Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Trường phái 'Thanh Lam' – Trường phái 'Người đàn bà hát'

 Bản lĩnh lớn của một cái tôi cuồng loạn, đầy đam mê đã giúp Thanh Lam kiến tạo nên trường phái của riêng mình trong lịch sử nhạc Việt – trường phái của Người đàn bà hát.

Không ai có thể tẩy đi nét vẽ của Thanh Lam, vì suốt hơn 30 năm qua, chị đã hoạt động bền bỉ để tạo nên một trường phái riêng biệt, mang đậm bản ngã cá nhân của mình, không lẫn với bất cứ nghệ sĩ hay dòng nhạc nào.

truong phai thanh lam truong phai nguoi dan ba hat
Trường phái Thanh Lam – Trường phái 'Người đàn bà hát' (Ảnh: Vietnamnet)

Không phải bỗng dưng mà Mỹ Linh nói rằng: “Ở Việt Nam này, nếu có diva thì chỉ có thể là Lê Dung và Thanh Lam”. Dù Thanh Lam không bao giờ tự nhận mình là diva hay một cái gì đó quá ghê gớm về giọng hát, nhưng quả thực, giọng hát thiên bẩm của chị là báu vật cho nhạc Việt.

Vào thưở ban đầu của nhạc Việt sau khi thống nhất, ở miền Bắc, người ta thường chuộng các giọng nữ cao trữ tình, có khả năng hát đẹp theo thanh nhạc chính thống. Nhưng Thanh Lam không phải “chim sơn ca” hay “chim họa mi” theo thẩm mỹ truyền thống đó, chị mang đến một giọng hát trần tục và phồn thực hơn. Đó là tiếng hát của Người đàn bà đam mê tình ái và khát khao cuộc sống. Chính giọng hát này đã đem tới một màu sắc riêng biệt cho nhạc Việt và góp phần thay đổi thẩm mỹ âm nhạc của khán giả.

Bẩm sinh Thanh Lam sở hữu giọng nữ trung trữ tình rất sâu và dày, có độ solid đậm đặc, phát triển mạnh mẽ trên quãng trung và trầm. Không những vậy, âm sắc của Thanh Lam còn rất đẹp, nó tròn trịa, đầy đặc và ấm áp, không thể chê vào đâu được.

Đẹp chưa đủ, nó còn lạ và độc. Các giảng viên ở nhạc viện Ukraine sau khi nghe xong một màn trình diễn của Thanh Lam đã phải bất ngờ và cho rằng, hiếm ca sĩ châu Á nào có “độ khè” đặc biệt trong giọng hát như Thanh Lam. Bởi thế, chỉ cần Thanh Lam cất giọng lên đã đủ khiến chị nổi bật hơn mọi ca sĩ khác hát chung, chứ chưa cần phô diễn kĩ thuật.

Bằng giọng hát đặc biệt này, Thanh Lam đã vượt qua nhiều ca sĩ tài năng như Hồng Nhung, Ngọc Sơn, Thu Phương, Bằng Kiều, Y Moan, Thùy Dung… để trở thành ca sĩ duy nhất đoạt giải Lớn (trên cả giải nhất) trong cuộc thi Đơn ca Nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991 với số điểm tuyệt đối.

truong phai thanh lam truong phai nguoi dan ba hat
Như vậy, ngay từ thưở ban đầu, Thanh Lam đã tự khẳng định vị thế số 1 của mình trong làng nhạc nhẹ Việt Nam.

Ngay từ những bản live ở giai đoạn đầu sự nghiệp, dù còn rất trẻ, nhưng Thanh Lam đã tỏ rõ được chất giọng đặc biệt có một không hai của mình, không kém cạnh bất cứ ca sĩ quốc tế nào và vượt trội hơn hẳn các thế hệ ca sĩ Việt sau này.

Dường như nhận thức rõ được thế mạnh này của mình, Thanh Lam không chạy theo quãng cao như nhiều ca sĩ khác. Dù có thể scream tới C5, D5 và đỉnh điểm tới Eb7 (kỉ lục note cao ở Việt Nam) nhưng Thanh Lam lại tập trung vào quãng trung trầm (F3 – B4) và phát triển mạnh mẽ nó bằng kĩ thuật cộng minh sở trường, biến chị thành cơn lốc sân khấu đúng cả nghĩa đen lẫn bóng.

Theo nghĩa đen, giọng hát Thanh Lam giống như một người khổng lồ, tích hợp giữa âm lượng lớn, trường hơi khỏe, cột hơi vững chãi và kĩ thuật cộng minh đỉnh cao để đạt tới độ rền khủng khiếp, sẵn sàng lấp đầy cả sân khấu và thổi bay mọi thứ xung quanh để độc tôn một ngôi vị Lam duy nhất – ngôi vị của nữ hoàng.

Theo nghĩa bóng, Thanh Lam hơn người chính ở bản lãnh sân khấu mạnh mẽ. Cứ mỗi khi chị bước ra là cả không gian phải nghiêng mình cúi đầu trước thần thái quá diva, quá quyền lực toát ra ở chị, từ ánh mắt long lanh sắc lạnh đến nụ cười sảng khoái vương giả. Không phải ca sĩ nào cũng có được cái thần thái sang chảnh, gai góc mà vẫn đậm đà quyến rũ như thế. Nhìn chị đứng trên sân khấu với ánh mắt đó, người ta không khỏi liên tưởng tới Maria Callas hay Birgit Nilsson – những diva mà chỉ nhìn thôi đã muốn quỳ gối trước họ.

Không những vậy, phong cách trình diễn của Thanh Lam lúc nào cũng hừng hực đam mê, ngồn ngộn nhựa sống. Từng cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ của chị đều thở ra sự cháy bỏng, căng tràn. Chưa có nữ ca sĩ Việt Nam nào mỗi khi hát tới đoạn cao trào là lại ngửa toàn bộ cơ thể về phía sau để đưa cả khuôn mặt lên trời, dang rộng hai tay như muốn ôm cả sự sống rồi phát tiết ngùn ngụt qua giọng hát bão lửa của mình giống Thanh Lam.

truong phai thanh lam truong phai nguoi dan ba hat
Phong cách trình diễn của Thanh Lam lúc nào cũng hừng hực đam mê, ngồn ngộn nhựa sống. (Ảnh: TTVH)

Trong lối trình diễn này, chị rất giống với Whitney Houston. Và có lẽ, cả Thanh Lam lẫn Whitney đều có chung một có chung một đặc điểm, dù hát về niềm vui hay nỗi buồn cũng không bao giờ bi lụy, mà vẫn luôn căng tràn đam mê, truyền lửa được tới người nghe để khiến họ phấn chấn hơn. Sự phấn chấn ấy, người ta gọi là đạt tới đẳng cấp tạo bão cảm xúc bằng giọng hát. Đó chính là cơn bão Thanh Lam tạo ra trên sân khấu, và cũng là nét chấm phá riêng trong trường phái mang tên chị.

Thanh Lam của ngày xưa là một Thanh Lam đằm thắm, xứng đáng với danh xưng Nữ hoàng nhạc nhẹ. Trong từng câu chị hát đều ẩn chứa biết bao nỗi niềm, khắc khoải đa đoan của nhiều kiếp người, kiếp tình. Từ thời hoàng kim, chị đã tự tạo nên những đặc trưng cho trường phái của mình bằng lối hát khắc khoải, ưu sầu, hát mà như thủ thỉ, tâm tình, đãi chữ dài hơn, hơi "rên rỉ" để bộc lộ nội tâm bùng cháy, bản năng của người phụ nữ, và kèm theo chất liêu trai, ma mị ở những quãng trầm bổng, luyến láy, nhưng vô cùng chắc chữ, rõ lời.

Nói đến chữ “sâu” của cảm xúc, chắc chẳng mấy ai ở Việt Nam này đủ sâu và thẳm hơn Thanh Lam. Chị chơi đùa với từng con chữ trên từng phím nhạc mà vẫn đầy duyên dáng. Nghe chị hát ngày ấy mà tái tê cõi lòng. Phải tuyệt vời thế nào mới khiến khán giả mới đội mưa mà nô nức đến nghe mình như Thanh Lam chứ.

Thanh Lam từng khiến khán giả đội mưa ngồi nghe mình hát

Từ hồi rời Quốc Trung, Thanh Lam không còn dịu dàng, đằm thắm nữa. Giông bão cuộc đời đã khiến chị trở nên mạnh mẽ và cuồng loạn hơn trong phong cách biểu diễn. Lam muốn tung ra tất cả những gì mình có để được cháy với đam mê của chính mình. Chị muốn hát như thể ngày mai sẽ không còn được hát nữa.

Chính điều này đã khiến nhiều người lên tiếng chỉ trích Thanh Lam là phá nát bài hát. Họ gọi chị là “nữ hoàng nhạc nặng”, hát chỉ gào thét, và không biết tiết chế. Đó là điều phi lí nhất về mặt thanh nhạc. Sẽ chẳng có ca sĩ nào gào thét mà có thể giữ giọng tuyệt vời ở cái tuổi của Thanh Lam.

Hơn nữa, nếu tiết chế, để ý tới lời này ý nọ thì Lam đã không còn là Lam. Lam bản năng, Lam phô diễn. Đó mới là điều làm nên trường phái Lam, một nét riêng có trong âm nhạc. Ai đó cần sự tiết chế, nhẹ nhàng, mời nghe ca sĩ khác.

Trong nghệ thuật, mỗi trường phái có một tôn chỉ “cực đoan” riêng để duy trì sự sống còn của họ. Nhạt nhòa hay ngoan ngoãn không làm nên trường phái. Và mỗi nghệ sĩ cũng cần có một bản ngã của riêng họ, Lam cũng vậy. Bản ngã của Lam là mạnh mẽ, cuồng nhiệt, đam mê, nó hợp với chất giọng nội lực của chị, nên chẳng việc gì chị phải giống ai. Khán giả không cảm thụ được vì họ quá quen với lối cũ, chứ không phải vì Lam. Tại sao ở Mỹ, những Patti Labelle, Aretha Franklin, Chaka Khan, Rachelle Farelle… vẫn thỏa sức thổi bay mọi thứ bằng sự phô diễn giọng hát của họ để trở thành tượng đài, còn Việt Nam thì không? Là một nghệ sĩ, đẩy được cái tôi cùng mình đến cùng cực để đào sâu nghệ thuật mới là điều cốt lõi.

Bởi vậy, việc Thanh Lam rời Quốc Trung và đổi thay phong cách không phải dại như người ta nói, mà chỉ là dấu mốc để chị tô đậm hơn trường phái của mình với các dòng nhạc mới như dân gian đương đại, đẩy nó lên tới cực điểm.

Trong công cuộc khai phá những dòng nhạc mới, Thanh Lam từng được khen ngợi là nữ ca sĩ có kĩ thuật cộng minh tốt nhất nhạc nhẹ Việt Nam. Dù lời khen đó không hẳn đã đúng, nhưng có lẽ, chị chính là người tiên phong cho việc sử dụng và sáng tạo lối hát cộng minh vào nhạc nhẹ Việt Nam, mở màn một lối hát mới - lối hát phô diễn giọng hát trên giọng ngực (thông qua cộng minh quãng trung), ở những khoảng âm to, dày, lớn cả về trường độ và cường độ, tràn đầy năng lượng.

Cách hát này giúp Thanh Lam thể hiện thành thần những ca khúc đòi hỏi tính sử thi, hùng tráng, với trường độ, âm lượng dồn dập của cả một dàn giao hưởng phía sau. Có lẽ, rất hiếm nữ ca sĩ nhạc nhẹ nào ở Việt Nam có thể làm được điều này.

Thanh Lam và tiếng hát 'sử thi'

"Trường phái Lam" còn nổi bật ở lối đãi chữ bè dài kéo ra ê a kèm theo những đổ hột rất nhẹ, nghe rất đam mê, rất “đàn bà” và phồn thực, cuồn cuộn nhựa sống.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa Thanh Lam lúc nào cũng phô diễn bất chấp tất cả. Mỗi khi song ca, chị rất tôn trọng bạn diễn, luôn bè phối rất tinh tế, nhịp nhàng để nâng mình, nâng bạn và nâng cả âm nhạc lên. Bởi thế, Thanh Lam thường xuyên được các nghệ sĩ mời song ca, vì họ thích sự hòa quyện ở chị.

Thanh Lam nhu lúc cần nhu và cương lúc cần cương. Chẳng hạn, khi song ca với Thu Minh, chị bùng cháy dữ dội để hợp với khí chất của đàn em. Người ta không hiểu lại cứ nghĩ chị thích đàn áp. Nhưng đến khi song ca với Hà Trần, chị lại vẫn dịu dàng và đằm thắm đến lạ lùng. Một trong những cặp song ca ăn ý nhất Việt Nam chính là Thanh Lam – Tùng Dương và Thanh Lam – Hà Trần.'Trường phái Lam' ngày nay đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều ca sĩ tại Việt Nam, đặc biệt là về kĩ thuật và lối hát. Đó thực sự là một trường phái đích thực và duy nhất trong nhạc nhẹ Việt đương đại.


Long Phạm


Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

LONG PHẠM KÝ SỰ (P4): VỀ HỒ QUỲNH HƯƠNG VÀ KỸ THUẬT HÁT LIVE

 Dạo này thấy nhiều bạn hay chê Hồ Quỳnh Hương là tenor Hương, crack từ B4, strain toàn bộ quãng 5.



Mình dám chắc trong tất cả những bạn đó, chưa một ai đi nghe Hồ Quỳnh Hương live ở ngoài :))) Và thậm chí, ngay cả với những ca sĩ mà họ đang khen nức nở, cũng chưa chắc họ được nghe những ca sĩ đó live ở ngoài để có sự so sánh.

Có một sự thật là không một đường truyền nào phản ánh đầy đủ chất lượng âm thanh bằng việc nghe trực tiếp ca sĩ hát live. Mọi clip trên Tiktok hay Youtube, Facebook đều chỉ thu về 1/5 tới 1/10 hiệu ứng âm thanh trực tiếp ngoài sân khấu. Đó là lí do vì sao mình luôn cố gắng đi xem ca sĩ hát live thay vì nghe qua Youtube để có được nhận định đúng đắn, khách quan hơn về họ. Và mình nghĩ nhiều khán giả cũng không dại gì bỏ ra vài triệu để nghe ca sĩ hát live trong khi họ có thể nghe free trên mạng, tiền nào của nấy thôi :)))

Hồi năm 2017, mình có được một bạn fan Hồ Quỳnh Hương rủ đi nghe chế hát tại đài truyền hình. Nói thật là hệ thống âm thanh của đài truyền hình thì không được xịn xò lắm so với những sân khấu thương mại khác mình từng đến, đã thế lại còn hát ngoài trời. Ca sĩ nào hát với sân khấu của đài truyền hình chắc cũng phải dè chừng lắm :))

Ấn tượng của mình về giọng hát Hồ Quỳnh Hương khi nghe trực tiếp là âm sắc quá đẹp, nữ cao nhưng ngọt, không có chút chua chói nào (mình không có ý so sánh nhưng mình đã nghe Thu Minh live ở ngoài và thấy có sự khác biệt rõ rệt về âm sắc).

Kỹ thuật hát mixed của Hồ Quỳnh Hương rất đỉnh, ở chỗ cứ mở miệng ra là giọng đã bay bay rồi, chứ không phải kiểu phóng thẳng, đập thẳng giọng vào mặt người nghe (cái này nghe live mới thấy chứ nghe qua youtube thì không thấy rõ).

Giọng hát rất nhẹ, không phải kiểu gồng gánh, cố bung lụa, bay và sáng (độ sáng hiếm có trong những giọng nữ cao mình từng nghe), hát mixed mọi lúc mọi nơi, mixed ở cả những chỗ nhả chữ bình thường nhất (chứ không phải cứ hát cao lên, tung hết ra mới là mixed như các bạn hay đo note), nghe cực kỳ dễ chịu. Và mình thích những kiểu giọng + lối hát như vậy.

Ấn tượng nhất là lúc hát Có nhau trọn đời, chế tung một note E5 sáng rực, vang và bay, rõ ràng là note cao và cần lực nhưng nghe vẫn nhẹ, thế mới hay. Đó mới là đẳng cấp kỹ thuật của Hồ Quỳnh Hương, tạo sự relax tuyệt đối cho người nghe (chứ không phải như nữ cao màu sắc thiện lành nào đó tự nhận hát an yên mà mỗi lần nghe chỉ muốn stress, tăng xông vì độ chua của giọng) :))) Mình có quay clip lại nhưng đúng là khi up lên Youtube thì lại chẳng còn hiệu ứng âm thanh giống như khi nghe live.

Bởi vậy, khuyên thật lòng các bạn, nếu có điều kiện thì chịu khó đi nghe ca sĩ live ở ngoài 1 lần rồi đánh giá vocal chưa muộn, chứ cứ chăm chăm cầm cái app đo note rồi bật Youtube nên thẩm thì thực sự hơi kỳ cục :))

P/s: Lúc chế Hương ra xe mình có nắm được tay chế :))) mềm dễ sợ =)))

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

LONG PHẠM KÝ SỰ (P2): VỀ SUMI JO VÀ GIỌNG HÁT BẬC THẦY





Hồi năm 2018, dàn nhạc của Sun Group có mời Sumi Jo về Việt Nam biểu diễn. Vừa nghe thông tin là mình ráo riết đi tìm vé mà khổ nỗi họ không bán vé, chỉ phát vé mời. Mình sợ không xin được vé nên lại đi hỏi một số người quen.

Kết quả là được anh divo Tùng Dương cho 2 vé hàng VIP, lại được chị thạc sĩ Nhật Huyền cho 2 vé nữa. Đến gần ngày thì không hiểu sao bên Sun lại gọi mình đến lấy tiếp 2 vé nữa, thành ra có tận 6 vé =))) Không biết làm gì nên rủ luôn bố mẹ và hai bạn fan Diva nữa từ Hải Phòng lên Hà Nội xem =)) Bố mẹ mình cũng mê âm nhạc nhưng do điều kiện nên chưa từng được tới dự một buổi trình diễn âm nhạc nào đúng nghĩa. Mình tranh thủ cho hai cụ được nghe một màn live đích thực :)))

Vì là đêm nhạc không bán vé nên khán giả đến xem toàn dân trong nghề với những người VIP. Mình để ý thấy nhiều nghệ sĩ, nhạc công, dân thính phòng, còn lại toàn doanh nhân và người Nhật, Hàn. Bên cạnh đó còn có kha khá fan Diva của page như bạn Trần Nam Hoàng, Callas Mỹ Nhân, Nguyễn Đức Dương, Phạm Ngọc Huy... Nhiều bạn bay từ trong Nam, miền Trung ra Hà Nội để được nghe Sumi Jo. Điều đó chứng tỏ sức hút của mợ là rất lớn dù mợ chẳng PR bao giờ. Đêm nhạc thậm chí còn không thèm họp báo hay lên truyền thông nhưng vẫn kín khách =)))

Về Sumi Jo thì ở ngoài mợ khá nhỏ nhắn (thực sự cảm thấy nể phục khi một người phụ nữ nhỏ bé như vậy lại lại có giọng hát khủng đến thế). Mợ nói tiếng Anh rất chuẩn, thiếu điều nói tiếng Việt nữa là xong =)))

Về giọng hát của mợ thì không còn ngôn từ nào để diễn tả. Trước giờ vẫn nghe qua Youtube và biết mợ đỉnh lắm rồi nhưng khi nghe live không mic mới thấy những gì Youtube truyền tải chỉ còn lại 1/10. Tức là, giọng hát của mợ nếu nghe trực tiếp không mic sẽ thấy đỉnh gấp 10 lần các bạn nghe qua Youtube.

Mình đã nghe rất nhiều ca sĩ hát live ở ngoài, từ trong nước tới nước ngoài. Nhưng phải thừa nhận rằng, không một ai chạm tới đẳng cấp của Sumi Jo.

Để miêu tả bằng ngôn từ thì rất khó vì cảm giác nghe mợ hát khác hoàn toàn với các ca sĩ khác. Đó là một vị trí âm thanh khác nên khi nghe mợ live, các bạn sẽ không có cảm giác âm thanh từ phía ca sĩ phóng thẳng vào mặt mình như những người khác mà theo kiểu từ phía trên đầu vang xuống (đúng nghĩa head voice), tỏa từ 4 phía rồi vọng lại, lấp đầy mọi ngóc ngách trong nhà hát. Cảm giác nghe âm thanh đi từ 4 phía vọng về kiểu này chưa từng thấy ở các ca sĩ hát với mic :)))

Bằng một cách nào đó, mợ khiến giọng hát của mình bay trong không khí và nó cứ thế rót vào tai khán giả theo từng note nhạc, rất dễ chịu, khoan khoái.

Đặc biệt là, kỹ thuật cộng hưởng của mợ cực kỳ đáng sợ. Có những lúc, mợ hát pianissimo nhỏ li ti, âm lượng phải nói là được vuốt xuống rất nhỏ, như kiểu thở ra nhưng vẫn vang vọng khắp nhà hát, ngồi tận hàng ghế cuối cùng vẫn nghe rõ mồn một.

Mình đã tự kiểm chứng bằng cách, lúc đầu mình ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Lúc sau mình đổi với bố sang hàng ghế thứ 3 (gần sát sân khấu). Thực sự thì ngồi ở hàng ghế cuối nghe lại hay hơn là ngồi gần nữa =)) Đúng là kỹ năng ca sĩ bậc thầy khi hát không mic.

Và giọng mợ không hề nhỏ (hoặc kỹ thuật quá tốt nên âm lượng được đẩy lên dữ dội). Dàn nhạc có chơi lớn cỡ nào mợ cũng cân hết. Eb6 phải nói là như cơn bão cuộn tung cái nhà hát :)))

Mợ cũng thân thiện lắm nhé. Hát xong mợ chịu khó ra phía đại sảnh ký cho từng khán giả và không ngại chụp ảnh chung (mình ké chụp với mợ được một kiểu kaka). Kiểu của mợ là nhí nhảnh, biểu cảm đúng kiểu chiến thần selfie. Không thể tin mợ đã gần 60 tuổi :)))

Lúc ra về mình có thấy mợ bước từ phía sau ra ô tô. Má, thần thái lúc đó mới slay, mặc bộ suit đó, walk đúng chất Diva sang chảnh =)))

Chốt lại, Sumi Jo là ca sĩ hát đỉnh nhất mình từng nghe. Hi vọng sau này có cơ hội được nghe lại mợ :)))

LONG PHẠM KÝ SỰ (P1): VỀ HỒ NGỌC HÀ VÀ SỰ TINH TẾ TRONG TỪNG HÀNH ĐỘNG




Mình không bàn tới những chuyện sâu xa đời tư hay con người bên trong nghệ sĩ vì mình không phải chính họ hay người thân cận với họ để biết rõ nội tình, vậy nên mọi scandal này nọ không nên quan tâm quá nhiều. Mình chỉ thích bàn về âm nhạc và giọng hát của họ.

Nhưng với Hồ Ngọc Hà mà mình từng tiếp xúc qua, mình thấy chị là người cực khéo và tinh tế trong từng hành động. Chỉ riêng điều này đã đủ khiến mình hiểu vì sao Hồ Ngọc Hà luôn thành công và quy tụ được quanh mình những người giỏi như Đức Trí, Hoài Sa, Thanh Bùi...
Hôm đó là dịp cuối năm, Hồ Ngọc Hà có mở tiệc nhỏ cảm ơn các nhà báo. Mình có đến dự và như thường lệ thì mọi người hay lên chụp ảnh cùng nghệ sĩ. Mình thấy thế nên cũng lên chụp với chị một bức.
Có một hành động rất tinh tế của Hồ Ngọc Hà mình nhận thấy, là khi chụp chung, chị chủ động tựa đầu chị vào đầu mình rồi cười, tạo cho mình cảm giác thân thiện, gần gũi dù chị là người nổi tiếng còn mình chỉ là phóng viên quèn :)))
Sau đó chị còn cười hỏi: "À, đây là Long Phạm chuyên viết bài vocal hả?". Ơ, thế hóa ra chị cũng đọc bài mình viết kaka :))
Lúc ra về, đích thân Hồ Ngọc Hà ra đứng ở cửa để tặng quà và cảm ơn từng người. Nói chung là chỉ riêng về khoản ứng xử văn minh, khéo léo thì Hồ Ngọc Hà xứng đáng được yêu quý.
P/s: Trong các nghệ sĩ mình từng gặp ở ngoài thì Hồ Ngọc Hà là một trong những người mình thấy đẹp nhất, đặc biệt khi cười. Mình cao 1m72 mà đứng vẫn thấp hơn chế dù chế đi giày bệt không thèm độn miếng đế nào :)))