Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ THANH NHẠC (P1)

 

Vẫn là những quan điểm sai lầm về thanh nhạc nói riêng, âm nhạc nói chung đang được một số page lưu truyền.

 


1.    Dù là Pop hay cổ điển thì âm thanh đẹp auto hơn

 

Có hai vấn đề ở đây. Thứ nhất, âm thanh đẹp là giọng đẹp hay kỹ thuật đẹp hay tổng hòa cả kỹ thuật lẫn giọng đẹp? Ad chắc rằng cái “âm thanh đẹp” mà bạn này nhắc tới là giọng đẹp. Tức là, có giọng đẹp auto hơn giọng không đẹp.

 

Quan điểm này sai lầm và làm hỏng cả một hệ thống thanh nhạc, cổ xúy cho việc ỷ lại vào việc có giọng đẹp, không chịu rèn luyện kỹ thuật.

 

Ngay trong nhạc cổ điển, những ca sĩ có giọng đẹp ngất ngưởng như Renata Tebaldi hay Montserrat Caballe cũng không thể vượt qua được Maria Callas – một người có giọng hát được nhận định là rất xấu, thô ráp. Và nếu đọc tiểu sử của Callas, bạn sẽ rơi nước mắt khi biết ngoại đã phải khổ luyện thế nào để vươn lên đỉnh cao từ cái giọng xấu đó, và cũng không ai dám nói một ca sĩ giọng đẹp thì auto hơn Callas.

 

Dù giọng có đẹp bằng giời mà không có kỹ thuật tốt cũng chưa chắc tạo nên âm thanh đẹp. Chưa có một giọng đẹp nào tự tin nói rằng tôi đếch cần kỹ thuật vẫn belt G5 đẹp hơn So Hyang giọng xấu.

 

Trong nhạc nhẹ, rất nhiều giọng hát bẩm sinh bị cho là xấu như Hà Trần, Thu Minh... đã nhờ kỹ thuật để vượt lên cả ngàn giọng hát đẹp khác. Nghe Hà Trần hát, ai dám nói một giọng hát đẹp nào đó sẽ auto hơn mợ?

 

Thứ hai, quan điểm này gạt phăng mọi thứ thuộc về tư duy, thẩm mỹ, sáng tạo âm nhạc sang một bên chỉ để đề cao cái giọng bẩm sinh, trời cho của ca sĩ.

Nếu ca sĩ chỉ cậy giọng đẹp mà không có tư duy, thẩm mỹ, sáng tạo thì cũng không thể thành công được. Những ca sĩ có giọng đẹp như Whitney Houston, Celine Dion, Mariah Carey… đều thành công nhờ vào tư duy âm nhạc của họ chứ không phải có mỗi cái giọng rồi ôm mic hát.

 

Tiếp đó, rất nhiều nghệ sĩ đi theo các xu hướng âm nhạc khác nhau, không chú trọng quá nhiều vào giọng hát như Madonna, Bjork, The Beatles… họ vẫn thành công và có nhiều cống hiến, thậm chí còn vượt qua cả các Diva có giọng đẹp. Ai dám nói ca sĩ có giọng đẹp thì hơn họ?

 

Nhắc lại, trong âm nhạc thì tư duy và sáng tạo mới là quan trọng nhất chứ không phải giọng hát. Đừng ấu trĩ như vậy.

 

2.    Về kỹ thuật, càng gần với cổ điển thì càng kỹ thuật cao

 

Lại một quan điểm siêu sai lầm nữa. Về cơ bản, cổ điển và nhạc đại chúng hoàn toàn khác nhau vì một bên hát không mic, phải sử dụng những kỹ thuật cộng minh, dựng tiếng, còn một bên hát có mic, được sáng tạo nhiều kỹ thuật khác để đa dạng tác phẩm.

 

Gần nhất với cổ điển là bán cổ điển, tức là các ca sĩ dòng crossover như Sarah Brightman, Andrea Bocelli… Nói như vậy tức là những ca sĩ này kỹ thuật cao hơn Whitney Houston, Mariah Carey, Aretha Franklin, Lara Fabian…?

 

Ngay cả chính ca sĩ cổ điển còn phải nể phục ca sĩ nhạc đại chúng về kỹ thuật. Diva Montserrat Caballe từng ca ngợi ca sĩ nhạc Rock Freddie Mercury như sau:

 

“Kỹ thuật của Mercury là đáng kinh ngạc. Không có vấn đề nhịp độ, cậu ấy hát với một cảm giác sắc bén về nhịp điệu, giữ vị trí giọng hát của mình rất tốt và cậu ấy  có thể lướt dễ dàng từ một tông nhạc sang tông khác.

 

Cậu ấy cũng đã có cảm nhận riêng về âm nhạc. Phân nhịp của Mercury khá tinh tế, nhạy cảm và ngọt ngào, năng động và giật. Mercury có thể tìm đúng màu âm hay biểu cảm cho riêng từng từ”.

Veronique Gens, một trong những ca sĩ thính phòng nổi tiếng của Pháp, đã từng thốt lên về kỹ thuật giữ giọng của Celine Dion:  "Celine Dion sở hữu cổ họng bằng bê tông".

 

Giọng nữ cao kịch tính nổi tiếng trong giới Opera hiện nay là Jane Eaglen nói rằng, cô đã từng muốn trở thành một ca sĩ nhạc Pop vì ngưỡng mộ tiếng hát của Whitney Houston, nhưng rồi cô nhận ra mình không thể theo nhạc Pop vì sẽ không bao giờ được như Whitney.

 

Giọng ca Opera hàng đầu Việt Nam Đào Tố Loan sau khi xem Whitney hát live Saving all my love for you cũng phải thốt lên: “Whit là thần tượng đi vào lịch sử! Loveeeee”.

 

Ca sĩ, thạc sỹ Ngọc Mai dù thiên về cổ điển vẫn thần tượng ca sĩ So Hyang.

Chưa kể, tới khi nền kĩ thuật ngày càng phát triển, nếu mọi người càng hát giống các ca sĩ Opera thì âm thanh tạo ra sẽ nghe rất buồn cười, dị hợm vì ngoài kĩ thuật hát, ca sĩ còn phải tạo âm thanh sao cho phù hợp với hệ thống thu âm và micro.

 

Hát càng gần cổ điển là phải hát dựng âm các kiểu, những âm thanh đó vào mic nghe sẽ kịch tính quá yêu cầu.

 

Ví dụ điển hình nhất là ca sĩ Opera nổi tiếng Sumi Jo khi hát My heart will go on nghe rất kỳ cục. Nhiều ca sĩ Opera đều từng hát lại nhạc Pop theo phong cách cổ điển với chuẩn kỹ thuật cổ điển nhưng không hề hay.

 

Việc cho rằng càng gần cổ điển kỹ thuật càng cao là quan điểm làm chui chột âm nhạc, phủ nhận sự sáng tạo của âm nhạc hiện đại với hàng trăm ngàn bài tập thanh nhạc được tạo nên từ các giáo sư, danh ca, giảng viên hàng đầu thế giới.

 

Tại các trường đại học về âm nhạc lớn trên thế giới đều thường chia làm 3 khoa và không có ai lấy kỹ thuật cổ điển đi dạy hát Jazz. Các nghệ sĩ đại chúng vẫn luôn được đưa vào giáo trình giảng dạy tại những trường này. 

Long Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét