Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Khánh Ly: Vị trí đặc biệt trong âm nhạc, khiến người Nhật sang tận Mỹ săn đón, mời diễn

 Thời gian qua, bộ phim Em và Trịnh gây bão trong cộng đồng khán giả Việt, đặc biệt với hình ảnh hư cấu về Khánh Ly và Trịnh Công Sơn.

Nhiều khán giả trẻ tỏ ra tò mò về nữ danh ca này, rằng tại sao bà lại được mượn hình ảnh để hư cấu vào phim, gắn với tượng đài Trịnh Công Sơn. Cần làm rõ vị trí của Khánh Ly trong tiến trình nhạc Việt để các khán giả trẻ được hiểu hơn về bà.

Khánh Ly không chỉ nổi tiếng nhờ nhạc Trịnh

Sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của Khánh Ly rộng lớn tới mức, đã biết bao thế hệ, lớp người Việt Nam qua đi nhưng không ai là không biết đến bà.

Từ những người tóc đã bạc trắng như vôi sắp về làm cát bụi hay tuổi trẻ mới lớn lên, ai ai cũng biết và từng nghe Khánh Ly ở đâu đó, qua nhiều ca khúc bất hủ như Cát bụi, Diễm xưa, Một cõi đi về...

Tiếng hát Khánh Ly (qua nhạc Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ khác) len lỏi vào mọi ngõ ngách, từ những xóm trọ nghèo, mái hiên dột, quán cà phê vỉa hè tới nhà hàng 5 sao, sự kiện sang trọng. Tiếng hát ấy, có người thích người không, kẻ khen kẻ chê, nhưng không ai lại không biết.

Cứ vậy, chẳng biết từ bao giờ, cái tên Khánh Ly đã trở thành một phần đời sống của người Việt Nam, dù chẳng cần đến một sự ca tụng, ghi danh nào. Ngay cả trong giới âm nhạc, văn nghệ sĩ, Khánh Ly cũng đứng ở một vị trí khác biệt, được trọng vọng, kính nể, bất chấp những tranh cãi, lùm xùm.

Khánh Ly: Vị trí đặc biệt trong âm nhạc, khiến người Nhật sang tận Mỹ săn đón, mời diễn - Ảnh 1.

Suốt nhiều năm qua, tên tuổi Khánh Ly gắn liền với nhạc Trịnh như hình với bóng. Có lẽ vì vậy mà hình ảnh của bà được mượn vào Em và Trịnh. Trên thực tế, Khánh Ly nhờ nhạc Trịnh mà nổi tiếng. Ngược lại, nhạc Trịnh nhờ Khánh Ly mà được nhiều người biết tới. 

Vì lẽ đó nên nhiều người nghĩ rằng, Khánh Ly chỉ hát nhạc Trịnh và tên tuổi của bà chỉ gắn với nhạc Trịnh. Có người còn nhận định, nếu không có nhạc Trịnh sẽ không có Khánh Ly, nhưng điều đó là chưa đúng.

Trên thực tế, Khánh Ly sở hữu một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, trải dài qua nhiều loại nhạc, với hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ danh tiếng như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Đoàn Chuẩn, Từ Linh…

Và điều hiển nhiên ai cũng thấy, là Khánh Ly hát nhạc nào cũng hay, thành công với bài hát của nhiều nhạc sĩ, được khán giả yêu thích tìm nghe, chứ không riêng gì nhạc Trịnh.

Chẳng hạn, Khánh Ly chính là người đầu tiên hát Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên và tạo tiếng vang cho nó (vào năm 1971). Bà cũng thành công với nhiều bài hát của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, hay được đích thân nhạc sĩ Phạm Duy thốt lên:

"Những bài hát đó (tâm ca của Phạm Duy) nghe rất hay vì phù hợp với giọng ca Khánh Ly. Có bài tôi hát chung với Khánh Ly mà bản thân tôi nghe đi nghe lại hoài không chán lỗ tai!".

Ai cũng biết, nhạc sĩ Phạm Duy vốn rất tinh tế, uyên bác nên đòi hỏi rất cao ở người ca sĩ hát nhạc của mình. Hơn nữa, gắn liền với nhạc Phạm Duy lại là cái bóng quá lớn của Thái Thanh – một giọng hát trác tuyệt ít ca sĩ nào sánh kịp.

Vì vậy, để được Phạm Duy tấm tắc khen ngợi như vậy quả là một kỳ tích. Điều này chứng tỏ rằng, tự thân Khánh Ly đã là một tượng đài riêng biệt chứ không phải cây tầm gửi bám vào nhạc Trịnh, phải nhờ nhạc Trịnh mới sống được như nhiều lời đồn đoán.

Khánh Ly: Vị trí đặc biệt trong âm nhạc, khiến người Nhật sang tận Mỹ săn đón, mời diễn - Ảnh 3.

Bản thân Khánh Ly cũng từng lên tiếng: "Nếu nói rằng chỉ hát nhạc Trịnh thì hóa ra là tôi phụ lòng những nhạc sĩ khác. Vì trước khi gặp ông Trịnh Công Sơn thì tôi đã hát nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao rồi".

Ngoài nhạc Trịnh, Khánh Ly còn thành công vang dội và được đánh giá cao khi hát nhạc Tango. Bà được xếp vào một trong số 26 người hát nhạc Tango hay nhất thế giới (theo ông Donald Cohen, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng, nguyên chủ tịch Hội Âm Nhạc Hoa Kỳ).

"Điệu nhạc Tango vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, theo chân của những người Pháp. Nó được phổ biến rộng rãi và yêu thích cho tới nay, kể cả trong nước lẫn cộng đồng tị nạn ở nước ngoài.

Tôi nhận thấy Khánh Ly yêu nhạc Tango một cách đặc biệt, chương trình của cô không bao giờ thiếu những bản Tango. Cô là ca sĩ duy nhất thâu năm album toàn nhạc Tango (ngoại quốc và Việt Nam), album nào cũng được thính giả khắp nơi đón nhận" – Donald Cohen viết.

Qua đó, đủ để thấy, Khánh Ly là một tài năng âm nhạc riêng biệt, với cá tính, bản sắc âm nhạc riêng có. Nếu không có nhạc Trịnh, Khánh Ly vẫn sẽ nổi tiếng. Chỉ có điều, sự nổi tiếng đó sẽ đến muộn hơn và không chắc đạt đến đỉnh cao như hiện tại. Ngược lại, nếu không có Khánh Ly, nhạc Trịnh cũng chưa chắc vang danh đến vậy.

Khánh Ly hát rất nhiều, sở hữu cả một kho tàng hàng trăm bài hát, nhiều tới mức một khán giả thông thường khó lòng nghe hết được những ca khúc bà từng thể hiện.

Nội dung trong âm nhạc Khánh Ly thể hiện cũng vô cùng rộng lớn, bao gồm nhiều chủ đề về tình yêu đôi lứa, đất nước, chiến tranh, hòa bình, triết lý, triết học, nhân sinh, nhân loại. Rất ít ca sĩ có thể hát nhiều ca khúc mang nội dung nhân loại một cách nhất quán, xuyên suốt như Khánh Ly.

Giọng hát Khánh Ly mang hơi hướm Joan Baez, là một giọng hát bình dân nhưng đặc biệt, âm sắc lạ, độc nhất vô nhị. Bà chọn cho mình lối hát ít kỹ thuật, giản dị, phóng khoáng, có độ phủi, độ trải và độ đời. Đó là tiếng hát của phiêu du, lang bạt, giang hồ, tự do.

Nhờ đó, âm nhạc Khánh Ly thể hiện tiếp cận được đại chúng đông đảo, thấu trọn và mê hoặc nhiều tầng lớp người, từ lao động nghèo, bình dân tới dân trí thức, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, xứng đáng với danh xưng Nữ hoàng chân đất – một danh xưng đậm tính hiện sinh.

Tiếng hát Khánh Ly trong thập niên 70 dẫn đầu âm nhạc phản chiến, hiện sinh, triết học.

Mối quan hệ giữa nhạc Trịnh và Khánh Ly có thể gọi là "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau", tức là mối quan hệ cộng hưởng, tâm giao, cần có nhau để cùng làm nên hai huyền thoại. Thiếu một trong hai, huyền thoại sẽ không xuất hiện.

Khánh Ly: Vị trí đặc biệt trong âm nhạc, khiến người Nhật sang tận Mỹ săn đón, mời diễn - Ảnh 4.

Bởi thế mới có chuyện, người Nhật khi muốn nghe nhạc Trịnh đã phải sang tận Mỹ để tìm bằng được Khánh Ly (lúc đó mới qua Mỹ, chưa đi hát nhiều để gây dựng lại được tên tuổi).

Người Nhật chỉ muốn nghe nhạc Trịnh qua duy nhất giọng hát Khánh Ly, chứ không phải một ca sĩ nào khác.

Tóm lại, cần nhìn nhận rõ ràng rằng, tên tuổi Khánh Ly tồn tại không tách rời nhưng không phụ thuộc vào nhạc Trịnh. Bản thân Khánh Ly là một tài năng riêng, độc lập và sự nghiệp của bà không chỉ xoay quanh duy nhất nhạc Trịnh. Đó là sự nghiệp gắn liền với nền tân nhạc Việt Nam.

Tầm ảnh hưởng khiến người Nhật phải săn đón

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Khánh Ly đã sớm gây ấn tượng và được chú ý, săn đón nhờ tiếng hát liêu trai, khác biệt của mình. Nhờ đó, bà được mời biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Nhật, Hong Kong…

Khán giả Nhật đặc biệt yêu thích tiếng hát Khánh Ly. Từ đầu những năm 70, Khánh Ly đã được mời sang Nhật diễn nhiều lần. Sau 1975, người Nhật sang tận Mỹ tìm bằng được Khánh Ly và săn đón bà để mời làm show, thu âm. Bà kể:

"Năm 1979, người Nhật bỗng nhiên đi tìm tôi để mời tôi biểu diễn. Tôi chẳng hiểu họ tìm kiểu gì mà cũng tìm ra tôi rồi mời tôi sang Nhật để hát trong một buổi đại hội dân ca Á châu, gồm Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan…

Tôi là người Việt Nam duy nhất có mặt tại đại nhạc hội đó và cũng là ca sĩ nữ duy nhất. Tôi được đứng hát với những danh ca hàng đầu của Hàn Quốc, Thái Lan…

Sau đó, tôi thu cho người Nhật một đĩa nhạc Trịnh Công Sơn bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt. Tiếp đó, tôi thu tiếp đĩa Diễm xưa và đĩa Ca dao mẹ, cũng cho người Nhật luôn. Hai đĩa này rất thành công.

Khánh Ly: Vị trí đặc biệt trong âm nhạc, khiến người Nhật sang tận Mỹ săn đón, mời diễn - Ảnh 5.

Lúc thu các đĩa này, hãng đĩa và đài truyền hình Nhật còn cho người bay sang Mỹ để thu cho tôi. Chúng tôi thu ở phòng thu nổi tiếng nhất của Mỹ lúc bấy giờ, nhưng người Nhật không để người Mỹ bấm máy mà chính tay họ phải bấm. Họ còn ngồi nghe xem tôi hát có đúng không để sửa giọng cho tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là xe Limousine. Người Nhật cho xe Limousine tới đón tôi rồi đưa lên phòng thu, oai lắm".

Không những vậy, đĩa nhạc Trịnh được Khánh Ly thu âm đã bán tới 2 triệu bản tại Nhật. Đây là con số kỷ lục với một ca sĩ Việt Nam. Điều này đủ để thấy khán giả Nhật mê tiếng hát Khánh Ly cỡ nào.

Được biết, khán giả Nhật vổn rất tinh tế và am hiểu sâu sắc về âm nhạc, có gu thưởng thức rất cao.

Người Nhật từng chào đón vô vàn nghệ sĩ huyền thoại, nằm trên đỉnh cao nhất của âm nhạc tới biểu diễn, từ Diva Opera như Maria Callas, Joan Sutherland tới ca sĩ đại chúng như Whitney Houston, Mariah Carey, Madonna, hay dòng nghệ thuật Indie như Bjork, Florence The Machine…

Vì thế, để được người Nhật săn đón, yêu thích đến vậy, Khánh Ly chắc chắn phải sở hữu một giá trị vô cùng đặc biệt, quý giá. Thứ giá trị cao cấp này lại đến từ chính giọng hát mộc mạc, bình dị của bà.

Thậm chí, danh ca người Nhật Tokiko Kato vì quá yêu mến tiếng hát Khánh Ly mà chủ động tìm đến bà để làm quen và xin kết nghĩa làm chị em. Qua đó, đủ để thấy ma lực trong giọng hát Khánh Ly lớn nhường nào.

Giọng hát và những kỹ thuật riêng có

Về loại giọng, Khánh Ly thuộc vào nữ trung trầm (mezzo alto), có thể hát tốt quãng trung và trầm, với màu giọng tối, sâu. Quãng giọng của bà trải không quá rộng và nằm ở âm khu dưới. Nó trải dài hai quãng tám và hoàn toàn là chest voice (giọng ngực), không sử dụng giả thanh.

Bản chất giọng nữ trung trầm ở châu Á nói chung (Việt Nam nói riêng) vốn đã đặc biệt vì ít thấy hơn mezzo soprano (nữ trung cận cao) và soprano (nữ cao). Giữa một rừng nữ cao thanh mảnh, mỏng manh thì một giọng nữ trung trầm dày và tối bao giờ cũng gây ấn tượng thính giác tốt hơn.

Nhưng, giọng hát Khánh Ly còn độc đáo, hiếm thấy hơn nữa khi pha trộn âm sắc kim và mộc (thời trẻ), mộc và thổ (khi có tuổi).

Chính âm sắc này tạo nên cảm giác khiến nhiều người cho là liêu trai, ma mị (giọng người chứ có phải giọng ma đâu mà ma mị, hát chứ có gọi hồn đâu mà liêu trai).

Thời trẻ, giọng Khánh Ly là kim pha mộc. Tính kim giúp giọng Khánh Ly có lõi chắc và mang độ rền tự nhiên nên dù không dùng kỹ thuật cộng hưởng nhưng vẫn khá rền rĩ, có độ nổ khi lên giọng trong cữ âm G4, G#4, A4 và B4, lại đanh, nảy, âm lượng lớn.

Bà hát chắc chắn, có lực, phát huy lợi thế ở âm đóng (đặc trưng về tính xuyên thấu của giọng thuần kim như So Hyang, Thu Minh, Thái Thanh). Các âm đóng của Khánh Ly rất đanh, đặc quánh đến hiếm có (dù bà chỉ là giọng trữ tình, không phải giọng kịch tính). Chẳng hạn, âm đóng C#4 của bà đanh và đẹp đến hàng cực phẩm.

Ca sĩ Quang Thành khi được hỏi về điều ấn tượng với Khánh Ly đã trả lời: "Chính là giọng hát đầy nội lực của cô.

Ngoài ra, cách hát của cô rất kỹ thuật. Được biết, khi mới quen biết cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cô Khánh Ly đã được ông luyện giọng hát bằng những cách rất độc đáo. Đó là mở cửa sổ ra hát thật to ra ngoài trời hay hát trong các lu nước để có được giọng hát nội lực".

Khánh Ly: Vị trí đặc biệt trong âm nhạc, khiến người Nhật sang tận Mỹ săn đón, mời diễn - Ảnh 6.

Rõ ràng, nội lực và khỏe khoắn là một trong những ưu điểm quan trọng làm nên tính khác biệt của giọng hát Khánh Ly, nhưng ít ai nhận ra. Nhờ đó, bà hát rất rõ lời, rõ chữ, tách bạch rõ ràng từng câu từng chữ một khi hát và chữ nào cũng chắc chắn.

Khánh Ly thường hát tự sự, ít phô diễn và tiếng hát của bà lại gắn liền với nhạc Trịnh (loại nhạc nhiều âm tính, u tịch, trầm lắng, tĩnh tại, chậm rãi). Bởi thế nên người nghe thường chỉ cảm nhận theo lối mòn về một giọng hát Khánh Ly liêu trai, ma mị mà không thấy nội lực tiềm tàng trong bà.

Trên thực tế, Khánh Ly hát nhiều loại nhạc khác nhau và nhạc nào cũng ra chất chứ không phải hát mỗi nhạc Trịnh. Nhiều người chỉ nghe Khánh Ly hát mỗi nhạc Trịnh xong phán liêu trai, ma mj....

Trong khi đó, tính mộc lại giúp giọng Khánh Ly giữ được độ ấm, xốp, airy (âm hơi) và một chút mềm mại (nhưng không quá lả lướt, mướt mát). Như vậy, nhờ pha thêm mộc mà bà vừa có được ưu điểm, lại loại đi nhược điểm của giọng thuần kim.

Sau này, khi đã có tuổi, tính kim trong giọng Khánh Ly mất đi và đổ sang tính thổ (tính mộc vẫn giữ nguyên). Vì thế, bà hát mất lõi, không còn khỏe, đanh, nảy và rền như trước nhưng ấm, khàn hơn, nhuốm màu thời gian, thích hợp để thể hiện trải nghiệm, tâm trạng của một người từng trải, kinh qua nhiều biến cố.

Rất nhiều ca sĩ sau này cố tình dùng giọng mũi, hát bẹt giọng để bắt chước Khánh Ly, nhưng vẫn chỉ là phiên bản của bà. Không ai hát được một cách tự nhiên, bình dị nhưng vẫn thật đặc biệt và sâu sắc, thăm thẳm như bà.


Long Phạm

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

VOCAL FRY CÓ ĐƯỢC TÍNH VÀO VOCAL RANGE?


Đầu tiên, cần hiểu vocal range là gì. Theo định nghĩa phổ biến nhất ở các giáo trình, vocal range là phạm vi cao độ trong giọng nói hoặc giọng hát con người có thể tạo ra, được tính từ note thấp nhất tới note cao nhất. Trong cách hiểu đơn giản nhất, vocal range chỉ đơn giản là khoảng từ nốt thấp nhất đến nốt cao nhất mà một giọng hát cụ thể có thể tạo ra
Như vậy, theo định nghĩa này, vocal fry hoàn toàn được tính vào vocal range vì nó giúp con người chạm tới note thấp nhất trong giọng hát hoặc giọng nói của họ.
Tuy nhiên, trong âm nhạc lại khác. Các chuyên gia thanh nhạc đa số thống nhất quan điểm và có xu hướng định nghĩa vocal range là tổng khoảng cao độ "hữu ích về mặt âm nhạc" mà một ca sĩ có thể đạt tới.




Nói cách khác, trong âm nhạc, vocal range là quãng giọng mà người ca sĩ có thể đạt được khi trình diễn diễn xướng tác phẩm âm nhạc. Nó trải dài từ note thấp nhất tới note cao nhất trong quãng giọng của ca sĩ thể hiện qua ca khúc. Đó là lí do vì sao khi tính vocal range của ca sĩ, người ta chỉ tính qua những gì ca sĩ thể hiện trên sân khấu hoặc phòng thu, lúc họ đang hát. Cần nhấn mạnh vào điều này vì dù là Opera hay nhạc đại chúng, nếu note nhạc không được thể hiện trên tác phẩm, bản nhạc mà chỉ là ú ớ ở đâu đó thì không được tính vào vocal range.
Và đó cũng là lý do vì sao các bạn thấy các nữ ca sĩ Opera thường có quãng giọng không quá rộng, thường rơi vào 3 quãng. Vì họ chỉ được phép hát theo tổng phổ bản nhạc và quãng giọng đó là những gì họ thể hiện trên sân khấu, với bản nhạc.
Ví dụ, ngoại Nilsson hát Wagner mà dám nhảy lên F6 nhạc trưởng sẽ gõ cho to đầu. Các bản nhạc ngoại hát chỉ quy định tới C6, C#6, do đó, quãng giọng của ngoại cũng chỉ dừng lại ở đó dù trên thực tế có thể vươn cao hơn. Chính ngoại từng nói hát Queen of the night để luyện thanh. Hay, ngoại Leontyne từng tiết lộ ngoại lên được F6 trong phòng tắm nhưng cũng không ai tính quãng giọng của ngoại tới F6 vì ngoại không bao giờ thể hiện nó trên sân khấu.
Và nếu tính quãng giọng theo chuẩn Opera thì mấy cái như vocal fry hay whistle đều không được phép tính vào quãng giọng vì nó không được phép trình diễn trên sân khấu hay đưa vào bản nhạc ca sĩ thể hiện. Dù ca sĩ đó có cố tình whistle cũng không được chấp nhận và cũng không ca sĩ Opera nào whistle khi hát. Nguyên nhân vì cả hai thứ này đều không cộng hưởng và không giúp phát huy hết vẻ đẹp của giọng hát.
Ca sĩ Opera phải hát không mic nên cần sự cộng hưởng lớn trong giọng hát, nếu dùng whistle hay vocal fry thì coi như giọng chỉm nghỉm trong dàn nhạc, không nghe thấy gì. Bởi vậy, không có chuyện ca sĩ nào đó dùng whistle mà đàn áp được head voice hay mixed voice. => phi thanh nhạc hết sức.
Như vậy, theo cách tính vocal range chuẩn của Opera hay Bel Canto, whistle hay vocal fry đều bị loại khỏi vocal range vì nó không đem lại vẻ đẹp cho giọng hát đúng chuẩn.
Nhưng, âm nhạc đại chúng lại khác. Nhạc đại chúng cho phép dùng micro để hát nên bất cứ note nhạc nào ca sĩ thể hiện được trên ca khúc đều được tính vào vocal range.
Ad nhấn mạnh vào đoạn “BẤT CỨ NOTE NHẠC NÀO CA SĨ THỂ HIỆN ĐƯỢC TRÊN CA KHÚC”.
Điều đó có nghĩa, vocal fry hoàn toàn được tính vào vocal range nếu nó được ca sĩ áp dụng để thể hiện ca khúc, cho ra giai điệu cụ thể, rõ ràng và đầy đủ nhạc tính. Cách tính này hoàn toàn giống với Opera, tức là chỉ tính những note mà ca sĩ thể hiện được vào âm nhạc. Nếu vocal fry không được sử dụng vào ca khúc, không thể hiện giai điệu âm nhạc thì không được tính vào vocal range. Và có một điều khiến vocal fry ít được sử dụng, do nó khó control, khó kết nối với quãng giọng. Trên thực tế, không hề có sách vở nào nói không được tính vocal fry vào quãng giọng.
Trong trường hợp của mợ Toni, mợ dùng vocal fry vào ca khúc của mình một cách nhuần nhuyễn và control nó rất tốt, tạo ra nhạc tính, giai điệu. Cách dùng vocal fry của mợ được nhà sản xuất đại tài Baby Face chấp nhận khi mợ hát ca khúc của anh ấy.
Mợ dùng vocal fry để hát ca khúc đó trên khắp các sân khấu, hát đi hát lại cả tỷ lần và giúp mợ cho ra đời những tác phẩm hay, đoạt cả Grammy => cho thấy mợ control rất tốt, Grammy là minh chứng rõ nhất cho mợ, các giáo sư, chuyên gia âm nhạc hàn lâm hàng đầu tại Mỹ đều chấp nhận nó trong tác phẩm, không lẽ nào vài ba giáo sư thanh nhạc online Việt Nam lại từ chối và kêu không được => Vocal fry được tính vào vocal range cho mợ Toni.
Đây chính là ca khúc mợ Toni dùng vocal fry và đoạt Grammy năm đó =))) ối giời ôi, các nhà kiểm định viện hàn lâm mù hết rồi, vote cho một người không biết dùng Bel Canto, lại đi dùng vocal fry =)))
Còn tất nhiên, ca sĩ nào không đủ năng lực để áp dụng vocal fry vào tác phẩm mà chỉ ú ớ ở đâu đó thì chẳng ai tính. Cũng giống như whistle dù có cao tới Bb7 hay tới đâu mà không thể hiện vào tác phẩm cũng không được tính vào vocal range.
Ngoài mợ Toni, rất nhiều nghệ sĩ khác sử dụng vocl fry vào tác phẩm. Đó là những ca sĩ nhạc đồng quê, Gospel như Tim Storms , Mike Holcomb… hay điển hình là các nghệ sĩ Rock Metal. Các video quãng giọng của họ đều có vocal fry.
Trên thực tế, một số ca sĩ vẫn dùng subharmonic - một dạng của vocal fry vài bài hát, hoặc khi đảm nhận phần bè trầm. Đố ai dám nói không tính vocal fry vô quãng giọng nha.
CHỐT LẠI: VOCAL FRY ĐƯỢC TÍNH VÀO QUÃNG GIỌNG NẾU NÓ ĐƯỢC CA SĨ THỂ HIỆN VÀO TÁC PHẨM.


Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa?

 Hồ Ngọc Hà từng có độ phủ sóng lớn tới mức, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của cô. Nhất cử nhất động của Hồ Ngọc Hà đều được công chúng, báo giới săn đón và chỉ cần một hành động nhỏ cũng đủ khiến dư luận xôn xao. Cô được mệnh danh là Nữ hoàng giải trí.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hồ Ngọc Hà bình dị và im hơi lặng tiếng hơn. Cô tập trung nhiều hơn vào công việc kinh doanh. Chính vì vậy, tin đồn Hồ Ngọc Hà hết thời, không có show mời và phải đi bán son đã rộ lên, cuốn theo sự quan tâm của nhiều người.

Vậy, Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa và cô có được quyền hết thời?

Được quyền hết thời... tạm thời

Sự nghiệp của một nghệ sĩ giống như đời người, phải có lúc thăng lúc trầm, lúc lên lúc xuống. Không con đường nào trải dài hoa hồng mà không xảy ra biến cố. Đến những nghệ sĩ tài năng nhất cũng không thể thoát khỏi quy luật này.

Mariah Carey từng có một thời hoàng kim rực rỡ trong 7 năm đầu sự nghiệp. Cô liên tục đứng đầu bảng xếp hạng danh giá Billboard hot 100 và bán được hàng trăm triệu đĩa, vươn lên thành diva hàng đầu thế giới.

Nhờ đó, Mariah đã vượt qua những đại thụ như Michael Jackson, Madonna, Whitney Houston nhận được giải thưởng Nghệ sĩ của thập kỉ 90.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 1.

Mariah Carey năm 1991

Nhưng sau khi li dị người chồng quyền lực Tommy Mottola vào năm 1997, sự nghiệp của Mariah Carey bỗng dưng chững lại và xuống dốc không phanh. Cô mất giọng một cách đột ngột, đánh mất những note cao lộng lẫy và phần giọng ngực yếu dần đi.

Album Butterfly đánh dấu sự trưởng thành, sâu sắc trong tư duy của Mariah lại không hề nhận được ánh hào quang như mong đợi.

Liên tiếp sau đó, Mariah rơi vào bê bối với rượu chè, thuốc lá, mất giọng, tăng cân và không có sản phẩm nào gây ấn tượng. Cô thường xuyên xuất hiện trên sân khấu trong tình trạng mệt mỏi, hát nhép. Quá trình này kéo dài suốt 8 năm đằng đẵng, khiến ai cũng nghĩ cô đã hết thời.

Nhưng tới 2005, Mariah Carey bỗng trở lại với album The Emancipation of Mimi và vụt sáng. Cô thể hiện rõ đẳng cấp hòa âm, phối khí và cách xử lí sáng tạo, tuyệt vời của mình.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 2.

Mariah Carey tại Grammy 2006

Nhờ đó, Mariah Carey đã đoạt thêm 3 giải Grammy danh giá lại dẫn đầu bảng xếp hàng Billboard hot 100.

Giống như Mariah Carey, Britney Spears cũng từng lâm vào thời kì khủng hoảng nặng nề sau thời hoàng kim kéo dài 7 năm. Trong khoảng thời gian này, cô thường xuyên gặp chấn động tâm lí, sử dụng ma túy, rượu chè, không kiểm soát được hành động của mình, dẫn đến hàng loạt scandal chấn động.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 3.

Britney thời đỉnh cao

Britney thậm chí còn cạo trọc đầu, đánh paparazzi và ngồi khóc như một đứa trẻ giữa đường. Cô mất hết phong độ trên sân khấu, trình diễn lờ đờ, mệt mỏi và thiếu sức sống.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 4.

Và thời tuột dốc

Quá trình này cũng kéo dài suốt 3 tới 4 năm, khiến Britney bị đánh giá là hết thời. Người ta còn tưởng rằng, cô sẽ khó có thể quay lại được.

Nhưng không, album Circus của Britney phát hành vào 2008 đã gây tiếng vang lớn trong công chúng và nhận được những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.

Nhờ album này, Britney đã lần thứ hai được dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard hot 100, bán được hàng triệu bản và được đề cử Grammy. Tour diễn The Circus Starring Britney Spears của cô vào 2009 cũng đạt doanh thứ 131 triệu đô và trở thành tour diễn cao thứ 5 trong năm đó. Tên tuổi của Britney được duy trì đều đặn từ đó tới tận bây giờ. 

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 5.

Britney Spears trở lại năm 2009

Trong suốt sự nghiệp của mình, Madonna cũng gặp phải nhiều scandal, biến cố. Cô liên tục bị dư luận, chính quyền và một bộ phận không nhỏ công chúng lên án.

Vào năm 1993, Madonna bị phản ứng vì scandal nhiều tới mức, người ta cho rằng sự nghiệp của cô đã đến lúc chấm dứt. Nhưng cô vẫn duy trì đỉnh cao không thể thay thế của Nữ hoàng nhạc Pop cho tới tận bây giờ.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 6.

Madonna

Hiện nay, rất nhiều ca sĩ đình đám từng khuynh đảo thế giới như Beyonce, Lady Gaga, Rihanna… cũng chững lại sự nghiệp và không còn tạo được nhiều cú hích lớn như cách đây vài năm. Rihanna không còn đạt vị trí cao trên các bảng xếp hạng. 

Các album mới của Lady Gaga giảm sút liên tục về doanh thu, thứ hạng. Album mới của Beyonce thậm chí còn không xuất hiện trên truyền thông.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 7.

Rihanna

Tuy nhiên, không ai dám nói họ hết thời. Công chúng biết rằng, rất có thể một ngày nào đó, họ sẽ lại có sản phẩm đột phá. Sự nghiệp của họ còn kéo dài thêm vài chục năm nữa và chẳng thể biết được điều gì sẽ xảy ra.

Ngược lại, cũng có những nghệ sĩ phải mất rất lâu mới nổi tiếng được. So Hyang đi hát từ năm 1999, nhưng mãi tới gần đây, cô mới được biết đến rộng rãi.

Rõ ràng, sự nghiệp của một nghệ sĩ độc lập không giống với Idol. Nó thường kéo dài cho tới khi họ chính thức nghỉ hưu. Và trong thời gian đó chắc chắn sẽ có thăng trầm. Nhưng không ai biết họ sẽ làm gì, vào lúc nào, nên không thể nói họ hết thời hay chưa.

Như vậy, nghệ sĩ được quyền hết thời tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định, để chuẩn bị cho những đỉnh cao lớn hơn nữa.

Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi

Rất hiếm nghệ sĩ giữ được phong độ trong suốt sự nghiệp của mình để duy trì đỉnh cao lâu dài. Theo năm tháng, ai cũng phải già đi, từ đó suy giảm giọng hát và sức sáng tạo.

Chẳng hạn, khoảng thời gian đỉnh cao của Whitney Houston, Mariah Carey, Christia Aguilera, Toni Braxton… không kéo dài quá lâu (thường chỉ trong 10 năm đổ về). Sau đó là thời kì mất giọng và giảm sút phong độ.

Christina Aguilera thậm chí còn không quá già, nhưng đã chìm vào yên lặng suốt nhiều năm qua. Cô vẫn ra sản phẩm, nhưng không gây tiếng vang hay được đón nhận tích cực.

Ngay cả diva bậc thầy nền Opera hàn lâm là Maria Callas cũng chỉ giữ phong độ trong hơn chục năm và đi xuống ở tuổi ngoài 40. Trong khi đó mới là độ tuổi chín của một ca sĩ Opera.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 8.

Maria Callas

Tuy nhiên, chỉ cần 1 năm sự nghiệp của họ cũng bằng hàng chục năm sự nghiệp của người khác.  

Whitney Houston chỉ mất 2 năm để thiết lập kỉ lục album debut bán chạy nhất mọi thời đại, album nhạc phim bán chạy nhất mọi thời đại với vài chục triệu bản. Cô cũng chỉ mất 3 năm để có được kỉ lục 7 no1 Billboard hot 100 liên tiếp.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 9.

Whitney Houston

Mariah Carey và Rihanna chỉ mất 9 tới 10 năm để sở hữu 14 no1 Billboard hot 100 và đoạt vô số giải thưởng danh giá khác.

Hay, Maria Callas chỉ mất khoảng 10 năm để ôm trọn nền Opera Bel Canto thế kỉ XX và trở thành Kinh thánh của Opera. Các ca sĩ khác có phấn đấu hàng trăm năm cũng không thể theo kịp sự nghiệp của bà.

Với những nghệ sĩ qua đời từ khi còn rất trẻ như Minnie Riperton. Amy Winehouse, Janis Joplin… chỉ có khoảng vài năm sự nghiệp, nhưng cũng tạo nên đỉnh cao ít ai chạm tới.

Đến giờ, trong số những nghệ sĩ đó, người thì qua đời, người thì không còn hát được như xưa và đánh mất hình tượng. Nhưng nhắc tới họ, công chúng chỉ nhớ tới cống hiến và tên tuổi vinh quang của họ, chứ không ai nhớ tới chuyện hết thời của họ.

Ngay cả ở Việt Nam, cũng có những nghệ sĩ đã qua thời đỉnh cao đã lâu, nhưng không ai nói họ hết thời, vì những cống hiến to lớn của họ với nền âm nhạc nước nhà.

Thanh Lam gần chục năm qua không ra một album nào. Hà Trần vẫn ra album nhưng không đạt thành công như mong đợi. Thu Minh kể từ album Body Language (2011) đã không ra thêm được album nào và các sản phẩm âm nhạc cũng không gây đột phá. Hồ Quỳnh Hương thậm chí còn nghỉ hát 5 năm và khi trở lại cũng không gây được tiếng vang.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 10.

Hồ Quỳnh Hương

Nếu nói theo cách người ta vẫn gọi về Hồ Ngọc Hà, thì những nghệ sĩ trên rõ ràng đã hết thời. Nhưng tất cả họ vẫn giữ được mức cát xê rất cao và được trọng vọng. Dù không ra sản phẩm hay gây tiếng vang, nhưng công chúng vẫn luôn nhớ đến họ.

Như vậy, nghệ sĩ được quyền hết thời, sau những gì họ đã cống hiến cho công chúng, để tạo nên những đỉnh cao cho thế hệ kế tiếp noi theo. Điều quan trọng nhất với một nghệ sĩ là cống hiến và thành tựu, chứ không phải hết thời hay không.

Hồ Ngọc Hà vẫn chưa bao giờ hết thời

Hồ Ngọc Hà hoạt động trên đỉnh cao cũng được hơn chục năm qua và để lại rất nhiều bài hit lớn cũng như hình ảnh về một nữ ca sĩ giải trí thành công cho đàn em học tập.

Những ca khúc đình đám của Hồ Ngọc Hà như Yêu thương mong manh, Đêm nghe tiếng mưa, Giấc mơ chỉ là giấc mơ, Tìm lại giấc mơ… vẫn thường xuyên được các nghệ sĩ khác cover.  

Như vậy, nếu bây giờ Hồ Ngọc Hà tạm dừng sự nghiệp, cô vẫn có thể ngẩng cao đầu vì những thành công mình có được.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 11.

Thế nhưng, so với những nghệ sĩ trên, rõ ràng Hồ Ngọc Hà chưa hề hết thời. Sản phẩm âm nhạc gần nhất của cô là Cả một thời thương nhớ phát hành hồi giữa năm ngoái vẫn đạt lượt view cao và tạo hiệu ứng tốt với người nghe.

Mức cát xê của Hồ Ngọc Hà luon ở mức rất cao trong làng giải trí. Mức cát xê này có thể thấp hơn so với vào ngôi sao khủng nhưng vẫn ngang ngửa với nhiều ca sĩ nổi tiếng hàng đầu khác.

Hồ Ngọc Hà đã thực sự hết thời chưa? - Ảnh 12.

Tuy nhiên, theo lời nhà thiết kế Lý Quý Khánh, vẫn có show mời Hồ Ngọc Hà với giá 580 triệu. Đây là con số quá cao, chứng tỏ sức nặng tên tuổi của cô vẫn rất lớn. Tuy ít trình diễn trong nước, nhưng Hồ Ngọc Hà vẫn thường đi show nước ngoài. Đó là lí do công chúng ít thấy cô xuất hiện.

Và một minh chứng nữa cho sức hot của Hồ Ngọc Hà là nhất cử nhất động của cô vẫn luôn được dư luận theo dõi và bất cứ hành động nào, dù là nhỏ nhất, cũng đủ gây xôn xao trong công chúng. Cô vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để các phương tiện truyền thông khai thác.

Tóm lại, Hồ Ngọc Hà cũng như bất cứ nghệ sĩ nào khác. Cô được quyền hết thời sau những gì đã đạt được. 

Tuy nhiên, nếu xét một cách công bằng, cô vẫn chưa bao giờ hết thời.