Tôi không thích tính õng ẹo của ca sĩ trẻ ngày nay, họ thường đổ lỗi cho chất lượng âm thanh không tốt, quá trình thu hình kém. Thật nực cười, một ca sĩ có giọng hát hay, có kĩ thuật hát tốt thì dù có thu bằng điện thoại thì vẫn cứ hay. Tôi luôn trách Whitney vì sao cô ấy không bao giờ ra dvd tour, cũng chẳng thèm đếm xỉa đến việc edit show. Xem các show của Whitney tôi thấy chất lượng thu hình và thu thanh không tốt, gần như thu chỉ cho có. Đó là những show hiếm hoi được thu, còn lại thì chấp nhận coi fancam. Trong tất cả các show của Whitney, thứ giá trị nhất vẫn là giọng hát. Dù thu với chất lượng tệ đến đâu thì giọng hát của cô ấy vẫn rất tuyệt vời.
I will always love you là ca khúc nổi bật nhất trong sự nghiệp của Whitney và được hát nhiều nhất trong hầu hết các show của cô. Kiếm trên youtube, có thể thấy hàng chục màn live khác nhau của ca khúc này (đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi). Nhưng không live nào giống live nào, mỗi một live là một sự biến hóa khác nhau trong kĩ thuật, cách hát, cách trình diễn và cảm xúc. Tôi vẫn cho rằng Whitney là bậc thầy của việc sáng tạo trong cách hát. Thậm chí, ngay cả lúc mất giọng vào năm 1999, cô vẫn phiêu ca khúc này một cách đầy ấn tượng, cảm xúc mà chưa từng ca sĩ nào làm được khi cover nó. Người ta có thể nhại theo bản thu âm của ca khúc nhưng chẳng ai bắt chước nổi Whitney khi cô hát live nó cho khán giả của mình. Bởi Whitney là người sinh ra nó lần thứ hai, cô thuộc đường đi nước bước của nó và trên hết, cô không bao giờ hát để khoe giọng.
Đối với tôi, màn live hay nhất của I will always love you là ở Chile năm 1994. Cũng phải nói chất lượng thu show này khá LQ, tiếng bị rè, hình mờ và tối om. Nhưng giọng hát và cảm xúc thì khó ai sánh kịp. Đoạn đầu làm người ta khó chịu vì khá rè, nhưng khi Whitney vừa cất tiếng hát lên "If i should stay" thì một sự ấm áp tràn ngập tâm can khán giả, sự ấm áp đến từ một giọng hát mộc mạc, không cầu kì, hoa mỹ. Cô hát không cần nhạc đệm, không cần kỹ thuật cao siêu nhưng vẫn vang đều ở các note, giống như nhạc sĩ Quốc Bảo từng nói, "ví như cây vĩ cầm Stradivarius".
Kết thúc màn dạo đầu, mọi thứ chìm vào yên lặng rồi tất cả lại tan chảy theo sự ngọt ngào trong câu hát "And..I..." Tôi đã để ý rất nhiều ca sĩ cover ca khúc này và nhận thấy dù họ có giọng khỏe thế nào, làm tốt đoạn cao trào tới đâu thì vẫn không thể hát trọn vẹn đoạn mào đầu này như Whitney. Chỉ có cô mới đủ sức làm cho nó đầy đặn, không mỏng nhưng vẫn ngọt ngào, mềm mượt như dòng suối có mật. Và có lẽ trong tất cả các màn live, lần này Whitney đã làm tốt nhất. Sự hòa quyện tuyệt vời giữa head voice và falsetto để tạo nên những note đẹp nhất có thể. Whitney hát như đang ru khán giả vào một giấc mơ ngọt ngào vậy.
Rồi những đoạn sau đó, cô hát thủ thỉ, tâm tình như đang tâm sự với khán giả, đó cũng là cách hát thường thấy ở Whitney. "Bittersweet memories, That is all I'm taking with me, So, goodbye, Please, don't cry", đây không phải là lời hát tình ca mà là lời tâm sự với khán giả, Whitney hát cho tình nhân, đó là tất cả khán giả của cô. Rằng những kí ức về tôi là ngọt ngào nhưng cũng cay đắng, đó là tất cả những gì tôi muốn nói với bạn, nếu phải chia tay, xin đừng buồn, tôi vẫn hát mãi cho bạn. Đó là lời tạm biệt của cô với khán giả sau mỗi show diễn.
Về đoạn cao trào của bài hát, Whitney không làm kịch tính như lúc hát ở WMA 1994, có một chút nhẹ nhàng hơn, cô chỉ hát trên quãng A4 nhưng vẫn vang rền cả sân vận động, chắc khỏe đến từng note. Không hề quá sức, gào thét hay cố chứng tỏ vocal, cô hát rất bình thản,thư giãn thanh quản, không cần vận nhiều sức lực nhưng những quãng belting đó vẫn tràn đầy sức sống, như một cơn gió mát thổi đến lòng người. Hai cú head voice chữ "you" phiêu trên F5 tròn và dày, cao vút lên không trung. Rồi cô lại ngừng, lại nhìn khán giả trìu mến với đôi mắt sáng rực lên. Điều đặc biệt ở Whitney lúc cô trình diễn là đôi mắt sáng rực như mặt trời. Cô cười nhẹ rồi phiêu tiếp những quãng head voice ngọt ngào rồi lại trùng xuống ở note F3 sâu lắng. Đây là giai đoạn mà quãng giọng của Whitney mở rộng đẹp nhất, cả về note cao lẫn note trầm. Đoạn long notes head voice cuối cùng, Whitney đã gieo staccato với âm tiết đóng nhưng rất vang và sáng. Đây là khúc head voice kết thúc đẹp nhất mà Whitney làm được, còn đẹp hơn cả bản thu âm studio.
Sân khấu tối đen, quần áo giản dị, mọi thứ không màu mè, chỉ đứng một chỗ và hát, và thu cả thế giới về mình, đó là Whitney Houston.
_Đức Long_
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét