Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Cần phân biệt gằn nổ (growl) và gằn chát (squeal)

Trong hình ảnh có thể có: 8 người, mọi người đang cười
Thông thường, nhắc đến gằn giọng, người ta thường nghĩ đến một cơ thế phát âm theo kiểu nén khí vào thanh quản, tạo áp suất lớn để đập phần tử khí vào các xoang trên đầu, từ đó tạo tiếng gằn.

Nhưng gằn giọng có hai kiểu. Kiểu thường thấy là gằn nổ (growl). Kiểu này thấy ở hầu khắp các ca sĩ từ Đông sang Tây, phổ biến trong nhạc Pop và các ca sĩ Việt Nam.

Đây là kiểu gằn giọng chủ yếu của nhiều ca sĩ Pop/R&B như Whitney Houston, Mariah Carey, Beyonce, Toni Braxton, Christina Aguilera, Thu Minh... Nghe dễ chịu, dễ nghe hơn.

Đặc điểm chung của gằn nổ và gằn chát: Đó là sự biến dạng âm thanh của giọng hát dạng vocal fry dựa trên sự bóp nghẹt dây thanh.

Gằn nổ bản chất là sự hạ thanh quản, nói nôm na là thường xảy ra khi bạn quát người khác với âm lượng lớn đột ngột. Giọng sẽ biến dạng và âm lượng to hơn.

Trong khi đó, gằn chát bản chất là nâng thanh quản, đòi hỏi kĩ thuật cao hơn về cột hơi, breath control.

Khi gằn nổ, lưỡi sẽ di chuyển về sau nhiều hơn gằn chát và lượng hơi cần dùng cũng nhiều hơn. Gằn nổ giống như một tiếng nổ bắn ra nên không duy trì lâu dài, còn gằn chát là một sự điều kiển giọng hát nên có thể kéo dài theo melody. Nghe gằn chát giống đang bị strain nhưng tất nhiên không hề strain.

Gằn nổ thì tối và nặng còn, gằn chát thì mảnh và chua chát, trong thế so sánh với giọng hát bình thường.

Gằn nổ thấy ở hầu khắp R&B/Pop, còn gằn chát thường thấy ở Rock và Gospel.

Một số ví dụ về gằn nổ:

Whitney Houston
https://www.youtube.com/watch?v=eN3TFPTmJHs

Mariah Carey
https://www.youtube.com/watch?v=g9n1l56MSOQ

Nhiều ca sĩ khác
https://www.youtube.com/watch?v=3hvHRadKdY0

Và gằn chua:

Fantasia
https://www.youtube.com/watch?v=tGmz0LIu9j0

Yolanda Adams (6:54)
https://www.youtube.com/watch?v=ELyJdgioiI0

Jennifer Holliday (5:56)
https://www.youtube.com/watch?v=dpyLoHyqlFI

Marion Williams
https://www.youtube.com/watch?v=8pUF6WoOrlg

Rachelle Ferrell
https://www.youtube.com/watch?v=mUna8MppIxQ

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Danh ca Thanh Tuyền

Trong băng nhạc Tiếng hát Thanh Tuyền phát hành trước 1975, người dẫn chuyện đã nói về Thanh Tuyền một cách đầy tự hào và xúc cảm: "Dòng máu này còn chảy trong tim, ân tình này chưa phai theo kỉ niệm, hơi thở này còn thì tiếng hát Thanh Tuyền còn mãi vang xa…" .

Lời tựa này tuy bay bổng và giàu tính ước lệ, nhưng đã truyền đạt rất đúng về sức nặng và tầm ảnh hưởng của tiếng hát Thanh Tuyền trong dòng chảy Bolero nói riêng và nhạc Việt nói chung. Đây là tiếng hát vàng ròng, in đậm dấu ấn thời gian và đượm hồn dân tộc Việt Nam.

Hẩu hết khán giả nghe Bolero đều ấn tượng đặc biệt với Thanh Tuyền và phải thừa nhận rằng, cô là tượng đài không thể thay thế của dòng nhạc này. Ấn tượng đầu tiên người ta cảm nhận được chính là âm sắc giọng đặc biệt của cô.

Thanh Tuyền sở hữu loại giọng full lirico soprano (nữ cao trữ tình đầy đặn) hiếm thấy ở Việt Nam, khác với đại đa số light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh như hầu hết các ca sĩ khác).

Full lirico soprano thường thấy ở phương Tây. Một số ca sĩ nổi tiếng sở hữu loại giọng này như: Celine Dion, Lara Fabian, Montserrat Caballe, Anna Netrebko… Loại giọng này ít thấy hơn ở châu Á và tập trung quanh vùng Trung Đông, Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tại Việt Nam, do đặc trưng thổ nhưỡng, nguồn gen và thể lực nên full lirico soprano hiếm xuất hiện hơn hẳn light lirico soprano.

Tính đến nay, các giọng full kiểu này không nhiều, khác với hằng hà sa số light lirico soprano như Thu Minh, Hà Trần, Hồ Quỳnh Hương, Như Quỳnh, Ngọc Lan, Thái Thanh, Bảo Thy, Khởi My…


Đặc trưng của full lirico soprano là âm sắc đẹp, ấm áp, đầy đặn, quãng trung và cận cao phát triển, nhưng vẫn lên được những nốt cao sáng rực. Nhờ lợi thế đó, ca sĩ sở hữu loại giọng này thường hát truyền cảm và có nội lực lớn hơn hẳn.

Nếu ai đã từng nghe Thanh Tuyền hát live trực tiếp, sẽ không khỏi bất ngờ trước nội lực giọng hát của bà. Dù hát Bolero (dòng nhạc không đòi hỏi quá nhiều sự phô diễn), nhưng Thanh Tuyền vẫn khiến khán giả phải "choáng váng" thực sự trước âm lượng lớn và giọng hát xuyên thấu của mình.

Chỉ cần Thanh Tuyền mở miệng ra thôi cũng đủ áp đảo mọi ca sĩ hát chung với mình và lấp đầy toàn bộ khán phòng. Giọng hát của cô vô cùng chắc chắn, khỏe khoắn và nặng tính metalic (kim khí). Người nghe luôn có cảm giác, nếu Thanh Tuyền bung hết lực ra, sẽ chẳng kém cạnh gì Siu Black hay Thanh Lam, Mỹ Linh…

Giọng full lirico soprano bẩm sinh phú cho Thanh Tuyền quãng cận cao đanh dày, chắc khỏe vô cùng tận. Rất ít ca sĩ Việt Nam nào ở tuổi gần 70 vẫn có thể belt âm đóng /i/ tới tận C5 dày và nặng, nội lực lớn, với đầy đủ vibrato như Thanh Tuyền đã làm trong màn trình diễn ca khúc Chiều mưa biên giới tại Hà Nội hồi tháng 10 vừa qua.

Cô hát vững chãi như một tảng núi, sừng sững đến không thể quật ngã.

Cũng chính lợi thế của giọng full lirico soprano đã ban cho Thanh Tuyền phần quãng trung phát triển tới bất ngờ. Cô có thể nhả chữ và giữ nốt trên G4, G#4 vô cùng dày, chắc chắn và ẩn giấu phần nội lực không nhỏ trong đó. Điều này khác hẳn với các light lirico soprano khác (trừ Hà Trần).

Thật đáng tiếc vì dòng nhạc Bolero đã hạn chế Thanh Tuyền ở âm khu trung này khi bó cô vào những bỏ nhỏ, luyến láy. Nếu Thanh Tuyền chuyển qua hát nhạc nhẹ theo lối của 4 Diva Việt, chắc chắn cô sẽ có cơ hội được bung hết sức mình trên nhiều trường đoạn, để hóa thành "con sư tử" khổng lồ.

Năng lực trong quãng giọng của Thanh Tuyền thuộc hàng đáng nể. Cô mixed cao rất tốt và thoải mái, có thể lên giọng thật tới C5, D5, Eb5 một cách dễ dàng. Nhưng đồng thời, cô còn xuống được nhiều nốt trầm chắc chắn, sâu và tối.

Rất khó để tìm được một giọng nữ cao Bolero nào có thể xuống được F3 bằng chest voice với sức nặng như Thanh Tuyền trong ca khúc Kiếp nghèo. Cô cũng có thể hát nhiều đoạn trầm liên tiếp ở F3, F#3, G3, G#3 một cách thoải mái, nhả vào từng chữ mà không bị mờ.

Việc chuyển giọng liên tục trên các quãng từ cao xuống thấp, trải dài trong gần 2 quãng tám với sức nặng và chắc khỏe khi hát một ca khúc Bolero như Thanh Tuyền là điều cực kì khó nhằn, nếu không muốn nói là thách đố các ca sĩ Bolero ngày nay.

Xét về ngũ cung, các giọng full lirico soprano khác thường thuộc hành thủy, hoặc thủy pha kim, mộc pha kim, nhưng Thanh Tuyền lại thuần kim chính cách. Chưa kể, kết cấu thanh quản và xoang mặt đặc biệt biệt giúp cô có được độ vang bẩm sinh trong giọng hát (tương tự Whitney Houston).

Chính vì vậy, giọng hát Thanh Tuyền khi lên cao như cá gặp nước, sang sảng và trong trẻo, hội tụ đủ tính chất vang, rền, nền, nảy. Nó sáng và vang như tiếng đại hồng chung, bay xa và nảy trong không gian như một thứ kim loại quý hiếm.

Nói cách khác, mỗi khi hát, Thanh Tuyền tạo ra thứ âm thanh tráng lệ giống vàng mười, dội vào tai người nghe sự choáng ngợp và hào quang kì diệu như được chiêm ngưỡng một kì quan nào đó.

Điều này được thể hiện rõ nhất khi Thanh Tuyền nhảy lên quãng mixed voice tầm B4 tới D5. Khi đó, trong tần số vibrato của cô nảy lên độ rung độc đáo, nổi bần bật và bay xa như đang tung ra những chuỗi ngọc trong không gian vậy.

Về màu sắc, có thể ví tiếng hát Thanh Tuyền với màu hoàng yến rực rỡ xôn xao trong ánh nắng chói lòa. Chính nhờ âm sắc tuyệt vời, sang sảng hiếm có đó mà Thanh Tuyền đã nổi bật hơn hẳn Hương Lan (cũng là một giọng hát giàu âm sắc) khi hát chung với nhau.

Để hợp với thị hiếu khán giả và thể hiện đúng chất Bolero, Thanh Tuyền thường dùng lối hát bạch thanh, nhốt sâu âm thanh vào cuống họng mỗi khi lên cao.

Cách hát này không đúng chuẩn thanh nhạc kinh điển. Nó khiến những nốt cao của cô tuy sáng rực rỡ nhưng hơi gắt và nhọn như mũi dao đâm toạc không gian. Vì lẽ đó, một số người cho rằng giọng Thanh Tuyền không đẹp.

Tuy nhiên, trên thực tế, âm sắc giọng Thanh Tuyền lại rất đẹp vì có đủ độ ấm và đầy đặn nếu ngoại trừ những lúc sử dụng bạch thanh để lên cao.

Chẳng hạn, khi dùng falsetto (giọng gió) trên airy voice (âm hơi) để bỏ nhỏ, cô tạo được những quãng âm vô cùng mượt mà và mềm dịu, ngọt như mật, êm như nhung. Có thể thấy rõ điều này qua ca khúc Đà Lạt hoàng hôn.

Với những tiềm năng quý báu như vậy, giọng hát Thanh Tuyền thực sự là niềm khao khát của nhiều ca sĩ ngày nay, kể cả Bolero và ngoài Bolero. Thẳng thắn mà nói, nếu Thanh Tuyền được rèn luyện được rèn luyện theo chuẩn mực thanh nhạc cổ điển Tây phương, cô sẽ vô địch trong các giọng nữ cao ở Việt Nam.

Lối hát góp phần định hình Bolero

Thanh Tuyền không phải người khai phá Bolero. Trước cô đã có nhiều danh ca khác như Duy Khánh, Hà Thanh, Chế Linh, Phương Dung, Thanh Thúy, Hoàng Oanh…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, lối hát đặc biệt và đậm chất kĩ thuật của Thanh Tuyền đã góp phần không nhỏ vào việc định hình phong cách Bolero đương đại.

Thanh Tuyền tận dụng triệt để các lối hát truyền thống của dân ca vùng miền như nảy tiếng, đổ hột, vọng cổ câu vô và biến tấu, tinh giản đi cho phù hợp với Bolero một cách hài hòa nhất, chứ không chỉ đơn giản là luyến láy theo nhịp điệu.

Trong thanh nhạc, người ta gọi đây là sự thêm thắt, trang trí cho nốt nhạc lộng lẫy và đa dạng hơn.

Mục đích của việc sử dụng các kĩ thuật này là thổi điệu hồn dân tộc đượm hơn vào Bolero, biến nó từ ngoại lai thành thể thức nhạc riêng của người Việt, dân dã và đi sâu từ nguồn cội.

Bởi vậy, chỉ cần nghe Thanh Tuyền ca Bolero, người ta đã thấy mở ra cả một không gian miền quê Nam Bộ thôn dã. Không những vậy, khán giả còn tìm thấy âm hưởng của biết bao loại dân ca trải khắp ba miền đất nước. Trong đó có bóng dáng của quan họ, ả đào, ca Huế, vọng cổ…

Thanh Tuyền chọn cho mình cách hát trễ nải, nỉ non và mùi mẫn, ngọt lịm. Độ ngọt và mùi cô đưa vào bài hát thường nhiều hơn mức thông thường, đôi khi dư dả. Chính vì thế, cô thường bị xem là điển hình của lối hát sến.

Nhưng Thanh Tuyền không hề bận tâm về điều đó. Cô từng nói: "Trong nghệ thuật, việc quan trọng là khán giả tiếp nhận tiếng hát của mình như thế nào, và mỗi dòng nhạc đều có những tầng lớp khán giả khác nhau, nên sến hay không sến, tôi đều không quan tâm".

Quả thực, Thanh Tuyền có sến, nhưng cái sến của cô không hề cứng nhắc, gượng ép, làm cho cố như nhiều ca sĩ sau này, mà hoàn toàn tự nhiên, mùi mẫn, đa sầu đa cảm. Chính lối hát này đã trở thành phần cơ bản của Bolero.

Giống như Thái Thanh, tiếng hát Thanh Tuyền không dễ tiếp nhận, vì nó quá "mùi", quá "cảm", ai mới nghe sẽ cảm thấy hơi khó chịu vì chất bi cảm quá lớn của nó.

Nhưng nếu đã nghe quen, người nghe sẽ bị nghiện tiếng hát ấy, nghiện chất mùi mẫn ấy, không dứt ra được. Hai tiếng hát này hệt như một quả sầu riêng, mùi rất nồng, bay rất xa và rất đậm, người không quen thì không thích, nhưng đã quen thì có đắt mấy cũng muốn mua về để thưởng thức cho đặng.

Nhược điểm cố hữu của Thanh Tuyền là hát không rõ chữ và hay bị bóp méo âm tiết. Chẳng hạn, /ơi/ thành /ươi/, /âu/ thành /uâu/, /iên/ thành /in/, /iêu/ thành /iu/… Điều này khiến nhiều người nghe cảm thấy hơi khó chịu, giống như nghe một người hát ngọng.

Tuy nhiên, có thể đó là lối hát riêng của cô và nếu đã nghe quen rồi thì sẽ vẫn thấy hay.

Thanh Tuyền từng nói: "Tôi luôn hát như thể ngày mai sẽ không được hát nữa. Tôi muốn hát đến hơi thở cuối cùng và nếu còn được hát nữa thì tôi vẫn cứ hát".

Kĩ thuật hát Bolero đạt tới ngưỡng bậc thầy – ít ca sĩ nào sánh kịp

Thanh Tuyền được rèn giũa từ nhỏ bởi cặp ca sĩ – nhạc sĩ Mạnh Phát, Minh Diệu. Sau này, cô lại được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dìu dắt. Vì vậy, đã sở hữu được những kĩ thuật bậc thầy của dòng nhạc Bolero, có thể xem là tôn chỉ cho nhiều thế hệ ca sĩ sau này.

Việc hỗ trợ hơi thở tốt từ cơ hoành và buồng phổi lớn giúp Thanh Tuyền có được cột hơi vững chắc.

Cô có thể giữ hơi hàng chục giây với đủ các luyến láy, chuyển giọng mà vẫn đều trằn trặn từ đầu tới cuối, không có dấu hiệu đứt khúc hay đuối dần. Nhờ đó, legato của Thanh Tuyền khá đẹp, mềm mại và liền mạch, trôi chảy như một dòng suối.

Nhờ kiểm soát hơi thở tốt, Thanh Tuyền có thể sử dụng twang để lên cao. Đây là kĩ thuật đặc biệt của các ca sĩ hát nhạc Country và Folk (trên khắp thế giới), đã được Thanh Tuyền lĩnh hội.

Theo đó, khi hát nốt cao, cô thường thu hẹp khoảng không gian phía sau dây thanh đới và bật mạnh các phần tử khí lên vùng đỉnh trán để bắn thẳng ra ngoài.

Bởi vậy, tiếng hát Thanh Tuyền khi lên cao thường bị bẹt và hơi mỏng đi, nhưng vẫn có lực mạnh, độ vang lớn và nghe khá thoải mái, tốn ít sức.

Người nghe có cảm giác như Thanh Tuyền chỉ cần mở miệng ra là đã chạm được tới nốt cao đó mà không cần chút gắng gượng, lên gân nào. Đây chính là cách hát kinh điển của Bolero học thuật.

Chẳng hạn, trong ca khúc Nỗi buồn hoa phượng, Thanh Tuyền bắt tông treo cao hơn hẳn những ca sĩ khác, và liên tục giữ ở độ cao như vậy xuyên suốt toàn bài.

Rất khó để một ca sĩ khác cover lại với đúng tông giọng đó mà vẫn thoải mái, giữ được sự ngọt ngào như vậy.

Trong hầu hết các ca khúc mà Thanh Tuyền thể hiện đều có những đoạn mixed cao tới B4, C5, thậm chí là D5 băng giọng thật, với lực âm lớn mà không hề bị cao thanh quản hay strain (căng thẳng).

Với đà hát đó, nếu không bị bó buộc bởi khuôn nhạc Bolero, cô hoàn toàn có thể mixed voice (hát giọng pha) tới F5 ngang ngửa Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương.

Đó cũng là lí do vì sao Thanh Tuyền giữ giọng rất tốt. Ở tuổi gần 70, cô vẫn liên tục hát tông cao với nội lực căng tràn, chất giọng đanh quánh, khiến nhiều ca sĩ trẻ phải ngả mũ thán phục.

Kĩ năng passagio (chuyển giọng) và điều khiển âm lượng của Thanh Tuyền cũng rất tốt. Cô có thể bỏ nhỏ một cách nhẹ nhàng, mượt mà khi đang căng tràn nốt cao đầy nội lực chỉ trong một làn hơi, hay đổi tông liên tục từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao với âm sắc đối lập nhau mà không gặp sự cản trở nào.

Kĩ năng chuyển giọng giữa giọng thật và giả thanh của Thanh Tuyền cũng khá linh hoạt. Thông thường, cô có thể đang căng tràn giọng thật trên cao đổ xuống airy voice tà tà với độ soft lớn, tạo độ ngọt lịm như mật.

Tuy nhiên, ở một số ca khúc, cô lại đẩy giả thanh lên tận F5, G5, G#5 và A5 mà vẫn đầy đặn, liền mạch với nhạc phổ, không hề bị chua, gắt hay rơi vào sự phô diễn.

Chưa kể, ở đa số các bài hát Thanh Tuyền thể hiện, cô đều chuyển giọng qua lại liên tục giữa chest voice, light mixed và falsetto ở từng câu từng chữ. Nó liền mạch tới mức, nghe qua sẽ rất khó để nhận ra có sự chuyển giọng giữa các từ.

Nếu nghĩ rằng ca sĩ Bolero thường hát giản đơn thì đó không phải là Thanh Tuyền. Cô thường sử dụng nhiều kĩ thuật trong một ca khúc, như nảy hột, nảy chữ và thậm chí là cả yodeling hay run/riff (những kĩ thuật mang tính linh hoạt).

Điểm đặc biệt là các kĩ thuật này đều được Thanh Tuyền sử dụng để tăng độ mùi, độ ngọt cho bài hát nên xuất hiện khá kín, không để lộ sự phô diễn. Đó mới chính là sự tinh tế của một ca sĩ Bolero.

Điển hình là những cú trills của cô trong ca khúc Giờ này anh ở đâu hay hàng loạt đoạn yodeling ẩn giấu trong Vọng gác đêm sương.

Cần so sánh ca khúc Biển tình qua tiếng hát Thanh Tuyền và Lệ Quyên, khán giả sẽ thấy được sự khác biệt giữa việc dụng công kĩ thuật trong từng câu chữ với lối hát bình thường hóa Bolero ngày nay.

Niềm đam mê âm nhạc giúp tiếng hát tồn tại lâu bền

So với những ca sĩ cùng thời, Thanh Tuyền được xem là có phong độ lâu và giữ giọng tốt nhất. Chẳng ai có thể tin nổi một ca sĩ ở độ tuổi 70 tuổi mà mỗi lần cất giọng lên đều sáng chói, căng tràn đầy sức lực như cô.

Những nốt cao rực rỡ, ngồn ngộn như muốn xuyên thủng khán phòng là điều hiếm thấy ở một ca sĩ ở độ tuổi của Thanh Tuyền.

Người ta tưởng rằng, Thanh Tuyền phải có một cuộc sống viên mãn lắm nên mới giữ giọng được như vậy. Nhưng trên thực tế, đời sống riêng của cô gặp khá nhiều trắc trở .

Yếu tố cốt lõi giúp Thanh Tuyền giữ giọng lâu bền như vậy chính là niềm đam mê ca hát của cô. Thanh Tuyền từng nói: "Tôi luôn hát như thể ngày mai sẽ không được hát nữa. Tôi muốn hát đến hơi thở cuối cùng và nếu còn được hát nữa thì tôi vẫn cứ hát".

Niềm đam mê ca hát ấy đã luôn giữ Thanh Tuyền đứng vững trên sân khấu suốt nhiều năm qua và không hề suy chuyển theo thời gian.

Nhìn Thanh Tuyền đứng trên sân khấu, ai cũng thấy sự tươi trẻ, căng tràn sức sống và ngọn lửa đam mê cháy trong cô.

Cô hát như đang khiêu vũ, cơ thể uyển chuyển, dẻo dai, bờ vai lúc nào cũng hướng về phía trước và hai tay thì luôn đưa ra.

Những hành động này cho thấy cô luôn khát khao hát và muốn được bung hết mình ra, nếu kìm lại sẽ rất khó chịu.

Với những tài năng và cống hiến trên, Thanh Tuyền xứng đáng là diva của dòng nhạc Bolero Việt Nam. Tiếng hát cực phẩm của cô luôn là niềm khao khát của nhiều thế hệ đàn em sau này.

Long Phạm

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

6 ĐIỀU TRẺ HỌC ĐƯỢC TỪ TRUYỆN NGẮN BỒ CÔNG ANH TRONG DORAEMON

Bồ công anh là một mẩu truyện ngắn trong Doraemon. Nội dung có thể tóm tắt như sau:
Nobita trong lúc định vất cây bồ công anh đang nảy mầm đi đã được Doraemon cho mượn mắt kính thần kỳ. Vừa đeo vào, Nobita đã thấy bồ công anh có linh hồn, cảm xúc, biết khóc cười, biết trò chuyện.
Nobita động lòng thương nên đã tìm cách đem trồng bồ công anh ra vườn và chăm bón nó, bảo vệ nó qua nắng mưa, bão tố. Từ đó, cậu được chứng kiến câu chuyện giữa mẹ con bồ công anh. Khi bồ công anh con sợ hãi không muốn rời mẹ bay theo gió, bồ công anh mẹ đã kể chuyện để động viên nó. Cuối cùng, bồ công anh con tự tin thả mình bay lên theo gió để tới nảy mầm ở những vùng đất mới.
1. Tình mẫu tử.
2. Tình yêu thiên nhiên, cây cỏ => ý thức bảo vệ môi trường.
3. Tình yêu cuộc sống xung quanh, yêu và biết trân trọng cả những thứ nhỏ nhất như cây cỏ dại => nâng cao sự tinh tế trong thế giới quan, cảm nhận.
4. Trí tưởng tượng, sáng tạo, nhân cách hóa, nhìn mọi thứ đều có tâm hồn, cảm xúc => học được cách ứng xử với thế giới, vạn vật quanh mình một cách nhân hậu, hài hòa,
5. Sống có niềm tin, biết ước mơ, hi vọng để vươn cao hơn. Có tinh thần khám phá, dám đi xa.
6. Nuôi dưỡng trái tim, nhân cách trẻ, giúp trẻ sống nhân văn, nhân đạo và biết thấu hiểu hơn.
"Mẹ không thấy sợ, mẹ đã được nhìn thấy thế giới rộng lớn. Khi mệt mỏi, mẹ nghỉ ngơi trên nóc toa xe lửa. Đêm đến, mẹ khóc vì cô đơn, nhưng mặt trăng đã an ủi mẹ. Nhưng đến bây giờ, mẹ chỉ còn nhớ cảm giác khi được nhìn thấy đại dương rộng lớn ngoài kia. Mẹ vui vì đã đi xa đến thế" - Lời bồ công anh mẹ nói với bồ công anh con.

TRẺ EM NÊN ĐỌC DORAEMON HƠN LÀ MỘT SỐ MẨU TRUYỆN ĐẠO ĐỨC TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Thứ khiến mình nghĩ nên cho trẻ đọc Doraemon hơn là một số mẩu truyện giáo dục đạo đức trong sách giáo khoa hiện nay là bài học cuộc sống trong Doraemon đến một cách rất tự nhiên, dung dị và đầy cảm xúc, có tính nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ, chứ không cứng nhắc, mô típ và gượng ép như các mẩu truyện kia.
Có thể thấy, đa số các mẩu truyện giáo dục đạo đức trong sách giáo khoa hay các sách tại Việt Nam hiện nay đều đi theo mô típ chung là lồng những lời giáo huấn vào, nhưng rất gượng ép, lộ liễu và thiếu cảm xúc.
Người viết chỉ chăm chăm lồng ghép các bài học, lời giáo huấn vào mà quên đi việc xây dựng cốt truyện, phát triển tâm lí nhân vật. Thành ra, câu chuyện trở nên khô cứng, đơn điệu, thiếu sinh động. Nhân vật trong truyện chẳng khác nào những con robot hành động và nói theo ý muốn người viết, không phát triển tính cách, đời sống riêng, nên thiếu gần gũi, ít giá trị nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ.
Chẳng hạn, rất nhiều câu chuyện viết theo kiểu cháu bé A chơi với bạn nhưng hành động sai, người lớn B xuất hiện và chỉ dạy, hoặc cháu bé A sẽ nhận phải một bài học đáng giá.
Như vậy, người lớn trong những mẩu truyện này cực kì thiếu tính hình tượng văn học và khô khan, không gần gũi. Người lớn hiện ra nhưng vị thần hoàn hảo, không có lỗi lầm gì. Trong khi người lớn bên ngoài đầy tật xấu, và trẻ thừa biết hết. Bởi vậy, trẻ sẽ cảm thấy chán ngắt khi đọc những người lớn toàn diện, khô khan như trong truyện.
Không có mô tả ảnh.
Trong khi đó, người lớn trong Doreamon thực tế, sinh động hơn, họ không phải khuôn mẫu toàn bách, vẫn có thói hư, tật xấu, như đưa từ đời thực vào. Nhưng cái quan trọng, họ vẫn có trái tim, vẫn biết yêu thương con cái, chăm sóc con cái và có tiếng nói riêng, tâm hồn riêng, suy nghĩ riêng về tình yêu, cuộc sống, như ông Nobi, bà Nobi.
Ông Nobi đầy tật xấu như ngồi rung đùi, hút thuốc lá, nhưng ông sẵn sàng từ chối một cô gái nhà giàu, từ bỏ ước mơ vẽ tranh để yêu bà Nobi...
Những câu chuyện giáo dục trong Doreamon được thiết kế vô cùng sinh động, đa dạng, có chiều sâu và nhân cách hóa. Chẳng hạn, câu chuyện về tình mẫu tử được diễn biến đầy xúc động qua cuộc sống của mẹ con bồ công anh. Cũng qua câu chuyện này, trẻ biết yêu hơn đồng quê, hoa cỏ dại, thiên nhiên quanh trẻ. Hình những cánh bồ công anh bay lên vẽ nên cả một trời ước mơ thật trong sáng. Mình yêu đồng quê, cỏ cây hơn nhờ những mẩu truyện như thế này.
Hay, trẻ nào cũng từng khóc và xúc động khi đọc tới đoạn Nobita về quá khứ thăm bà ngoại, được bà yêu thương như thế nào, nhưng cuối cùng bà cũng phải ra đi vì tuổi già, còn Nobita phải lớn lên.
Và còn rất nhiều ý nghĩa, giá trị khác ở Doraemon, nhưng tóm lại vẫn là những bài học cuộc sống sinh động, giàu cảm xúc, nuôi dưỡng được tình yêu và tâm hồn trẻ.