Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Hà Trần: Nghệ sĩ đầy cá tính với giọng hát điêu luyện

 Nền tảng gia đình và học hành vững chắc

Hà Trần ngay từ nhỏ đã được kế thừa truyền thống giáo dục nghệ thuật rất lớn từ gia đình, khi bố là nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu (cũng đồng thời là một ca sĩ, giảng viên thanh nhạc tài ba, chuyên phát hiện và bối dưỡng các nhân tố âm nhạc), chú là nhạc sĩ Trần Tiến, mẹ là nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Huyền - nguyên trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội.

Điểm tựa gia đình này gần như hoàn hảo, khiến bất cứ ca sĩ nào cũng phải mơ ước. Trong một điểm tựa như vậy, Hà Trần chẳng thiếu một thứ gì để đến với âm nhạc, từ lý thuyết tới thực hành.

Có lẽ, nhờ điểm tựa này mà cô đã có ý chí khổ luyện, khắc phục nhược điểm giọng hát của mình để không những trở thành ca sĩ có kĩ thuật cao, mà còn có tư duy, kiến thức âm nhạc dày dặn bậc nhất showbiz Việt hiện nay.

Hà Trần: Nghệ sĩ đầy cá tính với giọng hát điêu luyện - Ảnh 1.

Trong nhiều ca sĩ nhạc nhẹ, Hà Trần vẫn luôn là người có nền tảng học hành vững chắc về âm nhạc, khi bắt đầu học piano từ năm 8 tuổi. Đến năm 10 tuổi, cô tiếp tục thi vào hệ sơ cấp thanh nhạc trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Chưa dừng lại ở đó, năm 18 tuổi, cô lại thi vào hệ Đại học tại khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội và tốt nghiệp năm 23 tuổi.

Trong quá trình học tại Nhạc viện Hà Nội, cô luôn được khen ngợi là một sinh viên chăm chỉ. Hằng ngày, cô phải đạp xe hàng chục cây số tới lớp luyện thanh. Có những hôm, vì quá đói nên cô đã suýt ngất trong lúc luyện thanh.

Với cả một quá trình khổ luyện và học hành nghiêm túc tại trường lớp như vậy, Hà Trần chắc chắn sở hữu một bề dày kiến thức vô cùng lớn, giúp cô áp dụng thành công vào sự nghiệp của mình.

Con đường từ ca sĩ Pop thành nghệ sĩ đa màu sắc trong âm nhạc

Hà Trần khởi nghiệp dưới vai trò một ca sĩ nhạc Pop, với những bản pop ballad ngọt ngào, da diết, thể hiện một chất giọng trữ tình mềm mại.

Sau đó, cô nhanh chóng chuyển sang thể nghiệm nhạc Jazz, loại nhạc ít phổ biến ở Việt lúc bấy giờ.

Từ đây, cô tạo tiền đề để khởi xướng Nhật thực, một trong những album hàng đầu của các thời đại âm nhạc Việt Nam, với nhiều đổi thay, cách tân về thể loại, concept, hòa âm, phối khí. Cũng từ album này, Hà Trần bắt đầu hóa thân thành nghệ sĩ Indie đầu tiên ở Việt Nam, từ bỏ mác ca sĩ để tiến thành nghệ sĩ.

Sau thành công của Nhật thực, Hà Trần vẫn tiếp tục đào sâu tìm tòi và thể nghiệm rất nhiều thể loại, chất liệu âm nhạc khác nhau, mà ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Với các album đỉnh cao như Vi Sinh, Đối thoại 06, Cánh cung 3… Hà Trần đã gần như trở thành "tắc kè hoa" độc nhất vô nhị của làng nhạc Việt, với các cách kết hợp thể nghiệm World music, Electronic, Trip hop, Blues… vào. Đặc biệt, với phần âm thanh điện tử phối hợp cùng Rock hay World music trong kết cấu hòa âm, nhạc cụ mới, Hà Trần đã nâng Electronic lên một tầm cao mới trong nhạc Việt.

Hà Trần: Nghệ sĩ đầy cá tính với giọng hát điêu luyện - Ảnh 2.

Có thể nói, ít có ca sĩ nào ở Việt Nam có biên độ thể loại trải dài như Hà Trần. Cô có thể hát đầy ngọt ngào với pop ballad, đầy bác học với nhạc thính phòng/bán cổ điển, đầy ngẫu hứng với Jazz, lại có thể "điên", "quái" đầy ma mị với các loại nhạc thể nghiệm khác. Phải có nền tảng kĩ thuật rất điêu luyện cùng tư duy âm nhạc sâu sắc mới làm được nhiều điều đến thế.

Giọng hát và kỹ thuật điêu luyện

Hà Trần bẩm sinh giọng mỏng, yếu, nhưng kĩ thuật điêu luyện đã giúp cô có thể hát khỏe khoắn, nội lực hơn rất nhiều. Những note cao chuẩn xác của Hà Trần luôn khiến các giọng nữ khác phải học hỏi.

Trong màn trình diễn ca khúc Nước sâu, Hà Trần đã belt khá nội lực từ quãng trung B4 chạy lên tận quãng cao E5 trong những 13 giây. Đoạn cuối, cô tiếp tục kéo dài một note D5 vibrato khỏe khoắn và mượt mà.

Trong màn song ca sau với Thanh Lam, cô đã kéo dài một quãng bè Eb5 đầy chắc chắn, thoải mái rồi nhảy lên tận F#5 trong 10 giây và còn chuyển động làn hơi, vibrato theo điệu nhạc. Phải nói rằng làn hơi của Hà Trần rất khỏe và được kiểm soát tốt.

Uy lực nhất vẫn là trong màn trình diễn ca khúc Dệt tầm gai sau, Hà Trần đã tiến tới đẳng cấp vocalist hàng đầu khi belt một làn F#5 sustain, vibrato, open throat, vị trí âm thanh và thanh quản ổn định.

Nhưng đẳng cấp giọng hát của Hà Trần lại nằm ở quãng trầm. Với một nữ cao, việc hát trầm còn khó gấp mấy lần hát cao. Người ta có thể tìm thấy hàng loạt nữ cao hát note cao tốt ở Việt Nam cũng như châu Á, nhưng một nữ cao hát trầm được như Hà Trần có thể xem là "của hiểm".

Hà Trần hát quãng trầm thoải mái tới mức, chỉ cần cô mở miệng ra hát là đã có thể xuống note trầm, không cần gắng gượng như nhiều nữ cao khác. Mọi note trầm của cô đều được support đầy đủ, kiểm soát tốt, không cần phải hạ thanh quản hay gắng gượng. Cô có thể phrase quãng trầm trong mọi câu hát dù nhanh hay chậm.

Hà Trần: Nghệ sĩ đầy cá tính với giọng hát điêu luyện - Ảnh 3.

Uyên Linh dù là một nữ trung, nhưng vẫn bị Hà Trần áp đảo về quãng trầm khi hát chung. Trong một lần song ca cùng Uyên Linh, Hà Trần phrase toàn bộ quãng trầm đầy thoải mái và có đoạn, cô xuống tận G2 rất sâu, tối, một note cực trầm với giọng nữ mà vẫn dày. Đây là điều vô cùng hiếm thấy với nữ cao.

Hà Trần cũng đủ bản lĩnh để bè quãng trầm cho Thanh Lam, trong khi cô rõ ràng là một nữ cao còn Thanh Lam lại là nữ trung có khả năng xuống rất trầm.

Chính khả năng thượng thừa này khiến Hà Trần nhiều khi bị nhầm lẫn là nữ trung. Quả thực, khả năng thanh nhạc trên quãng giọng của cô rất đáng khâm phục.

Được đào tạo bài bản về thanh nhạc cổ điển, khả năng sử dụng head voice của Hà Trần rất điêu luyện.

Hà Trần: Nghệ sĩ đầy cá tính với giọng hát điêu luyện - Ảnh 4.

Dù rất ít khi sử dụng head voice từ lúc chuyển qua nhạc nhẹ, nhưng trong một số ca khúc thính phòng/ bán cổ điển được thu trước đây, Hà Trần đã thể hiện rõ năng lực bậc cao của mình. Head voice của cô mềm mại, trong trẻo, khả năng điều khiển âm lượng chắc chắn, passagio chuẩn xác, legato mượt mà, pianissimo tròn trịa.

Khả năng ca hát tinh tế và điêu luyện tới mức bậc thầy và tư duy âm nhạc của Hà Trần được thể hiện qua những bản nhạc thể nghiệm, khi cô biết cách làm tan giọng theo giai điệu nhạc.

Khác hẳn với các vocalist khác, Hà Trần không cố trưng trổ giọng hát để đè lên nhạc mà dùng kĩ thuật để "uốn lượn" giọng theo nhạc. Bằng cách này, cô đã tôn được nhạc sĩ lên.

Với tất cả những thành tựu, tiên phong, cống hiến và năng lực giọng hát, kĩ thuật, tư duy, phong cách của mình, Hà Trần xứng đáng là một trong những giọng hát đẳng cấp nền âm nhạc Việt Nam hiện tại.

Long Phạm


Trang web âm nhạc cộng đồng. Hỗ trợ chúng tôi qua tài khoản: 178204122, ngân hàng VP Bank. Rất biết ơn nếu được hỗ trợ.

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

CÁC KIỂU GIỌNG COLORATURA SOPRANO VÀ ĐỘ HIẾM CÙNG TỪNG KIỂU

Coloratura soprano (nữ cao màu sắc) là kiểu giọng đang gây tranh cãi thời gian gần đây. Nguyên nhân là do admin page Diva Divo Fan Việt Nam có thần tượng, cô giáo “được cho” là coloratura soprano nên tôn thờ kiểu giọng này.

 


Page Diva Divo Fan Việt Nam đội coloratura soprano làm đỉnh cao âm nhạc, quý hiếm, thượng đẳng, ngồi trên đầu trên cổ những giọng hát khác. Điều này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, lại phản cảm, gây nguy hại tới âm nhạc, định hướng thẩm mỹ cho khán giả.

 

Vậy, coloratura soprano có hiếm và thượng đẳng như những gì được page Diva Divo Fan Việt Nam ca tụng?

 

1.    Coloratura soprano (nữ cao màu sắc) là gì?

 

Coloratura soprano (nữ cao màu sắc) là từ chỉ một loại sắc thái (fach) của giọng nữ cao (soprano), bắt nguồn từ nhạc cổ điển/Opera, dùng để phân biệt với các loại sắc thái giọng nữ cao khác như lirico soprano, spinto soprano, dramatic soprano, falcon soprano…

 

Theo định nghĩa từ wiki, coloratura soprano có âm vực rộng hơn so với các loại nữ cao khác, đặc biệt về âm khu cao. Giọng này có khả năng luyến láy các note ở âm vực cao rất tốt, được phân biệt với các loại giọng khác bằng sự linh hoạt trong việc chạy note và trills.

 

2.    Các điều kiện của một giọng coloratura soprano như sau:

 

- Âm vực rộng, tessitura nằm trên quãng cao (quãng 6 với head voice), càng lên cao lại càng thoải mái, supported, sáng rực và có độ mở, âm lượng lớn hơn.

- Thực hiện được hàng loạt kỹ thuật hoa mỹ màu sắc như staccato, melisma, vocal runs, trillo… ở mức điêu luyện.

- Agility cực tốt và biến hóa ở quãng cao, đạt được tốc độ chạy note rất nhanh, chuyển quãng, chuyển giọng thần sầu.

- Có khả năng xử lý tốt, chuẩn xác loạt tác phẩm viết riêng cho giọng coloratura soprano.

3. Coloratura soprano có thực sự vượt trội hơn các kiểu giọng khác?

 

- Khác với các sắc thái giọng khác của loại giọng nữ cao, coloratura soprano đa phần không thuộc về bẩm sinh mà thiên về luyện tập. Tức là, một lirico soprano, spinto soprano hay dramatic soprano nếu luyện tập đúng cách và trường kỳ cũng sẽ thành coloratura soprano. Tất nhiên, vẫn có một số ít coloratura soprano mang tính bẩm sinh với những lợi thế trời cho có sẵn. Như vậy, coloratura soprano không phải giọng hiếm vì nó thiên về luyện tập nhiều hơn bẩm sinh, bất cứ giọng nữ cao nào cũng luyện để trở thành coloratura soprano được. Coloratura soprano có mặt ở khắp các quốc gia, vùng miền, ngay cả Việt Nam cũng không thiếu.

 

- Cần phân biệt giữa coloratura technique và coloratura soprano. Nếu coloratura soprano là một fach giọng thì coloratura technique là kỹ thuật mà bất cứ giọng nữ cao Opera nào cũng phải học để thực hiện trong tác phẩm. Tức là, bất cứ giọng Opera/cổ điển nào cũng thực hiện được những kỹ thuật coloratura nhất định. Chỉ có điều, với coloratura soprano thì các kỹ thuật coloratura sẽ được yêu cầu cao hơn, hoa mỹ và điêu luyện, thần sầu hơn. Đặc biệt, khá nhiều giọng nữ cao tuy không phải coloratura soprano nhưng lại thực hiện được các kỹ thuật coloratura thần sầu trên quãng cao không kém cạnh gì giọng colorautra nào như Leontyne Price, Montserrat Caballe… Nhưng họ vẫn được gọi theo đúng kiểu giọng mà họ theo đuổi chứ không muốn trở thành một coloratura soprano. Coloratura soprano chỉ là kiểu giọng để phân vai, không phải sự thèm khát của tất cả ca sĩ.

 

-        Kỹ thuật màu sắc cũng chỉ là một nhánh trong thế giới kỹ thuật âm nhạc. Mỗi loại giọng sẽ có những kỹ thuật hát riêng để supported phát huy năng lực bẩm sinh của giọng. Coloratura thiên về các kỹ thuật chạy note, nhảy note, luyến láy trên quãng cao nhưng để đạt được sự vi diệu trong làn hơi, legato, điều khiển âm lượng của một giọng trữ tình như Montserrat Caballe lại càng khó hơn, hay độ rền của một giọng kịch tính như Nilsson cũng là điều giọng coloratura không làm được. Sumi Jo kỹ thuật màu sắc đỉnh cao nhưng chưa bao giờ dám động vào một aria dành cho giọng spinto. Ngay trong nhạc pop, Mariah Carey có thể chạy note, chuyển quãng rất đỉnh nhưng không thể đạt tới độ rền của Lara Fabian trên làn hơi dài. Ngược lại, giọng kịch tính và giọng trữ tình thì không thể chạy note và chuyển quãng linh hoạt như coloratura. Mỗi loại kỹ thuật đều có cái khó riêng của nó và khán giả thì luôn trân trọng tất cả, không có chuyện phân biệt là kỹ thuật này thì đỉnh cao hơn, cao cấp hơn kỹ thuật kia.

 

-        Trong Opera, các vai diễn có cát xê cao nhất và được biểu diễn nhiều nhất lại thường dành cho các spinto soprano, full lirico soprano, dramatic soprano như Tosca, Mimi, Leonora…

 

3.    Các kiểu và độ hiếm của coloratura soprano

 

Coloratura soprano là kiểu giọng khá đa dạng với nhiều loại nhỏ khác nhau, với độ hiếm khác nhau. Không phải coloratura soprano nào cũng hiếm.

 

-        Lirico coloratura soprano (nữ cao màu sắc trữ tình): Đây là kiểu giọng được phát triển từ giọng lirico soprano, nhờ luyện tập mà thành coloratura soprano. Kiểu giọng này đặc trưng ở âm lượng vừa phải, âm sắc sáng, nhẹ nhàng, bay bổng, trữ tình, mềm mại. Trong lirico coloratura soprano lại có hai tiểu nhánh nhỏ hơn nữa.

 

+ Light lirico coloratura soprano: Được phát triển từ giọng light lirico soprano lên. Đây là kiểu giọng phổ biến, xuất hiện nhiều nhất khắp từ Á sang Âu. Coloratura soprano ở Việt Nam hiện nay chủ yếu thuộc kiểu giọng này như Đào Tố Loan, Phạm Khánh Ngọc, Ngọc Tuyền, Bích Thủy… Sở dĩ kiểu này phổ biến nhất vì giọng light lirico soprano có đặc trưng âm sắc sáng, mảnh, dễ dàng hát và control tốt trên quãng 6.

 

+ Full lirico coloratura soprano: Được phát triển lên từ giọng full lirico soprano. Loại này ít thấy hơn nhưng cũng phổ biến, với âm sắc dày, ấm hơn một chút, điển hình như Anna Moffo, Edita Gruberova, June Anderson và có thể là Beverly Sills…

 

-        Spinto coloratura soprano: Được phát triển từ giọng spinto soprano. Loại này thường được gộp chung là dramatic coloratura sprano vì có thể đạt kịch tính khi lên cao trào. Đa số các dramatic coloratura soprano đều được phát triển từ spinto soprano. Đặc trưng của spinto coloratura soprano là giọng đanh, sắc bén, âm lượng khá lớn và khi lên cao thì như máy cắt laser, hát chắc chắn, dữ dội. Loại này khá ít, đại diện tiêu biểu như Cristina Deutekom, Edda Moser. Ở châu Á không có loại giọng này.

 

-        Dramatic coloratura soprano: Đây là loại giọng hiếm nhất, được phát triển từ một dramatic soprano thuần lên. Sở dĩ hiếm vì dramatic soprano thuần với các đặc tính bẩm sinh như màu giọng tối, âm sắc đanh, dày, thô ráp, âm lượng quá lớn, tính chất giọng quá nặng, chắc, solid rất khó để mở quãng lên quá cao và thực hiện được kỹ thuật coloratura hoa mỹ phức tạp. Quãng giọng của dramatic soprano thuần thường dừng ở C#6 và rất khó để control tốt khi lên cao hơn, càng không thể đạt độ sáng của coloratura. Tuy nhiên, vẫn có một số ít giọng dramatic nhờ cấu tạo phát âm đặc biệt (thiên bẩm) và rèn luyện trường kỳ mà phát triển thành dramatic coloratura soprano, điển hình là Maria Callas, Joan Sutherland. Đặc trưng của kiểu giọng này là âm lượng khổng lồ, khi lên cao bung hết âm lượng tạo thành bão táp, rền và nội lực, sở hữu những note D6, E6 kinh điển nhất lịch sử. Châu Á không có loại giọng này và trên thế giới cũng cực hiếm.


-        Ngoài ra, có một dạng coloratura soprano bẩm sinh, bản chất giọng vốn mang đặc điểm coloratura sẵn có, đặc điểm nhận dạng của giọng này là tessitura rất cao, hát càng lên cao càng dễ dàng thuận lợi, cuối quãng 5 đầu quãng 6 tới E6-F6 vẫn sáng đẹp không gồng không cố. Nói cách khác, nếu một lirico soprano có kỹ thuật coloratura luyện thanh với một soprano bản chất coloratura real thì từ cỡ B5-C6 trở lên, càng lên cao thì lirico sẽ càng gồng, phải vận nội công kỹ thuật để xuất ra được các nốt cao đạt chuẩn, nhưng âm thanh lên cao dần sẽ mất độ đẹp, còn coloratura bẩm sinh thì càng lên cao càng giọng càng bóng bẩy, nảy, vang sáng và ngày càng to và xuyên thấu, quan trọng là cổ hát rất nhàn hạ ở quãng này. Tóm lại, coloratura soprano thật sự thì nửa đêm bật dậy chưa luyện thanh cũng staccato E6-F6 ngon lành. Loại coloratura real này thật sự hiếm, có thể kể đến Mado Robin, Erna Sack.


Long Phạm 


Trang web âm nhạc cộng đồng. Hỗ trợ chúng tôi qua tài khoản: 178204122, ngân hàng VP Bank. Rất biết ơn nếu được hỗ trợ.

SỰ THẬT VỀ CA SĨ NGỌC MAI VÀ GIỌNG COLORATURA SOPRANO (NỮ CAO MÀU SẮC)

 Như mọi người đã biết, ca sĩ Ngọc Mai hiện đang được page âm nhạc Diva Divo Fan Việt Nam xưng tụng là “giọng coloratura soprano hàng đầu Việt Nam”. Sự việc này rất phản cảm, sai lệch kiến thức, khiến nhiều khán giả bị dẫn dắt chưa đúng đắn về thẩm mỹ, tư duy.




1. Coloratura soprano (nữ cao màu sắc) là gì?

Coloratura soprano (nữ cao màu sắc) là từ chỉ một loại sắc thái (fach) của giọng nữ cao (soprano), bắt nguồn từ nhạc cổ điển/Opera, dùng để phân biệt với các loại sắc thái giọng nữ cao khác như lirico soprano, spinto soprano, dramatic soprano, falcon soprano…

Theo định nghĩa từ wiki, coloratura soprano có âm vực rộng hơn so với các loại nữ cao khác, đặc biệt về âm khu cao. Giọng này có khả năng luyến láy các note ở âm vực cao rất tốt, được phân biệt với các loại giọng khác bằng sự linh hoạt trong việc chạy note và trills.

2. Các điều kiện của một giọng coloratura soprano như sau:

- Âm vực rộng, tessitura nằm trên quãng cao (quãng 6 với head voice), càng lên cao lại càng thoải mái, supported, sáng rực và có độ mở, âm lượng lớn hơn.

- Thực hiện được hàng loạt kỹ thuật hoa mỹ màu sắc như staccato, melisma, vocal runs, trillo… ở mức điêu luyện.

- Agility cực tốt và biến hóa ở quãng cao, đạt được tốc độ chạy note rất nhanh, chuyển quãng, chuyển giọng thần sầu.

- Có khả năng xử lý tốt, chuẩn xác loạt tác phẩm viết riêng cho giọng coloratura soprano.

3. Sự thật về coloratura soprano:

- Khác với các sắc thái giọng khác của loại giọng nữ cao, coloratura soprano đa phần không thuộc về bẩm sinh mà thiên về luyện tập. Tức là, một lirico soprano, spinto soprano hay dramatic soprano nếu luyện tập đúng cách và trường kỳ cũng sẽ thành coloratura soprano. Tất nhiên, vẫn có một số ít coloratura soprano mang tính bẩm sinh với những lợi thế trời cho có sẵn.

- Coloratura soprano không phải giọng hiếm vì nó thiên về luyện tập nhiều hơn bẩm sinh. Coloratura soprano có mặt ở khắp các quốc gia, vùng miền, ngay cả Việt Nam cũng không thiếu.

- Cần phân biệt giữa coloratura technique và coloratura soprano. Nếu coloratura soprano là một fach giọng thì coloratura technique là kỹ thuật mà bất cứ giọng nữ cao Opera nào cũng phải học để thực hiện trong tác phẩm. Chỉ có điều, với coloratura soprano thì các kỹ thuật coloratura sẽ được yêu cầu cao hơn, hoa mỹ và điêu luyện, thần sầu hơn. Thậm chí, có những giọng spinto soprano hay lirico soprano thực hiện được các kỹ thuật màu sắc rất điêu luyện như Leontyne Price, Montserrat Caballe nhưng vì lựa chọn vai diễn chủ đạo nên không ai gọi fach giọng của họ là coloratura soprano.

4. Sự khác nhau giữa coloratura soprano trong nhạc Pop và Opera/nhạc cổ điển:

Thuật ngữ về colortura soprano được xuất phát và chủ yếu dùng trong Opera/nhạc cổ điển vì nó liên quan tới việc phân vai diễn, xử lý đúng tác phẩm. Tuy nhiên, hiện nay trong nhạc Pop cũng xuất hiện thuật ngữ này.

Nếu trong Opera/nhạc cổ điển, coloratura soprano được nhận định chủ yếu trên head voice thì ở Pop, nó được nhận định chủ yếu qua giọng thật (tất nhiên vẫn có cả head voice), falsetto, whistle...

Một giọng hát Pop để được gọi là coloratura soprano cần có quãng giọng cực rộng (thường trên 4 quãng 8 ), agility cực tốt, tốc độ chạy note cực nhanh, chuyển quãng thần sầu, thực hiện loạt kỹ thuật hoa mỹ trên giọng thật lẫn head voice, falsetto… Đặc biệt, ở nhạc Pop, các giọng nữ cao màu sắc còn phát triển cả whistle (giọng sáo) và control cực tốt trên quãng whistle. Tuy nhiên, các kỹ thuật hoa mỹ vẫn chủ yếu được nhận diện ngay trên giọng thật.

Một số coloratura soprano tiêu biểu trong Pop như Yma Sumac, Rachelle Ferrell, Mariah Carey, Minnie Riperton, Jessie J…

Tuy nhiên, việc phân loại coloratura soprano trong Pop không cần thiết lắm và cũng không có tác dụng gì trong hoạt động nghệ thuật của người ca sĩ vì bản thân ca sĩ không dựa vào đó để lựa chọn, xử lý tác phẩm.

5. Ca sĩ Ngọc Mai có phải coloratura soprano?

Dựa vào các lý thuyết trên, có thể nhận định, ca sĩ Ngọc Mai không phải coloratura soprano, với các lý do như sau:

- Nếu xét trên khía cạnh Opera/nhạc cổ điển, Ngọc Mai chưa bao giờ hát được một vở Opera nào dành cho coloratura soprano. Cô cũng chưa bao giờ hát chuẩn xác một ca khúc cổ điển dành cho coloratura soprano theo đúng nghĩa. Một số ca khúc cổ điển được Ngọc Mai thể hiện như The blue danube, Alleluia không hề trọn vẹn sắc thái coloratura soprano. Cụ thể, Ngọc Mai không supported chuẩn về head voice khi chạy note, không đạt được độ sáng của giọng coloratura khi lên cao.

- Ngọc Mai chưa bao giờ suppoted tốt khi hát ở quãng 6 head voice (quãng thuận lợi và phát triển của coloratura soprano). Head voice của cô chỉ dừng supported ở quãng 5, lên tới quãng 6 là đóng cổ, mất supprted, kiểm soát không tốt. Trong khi đó một coloratura soprano thường supported tới tận E6, F6, thậm chí A6, B6. Khi lên tới C6, D6, coloratura soprano sẽ bung được hết âm lượng, mở hoàn toàn, cộng hưởng vang dội và control rất tốt, đạt độ sáng cần có. Những điều này không hề có ở Ngọc Mai. Có thể so sánh Ngọc Mai với các coloratura soprano ở Việt Nam là Phạm Khánh Ngọc, Đào Tố Loan để thấy được điều này.

- Nếu xét trên khía cạnh nhạc Pop, Ngọc Mai càng không thể là một coloratura soprano vì cô chuyển giọng rất lộ, chênh vênh, các kỹ thuật hoa mỹ thực hiện trên giọng thật yếu, rời rạc, quãng giọng không đồng nhất và không xử lý được ca khúc một cách linh hoạt.

Ngọc Mai không phải một giọng coloratura soprano. Cô là một giọng light lirico soprano.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, Ngọc Mai là một light lirico soprano có kỹ thuật tốt khi thực hiện được nhiều đoạn chạy note nhanh, agility của cô khá ổn. Đó là thành quả học tập, rèn luyện của Ngọc Mai trong nhiều năm, rất đáng trân trọng.

Chỉ có điều, việc xưng tụng Ngọc Mai là coloratura soprano hàng đầu Việt Nam rất sai lầm và ảnh hưởng tiêu cực tới âm nhạc, thẩm mỹ của khán giả. Dù sao đi nữa, coloratura soprano trong nhạc Pop không phải một thứ quá quan trọng để gây tranh cãi. Điều quan trọng là cách xử lý tác phẩm và cảm xúc người nghệ sĩ đem lại cho khán giả.

Tất nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng rằng trong thời gian tới Ngọc Mai sẽ trở thành một coloratura đúng nghĩa.

Long Phạm


Trang web âm nhạc cộng đồng. Hỗ trợ chúng tôi qua tài khoản: 178204122, ngân hàng VP Bank. Rất biết ơn nếu được hỗ trợ.


Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Renata Tebaldi: Diva có giọng hát đẹp nhất nền Opera thế kỷ XX

 Thập niên 50 là thời kỳ ngự trị đỉnh cao của nữ hoàng Maria Callas, với những cơn lốc sân khấu khuấy đảo cả khán giả lẫn giới chuyên môn. Là một giọng toàn năng (assoluta) hiếm có với khả năng chiếm lĩnh mọi vai diễn ở mọi kịch mục, Callas dường như thống trị sân khấu Opera, là cái tên bảo chứng cho mọi phòng vé.

Ở vị trí tưởng chừng như không ai có thể cạnh tranh được, nhưng Callas vẫn gặp phải một đối thủ đáng gờm. Không chỉ do truyền thông và công chúng dựng lên, chính bản thân Callas cũng tự đặt mình vào thế đối chọi với đối thủ này trong suốt ần 20 năm trời vì quá nể tài năng. Đó chính là Renata Tebaldi.

Sự nghiệp lẫy lừng của bà hoàng phòng vé

Renata Tebaldi sinh năm 1922 tại Ý, trong một gia đình bình dân, với cha là nhạc công violin. Có lẽ vì vậy mà Tebaldi được kế thừa gen âm nhạc bẩm sinh. Tuy nhiên, cha Tebaldi đã bỏ đi khi bà còn nằm nôi. Tuy phải nuôi con một mình, nhưng mẹ Tebaldi lại hết lòng yêu thương và ủng hộ con gái. Bà luôn tạo điều kiện và đi theo hỗ trợ con gái trong suốt sự nghiệp, cho tới khi bà qua đời.

Renata Tebaldi: Diva có giọng hát đẹp nhất nền Opera thế kỷ XX - Ảnh 1.

Mới 3 tuổi, Tebaldi đã không may mắc bệnh viêm tủy xám nên không thể chơi đùa như những đứa trẻ đồng trang lứa. Bà chỉ biết làm bạn với âm nhạc và để nó ngấm vào máu thịt mình.

Lớn lên, Tebaldi được tham gia hát trong dàn hợp xướng nhà thờ ở Langhirano. Mẹ Tebaldi nhận ra năng khiếu ở con gái nên đã gửi bà tới học piano với giảng viên Giuseppina Passani khi mới 13 tuổi. Passani nhận thấy giọng hát thiên phú của Tebaldi nên chủ động giới thiệu bà tới học thanh nhạc tại tại nhạc viện Arrigo Boito, dưới sự hướng dẫn của Carmen Melis - một soprano nổi tiếng ở trường phái Opera Verismo. Chính điều này đã định hình giọng hát và phong cách, hướng đi của Tebaldi sau này.

Bên cạnh đó, Tebaldi cũng theo học với giảng viên uy tín Ettore Campogalliani. Đây cũng là người đã dạy thanh nhạc cho hai danh ca huyền thoại là Mirella Freni và Luciano Pavarotti. Nhờ đó, Tebaldi được học đầy đủ những kỹ năng ca hát cao cấp trong nghệ thuật Opera Ý.

Trong quá trình học, Tebaldi đã được định hướng rõ ràng để trở thành một ca sĩ Opera, không bị loay hoay tìm hướng đi trong giai đoạn đầu sự nghiệp như những đồng nghiệp cùng thời. Bà cũng có lợi thế là người Ý (cái nôi sinh ra Opera) nên tiếp nhận Opera dễ dàng từ ngôn ngữ tới phông nền văn hóa, lịch sử.

Nhờ đó nên ngay khi ra trường, Tebaldi đã tham gia diễn Opera. Bà ra mắt chính thức với vai Elena trong vở Mefistofele của Boito vào năm 1944, khi mới 24 tuổi.

Năm 1946, Tebaldi được nhạc trưởng Arturo Toscanini phát hiện tài năng và mời đến hát tại La Scala, Milan (nhà hát cực kỳ danh tiếng trong giới Opera châu Âu). Sau khi nghe Tebaldi thử giọng, Toscanini vô cùng bất ngờ và phải hốt lên: "Đây là giong hát của thiên thần".

Renata Tebaldi: Diva có giọng hát đẹp nhất nền Opera thế kỷ XX - Ảnh 2.

Nhờ đó, Tebaldi được vinh dự là người mở màn cho mùa diễn 1946 – 1947 của La Scala. Bà tham gia nhiều vai diễn nặng ký như Mosè in Egitto và L'asendio di Corinto của Rossini; La Bohème của Puccini và Die Meistersinger von Nürnberg (bản tiếng Ý) của Wagner. Điều này cho thấy, con đường đi của Tebaldi rất thẳng, khi ngay từ đầu sự nghiệp đã được định hướng rõ ràng về kịch mục phù hợp với loại giọng bẩm sinh.

Đến năm 1949, Tebaldi trở thành ca sĩ chính thức, thường xuyên xuất hiện tại La Scala và nổi tiếng dần. Từ châu Âu, Tebaldi tiến sang Mỹ. Lần đầu tiên bà xuất hiện trước khán giả Mỹ vào năm 1950, trong vở Aida tại San Francisco. Sir Rudolf Bing, Tổng giám đốc Metropolitan (nhà hát Opera lớn nhất nước Mỹ) vô cùng thán phục và ngay lập tức mời Tebaldi về diễn cho mình.

Năm 1955, Tebaldi có buổi biểu diễn đầu tiên tại Metropolitan trong vở Otello (vai Desdemona). Phần trình diễn này rất được lòng cả giới phê bình lẫn khán giả.

Điều đáng nói là, trong khi Maria Callas vốn là danh ca người Mỹ lại không mấy thành công tại Metropolitan (chỉ có 20 buổi biểu diễn tại đây) thì Tebaldi dù là người Ý nhưng được chào đón nồng nhiệt. Bà còn có biệt danh "Miss Sold Out" (quý bà hết vé) vì hầu như tất cả các buổi biểu diễn có sự xuất hiện của Tebaldi đều cháy vé. Thậm chí, chính Callas vì thấy cát xê của Tebaldi cao quá nên đã đặt điều kiện với Bing (giám đốc Metropolitan khi ấy) phải trả cho bà cao hơn 1 cent. Nhưng tất nhiên, Bing không đồng ý và Callas ra đi không trở lại.

Trong sự nghiệp hơn 30 năm của mình, Tebaldia đã hát 1262 buổi biểu diễn, 1048 vở Opera hoàn chỉnh và 214 buổi hòa nhạc. Bà được xem là đại diện lớn của trường phái Opera Verismo thế kỷ XX. Dù không phải ca sĩ Mỹ, nhưng Tebaldi vẫn giành hai giải Grammy. Bà còn được chính phủ Ý trao tặng Huân chương Công trạng vào năm 1968 và Hiệp sĩ Grand Cross vào năm 1992. Nước Ý sản sinh rất nhiều tài năng Opera lớn nhưng vị trí của Tebaldi vẫn không thể phai mờ.

Renata Tebaldi: Diva có giọng hát đẹp nhất nền Opera thế kỷ XX - Ảnh 3.

Giọng hát đẹp nhất nền Opera thế kỷ XX

So với những danh ca cùng thời, Tebaldi bị đánh giá thấp hơn về kỹ thuật. Bà không phải ca sĩ có giọng hát linh hoạt, không thực hiện được nhiều kỹ thuật hoa mỹ, không có những note cao vút chói lọi tận quãng 6. Nhưng tại sao Tebaldi lại được xem là kỳ phùng địch thủ của Maria Callas và luôn cháy vé mọi đêm diễn?

Tebaldi bẩm sinh sở hữu loại giọng spinto soprano thuần chủng, có khả năng hát trữ tình mượt mà và tạo kịch tính, bão tố khi lên cao trào. Cần nhấn mạnh vào tính "thuần chủng" vì nhiều giọng spinto được phát triển từ full lirico lên nhờ kỹ thuật nhưng Tebaldi lại có tính spinto bẩm sinh, thuần khiết và tự nhiên hiếm có. Nói cách khác, đây là giọng spinto soprano điển hình nhất, còn hơn cả Leontyne Price (cũng là một spinto soprano danh tiếng), khỏe mạnh, nội lực và đầy đặn.

Âm sắc giọng của Tebaldi được giới chuyên môn lẫn khán giả đánh giá là đẹp nhất trong các giọng nữ Opera thế kỷ XX.

Đó là chất giọng đẹp hoàn hảo thuần Ý, với âm sắc phong phú, ấm áp, ngọt ngào, đầy đặn và mang màu sắc phù hợp nhất để hát Opera. Trong buổi thử giọng đầu tiên tại nhà hát La Scala, Tebaldi đã khiến nhạc trưởng Arturo Toscanini phải thốt lên: "La voce d'angelo" (dịch: Tiếng hát thiên thần). Chính ông là người đưa ra nhận định rằng giọng hát Tebaldi là đẹp nhất thế kỷ XX.

Nhà phê bình âm nhạc Alan Blyth thì cho rằng, Tebaldi là giọng spinto soprano cuối cùng và hay nhất trong 50 năm trở lại. Các đàn em của Tebaldi đều không có chất giọng phù hợp với kịch mục mà Tebaldi từng thành công. Tebaldi đã đạt đến đỉnh cao nhất trong kịch mục của loại giọng spinto soprano. Vai Leonora trong vở La forza deldestino của Verdi thể hiện sự trác tuyệt nhất trong giọng hát thiên thần của Tebaldi, bao gồm cả sự kịch tính, dữ dội lẫn nội tâm u sầu, mà hầu như các nữ ca sĩ khác đều không hoàn thiện bằng.

Renata Tebaldi: Diva có giọng hát đẹp nhất nền Opera thế kỷ XX - Ảnh 4.

Danh ca Montserrat Caballe trong một lần phỏng vấn từng nhận xét về đàn chị Tebaldi: "Chị ấy là Aida của chúng tôi, Traviata của chúng tôi, Manon Lescaut của chúng tôi. Nói cách khác, chị ấy là tất cả các vai diễn và giọng nói hoàn hảo nhất mà chúng tôi từng nghe" (nguồn: Wikipedia). Hai ca sĩ Robert Merrill và Licia Albanese cũng nhận xét tương tự như vậy.

Điểm đặc biệt trong giọng hát Tebaldi là phát triển mạnh mẽ phần chest voice (hơn nhiều giọng nữ khác). Chest voice của bà đạt âm lượng rất lớn, đanh dày, dồi dào năng lượng, sức mạnh và giằng xé như chính nội tâm nhân vật.

Tebaldi không mạnh về quãng cao, thường xuyên phải hát tránh note hoặc bị flat khi lên quãng 6. Đây là nhược điểm lớn của một giọng nữ cao. Tuy nhiên, hầu hết khán giả đều không để tâm tới điều này vì giọng hát Tebaldi quá đẹp, căng tràn và trình độ điều khiển hơi thở xuất sắc. Điều này giúp bà lên các note cao rất nhẹ nhàng nhưng ngay lập tức có thể chuyển sang kịch tính để hát với âm lượng to nhất.

Thế mạnh lớn nhất về kỹ thuật của Tebaldi là legato (hát liền note). Bà sở hữu những đường legato mịn màng, đẹp đến tan chảy, biểu cảm sâu sắc mà không hề vội vã. Trong những legato ấy chứa đựng vẻ đẹp của nốt cao pianissimo bay bổng.

Có thể thấy, Tebaldi không quá chú trọng việc phô diễn kỹ thuật mà chủ yếu dùng kỹ thuật để tôn âm sắc giọng đẹp tự nhiên của mình. Đó mới là điều khán giả cần. Nhiều khán giả đều có chung nhận định rằng, họ muốn một lần được nghe live tiếng hát đẹp và nội lực, lấp đầy nhà hát của Tebaldi hơn là nghe những giọng màu sắc chạy note cao vút trong sự mỏng manh, thiếu cảm xúc.

Chính giọng hát đẹp có một không hai này đã biến Tebaldi trở thành đối thủ truyền kỳ của Maria Callas trong suốt gần 20 năm trời. Callas dù sở hữu kỹ thuật bậc thầy, bao trùm mọi kịch mục Opera dành cho giọng nữ, hát được đủ loại giọng khác nhau nhưng lại không thể có được âm sắc giọng của Tebaldi.

Renata Tebaldi: Diva có giọng hát đẹp nhất nền Opera thế kỷ XX - Ảnh 5.

Maria Callas và Renata Tebaldi

Đỉnh điểm mâu thuẫn vào năm 1956, tạp chí Times có đăng một bài báo nói về sự xung khắc giữa 2 người. Tại một buổi họp báo, Callas cho rằng: "So sánh tôi và Tebaldi thì chẳng khác gì đem Champagne so với Cocacola". Tebaldi trả đũa: "Champagne thì dễ bị chua lắm!" (ý nói giọng Callas không đẹp như mình). Callas thậm chí còn tự mặc định rằng hễ Tebaldi diễn tại La Scala thì không có mặt bà và ngược lại. Đây là những giai thoại luôn được lưu truyền trong giới nghe Opera. 

Trong suốt thập niên 50, khán giả nghe Opera cũng bị chia làm hai phe. Một phe yêu thích giọng đẹp tự nhiên của Tebaldi và phe còn lại chuộng kỹ thuật thượng thừa của Callas.

Nhưng ai cũng biết, sự cạnh tranh này xuất phát điểm từ việc bản thân cả hai đều khao khát có được thứ mà đối phương sở hữu. Và cũng chính tài năng của họ đã giúp xóa nhòa mâu thuẫn sau gần 20 năm.

Năm 1968, ngay sau khi Tebaldi hát xong vở Adriana Lecouvreur, đích thân Callas đã chạy vào hậu trường để chúc mừng đồng nghiệp, kết thúc 17 năm kình địch giữa 2 người. Sau này, chính Callas trong một lần phỏng vấn từng tiết lộ:

"Tôi ngưỡng mộ giọng hát của Tebaldi, nó rất đẹp và cũng có một số cách diễn đạt hay. Đôi khi, tôi thực sự ước mình có được giọng hát của cô ấy" (Nguồn: Baltimoresun).

Long Phạm


Trang web âm nhạc cộng đồng. Hỗ trợ chúng tôi qua tài khoản: 178204122, ngân hàng VP Bank. Rất biết ơn nếu được hỗ trợ.