hát bài Tiến xa Việt Nam của nhạc sĩ Trần Văn Trạch ở vòng loại. Tiếp đó, tôi hát bài Nhà Việt Nam của Thẩm Oánh ở bán kết và một bài nữa ở chung kết rồi được huy chương vàng.
Hai lần tai nạn mô tô, ngã từ trên cao, người đập xuống đường, cả mô tô đè lên người
Sau cuộc thi đó, tôi vẫn chưa được đi hát vì cuộc sống còn khó khăn. Tôi phải đi lái mô tô bay biểu diễn để kiếm tiền, dù mới có 12 tuổi. Tôi tập lái mô tô bay trong 13 tháng rồi hành nghề.
Nghề lái mô tô bay này rất nguy hiểm, tôi bị tai nạn mấy lần liền. Một lần, tôi bị tai nạn nặng, ngã từ trên cao xuống. Cả cái xe mô tô rơi xuống, đập vào người tôi, gãy xương sườn và tụ tím một bên mắt. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đi chữa vết tụ máu chứ không nghĩ chữa mắt, nên giờ lớn mắt bị yếu.
Một lần tiếp theo, tôi gặp tai nạn trên đường quốc lộ từ Sóc Trăng tới Cần Thơ. Lần đó, tôi cũng đi diễn mô tô bay nhưng ở ngoài đường cho mọi người xem. Đang phóng mô tô thì một con chó bất ngờ chạy qua khiến tôi cán trúng. Tôi lăn mấy vòng, ngã đập xuống đường còn chiếc mô tô lao vút xuống sông.
Đứng dậy, áo quần tôi te tua hết, chẳng khác nào trên phim, hai bắp chân phỏng hết. Sau lần đó, tôi suy nghĩ mãi rồi quyết định nghỉ hẳn. Với lại, nhà nước phát hiện ra đoàn mô tô này toàn người dưới tuổi quy định nên cấm không cho diễn nữa.
Cha mẹ chia tay, tôi lâm vào cảnh khó khăn, nhiều khi còn bị đói
Tôi không bao giờ xấu hổ về cuộc sống khó khăn của mình trước đây. Cuộc đời có lên cao thì có xuống thấp, gọi là lên voi xuống chó.
Hồi tôi còn ở Nam Vang, cha mẹ tôi rất giàu, đi học có ô tô đưa đón. Nhưng cha mẹ tôi không thuận nhau nên chia tay sớm, thành ra tôi lâm vào cảnh khó khăn, nhiều khi còn bị đói. Tôi đi lái mô tô bay cũng vì đói quá.
Nhưng không sao, hoàn cảnh của tôi chỉ là một trong số rất nhiều người Việt Nam lúc đó bị đói khổ. Có thể đó là chất xúc tác để sau này tôi hát, giọng nghe buồn hơn.
Lúc đi lái mô tô bay, tôi chỉ nghĩ làm sao để thoát khỏi cái đói thôi, sau này nếu không có tiền để sống thì làm nghề khác. Tôi không thể nói nghề nào tốt nghề nào xấu. Rơi vào cái khổ rồi thì phải làm bất cứ nghề nào để sống được.
Quan trọng là phải biết vươn lên cho đỡ đói chứ không phải ham làm những nghề không đẹp.
Tôi còn vô cả vũ trường hát khi mới 14 tuổi
Tôi tự thấy mình có duyên với âm nhạc hơn, nên sau khi bỏ nghề lái mô tô bay, tôi tìm tới các phòng trà để xin hát. Tôi không có quen biết gì hết, cứ thấy phòng trà nào là lại nhảy vào xin được hát, trong khi thuộc được có ba bài.
Thời đó, phòng trà quy định phải đủ 18 tuổi mới được đi hát, tôi mới có 12, 14 tuổi nên phải hát chui, làm tóc, bôi son, trang điểm đậm cho thật đậm để hát, vừa hát vừa lo bị phát hiện.
Phòng trà đầu tiên tôi xin hát là Trúc Lâm Trà Thất. Lần đầu tôi thử giọng không được, người ta thấy thương mới cho đi thử lại vào hôm sau.
Lúc tôi tới, có rất nhiều ca sĩ cũng tới hát nên tôi quen được nhiều người lắm, như danh ca Thanh Thúy, cô Thu Hương. Thùy Hương. Được nhận vào hát, tôi mừng lắm, phải ra chợ Sài Gòn mua váy về mặc. Tôi còn chưa đủ lớn để mặc được áo dài.
Tôi còn vô cả vũ trường hát khi mới 14 tuổi. Người ta thấy tôi còn nhỏ nên thương lắm. Hát được một thời gian, tôi tìm được nhiều chỗ hát và có nhiều bài để hát hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét