Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Kĩ thuật hát lướt (glissando) trong nhạc pop


Đây là kĩ thuật quan trọng để tạo nên giai điệu và bão cảm xúc khi ca hát.

Glissando (tiếng Ý - hát lướt) là một kĩ thuật khó xuất phát từ nghệ thuật Bel Canto. Glissando có nghĩa là hát lướt một chùm note nhạc hoa mỹ cũng với 1 tốc độ cao ngay trong một hơi thở, (khác với staccato - âm thanh được ngắt dứt khoát và trillo - láy 2 note).

Trong tiếng Anh, người ta dùng glissando tương đương với Glide (trượt qua, lướt qua), nó cũng được đề xuất nghĩa tương đương với Sweep (đi mau tới trước) và Lip (tạt qua, tạt vào).

Sau này, glissando trở nên phổ biến trong nhạc pop, như một bí quyết giúp ca sĩ tạo cảm xúc căng tràn khi ca hát. Nó thường được dùng ở giọng thật, lướt trên một cao độ nhất định.

Một ca sĩ có quãng rộng và giọng hát linh hoạt, kĩ thuật điêu luyện thường sử dụng glissando tốt.


Trước hết, hãy nghe qua một số ví dụ.

Trong ca khúc All in your mine, từ 2:38 tới 2:48, Mariah Carey đã thực hiện hai lần glissando, lần đầu vuốt nhanh rồi chậm dần lại để lần sau vuốt nhanh hơn nữa nhấn vào chữ “mine”. Tới 3:38, cô lại vuốt glissando một lần nữa mà không cần làm chậm tốc độ từ trước.

https://www.youtube.com/watch?v=P3mQ11AQfL4

Trong ca khúc In return, Whitney Houston thực hiện glissando ở 3:50.

https://www.youtube.com/watch?v=eKrv-JGJbuA

Trong ca khúc It’s only my world, Lee Heari (nhóm Davichi) kết hợp vừa giảm tốc độ vibrato nhưng lại glissando trên E5 ngay sau đó ở 3:35.

https://www.youtube.com/watch?v=6ZcYTMTGWMM

Trong ca khúc Somewhere over the rainbow, Patti Labelle làm chậm làn hơi trên quãng trung nhưng ngay sau đó vuốt nhanh tốc độ glissando lên G#5 ở 3:08.

https://www.youtube.com/watch?v=s2LDNIYxzUQ

Trong ca khúc Sau tất cả, Hồ Ngọc Hà cũng thực hiện glissando trên E5 ở 3:10.

https://www.youtube.com/watch?v=2ZIuLwdIz6k

Trong ca khúc Though I loved you, So Hyang đã sử dụng glissando trên F#5 ở 4:02 để khiến đoạn cao trào trở nên kịch tính, bão tố hơn.

https://www.youtube.com/watch?v=LNVHcmYuDkg

Trong ca khúc Sette uomini d’oro, Mina thực hiện glissando trên head voice B5.

2:58

https://www.youtube.com/watch?v=LT5wiM9SZaY

Còn Minnie Riperton lại thực hiện glissando trên whistle ở ca khúc Adventures in paradise.

2:48

https://www.youtube.com/watch?v=MuYK7mAiiao

Sau khi nghe xong các ví dụ trên, bạn sẽ thấy, hầu hết các đoạn hát glissando đều chỉ được ca sĩ dùng một tới hai lần trong bài, nhưng đúng chỗ “đắt” nhất để tạo đà nhảy lên cảm xúc căng tràn. Chỗ “đắt” nhất ở đây chính là những đoạn beat nhạc cao trào bùng lên hoặc dàn nhạc chơi dồn dập, mạnh mẽ hơn, nên ca sĩ dùng glissando để hòa giọng căng tràn cùng nhạc, tạo đà bật vào điệp khúc đầy thăng hoa cảm xúc.

Ca sĩ thường ngân chậm lúc đầu rồi kéo tốc độ vibrato thật nhanh, mạnh, tạo nên những cơn lốc âm thanh đầy bão tố, căng tràn cảm xúc. Chính tốc độ âm thanh đẩy thật nhanh trên vibrato kèm theo fortissimo (đẩy âm lượng lớn) đã giúp ca sĩ  làm nên những cơn bão cảm xúc từ giọng hát của mình, tạo cảm giác kịch tính, đã tai cho khán giả mà không khiến họ bị ngấy, chói tai, nặng nề. Hiệu ứng thính giác mà kĩ thuật hát này mang lại vô cùng lớn, giúp tạo nên đẳng cấp cho ca sĩ.

Glissando đòi hỏi người hát có vibrato cực tốt, hơi thở khỏe và kiểm soát âm lượng điêu luyện. Nếu thực hiện glissando trong tình trạng chưa vững chắc dễ khiến người hát bị lạc khỏi tone hoặc đuối hơi, strain, vibrato xấu.

Để làm được những đoạn glissando đẹp không chỉ dựa vào kĩ thuật mà còn ở khả năng cảm nhạc của ca sĩ. Ca sĩ phải cảm nhận được từng tiết tấu, giai điệu cũng như âm lượng từ phía dàn nhạc để chọn đúng thời điểm glissando cũng như thời gian thực hiện glissando sao cho vừa đủ, chính xác, đánh đúng trọng tâm để cuốn hút người nghe. Dùng glissando bừa bãi, thiếu nhạc tính sẽ khiến ca khúc trở nên nặng nề, nặng tính phô diễn, rời rạc cảm xúc.

Nếu là một ca sĩ và đang học hát, đừng quên sử dụng glissando trong một số đoạn hát mà bạn cảm thấy cần thiết để bùng nổ cảm xúc.

Long Phạm

Kĩ thuật hát liền giọng (legato) trong ca hát


Nếu bạn hát pop và muốn hát đẹp, hát hay, đương nhiên bạn phải học hát legato.

Legato là gì?

Legato (hát liền nốt/liền giọng/liền tiếng) tiền thân đã có từ những bài dân ca cách đây hàng trăm năm.

Trong opera Bel Canto (Ý), nó được khái quát thành một trong những kĩ thuật cơ bản để tạo nên vẻ đẹp, sự mượt mà, mềm mại, tinh tế của giọng hát. Gọi chung là NGHỆ THUẬT HÁT ĐẸP.

Legato không chú trọng vào việc phô diễn kĩ thuật, giọng hát, hay quãng cao, quãng thấp, nó không phải loại kĩ thuật hoa mĩ nhưng là kĩ thuật nền rất quan trọng trong ca hát mà ca sĩ nào cũng cần học.

Legato chú trọng vào làn hơi, điều chỉnh âm lượng, kiểm soát giọng hát để làm sao tạo ra sự mượt mà, mềm mại và hấp dẫn người nghe bởi tính trữ tình, cảm xúc.

Bởi vậy, legato tỏ ra thích hợp với hầu hết các loại giọng trữ tình (loại giọng chủ yếu ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng).

Một số ví dụ về legato

Trước hết, hãy nghe kĩ cô bé Amira Willighaghen hát aria O mio babbino caro ở clip sau. Bạn sẽ thấy kém mềm mại, bị giật cục, đứt hơi liên tục và chuyển âm tiết thiếu mượt mà, thiếu kết nối. Cảm giác như cô bé đang đánh vật với các đoạn chuyển dù không hề lên cao hay xuống thấp.

https://www.youtube.com/watch?v=qDqTBlKU4CE

Đơn giản vì cô bé không có legato tốt, dẫn tới các note nhạc không chắp nối mịn màng với nhau, lộ rõ đường keo dính những vết nứt.

Trong khi đó, diva Montserrat Cabelle nhờ có legato điêu luyện mà tạo nên những đoạn chuyển mượt mà, ấm áp, không một chút gợn, mịn màng và trôi như một dòng suối. Hãy nghe bà hát O mio babbino caro.

https://www.youtube.com/watch?v=xu-LlbwikE8

Tiếp theo, hãy nghe SoHyang hát ca khúc Memory ở clip sau, chú ý vào đoạn mở đầu và đoạn từ 1:22. Có thể thấy, SoHyang hát khá đứt đoạn, đứt gãy, nhiều đoạn bị giật và tụt âm, cảm giác khá chật vật. Đó là vì cô không sử dụng legato tốt.

https://www.youtube.com/watch?v=sKUfuS9ZQmI

Trong khi đó, Barbra Streisand hát vô cùng êm ái, ấm áp, mượt và mịn đến không tì vết, không có một vết đứt hay giật âm nào, vuốt nhỏ tiếng vô cùng thanh thoát. Cách vuốt chữ sau khi kết thúc mỗi câu hát cũng đầy thoải mái. Đó là bởi bà có một legato bậc thầy.

Nghe tiếp Adagio qua tiếng hát của Minh Như và Lara Fabian, bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn giữa thí sinh nghiệp dư có legato kém và ca sĩ chuyên nghiệp có legato tốt.

Minh Như

https://www.youtube.com/watch?v=nIQCEFmv0vQ

Adagio

https://www.youtube.com/watch?v=jKtNuLG5jAo

Giống như Lara Fabian, Celine Dion trở thành diva nhạc pop cũng vì cô có legato siêu mềm mượt.

https://www.youtube.com/watch?v=WdYaGt_sm3Q

Ở Việt Nam, Hà Trần là người có legato rất tốt, giúp chị xử lí ca khúc vô cùng tinh tế, mềm mại. Hãy nghe ca khúc Mùa hè đẹp nhất để thấy sự vi diệu của cô.

https://www.youtube.com/watch?v=LHWWTJFxDQc&feature=youtu.be

Làm thế nào để hát legato?

Như mọi kĩ thuật khác, legato đòi hỏi một buồng hơi lớn, phổi khỏe. Người thở yếu sẽ khó hát liền mạch trong một hơi dài được. Vì vậy hãy luyện thở và điều tiết hơi thở.

Điều chỉnh âm lượng to nhỏ là cách thức căn bản giúp bạn kiểm soát tốt legato. Hãy tập hát to và nhỏ ngay trong một làn hơi.

Đừng bao giờ hát quá nhiều giọng ngực (chest voice) vì độ nặng của nó sẽ đè gãy legato của bạn. Phải làm sao để chuyển xuống trầm rồi lên cao ngay mà vẫn không đem theo sức nặng của giọng ngực lên cùng. Cách tốt nhất là chuyển vị trí âm thanh lên đầu và học hát mixed voice (giọng pha).

Tập hát vocalize (ngân nga không lời theo giai điệu bài hát) trước cho nhuần nhuyễn rồi hẵng ghép lời vào hát.

Thử ngậm chặt miệng rồi ừm ừm trong mồm theo giai điệu, sẽ rất tốt để cải thiện legato.

Nếu bạn chưa hiểu rõ, hãy xem thị phạm từ huyền thoại opera Pavarotti và Marilyn Horne trong clip sau (có vietsub).

https://www.youtube.com/watch?v=fRdUwDZf6XQ

Chúc các bạn thành công!

Long Phạm

Kĩ thuật gằn giọng trong ca hát


Trong thanh nhạc cổ điển, gằn giọng không hề tồn tại, nhưng nó lại là kĩ thuật phổ biến được áp dụng với nhạc đại chúng.

Nếu muốn khoe giọng hát nội lực, khỏe khoắn, gằn giọng luôn là lựa chọn thích hợp với nhiều ca sĩ.

Cách gằn giọng

Thực chất của gằn giọng là việc bật hơi mạnh vào khoang miệng tạo nên các luồng khí nén trong âm thanh. Các phần tử âm thanh bị nén lại sẽ bắn ra ngoài với một lực mạnh, độ bật cao, tần số lớn mà thành gằn giọng.

Hãy tưởng tượng khoang miệng của bạn là quả bong bóng, thanh quản là ống dẫn nước, còn âm thanh chính là nguồn nước. Khi nguồn nước đẩy mạnh lên nhưng bị bịt lại bởi quả bong bóng sẽ tạo nên áp suất lớn, chỉ cần một khe hở nhỏ cũng khiến nó bắn ra ngoài.

Mấu chốt của gằn giọng chính ở chỗ đó. Hãy thu hẹp thể tích khoang miệng của bạn lại rồi đẩy thật nhiều hơi lên. Khi lượng hơi bạn đẩy lên vượt qua thể tích khoang miệng đang bị thu hẹp sẽ tạo ra áp lực âm thanh thành gằn giọng.

Hãy bắt đầu từ việc hát chữ “r”, nhưng thay vì đặt lưỡi cong để bật chữ “r” ra trước thì hãy cố đẩy nó vào trong. Trong khi đó, hãy giữ cho miệng vẫn mở mà lưỡi không bị cong lên.

Đừng nên mở mồm quá to như đang hát, khép hai hàm lại cũng là một cách giúp gằn giọng.

Tóm lại, hãy luyện thở để có hơi thật khỏe, sau đó nén lại để bật lên mạnh khoang miệng. Âm thanh đập mạnh vào thành miệng mà phát ra ngoài.

Để dễ hiểu hơn, bạn hãy thử ngậm miệng lại và gừ gừ cho đến khi lực bắn âm thanh mạnh dần lên.

Một số lưu ý khi gằn giọng

Nhiều người khi gằn giọng thường cố xiết âm thanh ở cổ để bật mạnh ra, nhưng điều đó sẽ khiến dây thanh đới bị ép rung nhiều quá mà bị tổn thương, dẫn tới mất giọng.

Hãy đẩy âm thanh lên cao hơn một chút, ngay chỗ yết hầu.

Quan trọng là khi gằn giọng vẫn phải giữ được cộng hưởng. Tức là bạn phải cảm nhận được độ vang ở vùng mặt nạ và yết hầu.

Luôn nhớ rằng, dù gằn giọng cũng không được ép thanh quản, phải thư giãn hết mức có thể. Mọi hành vi làm tổn thương thanh quản đều bị cấm.


Long Phạm

Kĩ năng phóng độ vang trong ca hát


Kĩ năng này sẽ giúp bạn nổi lên dàn nhạc và mọi giọng ca khác mà không cần tốn quá nhiều âm lượng, sức lực.

Người ta thường nghĩ rằng, ca sĩ này hát khủng, nội lực, đánh bật mọi thứ trên sân khấu vì họ có giọng to, âm lượng lớn, chỉ cần bật hết dynamic ra là được. Nhiều người lại nghĩ rằng các giọng kịch tính opera có thể hát không mic xuyên thủng dàn nhạc nhờ cổ họng to như loa dàn.

Nhưng trên thực tế, việc nổi được trên dàn nhạc, hát không mic trong một nhà hát rộng lớn, hay đơn giản là bật hơn giọng ca sĩ khác không phải ở chỗ giọng to hay không mà kĩ thuật cộng hưởng của ca sĩ đạt tới mức nào. Và vấn đề cốt lõi là “phóng độ vang” chứ không phải “phóng âm thanh”. Nếu đạt độ vang lớn, thì dù bạn hát rất nhỏ âm thanh vẫn tỏa ra khắp nơi, bay xa ra.

Sau đây là chia sẻ của nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La khi còn học ở Liên Xô cũ.

"Tôi kể cho anh chuyện này, khi lần đầu tôi hát thử giọng cho bà giáo của tôi, tôi cố gắng thể hiện và hát thật to, bà ấy bảo: "Chị không được hát to như thế, chị phải hát nhỏ thôi, hát nhỏ nhưng âm thanh phải đi xa. Chị cứ để ý các ca sĩ chuyên nghiệp hát trong nhà hát, ở trên sân khấu nghe vừa đủ thôi, nhưng ở phía khán giả, người ta lại cảm thấy rất to, tôi đảm bảo chắc chắn như vậy".

Tôi đã kiểm nghiệm thực tế, và phát hiện ra những gì bà ấy nói là đúng như thế thật. Khi tôi ngồi ở những hàng ghế đầu sát sân khấu, có rất nhiều âm thanh bồi, thậm chí cả tiếng lấy hơi của ca sĩ và tiếng hát cũng không quá lớn. Nhưng khi ngồi ở những ghế cuối tầng trên cùng, chỗ ngồi cho sinh viên, xa tít, âm thanh giọng hát vẫn vang tới nơi, rất tròn đầy, mạnh, nghe thậm chí hay hơn rất nhiều so với ở hàng ghế đầu dù người ca sĩ hoàn toàn không hề cần một thiết bị tăng âm nào."

Đó là lí do vì sao người ta vẫn nói, thực ra các giọng kịch tính như Birgit Nilsson hay Kirsten Flagstad không to như kiểu loa dàn, vì đó vẫn chỉ là cổ họng của con người. Tuy nhiên, nhờ phóng độ vang cực đỉnh mà càng ra xa lại càng to đùng. Bạn diễn của Nilsson từng nói nếu ngồi hàng ghế cuối sẽ thấy giọng bà còn lồng lộng hơn khi đứng ngay cạnh bà trên sân khấu.

Để kiểm chứng về kĩ thuật phóng độ vang của một ca sĩ bậc thầy là như thế nào, mời nghe đoạn 4:07 clip sau, diva Sumi Jo hát một note trung với âm lượng trung bình, không quá to. Có thể so sánh với ngay chỗ sau đó để thấy càng về sau càng đẩy to hơn. Nhưng bằng một cách nào đó, cô đã khiến âm thanh trải ra khắp 4 phía, tỏa rất xa với độ vang giống như kiểu đang hát với chiếc mic nhiều vang giả (dù Sumi đang hát không mic). Đoạn này âm lượng nhỏ hơn hẳn đoạn sau nhưng vẫn nổi bần bật trên dàn nhạc đang lên cao trào rất to, và đặc biệt là độ vang cực xa, xa hơn nhiều so với những đoạn hát sau đó dù âm lượng nhỏ hơn, nghe rất lạ.

https://www.youtube.com/watch?v=_9-xY4EymVw

Rồi quay trở lại 3:12, bạn sẽ một lần nữa được diện kiến kĩ năng phóng độ vang này, khi chỉ E5, Sumi Jo vẫn làm âm thanh tỏa ra rất xa, chắc chắn âm lượng ko quá to nhưng vẫn cho người nghe cảm giác rất đáng sợ, như một cơn bão. Thực tế, giọng Sumi Jo bẩm sinh là giọng màu sắc, âm lượng nhỏ, nhưng nhờ kĩ thuật phóng độ vang mà cô làm được điều này.

Montserrat Cabelle vốn không sở hữu giọng hát to khủng, nhưng khi phải hát không mic ngoài trời (tại Arena di Verona) cùng dàn nhạc khổng lồ, bà đã phóng độ vang đến cực đại, tạo nên độ rền khủng khiếp như âm thanh của một nữ thần, kéo dài note G5 tận 18s cuốn tung mọi thứ.

https://www.youtube.com/watch?v=6-yJFGIrVaU

Joan Sutherland cộng hưởng độ vang từ vị trí sau gáy để phóng D6 lên như cơn lốc, đè bẹp hai giọng ca còn lại.

https://www.youtube.com/watch?v=b5f5KMQaAac

Hay trong clip sau, ở đoạn 1:20, ca sĩ Kyu Hyun (nhóm Super Junior) bật lên E4 âm đóng một cách rất nhẹ, chỉ dùng một chút âm lượng nhỏ nhưng vẫn nổi hẳn lên nhờ độ vang bật ra.

https://www.youtube.com/watch?v=kInLr3BEojo

Từ 6:40 clip sau, Whitney Houston đẩy âm lượng rất nhỏ trên head voice D5 để làm mềm giọng nhưng âm thanh vẫn vang khắp không gian nhờ sự cộng hưởng độ vang.

https://www.youtube.com/watch?v=D8M4lVOdWww

Bởi vậy, muốn nổi bật trên sân khấu và trội hơn ca sĩ khác, hãy học cách phóng độ vang thay vì cố gào thét cho to.

Long Phạm

Vị trí thanh quản trong ca hát


Thanh quản là bộ máy phát âm quan trọng nhất của con người. Nếu không có nó, chúng ta sẽ không thể nói hay hát được.

Người ta thường nói phải lấy hơi từ cơ hoành, phải cộng hưởng xoang mặt, cộng hưởng đỉnh trán… nhưng suy cho cùng thì âm thanh vẫn được phát ra trực tiếp từ thanh quản.

Không giống bất cứ loại nhạc cụ cơ học nào, thanh quản là một thực thể sống, cần được nuôi dưỡng và chăm sóc. Nói theo tiến sĩ Glenn Winters là: “Dây thanh đới giúp tạo ra âm thanh là một bộ phận rất nhạy cảm, mỏng manh và dễ bị tổn thương. Các ca sĩ opera trưởng thành thường phải đối mặt với những rủi ro chấn thương nếu sử dụng bộ phận nay quá mức”.

Vì vậy, người ca sĩ khi hát cần phải tránh tuyệt đối việc làm tổn thương thanh quản của mình, nếu không sẽ bị mất giọng.

Có rất nhiều vị trí thanh quản khác nhau khi ca hát. Tuy nhiên, có thể tóm gọn lại 3 vị trí như sau:

- Cao thanh quản.

- Hạ thanh quản.

- Cân bằng thanh quản.

Sau đây, xin được lấy dẫn chứng về 3 vị trí thanh quản này.

1.Cao thanh quản (High larynx)

Cao thanh quản là một trong những lỗi cơ bản ca sĩ thường gặp phải khi ca hát, đặc biệt là hát note cao.

Khi hát note cao, nếu bạn không có kĩ năng vững chắc, bạn sẽ dễ dàng mất đà và bị đẩy thanh quản lên cao. Hầu hết tất cả những người mới tập hát đều dính phải lỗi này.

Một số hậu quả của nó như sau:

- Dây thanh đới bị kéo căng quá mức, dẫn tới chà xát. Về lâu về dài sẽ bị tổn thương và mất giọng.

- Âm thanh tạo ra không đẹp, nghe chát, chói hoặc mỏng, bí, tắc, không thoát, không thoải mái.

- Hát rất căng thẳng (strain), khiến bạn không thể làm chủ được giọng hát, kiểm soát được note nhạc.

Christina Aguilera luôn là ví dụ điển hình nhất cho việc nâng cao thanh quản. Ở 3:36 clip sau, Christina belt một note F5 khó khăn, căng thẳng, thiếu vang, xấu do bị cao thanh quản.

https://www.youtube.com/watch?v=7YG_sksCZBY

Dù là một diva lớn, nhưng Whitney Houston cũng không ít lần hát cao thanh quản. Đây cũng là một trong những lí do khiến cô bị mất giọng sớm.

Ở 5:39 clip sau, Whitney Houston hát cao thanh quản trên note C#5 khiến cô kiểm soát rất khó khăn, cảm giác cổ họng bị cào xước và bị vỡ note ngay sau đó.

https://www.youtube.com/watch?v=1OcYirlTw08

Charice cũng là một trong những ca sĩ thường xuyên hát cao thanh quản, nên mất giọng sớm. Note G5 của cô trong clip sau bị cao thanh quản dẫn đến thiếu vang, xấu.

https://www.youtube.com/watch?v=CfiKGpVjKFo

2. Hạ thanh quản (Low larynx)

Hạ thanh quản giống như một trò tiểu xảo trong ca hát, giúp những giọng ca nghiệp dư có thể xuống giọng thấp hơn quãng giọng vốn có của họ và làm giọng dày hơn, lực hơn ở quãng trung.

Về tác hại, hạ thanh quản không quá hại giọng như cao thanh quản, nhưng nó tạo ra âm thanh xấu, gượng ép, gồng gánh, thiếu tự nhiên, khiến người nghe không cảm thấy thoải mái và phát mệt.

Thí sinh Minh Như của X Factor 2016 là trường hợp điển hình cho việc lợi dụng hạ thanh quản để hát quãng thấp, nghe rất mệt mỏi.

https://www.youtube.com/watch?v=F69IpvK4jXQ

Charice cũng thường xuyên hạ thanh quản để gồng gánh hát các bài diva, tạo hiệu ứng giả khiến người nghe tưởng rằng đây là giọng nội lực, kĩ thuật, nhưng nghe nhiều sẽ rất chán nản.

https://www.youtube.com/watch?v=8igV0sAz3E0

3. Cân bằng thanh quản (Balance)

Đây là vị trí thanh quản tuyệt vời giúp bạn có thể hát hay nhất, tạo ra những âm thanh đẹp nhất, cộng hưởng nhất mà vẫn bảo vệ cổ họng lâu dài.

Trái với note C#5 cao thanh quản bên trên, khi hát cân bằng thanh quản, Whitney có thể tạo ra những luồng âm thanh vang rền, đẹp miên man, sáng rực rỡ, bao trùm toàn không gian, cũng ở C#5.

https://www.youtube.com/watch?v=H5rf-FNuzEk&feature=youtu.be

Cũng trên G5, Monica nhờ cân bằng thanh quản mà tạo ra âm thanh đẹp lộng lẫy, lồng lộng hơn Charice rất nhiều.

https://www.youtube.com/watch?v=CfiKGpVjKFo

Nhờ cân bằng thanh quản, SoHyang có thể hát nguyên một bài hát toàn quãng 5, trong đó có rất nhiều note treo G5, Bb5 cao vút liên tục mà không hề ảnh hưởng tới giọng hát.

https://www.youtube.com/watch?v=zFyndK9VOCk

Dù là một nữ cao, nhưng kĩ thuật vững chắc giúp Hà Trần xuống những note trầm quãng 3, quãng 2 đầy thoải mái, tự nhiên mà không cần hạ thanh quản như Charice, Minh Như. Ngay cả nữ trung trầm Uyên Linh đứng bên cạnh hát trầm vẫn bị mờ hơn cô. Chỉ khi cân bằng thanh quản, bạn mới tạo ra quãng trầm đẹp và thoải mái đến vậy.

https://www.youtube.com/watch?v=MBahszhCRVs

Đỉnh cao của cân bằng thanh quản là hát trụ âm (trụ thanh quản). Người làm được điều này có thể hát cân bằng vị trí ở mọi quãng âm từ thấp đến trung, cao và mọi đoạn hát từ khó tới dễ, từ nhẹ tới mạnh.

Khi trụ thanh quản tốt, bạn có thể thoải mái bật lên quãng cao với âm lượng lớn mà không lo mất giọng. Ca hát với bạn lúc này dễ như ăn kẹo, không có gì cản trở.

Nhưng có rất ít ca sĩ làm được điều này, Patti Labelle là một trong số đó. Đó là lí do vì sao bà có thể giữ giọng tới ngoài 70 tuổi dù hát kịch tính suốt sự nghiệp.

https://www.youtube.com/watch?v=iWUwp_byum0

Cần làm gì để hát đúng vị trí thanh quản?

Một người thở đúng sẽ hát đúng. Điều đầu tiên cần làm là phải tập thở và luyện thở. Thở kém sẽ khiến bạn dễ bị tụt hơi và đẩy thanh quản lên cao. Phải luôn luôn có một cột hơi vững chắc.

Vị trí âm thanh chính xác cũng giúp đẩy thanh quản về đúng vị trí của nó. Hãy tới các lớp học nhạc để thầy cô giúp bạn tìm ra vị trí âm thanh phù hợp với cơ địa của bạn.

Cố quá thành quá cố. Đừng bao giờ cố hát note cao khi bạn chưa đủ kĩ thuật hoặc nằm ngoài quãng giọng của bạn. Chỉ nên hát trong quãng thuận lợi, làm đẹp quãng đó và mở rộng dần dần trong thời gian lâu dài. Diva Leontyne Price đã mất cả chục năm chỉ để hát cao thêm có một note, từ D6 lên E6.

Giọng pha (mixed voice) là kĩ thuật chìa khóa giúp bạn hát cao mà vẫn đúng vị trí thanh quản. Hãy luyện kĩ thuật này nếu muốn hát cao.

Nếu đang hát mà cảm thấy cổ họng bị nghẹn, tắc hoặc đau rát, lúc đó thanh quản đang bị cao hoặc thấp quá, hãy dừng ngay và luyện thanh lại.

Chúc bạn thành công trong ca hát!

Long Phạm

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Toni Braxton’s vocal profile

 Toni Braxton’s vocal profile








Thông tin chung:

Loại giọng/Vocal type: Nữ trầm trữ tình (lirico contralto)

Quãng giọng/Vocal range: 5 quãng 1 note 1 bán âm (Bb1 – C6)

Quãng hát thoải mái/ Support range: C3 – C5 (chest voice) và G#5 (head voice)

Note thấp nhất/lowest note (tính đến hiện tại): Bb1 (vocal fry)

(0:05)

https://www.youtube.com/watch?v=Isr4tHDMywc

Note cao nhất/Highest note (tính đến hiện tại): C6 (falsetto)

5:59

https://www.youtube.com/watch?v=gOvbF2uQdsU

Giọng óc/Head voice: Có

Vocal fry: Có

Whistle: Không

Ưu điểm vocal:

- Giọng hát của Toni Braxton là báu vật của nền âm nhạc, là điều quý giá nhất mà hiếm ca sĩ nào có được. Cô sở hữu chất giọng nữ trầm mang âm sắc được xem là đẹp nhất nhì thế giới. Giọng hát này thở ra đã đẹp, cao thấp đều đẹp, hát sai kĩ thuật vẫn đẹp, hát đúng kĩ thuật thì không ai bì kịp.

- Chất giọng của Toni Braxton là sự pha trộn của tam diện âm sắc: thổ, mộc, kim. Chưa có giọng hát nào tổng hòa tới ba âm sắc giọng như vậy.

Âm sắc thổ giúp cô có được chất giọng dày như đá tảng, tối và sâu thẳm như màn đêm, vô cùng đặc biệt, chỉ cần cất giọng lên đã khác biệt.

https://www.youtube.com/watch?v=5nWGDY_ND70

Âm sắc mộc giúp tiếng hát của cô có được chất airy tự nhiên, khiến nó mềm mại, gợi cảm, ấm áp, nghe như làn khói thoảng qua. Toni Braxton đã phát huy tối đa chất airy này, tạo nên màu sắc R&B riêng biệt, đầy trữ tình, trẻ trung, không xôi thịt. Hiếm ca sĩ nào hát airy voice hay và đẹp như Toni Braxton, nghe mà tan chảy cõi lòng.

https://www.youtube.com/watch?v=nx7htZWA3GI

Âm sắc kim giúp giọng hát của Toni Braxton trở nên linh hoạt, đa màu sắc, lúc sâu và tối như nữ trầm, nhưng có lúc lại sáng hơn và nữ tính như nữ trung. Toni có thể hát với âm sắc của nữ trung trữ tình. Đó là lí do vì sao nhiều người thường nhầm giọng cô là nữ trung. Đây cũng màu riêng biệt của Toni, khác với các nữ trầm khác, vốn thuần tối, nặng, dày và man tone.

https://www.youtube.com/watch?v=03mlL2lQ2SE

- Vocal fry là điều cấm kị trong thanh nhạc vì nó luôn làm xấu giọng hát, tạo nên sự thô thiển, không có nhạc tính. Nhưng riêng Toni Braxton lại sử dụng vocal fry rất tinh tế, cảm xúc, hài hòa. Chưa có ca sĩ nào dùng vocal fry thành công như Toni.

- Toni Braxton ít khi sử dụng head voice, nhưng head voice của cô lại rất đẹp và tràn ngập cảm xúc.

Head voice của Toni có thể căng tràn

https://www.youtube.com/watch?v=7MP9SV2RnsU

Cũng có thể nhẹ nhàng, ngọt ngào

https://www.youtube.com/watch?v=ZeIp9Kdkvhs

- Cách sử dụng vocal runs/melisma của Toni cũng khá đặc biệt khi chuyển vị trí âm thanh trong một run, kèm airy voice đổ xuống rồi thoảng đi.

https://www.youtube.com/watch?v=2Of5Fea33ro

- Một điểm nổi bật của Toni Braxton là gằn giọng rất tự nhiên, cảm xúc, và nội lực, gằn như ăn vào máu thịt, gằn đúng lúc đúng chỗ, gằn tinh tế, chứ không phải gằn để phô giọng, gằn vô tội vạ như một số ca sĩ ngày nay.

https://www.youtube.com/watch?v=m1V_BjOnFEc

- Toni Braxton là một bậc thầy trong việc xử lí tiết tấu, nhả chữ và luyến láy. Cô không bao giờ chạy theo nhạc mà chơi với nhạc như một phù thủy, biến hóa khó lường, rất tinh tế mà lại cảm xúc. Đặc trưng của Toni là cách giật nhịp, nấc nhịp, ngắt nhịp đột ngột và nhanh chậm bất ngờ, lặp lại tiết tấu một cách duyên dáng. Toni control giọng hát không theo kĩ thuật mà theo cảm nhạc thiên phú, nên hầu như không ai cover theo được cô. (Chỉ cần học được một phần nào đó cách nhả chữ, luyến láy, ngắt nhịp của Toni đã quá đủ để trở thành một ca sĩ tuyệt vời).

https://www.youtube.com/watch?v=VueLWwpBCdw

- Note cao của Toni Braxton được hỗ trợ bởi âm sắc kim nên đẹp và sáng, khác hẳn những nữ trầm khác.

2:28 và 2:45

https://www.youtube.com/watch?v=4aOxDHqWyK0

- Note trầm luôn là sở trường của Toni. Điểm nổi trội trong quãng trầm của Toni mà ít giọng nữ nào làm được là đầy tính airy, giúp nó mềm, thoảng, nhưng khi cần vẫn dày, tối và nặng.

https://www.youtube.com/watch?v=gOvbF2uQdsU

Nhược điểm vocal:

- Các kĩ thuật chính thống của Toni Braxton gần như không tốt. Cô không thể hát được legato, làn hơi cũng ngắn, đứt quãng và dễ crack.

- Toni Braxton hầu như hiếm khi sử dụng mixed voice. Các note cao của cô thường xuyên bị chesty và đóng, không mở.

- Toni Braxton cũng thường xuyên bị cao thanh quản, strain và thuần giọng ngực.

- Vị trí âm thanh của Toni Braxton và cách hát không sử dụng cộng hưởng khiến cô không giải phóng được hết khả năng giọng hát của mình. Giọng hát của Toni giống như một mỏ vàng mà cô đã không thể khai thác hết được nó.

Long Phạm

Sơ đồ vị trí âm thanh khi hát


Đây là sơ đồ khái quát và căn bản nhất về vị trí âm thanh khi hát do diva opera nước Úc Nellie Melba hướng dẫn.



Sơ đồ trên dịch ra tiếng Việt với các chú thích như sau:

 

A) Tập trung âm thanh ở đây cho quãng trung

1) Đẩy hơi theo hướng này cho head voice (top notes)

1a) “Hmmmm”theo hướng này để cảm nhận về quãng trung

1b) “Hmmmm” theo hướng thẳng đứng cho head voice

2) Răng ko chạm vào nhau, môi hơi chạm

3) Hơi thở vào mũi

4) Đây là vùng vang cho quãng trung

5) Vùng vang cho head voice

6) Thanh quản ko được căng

7) Gạc mềm thả lỏng

 

Từ sơ đồ trên, có một số điểm cần lưu ý:

 

Kí hiệu số 5 là vùng vang của head voice ở hai vị trí, đỉnh trán và sau gáy. Hãy chọn cách đẩy head voice tới một trong hai vị trí đó để cộng hưởng trước khi đẩy ra ngoài.

 

Vị trí đỉnh trán giúp bạn phóng âm với độ mạnh, đanh, sắc hơn. Đây là vị trí thông thường được đa số ca sĩ chọn. Hãy nghe diva Birgit Nilsson từ 3:20 clip sau để thấy điều này.

 

https://www.youtube.com/watch?v=l--ymFr2Ub8

 

Hồ Quỳnh Hương cũng chọn vị trí này

https://www.youtube.com/watch?v=ipxLpWq7swA

 

SoHyang cũng vậy

https://www.youtube.com/watch?v=YNuFXKdv0jk

 

Vị trí sau gáy ít được sử dụng vì khó hơn. Nó không cho bạn cảm giác âm thanh phóng thẳng ra nhưng lại tạo nên luồng âm rất ấm, đẹp và độ rền khổng lồ trải dài khắp không gian. Đây là cách mà diva Joan Sutherland dùng để phóng âm lượng khổng lồ nổi trên dàn nhạc.

https://www.youtube.com/watch?v=X6snof_zxsY

 

https://www.youtube.com/watch?v=b5f5KMQaAac

 

Hay, những cú belt C#5 của Lara Fabian từ 3:15 màn live sau cũng nhờ cộng hưởng độ vang ở vị trí âm thanh sau gáy nên tạo được luồng âm thanh mềm mại, bao trùm, rền khắp không gian mà không hề chói tai.

https://www.youtube.com/watch?v=jKtNuLG5jAo

 

Kí hiệu số 4 ở xoang mặt là vùng vang cho quãng trung. Hãy đẩy âm thanh vào đó và cảm nhận độ vang. Đa số ca sĩ đều chọn vang mặt ở quãng trung của họ. Sau đây là một số ví dụ:

 

Whitney Houston

https://www.youtube.com/watch?v=Wnvxqzx4jVY

 

Thanh Lam

https://www.youtube.com/watch?v=7DwdU4rIn74

 

Lara Fabian (từ 4:36)

https://www.youtube.com/watch?v=wtP7oFpp-6o

 

Khi hát thì gạc mềm phải thả lỏng, thanh quản không được căng

Long Phạm