Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người

 NSƯT Xuân Hinh được biết đến là một trong những danh hài nổi danh và tài năng hiếm thấy trong 30 năm qua. Anh được công chúng ưu ái mệnh danh Vua hài đất Bắc, sở hữu nhiều vở diễn sân khấu ấn tượng, giàu giá trị nghệ thuật và sâu sắc về nội dung, ý nghĩa.

Tài năng diễn xuất của Xuân Hinh đã đạt tới một trình độ cao cấp, hòa quyện tinh tế giữa ca hát, múa, diễn xướng ngôn từ, khiến khán giả và đồng nghiệp phải nể phục. NSND Tự Long từng nói:

"Nghệ sĩ ngoài Bắc chúng tôi ai diễn với anh Xuân Hinh cũng đều sợ, chỉ có chị Hồng Vân và Thanh Thanh Hiền là theo được, còn chúng tôi chịu".

Trải qua gần 40 năm hoạt động nghệ thuật, NSƯT Xuân Hinh đã ở một vị trí riêng ít ai chạm tới và sở hữu một khối tài sản lớn.

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người - Ảnh 1.

Ít ai biết, dù nổi danh và giàu có là vậy, nhưng Xuân Hinh vẫn một lòng dành sự tôn kính và biết ơn đến một người thầy đã dìu dắt, đưa mình đến với sân khấu để có được thành công như ngày hôm nay. Đó là NSND Mạnh Tuấn.

Vua hề chèo đất Bắc với lối diễn tiên phong

NSND Mạnh Tuấn tên thật là Nguyễn Đức Thỉnh, sinh năm 1929 tại Bắc Ninh, cùng quê với Xuân Hinh và cũng là cái nôi của quan họ, chèo cùng nhiều loại hình văn hóa dân gian Bắc Bộ.

Ngay từ bé, NSND Mạnh Tuấn đã được tiếp xúc với âm nhạc, nghệ thuật qua việc đi xem những buổi diễn chèo, quan họ và diễn xướng dân gian ngoài đình, chùa, lễ hội.

Chính điều này đã làm nảy sinh trong lòng NSND Mạnh Tuấn niềm đam mê đặc biệt với chèo và quan họ, chầu văn.

Tuy nhiên, NSND Mạnh Tuấn lại không có điều kiện theo đuổi nghệ thuật từ nhỏ. Gia đình ông khá đông anh em, nghèo khó, mẹ lại mất sớm khi ông mới được 3 tháng tuổi và cha đi bước nữa, khiến ông phải trong cảnh mẹ ghẻ con chồng.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mới 8 tuổi, NSND Mạnh Tuấn đã phải xa nhà đi ở đợ để nuôi thân. Nhưng vì mê chèo nên ông vẫn thường trốn chủ nhà đi xem, khi về ông không dám gọi cửa mà phải rúc vào đống rơm để ngủ.

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người - Ảnh 3.

Nhân cơ hội toàn quốc kháng chiến, bộ đội về làng, NSND Mạnh Tuấn xung phong làm liên lạc cho du kích địa phương. Trong quá trình làm việc, ông mạnh dạn xin đảm nhận vai trò văn nghệ, múa hát, diễn xướng và trở thành hạt nhân của đội văn công địch hậu.

Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm biểu diễn, từ năm 1952, NSND Mạnh Tuấn bắt đầu làm việc ở đoàn hát.

Vì ngoại hình gầy gò, giọng hát chưa có nhiều đặc sắc nên ban đầu, ông chỉ được phân công việc bảo quản đạo cụ cho đoàn, không được giao vai kép nền, kép chính trong vở diễn.

Nhưng vì đam mê nghệ thuật nên ông tự tìm tòi và học hỏi bằng mọi cách. Ông tự học đánh trống và các làn điệu chèo quê hương mình, dòng máu chèo trong ông cứ thế lớn dần và được bồi đắp.

Ngoài ra, NSND Mạnh Tuấn cũng may mắn được các nghệ sĩ chèo nổi tiếng như Năm Ngũ, Tư Liên dìu dắt, phát triển tài năng và đam mê. Nhờ đó, ông có cơ hội đến với sân khấu, bắt đầu từ một vai phụ trong vở Tấm Điền.

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người - Ảnh 4.

Từ vai phụ đó, NSND Mạnh Tuấn bắt đầu được nhận thêm nhiều vai diễn khác nhau, dần dần trở thành kép chính và nổi tiếng.

Nhờ cái duyên sân khấu trời cho, sự cộng hưởng của Thanh và Sắc cùng việc tập luyện nghiêm túc đã giúp NSND Mạnh Tuấn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn hài hước trên sân khấu chèo.

Có những vở diễn, ông đảm nhận cả ba vai cùng lúc như: cụ Mãng, thầy bói, sư cụ chạy đàn (trong vở Quan Âm Thị Kính).

Các vai diễn khác như cụ Sửu (vở Con trâu hai nhà), hề Thìn (vở Tấm Cám), anh Đường (vở Máu chúng ta đã chảy), anh Phởn (vở Đường đi đôi ngả), anh Tích (vở Vẹn cả đôi đường), hề Ngự (vở Lọ nước thần)... dần đưa tên tuổi NSND Mạnh Tuấn đến với công chúng.

NSND Mạnh Tuấn thu hút người xem bởi lối diễn dí dỏm, duyên dáng, đậm chất truyền thống, thấm đẫm tính văn hóa dân gian, đượm hồn làng quê Bắc Bộ, nhưng lại rất hiện đại qua sự biểu cảm, tiết tấu, ý thức điều độ.

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người - Ảnh 5.

Có thể nói, lối diễn của NSND Mạnh Tuấn là điển hình của sự hòa quyện tinh tế giữa nhạc và lời, diễn và hát, múa. Mọi cử chỉ, hành động, biểu cảm và lời thoại trên sân khấu đều được ông thực hiện theo giai điệu, nhịp phách, lên xuống chừng mực, rất duyên dáng, tinh tế mà lại có hồn, giàu xúc cảm. Ông có thể kết hợp linh hoạt giữa hát và diễn, múa một cách nhịp nhàng.

Nhờ đó, NSND Mạnh Tuấn đạt được rất nhiều thành tích như Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu, Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huy chương chiến thắng hạng Nhất. Ông cũng là một trong những thế hệ nghệ sĩ nhân dân được phong danh hiệu sớm nhất. Công chúng ưu ái gọi ông là Vua hề chèo đất Bắc.

Ngoài sân khấu, NSND Mạnh Tuấn còn thành công trên màn ảnh, với nhiều vai diễn đặc sắc, ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Nổi bật nhất phải kể đến vai Thống Biệu trong phim truyền hình Đất và người.

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người - Ảnh 6.

NSND Mạnh Tuấn trong phim Đất và Người

Người thầy khiến Xuân Hinh nể trọng và cúi đầu kính cẩn

Không chỉ thành công trên sân khấu, màn ảnh, NSND Mạnh Tuấn còn là một người thầy rất tâm huyết, từng đào tạo nhiều thế hệ học trò. Ông có ba học trò nổi danh nhất là NSƯT Xuân Hinh, NSND Quốc Anh, NSND Quốc Trượng.

Trong đó, Xuân Hinh là người học trò được NSND Mạnh Tuấn dìu dắt và chỉ bảo tận tình nhất, khi truyền đạt hết đam mê, kiến thức và dòng máu hề chèo cho anh. Anh tâm sự:

"Con người ta ai cũng có cha có mẹ, có người thầy của mình trong đời. Với tôi, NSND Mạnh Tuấn là người thầy quan trọng nhất trong sự nghiệp theo đuổi nghệ thuật của mình.

Thầy Mạnh Tuấn là người truyền và dạy cho tôi những vai hề chèo từ thưở đầu tiên, để tôi biết hát, biết diễn, biết ngôn ngữ, văn hóa để bước lên sân khấu. Thầy là người tôi luôn nể trọng và cúi đầu kính cẩn".

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người - Ảnh 7.

NSND Quốc Trượng cũng cho biết, chính NSND Mạnh Tuấn là người đã phát hiện và đào tạo anh và Xuân Hinh diễn chèo. Anh kể:

"Hồi đi học, có lần thầy giáo bảo rằng: "Thầy thấy Quốc Trượng và Xuân Hinh hợp với hề chèo đấy. Hai trò đến gặp thầy Mạnh Tuấn nhờ thầy chỉ dạy xem sao". Vậy là tôi cùng bạn học Xuân Hinh khăn gói mang xôi gà đến nhà NSND Mạnh Tuấn để xin tầm sư học đạo.

Sau vài câu kiểm tra để tìm hiểu tố chất hề chèo, thầy Mạnh Tuấn đã ưng ý và nhận ngay hai đứa làm học trò. Vậy là từ đó, chúng tôi trở thành học trò ruột của Vua hề chèo xứ Bắc".

Có thể thấy, lối diễn của Xuân Hinh ngày nay chịu nhiều ảnh hưởng từ NSND Mạnh Tuấn, từ cách phát âm, nhả chữ, đi lại trên sân khấu đến cách hát chầu văn, ả đào.

Chính NSND Mạnh Tuấn cũng truyền cho Xuân Hinh tình yêu với văn hóa dân gian, truyền thống để anh ý thức việc bảo tồn, lưu truyền nó. Diễn xướng lên đồng đạo Mẫu là một trong những loại hình văn hóa dân gian Xuân Hinh học được từ thầy mình và đang lưu truyền.

Không chỉ Xuân Hinh và Quốc Trượng, NSND Mạnh Tuấn còn đào tạo được một học trò xuất sắc khác là NSND Quốc Anh, đồng thời cũng là con rể ông. NSND Quốc Anh từng nói:

"Tôi nổi tiếng với những vai hề, chủ yếu là quan lại phong kiến như quan huyện, lý trưởng, xã trưởng hay những gã nông dân tha hóa là nhờ bố vợ tôi – NSND Mạnh Tuấn.

Nếu như Xuân Hình sinh ra để làm hề thì tôi lại hoàn toàn khác. Nhưng chính bố vợ tôi đã chỉ ra cái mũi cao khi diễn thành như mỏ diều hâu, mắt sáng long lanh híp lại thành tên đểu và cái miệng thì có thể nhành tới mang tai. Thế là tôi chuyên trị hề chèo và thành công".

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người - Ảnh 8.

Ngoài ra, NSND Mạnh Tuấn còn đào tạo nhiều học trò nổi tiếng khác như Vượng Râu, Xuân Nghĩa. Nghệ sĩ Vượng Râu nói:

"Đã có một số ý kiến cho rằng cách tấu hài của tôi na ná giống Xuân Hinh. Đó là vì chúng tôi đều học hề chèo từ một người - cố NSND Mạnh Tuấn nên đài từ và giọng giống nhau chứ không phải bắt chước".

Nghệ sĩ Xuân Nghĩa cũng chia sẻ: "Trong một lần trường tôi học có tham gia một cuộc thi do ngành điện tổ chức.

Tôi được cử hát đơn ca một bài. Chỉ là vui thì lên hát thôi, không ngờ đoạt giải thật. Nhiều người khen tôi có giọng hát tốt, có năng khiếu nghệ thuật.

Giàu có, nổi tiếng nhưng Xuân Hinh vẫn cúi đầu kính cẩn trước một người - Ảnh 9.

Rồi tôi gặp được NSND Mạnh Tuấn. Cụ bảo tôi có năng khiếu đóng hề, mà người nhỏ nhắn như tôi chỉ đóng hề thôi. Và tình yêu sân khấu, sự tự tin đã đưa tôi đến với nghệ thuật".

Long Phạm

Ái Vân: Mỹ nhân vạn người mê, nổi danh tới mức đạp xe quanh bờ Hồ cũng thành sự kiện

 Mỹ nhân xinh đẹp với giọng hát vạn người mê

Ái Vân sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở phố Huế, Hà Nội. Mẹ cô là nghệ sĩ cải lương Ái Liên còn bố là ông Hà Quang Định, chủ hãng Việt Film (Hãng phim tư nhân đầu tiên tại Việt Nam).

Nhờ được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngay từ nhỏ, Ái Vân đã tiếp xúc với âm nhạc. Cô từng kể lại rằng, mẹ cô là người Bắc, nhưng lại hát bằng giọng Nam, cả cải lương lẫn tân nhạc. Vì thế, Ái Vân sớm tiếp thu được những lối hát trữ tình của mẹ, để hình thành nên giọng hát ngọt ngào sau này.

Ái Vân: Mỹ nhân vạn người mê, nổi danh tới mức đạp xe quanh bờ Hồ cũng thành sự kiện - Ảnh 1.

Ái Vân trong phim Chị Nhung

Bố Ái Vân tuy không phải nghệ sĩ nhưng lại rất đam mê âm nhạc và yêu thích giới nghệ sĩ nên hỗ trợ hết mình cho con gái theo đuổi nghệ thuật. Từ nhỏ, cô đã đi ca hát và còn tham gia đóng phim.

Bởi vậy, khác với những ca sĩ cùng thời, Ái Vân còn nổi tiếng trên cả màn ảnh. Bộ phim Chị Nhung do cô thủ vai chính thành công rực rỡ, kéo theo tên tuổi nữ nghệ sĩ nổi danh khắp chốn, có độ phủ sóng và tầm ảnh hưởng cao tới khán giả.

Từ năm 1971, khi mới 17 tuổi, Ái Vân đã tham gia làm kịch ngắn cho đài truyền hình. Sau đó, cô vào Nam tham gia Đoàn ca múa Bông Sen. Nhờ giọng nói chuẩn chỉ, Ái Vân được kiêm thêm phát thanh viên đài phát thanh.

Tới năm 1976, Ái Vân ra học Nhạc viện Hà Nội và sau khi tốt nghiệp về công tác tại Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam năm 1979.

Ái Vân thuộc lứa ca sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc, lại có nền tảng nghệ thuật dân gian từ gia đình nên hát rất hay, không những kỹ thuật mà còn truyền cảm. Cô sở hữu chất giọng light lirico soprano cao, sáng, bay cùng âm sắc vô cùng đặc biệt.

Nhờ đó, Ái Vân từ trẻ đã được đông đảo khán giả ái mộ. Cô chính là một trong những ca sĩ nhạc nhẹ đầu tiên của miền Bắc sau 1975 thành công vang dội, tiếng hát phủ khắp các đài phát thanh qua những ca khúc như Bài ca xây dựng, Triệu bông hồng…

Ái Vân: Mỹ nhân vạn người mê, nổi danh tới mức đạp xe quanh bờ Hồ cũng thành sự kiện - Ảnh 2.

Tấm hình Ái Vân thường được thanh niên ngày ấy mang theo

Điểm đặc biệt ở Ái Vân là cô không chỉ hát hay mà còn sở hữu nhan sắc mỹ nhân vạn người mê. Giọng hát cả ngoại hình của Ái Vân đạt sự tương đồng hiếm có, đẹp toàn vẹn. Nhờ đó, cô càng nổi danh và được đông đảo khán giả ái mộ. Nhiều lớp thanh niên ngày ấy thường để hình Ái Vân trong áo để thi thoảng lại lôi ra ngắm. Ái Vân nổi tiếng tới mức, bất kể cô xuất hiện ở đâu, làm gì cũng thành một sự kiện nên khán giả thường quen gọi Ái Vân là “sự kiện Ái Vân”. Chẳng hạn, việc Ái Vân đạp xe quanh Hồ Hoàn Kiếm cũng là một sự kiện được mọi người chú ý.

Năm 1982, Ái Vân sang Đức tham gia Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden và đoạt giải thưởng lớn. Đây là giải thưởng nhạc nhẹ đầu tiên của một ca sĩ Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Sau đó, cô đi diễn nhiều nơi trên thế giới.

Nếu xem Ái Vân trình diễn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden, có thể thấy rõ vì sao cô lại đoạt giải. Ở Ái Vân lúc ấy là một giọng hát chín muồi về âm sắc lẫn kỹ thuật.

Chẳng hạn, ở phần trình diễn Bài ca xây dựng, lúc đầu Ái Vân hát giọng ngực nhiều, hơi bạch thanh nhưng sau đó chuyển sang head voice vô cùng mượt mà, mixed voice vượt xa thế hệ ca sĩ ngày nay. Ái Vân chuyển giọng rất đẹp, head voice không bị lạc so với quãng thấp, hát thoải mái, dễ chịu. Để có lực hát như Ái Vân không hề dễ dàng. Câu hát “này em thân yêu ơi” rất khó với giọng nữ cao vì nó nằm trên quãng cận cao, dùng chest voice không tới mà head voice lại thấp quá, nhưng Ái Vân vẫn hát mượt như nhung, sáng choang. Sau này không giọng nữ nào hát Bài ca xây dựng đạt như Ái Vân.

Sau năm 1990, Ái Vân sang nước ngoài định cư và cũng thành công vang dội tại hải ngoại. Cô vừa bước vào thử giọng và cất tiếng hát đã được giám đốc trung tâm băng nhạc đồng ý ký hợp đồng thu âm và ghi hình.

Không chỉ hát hay, Ái Vân còn diễn xuất rất tốt, lại múa đẹp nên đảm nhiệm được những màn ca múa tạp kỹ phức tạp trên sân khấu hải ngoại.

Điều khiến Ái Vân khác biệt với các ca sĩ hải ngoại khác là cô chuyên trị dòng nhạc dân ca Bắc Bộ, với âm hưởng quan họ, ca trù. Trên sân khấu Thúy Nga, cô hóa thân vào nhiều nhân vật như Thúy Kiều, Thị Mầu… Ngoài ra, Ái Vân cũng hát nhạc nhẹ rất hay. Ái Vân cũng chính là ca sĩ đầu tiên nâng đỡ Chí Tài trong những ngày đầu chuyển từ nhạc công sang diễn viên.

Đời tư trắc trở, tình duyên lận đận nhưng vẫn tìm được bến đỗ hạnh phúc

Thành công và xinh đẹp trên sân khấu nhưng Ái Vân lại có đời tư khá bi kịch. Cô từng trải qua hai đời chồng trước khi sang hải ngoại. Trong đó, cuộc hôn nhân với người chồng thứ hai để lại cho cô nhiều sóng gió, đau khổ.

Vì quá đau khổ nên Ái Vân quyết tìm cách sang Đức, bỏ lại cả sự nghiệp đang lên đỉnh cao. Tuy nhiên, quá trình đi nước ngoài của nữ danh ca cũng gặp nhiều trắc trở. Vì một số sự cố nên Ái Vân không được đi. Quá cùng quẫn, cô đã uống thuốc ngủ tự vẫn.

Sau đó, bố Ái Vân đã làm mọi cách để con gái được đi du học. Cuối cùng thì Ái Vân cũng sang được nước Đức trong nỗi đau đớn khi phải bỏ lại con trai nhỏ 4 tuổi ở quê nhà. Sang được Đức nhưng biến cố vẫn liên tục ập đến với Ái Vân. Cô phải ngừng việc học, xách vali lao ra đường kiếm sống.

Ái Vân: Mỹ nhân vạn người mê, nổi danh tới mức đạp xe quanh bờ Hồ cũng thành sự kiện - Ảnh 3.

Gương mắt Ái Vân luôn phảng phất nét buồn

Năm 2000, khi sự nghiệp đã đi vào ổn định thì Ái Vân lại bất ngờ phát hiện mình bị ung thư, phải hóa trị. Từ đó, cô buộc phải lui khỏi sân khấu để tĩnh dưỡng sức khỏe.

Hiện tại, Ái Vân đã rời khỏi sân khấu Cô sống yên bình bên người chồng thứ ba là một kỹ sư tin học và có với nhau thêm một con gái. Con trai chung với chồng cũ cũng sống tại Mỹ cùng Ái Vân.

Thi thoảng Ái Vân vẫn về lại Hà Nội, mảnh đất nơi cô sinh ra, lớn lên và gặt hái vô số thành công đầu đời. Những lần thăm Hà Nội, cảm xúc trong Ái Vân lại dạt dào khi nhớ về những kỷ niệm xưa cũ. Đặc biệt, cô vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với những bạn bè đồng nghiệp năm xưa tại Hà Nội.


Long Phạm

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Thái Thanh và kỹ thuật hát quãng cao đẳng cấp đi trước nửa thế kỷ

 Thái Thanh từ lâu đã được biết đến là một huyền thoại lớn, có công tiên phong, mở đường cho tân nhạc Việt Nam từ thưở ban sơ, khiến khán giả nhiều thế hệ ái mộ và biết bao đàn em kính nể học theo.

Dấu ấn lớn nhất mà bất cứ nhà phê bình, giới chuyên môn, đồng nghiệp hay khán giả hễ nhắc đến Thái Thanh đều nhớ tới là giọng hát cao vút với những kỹ thuật điêu luyện trên quãng cao của bà.

Thái Thanh và kỹ thuật hát quãng cao đẳng cấp đi trước nửa thế kỷ - Ảnh 1.

Thái Thanh sở hữu giọng hát cao bẩm sinh hiếm thấy. Giọng hát này có âm vực và âm sắc lạ lùng, không giống bất cứ ca sĩ nào, chỉ cần nghe thoảng qua từ xa vọng về cũng biết đó là Thái Thanh.

Thái Thanh bẩm sinh sở hữu chất giọng light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh). Loại giọng này khá phổ biến tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung (không hiếm như một số loại giọng nữ khác).

Tuy nhiên, âm sắc, âm vực và những đặc tính riêng có trong giọng hát Thái Thanh lại là độc nhất vô nhị. Nói cách khác, loại giọng của Thái Thanh phổ biến tới mức ai cũng có, nhưng màu giọng thì hiếm thấy.

Cái hiếm thấy lớn nhất trong giọng hát Thái Thanh là âm vực rất rộng (ở giọng thật, không tính giả thanh) mà hầu như ít ca sĩ nào tại Việt Nam đạt được.

Cấu tạo thanh quản đặc biệt cho phép Thái Thanh kiểm soát tốt và phát triển mạnh mẽ ở quãng cao, mà không chịu bất cứ giới hạn nào, giống như So Hyang tại Hàn Quốc hay Mari Hamada tại Nhật Bản.

Tessitura (quãng hát thoải mái) của Thái Thanh nằm ở cữ âm rất cao, trải trên quãng 5 (từ C5 tới Eb5), cao hơn bất cứ nữ ca sĩ nào tại Việt Nam và tương đương với Diva Hàn Quốc So Hyang.

Trong tất cả các ca khúc Thái Thanh từng thể hiện, việc lên C5, D5 quá dễ dàng với bà.

Thái Thanh và kỹ thuật hát quãng cao đẳng cấp đi trước nửa thế kỷ - Ảnh 3.

Chẳng hạn, trong ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, Thái Thanh nhả chữ trên C#5 thoải mái như nhả chữ ở C#4 vì âm cữ bẩm sinh của bà rất cao. Nếu C#5 với ca sĩ khác là một sự đánh vật thì Thái Thanh chỉ cần thở ra cũng chạm được tới.

Ở một bản trường ca, Thái Thanh lên hẳn F5 nhưng lại nhẹ và mảnh, sáng tới mức nghe chỉ như C5, không một chút gồng gánh hay phải dùng nhiều lực như ca sĩ khác.

Bà là nữ ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam dùng mixed voice để hold belt tận F5, F#5 và thậm chí là cả G5 (những note thuộc âm vực rất cao).

Người ta ước tính, với âm sắc và sự mở quãng, supported liên tục như vậy, nếu có tổng phổ thích hợp, việc Thái Thanh belt tới A5, Bb5, B5 là điều nằm trong tầm tay.

Mãi đến những năm gần đây, giới ca sĩ như Thu Minh, Võ Hạ Trâm, Hồ Quỳnh Hương… được du nhập phương pháp thanh nhạc hiện đại của phương Tây mới biết cách sử dụng mixed voice để lên cao, trong khi đó, Thái Thanh đã làm được từ nửa thế kỷ trước.

Thậm chí, khi đã gần 60 tuổi, Thái Thanh vẫn đủ sức để hold belt một tràng dài F#5, chạm tới G5 trong lúc hát live ca khúc Người đi qua đời tôi. Đây là kỷ lục mà chưa nữ ca sĩ Việt Nam nào đạt tới (ở cùng độ tuổi).

Ngay cả ở nước ngoài, việc một ca sĩ gần 60 tuổi hold belt F#5 cũng không hề nhiều. Thường chỉ có giới ca sĩ Gospel da màu với cơ địa, kỹ thuật đặc biệt mới làm được.

Về sự kỹ thuật hát cao hiếm có trong giọng hát Thái Thanh, Phạm Duy nhận định: "Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm".

Nhờ kỹ thuật mixed voice theo hướng twang, Thái Thanh kiểm soát quãng cao rất tốt. Trong ca khúc Ly rượu mừng, Thái Thanh uốn lượn legato liên tục trên F5, F#5 từ một tràng âm /a/ mở tới nhả chữ rõ mồn một từng âm tiết. Bà hát rất cao những vẫn hoải mái, hưng phấn, chạy vibrato nhanh vun vút, lướt nhanh glissando đầy linh hoạt.

F#5 được Thái Thanh mixed sáng rực, rõ ràng, vị trí âm thanh đẹp, lồng lộng và đầy hào khí, vui tươi, thắp sáng bừng không gian mùa xuân tươi mới. Đến tận bây giờ, vẫn chưa có giọng nữ nào hát lại được đoạn phiêu F#5 này của Thái Thanh.

Thái Thanh và kỹ thuật hát quãng cao đẳng cấp đi trước nửa thế kỷ - Ảnh 4.

Trong ca khúc Tiếng sông Hương, Thái Thanh dùng legato (hát liền giọng) để phiêu trên E5 đầy mềm mại, ngọt ngào như tiếng ru. Các E5, F5, F#5 liên tục được Thái Thanh chêm xen vào trường ca Hòn vọng phu, Tình ca…, tạo nên màu sắc riêng biệt và vẫn lột tả rõ cảm xúc ca khúc.

Để lên cao dễ dàng như vậy, Thái Thanh chọn lối mixed head dominant, cân bằng vị trí âm thanh vùng đỉnh trán. Nhờ đó, bà hát cao mà rất nhẹ, bay, thoải mái, điển hình như cú lướt legato D5 bay bổng trong Ly rượu mừng, hay D5 sáng rực, vang rộng lồng lộng như mây trời trong Áo anh sứt chỉ đường tà.

Khả năng kiểm soát âm lượng và chuyển giọng của Thái Thanh thuộc hàng thượng thừa trong giới ca sĩ. Người ta thường nói, hát nhỏ khó hơn nhiều so với hát to. Điều này được kiểm chứng qua Thái Thanh.

Thái Thanh có thể xuống trầm rồi mixed cao liền mạch, rất tự nhiên, không gồng gánh, mixed ngay trong nhả chữ nên nghe rất tự nhiên.

Thông thường, các ca sĩ khác khi lên tới Eb5 phải dùng rất nhiều lực nên tạo ra âm lượng khá lớn. Nhưng Thái Thanh dù nhả chữ Eb5 liên tục, âm sắc sáng chói nhưng lại bình thản như đang dùng rất ít lực.

Ở ca khúc Tình ca, Thái Thanh khiến người nghe phải thán phục khi đẩy chest voice (giọng ngực) fortissimo (to dần) A4 rất lực rồi đổ diminuendo (hát nhỏ dần) xuống pianissimo (nhỏ li ti) C5 nhẹ bẫng bằng mezz voce (nửa giọng). Người ta lên cao thì âm lượng to hơn còn Thái Thanh lại hát nhỏ đi, quả là một bậc thầy.

Kỹ năng kiểm soát âm lượng của Thái Thanh lên đến đỉnh cao trong trường ca Hòn vọng phu, khi bà thực hiện subito piano (nhỏ đột ngột) trên tận F5 rồi phiêu mezza voce nhẹ, bay như tiếng gió thoảng trên trời xanh lồng lộng, bao phủ khắp không gian.

Thái Thanh ít khi sử dụng head voice nên quãng head của bà không quá cao như các ca sĩ ngày nay, nhưng vẫn thể hiện sự điêu luyện về kỹ thuật.

Trong ca khúc Dòng sông xanh, Thái Thanh sử dụng twang để chuyển head voice E5 rất mướt, chuyển liên tục ở đuôi âm tiết đóng rất Soulful, nhảy quãng lên F5 nhanh thoăn thoắt, linh hoạt.

Thậm chí, bà còn sử dụng nhiều kỹ thuật khó trên head voice như đổ diminuendo trên F5, kéo dài vibrato rồi vuốt xuống pianissimo, staccato nhẹ và đổ rung li ti ở F#5.

Không chỉ hát cao, Thái Thanh còn dùng head voice để xuống quãng trung G#4, E4 (quãng rất thấp để dùng head voice với nữ cao) rồi rung rất đẹp.

Điều đáng nói là, toàn bộ kỹ thuật điêu luyện Thái Thanh có được phần lớn nhờ vào việc tự học, chứ không qua trường lớp nào. Rõ ràng, Thái Thanh xứng đáng là một Diva của nền nhạc nhẹ Việt Nam. Những kỹ thuật Thái Thanh có được là thành quả của sự khổ luyện kết hợp với tài năng bẩm sinh, để tạo nên giọng hát trác tuyệt.


Long Phạm

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Hà Trần: Từng bị chê giọng mỏng, xấu và hành trình vươn tới một Diva đáng nể

 Trong làng nhạc Việt, đa số các vocalist thành danh đều có lợi thế về giọng hát bẩm sinh. Họ sở hữu những chất giọng đặc biệt, hiếm thấy hoặc rất đẹp. Chẳng hạn, một số ca sĩ có giọng trầm, lạ như Thu Phương, Thanh Thúy, Khánh Ly. Một số khác lại có giọng khàn độc đáo như Ngọc Anh, Khánh Hà. Nhiều ca sĩ giọng tự nhiên rất đẹp như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Ngọc Lan, Hồ Quỳnh Hương… Đây là những lợi thế giúp họ thành công trong ca hát. Với những ca sĩ này, chỉ cần họ cất giọng lên cũng đủ khiến khán giả mê mẩn.

Hà Trần lại là một trường hợp đặc biệt không giống những ca sĩ khác. Giọng bẩm sinh của cô ngày xưa từng bị chê là mỏng, xấu và không có âm sắc riêng. Đó là giọng light lirico soprano – loại giọng phổ biến nhất tại Việt Nam.

Hà Trần: Từng bị chê giọng mỏng, xấu và hành trình vươn tới một Diva đáng nể - Ảnh 1.

Hà Trần ngày xưa

Thậm chí, Hà Trần suýt nữa đã đi một con đường khác chứ không phải ca hát. Bố ruột Hà Trần là NSND Trần Hiếu cho rằng cô không có chất giọng bẩm sinh xuất sắc. Giọng hát của cô ngày đó bị đánh giá là thiếu cá tính, khó định hình, và thường bị phô. Do đó cô không được định hướng để trở thành ca sĩ.

Được biết, Hà Trần vốn dĩ đã được định hướng để làm giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện. Nhưng rất may, NSND Trần Hiếu sau đó đã nhận ra cá tính âm nhạc mạnh mẽ, sự nổi loạn và khao khát nghệ thuật cháy bỏng bên trong con gái mình nên đã tìm cách giúp cô luyện tập, khắc phục những yếu điểm trong giọng hát.

Bản thân Hà Trần cũng nhận rõ mình bất lợi hơn các đồng nghiệp về giọng hát nên rất chịu khó, nỗ lực và khổ luyện. Thời sinh viên, cô phải nhịn đói để đạp xe tới Nhạc viện học tập. Nhiều hôm, Hà Trần đói tới mức suýt ngất khi luyện thanh, nhưng vẫn không bỏ cuộc.

Ở những bản thu đầu tiên, có thể thấy, Hà Trần có thế mạnh về cổ điển. Cô hát bán cổ điển rất đẹp, với những đường head voice tròn trịa, mượt mà. Nhưng các tính âm nhạc của Hà Trần không bó buộc cô với dòng nhạc chính thống, mô phạm này. Hà Trần vẫn khát khao được hát nhạc nhẹ và trải nghiệm những dòng nhạc mới mẻ, hiện đại.

Cứ như vậy, Hà Trần ngày một tiến bộ về giọng hát. Cô mài dũa cho giọng hát phát huy được đúng thế mạnh bẩm sinh là sự trong sáng, nhẹ nhàng, trữ tình và tinh khôi. Theo đó, Hà Trần không cố khoe giọng nội lực như các Diva còn lại. Cô chịu khó hát legato mềm mại, chuyển giọng tinh tế.

Hà Trần: Từng bị chê giọng mỏng, xấu và hành trình vươn tới một Diva đáng nể - Ảnh 3.

Năm 20 tuổi, Hà Trần thu ca khúc Cho đời chút ơn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ mở đĩa nhạc và ngồi lặng nghe, vẻ rất xúc động và bảo cô: "Nhạc của mình rất nhiều người hát nhưng chưa bao giờ mình được nghe một giọng hát trong trẻo, tinh khôi như thế này, như tiếng hát từ một thiên thần".

Suốt cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn đã nghe, làm việc với nhiều ca sĩ trong nước và quốc tế, đều là những tượng đài với giọng hát đặc biệt. Vậy nhưng đến cuối đời, Trịnh Công Sơn lại vẫn ấn tượng tới mức ngồi lặng đi khi nghe tiếng hát Hà Trần, chứng tỏ giọng hát này có sức hút và dấu ấn rất lớn.

Những nhận định ban đầu của Trịnh Công Sơn đã khái quát rõ về giọng hát của Hà Trần, gói gọn trong một chữ "tinh khôi". Chính Hà Trần cũng thừa nhận: "Trong thời gian đầu sự nghiệp, từ "tinh khôi" cũng gắn liền với hình ảnh của tôi. Thứ nhất vì tôi nổi tiếng với bài Em về tinh khôi. Thứ hai vì cách hát của tôi gợi lên cho người nghe sự trong trẻo, tinh khôi, thiên thần".

Trịnh Công Sơn nghe đi nghe lại bài Cho đời chút ơn rồi lấy bút ra vẽ bức chân dung cho Hà Trần. Trịnh Công Sơn chỉ vẽ những giai nhân mà ông có ấn tượng sâu đậm, thường là các nhan sắc diễm lệ. Nhưng Trịnh Công Sơn vẽ Hà Trần vì giọng hát của cô quá đẹp. Nói cách khác, Hà Trần đích thực là một giai nhân trong âm nhạc.

Có thể thấy, Hà Trần rất khôn ngoan khi biết biến điểm yếu thành thế mạnh trong giọng hát của mình, thổi vào nó màu sáng rực, tinh khôi (thế mạnh của light lirico soprano) mà không hề bị chói gắt. Nhờ đó, cô dần chiếm được cảm tình của khán giả qua những bản nhạc phim Ballad tình cảm.

Từ Ballad, Hà Trần lấn sân sang nhiều dòng nhạc khác nhau và ngày một tôi luyện giọng hát trưởng thành, điêu luyện hơn. Thay vì tập trung phô diễn nội lực như các Diva khác, Hà Trần thử nghiệm những cách hát mới, biến hóa giọng hát trên những tiết tấu, xử lý khác nhau.

Cô cũng tập luyện để mở rộng quãng giọng của mình, để thoát khỏi định kiến về "giọng mỏng, xấu". Nhờ đó, Hà Trần hát trầm ngày càng hay và hiện tại là một trong những giọng nữ cao hát trầm tốt nhất Việt Nam. Cô cũng rèn cho quãng trung đầy đặn, ấm áp hơn.

Ở thời điểm hiện tại, giọng hát Hà Trần bước vào giai đoạn chín muồi, trưởng thành và đậm chất "phụ nữ". Cô dư sức thể hiện những ca khúc khắc khoải, sâu sắc trên những quãng âm trầm, ấm, nhưng vẫn giữ được độ sáng trong giọng để thổi bừng sân khấu mỗi khi xuất hiện.

Đặc biệt, Hà Trần còn luyện cho quãng giọng của mình mở rộng tối đa. Cô có thể mixed tới C6 và xuống tới A2. Những cú belting E5 của Hà Trần thực sự đẹp lộng lẫy và thoải mái, căng tràn, vừa không chói gắt lại vừa có độ sáng, vang. Rất ít giọng nữ có thể belt E5 mixed head – dominant đẹp như Hà Trần.

Và ở thời điểm hiện tại, Hà Trần đã tự tin thể hiện một số ca khúc của Divas quốc tế, vốn đòi hỏi giọng hát nội lực, kỹ thuật khó, điều mà trước đây cô ít làm. Hà Trần hát I will always love you không hề kém cạnh các vocalist khác. Và có thể khẳng định, Hà Trần vẫn xứng đáng là một vocalist đáng nể trong bản đồ nhạc Việt.


LONG PHẠM

"Chị cả" Thanh Lam và những kỹ thuật tiên phong nhạc nhẹ, đốt đèn soi đường cho đàn em

 Thanh Lam được biết đến là một Diva hàng đầu của nền nhạc nhẹ đương đại Việt Nam, chị cả của bộ tứ Diva, với nhiều cống hiến và tầm ảnh hưởng, được nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn em kính trọng.

Thanh Lam của hiện tại có thể quá dữ dội và cao trào, với trường phái nhạc riêng, khiến nhiều người không cảm nhận được. Nhưng không thể phủ nhận, trong suốt sự nghiệp hơn 30 năm ca hát, nữ Diva đã có nhiều đóng góp mở đường cho nhạc nhẹ. Một trong những tiên phong của cô nằm ở kỹ thuật và cách hát.

Cộng minh trên quãng trung là kỹ thuật được Thanh Lam tiên phong vào nhạc nhẹ và cũng trở thành cách hát đặc trưng làm nên thương hiệu riêng của cô đến tận ngày nay.

Chị cả Thanh Lam và những kỹ thuật tiên phong nhạc nhẹ, đốt đèn soi đường cho đàn em - Ảnh 1.

Thanh Lam ngày xưa

Kỹ thuật này phù hợp với các giọng trung (ở Việt Nam thường là mezzo soprano và tenor 2), giúp họ phát huy thế mạnh, nội lực bẩm sinh của giọng hát. Theo đó, người ca sĩ chọn vị trí âm thanh vùng mask (mặt nạ) để cộng hưởng âm thanh bằng giọng ngực (chest voice) trên khoảng âm từ E4 tới A4.

Người hát sẽ biến đổi các âm tiết đóng sang hơi mở, phát âm khẩu hình tròn, hơi dựng lên trên, khác với lối hát rõ, sắc nét từng âm tiết của bạch thanh, lợi dụng các khoảng vang trong hộp sọ vùng phía trước để tạo độ vang, dàn trải cho giọng. Nhờ đó, ca sĩ hát tốn ít sức lực mà vẫn tạo được luồng âm thanh lớn, vang dội, cuộn trào và nổi trên nhạc.

Trước Thanh Lam, rất ít ca sĩ sử dụng cách hát cộng minh này, nhưng sau cô, nhiều đàn em đã học hỏi và làm theo. Hồng Ngọc là ca sĩ sử dụng cộng minh gần giống với Thanh Lam nhất vì cùng là nữ trung dày, trầm và có vị trí âm thanh khá giống nhau, tiếp đó là Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh… Tất nhiên, những ca sĩ này không đẩy cộng minh tới cùng cực trong giọng hát (tức là sử dụng mọi lúc mọi nơi) như Thanh Lam nên ít người nhận ra, nhưng vẫn thể hiện qua một số đoạn hát.

Thanh Lam là một trong những ca sĩ tiếp cận với nhạc Âu Mỹ sớm nhất ở miền Bắc trong giai đoạn cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Thời điểm này, nhạc đại chúng Âu Mỹ đang nở rộ các dòng nhạc hiện đại, trẻ trung như Soul, R&B, Rock, với những đại diện tiêu biểu như Whitney Houston, Tina Turner, Celine Dion, Mariah Carey, Aretha Franklin…

Là người cá tính, nổi loạn và cởi mở trong tư duy âm nhạc, Thanh Lam đã nhanh chóng tiếp cận và học hỏi cách hát từ những ca sĩ quốc tế này.

Chị cả Thanh Lam và những kỹ thuật tiên phong nhạc nhẹ, đốt đèn soi đường cho đàn em - Ảnh 3.

Cần nhấn mạnh rằng việc học hỏi này hoàn toàn là tự học, tự cảm nhận, tự mò đường, chứ không có trường lớp nào ngày ấy đào tạo. Các trường nhạc chính quy lúc bấy giờ chỉ đào tạo thanh nhạc theo hướng cổ điển, chính thống, chưa cập nhật những lối hát mới của nhạc đại chúng quốc tế. Vì thế, có thể xem Thanh Lam như người đốt đèn mở đường, đi trước dẫn lối cho những ca sĩ sau này.

Vai trò của người mở đường rất quan trọng vì họ hoàn toàn tự đi, không có thầy cô nào dạy hay được nhạc sĩ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách hát. Trong thời buổi còn khó khăn và thiếu thốn những năm cuối thập niên 80, việc cập nhật và tiếp cận được cái mới như Thanh Lam là rất đáng nể, khi cô chỉ nghe các ca sĩ Âu Mỹ hát trên băng đĩa rồi học theo. Tương tự như Thanh Lam là Bảo Yến ở miền Nam. Hai nữ ca sĩ này đã tiên phong trong việc áp dụng những lối hát, kỹ thuật hiện đại của âm nhạc thế giới vào nhạc Việt.

Cụ thể, Thanh Lam đã học hỏi các cách sử dụng melisma, run/riff (các kỹ thuật đặc trưng của dòng Soul/R&B) để áp dụng sáng tạo vào thể hiện ca khúc. Ngày đó, Thanh Lam vô cùng táo bạo, thổi làn gió mới lạ vào nhạc Việt qua những đoạn chạy note ngẫu hứng, sáng tạo trên cả chest voice lẫn giả thanh. Các đoạn phiêu giả thanh A5 rồi luyến láy vocal runs liên tục của Thanh Lam chêm xen vào ca khúc tạo tiền đề về cách hát cho nhiều ca sĩ sau này.

Cô cũng nắm bắt được cách nhả chữ, nhảy nhịp theo đúng tinh thần Soulful, kết hợp với một số lối hát cực kỳ mới, đặc trưng như hát raspy, squalling nhẹ.

Chị cả Thanh Lam và những kỹ thuật tiên phong nhạc nhẹ, đốt đèn soi đường cho đàn em - Ảnh 4.

Những kỹ thuật, lối hát mới này được thể hiện rõ hơn khi Thanh Lam hát live. Bằng sự sáng tạo, bản năng đậm chất nghệ sĩ của mình, Thanh Lam mỗi lần hát live lại một khác. Cô chêm xen vào ca khúc những đoạn chạy note, ngân nga ngẫu hứng theo tinh thần Souful. Chưa dừng lại ở đó, Thanh Lam còn thêm vào bài hát cả những đoạn thở rất tình tứ, đậm chất đàn bà, phô diễn giới tính vào âm nhạc. Đó là lí do vì sao cô được mệnh danh là "Người đàn bà hát".

Giọng Thanh Lam vốn không quá khàn, nhưng cô tự mài giọng khàn hơn qua cách hát raspy để thể hiện ca khúc có màu Rock, Soul. Sau này, Phương Thanh cũng là ca sĩ tự mài giọng khàn đi so với giọng bẩm sinh (vốn không khàn) để hát Rock cho ra chất.

Điều đáng nói là Thanh Lam ngày đó không lạm dụng vibrato như sau này. Cô hát thẳng, man dại và hiện đại, nghe rất đã tai và cảm xúc.

Chị cả Thanh Lam và những kỹ thuật tiên phong nhạc nhẹ, đốt đèn soi đường cho đàn em - Ảnh 5.

Nói cách khác, Thanh Lam giống một ca sĩ da màu của Việt Nam. Cô bước lên sân khấu như một hiện thân của Aretha Franklin, Patti Labelle, Jennifer Holliday hay Whitney Houston, hát bằng sự man dại, hát chân thật, hát để bộc hết tâm can, không chút che đậy, giấu diếm.

Dù kĩ thuật rất nhiều, nhưng Thanh Lam trước sau vẫn hát chủ yếu bằng bản năng của tâm hồn đàn bà đầy đam mê, khát khao, cháy bỏng và hừng hực nhựa sống.

Trong văn hóa nhạc đại chúng và cộng đồng diva fan tại Việt Nam, Thanh Lam giống như một biểu tượng của quyền lực phụ nữ và niềm kiêu hãnh của giọng hát Việt.


LONG PHẠM