Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Chìm đắm trong nhạc Ngô Thụy Miên tại Harmony quán

Giữa cái hời hợt và tạm bợ của đất xô bồ, chỉ đam mê cùng tâm huyết mới níu người ta lại với nhau lâu hơn.

Tôi lạnh lẽo trong cái nhạt nhẽo, vô vị của dòng chảy đời tôi. Tôi chán ngán thói thực dụng và khô cạn của những người quanh tôi. Tôi thích sống cho đam mê và nhiệt huyết, tôi muốn yêu và chết cho nghệ thuật, cho thăng hoa cảm xúc trong tôi. Nên tôi vui vì tìm được quán trọ bên kiếp đày đọa của tôi - Harmony quán.

Tôi biết Harmony khi anh chủ quán gửi lời nhắn trên Hội những người thích nghe nhạc divas của tôi. Anh nói mới mở quán cafe âm nhạc mang hơi hướm diva, hay rộng ra là âm nhạc có chất. Tuyệt nhiên, không phải thứ âm nhạc xô bồ, một nổi lẩu thập cẩm như các quán cafe có âm (không nhạc) khác ở Hải Phòng, 

Ban đầu tôi hoài nghi, rằng liệu có người kinh doanh nào ngày nay lại muốn theo đuổi thứ âm nhạc đế vương bị thất sủng như cái nhạc "lập dị" tôi đang nghe? 

Nhưng tôi cũng tới quán, nơi được bài trí rất ấm cúng, nhỏ mà tươm tất, hương nhạc vốn có thể ngửi khi bước vào. Cho tới khi anh chủ nói về Maria Callas, Nina Simone, Aretha Franklin, Billie Holiday... tôi mới tin mình đã gặp được người cùng dòng chảy. 

Tôi đến quán thêm vài lần, nhưng không thấy chủ, chỉ thấy nhân viên và đông đúc nghệ sĩ nghiệp dư tự tập cho nhau, đầy nhiệt sống, nhưng ngô nghê, chưa rõ ràng thẩm mỹ âm nhạc. À, hóa ra anh chủ đang phiêu diêu khắp nước để học hỏi các quán cafe âm nhạc khác.



Trở về, anh nói trong Sài Gòn, Đà Nẵng họ làm mô hình cafe âm nhạc hay lắm em ơi, có gu rõ ràng, nên anh muốn thử sức làm theo. Tôi nói, cái dân Hải Phòng này thực dụng và khô cằn lằm anh, chỉ thích ăn và uống thôi, nhạc mà khó nghe họ chẳng thích. 

Nhưng anh vẫn đầy tin tưởng, khó mới phải làm, cần định hướng và xây dụng cái gu nghe nhạc cho người Hải Phòng. Ồ, đó chẳng phải công việc tôi đang làm hay sao? Chỉ khác là tôi viết, còn anh làm cho mắt thấy tai nghe luôn. 

Đột nhiên, một tối anh nói "Có khi phải dẹp quán em ạ!". Lạ lùng, sao lại thế? Rằng quán mở đã lâu, luyện tập đã nhiều, mà chưa có thành quả gì. Tôi hỏi, "có phải vì không có khách không anh?". Anh mới nói, kinh phí và khách chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là chưa xây dựng được hướng đi riêng, chất nhạc riêng như cái tâm huyết của anh lúc mở quán. Anh đam mê và khát vọng mở Harmony để cống hiến âm nhạc cho khán giả, để tạo nên một nét văn hóa âm nhạc, dấu ấn thưởng thức riêng. Đó là lí do duy nhất khiến Harmony tồn tại, khác biệt với cafe âm (không nhạc) khác. Nếu không có được thứ linh hồn đó, Harmony nên dẹp tiệm. Anh đã đầu tư nhiều công sức và tiền của vào Harmony, nên đau lòng khi thấy nó mãi chưa lớn.



Nghe anh nói, tôi có chút ngỡ ngàng. Tôi cứ nghĩ anh mở quán để kinh doanh đơn thuần, tới phút này mới biết nhiệt huyết của anh, hoài bão của anh lớn tới vậy, dù anh cũng chẳng còn ở cái tuổi nông nổi. Ấy, thế ra đam mê của tôi, cái mà tôi luôn vỗ ngực tự cao vẫn chưa bằng anh đâu. Tôi hiểu cảm giác và ước vọng của anh. Vì tôi đã từng thấy Trịnh Công Sơn - Khánh Ly đã tạo nên thứ văn hóa âm nhạc tuyệt vời thế nào ở Quán Văn năm xưa. Tôi không dám nghĩ anh sẽ làm được điều Trịnh đã làm, nhưng tôi mong anh theo được cái đam mê đó. Để những kẻ như tôi có chốn đi về. Để văn hóa âm nhạc thực sự được hồi sinh tại cái đất sỏi đá bạc màu này.



Thế rồi, anh quyết định mở một đêm nhạc quyết định, cái anh gọi là tiền đề phát triển con đường âm nhạc của quán. Nếu đêm nhạc thất bại, anh sẽ thôi cả ước mơ, thôi không hoài bão nữa. Nghe anh nói mà thương quá, nhưng cũng tò mò muốn xem công sức của anh ra sao, nên tôi ghé lại. 

Ngày mùng một trời mưa suốt, chớp giật đùng đùng, nhưng khách đến đông hơn mọi khi, ai ai cũng lịch sự, toát lên sự sâu lắng và háo hức để thưởng thức một đêm nhạc đúng nghĩa với giá rẻ. Tôi được anh trân trọng mời vào một ghế riêng. Anh là người chu đáo, nên mọi thứ đều nhẹ nhàng và hài lòng.

Đúng như tôi mong đợi, đêm nhạc được làm chỉnh chu, có chủ đề và nội dung đàng hoàng, không phải mạnh ai nấy hát, lên rồi xuống, xô bồ như những quán cafe âm (không nhạc) khác. 

Đêm đầu tiên này, anh chọn chủ đề nhạc Ngô Thụy Miên và Đoàn Chuẩn - Từ Linh, hai nhạc sĩ tài hoa sinh tại đất Hải Phòng, như để khẳng định, xứ giang hồ này cũng từng là xứ nghệ thuật, và Harmony đang cố gắng khai thông lại cái mạch nguồn ấy, cho khán giả được biết, được nghe và được sống. Để Văn Cao, để Nguyên Hồng mỉm cười rằng họ đã sinh đúng nơi, lập nghiệp đúng chốn.

Tôi khá bất ngờ trước tâm huyết của anh. Trong một đêm nhạc nghiệp dư, anh đã xây dựng cả một chủ đề hoàn chỉnh, có kịch bản, có đầu có cuối, có cả MC dẫn dắt, điều mà nhiều chương trình lớn chưa chắc đã làm cho tới được. Dù tiền nước thu về trên vài đầu khách chẳng được bao nhiêu, nhưng anh vẫn chấp nhận chịu lỗ để thuê nhạc công, ca sĩ, và cả nhiếp ảnh. Tôi không biết anh sẽ phải chịu lỗ tới khi nào, chỉ mong anh sẽ nhận về thành quả xứng đáng.



Hôm ấy, tôi ấn tượng với Phương Thảo. Cô ấy hẳn không phải ca sĩ nổi tiếng, vì tôi chưa từng nghe danh khi nào. Nhưng phần thể hiện thanh nhạc của cô ấy khiến tôi khá bất ngờ, dẫu cho tôi từng nghe vô số diva hay nữ vocalist hàng đầu khác. Phương Thảo sở hữu giọng mezzo soprano mềm mại, ấm áp. Màu giọng không quá đặc biệt, quãng trầm mờ khiến tôi ban đầu lơ đãng. Nhưng, đến lúc Thảo tung cú belt âm đóng chữ "cay" trên B4 chắc nịch, đanh dày và cộng hưởng, vibrato đều đặn ở ca khúc Bản tình cuối, tôi mới thực sự bất ngờ. Tôi đã từng nghe rất nhiều giọng nữ, từ trầm đến cao, nhưng belt được cú B4 căng và đóng thế này, quả là hàng hiếm.

1:34
https://www.youtube.com/watch?v=75IynbWtWOw

Nhưng, để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi phải là ca sĩ Dương Liễu. Chỉ đến khi cô ấy bước lên hát ca khúc Gửi gió mây ngàn bay, tôi mới hiểu tận mắt thế nào là đẳng cấp của một nghệ sĩ đích thực, dù cô đã có tuổi và tự nhận "hát cao không mượt như xưa". Nếu những ca sĩ trước đó hát theo kiểu cố gắng hoàn thiện ca khúc, phải chạy theo bản nhạc, thì Dương Liễu lại hát như chơi đùa với note nhạc, hết sức thoải mái, nhẹ nhàng. Không hề gồng gánh, cố gắng quá nhiều, nhưng cô ấy vẫn xử lí tinh tế, ngẫu hứng và làm chủ hoàn toàn ca khúc. Từng chỗ luyến láy, nhả chữ đều có thần thái, chiều sâu và trải nghiệm. Cô ấy không phải chạy theo nhạc mà tùy hứng biến tầu cùng nhạc như hai người bạn. Những ca sĩ trước đó dù có kĩ thuật, dù khoe giọng, nhưng vẫn chật vật với bài hát, không hề tạo được cảm xúc, ấn tượng cho người nghe. Nghe xong Dương Liễu, tôi mới nhận ra rằng, hóa ra kĩ thuật, khoe giọng này nọ chỉ là trò nghiệp dư. Nghệ sĩ quan trọng nhất ở nhạc cảm, tư duy và khả năng xử lí ca khúc. 



https://www.youtube.com/watch?v=bquK_Ua8s0A



Anh chủ quán cũng hứng khởi, đầy nhiệt huyết mà lên hát vài bài. Quả nhiên. là một người đam mê với âm nhạc, anh hát rất hay, dù không phải ca sĩ hay được học nhạc. Không những vậy, anh còn "lôi kéo" được một khách nhân lên song ca Niệm khúc cuối. Chỉ là những người bình thường thôi, mà họ còn hát được thế này, thì những ca sĩ thị trường hát ngày nay có cảm thấy hổ thẹn khi nốc đầy túi catse với giọng hát không ra hơi?

https://www.youtube.com/watch?v=IEwEDyOF7Fc




Cũng không thể quên giọng ca "diva" của quán, Trần Quyền với chất giọng bán cổ điển nội lực, có thể cộng hưởng tận D5 vang ầm ầm. Trần Quyền hát bình thường khá tình cảm, nhẹ nhàng, nhưng do chiều theo ý tôi lên anh đã tung tới C5, D5 với mức âm lượng cực lớn, không cần mic mà ngang với ca sĩ hát mic. Nhưng tôi đã không quay lại khoảnh khắc đó, vì tôi muốn tôn trọng âm nhạc, không cổ súy cho việc khoe giọng, trưng trổ. Tôi chỉ quay lại màn trình diễn ca khúc Mắt biếc của anh, ấm áp và đầy đặn.

https://www.youtube.com/watch?v=FiZClu9ic_o


Tôi từng viết một truyện ngắn về quán cafe gỗ sồi cũ kĩ bên vệ đường cả thế kỉ. Nơi thời gian và không gian đọng lại từng giọt. Nơi Nina Simone đàn cho tôi khúc Who knows where the time goes. Nơi tôi dừng chân phiêu lãng những lúc loay hoay tìm vết đi đời mình. Liệu có phải câu chuyện của tôi đang thành hiện thực? Đó là câu chuyện của thời gian. Nhưng hiện tại, khi thu vàng rơi ngập những xác gạch vỡ nát trên con vỉa hè gồ ghề, oặt ẹo, bám đầy bụi bặm bên ven kiếp đường đi, tôi và mọi người vẫn có nơi để tới, để thả hồn và thưởng thức âm nhạc đích thực, cùng những nghệ sĩ có nghề, để nâng cao trí tuệ, thẩm mỹ bản thân với giá rẻ bình dân.



Vậy nên, còn chần chừ gì nữa mà không dắt túi vài chục ngàn (chỉ bằng bát phở rối đầy hóa chất) tới ngay Harmony quán số 9, lô 22, Lê Hồng Phong, Hải Phòng để được thư giãn tai nghe, tâm hồn, để được nghệ sĩ phục vụ tận tình bằng âm nhạc sống. Và hơn nữa, bạn có thể được thoải mái cầm mic thỏa sức đam mê ca hát, nơi có nhạc và âm thanh cho bạn thử sức mà không sợ bị ai cười chê, kì thị. Nơi bạn có thể "bung lụa" hết mình.

https://www.facebook.com/cafeharmonyhaiphong/?fref=ts


Long Phạm





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét