Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Whitney Houston - Diva của phúc ca


    Whitney Houston được mệnh danh là diva của những bản tình ca. Quả thực, trong suốt gần 30 năm sự nghiệp cầm ca của mình, Whitney đã để lại cho nhân loại một di sản tình ca bất hủ. Những bản tình ca của Whitney vừa có chất ngọt ngào, du dương của ballad, lại vừa có sự biến tấu, luyến láy của r&b/soul, lại thêm những kĩ thuật thanh nhạc bậc thầy của một diva hàng đầu hòa quyện với cảm xúc dạt dào đến từng câu, từng chữ làm cho người ta dễ đắm say nhưng không dễ dứt ra được. Rất nhiều ca khúc như Saving all my love for you, All at once, Where do broken hearts go, All the man that i need, Run to you, I have nothing, I will always love you… đã làm nên tên tuổi của diva huyền thoại Whitney Houston và trở thành một phần kí ức không thể nào quên của công chúng trong gần 30 năm qua.
    Nhưng Whitney có một tấm lòng rộng lớn, không chỉ hát về tình yêu, cô còn hát rất nhiều ca khúc mang tính động viên, khích lệ mọi người. Cô dành trọn tiếng hát của mình cho nhân loại, đem tiếng hát mạnh mẽ đến thắp sáng những tâm hồn đang cô đơn, bơ vơ, gục ngã, mất niềm tin trong cuộc sống. Tôi xin được gọi cô – Whitney Houston – Nữ hoàng của phúc ca. Có thể nói Whitney như món quà mà Chúa ban tặng loài người để động viên họ bằng âm nhạc. Whitney sở hữu chất giọng bẩm sinh vang, khỏe, dày như một trái núi và cao đến bất tận, lại thêm những kĩ thuật thanh nhạc đẳng cấp và sự tinh tế trong việc xử lí giai điệu, Whitney gần như làm tròn đầy tất cả các note nhạc mà cô từng hát trong phúc ca. Người ta có thể hát cao hơn, thấp hơn, chèn vào nhiều kĩ thuật hơn khi hát lại nhưng không ai có thể làm cho những khúc tráng ca ấy mạnh mẽ, nội lực và trữ tình như cô. Sau đây, tôi xin liệt kê những khúc ca động viên, khích lệ mà Whitney đã từng thể hiện:
1.    Home (1984)
2.    I am changing (1985)
3.    The greatest love of all (1985)
4.    That what friends are for (1986)
5.    He/I believe (1986)
6.    A quiet place (1987)
7.    Hold up the light (1989)
8.    Love will save the day (1988)
9.    One moment in time (1989)
10.     Miracle (1990)
11.    In return (1991)
12.     The star spangled banner (1991)
13.     Battle hymn of the republic (1991)
14.     This day (1991)
15.     Do you hear what i hear (1991)
16.     Jesus loves me (1992)
17.     Don’t cry for me (1994)
18.     Touch the world (1994)
19.     Exhale (1995)
20.     You were loved (1996)
21.    Count on me (1996)
22.     Joy to the world (1996)
23.     Step by step (1997)
24.     There’s music in you (1997)
25.    When you believe (1998)
26.    You’ll never stand alone (1998)
27.     God bless America (1999)
28.     America the beautiful (1999)
29.    Who would imagine a king (2003)
30.     I didn't know my own strength (2009)
31.     Nothing but love (2009)
32.     I look to you (2009)
    Và còn rất nhiều ca khúc nữa, trong đó, nhiều ca khúc đã trở thành hit lớn của Whitney như The greatest love of all, One moment in time, When you believe.
    Trong album debut mang tên mình phát hành năm 1985, Whitney đã cover lại ca khúc The greatest love of all (được thu âm lần đầu bởi ca sĩ George Benson vào năm 1977). Nội dung ca khúc nói về việc giáo dục trẻ em và khích lệ mọi người hãy luôn dựa vào chính bản thân mình, tự tìm lấy một “người hùng” trong mình để thành công trong cuộc sống, không phải dựa dẫm vào chiếc bóng của người khác. Ca khúc đã nhanh chóng nhận được sự yêu mến của công chúng, đạt vị trí số 1 tại Mỹ và Canada cũng như rất nhiều thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng khác. Không chỉ vậy, nó còn được đề cử giải Grammy năm 1987 cho hạng mục Record of the year. Video clip của ca khúc chính là hình ảnh Whitney lúc thơ ấu, được sự dẫn dắt của mẹ, cô bé đã miệt mài tập luyện với đam mê để cuối cùng được trở thành ca sĩ danh giá đứng trên sân khấu. Video này cũng giúp Whitney thắng một giải American Music Award cho hạng mục Favorite soul/r&b video single.

https://www.youtube.com/watch?v=IYzlVDlE72w

 Về mặt thương mại, ca khúc này bán ra được khoảng 2 triệu đĩa đơn và góp phần cho album debut của cô đạt vị trí kỉ lục album debut bán chạy nhất mọi thời đại với khoảng 25 triệu bản. Đây cũng là ca khúc được Whitney rất yêu thích, cô trình diễn nó hàng trăm lần trong suốt sự nghiệp của mình với nhiều phiên bản khác nhau, thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời của cô. Đáng chú ý nhất là phiên bản được trình diễn tại lễ kỉ niệm 25 năm hãng thu âm Arista năm 1989, nó được coi như màn live hoàn hảo nhất trong các màn live và được thu lại để cho vào album của hãng. 
https://www.youtube.com/watch?v=XS-BeP1Mb8I

    One moment in time là ca khúc được viết cho Thế vận hội mùa hè năm 1988, được Whitney thu âm tại Hàn Quốc. Có thể nói đây là ca khúc đậm chất “tráng ca” nhất. Tất cả mọi thứ, từ giai điệu, ca từ đến giọng hát đều mang một chất hùng tráng đến không tưởng. Bản thân tôi đã bị ám ảnh bởi ca khúc này từ lúc còn bé, mãi cho đến lớn tôi mới biết người hát nó là ai và kể từ lúc đó tôi bị mê mẩn bởi giọng hát của cô ấy. Nội dung ca khúc thật giản dị, đó là một lời ca khích lệ, động viên mỗi chúng ta hãy giữ niềm tin vào cuộc sống, hãy sống đầy nhiệt huyết, đam mê và biết vượt lên số phận để giành lấy thành công. Đừng gục ngã bạn ạ, hãy vượt qua tất cả bằng sức mạnh của chính mình! Tôi mê mẩn ca khúc này ở giai điệu của nó, như một thứ ma thuật kì lạ khiến tôi không thể dứt ra được. Tôi cảm nhận được sự vĩ đại và cả một bầu nhiệt huyết sôi sục chảy trong từng note nhạc. Mạnh mẽ nhưng không khô cứng như lời hiệu triệu mà lại da diết như một lời tâm tình. Còn cái cách mà Whitney thể hiện ca khúc mới tuyệt vời làm sao! Cô hát nó với chất giọng rất đặc biệt, dày nhưng lại ngọt ngọt và có chút gì đó nũng nịu mang hơi hướm đồng quê (nhưng không hề yếu đuối). Giống như mang cả một bầu trời vào giọng hát vậy. Tôi chỉ có thể nói rằng đó là chất giọng đẹp nhất của một nữ thần. Hãy để ý chỗ “when all of my dreams are a heartbeat away”, cái cách mà cô ấy nhấn và luyến vào chữ “are a heartbeat”, một cảm giác thật khó tả. Whitney đã trình diễn ca khúc này 3 lần, trong đó kinh điển nhất là màn live tại Grammy 1989 đã được chọn vào 1 trong 3 màn live hay nhất lịch sử Grammy và đem lại danh hiệu The Voice cho Whitney. Tôi cho rằng, chính nhờ màn biểu diễn này mà người ta phong tặng danh hiệu Diva cho Whitney. Như vậy, cô là diva đầu tiên của nhạc nhẹ (trước đó từ diva chỉ trao cho nữ ca sĩ opera). Nếu bạn xem màn trình diễn này, bạn sẽ choáng ngợp trước The Voice, cô bước ra trong bộ đầm trắng ôm sát, đứng trước cả một dàn nhạc phía sau nhưng lại rất tự nhiên, có thần thái của một ca sĩ có khả năng làm chủ sân khấu hoàn hảo. Đoạn cao trào, cô cất những note cao (Eb5, D5, C#5) thật khỏe khoắn, chắc nịch và vang rền cả khán phòng. Có thể nói kĩ thuật hát vang (resonance) và sự cân bằng giữa giọng ngực (chest voice) với giọng đầu (head voice) của Whitney trong màn live này đã đạt đến độ chuẩn mực. Bài hát được kết thúc bằng hai khúc long note C#5 chữ “free” kéo dài đến bất tận cộng hưởng với dàn nhạc đã diễn đạt trọn vẹn sức mạnh một con người. Chưa ai có thể hát được như Whitney ở khúc đó. Ca khúc cũng được đề cử một giải Grammy cho hạng mục Best pop vocal female. Về mặt thương mại, ca khúc đã phát hành được khoảng 1 triệu 500 nghìn đĩa đơn trên toàn thế giới. Đối với tôi, đây là ca khúc hát về thể thao hay nhất từ trước đến nay.

https://www.youtube.com/watch?v=b68AkJtjdPs

    Năm 1991, Whitney được lựa chọn để hát The star spangled banner – quốc ca chính thức của nước Mỹ tại sân vận động Tampa cho trận Super Bowl XXV. Mục đích của việc này để gây quỹ từ thiện cho binh sĩ tham gia cuộc chiến vùng vịnh Ba Tư và gia đình của họ. Cô xuất hiện rất giản dị và khỏe khoắn trong bộ đồ thể thao màu trắng trước 73.813 người hâm mộ. Không màu mè, hoa mỹ, nhưng ngay khi cất tiếng hát, cô dường như thu cả vũ trụ vào mình để rồi lại tỏa ra nhưng ánh sáng chói chang của niềm tin và chiến thắng. Cô hát quốc ca với tất cả lòng yêu nước và yêu hòa bình của mình. Trong bản quốc ca này, cô đã vận dụng những kĩ thuật hát đẹp của Bel canto (một dòng opera của Ý), với điều này tôi cho rằng Whitney là ca sĩ nhạc pop duy nhất đã vận dụng Bel canto vào nhạc pop. Giọng hát của Whitney lúc đó được ví như tiếng bom nổ, mạnh mẽ, nội lực, vang rền và tuôn ra như một dòng suối mượt mà. Những lúc cao trào, cô belting (đẩy giọng ngực) lên một cách khỏe khoắn, lướt những quãng head voice (giọng gió) cao vút đến E5 – A5, nhưng rồi lại hạ thấp giọng nhẹ nhàng như lời tri ân đến mọi người. Cô kết thúc ca khúc bằng khúc long notes 11 giây kéo dài chữ “brave” mãi mãi như tiếng gọi của hòa bình. Màn biểu diễn này đã thành công vang dội đến nỗi hãng thu âm Arista đã thu lại như một đĩa đơn và video trình diễn của Whitney. Màn trình diễn này đã thu hút được sự hưởng ứng rất tích cực từ tất cả các nhà phê bình âm nhạc, họ cho rằng đây là màn trình diễn quốc ca tốt nhất trong lịch sử âm nhạc và là chuẩn mực cho các ca sĩ hướng theo. Bản quốc ca này đã đạt được nhiều thành tích:
    Đứng thứ 59 trong top 100 khoảnh khắc vĩ đại nhất trên truyền hình do VH1 bình chọn năm 2002.
    Đứng thứ 12 trong top 100 khoảnh khắc làm rung chuyển truyền thông do VH1 bình chọn năm 2003.
    Đứng thứ 1 trong top 25 khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử âm nhạc do Rolling Stone bình chọn năm 2003.
Đứng thứ 8 trong top 100 khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử Super Bowl do ESPN.com bình chọn năm 2005.
Đứng thứ 7 trong top 10 khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử âm nhạc do TV Land bình chọn năm 2006.
Đứng thứ 2 trong top những màn trình diễn quốc ca hay nhất 40 năm lịch sử Super Bowl do USA Today Sports Weekly bình chọn năm 2007.
Đứng thứ 2 trong top 5 màn trình diễn hay nhất lịch sử Super Bowl do Blender bình chọn năm 2009.
Đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng BB hot 100 single (màn trình diễn quốc ca đứng cao nhất trên BB hot 100 single)
Về mặt thương mại, đĩa đơn của ca khúc đã phát hành được 1 triệu 200 nghìn bản chỉ tính riêng tại Mỹ, được RIAA chứng nhận (bản quốc ca bán chạy nhất lịch sử).
Beyonce và Lady Gaga cũng từng thừa nhận họ chịu ảnh hưởng lớn từ Whitney khi nghe bản quốc ca này.
Tôi không phải kẻ phản bội Tổ quốc, nhưng tôi cho rằng đây là bản quốc ca hay nhất mà tôi từng được nghe. Thậm chí vì quá đam mê mà tôi đã từng học hát theo lời bài hát và liên tục hát theo Whitney trong một thời gian dài.

https://www.youtube.com/watch?v=Z1QmeEdFOSc

    Năm 1998, Whitney đã song ca với diva đàn em Mariah Carey ca khúc When you believe. Đây là ca khúc được sáng tác bởi Stephen Schwartz dành cho phim hoạt hình “Hoàng tử Ai Cập” (1998). Bài hát này ban đầu do Sally Dworsky và Michelle Pfeiffer thể hiện trong phim, bản của hai diva có ở phần credit và được phát hành single. Nội dung bài hát là khích lệ lòng tự tin trong mỗi con người, giúp họ có thể vượt qua nhiều chông gai thử thách mà họ nghĩ mình không thể làm được miễn là họ có niềm tin vào cuộc sống, vào những “phép màu”. Trong bài hát này, Whitney thể hiện quãng trầm từ F#3 đến F#5, nhường lại những quãng gió cao cho Mariah Carey. Lúc này, giọng Whitney đã đi xuống nhiều, không còn mạnh mẽ và cao trào như trước đây, nhưng với sự tinh tế của một diva lão làng, cô biết cách truyền tải cảm xúc một cách hoàn hảo nhất mà không cần đến những note cao. Suốt phần hát đầu tiên, cô hát với quãng trầm, mượt mà như một dòng suối nhưng chen lẫn hơi thở khiến người nghe cảm thấy ấm áp trong tâm hồn. Dù trong bản song ca này, Mariah có vẻ vận dụng nhiều kĩ thuật hơn, nhưng tôi yêu sự bình dị, mộc mạc, chân thành và cảm xúc thấu tận tin gan trong tiếng hát của Whitney hơn. Tuy không thành công lắm ở châu Âu, nhưng bài hát rất có ảnh hưởng tại châu Á và nhận được một giải Oscar cho bài hát hay nhất trong phim, được đề cử một giải Grammy cho hạng mục Best pop collaboration with vocals. Nó cũng đạt vị trí thứ 14 tại bảng xếp hạng BB hot 100. Ngày nay, nó vẫn thường xuyên được sử dụng trong các cuộc thi cũng như các sự kiện âm nhạc. Nhờ ca khúc này mà chúng ta được chứng kiến màn song ca giữa hai diva của lịch sử nhạc pop.


https://www.youtube.com/watch?v=LKaXY4IdZ40

    Trên đây là bốn ca khúc động viên, khích lệ phổ biến của Whitney. Ngoài ra, Whitney còn hát rất nhiều bài hát sưởi ấm trái tim người nghe bởi cô là quà tặng từ Chúa, là sứ giả ban phát niềm tin và nghị lực bằng tiếng hát của mình. Dù cô ấy đã ra đi nhưng những khúc ca bất hủ ấy vẫn mãi vang vọng theo năm tháng. Tiếng hát ấy chỉ biến mất khi niềm tin không tồn tại nữa.

 

_Đức Long_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét