Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Nữ danh ca hải ngoại Hương Lan lộ diện tại The Masked Singer đẳng cấp đáng gờm thế nào?

 Mới đây, đêm chung kết chương trình The Masked Singer đã diễn ra, với màn lộ diện đầy bất ngờ của danh ca Hương Lan trong mascot Cú Tây Bắc, khiến khán giả vỡ òa. Được biết, đây là lần hiếm hoi trong sự nghiệp của mình, danh ca Hương Lan chịu tham gia gameshow truyền hình và đưa nhiều nhạc phẩm bất hủ tới khán giả trẻ.

Kỹ thuật hát dân ca đỉnh cao ít ai qua mặt được

Danh ca Hương Lan sinh năm 1956 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cô là con gái của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước nên từ nhỏ đã được dạy hát và tiếp xúc với âm nhạc. Hương Lan bước lên sân khấu từ rất sớm, được báo giới ngày đó gọi là "thần đồng". Cô còn thường xuyên được đứng chung sân khấu với huyền thoại Thanh Nga.

Nữ danh ca hải ngoại lộ diện tại The Masked Singer đẳng cấp đáng gờm thế nào? - Ảnh 1.

Danh ca Hương Lan lộ diện

Sau này, Hương Lan nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình quê hương, dân ca và Bolero. Cô sở hữu tiếng hát đẹp lộng lẫy và mùi mẫn cảm xúc, cùng kỹ thuật hát dân ca điêu luyện ít ai sánh kịp, được xem là đàn chị, người thầy của nhiều thế hệ ca sĩ.

Đa số giới chuyên môn và khán giả đều nhận định rằng, về dòng nhạc dân ca Nam Bộ, không ai qua mặt được Hương Lan, cả về cảm xúc lẫn kỹ thuật. Cô là một trong số nữ ca sĩ hát dân ca Nam Bộ kỹ thuật nhất nhưng vẫn dạt dào cảm xúc.

Điều nổi bật ở Hương Lan là dù không được học hành trường lớp bài bản nhưng lại nổi tiếng có kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, đứng đầu trong các nữ ca sĩ hát nhạc trữ tình quê hương miền Nam.

Đa số ca sĩ chỉ phát triển quãng trầm, trung, hoặc cao tương ứng với loại giọng của họ. Nhưng ở Hương Lan, trình độ điều khiển giọng hát đã đến bậc thượng thừa. Cô có thể hát đẹp ở cả ba quãng trung, trầm, cao với sự nhất quán về âm sắc và support, cũng như độ tự nhiên, không chút khác biệt.

Dù là light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh) nhưng quãng trầm của Hương Lan rất tốt. Cô có thể xuống tới C3, support F3 đầy sức nặng và vô cùng rõ ràng. Hương Lan hát trầm còn tốt hơn cả một nữ trung như Lệ Quyên.

Chẳng hạn, trong Liên khúc Lòng mẹ - Ca dao mẹ, nếu nhiều ca sĩ mất kiểm soát và bị mờ đi ở G3 thì Hương Lan lại tỏ ra vững chãi và phát ra một cách dễ dàng.

Nữ danh ca hải ngoại lộ diện tại The Masked Singer đẳng cấp đáng gờm thế nào? - Ảnh 3.

Hương Lan hát trầm tròn vành và chắc nịch, nhưng quãng cao cũng vô cùng đẹp, ngang ngửa với các nữ cao khác như Ý Lan hay Hồ Quỳnh Hương.

Chẳng hạn, trong màn song ca Đố ai, nếu một số danh ca hơi mất kiểm soát ở C5 thì Hương Lan lại bình tĩnh đưa note nhạc đó lên một cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Hương Lan chuyển giọng cũng rất tốt, không lộ liễu như Hoàng Oanh và thậm chí ngọt hơn cả bậc thầy Thái Thanh. Thế nên, khi cô chuyển từ giọng thật sang giọng giả thanh, khán giả vẫn cảm thấy có sự liên kết liền mạch, mịn màng. Cũng trong bài hát Đố ai, Hương Lan ngân lên chữ "đố" và chuyển từ giọng thật qua giả thanh một cách ngọt ngào như dòng suối, kèm ngân rung tự nhiên vô cùng đẹp, như đưa người nghe vào một giấc mơ.

Không những vậy, và làn hơi bất tận của cô còn kéo dài từ chữ "đố" đến hết câu hát tiếp theo.

Có thể thấy, chỉ với một câu hát, Hương Lan đã thực hiện được những kỹ thuật chuẩn mực nhất của thanh nhạc cổ điển, từ vị trí âm thanh chuẩn xác, làn hơi vững chắc tới khả năng chuyển quãng linh hoạt và vibrato (ngân rung) vô cùng tự nhiên.

Là một cây đại thụ của dòng nhạc Bolero nên kĩ thuật luyến láy của Hương Lan thực sự đạt tới mức thượng thừa, ít ai sánh kịp. Một trong những kĩ thuật đỉnh cao cô từng thực hiện là mezzo trillo.

Nữ danh ca hải ngoại lộ diện tại The Masked Singer đẳng cấp đáng gờm thế nào? - Ảnh 4.

Cú Tây Bắc

Trillo (rung láy) là hát láy đi láy lại 2 note liên tiếp với tốc độ cao. Trillo đôi khi được kết hợp với một note cao ngân dài ngân dài sử dụng vibrato. Đây là kĩ thuật khó của dòng Opera Bel Canto Ý, rất hiếm khi được sử dụng trong nhạc đại chúng. Ngay cả trên thế giới, cũng rất ít diva thực hiện được trillo.

Tuy nhiên, Hương Lan vẫn dư sức sử dụng mezzo-trillo (rung láy ngắn) một cách nhẹ nhàng.

Có thể thấy, dù không qua trường lớp bài bản, nhưng kĩ thuật hát của Hương Lan rất tốt và thực hiện được cả những trang trí màu sắc, hoa mỹ. Nhưng vì yêu cầu của Bolero là sự mộc mạc, chân thành, nên khán giả ít thấy cô vắt vẻo những kĩ thuật phức tạp vào bài hát.

Hương Lan hát Bolero với tâm hồn của người con vọng cổ, cải lương, nên tạo ra một chất nhạc rất riêng, thấm đẫm màu sắc dân gian, dân ca. Với người nghe Bolero hiện đại, cách hát này có vẻ hơi cũ, nhưng lại là cách hát thuần Việt nhất.

Nói cách khác, Hương Lan đã biến Bolero từ dòng nhạc ngoại lai thành âm hưởng trọn vẹn của dân tộc.

Những quan điểm ca hát làm nên trường phái riêng, ảnh hưởng tới Quang Lê

Nhắc tới Hương Lan là nhắc tới một trong những giọng ca Bolero kỹ thuật và ngọt ngào. Cô tạo nên một trường phái hát Bolero riêng, ảnh hưởng tới nhiều ca sĩ sau này, trong đó có Quang Lê. Nam ca sĩ từng tâm sự, ngày trước anh hát rất kỳ, Hương Lan phải sửa cho anh rất nhiều.

Có lần Quang Lê thu âm một ca khúc nhưng trong lòng rất nản vì tự thấy mình không thể làm nó hay hơn. Hương Lan thấy thế liền qua chỉ cho anh cách nhấn nhá một số chỗ. Quang Lê học theo Hương Lan và thế là thành công ngoài mong đợi. Anh tâm sự tại một livestream:

"Tôi may mắn được nhờ mẹ Hương Lan dạy hát cho nên mới được như ngày hôm nay. Nói thật, trường phái của tôi và mẹ Hương Lan khác nhiều người lắm.

Nữ danh ca hải ngoại lộ diện tại The Masked Singer đẳng cấp đáng gờm thế nào? - Ảnh 5.

Nhiều người nghe tôi và mẹ Hương Lan hát không quen, muốn phải ngân nga tràn giang đại hải thì mới chịu nhưng hai mẹ con tôi không hát như thế.

Bản thân tôi khi nghe những ca sĩ hát Bolero khác mẹ Hương Lan cũng không quen. Nói đúng ra, trường phái Bolero của Hương Lan và Quang Lê giống nước mắm trong nhà hàng Pháp.

Mẹ con tôi hát rất gọn gàng. Nhiều học trò của tôi vẫn hỏi tôi cách Bolero chuẩn trường phái Hương Lan, tôi luôn bảo học trò phải nghe Hương Lan để học theo. Còn nếu nghe tôi thì nghe giai đoạn sau này, khi đã được mẹ Hương Lan chỉ dạy".

Về phía mình, Hương Lan cũng chia sẻ về quan điểm ca hát một cách nghiêm túc. Theo cô, trong một ca khúc sẽ có những nhấn nhá mà bản thân người nhạc sĩ khi viết ra cũng chưa nghĩ tới.

Người ca sĩ khi hát phải nghiên cứu kỹ lưỡng, biết cách nhấn nhá làm sao để tạo nên cho bài hát có thêm nhiều hương sắc. Có như vậy thì mới hát hay và truyền cảm xúc tới khán giả.

Cô nói: "Ai nghe tôi từ xưa đến giờ đều thấy cách hát của tôi vẫn vậy, không thay đổi. Tất nhiên, khi có tuổi thì giọng tôi chín chắn, trầm bổng hơn. Hồi trẻ có những nốt thấp tôi không hát được, giờ thì hát rất ngọt ngào, còn luyến láy thì vẫn thế.

Trong một câu, tôi phải giữ hơi dài để kéo được câu nọ sang câu kia. Tôi luôn dạy Quang Lê phải hát từ chỗ nào đến chỗ nào mới được thở. Lúc đó, Quang Lê kêu dài quá không hát được.

Tôi bảo: "Tại sao mẹ già rồi còn hát được, con còn trẻ lại không làm được? Con phải tập bằng được". Thế là Quang Lê tập thành công".


Long Phạm

Là diva Việt duy nhất được phong NSND, Thanh Lam tài giỏi cỡ nào?

 Ngày 28/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định về việc phong tặng danh hiệu NSND. Đi kèm quyết định là danh sách 42 nghệ sĩ có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Trong danh sách đợt 2 lần phong tặng NSND có tên NSƯT Thanh Lam. Cô cũng là diva duy nhất trong bộ tứ diva nhạc nhẹ Việt Nam được phong tặng NSND. Điều này khiến nhiều người thắc mắc về tài năng và cống hiến của Thanh Lam.

Tiên phong về kỹ thuật hát vào nhạc nhẹ Việt Nam

Cống hiến lớn nhất của Thanh Lam vào nhạc nhẹ Việt Nam là những tiên phong về mặt kỹ thuật hát, giúp âm nhạc được đổi mới về cách hát.

Là diva Việt duy nhất được phong NSND, Thanh Lam tài giỏi cỡ nào? - Ảnh 1.

Thanh Lam

Cộng minh trên quãng trung là kỹ thuật được Thanh Lam tiên phong vào nhạc nhẹ và cũng trở thành cách hát đặc trưng làm nên thương hiệu riêng của cô đến tận ngày nay.

Kỹ thuật này phù hợp với các giọng trung (ở Việt Nam thường là mezzo soprano và tenor 2), giúp họ phát huy thế mạnh, nội lực bẩm sinh của giọng hát. Theo đó, người ca sĩ chọn vị trí âm thanh vùng mask (mặt nạ) để cộng hưởng âm thanh bằng giọng ngực (chest voice) trên khoảng âm từ E4 tới A4.

Người hát sẽ biến đổi các âm tiết đóng sang hơi mở, phát âm khẩu hình tròn, hơi dựng lên trên, khác với lối hát rõ, sắc nét từng âm tiết của bạch thanh, lợi dụng các khoảng vang trong hộp sọ vùng phía trước để tạo độ vang, dàn trải cho giọng. Nhờ đó, ca sĩ hát tốn ít sức lực mà vẫn tạo được luồng âm thanh lớn, vang dội, cuộn trào và nổi trên nhạc.

Trước Thanh Lam, rất ít ca sĩ sử dụng cách hát cộng minh này, nhưng sau cô, nhiều đàn em đã học hỏi và làm theo. Hồng Ngọc là ca sĩ sử dụng cộng minh gần giống với Thanh Lam nhất vì cùng là nữ trung dày, trầm và có vị trí âm thanh khá giống nhau, tiếp đó là Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh… Tất nhiên, những ca sĩ này không đẩy cộng minh tới cùng cực trong giọng hát (tức là sử dụng mọi lúc mọi nơi) như Thanh Lam nên ít người nhận ra, nhưng vẫn thể hiện qua một số đoạn hát.

Thanh Lam là một trong những ca sĩ tiếp cận với nhạc Âu Mỹ sớm nhất ở miền Bắc trong giai đoạn cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Thời điểm này, nhạc đại chúng Âu Mỹ đang nở rộ các dòng nhạc hiện đại, trẻ trung như Soul, R&B, Rock, với những đại diện tiêu biểu như Whitney Houston, Tina Turner, Celine Dion, Mariah Carey, Aretha Franklin…

Là người cá tính, nổi loạn và cởi mở trong tư duy âm nhạc, Thanh Lam đã nhanh chóng tiếp cận và học hỏi cách hát từ những ca sĩ quốc tế này.

Là diva Việt duy nhất được phong NSND, Thanh Lam tài giỏi cỡ nào? - Ảnh 3.

Cần nhấn mạnh rằng việc học hỏi này hoàn toàn là tự học, tự cảm nhận, tự mò đường, chứ không có trường lớp nào ngày ấy đào tạo. Các trường nhạc chính quy lúc bấy giờ chỉ đào tạo thanh nhạc theo hướng cổ điển, chính thống, chưa cập nhật những lối hát mới của nhạc đại chúng quốc tế. Vì thế, có thể xem Thanh Lam như người đốt đèn mở đường, đi trước dẫn lối cho những ca sĩ sau này.

Vai trò của người mở đường rất quan trọng vì họ hoàn toàn tự đi, không có thầy cô nào dạy hay được nhạc sĩ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách hát. Trong thời buổi còn khó khăn và thiếu thốn những năm cuối thập niên 80, việc cập nhật và tiếp cận được cái mới như Thanh Lam là rất đáng nể, khi cô chỉ nghe các ca sĩ Âu Mỹ hát trên băng đĩa rồi học theo. Tương tự như Thanh Lam là Bảo Yến ở miền Nam. Hai nữ ca sĩ này đã tiên phong trong việc áp dụng những lối hát, kỹ thuật hiện đại của âm nhạc thế giới vào nhạc Việt.

Cụ thể, Thanh Lam đã học hỏi các cách sử dụng melisma, run/riff (các kỹ thuật đặc trưng của dòng Soul/R&B) để áp dụng sáng tạo vào thể hiện ca khúc. Ngày đó, Thanh Lam vô cùng táo bạo, thổi làn gió mới lạ vào nhạc Việt qua những đoạn chạy note ngẫu hứng, sáng tạo trên cả chest voice lẫn giả thanh. Các đoạn phiêu giả thanh A5 rồi luyến láy vocal runs liên tục của Thanh Lam chêm xen vào ca khúc tạo tiền đề về cách hát cho nhiều ca sĩ sau này.

Cô cũng nắm bắt được cách nhả chữ, nhảy nhịp theo đúng tinh thần Soulful, kết hợp với một số lối hát cực kỳ mới, đặc trưng như hát raspy, squalling nhẹ.

Là diva Việt duy nhất được phong NSND, Thanh Lam tài giỏi cỡ nào? - Ảnh 4.

Những kỹ thuật, lối hát mới này được thể hiện rõ hơn khi Thanh Lam hát live. Bằng sự sáng tạo, bản năng đậm chất nghệ sĩ của mình, Thanh Lam mỗi lần hát live lại một khác. Cô chêm xen vào ca khúc những đoạn chạy note, ngân nga ngẫu hứng theo tinh thần Souful. Chưa dừng lại ở đó, Thanh Lam còn thêm vào bài hát cả những đoạn thở rất tình tứ, đậm chất đàn bà, phô diễn giới tính vào âm nhạc. Đó là lí do vì sao cô được mệnh danh là "Người đàn bà hát".

Giọng Thanh Lam vốn không quá khàn, nhưng cô tự mài giọng khàn hơn qua cách hát raspy để thể hiện ca khúc có màu Rock, Soul. Sau này, Phương Thanh cũng là ca sĩ tự mài giọng khàn đi so với giọng bẩm sinh (vốn không khàn) để hát Rock cho ra chất.

Điều đáng nói là Thanh Lam ngày đó không lạm dụng vibrato như sau này. Cô hát thẳng, man dại và hiện đại, nghe rất đã tai và cảm xúc.

Nói cách khác, Thanh Lam giống một ca sĩ da màu của Việt Nam. Cô bước lên sân khấu như một hiện thân của Aretha Franklin, Patti Labelle, Jennifer Holliday hay Whitney Houston, hát bằng sự man dại, hát chân thật, hát để bộc hết tâm can, không chút che đậy, giấu diếm.

Dù kĩ thuật rất nhiều, nhưng Thanh Lam trước sau vẫn hát chủ yếu bằng bản năng của tâm hồn đàn bà đầy đam mê, khát khao, cháy bỏng và hừng hực nhựa sống.

Biểu tượng của nữ quyền trong âm nhạc và tiên phong Nam tiến thành công

Trong văn hóa nhạc đại chúng và cộng đồng diva fan tại Việt Nam, Thanh Lam giống như một biểu tượng của quyền lực phụ nữ và niềm kiêu hãnh của giọng hát Việt. Cô đại diện cho một trường phái riêng, tạo ảnh hưởng lên nhiều thế hệ ca sĩ sau này.

Trường phái Thanh Lam đặc trưng bởi lối hát nội lực, phô diễn quyền lực nữ giới thông qua giọng hát, sẵn sàng "đàn áp" bất cứ ai hát chung, khác hoàn toàn với những giọng nữ mảnh mai, mềm mại trước đây.

Là diva Việt duy nhất được phong NSND, Thanh Lam tài giỏi cỡ nào? - Ảnh 5.

Trường phái này còn ghi dấu bởi lối hát khắc khoải, ưu sầu, hát mà như thủ thỉ, tâm tình, đãi chữ dài hơn, hơi "rên rỉ" để bộc lộ nội tâm bùng cháy, bản năng của người phụ nữ, và kèm theo chất liêu trai, ma mị ở những quãng trầm bổng, luyến láy, nhưng vô cùng chắc chữ, rõ lời.

Chất "bản năng" và "cháy bỏng" là điều người ta thấy rõ nhất ở trường phái Thanh Lam, mà theo lời nhạc sĩ Dương Thụ là: "Một giọng hát mê hồn, cá tính táo bạo, bản năng nghệ sĩ thật sự... ".

Chính cái chất đặc trưng này khiến Thanh Lam nhiều khi "gào thét", nhưng cái "gào thét" đó lại quyến rũ được cả khán giả lẫn giới chuyên môn.

Trường phái Thanh Lam chủ yếu "dung nạp" các giọng nữ trung, nữ trầm và giọng nam, để thể hiện chiều sâu qua các quãng trầm và quãng trung dày dặn.

Lối hát của Thanh Lam ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ ca sĩ sau này như Ngọc Anh, Thu Phương, Mỹ Linh, Hà Trần, Hoàng Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh, Hà Linh... Trong đó, Uyên Linh, Hoàng Quyên là những ca sĩ đang đi theo trường phái của cô. Ngày nay, hễ có ca sĩ nào hát theo kiểu phiêu giọng khắc khoải, chất chứa tâm sự trên quãng trung, ta đều thấy bóng dáng của Thanh Lam ở đó. Số lượng những ca sĩ kiểu này rất nhiều, dễ chiếm đến 30% nền nhạc nhẹ Việt Nam, nên có thể thấy được tầm ảnh hưởng rất lớn của cô.

Trong đó, có khá nhiều ca sĩ trẻ có phong cách ấn tượng, chuyên môn vững vàng như Hà Trần, Tùng Dương, Thu Minh, Uyên Linh... Rất hi vọng những ca sĩ này có thể tạo nên trường phái nhạc của riêng mình trong tương lai.

Vào đầu thập niên 90, Thanh Lam và Hồng Nhung là hai nữ ca sĩ miền Bắc đã Nam tiến thành công, được khán giả miền Nam đón nhận và tiên phong cho dòng nhạc trẻ miền Bắc. Nhờ có, cô mở đường cho nhiều ca sĩ đàn em sau này.


Long Phạm

Ca sĩ Katy Perry sắp hát tại VinFuture Prize 2023: Biểu tượng nghệ thuật lớn, khán giả Việt mê mẩn

 Sắp tới đây, ca sĩ Katy Perry sẽ có mặt tại Việt Nam để tham dự và trình diễn tại Lễ trao giải VinFuture Prize 2023. Đây là một sự kiện lớn, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng và rất nhiều khán giả đang chờ đợi nữ ca sĩ xuất hiện vì cô được xem như một biểu tượng âm nhạc đương đại.

Một biểu tượng nghệ thuật – văn hóa trong âm nhạc đại chúng đương đại với nhiều giá trị nhân sinh tích cực

Katy Perry thường được nhớ đến như một ngôi sao nhạc Pop hàng đầu thị trường âm nhạc USUK trong giai đoạn 2010, với nhiều bài hit đình đám và lượng khán giả đông đảo. Sự nổi tiếng, ăn khách và sức ảnh hưởng của Katy Perry là điều không thể bàn cãi.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Katy Perry cũng là một biểu tượng văn hóa âm nhạc đại chúng, đại diện tiêu biểu cho trường phái nghệ thuật Camp trong nhạc Pop, mang đậm tính nữ quyền và chứa đựng nhiều giá trị trong trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại nói chung, nghệ thuật tiêu thụ đại chúng nói riêng.

Ca sĩ Katy Perry sắp hát tại VinFuture Prize 2023: Biểu tượng nghệ thuật lớn, khán giả Việt mê mẩn - Ảnh 1.

Katy Perry là đại diện tiêu tiểu cho nghệ thuật Camp

Để hiểu được phong cách nghệ thuật độc đáo và giàu ý nghĩa văn hóa của Katy Perry, cần nhắc đến những người thần tượng mà cô chịu ảnh hưởng như Madonna, Freddie Mercury, Cher, Bjork, The Beatles… Tất cả họ đều là những huyền thoại âm nhạc có tầm ảnh hưởng đến đến văn hóa âm nhạc đại chúng. Mỗi người đều có một phong cách, sự nghiệp riêng nhưng đều chung một đặc điểm.

Âm nhạc của họ không đơn thuần chỉ là giọng hát cùng các giai điệu. Đó là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, bao gồm cả văn học, thời trang, hội họa… 

Ở những nghệ sĩ này, hình ảnh, phong cách thể hiện qua MV, sân khấu luôn được coi trọng không kém gì âm nhạc. Tất cả các yếu tố đó hòa quyện vào nhau để cùng xây dựng nên chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh, nhất quán, giàu ý nghĩa, tác động xã hội và là cả một mã văn hóa, chi phối tới đời sống tinh thần của công chúng. Bản thân người nghệ sĩ là một biểu tượng nghệ thuật nhất quán chứ không chỉ đơn giản là ca sĩ cầm mic lên hát.

Và các nghệ sĩ đó đều có phong cách âm nhạc, xây dựng hình ảnh mang tính tiên phong cho chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như các dấu ấn nghệ thuật tiêu thụ đại chúng đậm nét Âu Mỹ. Nói cách khác, họ là những nhân tố quan trọng giúp hình thành bộ mặt văn hóa nhạc Pop đương đại. Cần nhấn mạnh rằng, đây là văn hóa chứ không chỉ là âm nhạc.

Chịu ảnh hưởng từ những huyền thoại mình ngưỡng mộ, Katy Perry cũng tự hướng bản thân đến hình mẫu nghệ sĩ độc lập hơn là một ca sĩ cầm mic đơn thuần. Cô thường tự sáng tác, lựa chọn trang phục, quyết định phong cách, MV, sân khấu và nội dung âm nhạc cho mình. Dù đi theo dòng mainstream, nhưng Katy Perry luôn cho công chúng thấy hình ảnh một nghệ sĩ đích thực.

Ca sĩ Katy Perry sắp hát tại VinFuture Prize 2023: Biểu tượng nghệ thuật lớn, khán giả Việt mê mẩn - Ảnh 3.

Âm nhạc của Katty Perry có sự nhất quán từ ca từ, nội dung tới hình ảnh, phong cách trình diễn. Cô được xem là một đại diện tiêu biểu của trường phái nghệ thuật Camp trong âm nhạc đại chúng.

Nghệ thuật Camp là một phong cách và cảm nhận thẩm mỹ mang tính châm biếm và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các trào lưu nghệ thuật đại chúng hậu hiện đại. Mỹ học của Camp phá tan các khái niệm của chủ nghĩa hiện đại về những cái được coi là nghệ thuật hay sự phân biệt giữa nghệ thuật cao cấp và nghệ thuật bình dân, bằng cách đi ngược lại những thuộc tính nghệ thuật như vẻ đẹp, giá trị và gu thẩm mỹ, tiếp nhận kiểu thấu hiểu và tiêu thụ mới. Đó là thứ "mỹ học coi cái xấc xược là lý thú". 

Trong khi nghệ thuật cao cấp đòi hỏi vẻ đẹp và giá trị, camp cần sự táo bạo, sống động và sôi nổi. Nó trở thành một phong cách, lối sống, giải trí, giống như nghệ thuật hiện sinh chủ nghĩa vào thập niên 60.

Những dấu ấn của Camp có thể thấy rõ ở âm nhạc Katy Perry, khi cô sử dụng nhiều màu sắc sặc sỡ, những lối phục trang, trang điểm hài hước, cầu kỳ, lòe loẹt theo style Drag Queen, gây ấn tượng trong từng chi tiết nhỏ, đánh vào thị giác người xem và chuộng hình ảnh tiệc tùng, sôi động, hội hè… 

Ca sĩ Katy Perry sắp hát tại VinFuture Prize 2023: Biểu tượng nghệ thuật lớn, khán giả Việt mê mẩn - Ảnh 4.

Cô luôn cương điệu hóa mọi thứ đề hấp dẫn công chúng, đồng thời châm biếm, tấn phong hạ bệ (một phương thức thực thi nghệ thuật trong văn học hiện thực). Katy Perry hầu như không sử dụng những chi tiết mang tính cao cấp, sang trọng, quý phái mà lại tạo trend từ các chi tiết nhỏ nhặt, đời thường, tự thổi cho chúng sự sang trọng, vẻ đẹp riêng, cái được gọi là "Little Chic". Chẳng hạn, cách Katy đưa bánh kẹo, đồ ăn lên trang phục để tạo ra cả một trend thời trang high fashion đã cho thấy rõ thành công của cô với Camp.

Các sản phẩm âm nhạc của Katy Perry cũng mang nhiều tính châm biếm xã hội, giai cấp và hướng tới nữ quyền, giới tính, xóa nhòa mọi ranh giới. Nữ ca sĩ dành nhiều sự quan tâm đến cộng đồng LGBT và đấu tranh cho quyền lợi của họ thông qua các sản phẩm âm nhạc cô thực hiện (ở nhiều chi tiết nhỏ và cả ở tổng thể lớn). Vì vậy, Katy Perry cũng được xem như một Gay Icon trong văn hóa âm nhạc đại chúng, tiếp nối nhiều tiền bối.

Các MV và sân khấu trình diễn của Katy Perry luôn được đầu tư công phu về dàn dựng, ánh sáng, đồ họa cao và áp dụng những cộng nghệ tân tiến nhất. Cô không muốn chỉ lên hát cho xong mà còn biến sân khấu trở thành sàn tiệc của chính mình và khán giả. 

Với Katy Perry, mỗi buổi trình diễn là một buổi vũ hội với sự sôi động, náo nhiệt, bắt mắt về hình ảnh, âm thanh, ánh sáng và khiến khán giả như được hòa mình vào không gian đó để chơi đùa. Cái mà Katy Perry muốn là chính khán giả cũng phải tự cởi bỏ giới hạn bản thân, rũ bỏ những e ngại, rụt rè vốn đang bị kìm kẹp bởi định kiến xã hội để cùng hòa vào cuộc chơi. Ở cuộc chơi đó không có phân biệt màu da, giới tính, giai cấp, giàu nghèo, chỉ còn lại những con người sôi nổi, sẵn sàng cháy hết mình và tỏa sáng như chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời.

Ca sĩ Katy Perry sắp hát tại VinFuture Prize 2023: Biểu tượng nghệ thuật lớn, khán giả Việt mê mẩn - Ảnh 5.

Vì vậy, Katy Perry cũng chủ yếu sử dụng những dòng nhạc sôi động như Pop, Rock, Dance, EDM, Electro, Disco… làm nguyên liệu sáng tác và chế biến chúng thành các nhạc phẩm hiện đại, catchy.

Giá trị lớn nhất trong nghệ thuật của Katy Perry là tính tích cực, vui vẻ, giàu năng lượng, nâng đỡ tinh thần con người, giúp khán giả tìm lại chính mình, vượt qua giới hạn bản thân để tìm đến cuộc sống tự do. Cô chia sẻ với Marie Claire: "Tôi cảm thấy phép màu bí mật giúp tôi lột tả bản thân rõ ràng hơn chính là dũng khí để trở nên tổn thương, chân thật và chính xác. Tôi nghĩ rằng mọi người có thể trở nên dễ tiếp cận hơn khi bản thân họ đang bị tổn thương".

Ca sĩ Katy Perry sắp hát tại VinFuture Prize 2023: Biểu tượng nghệ thuật lớn, khán giả Việt mê mẩn - Ảnh 6.

Một giọng hát độc đáo

Katy Perry không đi theo hướng vocalist, diva, divo nên không mạnh về vocal, cũng không phải kiểu ca sĩ có giọng hát nội lực, show off được nhiều kỹ thuật. Nhưng cô có một âm sắc giọng độc đáo, dễ nhận biết và gây ấn tượng với công chúng.

Katy Perry bẩm sinh thuộc type giọng mezzo soprano nhưng lại thiên về sáng mảnh hơn nên nhiều người nhầm cô là một light lyrico sopeano.

Quãng giọng của Katy Perry trải dài từ D3 tới A5 (giọng thật) và lên tới E6 (giả thanh). Cô phát triển mạnh ở quãng trung cận cao, với những note belting A4, Bb4 đẹp, dày, nội lực, powerful, hào sảng, nghe rất đã tai. Nữ ca sĩ chọn cho mình cách belting non vibrato, hạn chế ngân rung để tống hết lực giọng ra ngoài và phù hợp với phong cách âm nhạc của mình, hiện đại, trẻ trung, không nhuốm màu truyền thống cũ kỹ. Đó cũng là một lối hát thể hiện tư duy phá cách của Katy Perry trong nghệ thuật Camp.

Ca sĩ Katy Perry sắp hát tại VinFuture Prize 2023: Biểu tượng nghệ thuật lớn, khán giả Việt mê mẩn - Ảnh 7.

Chest voice của Katy Perry rất khỏe và mạnh, lên cao tới C5, C#5, D5 có độ nổ, mở vòm, hát theo lối chesty nhiều hơn balance mixed. Tuy nhiên, cô thường chỉ hát đẹp tới D5 và strain khi lên E5 trở đi. Nhưng với cữ giọng của nữ trung, những gì Katy Perry làm được cũng là trọn vẹn. Dù vậy, khả năng vượt passagio để lên cao của Katy vẫn khá ổn khi cô lên tới G5 và thậm chí là A5. Giả thanh của Katy không phát triển nên cô ít khi sử dụng dù lên được khá cao.

Long Phạm

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023

Top 4 giọng ca kế cận kỳ vọng thành DIVA của Vpop trong tương lai

 Dương Hoàng Yến, Uyên Linh, Hoàng Quyên, Mai Hương là những ca sĩ trẻ đầy tiềm năng của nhạc Việt hiện nay.


Dương Hoàng Yến


Dương Hoàng Yến là giọng nữ cao màu sắc (coloratura soprano) hiếm có ở Việt Nam, với sự trọn vẹn cả về âm sắc lẫn kĩ thuật. Trong 4 ca sĩ thì Dương Hoàng Yến sở hữu nhiều kĩ thuật điêu luyện nhất.


Quãng giọng của Dương Hoàng Yến rất rộng, trải dài trong 3 quãng 8 và 1 bán âm, từ F3 tới F#6.
Nhờ sự rèn luyện kĩ thuật bền bỉ, cô đã chạm tới những note cao vốn là ngưỡng khó của một soprano thông thường với sự vang, sáng. Trong aria opera Queen of the night, cô đã staccato tới F6 bằng head voice.


Ưu thế lớn của Dương Hoàng Yến là giọng hát trong trẻo, nội lực, thực hiện được những luyến láy tinh xảo trên note cao. Trong ca khúc Loving you, cô thực hiện luyến láy đậm chất R&B trên head voice, và còn chạm tới note F#6, một note vô cùng cao với ca sĩ thông thường.


Không chỉ mang màu sắc R&B, head voice của Dương Hoàng Yến còn có cả tính operatic. Trong aria Đôi cánh mùa xuân, cô đã thực hiện những cú head đậm màu cổ điển. Đặc biệt, ở đoạn cuối, cô còn trillo (rung láy) được trên note cao C6.


Về kĩ thuật thanh nhạc, Dương Hoàng Yến có thể thực hiện nhiều kĩ thuật khó như melisma, vocal runs, legato, glissando, portamento, leap, staccato, lấy hơi cấp cao. Cô cũng có thể trụ âm tốt ở những nguyên âm đóng, ngắt quãng, và thực hiện được kỹ thuật kết lên để tiếp tục mở rộng các kỹ thuật khó hơn.

Điểm đặc biệt ở Dương Hoàng Yến là cô có thể giữ âm đóng rất lâu. Chẳng hạn, trong bài Listen, cô đã trải qua đóng âm ở hai note cao là E5 và F5.


Tuy nhiên, nhiều đoạn luyến láy giọng ngực của Dương Hoàng Yến chưa ra được chất R&B. Dương Hoàng Yến có thể học hỏi Mariah Carey cách melisma trên quãng trầm để hoàn thiện giọng hát hơn nữa. Nếu làm được, cô sẽ tiến thêm một bước vào lớp diva kế cận.

Dương Hoàng Yến từng gây dấu ấn với ngôi vị quán quân Cặp đôi hoàn hảo cùng NTK Hà Duy, cô cũng được đánh giá là một trong những thí sinh The Voice có màn xuất hiện ấn tượng nhất khiến cả 4 HLV không thể ngồi yên. Dương Hoàng Yến đang thực hiện album được đánh giá đáng chờ đợi cùng nhà sản xuất trẻ Khắc Hưng.




Uyên Linh


Uyên Linh là một tấm gương lớn cho sự nỗ lực, phấn đấu và chiến thắng của thẩm mỹ âm nhạc, khi từ một ca sĩ không chuyên, chưa từng qua trường lớp đào tạo nào tiến lên hàng vocalist trẻ đầy năng lực của nhạc Việt hiện nay.

Trong 4 ca sĩ thì Uyên Linh sở hữu thẩm mỹ và sáng tạo âm nhạc tốt nhất.
Từng bị loại ngay từ những vòng đầu của Việt Nam Idol, Uyên Linh vẫn quyết tâm quay trở lại vào năm sau và giành ngôi vị quán quân, nhanh chóng trở thành hiện tượng âm nhạc tại Việt Nam.


Uyên Linh sở hữu chất giọng đẹp, trầm ấm, ma mị, không thua bất cứ đàn chị nào về âm sắc. Tuy không được đào tạo bài bản, nhưng Uyên Linh đã tiếp thu và lĩnh hội được rất nhiều kiến thức từ các diva thế giới, đặc biệt là Whitney Houston – thần tượng lớn nhất của cô. Nhờ đó, Uyên Linh sở hữu được cách hát rất văn minh, hiện đại, có chiều sâu.

Không những vậy, cô còn có lợi thế thiên phú về tư duy, sáng tạo, làm mới ca khúc rất thành công. Bản cover ca khúc Chỉ là giấc mơ tại Việt Nam Idol 2010 đã được Uyên Linh thể hiện một cách tài tình, vượt qua cả bản gốc của diva Thanh Lam, nhanh chóng đưa cô thành một hiện tượng âm nhạc.


Uyên Linh sở hữu lối hát trữ tình đằm thắm, với phong cách nhả chữ nhẹ nhàng tựa kể chuyện, nhưng cũng rất Tây phương, gợi lên sự hoài cổ mà lại hiện đại.


Với chất giọng nữ trung trầm (mezzo alto), ưu điểm của Uyên Linh nằm ở những note quãng trung dày, vang, bắt tai nghe. Không những vậy, với lối luyến láy tinh tế, Uyên Linh hát rất cảm xúc, chạm đến trái tim người nghe. Head voice của cô cũng rất tốt và có chút màu sắc cổ điển.

Thời gian đầu, kĩ thuật của Uyên Linh chưa tốt, nhưng đã dần tiến bộ nhiều. Cô có thể thực hiện glissando (hát lướt đẩy nhanh tốc độ) trên head voice E5 rồi chuyển giọng sang mixed voice (giọng pha) cũng trên E5 với vibrato đều đặn, cộng hưởng tốt, tạo hiệu ứng crescendo bắt tai.


Nhược điểm hiện tại của Uyên Linh là lên cao khá gắt, đối lập với quãng trung ấm áp của cô. Tuy nhiên, với giọng nữ trung trầm như Uyên Linh, chỉ cần nắm vững kĩ thuật để lên cao vừa đủ, làm chủ quãng giọng của mình.

Hoàng Quyên

Nếu Uyên Linh là hiện thân của sự phá cách trong màu sắc hoài niệm, thì giọng hát Hoàng Quyên lại là nỗi buồn man mác, sâu lắng ở quãng trầm nhưng nội lực ở những note cận cao. Trong 4 ca sĩ thì Hoàng Quyên có chất giọng hiếm và đẹp nhất.


Hoàng Quyên sở hữu chất giọng nữ trầm trữ tình (lirico contralto) – một loại giọng vô cùng hiếm thấy ở Việt Nam, màu sắc gần giọng với giọng tenor. Cô có thể hát và nhả chữ vô cùng rõ lời trên những note rất trầm từ F3 xuống B2.


Những note belt quãng trung và trung trầm dày, nặng, chắc khỏe, đậm chất man tone của Hoàng Quyên thực sự là một thứ của hiếm trong nhạc Việt.


Không chỉ có tố chất bẩm sinh hiếm gặp, Hoàng Quyên vẫn đang tích cực rèn luyện để nâng cao khả năng thanh nhạc của mình.

Văn Mai Hương

Nếu Dương Hoàng Yến sở hữu giọng hát nữ cao màu sắc linh hoạt thì Văn Mai Hương lại là một nữ cao trữ tình trong trẻo, có chút smoky như đàn chị Mỹ Lệ.


Dù là nữ cao, nhưng Văn Mai Hương lại có lợi thế là những note trầm không quá mờ như nhiều nữ cao khác. Ngoài ra, quãng cao của cô khá nhẹ nhàng, bay bổng, phù hợp với lối hát legato hoặc những bản Ballad pha chút R&B.


Chưa dừng lại ở đó, sức mạnh của Văn Mai Hương còn được thể hiện qua những bản power Ballad khó nhằn. Chẳng hạn, trong bài Listen (cover của Beyonce), cô xử lý những note cao arpeggio F#5 rất khó cùng các đoạn hát trên quãng 5 từ C5 tới F5. Tới cuối bài, Văn Mai Hương có thể kết lên E5 một cách ngoạn mục, dù hơi chênh.


Tuy nhiên, Văn Mai Hương vẫn còn nhiều hạn chế khi xử lý các đoạn hát legato thiếu mượt mà, nhiều gợn, chênh note, căng giọng do hát quá sức.

Cả 4 nữ ca sĩ trên đều là những vocalist trẻ đầy tiềm năng, có tố chất về giọng hát bẩm sinh và sự rèn luyện thanh nhạc. Tuy vẫn còn một số hạn chế, nhưng họ vẫn đang phấn đấu, nỗ lực không ngừng để nâng cao bản thân và cống hiến cho nhạc Việt. Hi vọng họ sẽ là lớp diva kế cận sau này.